Thứ Sáu, 26 tháng 8, 2016

CHƯƠNG II_THUỞ MƠ LÀM VĂN SĨ



CHƯƠNG II

 
Tờ báo của chúng tôi thấm thoắt đã ra được đến số 5. Kiểm điểm lại thành tích hoạt động thì tôi đã viết được sáu bài thơ, ba truyện ngắn và một lô chuyện chọc cười trong lớp. Hòa cũng say mê không kém. Sách vở của hắn hồi này độ dầy bị lép hẳn đi vì hắn chuyên xé ở giữa để lấy giấy làm bản thảo thơ chọc cười và viết truyện kiếm hiệp.

Hậu quả chung cho cả hai đứa là trong bảng xếp hạng, đang từ hạng trên 20 tụt xuống khoảng dưới 40. Hôm cuối tháng xin chữ ký chứng nhận "đã coi" của gia đình, tôi bị ông cụ thân sinh xỉ vả cho một mẻ tối mắt, tối mũi. Còn Hòa thì hình như bị nặng hơn. Hắn không nói ra, nhưng ít lắm thì cũng bị nọc nằm ra giường lãnh vài thanh củi vào mông (ngày trước ở Hà Nội, mọi nhà thường hay nấu bếp bằng củi nên tụi trẻ thường bị đòn bằng thanh củi).
 
Rồi chủ nhật tuần ấy, ngu dại thay, tôi vẫn vác mặt lại "tòa soạn" tức nhà của Hòa để làm báo. Khi vào đến cửa tôi mới hay là hắn đang bị bố nặng. Thì ra hắn đã mang đồ nghề làm báo ra tô vẽ trong khi chờ tôi tới. Bà cụ của Hòa tuần lễ trước vẫn để cho tụi tôi lúi húi với nhau, nhưng lần này bà đã khám phá ra cái nguyên nhân khiến cho Hòa tụt hạng. Thế là chẳng báo với bổ gì hết, bao nhiêu hồ sơ bản thảo của chúng tôi bị bà xáo tung lên, xé xoàn xoạt. Vừa lúc đó thì tôi thò mặt vào. Lập tức tiếng quát tháo ào ra làm tôi khựng lại :

- Cậu về đi ! Tôi cấm cửa cậu ! Cậu làm hư thằng Hòa. Báo với bổ cái gì… muốn đi ăn mày cả lũ hả ?
 
Hòa cay cú lắm, nhưng sợ mẹ nên mặt cứ cúi gằm xuống không dám ngẩng lên. Còn tôi thì hết mở được mồm, cứ đứng như chôn chân một chỗ để chịu trận. Rồi thừa lúc bà mẹ Hòa cúi xuống gầm giường kiếm cái ống nhổ, thế là tôi co giò cút thẳng, không một lời chào.
 
Hôm ấy tôi vừa xấu hổ vừa buồn vô hạn. Cả một buổi sáng chủ nhật tôi đã đi lang thang hết phố này tới phố khác, rồi cuối cùng tôi ngồi một mình trên chiếc ghế đá trong sân tòa án Hà Nội (hồi đó ở đây có một khu vườn rất rộng rãi, lại có một con đường xuyên qua vườn để khách bộ hành có thể đi từ mặt tiền ở phố Rolland qua con đường Gambetta ở phía sau tòa án). Quanh tôi vắng ngắt không một bóng người. Tòa nhà to lớn trước mặt đóng cửa im ỉm. Quanh vườn, những hàng cây trơ trụi lá in hình dáng khẳng khiu trên nền trời đầy mây xám. Gió trong vườn lạnh ngắt thổi xì xào mang theo cái hơi băng giá của mùa đông đang chớm về.

Hà Nội đối với tôi bao giờ cũng đẹp nhất vào lúc tàn thu. Bầu trời mầu chì như thấp xuống. Cành cây như vươn cao hơn vì lá đã rụng nhiều. Khung cảnh bốn bề không sáng quá dưới ánh nắng thoi thóp của mùa thu sắp hết. Mọi vật chung quanh, từ những chiếc ghế đá trong công viên im vắng đến những cánh lá úa vàng lượn xào xạc trên thảm cỏ và những hàng cây cao đã xẫm mầu thêm ra, một mầu nâu điểm những vết mốc lốm đốm bạc, tất cả như đang xao động nhẹ nhàng để đón lấy cái lạnh gây gây nhẹ nhàng của mùa đông đang lén tới.

Trong khung cảnh ấy, giữa nỗi buồn đè nặng trong tâm tư, tôi càng cảm thấy mình tách lìa thực tế để thả hồn theo tiếng gọi thơ mộng của văn chương. Tôi đã nghĩ rất nhiều về câu chuyện đã xẩy ra. Tôi thấy coi thường cái "nhân tình thế thái" ở nhà Hòa vừa qua ! Bà mẹ của Hòa thì đã đành đi rồi. Một bà cụ nửa quê nửa tỉnh làm sao biết giá trị của văn chương. Nhưng thái độ cúi gằm mặt xuống của Hòa không dám ngẩng lên biện hộ giùm tôi lấy một lời, làm tôi thấy coi thường hắn quá.

Tôi đâu có làm hư hắn. Chính hắn tình nguyện hợp tác với tôi để ra báo đấy chứ !

Ừ ! Ít ra thì hắn cũng phải nhìn tôi, cũng phải chia sẻ với tôi cái sự nhục nhã mà tôi bị bà cụ hắn giáng xuống. Hoặc ít lắm thì cũng phải là một ánh mắt nhìn tôi với một vẻ như ngụ ý : "Mình gặp hoạn nạn chung. Cụ tớ nói gì thì nói, đằng ấy đừng để bụng nhé!". Thế thì mới được chứ ! Đàng này hắn sợ quá. Mặt hắn cắm xuống, bỏ mặc cho tôi chịu trận. Những câu : "Cậu về đi ! Tôi cấm cửa cậu ! Báo với bổ gì ! Muốn đi ăn mày cả lũ à ?", ôi chao, đối với tôi còn nặng hơn cả những thanh củi mà bà cụ phang lia vào mông của Hòa.

Càng nghĩ tôi càng giận đời. Tôi tự thề trong lòng là phải trả lời những tiếng nhiếc móc ấy bằng công việc. Tôi sẽ viết những truyện thật lẫy lừng. Tôi sẽ in tác phẩm của tôi. Rồi một ngày huy hoàng nào đó khi sự việc ấy xẩy ra, tôi sẽ trịnh trọng đến thăm bà, biếu bà tác phẩm của tôi trong có lời đề tặng đi kèm triện son đỏ chói: " Kính tặng cụ, viên gạch đầu tiên trên đường sự nghiệp của cháu."
 
Ối chà chà ! Chỉ cần nghĩ như thế là tôi đã thấy nhẹ tênh như chính mình vừa chống trả một cách oanh liệt những câu riếc móc đến rứt thịt vừa qua. Thế là lòng tôi lại tràn ngập cảm hứng. Tôi muốn được viết ngay lúc đó. Và giả sử nếu có sẵn giấy mực, tôi sẽ ngồi đây cả ngày để khởi thảo "viên gạch đầu tiên" của mình.

Hôm ấy tôi về thật trễ. cả nhà đã ăn xong bữa trưa. Tôi gặp ngay ông cụ thân sinh của tôi đứng xỉa răng ở đầu hè. Ông nhìn tôi bằng cái nhìn xoi mói từ đầu đến chân. Cặp mắt của ông nghiêm trang đến như có vẻ dữ dội. Rồi ông hỏi tôi:

- Đi đâu về ?
 
Tôi cố lấy giọng thản nhiên:
 
- Thưa, con ở nhà bạn về.
 
Lập tức ông đổi giọng quát tháo :

- Bạn với bè gì đi lang thang bỏ cả giờ cơm. Muốn trở thành du thủ du thực hả ?
 
Tôi vội vàng chối lia:

- Không ạ ! Con lại đằng thằng Hòa hỏi nó bài toán, rồi nhà nó có giỗ, nó giữ con lại ăn cơm luôn.
 
Ông cụ lại nhìn tôi từ đầu đến chân một lần nữa. Rồi như có vẻ xuôi tai về cái lý do tôi vừa nêu ra, ông liền quay vào sau khi nói sõng một câu:

- Liệu cái thần hồn đấy, không thì chết đòn.
 
Tôi thở ra một hơi khoan khoái. Chưa kịp hết mừng thì bà chị của tôi đã reo lên:
 
- A ! Cậu Tiến ăn cơm khách rồi hả ?
 
Tôi nhìn theo thấy ông cụ vẫn chưa bước vô nhà, đành nói to:
 
- Em ăn rồi ! Nhà thằng Hòa có giỗ !

Chị tôi cười ròn rã :
 
- Thế thì may cho cậu rồi. Ở nhà hôm nay cũng không có để phần cơm. Cụ vừa ra lệnh đứa nào bữa ăn không về, cho nhịn đói luôn !

Tôi thấy cơn tức đầy ứ lên cổ, lại thêm cái đói bắt đầu hoành hành, nhưng tôi vẫn vênh váo:

- Em việc gì phải nhịn đói. Giỗ nhà nó to, giết cả mấy con gà, ăn căng bụng không hết.

Nói rồi tôi vùng vằng đi vào. Cái sự nhà không để phần cơm cho tôi làm tôi đói thêm lên. Bụng tôi cồn cào. Hai chân, hai tay bắt đầu thấy run. Trong tình thế này muốn hết run thì chỉ có cách là đi pha một ly nước trà đường. Nhưng xui xẻo thay, lúc sờ tới hũ đường thì chỉ còn thấy mấy con kiến đen chạy nhốn nháo ở dưới đáy lọ, y hệt cái cảnh nhà vừa dọn đi, đồ đạc trống rỗng, trẻ con nhẩy múa huỳnh huỵch từ phòng này qua phòng khác một cách tự do như gió trời.

Ngày hôm sau đi học lại, tôi đã chờ đợi cái giây phút bi thảm mà tôi biết là nó sẽ tới. Quả nhiên vừa gặp tôi, Hòa đã nói bằng một giọng buồn rầu:

- Mẹ tớ ra điều kiện là trong 3 tháng liền nếu đứng từ hạng 5 trở lên thì mới được cho cậu tới chơi. Còn từ nay tới đó thì… thì…

Tôi tức giận, nói ngay:

- Tớ đếch cần… Sẽ không bao giờ tớ tới nhà cậu nữa.

Hòa cười gượng gạo:

- Tớ sẽ cố. Tớ sẽ vượt tụi nó để lên hạng 5…

Câu nói của Hòa làm tôi thương mến hắn. Cơn giận vừa ùa đến đã vụt tan đi. Dẫu sao thì Hòa cũng có nhiều tình cảm với tôi. Những lời hứa của Hòa là một cách biểu lộ cái tình cảm ấy. Còn khả năng của Hòa thì tôi dư biết. Trong suốt mấy tháng đầu của niên học, chưa bao giờ tôi và Hòa đứng hạng trên 20. Thường thường, Hòa ở vào khoảng từ 25 đến 30. Còn tôi thì tệ hơn hắn nhiều, không biết sao con số 42 cứ có duyên với tôi hoài, có khi hai tháng liền tôi đứng ở hạng 42. Có tháng tôi lên được thứ 37, nhưng tháng rồi lại tụt xuống 45. Đó là kết quả của những ngày tôi bỏ học bài, bỏ làm toán để ngồi sáng tác đến 2, 3 giờ đêm.

Những lần trước, cầm bảng xếp hạng về xin chữ ký, tôi chỉ băn khoăn trước lúc trao cho cụ thân sinh trong vòng nửa giờ. Và sau khi nghe bài "luân lý giáo khoa thư" của cụ chừng mươi mười lăm phút là tôi đã lại chứng nào tật ấy. Nhưng trường hợp của Hòa vừa xẩy ra khiến tôi suy nghĩ nhiều hơn. Những lời khuyên bảo của cụ tôi như lại vẳng lên, có khi giận dữ, có khi ngọt ngào, nhiều lần trước cái tính lì lợm lười biếng của tôi, cụ nói chán rồi trở thành giận hờn: "Có thân thì lo đấy. Không biết lo thân, sau này ra đầu đường xó chợ, đừng có oán ai hết nhớ".

Thông thường, bảng ghi điểm đem về nhà, phụ huynh chỉ cần ký tên là đủ. Nhưng đối với cụ tôi thì khác, trước khi ký tên, bao giờ cụ cũng viết thêm lời phê gồm nhiều điều. Tháng nào tôi đứng hạng vừa vừa thì cụ phê ngọt ngào :" Hãy biết chăm chỉ học hành để khỏi phụ công ơn của thấy giáo và lòng kỳ vọng của cha mẹ". Tháng nào giận quá, cụ chỉ vắn tắt có một câu : "Bé không học, lớn làm gì ?"

Trong hoàn cảnh ấy, tâm trạng của tôi thật rối bời. Một mặt, tôi đã thấy rõ sự bê bết của tôi trong lớp học. Mặt khác, việc sáng tác văn chương đối với tôi vẫn có sự hấp dẫn lạ kỳ. Trước khi có vụ của Hòa xẩy ra, tôi đã lựa chọn văn chương để vùi đầu vào sáng tác, lòng không chút thắc mắc. Nhưng bây giờ thì tôi phải xét lại.

Sau nhiều giây phút đắn đo, tôi đã tìm được giải pháp dung hòa. Nghĩa là không bỏ cái này mà cũng không chỉ mài miệt với cái kia.

Tôi đã thiết lập một thời khắc biểu như sau :

Sáng :
6 giờ : Dậy.
6g-6g30 : Tập thể dục.
7g-10g : Học bài, làm bài (nếu đã thuộc bài trước hạn định thì đi chơi)

Chiều :
 Đi học.
 
Tối :
7g30 -9g : Học bài làm bài.
(Sau 9 giờ, nếu có ý gì để sáng tác thì ngồi viết đến 11giờ. Nếu không thì lôi truyện ra đọc)

Ngay dưới tấm bảng ghi Thời Khắc Biểu, tôi còn tự "trấn an" mình bằng cách kẻ thêm một câu Pháp ngữ vốn thông dụng trong giới học trò thời đó : " Vouloir c'est Pouvoir" (dịch quá lên, thì ra là : Muốn là Được!")

Việc tu chỉnh lại lề lối làm việc đã khiến tôi cảm thấy nhẹ nhõm đi rất nhiều. Kết quả đầu tiên ngay trước mắt, không phải chờ đợi chi xa xôi lâu lắc, là bài Sử Ký của thầy Huỳnh cho tuần trước, tôi đã học thuộc trơn tru một cách hiếm có. Bao nhiêu niên biểu, bao nhiêu tên các nhân vật lịch sử, bao nhiêu địa danh, toàn là những thứ khó nhai, vậy mà tôi đã vượt qua một cách dễ dàng.

Hóa ra việc học không thật sự buồn chán như từ lâu tôi đã từng nghĩ như thế. Vấn đề cốt yếu là tôi đã tách rời được việc học ra khỏi những mối cảm nghĩ bùng nhùng cứ theo đuổi tôi ở bất kỳ công việc nào trong ngày. Như thể, trong những ngày trước, khi đang làm bài Toán thì tôi lại lo nghĩ vẩn vơ đến bài Cách Trí chưa học. Thế là tôi bỏ vở Toán, đi lấy vở Cách Trí ra coi. Nhưng mới chỉ liếc qua được vài ba trang, giữa những dòng chữ buồn nản của bài học, tôi lại thấy nẩy ra những lời những ý mà tôi đang sắp xếp cho một câu chuyện sắp sáng tác. Rồi cơn hứng trỗi lên, tôi đã bỏ cả Toán lẫn Cách Trí để xé vở xoàn xoạt ra ngồi viết câu mở đầu cho tác phẩm. Rồi câu mở đầu còn đang lủng củng giữa lời và ý thì bài Toán đố lại hiện ra xen với cặp mắt sắc như dao của thầy Huỳnh cùng nét bút đỏ của thầy vẫn thường ghi con số zéro to, tròn, mầu đỏ như son trong cột điểm.

Thế là bao nhiêu hứng thú bỗng tiêu tan, tôi lại trở về đánh vật với bài Toán đố. Thường thường thời giờ của tôi đã trôi qua rất mau vì cái cảnh loay hoay như thế, mà cuối cùng thì bài Toán cũng không tìm ra đáp số, bài Cách Trí không thuộc và đến cả cái truyện muốn viết cũng chẳng bôi ra được quá nửa trang. Cho nên cái sáng kiến lập “Thời khắc biểu” đã cứu nguy tôi ra khỏi cảnh loay hoay đó. Thời giờ đã ấn định rõ ràng, nên định làm việc gì thì tôi chỉ chuyên tâm vào việc đó. Tôi thấy thảnh thơi và giải quyết công việc một cách dễ dàng hơn.

Chiều hôm ấy, một lần hiếm có trong đời cắp sách, tôi mong cho kẻng mau đánh sớm báo giờ vào học. Và cũng là một lần hiếm có tôi dám ngang nhiên nhìn thẳng vào ánh mắt sắc lẻm của thầy Huỳnh. Những buổi khác, giờ khác thì ôi chao, mỗi lần thầy chiếu tướng xuống khu xóm chỗ tôi ngồi là y như tôi vờ quệt mũi hay dụi mắt, hay làm một cái gì đó để nhìn lảng đi chỗ khác.

Vào giờ học, kẻ bị truy bài đầu tiên là một anh mang vần A ngồi ở đầu bàn. Anh ta ậm ọe được hai dòng đầu thì đã bị thầy xách cái tai lên, xoắn cho ba vòng rồi đẩy tuốt vô góc lớp chờ đủ "túc số" sẽ được đem ra "làm lông" luôn thể.

Anh thứ hai ngồi ngay bàn phía trên của tôi, đang rì rầm ôn bài học như một nhà tu hành chính hiệu tụng kinh, lúc bị kêu đến tên, anh giật bắn người lên, hai tay run quá đến nỗi đánh rớt cuốn vở đến hai lần. Tới lúc phải quay mặt nhìn xuống lớp học để trả bài thì anh ta tịt mít như pháo tịt ngòi, hầu như chưa hề có một chữ nào lọt vô đầu mình hết. Giỏ câu của thầy Huỳnh thế là lại thêm một "chú" nữa.

Tội nhân thứ ba bị ra trước vành móng ngựa đích danh là văn sĩ kiếm hiệp của bổn báo Bút Học Trò. Lúc cái tên "Đỗ Hòa" được xướng lên thì Hòa mới cuống quýt đi lục vở. (Cử chỉ này của Hòa làm tôi nể hắn luôn, vì chắc hắn phải thuộc bài lầu lầu nên mới không cần mang vở ra ôn lại trước khi thầy Huỳnh gọi học trò lên trả bài).

Sự chờ đợi của thầy làm hắn ta hơi luống cuống. Hắn bới mãi trong hộc bàn mới tìm ra cuốn vở xẹp lép (chắc xé lấy ruột để làm báo nhiều dữ). Cuốn vở nằm giữa các tập truyện toàn là những thứ như Thuyết Đường, Thủy Hử, Thất Quốc Chí, La Thông Tảo Bắc…v.v…

Tập vở mỏng của Hòa bị thầy Huỳnh "úm" ngay khi hắn vừa khép nép để trên mặt bàn. Thầy phát giác ra ở 2 mặt bìa trong Hòa đã vẽ toàn tranh kiếm hiệp. Tranh nào cũng diễn tả hai kiếm khách giao đấu với nhau, một bên là tráng sĩ chít khăn võ sinh, ở mang tai có gài một bông hoa, ngón tay trỏ của tráng sĩ đang phun ra một luồng kiếm quang. Còn bên kia là một đại hán, mặt đen sì, râu chổi sể đang phun ở mồm ra một luồng kiếm quang khác, mé bên dưới bàn tay của đại hán còn phóng ra bốn, năm cái ám khí, toàn một loại "hắc kim tiêu" mà Hòa đã có lần giải thích với tôi rằng đó là những mũi tên vàng có tẩm thuốc cực độc !

Nhưng thầy Huỳnh chưa kịp ban ra hình phạt thì Hòa đã liến láu cất giọng đọc bài. Hắn tuôn một hơi toàn thể bài học nghe rất chơn chu không hề ngấp ngứ hay vấp váp. Quả là đáng nể thật, đây hẳn là thành quả của cái sự giã từ nghề văn, nghiệp báo của hắn ta. Điều này đã khiến cho thầy Huỳnh tỏ ra hài lòng, rất hài lòng. Cặp mắt sắc như dao của thầy trước đang nhíu lại vì sự giữ gìn sách vở bê bối của Hòa, bây giờ đang giãn ra một cách thấy rõ. Với vẻ tươi tỉnh hài lòng hiện trên nét mặt cương nghị , thầy ngoạch cho Hòa một con số vào trong sổ điểm.

Lợi dụng lúc thầy đang vui, tên Hiệp ngồi ở bàn đầu nhổm ngay lên, ngó thật nhanh, rồi quay lại xòe 7 ngón tay cho tất cả bọn tôi được rõ. Chà ! 7 điểm bài học đối với thầy Huỳnh là một sự chi tiêu hoang phí. Đó là một chuyện lạ vì thông thường, thầy chỉ cho tới 6 điểm là cùng. Cái lạ đó làm cho bọn chúng tôi hơi ồn ào. Sự ồn ào khiến thầy vụt ngẩng lên, bắt gặp đúng lúc tên Hiệp đang múa tay làm trò. Thế là cu cậu bị túm ngay lên bảng.

Thầy xách cái tai của Hiệp lên và hỏi :

- Làm cái trò gì thế ?

Hiệp đau quá chỉ trả lời được bằng những tiếng "ái... ối…con lậy thầy…" nghe vang cả lớp. Cả bọn chúng tôi được hưởng một màn vui thú bất ngờ nên đứa nào cũng cười khoái chí nhìn Hiệp đang chịu cơn hoạn nạn với tất cả vẻ hả hê, như quên phắt hẳn cái công của Hiệp là đã gồng mình lên, dòm trộm sổ điểm và thông báo cho biết về số điểm của Hòa. Đã thế, còn có đứa độc mồm xúi thêm : "Nữa đi thầy !".

Nhưng rồi màn vui chợt tắt ngóm khi cả lớp nhìn thấy mặt của Hiệp trở nên đỏ rừ, cái mồm méo đi, và hai hàng mi đã bắt đầu trào nước mắt. Bầu không khí vui vẻ chỉ ùa lên như một cơn gió thoảng rồi vụt trở lại nặng nề cho đến khi tất cả lớp trở nên im phăng phắc, thầy mới buông cái tai của Hiệp ra. Một bên vành tai của hắn bây giờ không còn là mầu đỏ nữa mà đã ngả sang mầu tím.

Ôi chà ! Tôi cũng đã có lần được nếm cái mùi đi ô-tô-ray này rồi (autorail=một loại xe lửa chạy bằng dầu cặn, nhanh và êm hơn loại chạy bằng hơi nước nhiều). Tai tôi đã bị ù lên suốt một ngày trời. Vành tai buốt thon thót. Còn kinh khủng hơn là ngồi trên ô-tô-ray mở hết cửa sổ cho gió lùa vào tai khi tầu phóng với tốc độ trên trăm cây số giờ. Đó là cách ví von của bọn chúng tôi thời ấy, chứ thật ra, cả đời chúng tôi đã được bước chân lên ô-tô-ray bao giờ đâu ?

Sau hình phạt ấy, thầy Huỳnh gấp sổ điểm lại, không truy bài nữa. Cả lớp thở phào như vừa cất được gánh nặng. Chỉ có riêng tôi là tiếc đùi đụi. Lâu lắm tôi mới thuộc bài trơn tru một lần. Lâu lắm tôi mới lại có cảm giác nhấp nhổm chỉ mong cho ngòi bút đỏ của thầy dò xuống vần T. ở cuối sổ điểm. Vậy mà không được thi thố tài năng để kiếm con 7 ngon ơ thì có phải là phí của giời không. Thế là toi một lần học thuộc bài cẩn thận, rõ uổng vô cùng.

Buổi tan học hôm ấy, tôi vẫn đi bên Hòa và nói :

- Bài Sử ký, tớ cũng thuộc lầu.

Hòa nhìn tôi không đáp nhưng mỉm một nụ cười vẻ chế giễu, không tin. Tôi cáu quá, đọc một lèo cho hắn nghe. Hắn hơi ngạc nhiên và lần này nhìn tôi bằng ánh mắt khác, như thể tôi là một kẻ xa lạ không còn là đứa chuyên chỉ học bài một cách ngấp ngứ đã ném sách vở vô cặp rồi. Hòa hỏi :

- Cậu nghỉ sáng tác rồi hả ?

Tôi vênh mặt lên:

- Đếch ! Việc gì mà phải nghỉ nhỉ. Tớ viết còn hăng gấp mười nữa kìa (nói khoác với hắn thế cho bõ ghét!).

Hòa kêu lên:

- Ái chà, sang nhỉ ! Vẫn học “cẩn tó” lại vừa có thể viết văn được à ?

- Được đứt đuôi đi chứ, sao không.

- Nói phét !

- Ừ ! Cậu không tin thì thôi. Nhưng tớ nói cho cậu hay, tớ vẫn viết, vẫn học được như thường.

- Còn tờ báo thì sao ?

- Dĩ nhiên là vẫn ra chứ ! (nói phịa vậy chứ, tới lúc đó tôi cũng chưa dứt khoát là có ý định tiếp tục làm báo hay không).

- Cậu vẫn lấy tên là Bút Học Trò hả ?

- Đời nào ! Tớ sẽ ra báo của riêng mình tớ thôi !

- Tờ gì ?

- Bí mật ! Chờ vài hôm nữa sẽ biết.

Không ngờ lời nói chuyện tầm phào ấy lại lôi kéo tôi trở về với ý định ra tiếp một tờ báo khác, tờ báo của riêng tôi, không liên hệ tới ai, không phải bàn soạn với ai hết. Tôi muốn cho Hòa sáng mắt ra, rằng không có hắn thì tôi vẫn làm được báo như thường !

Thế là buổi tối hôm ấy tôi hì hục ngồi vào bàn làm việc. Bỏ luôn bài Địa Lý hôm sau phải đọc, bỏ cả bài tập vẽ truyền chân mà thầy Huỳnh cho từ tuần lễ trước. Mỉa mai thay, cái Thời Khắc Biểu do tôi trịnh trọng tô vẽ, trình bầy mới vài hôm trước còn chưa ráo mực thì bây giờ lại nằm trêu ngươi ngay trước mặt.

Một ý tưởng áy náy chạy thoảng qua. Tôi định xếp giấy nháp lại để đi học bài. Nhưng tính hiếu thắng của tôi lại mạnh mẽ hơn. Tôi không thể chịu đựng được khi tưởng tượng mai mốt tên Hòa nhìn tôi, với cái cười nhếch mép đầy khinh mạn của hắn và hỏi:

- Báo đâu ? Cậu làm đếch gì mà ra được báo. Không có tớ thì còn sơi ! (tức là còn khuya, tiếng bây giờ).

Vả lại cứ cố gạt ra để học thì không nói, chứ việc làm báo đối với tôi vẫn còn hấp dẫn lắm. Khi đã trải những tờ giấy trắng trước mặt, bút mầu, dụng cụ vẽ để la liệt trên bàn, thật khó mà có thể dẹp đi để làm công việc buồn nản khác như học bài Địa Lý hay Cách Trí chẳng hạn. Thế là suốt buổi tối hôm ấy, tôi đã phác họa một mình tờ báo của riêng tôi. Tôi lấy tên báo là tờ Bút Mới. Và tôi đã viết một bài phi lộ với lời lẽ đại ý :

" Cáo lỗi cùng độc giả toàn quốc : Vì tờ Bút Học Trò gặp trở lực lớn lao trên trường văn, trận bút nên phải đình bản và thay thế bằng tờ Bút Mới. Chúng tôi quyết san bằng mọi khó khăn nguy khốn để đáp lại thịnh tình của bạn đọc bốn phương, đồng thời nỗ lực đóng góp vào công cuộc phát huy tương lai văn hóa dân tộc !"

Ái chà chà, bài phi lộ nghe kêu như trống trận, ai có biết đâu trở lực lớn lao, gian nan nguy hiểm mà tôi nói trên chỉ là bà cụ thân sinh ra Hòa một phần lớn và những lời trách móc của Ba tôi một phần nhỏ.

Lần này báo của tôi ra những 4 ấn bản. Đấy là "một sự tiến bộ trong ngành ấn loát của nền báo chí nước nhà " mà tôi cũng đã trân trọng loan báo tới độc giả bốn phương trong bài phi lộ.

Sở dĩ báo của tôi hơn báo của Hòa tới 3 bản là vì tờ Bút Học Trò chép tay bằng bút mực. Chép bút mực thì chỉ được một bản thôi là dĩ nhiên rồi. Còn tờ Bút Mới của tôi chép bằng bút chì chuốt nhọn trên giấy pelure (loại giấy mỏng để viết thư), ở dưới tôi để thêm 3 bản nữa có lót giấy than (carbone) đánh máy. Khi chép cứ ấn tay thật lực là ba bản dưới cũng sẽ rõ… như ban ngày ! Mỗi trang chép xong xuôi tôi lại cắm bàn ủi điện chờ nóng rồi chà lên thật kỹ. Độc giả bốn phương sẽ không bị lem tay khi cầm tờ báo lên đọc. Thật là một phát minh mới trong thời đại mới !

Tôi có thể nói một cách không mấy khiêm nhường rằng tôi là một kẻ luôn luôn cầu tiến. Mặc dầu so phần hình thức của tờ Bút Mới với tờ Bút Học Trò, thì tờ của tôi đã tiến bộ lên gấp 4 lần (tức là đã có 4 ấn bản lận), nhưng tôi vẫn chưa hài lòng. Tôi muốn cho văn chương phú lục của mình được phổ biến rộng rãi nhiều hơn nữa, nên chỉ trong vòng 5 số đầu, tờ Bút Mới đã thoát xác thêm một lần nữa. Tôi đã chuyển tới tay Hòa một tờ quảng cáo làm cho hắn phải ngẩn ngơ :

" Bút Mới xin long trọng báo tin để độc giả bốn phương được hay, kể từ số sau, nghĩa là tới số 6, Bổn báo sẽ trình diện một hình thức ấn loát mới : Chữ viết tay đẹp như rồng bay phượng múa với đủ loại nét viết thường, viết rông, mà báo lại sạch sẽ, không lem luốc, bẩn thỉu khi mực dính ra tay, đặc biệt mỗi kỳ ra 50 ấn bản toàn bài vở đặc sắc, hấp dẫn !

Một tiến bộ vượt bực mà trong làng báo học trò chưa một tờ nào sánh nổi.

- Hàng chục chuyên viên đang làm việc (!)

- Nhiều cây bút đang cặm cụi sáng tác.

"Tất cả đều phục vụ cho độc giả bốn phương.

XIN ĐÓN COI KẺO LỠ RẤT UỔNG !!! "

Khỏi cần nói, các bạn cũng hiểu rằng anh bạn Hòa quý báu và ưa tò mò của tôi nôn nóng đến mức nào sau khi đọc tờ quảng cáo viết trên giấy do tôi xé ra từ vở học trò. Nhưng bí mật quân sự, không đời nào tôi cho hắn rõ tôi đã âm thầm sửa soạn như thế nào. Trên đường về học, hắn chỉ còn biết hỏi lân la:

- Báo của cậu liệu có ra đúng được 50 ấn bản không ?

- Sao lại không ! Nếu muốn, tớ có thể "in" 100 ấn bản cũng được.

- Nhưng báo viết tay chứ ?

- Viết tay đứt đuôi đi rồi.

- Tờ nọ có giống hệt tờ kia không ?

- Hệt là cái chắc !

- Hừ, nếu vậy thì cậu làm thế nào hở ? Cho tớ biết với !

- Bí mật nhà nghề. Đúng thứ Bẩy ngày 15 tớ sẽ phát hành. Chừng đó cậu sẽ rõ.

Hòa tức lắm, nhưng không thể dò hỏi gì hơn. Hẳn trong lòng hắn cũng đang nổi máu anh hùng muốn ra một tờ báo khác chọi lại tờ báo của tôi. Nhưng Hòa rất sợ mẹ. Chính vì thế mà dù háo hức đến đâu hắn cũng cố dằn lòng để học hành cẩn thận. Cuối tháng đó, hắn lên thứ 15 còn tôi tụt xuống thứ 45. Đó là kết quả của những ngày tôi đã xé bỏ tờ Thời Khắc Biểu do chính tôi ấn định để vùi đầu vào việc ấn loát cho tờ Bút Mới theo kỹ thuật mới.

Đó là kỹ thuật in thạch bản mà tôi học được từ một huynh trưởng Hướng Đạo. Dụng cụ ấn loát gồm có :

- Thạch trắng (trong Nam gọi là xu xoa, loại mầu trắng)

- Phẩm tím loại tốt, thứ nhìn vô thấy có ánh xanh biếc. Loại này thường bán ở các tiệm tạp hóa, dạng từng viên nhỏ như những hạt ngô, mầu ánh biếc, cho vào nước ấm sẽ tan thành thứ mực mầu tím rất đậm.

- Giấy tầu bạch tức loại giấy in báo, dễ thấm nước để dễ hút mực vào.

- Nồi thổi cơm và mâm đồng hay mâm nhôm.

Thạch trắng đem về thả vô nồi thổi cơm, đổ nước tới lưng lưng rồi đun cho thạch tan hết. Sau đổ nó ra mâm cho thạch đông lại. Gặp trường hợp lúc đã đông rồi mà thạch còn cứng ngắc hay vẩn lên những sợi gân trắng, ấy là vì cho ít nước quá, hay nấu chưa tan, mực sẽ không bị hút vào thạch. Phải cho thêm nước rồi nấu lại.

Khi thạch trong mâm đã nguội hẳn, lấy tay day day trên bề mặt cho mặt dưới tiếp xúc với mâm long hết chân ra. Sau đó úp ngược mâm xuống một tờ báo cũ trải rộng trên mặt bàn phẳng phiu rồi lấy ngón tay khẽ lách vào vòng quanh mép mâm. Tất cả mâm thạch sẽ rớt xuống mặt báo. Đáy mâm thạch sẽ là bản để in. Ta không thể dùng mặt trên mâm thạch để in được, vì khi đổ thạch nóng vào mâm, trên mặt sẽ đóng một lớp váng mỏng, không ăn mực.

Nội dung tờ báo thì sẽ được viết hay vẽ trên giấy trắng bằng mực tím pha đặc (lúc mực khô, khi nghiêng tờ giấy mà thấy những dòng chữ có mầu ánh xanh biếc là được). Bấy giờ mới đem úp tờ giấy đã viết lên mặt mâm thạch. Nếu báo khổ nhỏ thì mặt mâm thạch có thể úp lên 2 trang báo. Do đó, nếu báo dầy 16 trang thì phải nấu tới 8 mâm thạch. Thật là tử công phu !

Mực tím trên trang giấy sẽ được thạch hút vô. Nhớ xoa xoa tay trên mặt giấy để mực được ăn xuống đều, lúc in sẽ không bị chỗ đậm chỗ nhạt. Chừng vài phút sau, bóc tờ giấy ra, trên mặt thạch sẽ có một trang báo có chữ bị ngược, sẵn sàng để in.

Giấy in là giấy tầu bạch tức giấy in báo được cắt theo khuôn khổ của trang báo có khuôn khổ đã dự trù, và bây giờ được đem đặt lên mặt thạch. Lấy tay vuốt nhẹ lên mặt giấy, mực tím sẽ từ mâm thạch truyền sang giấy in, và thế là ta đã "in" xong một trang báo. Trung bình một bản thạch có thể in từ 30 đến 50 tờ, sau đó thì mực tím sẽ nhạt đi, chữ không còn rõ nữa.

Tuy nhiên bản thạch sau khi in rồi, có thể cho vào nồi nấu lại để in tiếp chứ không cần phải thay bằng thạch mới. Chỉ khi nào sau năm bẩy lần xài, mầu thạch bị xẫm lại, tức là trong thạch đã chứa nhiều mực tím, có thể khi in sẽ ăn sang toàn trang báo thì lúc đó mới cần thay.

Duy có một điều bất tiện là mực tím khi đem nấu trong nồi thổi cơm thì mực sẽ tan ra, bám vô thành nồi hay mặt mâm, dù có chà rửa cách chi cũng không thể sạch hết. Đó là một khuyết điểm khá lớn trong phương pháp ấn loát của tôi ( và tôi cũng tìm được phương cách khắc phục, sẽ nói ở phần dưới).

Vì tôi đã dùng nồi thổi cơm của cả nhà để nấu thạch in báo nên một hôm, trong bữa cơm trưa, bà chị của tôi nhìn bát cơm trắng mọi ngày bỗng sao hôm nay lại thấy nó ngả mầu xám xám.

Ôi chao ! Vận xui “áo xám” gì đã tới cho cả nhà đây ? Bà chị tôi xanh mặt lại vì hồi xưa ai cũng có niềm tin là nồi cơm mà đổi mầu xám là nhà sẽ gặp đại họa. Vậy vận xám đã đến với nhà tôi thật rồi. Chị tôi quẹt một mẩu cơm lên đầu đũa cả rồi đem đi cùng khắp hàng xóm để phân vua:

- Rõ ràng gạo nhà tôi là gạo mọi ngày, tôi vo kỹ ba, bốn nước, nước để nấu là nước máy trong veo, vậy làm sao mà nó… xám được ???

Theo lời khuyên của chòm xóm, chị trút cả nồi cơm vào nồi nước gạo rồi đem nồi ra cọ rửa kỹ lưỡng để nấu thử nồi khác. Báo hại, lúc lùa cái giẻ cọ nồi làm bằng quả mướp khô để chà mạnh vào thành nồi, chị tôi mới phát giác ra cái giẻ dính đầy cặn dơ và phẩm tím ! Thế là bao nhiêu nghi vấn về điềm gở, vận xui đều tiêu tan. Tuy thở phào nhẹ nhõm nhưng bà chị tôi cũng vẫn nghi rằng đích danh thủ phạm vụ này không ai khác hơn thằng em có nhiều thành tích bất hảo trong nhà, là tôi. Nhưng hình như đã chót xé to cái vụ vận xui này với hàng xóm nên chị không dám hó hé gì mà chỉ kéo tôi xuống, củng cho một cái nên thân vô đầu và hỏi :

- Buổi sáng lúc chị đi chợ, cậu có đem nồi ra đun gì không ?

Tôi ấp úng :

- Em… em…

- Còn tính chối nữa ! Cậu nấu phẩm tím bằng nồi thổi cơm, phải không ?

Tôi cãi lại :

- Em đâu có nấu phẩm tím. Em nấu thạch đấy chứ.

- Nấu thạch làm gì ?

- In báo… thạch in báo !

- Lại báo với bổ rồi bỏ cả học hành. Chị sẽ mách bố cho mà coi.

Bữa cơm trưa hôm ấy trễ mất gần một giờ đồng hồ. Chị tôi đổ lỗi cho tôi đã làm hỏng cả một nồi cơm vì dính phẩm tím. Thế là ông cụ xách cái chổi lông gà ra khện cho tôi một trận nên thân. Nhưng may quá, mớ báo của tôi đã in xong rồi và tôi đã kịp di tản chúng nó xuống dưới gậm giường, không có một số báo nào bị phát giác để tịch thu hết ! Thế là tôi như mở cờ trong bụng, mặc dầu cả ngày hôm ấy cái mông của tôi vẫn còn buốt thon thót vì năm bẩy con lươn nổi lên đỏ ửng xuống tận đùi.

Buổi ra mắt tờ Bút Mới với kỹ thuật in mới gây sôi nổi khắp lớp học. Báo dầy 12 trang, khổ giấy học trò, in rất rõ và đẹp. Tôi đề giá 2 đồng mỗi số, bán vèo một cái là hết 2 chục số. Tính sổ lại, tôi thấy :

VỐN : Một nửa lạng thạch 20 đồng, phẩm tím 3 đồng, giấy tầu bạch 10 đồng. Tổng cộng 33 đồng.

THU : 20 số x 2 đ = 40 đồng.

LỜI : 7 đồng và 10 số báo vừa biếu vừa giữ làm kỷ niệm.

(Không kể tiền nhuận bút bài vở, công chép, công in, công rửa nồi, mâm, củi lửa, đóng xén…v.v... Ồ ! những thứ nhỏ nhặt đó không nên tính toán, vì tôi chỉ cần phụng sự nghệ thuật !)

Sau đó tôi đã phác họa một lề lối làm việc qui mô, "khoa học" hơn, bất cần tới cái phương tiện nồi niêu, xoong chảo của bà chị tôi nữa. Tôi sắm riêng cho tôi một cái nồi đất cỡ nồi kho cá Thu cho cả nhà, và ghếch nhờ nơi góc bếp. Như thế thì thạch thiếc, mực miếc có dơ bẩn cũng chẳng còn liên hệ tới ai. Còn cái mâm đồng bầy thức ăn thì tôi cũng thay thế bằng một loại khay làm bằng tôn, khuôn khổ vuông vức vừa vặn bằng một trang báo mà tôi đã đặt làm ở phố hàng Thiếc, gần phố nhà tôi. Với những cái khuôn này, tôi tiết kiệm được rất nhiều thạch trắng, vì nếu dùng mâm tròn, thạch ở quanh bốn rìa mâm không làm bản in một trang báo được vì nhỏ quá, phải xắt bỏ để sau đem nấu lại.

Duy chỉ có tay chân, quần áo của tôi là thảm hại nhất. Mực tím dây ra tôi từ đầu xuống chân. Sơ mi trắng của tôi không cái nào mà không có lấy dăm bẩy vệt mực tím. Hôm bà cô họ tôi tới thăm, thấy tôi lem luốc quá, bà cất tiếng khen:

- Thằng này học chăm quá ! Nhìn nó chỗ nào trên người cũng dính mực !

Bà chị của tôi bụm miệng cười rồi nói :

- Vâng… nó chăm lắm đấy ạ, nhưng thợ nhuộm thì cũng dính nhiều phẩm tím đến vậy là cùng.

Mặc dù chị tôi có nhạo báng thế nào thì báo của tôi cũng ra đều đặn được hàng tuần. Số độc giả tăng thêm 5 vị nữa, vị chi là 25 người. Tôi lời đứt đuôi đi mỗi tuần 17 đồng, dư tiền ăn bánh rán nhân đậu xanh mỗi giờ ra chơi.

Nhưng nếu cuộc đời cứ dễ dãi trôi chẩy nhột cách êm xuôi như vậy thì còn gì để nói. Đàng này, báo của tôi ra loại mới chỉ được đến số thứ 5 thì một biến cố xẩy ra làm tôi choáng váng.

Số là vào thời kỳ đó, tổ chức Học Sinh, Sinh Viên chống Pháp dưới danh nghĩa Ủy Ban Kháng Chiến Sinh Viên Học Sinh Đô Thành bắt đầu hoạt động mạnh mẽ. Họ cũng in và phổ biến các loại truyền đơn, các tài liệu học tập truyền tay bằng kỹ thuật ấn loát "tối tân" y hệt như tờ Bút Mới của tôi. Nghĩa là cũng "in thạch bản". Nội dung truyền đơn thì hầu hết là hô hào học sinh các trường trung học “bãi khóa”. Thế là ảnh hưởng trực tiếp đến tất cả giới học trò Hà Nội rồi !

Sau đó, thiên hạ nhao lên vì đã có một vài vụ bắt bớ xẩy ra trong giới học trò trung học. Loại ấn phẩm in bằng thạch bản dù nội dung bất kỳ ra sao cũng bỗng trở thành một thứ đồ quốc cấm, nguy hiểm.

Vào lần chót, tôi ôm báo đến trường, vừa mở cặp lấy ra là bị tẩy chay ngay :

- Thôi dẹp đi cậu ơi ! Thời buổi này ấm ớ hội tề, coi chừng vô Hỏa Lò sớm.

Báo kỳ đó của tôi còn nguyên, không bán được lấy một số. Thậm chí cũng không còn anh nào dám cầm nó trong tay. Hầu như anh nào cũng sợ sệt có cặp mắt do thám của công an lẩn quẩn đâu đó trong sân trường. Hòa còn nhát hơn, hắn khuyên tôi :

- Cậu phải thủ tiêu hết đồ lề lủng củng ở nhà đi. Lỡ đứa nào hoạt động thật, bị bắt, nó khai tưới cho cậu để bảo toàn cơ sở của nó thì cậu có sống mà ăn sắn.

Tôi chột dạ nhưng vẫn làm bộ cứng cỏi:

- Các cậu nhát như cáy ngày. Tớ có hoạt động đếch gì đâu mà phải sợ. Để rồi coi tớ có làm sao không.

- Ờ, tới lúc có làm sao, thì có hối cũng không kịp.

- “Khắm chửa” ! Tớ có đi ăn cắp, ăn trộm của ai mà phải hối không kịp.

Hòa cười chế nhạo:

- Ấy, thà ăn cắp, ăn trộm, tội còn nhẹ. Làm Hội kín còn nguy hiểm gấp mười.

Tôi cãi :

- Kín đâu mà kín. Báo toàn viết chuyện học trò thôi mà.

- Ấy, chuyện học trò bây giờ mới nguy ! Vua chống chính quyền bây giờ là học trò đấy, cậu ạ.

- Đốt anh đi ! Anh thử coi trong báo có bài nào tôi chống chính quyền không ?

- Hì… hì... cậu ra mà cãi với công an. Cãi với tớ vô ích.

- Cãi đứt đuôi đi chứ, ai mà sợ.

- Ờ, thế nó hỏi in báo để làm gì, cậu sẽ nói sao ?

- Tớ sẽ nói là để phục vụ văn nghệ.

- Phục vụ văn nghệ để làm gì ?

- Nói thối không ngửi được. Phục vụ văn nghệ là phục vụ cho văn nghệ, chớ còn để làm đếch gì nữa.

- Cậu nói dễ nghe không ! Nó sẽ hỏi cho ra nhẽ : "văn nghệ" là cái gì, bao nhiêu người thì họp thành một cái văn nghệ, mỗi cái văn nghệ họp mặt ở đâu, bàn gì, hoạt động gì, cách hò hẹn ra sao, ám hiệu, khẩu hiệu bí mật trao đổi với nhau là những gì…

Tôi cáu sườn:

- Làm đếch gì có những thứ ấy.

Hòa cười hơ hớ:

- Ờ ! Thì cậu cứ cãi với nó như thế để coi rồi nó sẽ làm gì.

- Ừ, thì nó làm gì được nào…

- Cậu ngây thơ như cái cột đèn đen. Nó hỏi, cậu không khai, nó sẽ cho cậu đi tầu bay, chán rồi mời ngài đi tầu ngầm, khi đói thì mời ngài sơi giò bó lạt !

- Thế là cái cóc khô gì ?

- Đi tầu bay là quay điện đó ! Nó có một cái máy điện to bằng bốn cái bàn của thầy Huỳnh, dây nhợ bên trong gắn lung tung beng. Nó sẽ gắn vô 2 tai của cậu hai cái kẹp rồi dùng ma-ni-ven thứ xài cho xe ô tô, quay cho động cơ nổ đùng đùng. Thế là điện nó làm cho cậu quay tít thò lò như thể đi trên tầu bay, mà đau thì ôi thôi… tóe khói !

- Vua nói khoác ! Cậu làm như chính cậu đã trải qua những thứ đó rồi.

- Tớ không có kinh nghiệm nhưng chú tớ kể lại. Chú tớ có người quen bị giam trong đó 7 tháng liền. Lúc thả ra, người đang 80 ki lô tụt xuống chỉ còn sấp sỉ… 10 ki lô !!! Còn đi tầu ngầm là gì cậu có biết không? Là nó nhúng cậu vô bể nước xà phòng, dùng cái sào dài dìm cậu xuống y như người ta dìm một con chuột chết. Xà phòng qua mồm, chui vào bụng, chà xát ở trong dạ dầy như thể ta giặt cái mùi soa… Ô là là… thấy ông bà ông vải !

Luận điệu của Hòa đã làm nhuệ khí của tôi mười phần giảm mất tám chín. Nhưng tôi vẫn gân cổ lên cãi cho khỏi mất mặt anh hùng:

- Cậu nhát như cáy. Thế mà đòi làm những nhân vật kiếm hiệp như Ngọc Kỳ Lân, Kim Hồ Điệp. Ngọc Kỳ Lân đâu có chưa chi đã co vòi lại như cậu.

Hòa vái vái:

- Thôi đi, tôi can cậu. Chả Kỳ Lân kỳ leo gì hết sất cả. Tới mười Ngọc Kỳ Lân mà vô trong đó, bị nó bó giò thì cũng khóc thét lên mà đòi về với má.

Tôi tò mò:

- Bó giò là làm sao ?

Hòa quơ tay múa chân, cứ như thể hắn ta đã bị mật thám Pháp đem ra bó giò nhiều lần:

- Này nhé, nó lôi cậu ra, bắt tụt quần xuống cho trơ thổ địa ra, rồi lấy dây lạt cột hai ống chân lại nom như hai khúc giò, rồi sau đó đem cậu đi ngâm nước! Ối chà chà, nước sẽ làm cho thịt của cậu… nở ra, dây lạt vì thế thít lại. Ui ! Nom đâu có khác gì khúc Giò Thủ ba ngày Tết, nếu có đem luộc rồi chấm nước mắm chanh, ớt, tiêu, gừng thì chắc là hẩu sực !

Nói xong Hòa cười khà khà giọng đầy vẻ đắc chí, cứ như thể chính mắt đã trông thấy tôi đang bị bó giò, ngâm nước theo cái kiểu đó. Đứt đuôi đi rồi, từ bao lâu nay hắn vẫn hậm hực ghen tức vì tờ báo của tôi, mong cho nó mau chóng chết ngỏm.

Tuy nhiên, có tức thì tức, hắn vẫn cứ phải tò mò coi xem trong báo của tôi có những bài gì. Vì thế, hắn vẫn luôn luôn là thứ độc giả mua báo đầu tiên khi mới ra lò. Chả biết hắn có khâm phục bài vở nào không, nhưng bề ngoài thì bao giờ hắn cũng chê bai ỏm tỏi. Nào truyện này viết dở, bài thơ kia lạc vận, chuyện cười này nhạt như nước ốc, cù cũng không cười...v.v… Nhưng chê bai kiểu đó thì cũng phải thôi ! Con gà tức nhau tiếng gáy mà lỵ ! Nay có dịp chính đáng để bươi móc, tội vạ gì mà hắn không mang đủ mọi thứ ra để dậm dọa tôi đủ điều.

Nhưng nói cho ngay, hắn cũng có lý một phần. Vào thời kỳ đó, học trò hoạt động bí mật bị bắt như cơm bữa. Nay có tin cậu này đang tung truyền đơn trên lầu cao thì bị bắt quả tó, mai có tin cậu kia mang cả cọc truyền đơn trong cặp táp bị chặn lại ở đầu đường để khám xét và bị phát giác. Rồi lại có tin một toán học sinh đang ngồi ngay trong trường thì thào bàn soạn kế hoạch kêu gọi học sinh bãi khóa thì mật thám ập vào truy hỏi, khám trong cặp lại thấy những truyền đơn hô hào bãi khóa... v.v... Thế là bị tóm cả lũ, rồi bị đòn đau nên nhiều cậu khai vung tí mẹt. Những màn tới tận nhà để bắt bớ lại xẩy ra khiến dư luận học sinh và phụ huynh hết sức xôn xao. Trong cái tình thế đó mà cứ …ra báo thì có khác gì "Lậy ông, tôi ở bụi này !"

Thế là sau buổi nói chuyện với Hòa, tôi quyết định đình bản vô hạn định tờ báo. Bao nhiêu hồ sơ tòa soạn cùng là dụng cụ ấn loát gồm khuôn, nồi, bút, mực… tôi lén đem ra thùng rác thủ tiêu hết.

Thôi rồi ! Bao nhiêu công trình xây dựng và những mơ ước của tôi lại một lần nữa tan ra mây khói !

 _______________________________________________________
 Xem tiếp CHƯƠNG III
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>