Chủ Nhật, 21 tháng 8, 2016

CHƯƠNG VII, VIII_THẰNG BÉ THỢ RÈN


CHƯƠNG VII

Vật cũ của người khuất...


- Hay mẹ cùng đi với con?

- Tao đi thế nào được, mới lại cũng còn phải giữ lấy miếng đất, gian nhà để cúng giỗ ông ấy với anh mầy chứ! Đi thì bỏ cả mồ mả ở đây cho ai trông coi?

- Thế này thì… con đành lòng đi sao được!

- Việc phải đi thì cứ đi chứ! Cứ mặc tao; tao khắc sống, sống đợi đến lúc mày vế

- Mẹ làm gì mà sống? Nhà không có mảnh ruộng…

- Chẳng có ruộng cũng chẳng chết nào! Cứ cái lò, cái bễ đây, tao sửa dăm ba cái liềm, làm ít con dao, con rựa ra chợ bán cũng đủ vào miệng. Mà tao thì ăn hết bao nhiêu mà lo.

Một tiếng thở dài:

- Thôi cũng đành! Thế thì con phải đi vậy! Mà không đi cũng không được! Thế nào chúng nó cũng lùng ra được con thôi.

- Có đi nhớ mang theo cái búa con của bố mày đi giọng nói nghẹn ngào đẫm hơi nước mắt Ông ấy quý cái búa ấy đáo để đấy! Mang đi mà dùng, biết đâu vong hồn ông ấy không thiêng mà nhập vào đấy rồi! Cứ mang theo để bố mày phù hộ cho mạnh chân khỏe tay mà làm ăn, mà giúp nước.

Giọng nói thấp hẳn xuống lầm rầm rền rĩ:

- Ông ơi, ông có khôn thiêng theo con phù hộ cho nó…

- Thế mẹ ở nhà làm bằng cái gì nào?

- Tao đã có cái búa con của anh mày! Không mang đi rồi vào chỗ heo hút ấy tìm đâu ra được thép tốt như thế mà rèn.

- À mẹ này, mang những đồ nghề đi thế này qua trạm gác nó mà rờ thấy thì bỏ đời.

Câu chuyện đứt quãng, im lặng đi một lúc.

- Thế này là tiện, mày có thấy bọn buôn nồi đất gánh mấy gánh vào làng chập tối đấy không, họ xuôi nam đấy…

Giọng nói bỗng hạ thấp hẳn xuống, thì thào nghe không rõ và sau cùng:

- Cứ thế, có phải chắc ăn không?

- Ừ nhỉ, thế mà con không nghĩ ra, Mẹ thế mà giỏi thật lực! Là mẹ có khác!

Giọng nói âu yếm:

- Cha mẹ mày ! Chỉ được cái hay bỡn. Tao mà giỏi gì… thế nhất định mai đi sớm à?

- Mai đi, con đi có bạn cơ mà! Mẹ biết bọn của con rồi đấy chớ gì?

- Ừ!... Mai đi thì tao nhớ quá là nhớ... Hay là… Hay là để mốt hãy đi ! Mai như ngày xấu.

Có tiếng cười khẽ:

- Thuở giờ mẹ có biết xem lịch là gì đâu mà xấu với tốt! Thôi mẹ cứ cho con đi ! Muộn quá rồi hư việc. Mà có ngày kia đi thì mẹ cũng vẫn nhớ thế… trước sau sao cũng một lần !

Bà Bản thấy thằng Ân đã quyết thì nét mặt lộ rõ ra vẻ buồn rầu. Bà kéo vạt áo lên thấm mấy giọt nước mắt vừa trào ra khỏi mí mắt.

Thằng Ân xúc động, cũng muốn khóc theo, nhưng vội ngảnh đi nơi khác. Nó nhìn thẳng vào bàn thờ Già Bản và Cả Đức, nơi có hai cái bài vị chênh vênh đặt trên một cái bàn tre, như có ý cầu nguyện bố và anh phù hộ cho nó thêm nghị lực để lên đường.



CHƯƠNG VIII

Những gánh nồi đất...


Bọn lái buôn nồi đất, cất hàng từ vùng Hiển Lễ về đến làng Khê xem chừng đã mỏi mệt lắm.

Từ ngày giặc Nguyên canh phòng nghiêm mật các mặt sông cấm ngặt không cho khách thương tải hàng bằng đường thủy, bọn lái buôn vùng xuôi làm ăn buôn bán có vẻ rất khó khăn.

Xưa chỉ hai đêm một ngày nằm khểnh dưới thuyền, là hàng hóa đã về được tận chỗ. Nay phải gồng gánh đi đêm, đi ngày dôi thêm ra bao nhiêu đường đất, trách gì họ chẳng bị thiệt thòi.

Nên khi thấy bọn thằng Ân , sáu người tình nguyện gánh đỡ và chỉ xin ngày một bữa cơm với cà mặn, bọn lái buôn không suy nghĩ nhận lời ngay. Họ còn tỏ vẻ thương hại bọn thằng Ân mới ít tuổi đã phải xa nhà đi tìm phương sinh sống.

Một người lái phúc đức bàn với cả bọn, chẳng hẹp gì không cho chúng ăn cả ba bữa. Ông ta nói rằng:

_ Có thêm một hai bữa nữa cũng chẳng đáng bao nhiêu. Thôi thì trời làm loạn lạc thế này, mỗi người giúp nhau một tý gọi là cái nghĩa đồng bào, lá lành đùm lấy lá rách; cũng chẳng làm giàu gì được cái lúc này.

Bọn lái buôn đều đồng ý như vậy, mà bọn thằng Ân nhờ vậy cũng khỏi lo cả cái khoản ăn đường.

Câu chuyện ngã ngũ ngay từ đêm, và bọn thằng Ân cẩn thận cũng bắt tay ngay vào việc: buộc lại quang cho ngắn hơn, xếp lại những gánh nồi cho gọn để mai chỉ việc lên đường. Được cái đường xa bọn lái buôn không dám xếp hàng tham, nên gánh cũng nhẹ. Bọn thằng Ân gánh thử thấy cũng đủ sức.

Trong khi bọn thằng Ân sửa soạn, bọn lái buôn ngồi co chân bên gian cạnh uống nước, hút thuốc, thì thào khen lũ trẻ tốt nết cẩn thận và bảo nhau chuyến đi này gặp may, đỡ được nhiều vất vả.

Sáng hôm sau, từ mờ sáng cả bọn đã ngả cơm ra ăn cho chắc bụng rồi lũ lượt lên đường.

Tuy trời còn thực sớm, nhưng trong cánh liếp sáu căn nhà tiều tụy, có sáu người mẹ đã sẵn sàng ngồi chờ… nước mắt đẫm trong hơi thở, ghé mắt nhìn theo bóng dáng đứa con nhỏ nhắn dìm ngập trong những gánh nồi đất…

Quá Ngọ thì bọn họ đến trạm La Phù. Trạm này do giặc Nguyên đóng giữ để kiểm soát hàng hóa và khách bộ hành.

Cả bọn phải đặt gánh ngồi chờ tên Trạm Trưởng ra khám. Thằng Ân đứng thở dốc, đưa mắt dụt dè nhìn tờ cáo thị viết trên miếng gỗ có dấu son đỏ lòe treo trên một thân cây.

Ân chỉ lõm bõm đọc được dăm bẩy chữ, những chữ thật ít nét.

Vừa may có người lái buôn đến bên. Chừng muốn tỏ cho mọi người biết mình cũng là tay thông văn tự, chỉ vì thời thế, mới đến nỗi phải đi buôn nồi đất, ông ta đằng hắng lấy giọng, vừa đọc, vừa giảng:

Đại Nguyên hành tỉnh Tả Thừa bố cáo cho dân chúng biết:

“ Tất cả những bộ hành, khách thương mang hàng hóa qua lại đường này, đều phải khám xét nghiêm mật.

Những tội mang khí giới, mang những dụng cụ để làm thành khí giới, hoặc chuyên chở những vật liệu như sắt thép để làm khí giới đều bị tội tử hình ngay tại chỗ.

Lệnh trên đã truyền, chức dưới hãy y theo đó thi hành.

Đóng triện: Tả thừa

A-Bát-Xích.


Mấy người lái đùa bảo nhau:

_ Chúng mình chỉ có mấy cái nồi đất thôi. Các quan có lấy vài cái nấu giả cầy thì lấy chứ bố cáo, bố kiếc gì !

Thằng Ân kéo vạt áo lau lớp mồ hôi vừa toát ra lấm tấm trên mặt. Tên Trạm Trưởng người Nguyên, từ trong trại canh đi ra, theo sau có một tên quân vác thanh mã tấu.

Nó trừng mắt nhìn bọn lái buôn, rồi lại nhìn một lượt vào bọn thằng Ân.

Sau đấy, tên Trạm Trưởng đưa mắt nhanh như lưỡi dao soi bói vào các gánh nồi. Nó nói mấy câu tiếng Tàu chừng để ra lệnh.

Tên quân vừa toan rỡ gánh nồi ra khám, thì người lái buôn già đã tiến lại trước mặt tên trạm Trưởng, gãi đầu gãi tai nói.

- Bẩm quan, chúng tôi buôn bán có ít nồi chứ thực không còn có gì khác cả! Nếu quan khám xét kỹ thì những gánh nồi chúng tôi vỡ nát mất. Thôi thì… xin các quan rộng cho. Có mấy chiếc nồi thật tốt, xin để biếu các quan dùng.

Tên Trạm Trưởng cau mày nhìn các gánh nồi khắp lượt. Chừng nó cũng thấy ngại phải rỡ từng cái nồi ra khám.

Một người lái khác nhanh nhẹn, lấy ra mấy cái nồi bưng lại. Đây là những cái nồi làm bằng một thứ đất thật tốt, nung rất kỹ họ thửa riêng để dùng.

Tên Trạm Trưởng lấy ngón tay búng vào một chiếc kêu bôông bôông.

Xem chừng nó cũng vừa ý, nên cặp mắt đã dịu xuống, đỡ dữ tợn.

Hai tên giặc nói với nhau một hồi như bàn tán. Tên quân gật đầu lia lịa. Tên Trạm Trưởng đưa mắt bảo tên quân đỡ lấy mấy cái nồi, rồi gật đầu ra hiệu cho đi.

Bọn lái buôn mừng rỡ, giục bọn thằng Ân đặt gánh lên vai.

Bọn thằng Ân có lẽ mừng hơn cả. Nhưng chúng cố giữ lấy vẻ mặt thản nhiên, quẩy gánh đi phăng phăng.

Nội buổi chiều hôm ấy, đoàn người gánh nồi đất, còn phải qua mấy trạm canh nữa của giặc. Nhưng cũng nhờ một phương pháp khéo léo ấy mà họ qua được chót lọt một cách dễ dàng.

Đến chập tối thì họ đặt chân vào địa phận Giao Bình.

Không khí ở đây đã dễ thở hơn nhiều. Từ đây không còn bóng những trạm canh, những tên giặc Nguyên đáng sợ nữa. Vì từ địa đầu Gia Bình đoàn người đã đặt chân lên khu chiến của Hoài văn Hầu Trần quốc Toản.

Giao Bình vốn là một vùng trang hộ (1) rộng lớn của Hầu. Ở đó Hầu đã chiêu tập những nông dân nghèo đói tới để khai khẩn những ruộng hoang, lập thành một miền nhiều trang điền phì nhiêu bát ngát; và cũng chính từ trang hộ đó, nhờ có nhiều rừng núi hiểm trở vây bọc, mà Hầu đã mộ được những thiếu niên, tráng niên tập hợp dưới lá cờ “ Phá cường địch, báo hoàng ân” của Hầu.

Điều thằng Ân chú ý đến trước tiên là dân cư ở đây, đeo khí giới đàng hoàng không sợ sệt. Bọn thằng Ân vui sướng chỉ muốn đặt những gánh nồi xuống mà nhẩy múa. Vì trong có một ngày, bao nhiêu lần qua các trạm canh, là bấy nhiêu lần những thanh mã tấu kề gần đến gáy chúng.

Đến quán trọ, bọn lái buôn nghỉ ngơi rồi ngả cơm nắm ra ăn.

Thằng Ân thay mặt anh em vào cám ơn bọn lái buôn và xin từ biệt.

Bọn lái buôn trố mắt ngạc nhiên. Họ tưởng bọn thằng Ân sẽ theo họ xuôi hẳn xuống Nam.

Thằng Ân không ngần ngại gì bầy tỏ mục đích vào khu chiến cho bọn lái buôn rõ.

Bấy giờ họ mới ngã ngửa ra và đều rùng mình khiếp sợ, vì được thằng Ân cho biết trong những gánh nồi đất đều có giấu những đồ trọng cấm.

Bọn anh em thằng Ân rỡ những gánh nồi lấy bỏ ra những chiếc kìm, những cục đe, những cái đục, cái búa… ngổn ngang trên mặt đất.

Thằng Ân tươi tỉnh đứng lên lễ phép xin lỗi bọn lái buôn, vì đã phải dùng đến cách cuối cùng và cũng rất nguy hiểm ấy.

Việc đã qua rồi một cách toàn vẹn và vì mục đích cao cả là giúp nước, chống giặc, nên bọn lái buôn không những không giận mà lại còn quý trọng bọn thằng Ân là khác.

Họ nhất định lưu bọn thằng Ân nán lại ăn bữa cơm cuối cùng với họ. Thấy họ tha thiết mời, thằng Ân đành thay mặt anh em nhận lời.

Bữa cơm chỉ có muối vừng và cà mặn dưới ánh đèn dầu leo lắt trong quán trọ đêm hôm ấy thật ngon lành và vui vẻ.

Bọn thằng Ân vui vì sắp được gặp ông “ Tướng tẻ tuổi” mà chúng hằng mong ước đêm ngày.

Bọn lái buôn vui vì đã giúp đỡ được bọn thằng Ân một công việc gần như phi thường, và tự thấy bằng lòng như đã làm được một công việc có ích cho đất nước.

Trước mắt họ, bọn thằng Ân không phải là những đứa trẻ lam lũ đi tha phương cầu thực nữa.

Tự nhiên họ cũng cảm thấy có một niềm sùng kính như nhau trước những vị tiểu anh hùng vô danh của đất nước, với những cặp mắt sáng ngời tràn đầy tin tưởng, tượng trưng cho ý trí quyết thắng mạnh mẽ của cả một giống nòi.

--------------------- 
(1) Trang hộ : Vua Trần Thánh Tôn bắt các vương hầu, phò mã phải khai khẩn những đất hoang điền làm trang hộ.

_______________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG IX, X
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>