Thứ Ba, 23 tháng 8, 2016

CHƯƠNG XI, XII_THẰNG BÉ THỢ RÈN


CHƯƠNG XI

Tiếng búa trong rừng...


Sau cuộc bàn luận suốt sáng đêm ấy, Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản đã giao hoàn toàn cho Ân trọng trách tổ chức một xưởng quân khí trong khu chiến Giao Bình.

Việc trước tiên của Ân là đặt ngay năm lò rèn, giao cho năm anh em làng Khê của nó với những dụng cụ đã mang theo sẵn, làm cơ sở. Sau đấy Ân liên lạc với những lò rèn rải rác quanh vùng mà Hầu đã bắt làm khí giới. Nhờ có tướng lệnh của Hầu, đi đến đâu Ân cũng được mọi người niềm nở tiếp đón và việc Ân thuyết phục họ chuyển cả lò rèn tập trung vào một nơi trong khu chiến cũng không khó khăn gì. Một mặt Ân cho người mang mật thư về làng Khê, mời tất cả bè bạn và những người quen thuộc có nghề vào cả khu chiến.

Ân cũng không quên gửi một lá thư thống thiết mời bà Bản cùng vào Giao Bình. Chẳng bao lâu, trong một khu rừng rất kín đáo thuộc khu chiến của Hầu đã có trên năm mươi lò lửa cháy rừng rực suốt ngày đêm với những tiếng búa reo không ngớt trên mặt đe rộn rã.

Phường thợ làng Khê cũng lục tục kéo vào góp sức với Ân. Có điều đáng buồn cho Ân là bà Bản đã từ chối không chịu rời bỏ miếng đất của tổ tiên để lại và vẫn trung thành với những lý lẽ đã nói với Ân hôm ra đi. Bà nguyện sẽ ngày đêm thắp hương cầu khẩn cho Ân giúp Hầu nên việc lớn.

Thằng Ân buồn trong chốc lát rồi lại vui ngay với công việc.

Nó chạy đi chạy lại khắp các lò, đốc thúc mọi người. Thấy người nào tỏ vẻ mệt nhọc, Ân chạy lại làm đỡ ngay. Lúc thay người phó cả cầm kìm, lúc thay người phó hai đánh búa tạ, hoặc thay người thợ phụ kéo bễ, Ân không nề hà một việc gì. Mà việc gì Ân cũng làm được một cách rất khéo léo và già dặn. Đi đến đâu Ân cũng để lại một vài câu vui đùa khiến cho mọi người quên cả mệt nhọc, hoặc một vài câu đủ hiệu lực gieo những niềm tin tưởng vào trong lòng mọi người.

Ân, tuy ít tuổi, nhưng ai cũng vì nể. Lúc đầu được vì nể, ấy là do cách đãi biệt và quý trọng của Quốc Toản đối với Ân. Sau chính tự Ân gây thêm được lòng yêu mến của tất cả mọi người.

Nhờ vậy công việc chạy trông thấy. Từng đống binh khí sáng ngời ánh sáng thép theo nhau chất cao mãi lên.

Quốc Toản tỏ vẻ rất hài lòng. Ngoài những giờ luyện quân, lúc nào Toản cũng có mặt trong khu rèn. Nhiều khi Toản cùng ăn cơm với Ân ngay tại chỗ.

Từ hôm được Toản cho biết sắp có một trân đánh lớn để cản trở đường tiến binh của Toa Đô từ Nghệ An kéo ra, Ân càng hăng hái làm việc.

Mỗi đêm Ân chỉ chợp mắt đi được chốc lát, rồi lại vùng ngồi dậy.

Nhiều khi trong giấc mơ, Ân cũng nói lảm nhảm thúc giục anh em làm.

Công việc hầu như bám chặt vào đầu óc Ân. Những lúc nào thấy quá mỏi mệt hay có triệu chứng sắp đau ốm nó lại cầu cứu đến linh hồn Già Bản và Cả Đức. Quả nhiên hình ảnh của cha và anh đã giúp cho Ân thêm nhiều nghị lực, sức mạnh và làm cho nó có được một sức bền bỉ ghê gớm mà chính Quốc Toản cũng không ngờ.

Trong những đêm giá buốt, Ân đứng nhìn năm mươi ngọn lửa bừng bừng bốc lên giữa rừng sâu, chung quanh có những cánh tay giơ cao nhát búa, rèn xuống những miếng thép oằn oại, bất giác nước mắt Ân trào ra ràn rụa trên gò má. Nó tưởng như chính tự trong lòng những người thợ ấy mà những ngọn lửa đã ngùn ngụt bốc ra để giữ vững lấy ngọn lửa thiêng dân tộc.



CHƯƠNG XII

Đạo quân thừa một người...


Vào một buổi sáng tháng hai năm Ất Dậu (1285), đạo nghĩa quân của Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản đã tề tựu đông đủ trên một bãi đất rộng trong trang hộ Giao Bình.

Lọt thỏm giữa một khu rừng rậm ngàn lá xanh rì, dưới những tầu lá cọ xòe ra như những cánh quạt, một biển gươm đao lớp lớp sáng lòe như muốn át cả ánh sáng mặt trời buổi sớm.

Lá đại kì “Phá cường địch, báo hoàng ân” đã được hạ từ ngọn cột cờ xuống và bay phất phới trước đạo quân.

Non một nghìn khuôn mặt tráng niên cùng ngùn ngụt một ý chí, đều ngửng lên nghiêm trang nghe tướng lệnh của Hoài Văn Hầu.

Giọng nói của Hầu hôm nay không còn nhiễm chút nào đùa cợt nữa mà vừa rắn rỏi, vừa thống thiết, nhưng không kém vẻ thân mật, khiến mọi người đều nức một lòng giết giặc cứu nước.

Hầu vừa dứt lời, một tiếng pháo lệch nổ vang, xé tan bầu không khí quạnh quẽ của khu rừng.

Rồi muôn ngàn tiếng hô lớn, nhất loạt vang lên “Sát đát! Sát đát!”. Trên lưng con ngựa ô truy, vị thiếu niên anh hùng mỉm cười hoan hỉ. Đôi mắt Toản sáng ngời một niềm tin quyết thắng trong trận này.

Đoàn nghĩa dũng quân chuyển bước, bắt đầu cho một cuộc xuất quân. Dưới mỗi bước chân tưởng chừng từng ngọn cỏ cũng đều xao động, từng mạch đất réo sôi.

Ánh thép tôi còn xanh lè, lướt đi lấp loáng dưới ánh nắng vàng tươi rực rỡ của buổi sớm mai.

Có một điều mà vị tiểu tướng quân không ngờ đến là đạo quân hôm ấy đã thừa một người.

“Một người”, ngoài con số mà Hoài Văn Hầu đã dự định cho được cái vinh dự xuất trận, đánh ngay vào sườn đạo quân lớn của một viên đại tướng nhà Nguyên.

*

Theo đúng chiến lược của Toản đã định trước, Nghĩa Dũng quân chia ra làm hai cánh tả và hữu, phục hai bên sườn núi Cấm.

Toản ruổi ngựa trên sườn núi quan sát kỹ lưỡng, thấy quân của mình ẩn nấp rất kín đáo thì tỏ vẻ hài lòng.

Ngàn cây như cũng run sợ trước tướng oai của tiểu tướng không dám lay động, rì rào trước những cơn gió nhẹ.

Chim muông như được mật lệnh của tiểu tướng, cũng nhớn nhác cất cánh bay xa.

Đúng ngọ thì xa xa đã trông thấy bụi cát mù mịt. Rồi tiếng ngựa hí mỗi lúc mỗi gần.

 Tiền quân của giặc Nguyên đã bắt đầu đặt chân vào trân địa của Toản. Giặc không biết cái chết đương đến sau lưng, vẫn thản nhiên vác cao cờ dương dương tự đắc.

Nghĩa quân cùng với khu rừng vẫn nín thở.

Tiền quân của giặc vừa qua, tiếp đến trung quân của giặc với lá cờ “Soái” ngạo nghễ tung bay trước gió.

Viên chủ tướng giặc còn nằm ngủ kỹ trong chiếc cáng phủ gấm, lủng lẳng trên vai tám tên giặc lực lưỡng.

Theo sau ngay cáng là một tên quân dắt con ngựa Mông Cổ lớn, yên cương rất đẹp. Hẳn là con chiến mã của tên tướng giặc.

Nghĩa quân đã ghì chặt cán binh khí trong tay.

Một tiếng pháo lệnh vụt lên trời, nổ vang.

Rừng núi như tỉnh giấc.

Muôn ngàn tiếng hò reo nổi dậy tứ phía. Nghĩa quân từ hai bên hốc núi ào ra như thác lũ.

Trận ác chiến bắt đầu. Gươm, giáo, mã tấu chạm vào nhau nảy lửa, vang động cả khu rừng.

Quốc Toản trên mình ngựa, xông xáo vào trận giặc như vào chỗ không người. Hai thanh đoản đao của Toản vung lên, đầu giặc rụng xuống như sung chín.

Giặc Nguyên bị đánh bắt ngờ, hoảng hốt kêu thét rầm rĩ.

Tướng giặc nhảy choàng trong cáng ra, cướp được ngựa, vừa khoa đao vừa tháo lui lên phía trước. Toản vung đao đuổi theo, vừa thầm phục đao pháp của tướng giặc thực cao cường. Mặc dầu trong cơn hoảng hốt rối loạn, y vẫn giữ vững được đao pháp, che đỡ kín cho mình và kín cả cho ngựa.

Toản dấn lên, tìm chỗ hiểm đánh tới tấp, cũng không sao xâm phạm được vào mình nó lấy một mũi. Và sau cùng để tướng giặc dướn ngựa, nhẩy vụt qua đầu một đám quân đương hỗn chiến mà chạy lên phía trên mất.

Giặc rút lui lên phía trên. Tiền quân của giặc thấy biến, quay lại tiếp ứng. Hậu quân của giặc cũng được thúc tiến lên nhanh.

Thấy Nghĩa Dũng quân đã giết được khá nhiều giặc, và biết nếu để quân giặc thắt hai đầu lại thì có hại lớn, Toản đốt pháo ra lệnh cho nghĩa quân rút lui.

Nhờ quen biết địa thế như biết trong túi áo, chỉ trong chớp mắt nghĩa quân đã rút khỏi trận địa êm thấm, lẩn kín vào trong những cánh rừng rậm, trước những cặp mắt hoang mang, dụt dè, lo sợ của giặc… Trận “ phục Huê Dung Đạo” nầy của Hoài Văn Hầu kể như thắng lớn.

Trong lúc Hoài Văn Hầu đương tụ tập nghĩa quân lại để kiểm điểm quân sĩ, thì Cả Doãn cõng một người bị thương, máu thấm ướt sũng ở ngực, từ xa bước tới. Toản rú lên :

- Trời ơi ! Ân ! Sao lại là Ân ?

Mọi người cùng kêu lên kinh sợ.

Cả Doãn đặt nhẹ Ân nằm xuống mặt đất.

Toản quỳ xuống ôm lấy Ân, nước mắt chẩy ràn rụa xuống mặt Ân. Nhưng Ân không hay biết gì, vì hai mắt nó vẫn nhắm nghiền lại.

Toản đưa mắt có ý hỏi.

Cả Doãn buồn rầu trả lời:

- Sáng nay lúc quân ta được lệnh của Hầu, nấp vào hai bên sườn núi, tôi mới trông thấy anh ấy. Tôi biết là nguy hiểm lắm, vì xưa nay anh ấy có tập tành bao giờ đâu. Nhưng vì không được phép rời ra khỏi chỗ, nên tôi cũng đành. Rồi... trong lúc hỗn chiến tôi thấy anh ấy đánh hăng lắm, đâm lia, đâm lịa và lúc được lệnh rút lui, tôi thấy anh ấy đã nằm bên sườn núi, máu đẫm ở ngực mới cố cõng đem về đây.

Toản vừa nghe Cả Doãn nói vừa để mặc cho nước mắt chẩy tuôn trên gò má. Ghé tai vào ngực thằng Ân, Toản lẩm bẩm một cách tuyệt vọng:

- Tim đập yếu lắm rồi ! Mà vết thương lại quá nặng. Máu ra thế này thì còn gì ?

Bỗng tay Toản rờ vào một vật cứng gài trong lớp áo bụng thằng Ân. Toản lách tay nhẹ vào, lôi ra một cái búa con đẫm máu. Cái búa mà hàng ngày thằng Ân vẫn dùng và không bao giờ chịu rời cái búa ấy ra một lúc.

Thằng Ân khẽ cựa mình mở mắt ra.

Toản vui mừng chứa chan hy vọng.

Thằng Ân lờ đờ nhìn Toản, khẽ nắm chặt lấy tay Toản; rồi đưa mắt nhìn Cả Doãn và khắp lượt những người chung quanh. Ân nhăn mặt phều phào nói rất nhỏ, Toản phải ghé sát tai xuống mới nghe thấy.

- Tôi xin vĩnh biệt Hầu !… xin Hầu ban cho tôi cái ơn cuối cùng là…là…

Thằng Ân đưa tay vào bụng như muốn tìm vật gì, Toản vội giơ cái búa lên. Thằng Ân khẽ gật đầu, gắng sức nói:

- Hầu trao lại cho mẹ tôi cái búa này và bảo thằng Ân nó đã làm tròn được nhiệm vụ của nó… của nó…

Bàn tay thằng Ân bỗng ghì chặt lấy tay Toản, chân tay nó co rúm lại rồi dướn lên. Mắt nó trợn ngược, mất hết cả sinh khí.

Toản không kìm được xúc động, áp má vào mặt thằng Ân khóc nức lên như một đứa trẻ…

MẶC THU   

Nguồn : tuoihoa.hatnang.com
 
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>