Thứ Hai, 31 tháng 8, 2015

Vùng Đất "Thời Gian"


Tôi không biết sự tình cờ nào du tôi đến đây, trước tòa lâu đài rộng bát ngát, trắng mầu cẩm thạch, óng như có mầu trăng. Không khí ảm đạm, buồn bã như bao phủ lấy ngôi nhà rộng thênh thang đó khiến tôi đứng ngoài cũng thấy tâm hồn xao động. Căn nhà yên tĩnh, không một bóng người. Khu sân chung quanh trải sỏi xanh màu trứng sáo. Sân rộng mênh mông là thế mà không có một bóng cây, ngoại trừ phía sau, xa tít là khu rừng xanh mướt. Tôi đoán là rừng thông hay dương liễu vì vẻ mềm mại của nó.

Tôi tò mò bước đến gần. Tiếng sỏi lạo xạo dưới chân, nghe như tiếng rên rỉ. Có lẽ chúng đau đớn vì đôi gót sắt nghiến lên dưới sức nặng của tôi. Tôi dừng lại, cởi giầy, tinh nghịch đá vào khoảng không cho giầy văng xa. Đôi giầy đen bắn đi, rơi xuống. Và ô hay, chúng biến thành hai hạt sỏi xanh. Tôi ngạc nhiên, tháo nón và đặt xuống đất, chiếc nón cũng biến thành sỏi. Tôi lượm viên sỏi ngắm nghía, không có gì khác biệt hơn những viên sỏi thường. Nếu mình cũng biến thành sỏi nhỉ? Tôi rùng mình, sợ hãi, nhắm mắt đợi. Nhưng không có gì xảy ra. Tôi yên tâm hơn. Chợt, giữa sự yên tĩnh không cùng như có sức nặng đè lên ngực, tiếng nhạc dương cầm từ trong ngôi nhà bỗng nhiên vẳng ra. Ban đầu như những giọt nước nhỏ xuống mặt bể xao động, thánh thót, rồi nhanh hơn, đầy tiết điệu nhịp nhàng. Âm thanh quyện vào đôi chân tôi, thúc giục: “Bước đi, bước!” Chân tôi bị đẩy tới. Chân phải, chân trái, rồi chân phải chân trái. Cứ thế tôi lướt theo tiếng nhạc mơ hồ. Tiếng nhạc chậm dần, thả tôi ra, và bay vút. Tôi nghe như nó đang đổ lên một hồi chuông, tiếng trong vắt, reo vui.

Bây giờ tôi đã ở trước cửa. Tiếng nhạc lắng đọng bên trong, trở nên trầm ấm, nhẹ như hơi thở. Cánh cửa màu trắng nhỏ xíu, không cân với ngôi nhà dài ngút ngàn. Tôi cúi xuống đọc hàng chữ trên cửa: “Quá khứ”. Nét chữ mềm mại, xinh xắn, mầu tím. Tiếng nhạc bây giờ như dải lụa mềm, bao quanh tôi, than thở. Tôi buồn lây, ngồi xuống bực cửa, nhìn ra ngoài sân sỏi. Màu xanh mát dịu. Tôi thấy chơi vơi, không biết trên kia có còn bầu trời không. Màu xanh ở đây khác hẳn màu xanh của trời, mầu xanh ảo huyền của muôn ngàn viên sỏi nằm không yên, tỏa ra thực dịu mắt.

Tôi kéo trí nhớ mà hình như không sao nhớ được gì. Tôi đang ở đâu đây? Tôi có còn là tôi không? Tôi đã chết chưa nhỉ? Quả thực tôi đang bơi trong sự mù đục. Tôi không biết gì, không nhớ gì. Tôi ôm đầu một lúc, rồi bất lực. Tôi chợt nhớ đến cánh cửa, khung cửa nhỏ xíu với hàng chữ tím. Tôi quay lại, cúi mình vặn nắm cửa. Nắm cửa là một cánh hoa hồng nhỏ mong manh. Tôi nhẹ nhàng nâng hoa lên. Cánh cửa không nhúc nhích. Tôi muốn bật khóc. Chắc có khóa, phải có một cái chìa khóa nào đó. Tôi lại quì xuống mặt đá, tìm tòi. Đây rồi, ổ khóa bé tí bằng vàng, chiếc chìa khóa cũng nhỏ xíu như đồ chơi, nhưng lại bằng pha lê trong suốt. Tôi cẩn thận đặt nhẹ chìa vào ổ. Tiếng chuông vang lên phía trong, êm tai. Cánh cửa bật mở. Hoa hồng, chiếc nắm cửa bỗng tàn đi. Mấy cánh hoa rơi xuống như những giọt nước mắt.

Tôi bước vào trong. Ánh sáng ở đây mờ hơn, mấy ngọn nến đặt tít trên cao tỏa ánh sáng màu đỏ vàng, lung linh. Tôi vẫn nghe tiếng nhạc trầm, nhưng không đoán được phát ra từ nơi nào. Căn phòng nầy hẹp, trống, không có lấy một món đồ đạc trang hoàng nào. Tôi tiến đến cửa lớn, mở ra. Bên trong là một hành lang dài, dài kinh khủng khiến tôi đâm hoảng. Hành lang này giống như hành lang nhà thờ tôi thường thấy trong các bức ảnh, với những vòm cao, đường nét cân đối. Tiếng nhạc nghe rõ hơn. Tôi nín thở, bước vào hành lang. Ở đây, ánh sáng xuyên từ vòm nhà cao vút xuống. Mái nhà bằng thủy tinh đủ màu trong suốt, ánh sáng bị lọc qua thủy tinh ấy, chảy dài trên nền cẩm thạch đủ màu sắc huy hoàng. Tôi như hoa mắt vì sắc màu huyền ảo đó. Phải đứng một lúc lâu tôi mới dám đi về phía bên phải. Bên trái tôi cũng là hành lang chạy dài, nhưng tôi quyết định đi về bên phải vì dường như tiếng nhạc phát ra từ đó. Vách tường phía bên trái màu trắng, phẳng lì, bên phải có rất nhiều cửa. Ở mỗi cửa tôi đọc được một cái tên đóng khung bằng một hình chữ nhật. Có khung màu đỏ, có khung màu đen. Tên viết bằng chữ in, rất cân đối, đẹp. Mấy tên nầy lạ quá, tôi không hề nghe bao giờ. Tôi nhìn trước mặt, xa vút, không biết hành lang này có chỗ tận cùng không nữa. Có lẽ phải tìm một căn phòng, biết đâu chúng lại không mở ra một nơi nào khác hơn cái tiền đường trống rỗng và hành lang rực rỡ nhưng cũng hoang vu này. Tôi đọc từng tên một cách tò mò, nhưng không nhớ được gì. Chúng xa lạ quá. Tôi gặp một cái tên quen: Đặng Trần Nguyễn. Tôi cầm nắm cửa mở ra nhưng không được, cửa khóa kín. Tôi lại đi nữa. Và ngạc nhiên làm sao, tôi thấy tên tôi, cũng viết theo lối chữ in, đóng khung bằng hình chữ nhật đỏ. Tôi đứng lặng một lát. Có phải tên tôi đây không, hay tôi là ai khác: “Ánh Kha”? Tôi lặp đi lặp lại trong đầu cái tên của mình, nghi ngờ: Ánh Kha, Ánh Kha. Tôi mở cửa, tin rằng cánh cửa cũng khóa kín như trước, nhưng không ngờ, cửa mở rộng ngay. Âm thanh dương cầm từ đó ào ạt như sóng cuốn tôi bước vào.

Tôi lao đao suýt ngã. Khi đứng vững, tôi ngẩng lên nhìn. Ngạc nhiên làm sao, một cô bé đang ngồi trước dương cầm, nhìn tôi cười, tay vẫn thoăn thoắt lướt trên phím ngà. Cô bé mặc áo đầm trắng, cột nơ đằng sau. Hai chiếc dây nơ thực dài, phủ xuống tận đất. Vạt dưới áo cũng thực dài, viền đăng-ten. Mái tóc cô bé mềm mại, mầu đen nhưng muốn ngả sang vàng, cô thắt lại bằng sợi ruban satin cũng trắng. Cô bé toát ra sự thơ ngây kỳ diệu làm tôi yêu ngay.

Trên nóc dương cầm, một con gấu bằng bông đang lắng nghe cô bé đàn. Con gấu có cặp mắt tròn, nghịch ngợm, lông màu nâu vàng, cổ thắt nơ trắng và trên tay trái đeo tấm “plaque” có dây xích cũng bằng vằng.

Thấy tôi vào, chú gấu bằng bông quay sang nhìn tôi, rồi nhìn cô bé. Còn cô bé thì ngưng đàn, đứng lên. Chỉ trong một giây, không có âm thanh, ánh sáng như bị ngưng đọng và không khí cũng như đặc lại. Cô bé ôm con gấu, đặt xuống ghế và bảo nó: “Đàn đi nào Ni-na” Chú gấu bằng bông, lại như cô bé hồi nãy, đặt tay lên phím ngà. Âm thanh lại rung lên, dịu dàng. Tôi ngạc nhiên. Cô bé mỉm cười bằng lòng, còn chú gấu thì hãnh diện, lắc lắc cái đầu, chớp cặp mắt tinh nghịch, đáng yêu lạ.

Bỏ mặc chú gấu với những âm thanh nối đuôi nhau đùa giỡn khắp phòng, cô bé nhún nhảy bước về phía tôi. Tôi nhìn cô bé cười làm quen. Trong đầu sắp đặt những câu hỏi để đỡ ngượng nghịu. Không ngờ cô bé áo trắng lại nói trước. Giọng nói thanh và êm như có pha thêm chút ít nũng nịu: “Em biết chị là Ánh-Kha, em cũng biết thế nào chị cũng tới đây mà”.

Cô bé nắm tay tôi, bàn tay mũm mĩm, mát mịn:

- Em là Quá khứ, các chị đặt tên em là “Thơ ngây”

Cô bé đưa tay chỉ quanh phòng:

- Căn phòng này dành riêng cho chị đấy. Chị vừa lòng chứ?

Tôi nhìn quanh. Tường, trần đều bằng cẩm thạch trắng. Trước mặt là cửa sổ bằng thủy tinh có phủ một tấm màn nhung đỏ, thắt thành hai vạt bằng ruban trắng. Qua cửa sổ, tôi trông thấy một sân cỏ xanh mướt, ướt nắng, ngoài ra không còn gì hơn là những khung cửa sổ các phòng khác. Những cửa sổ giống nhau như đúc, cùng một cỡ và cùng có màn đỏ che kín.

Trong phòng, ngoài chiếc dương cầm đen bóng còn có một bộ bàn ghế nhỏ bằng gỗ có vân rất xinh. Nhưng bộ bàn ghế thật thô, trông như mấy cái hộp gỗ, góc cạnh sắc nét. Tôi mỏi mệt muốn nằm xuống ngủ một giấc thì cô bé dường như hiểu ý, kéo tôi lại gần bộ bàn ghế, ấn tôi ngồi xuống chiếc ghế gỗ nhỏ. Lạ quá, tôi như thấy mình ngồi trên nệm êm. Tâm hồn tôi đang uể oải chợt thư thái hẳn. Tôi sung sướng nhìn cô bé, cười cảm ơn.

Ngồi một lúc, những băn khoăn lại bắt đầu đến, khuấy động tâm trí tôi. Tôi đang ở đâu đây? Trong lâu đài “Quá khứ”. Nhưng lâu đài này ở đâu mới được chứ? Ai dẫn tôi đến đây? Tại sao tôi lại lạc đến chốn này? Thật kỳ lạ. tôi nhắm mắt, suy nghĩ. Bây giờ tôi nhớ ra rồi. chiều nay tôi đã bỏ nhà, đi lang thang, qua rất nhiều đường phố. Tôi đã ngồi trên bờ sông Hương, buồn ngắm dòng nước phẳng trôi đi, trôi đi. Sông Hương hiền hòa, chia làm hai dòng: một dòng đục, sóng gợn lăn tăn, phần kia phẳng như gương, trong vắt. Tôi đã ngồi nhìn qua bên kia Phú-Vân-Lâu với tất cả sự thèm muốn. Cái nóng mùa hạ và sự bịt bùng của cuộc sống thành phố đã đẩy thiên hạ ra đó hóng mát. Họ lái xe, chở vợ con, tôi tớ, đôi khi đem cả mấy con chó bẹc-giê theo nữa, ra Phú-Vân-Lâu, đón gió từ mặt sông thổi lên. Cơn gió chiều mát, nhẹ mơn mấy tàn lá nhỏ, đuổi mấy hạt đo đỏ như hạt cườm xuống trang điểm cho mặt đất vàng. Tôi đã thầm nghĩ, sao họ sung sướng và hạnh phúc thế. Những lời nói gay gắt, cay độc trong trận cãi nhau hồi chiều giữa Ba Mẹ tôi làm tôi đau đớn. Chúng quay cuồng trong đầu, tàn ác nhắc đi nhắc lại, như đùa với nỗi khổ sở của tôi. Tôi nhớ tôi đã khóc, đã bỏ chạy khỏi nhà. Trên bờ cỏ xanh ven sông, tôi cũng gục đầu khóc. Tôi nhớ tôi đã ngồi ở đấy rất lâu cho đến lúc màu sông xanh đen như hắc ín. Mặt sông phẳng nên trông càng đen hơn. Tôi đã ngồi một mình, khuất sau bụi cây rậm, gợi nhớ tất cả về mình và chỉ thấy cô đơn, không bạn bè, không tình thương, ngay cả tình thương gia đình. Tôi thương tôi, cái tôi nhỏ bé, đơn độc, xa lạ và lẻ loi như các vì sao trên cao, cùng chung một bầu trời mà khi nào cũng long lanh nước mắt. Tôi đã trách mẹ tôi, người độc nhất gần gũi mà không khi nào hiểu được con cái. Tôi trách ba tôi, người đã sống mà lúc nào cũng xa lạ với gia đình. Tôi trách tôi đã không đủ sức hàn gắn những đổ vỡ và không đủ kiên nhẫn để chịu đựng lâu hơn. Tôi đâm ra ghét cuộc đời, nhất là cuộc đời nghèo túng như cuộc đời ba mẹ của tôi. Nếu có tiền, mẹ tôi sẽ không còn cằn nhằn ba tôi là không biết lo cho gia đình, ba tôi sẽ thấy chúng tôi là nơi yên nghỉ êm ái và yên tĩnh hơn tất cả, và tôi, sẽ khỏi chứng kiến những đổ vỡ, những cơn nổi trận lôi đình của cả hai người thân yêu. Tôi tự hỏi sự nghèo túng ấy là do nguyên nhân nào? Có phải tại ba tôi bất tài, vụng về nên không làm nên trò trống gì, hay tại ba tôi quá trung thành với nếp sống xưa mà không chịu lọc lừa? Có phải tại mẹ tôi vụng tính nên nhà thiếu trước hụt sau? Có phải tại tôi đã đòi hỏi quá nhiều chăng?

Tôi không trả lời được câu hỏi nào hết, chỉ thấy bực tức và buồn rầu sao mình lại sinh ra trong một gia đình như thế. Chưa bao giờ tôi thấy mẹ tôi ôm lấy tôi, vuốt tóc tôi nói những lời âu yếm. Tôi nhớ chưa có lần nào tôi và ba tôi đi chung cùng nhau. Tôi hiếm khi thấy mẹ tôi cười cởi mở, khen tôi xinh hay ngoan như bố mẹ bọn bạn tôi ngắm con họ. Và tôi cũng nhớ bọn bạn tôi chưa hề quàng vai tôi để đi tha thẩn trong sân những giờ ra chơi. Chúng bảo tôi kiêu trong khi tôi cô đơn và thèm tình thương của chúng không biết ngần nào. Cái kỷ niệm chua xót vẫn còn hằn trong trí tôi khiến tôi đâm sợ hãi mỗi lúc muốn làm quen với ai. Tôi còn nhớ hôm đó, giờ ra chơi, mấy đứa bạn nhỏ tuổi hơn tôi thì chơi đuổi bắt, nhảy dây, hay lò cò, mùa mưa chúng nó vạch ô chơi ô làng. Mấy đứa cùng lứa thì bắt chước mấy chị lớn, đi dọc theo con đường chính, dưới tàn lá phượng, hay mù u, vừa đi vừa tâm sự. Tôi không có bạn, và thấy mình cần bạn lạ lùng. Tôi chọn một đứa, con Diệu. Con nhỏ đang đứng, chống tay lên cằm bên cửa sổ nhìn bọn nhỏ chơi. Tôi không hiểu tại sao tôi chọn nó, có lẽ vì nó đang đứng một mình như tôi. Tôi đi nhẹ đến sau lưng nó, rồi đưa hai tay bịt mắt. Bị đùa bất thình lình, con nhỏ giật mình, nhưng rồi, cũng cười cười đưa tay lên mặt tôi cố rờ rẫm để đoán xem đứa nào nghịch tinh. Nó kêu đủ tên: Hương, Minh Thường, Loan… chả trúng tên nào. Tôi bịt mắt nó lâu quá cũng chán vội thả ra. Con bé quay lại thấy tôi thì ngạc nhiên, rồi bất ngờ, nó nổi giận:

- Ấy chơi chi lạ rứa? Bịt mắt người ta muốn đui luôn!

Hắn “xì” thêm một tiếng nữa rồi quay ngoắc đi, yên lặng và lơ đãng như tôi không hề đứng sau lưng nó. Tôi sững người, hai tai đỏ bừng vì xấu hổ, sau khi mắng một câu cho đỡ ngượng:

- Tưởng người ta cần lắm đó. Làm bộ hoài.

Rồi chạy về chỗ ngồi. Nước mắt trào lên mi, nóng và cay. Sau lần đó, tôi không chơi với đứa nào nữa. Cho đến bây giờ, tôi vẫn cô đơn. Tôi vẫn thường ngắm mình trong gương và tìm xem tại sao tôi không lôi cuốn tình thương của kẻ khác. Có phải vì mái tóc cứng chảy xuống lưng kia không? Có phải vì đôi mắt nhỏ mà dài có vẻ man trá kia không? Có phải vì đôi môi cong cớn kia không, hay bởi tại thân hình quá ốm yếu đến khỏng khoeo của tôi? Tôi thường hay khóc và mơ đến một hôm nào đó sẽ có bà tiên đến hỏi: “Sao con khóc?”. Tôi sẽ kể hết nỗi niềm, bà sẽ cho tôi một mái tóc mềm dịu, một đôi mắt to đen, một cặp môi nũng nịu, đáng yêu. Nhưng là những cơn mơ nên không bao giờ đến. Tôi vẫn là đứa con gái cô đơn, cô đơn nhất đời.

Tôi khóc nữa rồi. Giọt nước mắt không thể tự cầm giữ đã lăn xuống má.

Một bàn tay dịu mát cầm lấy tay tôi. Tôi mở mắt. Cô bé Thơ ngây nhìn tôi mỉm cười. Vẻ trong sáng từ đôi mắt to, trong trắng khiến tôi dịu đi. Cô bé nói như thể cô đọc hết được những gì tôi nghĩ từ nãy giờ:

- Chị đã quên những kỷ niệm đẹp rồi. Em là quá khứ của chị, em sẽ cho chị xem những điều rất hay.

Cô bé không nói đến nỗi cô đơn người lớn. Dường như cô chỉ cần làm cho tôi vui là đủ, không cần hiểu tâm trạng tôi làm gì. Cô nắm tay tôi tới bên cửa sổ, khoa tay lên không khí. Mặt gương đang trong suốt bỗng dưng đục ngầu.

Hình ảnh trong gương hiện ra như thể tôi đang xem chiếu bóng. Tôi thấy tôi đứng giữa đám trẻ con lau nhau bằng tuổi. Chúng tôi đang chơi đuổi bắt trên sân cỏ xanh sau trường. Chúng tôi vừa cười đùa, la hét và tôi cảm thấy vui không cùng. Tôi thấy tôi bị con bé Lan đuổi chạy khắp sân. Vừa cười, nhưng cũng sợ bị bắt, tôi luống cuống ngã sấp xuống bờ cỏ, con Lan ngã theo. Tôi đau nhói ở cánh tay. Con Lan sợ hãi trỗi dậy. Tôi nằm lì, khóc mãi. Con Lan ngồi bên cạnh tôi, cũng rưng rưng nước mắt. Bọn bạn tôi xúm quanh hai đứa. Có đứa hét lớn: “Con Lan xô con Kha nghe. Tao vô mét cô cho coi”. Có đứa phân trần: “Hai đứa đuổi nhau bổ chớ con Lan xô khi mô?”. Tiếng trống đổ dồn, mấy con bạn tôi vội vã chạy vào lớp. Ngoài sân vắng hoe chỉ còn hai đứa. Con Lan vẫn khóc tấm tức, không nói được câu nào.

Tôi không đứng lên được vì cánh tay mỗi lần cử động là đau nhói. Tôi vừa đau, vừa sợ, vừa ghét con Lan.

Tụi nó mách cô giáo thế nào mà cô vội vã chạy ra, nâng tôi dậy. Sau khi thuê xe cho tôi đi nhà thương, cô vào lớp phạt con Lan quì suốt từ giờ ra chơi cho tới khi về. Sau khi lành tay tôi đi học trở lại. Bọn bạn tôi kể chuyện con Lan vừa bị quì, vừa khóc ầm ĩ, bị cô giáo mắng nữa. Tôi đã không thương hại nó, còn cho thế là đáng kiếp. Tôi xấu tính thế sao?

Tấm gương lại mờ đi. Tôi thấy tôi ngồi trong lớp. Giờ phát bài đây. Khi cô giáo đưa vô cho tôi, tôi hồi hộp mở ra xem. Trời ơi, tôi bị ăn con số không ngon lành. Tôi tức tôi quá. Bài toán dễ thế mà chỉ vì khinh thường, không làm cho kỹ, tôi đã cộng nhầm. Đáp số sai bét. Ăn số không là đáng lắm. Nhưng tôi vẫn tức. Thà mà tôi không biết làm, không hiểu bài toán thì cũng đành. Đằng này chỉ vì cộng sai số! Tôi len lén nhìn cô. Trên gương tôi thấy cặp mắt tôi sao mà gian xảo thế. Tôi quay lưng, mượn cây bút nguyên tử đỏ của con Hoài, rồi sửa lại bằng số 05. Thế là yên tâm. Lúc hô điểm, con Kim thắc mắc hỏi: “Tao nhớ mi bị sai đáp số mà răng cô cho mi 5 điểm?”. Tôi cười giả lả: “Tại cách làm của tao trúng chớ răng!”

Chao ơi, khuôn mặt tôi khi trả lời con Kim thật là trơ tráo. Tôi không biết thẹn sao?

Tấm gương chao mờ… bây giờ thì tôi đang đứng trong hàng bán đồ chơi của chị Phượng. Mấy cái lò, chén, ly, tách bằng nhựa đủ màu xinh xắn để từng đống trong mấy cái hộp giấy. Tôi và mấy đứa bạn thường qua chơi với chị Phượng, mua đồ chơi về chơi nấu ăn. Chị Phượng thương chúng tôi lắm.

Tôi thấy tôi đang ngắm bộ bàn ghế bằng nhựa mầu hồng. Tôi thèm lắm. Về mà cắt vài con búp bê giấy, cho chúng nó ngồi lên bộ bàn ghế đó thì tuyệt. Nhưng tôi không có tiền. Tôi nhìn quanh. Không có ai. Len lén, tôi bỏ vội bỏ bộ đồ chơi vào bọc, ù té chạy về nhà. Sung sướng vì khỏi tốn xu nào mà lại có vật ưa thích.

… Tôi thế đó, tôi ích kỷ, tôi gian trá, tôi ăn cắp. Thế mà tôi cứ trách sao không ai yêu thương mình. Suốt thời thơ ấu của tôi, tôi đã yêu thương ai chưa? Tôi nắm tay cô bé thật chặt, mặt đỏ bừng vì xấu hổ. Tôi quay mặt đi.

Cô bé không nói gì, chỉ bóp nhẹ tay tôi. Cô bé kéo tôi đi. Đi đâu, tôi cũng không rõ nữa. Tôi như người mất hồn, như người mù.

Khi “Thơ Ngây” vỗ nhẹ vào tay tôi, tôi mới giật mình. Tôi đang đứng ở trong phòng nào khác màu xanh, đá xanh chứ không phải đá trắng. Căn phòng này rực rỡ hơn căn phòng trước với bình hoa lạ màu ngọc thạch. Mấy cánh hoa giống như hoa cúc, nhưng không phải hoa cúc. Căn phòng trải thảm màu xanh sẫm, mấy chiếc gối đủ màu nằm chồng lên nhau ở góc phòng. Một cái bàn vuông vắn màu đen bóng đặt giữa phòng, bốn cái chân thấp lè tè uốn cong dịu dàng.

Đứng bên cạnh một cánh cửa sổ tròn là một cô gái bằng tuổi tôi, mặc áo dài màu xanh ngọc. Cô đứng im nhìn tôi, dáng vẻ đoan trang kỳ lạ. Bên cạnh cô là mấy thỏi kim khí treo lỏng dỏng chạm nhau phát ra âm thanh dồn dập, vui tai. Cô bé “Thơ Ngây” đã biến mất hồi nào tôi không hay.

Cô gái lại lặng lẽ ôm mấy chiếc gối màu, sắp bên cạnh cái bàn thấp. Cô kéo tay tôi ngồi xuống chiếc gối màu nhung đen. Cô thì ngồi trên chiếc gối xanh. Cô với tay ngắt một bông cúc màu ngọc thach, bẻ từng cánh nhấm nháp. Hương hoa lạ tỏa ra, thơm dịu. Cô đưa cho tôi một cánh. Tôi bắt chước nhấm nhấm. Vị hoa đượm ngọt. Tôi thấy dễ chịu.

Cô gái nhìn tôi, nói giọng nhẹ nhàng:

- Tôi là “Hoa Niên”. Và tôi hiểu chị vô cùng vì tôi là quá khứ của chị. Tôi hiểu nỗi cô đơn không cùng của chị và tôi cũng biết những nguyên nhân gây ra nỗi đơn độc ấy nữa.

Cô gái cầm tay tôi, dáng an ủi:

- Tôi tin chị cũng biết, nhưng chị chỉ trốn tránh, không đủ can đảm nhận lỗi về phần chị mà thôi.

Tôi cúi mặt, không trả lời. “Hoa Niên” nói đúng. Tôi không dám chấp nhận những nguyên nhân ấy, tôi sợ phải tự trách mắng mình, sợ phải thấy sự thực.

“Hoa Niên” vẫn nhìn tôi, dịu dàng:

- Chị hãy ngẩng đầu lên và nhìn vào mắt tôi đây.

Tôi nghe theo, nhìn vào đôi mắt to, đen của nàng. Và tôi thấy gì? Khuôn mặt của tôi! Khuôn mặt biến động từ trạng thái ganh ghét với cái bĩu môi dường như thường xuyên và đôi mắt thù hằn, đến hỗn láo với cặp mắt quắc lên dữ tợn và làn môi cong cớn, rồi giận dữ với những đường gân máu hằn lên trên má, trong mắt. Tôi thấy tôi đầy vẻ xấu xa. Ngay cả đến nụ cười cũng chỉ là nụ cười mai mỉa, cay đắng. Tôi là thế đó sao? Thế mà tôi vẫn tưởng mình hiền lành, tốt bụng, đáng yêu. Thế mà tôi vẫn tưởng người đời bất công, Thượng đế bất công. Sao tôi không tự tìm hiểu lấy mình, sao tôi không tự sửa đổi mình mà chỉ nhắm cái xấu của thiên hạ?

Mắt tôi lại mờ đi. Sau làn nước mắt, tôi thấy “Hoa Niên” mỉm cười, nụ cười dịu dàng, khoan dung biết bao. Còn tôi, tôi chưa hề biết cười là gì. Đáp lại Hoa Niên, tôi cũng cười cảm ơn. Tôi bắt đầu cảm thấy mình đổi khác. Tôi đã có được sự thoải mái cho tâm hồn rồi sao?

Hoa Niên đứng dậy, kéo tôi lại một góc phòng. Nàng mở chiếc hộp con, trong đó đựng rất nhiều những tấm bìa cứng nhỏ bằng cái danh thiếp thường. Nàng tìm tòi và lôi ra một tấm đề tên mẹ tôi. Tôi còn thắc mắc thì Hoa Niên đã nói:

- Chị hãy nhìn vào tấm bìa này, rồi nghĩ đến Mẹ chị đi. Chị sẽ thấy.

Tôi nghĩ về mẹ tôi với tất cả thương yêu bấy lâu tôi đã giấu kín đi. Tôi thấy mẹ tôi đang ôm tôi trong vòng tay bà. Cái dáng nhỏ xíu của tôi lúc mới chào đời thực đáng thương biết bao. Tôi nhận ra mẹ tôi đang cố thu mình sau bụi cây rậm. Chung quanh bà là lửa sáng ngời. Mẹ tôi chạy giặc! Nhìn gương mặt hoảng hốt, tái xanh vì sợ của bà, tôi thương bà quá. Mẹ tôi cố gắng thu mình cho nhỏ đi. Một tiếng nổ cách mẹ con tôi có một thước. Mẹ tôi hốt hoảng nằm úp sấp, che cho tôi khỏi bị thương. Nước mắt mẹ dàn dụa, mẹ hôn tôi như thể sắp vĩnh biệt. Tôi cũng òa khóc. Mẹ tôi ôm tôi chặt hơn giữa tiếng đạn réo và đại bác nổ kinh hồn. Rồi tôi thấy tôi lớn hơn một chút, chừng hai tuổi, tôi thấy mẹ tôi ngồi đan áo len, vừa đan vừa trông chừng, hai mắt bà tràn hạnh phúc. Thỉnh thoảng, mẹ tôi bỏ chiếc áo đan dở, chạy đến ôm tôi, vừa hôn vừa nựng. Còn tôi thì cười như nắc nẻ. Hai mẹ con đều sung sướng.

Sao những hình ảnh hạnh phúc ấy tôi không chịu nhớ. Sao tôi không nghĩ là mẹ tôi đã thương yêu tôi biết bao nhiêu. Sao tôi không bao giờ nghĩ làm cho bà bằng lòng mà chỉ trách bà không làm hài lòng tôi? Tôi thật ích kỷ.

Hoa Niên lại đưa cho tôi một tấm bìa khác đề tên Ba tôi. Tôi lại nhìn và nghĩ đến ông một cách chân thành. Tôi thấy ba tôi đang bồng tôi đi xuyên qua những đám rừng hoang. Dưới chân sình lầy đến mắt cá. Trên đầu tôi, lá cây đan nhau che hết ánh sáng. Ba tôi vừa đi, vừa phạt cây. Vắt bám lên chân ba hút máu mà ba vẫn không để ý. Dáng xiêu vẹo của ba khiến tôi mủi lòng.

Tôi lại thấy ba tôi đang cặm cụi làm cho tôi chiếc lồng đèn con cá. Tôi ngồi một bên nhìn say mê. Lâu lâu, tò mò tôi rờ rẫm từ tờ giấy bóng đỏ, đến nan tre được vót nhẵn. Ba tôi cốc lên đầu tôi nhè nhẹ mắng:

- Yên nào, đừng phá con!

Thế thôi. Đã bao giờ Ba Mẹ tôi đánh tôi chưa? Tôi đoan chắc là chưa bao giờ hết. Chỉ mắng thôi. Ba Mẹ tôi chìu tôi thế đấy, sao tôi còn oán. Sự nghèo túng là tại thời thế, đâu phải lỗi ở hai người.

Tôi thẫn thờ bỏ tấm bìa xuống. Hoa Niên cất chúng vào hộp, rồi nắm tay tôi kéo dậy:

Tôi hỏi:

- Bây giờ làm sao tôi thay đổi được? Tôi bất lực quá, tôi nhỏ bé quá. Hoa Niên có biết tương lai chúng tôi sẽ ra sao không?

Hoa Niên không trả lời tôi. Nàng dắt tôi đi ra vườn. Khu vườn này nằm ở sau tòa lâu đài rộng. Hai bên là dương liễu xanh. Gọi khu vườn thì không đúng. Đây quả là một rừng dương. Cây cối mọc lên rất đều nhưng rất rậm. Và chỉ có một lối đi độc nhất. Một tòa nhà trắng khác tọa lạc ở cuối đường. Hoa Niên đưa tay chỉ về ngôi nhà rộng không kém tòa “Quá khứ”:

- Kia là lâu đài “Tương lai”. Con đường nhỏ chúng ta đi đây mang tên “Hiện tại”. Chỉ có một con đường này nối hai tòa lâu đài này.

Nàng chỉ về đàng xa:

- Chung quanh đây là bức tường ngăn chia khu vực này với khu rừng ngoài kia. Ở ngoài bao la vô tận, mang tên “Hoang vu”. Khó có ai vào được khu vực đó.

Nàng lại chỉ xuống con đường đất chúng tôi đang đứng:

- Con đường này đẹp lắm, nhưng chị hãy xem đây, chúng đầy gai nhọn, và cũng đầy hoa thơm.

Tôi theo ngón tay của nàng và ngạc nhiên nhìn. Gai thật nhiều mà hoa cũng thật nhiều, mỗi loại gai có hình dáng khác nhau, hoa cũng trăm ngàn vẻ, trăm ngàn mầu sắc.

Hoa Niên chỉ cho tôi đám gai kia và bảo:

- Gai màu đỏ là gai “Giận dữ”, gai màu đen là gai “Chán chường”, gai màu vàng là gai “Kiêu hãnh”, gai màu tím là gai “Hận thù”, gai màu nâu là gai “Ganh ghét”, gai màu rượu chát là “Đam mê”, mầu xanh phớt kia là “Ngạo mạn”…

Nàng lại chỉ vào mấy cành hoa ngát hương mà bảo:

- Hoa trắng kia là hoa “thành thật”, hoa đỏ kia là “hăng hái”, màu vàng kia là “bác ái”, màu xanh là “khoan dung”, màu hồng nhạt là “dịu dàng”…

Bao giờ mà chị hái được cho trọn một bó hoa, dọn cho sạch hết gai góc này, chị sẽ đi đến tòa nhà trắng kia. Chị có nghe tiếng chim hót không?

Hoa Niên nghiêng đầu, chăm chú. Tôi cũng lắng tai. Không phải tiếng chim hót, tiếng nhạc từ tòa lâu đài trắng vẳng ra. Hoa Niên cười rạng rỡ:

- Ở trong đó sẽ xán lạn, vui tươi lắm chị à.

Rồi nàng nghiêm trang tiếp:

- Nếu chị không đến được tòa nhà trắng ấy, chị sẽ rơi xuống chỗ này.

Hoa Niên vừa nói vừa chỉ tay vào một cái hang sâu thăm thẳm, đen như mầu đêm và lạnh như băng tuyết. Giọng Hoa Niên như từ nơi nào mơ hồ vọng đến:

- Hang ấy gọi là hang “Đau khổ”.

Tôi rùng mình, cảm thấy như Hoa Niên tan biến dưới chân. Bên cạnh tôi, một đóa hoa xanh xuất hiện. Hoa nở trọn vẹn. Cái gì đến mức cuối phải tan rã, như người ta leo đến đỉnh phải tụt xuống. Tuổi hoa niên của tôi sắp rã cánh. Tôi cúi xuống vội vàng, bắt đầu hái từng đóa hoa, dẹp bỏ từng đám gai nhỏ. Gai xước vào tay, đau nhói. Tôi không để ý, lẩm bẩm theo lời “Hoa Niên”:

- Này đây gai “ganh ghét”, gai “hận thù”, này là hoa “chân thành”, hoa “trong sạch”…

Cứ thế, tôi nghe tiếng nhạc reo vui càng lúc càng gần. Con đường tôi đi càng xa càng sáng. Tôi biết sẽ có một ngày tôi được đứng trước cửa tương lai hứa hẹn, nếu con đường tôi đang đi đừng quá dài và đừng quá nhiều gai góc.


Tỉ Tỉ   


(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 73, ra ngày 15-7-1967)


Chủ Nhật, 30 tháng 8, 2015

Bông Hồng Cài Áo


      Mến tặng các bạn Thiếu Nhi 
dù đang cài Hoa Hồng hay Hoa Trắng

Tôi yêu nhất mùa Thu vì mùa Thu có lễ VU LAN với những kỷ niệm êm đềm của những ngày tôi còn mẹ. Mỗi lần đến lễ VU LAN, là hình ảnh mẹ sống lại trong tôi thật đậm đà.

Ngày ấy mẹ tôi với khăn áo chỉnh tề mang hoa quả, đèn nhang đi lễ Phật. Tôi đi bên người cũng với chiếc áo dài trắng ủi phẳng phiu, đầu tóc gọn ghẽ, lại cài thêm cái hoa hồng trên ngực áo. Thuở ấy tôi còn bé quá, chưa hiểu được cái hạnh phúc của những kẻ còn được cài hoa hồng trên áo, tôi chỉ ngỡ cài nó trông đẹp thế thôi!

Mẹ tôi dạy tôi lễ Phật và cầu nguyện. Tôi cũng làm theo người xì xụp lạy và đọc lầm thầm những câu người dạy cho tôi. Trong không khí ngào ngạt mùi hương, cả một khối người lao xao cùng với hoa quả, đèn nhang đi lễ Phật. Tôi thắc mắc không biết bức tượng Phật phết vàng ngồi trong tòa sen kia có cái gì mà mọi người đều tỏ vẻ cung kính, kể cả mẹ tôi, và tôi tự lấy làm tiếc cái đĩa trái cây thơm phức của mẹ tôi quá mức! Vì lát nữa đây tôi phải “xa” nó.

Ôi! Hạnh phúc làm sao cái thuở còn mẹ, vậy mà tôi không hề hay biết, có lần còn ngây thơ hỏi mẹ : “Mẹ! Con thấy có người họ cài hoa trắng trên áo trông cũng đẹp lắm, lần sau đến lễ mẹ cài cho con hoa trắng đi”. Khi ấy mẹ tôi đang bận tay với chảo đồ xào chay nên bà chỉ gắt nhẹ với tôi : “Đừng dại con”. Câu nói đó bây giờ tôi mới hiểu, vì bây giờ tôi mất mẹ.

Bây giờ lại một mùa lễ VU LAN tôi đi chùa một mình để cầu nguyện cho mẹ.

“Mẹ kính yêu! Người ta cài bông hồng vì còn có mẹ, còn con mất mẹ nhưng vẫn cài bông hồng. Cài bông hồng để nhớ đến mẹ, để thương mẹ và để tự an ủi mình còn có mẹ!”


HẠNH VI    


(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 102, ra ngày 10-8-1973)

Thứ Bảy, 29 tháng 8, 2015

Bể cả, Non xanh

(Cho những búp bê 
còn cài hoa hồng trên áo)

Bỗng một hôm em thấy
Trên vầng trán mẹ già
Những vết hằn sâu kín
Chứng tích bao ngày qua

Rồi một hôm em thấy
Lấm tấm đỉnh “Thái Sơn”
Mầu tuyết sương bàng bạc
Ôi thời gian vô hồn!

Và một hôm em thấy
Qua gương loáng ảnh mình
Tóc xanh, mầu má thắm
Đây ngày xanh, ngày xanh

Đôi thân cây còm cõi
Vun quén mầm non tươi
Nhánh cây già héo xuống
Cho mầm non hé cười

Trong niềm vui chưa trọn
Mẹ lo buổi xế chiều
Tàng cây không đủ lớn
Che đàn con liu chiu

Cha thở dài len lén
Sự nghiệp chưa tròn tay
Một mai cây già đổ
Tội đời con tháng ngày

Trẻ thơ thêm một tuổi
Mẹ đầy thêm nhọc nhằn
Nhìn năm tàn tháng lụn
Cha đầy thêm băn khoăn

Ôi lòng cha tình mẹ
Dòng nước mãi chảy xuôi
Nguyện cầu hoa hồng thắm
Cài áo em trọn đời.

                             (Cuối đông – 72)
                         HUỲNH CHÚC (M-Y)

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 80, ra ngày 11-3-1973)

Thứ Sáu, 28 tháng 8, 2015


MÁ,

Con tưởng là má quên ngày sinh nhật má. Không dè… má lại cố tình quên. Má ơi, con xin lỗi đã lén xem nhật ký của má. Chỉ vì sáng nay con vào phòng má tìm cái mùi xoa. Cũng nhờ vậy mà con mới biết. Con lặng người đi một lúc lâu khi đọc xong những dòng má viết. Nước mắt con chảy dài, thương má đã thương các con.

Chị Nhàn nói với con tối nay nhắc má lo sinh nhật đi là vừa. Chị đã chọn quà cho má xong, mà con được thấy là chiếc áo dài màu xám tro may thật khéo. Chị bảo má già rồi, mặc màu này mới hợp. Con chợt thảng thốt: Má già rồi! Vậy mà lâu nay con không để ý. Vâng, má đã bắt đầu già rồi. Da má nhăn, tóc má không còn mướt, trán má thêm nhiều nếp, và mắt má không còn tinh… má già rồi, vậy mà suốt đời vẫn phải lo cho các con, để đến nỗi quên đi thân má.

Con nói với chị Nhàn rằng má định không tổ chức sinh nhật năm nay của má. Con không nói đến quyển nhật ký của má. Con không nhắc những dòng chữ tràn đầy cảm xúc của má.

Con bồi hồi nhớ lại quyển nhật ký mà buồn và thương má. Gia đình mình ba đi làm vất vả, tiền thu gọn trong tiền lương. Vật giá cao, nhà mình đông miệng ăn, má phải dè xẻn từng đồng, vậy mà không một tiếng than. Má nhẫn nhục cam chịu một mình, để ba và các con an vui, không bận nhiều lo lắng.

Cho đến sinh nhật má, má cũng không màng. Dù các con, mỗi đứa đều có những ngày sinh nhật hằng năm, vui và lớn.

Má chỉ nghĩ đến các con. Má lo thân con hơn thân má. Má hy sinh để cho con. Tất cả cũng chỉ để cho con. Tuổi má già, con má lớn. Má càng thêm lo, nên hao gầy sức vóc. Công ơn biển trời của ba, của má, con nặng nghĩa thâm sâu, biết đến bao giờ con đền bù mới đủ.

Ngày sinh nhật của má, các con không bao giờ quên. Con sẽ nói với chị Nhàn, em Thư, em Thái… về ý định của má trong quyển nhật ký.

*

Vậy là tất cả chúng con đều đồng ý với nhau rằng nếu má không tổ chức sinh nhật má, tụi con cũng sẽ bằng lòng không cho má làm sinh nhật các con. Mà con nghĩ như vậy sẽ đỡ lo cho má hơn nhiều. Gia đình mình hạnh phúc. Các con sống trong ấm êm đầm ấm, nên hưởng đủ mọi thứ, mà ba má phải lo chu toàn. Trong khi tụi con sung sướng đến chừng đó, thì đã có biết bao nhiêu người khổ hơn con. Họ thiếu thốn vật chất lẫn tinh thần, thì làm gì có ba, có má để lo cho ngày sinh nhật. Họ không đủ cơm ăn áo mặc thì làm sao tổ chức sinh nhật. Con nhớ có một ông nào đó đã nói: “Nhặt những hạt cơm thừa của một người nhà giàu, đủ nuôi một người nghèo khó…” Thì má ơi, những ngày sinh nhật của tụi con, không lẽ không giúp được người nào trong số những người thiếu thốn đó hay sao?

Con chắc là má sẽ không bằng lòng, má sợ tụi con mất niềm vui và thua sút bạn bè. Nhưng chị Nhàn, em Thư, Thái cũng như con. Tất cả đều quyết định bỏ đi những ngày sinh nhật. Bạn bè chúng con, đâu phải ai cũng có ngày sinh nhật. Ba má làm nghề lao động, gia đình con đông… chúng nó đâu có bao giờ đòi hỏi như con. Thì tại sao con không thể hòa đồng như bạn bè con được? Nhà mình cũng đâu có giàu, chỉ nhờ má biết lo, cần cù, khó nhọc và thương con.

Má ạ, em Thái còn nhỏ xíu như vậy mà đã biết thương má, mà cùng một ý với các chị bỏ ngày sinh nhật, thì huống chi chúng con đã lớn cả rồi. Chúng con ý thức được chúng con trong gia đình và đối với mọi người xung quanh. Từ bây giờ, có lẽ chúng con nên tập CHO hơn là ĐÒI HỎI…

*

Tôi rón rén bước vào phòng má. Hơn mười một giờ đêm rồi. Cả nhà đang yên giấc. Má tôi thở đều hòa trong ánh đèn ngủ lờ mờ. Giấc ngủ người vẫn bình lặng, không lo nghĩ đến ngày mai. Dù ngày mai là sinh nhật má tôi, người vẫn lặng thinh không báo tin cho các con hay. Nhưng chúng tôi vẫn âm thầm tặng quà cho má. Chị Nhàn đã đặt chiếc áo dài màu xám tro trong tủ áo của má. Thư đã trịnh trọng để trên bàn may cái hộp đựng kim chỉ có lồng kính mảnh vải trắng thêu hai con chim đậu trên cành trúc và chữ MÁ. Còn Thái, dù là con trai, em vẫn nhờ chị Nhàn mua hộ hai cây kim đan thế vào chỗ hộp đựng đồ đan của má, vì kim đan cũ của má đã cong queo. Phần tôi, tôi đang tặng quà cho má… Tất cả đều được hoàn thành khi má vừa đi ngủ. Sáng mai dậy sớm hơn hết, má sẽ nhận được quà tôi trước tiên khi với tay tắt đèn ngủ - Một quyển sách nhỏ. Ồ! Con má tặng má đây mà. Các con vẫn nhớ ngày sinh nhật của má. Má sẽ run run khi gỡ lớp gấy hồng bao quanh. Và chữ MÁ ở trang đầu tiên sẽ đập vào mắt má, như ngàn trìu mến các con gửi cho má.

Rồi lần lượt, má xúc động biết bao. Trên bàn máy có hộp kim chỉ của Thư. Trong tủ áo có cái áo dài màu xám tro của Nhàn. Và đôi kim đan. Ồ, Thái đã thay kim mới cho má. Má sung sướng biết bao. Và các con cũng sung sướng biết bao, khi nằm trong mùng lặng lẽ theo dõi má.

Chỉ nghĩ đến sáng ngày mai mà tôi cũng rộn vui rồi. Má tôi sẽ gọi từng đứa thức dậy trước những món quà tặng má… Ba cũng sẽ dậy và thật là ngạc nhiên lẫn thích thú…

Tôi nhẹ đặt quà tặng má bên cạnh đèn ngủ. Món quà này tôi đã nâng niu từ mấy bữa nay, cũng như chị Nhàn đã săm soi cái áo. Tôi viết trên lớp giấy hồng một kiểu chữ thật đẹp “Dành cho sinh nhật má”. Màu hồng tượng trưng cho hạnh phúc và tình thương. Và tựa cuốn sách là “Bông Hồng Cài Áo”. Má tôi đã từng đọc cuốn này chứ không phải là chưa biết. Nhưng đây, đây là quà của con má dành tặng riêng má.

Con tặng má quyển Bông Hồng Cài Áo của Nhất Hạnh. Quà của con nhỏ bé, đơn sơ, nhưng con biết má nhận quà con với cả tâm tình con trong đó. Tất cả chị em con đều tặng cho má mỗi đưa một tâm tình yêu thương, nỗi lo lắng, khó nhọc… để bảo trọng con hơn mười mấy năm nay, hả má?! Chín chữ cù lao, nghĩa sâu ơn nặng. Công ba má hơn biển hơn trời, lấy gì mà so sánh nổi. Công cha như núi Thái sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra… Vâng, má ơi! Nghĩa của má với các con bất tận đến muôn đời…

Đêm nay, má ngủ an lành. Cơn mơ má đang vui ngày sinh nhật. Má vui vì các con yêu má. Con vui vì má yêu các con. Gia đình mình bình yên, hạnh phúc…


LINH THÙY    
(Mùa báo hiếu 73)


(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 102, ra ngày 10-8-1973)

Thứ Năm, 27 tháng 8, 2015

CHƯƠNG VIII_CUỘC ĐỜI THƠ ẤU CỦA VUA HỀ SẠC-LÔ


CHƯƠNG VIII


Tôi nhớ văn hào Công-Rát (Conrad) đã viết cho một người bạn rằng cuộc sống cho ông ta cảm tưởng như mình là con chuột mù nằm ở góc nhà, chờ đợi giờ phút người ta đập chết. Sự so sánh ấy có thể coi như phù hợp vào biết bao nhiêu cảnh ngộ bi thảm mà chúng ta đây có thể trải qua. Nhưng trong chúng ta cũng có nhiều người gặp được một dịp sung sướng, một dịp may mắn, và đó là điều đã xảy ra cho bản thân tôi.

Tôi đã bán báo, làm thợ nhà in, bán đồ chơi cho trẻ con, thổi chai, chạy việc cho thầy thuốc v.v… nhưng trong những cuộc phiêu lưu nghề nghiệp như thế, tôi cũng như anh Sít-nê, không bao giờ quên cái đích tối hậu đời mình là thành kịch sĩ. Vì vậy, gặp được dịp rảnh nào là tôi đánh giày, chải áo tìm đến xin việc tại sở kịch nghệ Bờ-Lắc-Mo (Blackmore). Tôi đã đi lại như thế mãi cho đến ngày áo quần của tôi không cho phép tôi được xuất hiện nữa. Nhưng một tháng sau ngày anh Sít-nê tôi về, tôi được nhận vào đoàn hát. Khi được chấp thuận và hẹn ngày giờ làm việc tôi lên xe buýt về nhà, say sưa vì hạnh phúc. Người ta chịu trả cho tôi số tiền thù lao hai liu và mười xi linh mỗi tuần. Như thế, tôi đã đột ngột rời khỏi cuộc đời nghèo khổ và bước vào trong giấc mơ ôm ấp từ lâu, giấc mơ mà mẹ tôi từng nói đến với một niềm vui lạ lùng. Tôi sẽ trở thành diễn viên sân khấu. Tất cả điều ấy xảy tới đột ngột chừng nào, bất ngờ bao nhiêu. Suốt cái thời gian ngồi trên xe buýt tôi cảm thấy mình đã vượt qua được một giai đoạn thật là quan trọng. Tôi không còn là nhân vật vô danh lê lết trên các ngoại ô. Bây giờ tôi đã thuộc vào thế giới kịch nghệ. Nghĩ thế, tôi chỉ chực khóc.

Khi tôi trở về kể lại đầu đuôi câu chuyện người ta đã tiếp nhận tôi ra sao cho anh tôi nghe, nước mắt anh tôi bỗng chảy đầm đìa. Anh ngồi nơi giường nhìn ra cửa sổ với vẻ suy nghĩ, vừa lắc lư đầu và vừa gục gặc rồi nói một cách trang trọng:

- Chúng ta đang ở vào một khúc quanh quan trọng của cuộc đời mình. Ước gì có mẹ ở đây để cùng vui với chúng ta.

Tôi tiếp lời anh một cách phấn khởi:

- Anh thử nghĩ coi, họ đã chịu ký giao kèo để mình trình diễn bốn mươi tuần lễ mà cứ mỗi tuần là hai đồng liu và mười xi linh. Em cũng đã bảo ông bầu về việc giao kèo ký kết này nọ đều do anh quyết định cả, như thế mình còn có thể đòi được cao hơn. Ít ra năm này anh em mình để dành được sáu chục đồng liu là ít.

Sau khi sự phấn khởi đã dịu bớt, anh em chúng tôi nhận định là tiền thù lao hai liu và mười xi linh thật không xứng với vai trò quan trọng mà tôi nhận lãnh trong vở tuồng đó. Tôi bảo anh tôi cố gắng đòi thêm, nhưng cuối cùng ông bầu gánh tỏ ra không chút nao núng nên chúng tôi cũng thấy thế là quá tốt rồi. Anh tôi đọc hết vai kịch, giúp tôi học thuộc. Đó là một vai đáng kể, dài độ ba mươi lăm trang nhưng chỉ ba ngày tôi đã thuộc lòng. Đến ngày trình diễn để mà duyệt xét trước khi chính thức vào rạp người đạo diễn của đoàn hát tỏ ra hết sức ngạc nhiên hỏi tôi đã từng trình diễn lần nào ở trên sân khấu hay chưa. Mọi người trong đoàn tỏ ra hết sức hài lòng. Tôi chỉ còn mỗi khuyết điểm phải sửa chữa lại là hơi ngọ nguậy cái đầu và hay nhăn nhó trong khi phát biểu.

Đến khi thực sự trình diễn, vở kịch không được thành công. Các nhà phê bình sân khấu nặng lời chỉ trích, chỉ riêng mình tôi được vài lời khen. Một tờ báo viết : “Có một chi tiết đáng kể đã gỡ gạc được rất nhiều cho vở kịch, ấy là vai em bé bán báo đã gây vui nhộn và lôi cuốn được khán giả. Vai đó đã được Sạc-Lơ Sa-Pơ-Lanh, một kịch sĩ trẻ có tài thủ lấy”. Anh tôi đã mua mười hai tờ báo như vậy để mà lưu giữ. Suốt cái thời gian trình diễn hai tuần, chúng tôi vẫn ở nhà cũ vì trên phương diện kinh tế chúng tôi thấy chưa có gì thật sự bảo đảm. Vào một dịp rảnh, chúng tôi đến dưỡng trí viện thăm mẹ. Mấy cô khán hộ đều nói là mẹ tôi không được khỏe trong ngày hôm đó nên không thể nào thăm được. Họ kéo anh tôi lại chỗ khác để nói chuyện và tôi nghe anh trả lời:

- Không, tôi chắc nó không muốn đâu. (Đoạn, anh quay nhìn tôi với một vẻ mặt buồn bã) Em có muốn gặp mẹ trong biệt phòng không?

Tôi bước lùi lại, kêu lên:

- Ồ, không. Em không thể nào chịu nổi cảnh đó.

Nhưng anh tôi đến thăm mẹ, bà nhận ra được anh tôi và tìm lại được một sự tỉnh táo bình thường. Vài phút sau đó một cô khán hộ ra bảo nếu tôi muốn thăm hãy cứ theo vào và chúng tôi cùng gặp nhau ở trong biệt phòng. Trước khi anh em chúng tôi ra về mẹ tôi kéo riêng tôi ra một chỗ và bà thì thầm bảo tôi với một giọng nói tuyệt vọng:

- Nhớ đừng mất trí nghe con, nếu không họ sẽ nhốt con ở đây.

Mẹ tôi phải ở trong dưỡng trí viện đến mười tám tháng mới tìm lại được sức khỏe. Nhưng trong thời gian tôi đi trình diễn khắp nơi thì anh tôi vẫn thường xuyên đến viếng thăm bà.

Trong chuyến trình diễn đầu tiên ban Quản trị của đoàn hát bảo tôi cùng ở chung với vợ chồng ông Gờ-Rin (Green). Ông là thợ mộc của đoàn, bà phụ trách việc may mặc. Ở chẳng vui gì mà ông bà này lại còn có tật nghiện rượu. Tôi không thích ngồi ăn chung với họ, và cũng không ưa được cách ăn uống của họ. Tôi nghĩ cuộc chung sống này đã chẳng vui gì cho họ mà cũng chẳng vui gì cho tôi. Được ba tuần lễ, chúng tôi đồng ý ở riêng và bởi tôi còn quá trẻ để chung sống với các đào kép khác nên tôi phải ở một mình. Như thế, tôi sống đơn độc trong một thành phố xa lạ, một mình ở trong chiếc phòng nhỏ bé và trước khi đêm trình diễn bắt đầu tôi cũng ít khi tiếp xúc với một ai khác, tôi chỉ được nghe có mỗi giọng nói của tôi mỗi khi tôi nói mà thôi. Thỉnh thoảng tôi cũng bước vào tiệm nước mà các đào kép cũng như nhân viên của đoàn tụ tập, để xem họ chơi bi da. Nhưng tôi luôn có cảm tưởng sự tôi hiện diện làm họ không thích chuyện trò và họ cũng tìm cách cho tôi thấy rõ ràng điều ấy. Khi họ đùa cợt, nếu tôi hòa tiếng cười theo thì họ nhìn tôi một cách thật là nghiêm khắc.

Dần dần nỗi buồn xâm chiếm lấy tôi. Một tối thứ bảy khi chúng tôi đến những thành phố về phía Bắc tôi chỉ còn nghe những hồi chuông reo thảm đạm trong khi tôi dạo bước trên đường lớn. Bóng tối xuống dần, và nỗi cô độc của tôi cũng không có cách gì xoa dịu. Những ngày trong tuần tôi đi lang thang vào trong các chợ địa phương mua sắm này nọ và mua thức ăn để về cho người chủ trọ nấu nướng. Đôi khi tôi đến thuê một phòng trọ và tôi cùng ăn với gia đình chủ. Việc này làm tôi thích thú vì cách nấu ăn của người miền Bắc thật là sạch sẽ và rất ngon lành.

Tôi đi trình diễn trong vòng sáu tháng. Trong thời gian đó anh Sít-nê tôi vẫn chưa thành công trong ước vọng thành kịch sĩ nên tạm kiếm việc làm khác và được thu nhận vào bán trong một tiệm lớn. Trong số một trăm năm chục người xin vào làm, người ta chỉ chọn mỗi anh. Vậy mà anh vẫn cảm thấy đó là một sự thất bại nặng nề. Anh thường xuyên viết cho tôi để cho tôi biết tin tức về mẹ nhưng tôi ít khi trả lời thư anh, trước hết vì chữ tôi viết quá kém. Có một bức thư của anh làm tôi hết sức cảm động. Anh đã trách tôi về việc vắng bặt thư từ, gợi lại bao nhiêu đau khổ mà chúng tôi đã trải chịu cùng nhau, và những tủi nhục, những khổ nghèo ấy đáng lẽ phải làm chúng tôi gắn chặt vào nhau. Anh viết “Từ ngày mẹ của chúng ta lâm bệnh, mỗi người trong chúng ta đây chỉ còn có nhau trên cõi đời này. Em hãy thường xuyên viết thư cho anh, để nhắc nhở anh nhớ rằng anh vẫn còn có đứa em”. Thư anh thật là cảm động, và tôi vội vàng trả lời. Kể từ ngày ấy, tôi nhìn anh tôi với một tâm tình khác hẳn. Bức thư của anh làm gắn chặt thêm tình anh em giữa chúng tôi và mối tình ấy bền chặt suốt cuộc đời tôi.

Tôi đã tập thói quen để sống một mình. Nhưng tôi đã mất thói quen ăn nói đến nỗi thình lình gặp một nhân viên đoàn hát tôi thấy lúng túng một cách khủng khiếp. Tôi không thể nào tìm lại ý nghĩ cho kịp để trả lời thật thích đáng những câu người ta hỏi tôi, và khi người ta đi rồi tôi chắc họ cũng ngờ tôi mất trí. Cô đào chánh của đoàn tôi thật đẹp, thật là dễ thương và thật tử tế, vậy mà đi ở ngoài phố trông thấy cô ta đi về phía mình tôi phải vội vàng quay lưng giả bộ chăm chú nhìn trong tủ kính và tìm rẽ sang lối khác để tránh chạm mặt. Dần dà tôi không chú trọng tới sự ăn mặc, trở thành hết sức lôi thôi. Cùng đi với đoàn bao giờ tôi cũng trễ lại sau cùng, và đến phút cuối tôi mới chạy đến sân ga, tóc tai bù xù, nên thường xuyên bị trách mắng. Để cho có bạn, tôi bèn mua một con thỏ, và dừng lại một nơi nào tôi tìm cách đem nó nhốt chung vào phòng mình mà không cho chủ nhà biết. Con thỏ thật xinh nhưng không quen sống trong nhà. Bộ lông của nó vừa trắng vừa sạch đến nỗi không ai ngờ rằng nó lại có thể hôi hám đến thế. Tôi nhốt nó trong một cái lồng bằng gỗ nhỏ, giấu ở dưới giường. Bà chủ bước vào trong phòng thật là vui vẻ, mang các thức ăn cho tôi, nhưng cũng liền đó bà ta đánh hơi thấy mùi khác lạ và vội vàng bước ra ngoài với vẻ ngạc nhiên, lo lắng. Đợi bà ra khỏi, tôi phóng thích ngay con thỏ để nó vọt qua khỏi phòng. Từ đó, tôi tìm cách dạy nó biết vọt ra khỏi chuồng mỗi lần có người gõ cửa. Khi bà chủ nhà khám phá được bí mật đó, tôi bèn trình bày sự việc khiến bà cũng thấy cảm động và bà cố gắng chịu đựng chúng tôi trong một tuần lễ. Nhưng lúc tôi đến Tô-Ni Pân-Đi sau khi tôi đã trình bày cho bà chủ nhà biết rõ tài nghệ của con thỏ tôi, bà ta mỉm một nụ cười bí mật không nói năng gì. Nhưng tối hôm đó, khi tôi trở về, thì con thỏ đã biến mất. Tôi có gặng hỏi, bà chủ lắc đầu và bảo:

- Chắc là nó trốn đâu đó hay ai đánh cắp mất rồi.

Nhưng chính bà đã tìm ra một cách giải quyết vấn đề thật là công hiệu.

Sau khi trình diễn bốn mươi tuần lễ vòng quanh các tỉnh, đoàn của chúng tôi quay về trình diễn tám tuần trong vùng ngoại ô Luân Đôn. Vở kịch chúng tôi đang diễn thâu gặt kết quả hết sức rực rỡ, nên hết chuyến lưu diễn này sẽ tổ chức thêm một chuyến thứ hai độ ba tuần lễ. Anh tôi và tôi quyết định rời khỏi chỗ cũ quá sức chật chội để tìm thêm một ngôi nhà ở trong khu phố khang trang hơn nhiều. Như những con rắn, chúng tôi cũng muốn thay da, rời bỏ những vết tích của quá khứ. Có một vai phụ ở trong vở kịch trong chuyến lưu diễn sau này và tôi đề nghị với viên quản lý đoàn hát thâu nhận anh tôi thủ vai trò đó. Anh tôi đã được chấp thuận với tiền thù lao mỗi tuần là ba mươi lăm xi linh. Lần này chúng tôi được đi chung trong đoàn hát. Mỗi tuần anh tôi đều viết thư về cho mẹ, và sau chuyến lưu diễn này chúng tôi nhận được lá thư của dưỡng trí viện cho biết mẹ tôi đã bình phục rồi. Thật là một tin hết sức vui mừng. Chúng tôi sắp xếp mọi việc để mẹ tôi rời bệnh viện và về ở với chúng tôi. Để mừng sự đoàn tụ ấy, chúng tôi thuê một ngôi nhà thật sang gồm có hai phòng và một phòng khách, có một dương cầm trong phòng mẹ tôi cùng với nhiều hoa, và chúng tôi đặt một bữa ăn tối thật là sang trọng. Anh tôi và tôi ra ga đón mẹ, hớn hở sung sướng, nhưng tôi vẫn tự hỏi lòng với ít nhiều nỗi âu lo không hiểu mẹ tôi trở về lại với cuộc sống chúng tôi sẽ như thế nào, vì tôi hiểu rằng những sợi dây đã ràng buộc chặt chẽ chúng tôi như là ngày xưa không bao giờ tìm lại được.

Cuối cùng tàu đến. Chúng tôi nhớn nhác dò xét từng khuôn mặt người bước xuống từ các toa tàu. Rồi mẹ tôi đến, tươi cười bước tới một cách trầm lặng. Bà không lộ một vẻ gì xúc động khi anh em tôi gặp bà, mà đã đón tiếp chúng tôi với sự phải phép thân tình. Rõ ràng mẹ tôi cũng cần phải có thời gian để mà hòa hợp.

Trên chuyến xe ngựa ngắn ngủi từ ga về nhà, mẹ con chúng tôi nói hàng trăm chuyện. Sau phút phấn khởi dẫn dắt mẹ tôi xem nhà, xem căn phòng dành riêng cho bà, chúng tôi họp lại ở trong phòng khách, nhìn nhau nghẹn ngào. Đó là một ngày đẹp trời, căn phòng chúng tôi nhìn ra đường phố yên tĩnh, nhưng sự vắng lặng bây giờ trở thành nặng nề và mặc dù tôi cảm thấy muốn được toại lòng tôi cũng phải chống chọi lại một nỗi ngột ngạt. Người mẹ khốn khổ của tôi chỉ đòi hỏi thật ít ỏi trong cuộc đời này để được sống vui, gợi tôi tưởng nhớ lại cái quá khứ buồn thảm của mình. Và mẹ tôi là con người cuối cùng trên cõi đời này có thể tác động đến tôi như thế. Tôi tìm mọi cách che giấu những cảm nghĩ ấy. Mẹ tôi có phần già hơn và nặng nề hơn. Tôi thường lấy làm kiêu hãnh về cái dáng đi của bà, về cách ăn mặc của bà và tôi muốn đem bà đến trình diện với đoàn, nhưng bây giờ bà có vẻ xuềnh xoàng. Chừng đoán được ý nghĩ tôi bà quay lại nhìn với một ánh mắt dò hỏi. Tôi đưa tay vén mái tóc mẹ tôi một cách ngượng ngập và mỉm cười nói với bà:

- Trước khi đưa mẹ đến gặp đoàn hát, con muốn mẹ thật khỏe đã.

Mẹ tôi nhìn tôi, rồi cầm búp phấn xoa lên mặt bà vui vẻ nói:

- Mẹ thật sung sướng vì còn được sống.

Chỉ một thời gian ngắn sau, chúng tôi hòa hợp và nỗi buồn rầu của tôi cũng tan biến đi. Mẹ tôi hiểu rõ hơn chúng tôi nhiều rằng cái thời kỳ âu yếm thân mật khi chúng tôi còn ở tuổi ấu thơ giờ đã qua rồi, và điều đó làm cho bà trở thành yêu quý đối với chúng tôi hơn nữa. Trong cuộc lưu diễn mẹ tôi lo các công việc mua sắm về phần chợ búa, bà thường mua các kẹo bánh, trái cây và hoa về cho chúng tôi. Vì ở ngày xưa, trong cái thời gian khốn khổ nghèo nàn là vậy, khi có dịp đi mua gì vào chiều thứ bảy mẹ tôi cũng vẫn cố gắng mua về cho chúng tôi một bó hoa nhỏ giá độ một xu. Nhưng cũng đôi khi mẹ tôi ít nói, tỏ ra dè dặt và thái độ ấy làm tôi buồn lòng. Mẹ đã xử sự như một người khách trong nhà hơn là mẹ của chúng tôi.

Được chừng một tháng mẹ tôi muốn quay trở về Luân Đôn vì bà nóng lòng muốn lo thu dọn để khi hết chuyến lưu diễn anh em chúng tôi có một ngôi nhà tươm tất để ở. Bà còn bảo rằng đi theo đoàn hát chỉ thêm tốn kém.

Mẹ tôi thuê một căn nhà khá tốt, tìm cách trang trí thật đẹp. Hai anh em tôi mỗi tuần lãnh được bốn liu và năm xi-linh, chúng tôi cùng trích để gởi cho mẹ một liu và năm xi-linh. Hết kỳ lưu diễn lần thứ hai này anh em tôi sẽ cùng ở với mẹ trong nhiều tuần lễ. Dù rất sung sướng trong cảnh sống ấy, thâm tâm chúng tôi vẫn thích được đi lưu diễn trở lại. Hẳn là mẹ tôi cũng hiểu điều đó. Khi bà tiễn anh em tôi ở tại sân ga trông bà rất vui nhưng chúng tôi thấy bên trong như ẩn nỗi buồn. Trong kỳ lưu diễn lần thứ ba này mẹ tôi viết gởi chúng tôi có cho biết về một sự éo le do chính định mệnh gây nên là bà Lu-i, người vợ thứ hai của cha tôi đã chết ở viện Tế bần Lâm Bết, cùng nơi mà mẹ con tôi đã từng trú ngụ ngày xưa. Sau khi cha tôi qua đời được chừng bốn năm thì bà nối gót, để lại đứa bé một mình, và nó cũng được gởi đến trường học Hân Huên mà anh em tôi ngày xưa đã phải trải qua. Mẹ tôi viết rằng bà có đến thăm đứa bé, cho nó biết bà là ai, nhắc lại anh tôi và tôi đã cùng chung sống với cha mẹ nó ở phu phố cũ. Nhưng nó hầu như không nhớ được gì, vì vào thời đó nó mới lên bốn. Nó cũng không còn giữ lại một hình ảnh nào về cha nó nữa. Bây giờ nó đã lên mười. Nó mang tên của mẹ nó khi bà còn bé, và theo như mẹ tôi biết thì nó không còn ai là bà con thân thích. Mẹ tôi tả nó như một đứa bé xinh đẹp, ít nói, cả thẹn và vốn ưu tư. Mẹ tôi đem đến cho nó kẹo bánh, trái cây và hứa hẹn sẽ thường xuyên thăm nó, điều mà chúng tôi chắc chắn là bà giữ lời, mãi cho đến lúc bà bị mất trí trở lại và phải đưa vào dưỡng trí viện.

Cái tin mẹ tôi đau lại làm anh em tôi thực là khổ tâm. Chúng tôi không bao giờ biết rõ được chi tiết của sự việc ấy. Anh em tôi nhận được một thông báo vắn tắt cho biết người ta tìm thấy mẹ tôi lang thang ở ngoài đường phố miệng nói lảm nhảm. Chúng tôi không còn có thể làm gì khác hơn là phải chấp nhận số mệnh của người mẹ khốn khổ ấy. Bà không bao giờ tìm lại hoàn toàn được tâm não mình. Trong nhiều năm dài bà đã héo mòn trong dưỡng trí viện cho đến ngày anh em tôi có đủ phương tiện đưa bà chữa trị trong một bệnh viện.

Đôi khi những vị hung thần chuyên gieo tai họa cho người cũng thấy mệt mỏi và lại rũ lòng thương hại, như trong trường hợp mẹ tôi. Trong bảy năm sau của cuộc đời bà, bà đã sống trong tiện nghi đầy đủ, giữa hoa và ánh sáng, và thấy những đứa con bà đạt được danh vọng và sự giàu sang ở ngoài mọi sự mơ ước của bà.


Sạc-Lơ Sa-Pơ-Lanh 
(Vũ Hạnh lược dịch)  

Thứ Tư, 26 tháng 8, 2015

CHƯƠNG VII_CUỘC ĐỜI THƠ ẤU CỦA VUA HỀ SẠC-LÔ


CHƯƠNG VII


Suốt thời gian ấy chúng tôi ít gặp ông ngoại. Năm ngoái sức khỏe của ông không tốt. Bàn tay ngoại tôi bị bệnh phong thấp không thể tiếp tục hành nghề thợ giày. Trước kia thỉnh thoảng ông còn giúp đỡ được cho mẹ tôi chút đỉnh. Đôi khi ông đãi chúng tôi ăn tối, bữa ăn nhà nghèo gồm bột lúa mạch dùng để nuôi ngựa và những cũ hành nấu sữa nêm thêm muối tiêu. Vào những đêm dài mùa đông lạnh lẽo những món ăn đó được coi như là căn bản để giúp chúng tôi chống lại giá buốt. Khi tôi còn bé tôi vẫn nhìn thấy ông tôi như một cụ già nghiêm khắc, ương gàn, bao giờ cũng chực xét nét việc làm của tôi và cách nói năng của tôi. Qua những chuyện nhỏ hạch xách như thế tôi thấy không ưa ngoại tôi chút nào. Nhưng bây giờ ông đã vào bệnh viện, bị chứng phong thấp hành hạ và mẹ tôi phải mỗi ngày lui tới viếng thăm. Những chuyến thăm viếng như thế thật là có lợi vì bao giờ bà cũng mang về được thức ăn, thường thường là một gói đầy trứng tươi, một món xa xỉ đặc biệt trong cái thời buổi đói kém mà gia đình tôi đang phải trải chịu. Hôm nào bà không đi được thì bà bảo tôi đi thay. Tôi cũng ngạc nhiên thấy ngoại của tôi thật là đáng yêu, tỏ ra hết sức sung sướng được thấy tôi đến. Mấy cô điều dưỡng ở đấy cưng ngoại tôi lắm. Ông có kể cho tôi biết ông thường đùa cợt với các cô ấy, bảo với các cô rằng dù mang bệnh như thế ông cũng không phải hoàn toàn vô dụng. Những chuyện đấu láo của ông khiến cho các cô vui vẻ. Những lúc trong người khỏe khoắn ông cũng phụ việc bếp núc và điều đó cắt nghĩa tại sao chúng tôi có trứng mang về. Những hôm chúng tôi đến thăm, ông thường nằm trên giường bệnh, lén lút lôi ra một cái bì lớn và trao cho tôi, rồi tôi vội vàng nhét vào phía trong áo khoác lính thủy trước khi ra về. Suốt nhiều tuần lễ chúng tôi được sống nhờ trứng sử dụng theo nhiều hình thức khác nhau. Dù ngoại tôi bảo mấy cô điều dưỡng đều là bạn thân của ông và họ cũng có hay biết chuyện ấy nhưng tôi vẫn luôn sợ hãi và khi mang trứng ra về tôi cứ lo ngại mình có thể trượt chân ngã trên sàn hoặc người ta sẽ nhận thấy con người bỗng nhiên to phồng của tôi mà sinh ngờ vực. Điều thật lạ lùng là mỗi khi tôi ra về, các cô điều dưỡng luôn luôn không thấy xuất hiện. Ngày mà ngoại tôi lành bệnh, rời khỏi nhà thương, thật quả là ngày buồn thảm đối với gia đình chúng tôi.

Sáu tuần lễ đã trôi qua mà không thấy anh Sít-nê trở về. Ban đầu mẹ tôi không lấy gì làm lo ngại nhưng một tuần nữa trôi qua bà vội viết thư đến văn phòng hãng để hỏi tin tức và được họ trả lời lại cho biết anh tôi phải ghé lại Cáp chữa bệnh phong thấp. Tin ấy làm cho mẹ tôi lo lắng và sức khỏe bà sa sút hẳn đi. Bà vẫn cố gắng may vá và tôi may mắn tìm được chút công việc làm là đến dạy vũ trong một gia đình gần trường với giá năm đồng xi linh mỗi tuần.

Chính thời kỳ đó gia đình ông Cạc-Ty (Carthy) đến ở tại khu phố này. Bà Cạc-Ty vốn người Ái Nhĩ Lan, cũng là kịch sĩ bạn ngày xưa của mẹ tôi. Chồng bà, ông Cạc-Ty, là một chuyên viên kế toán. Khi mẹ tôi rời sân khấu, chúng tôi không gặp lại vợ chồng họ, và bảy năm sau, bây giờ chúng tôi thấy họ đến ở khu vực sang trọng của khu phố này. Thằng bé Hoa-Ly, con của ông bà Cạc-Ty cùng tuổi với tôi. Hồi còn bé, chúng tôi thích chơi theo lối đóng vai người lớn, giả bộ như những nghệ sĩ ca kịch, hút những xì gà tưởng tượng, và ngồi trong những chiếc xe tưởng tượng, chơi đùa thật là vui thích trước mặt cha mẹ chúng tôi. Bây giờ họ về trú ngụ gần đây, mẹ tôi ít gặp gỡ họ nhưng thằng Hoa-Ly và tôi thì lại thân thiết hơn nhiều. Cứ tan học tôi chạy bay về nhà hỏi xem mẹ có sai bảo gì không, rồi tôi vội vàng đến nhà ông bà Cạc-Ty. Chúng tôi cùng ra sau nhà chơi trò ca kịch với nhau. Tôi làm đạo diễn vừa là diễn viên nên tôi luôn luôn nhận đóng các vai gian hùng vì tôi cũng hiểu lờ mờ rằng những vai ấy dễ nổi bật hơn những vai anh hùng. Chúng tôi vui đùa như thế cho tới giờ ăn cơm tối của gia đình này. Thường thường họ mời tôi cùng dùng bữa. Tôi có cái khiếu đặc biệt là thường có mặt trong những giờ ăn. Nhưng cũng có khi những sự tính toán của tôi gặp phải thất bại và tôi đành quay về nhà với sự tiếc rẻ trong lòng. Mẹ tôi bao giờ cũng sung sướng được thấy tôi và bà tìm dọn cho tôi một món ăn nào đó, miếng bánh chiên mỡ hay một quả trứng của ngoại tôi cho, thêm một tách trà. Mẹ tôi đọc sách, hoặc ngồi bên cửa sổ và bà nhận xét những người qua đường để cho tôi vui. Bà bịa đủ chuyện để diễu cợt. Nếu thấy một người đi thật chậm chạp, thảm não, bà nói : “Hèm! Anh ta về nhà chắc phải ăn rau cho qua bữa tối và anh ta phải ngán lắm”. Kẻ nào đi vụt qua mau, bà bảo : “Ông này vừa uống một liều thuộc xổ”. Đến một kẻ khác dáng điệu bệ vệ thì bà lại nói : “Coi này, anh chàng kể cũng lịch sự nhưng hiện giờ đang bận tâm vì cái lỗ rách ở dưới đũng quần”. Mẹ tôi cứ diễu lối đó và tôi cứ ngồi hả họng để cười.

Thêm một tuần nữa trôi qua, vẫn không có tin tức gì của anh tôi cả. Nếu tôi không quá bé bỏng và nếu tôi bén nhạy hơn trước nỗi âu lo của bà thì tôi có thể đoán biết những gì rồi sẽ xảy ra. Tôi phải chú ý rằng mấy ngày qua bà cứ ngồi yên, vẻ mặt xa vắng, nhìn ra cửa sổ không còn muốn lo việc bếp núc nữa và càng ngày càng câm lặng hơn lên. Đáng lẽ tôi phải quan tâm khi các người chủ hiệu may giao đồ cho mẹ tôi làm đã nhận thấy bà làm hỏng và không chịu giao hàng nữa. Rồi họ lấy lại bàn máy vì mẹ tôi đóng tiền trễ trong lúc tôi không còn dạy được nữa để lãnh năm đồng xi linh mỗi tuần. Đáng lẽ tôi phải nhìn thấy giữa bao nhiêu sự việc đó mẹ tôi vẫn cứ thản nhiên, không một chút xúc động nào.

Rồi bà Cạc-Ty thình lình từ trần. Bà đã đau ốm trong một thời gian nhưng rồi sức khỏe suy sụp rất mau. Lúc ấy có nhiều ý tưởng chợt hiện trong đầu óc tôi. Giá ông Cạc-Ty chịu cưới mẹ tôi thì thật là tuyệt. Hoa-Ly và tôi lại là bạn thân. Được vậy, tất cả vấn đề khó khăn mẹ tôi đang phải trải qua sẽ được giải quyết êm đẹp. Sau khi chôn cất bà Cạc-Ty được vài ngày tôi bảo với mẹ tôi rằng:

- Mẹ nên thu xếp để thường xuyên đến viếng thăm ông Cạc-Ty đi. Con chắc ông ấy mà cưới được mẹ thì ông ta rất sung sướng.

Mẹ tôi đáp lại với một nụ cười xanh xao:

- Thôi con, hãy để cho người đàn ông đang đau khổ ấy có thì giờ thở với chứ.

- Nếu mẹ ăn mặc sửa soạn một chút, trang điểm như là ngày xưa, con chắc ông ta sẽ cưới mẹ liền. Nhưng tại mẹ không cố gắng gì hết, mẹ cứ ngồi mãi ở trong gian phòng tiều tụy với vẻ mặt thảm não quá.

Tội nghiệp, người mẹ đáng thương của tôi. Tôi đã hối hận vì đã nói lên những lời như thế. Tôi đâu hiểu sự ăn uống thiếu thốn kéo dài nhiều ngày đã làm mẹ tôi kiệt sức hẳn rồi. Thế mà qua ngày sau đó, với một cố gắng khác thường, mẹ tôi vẫn gắng lo việc bếp núc.

Lúc ấy, vào dịp nghỉ hè. Từ mỗi sáng sớm tôi đã đến nhà của ông Cạc-Ty, với cái ý định trốn cho khuất mắt cảnh nghèo cùng cực của gia đình tôi. Hôm ấy, họ mời tôi ở lại dùng bữa trưa, nhưng linh tính tôi buộc tôi về nhà tìm gặp lại mẹ. Mới đi được một đoạn đường tôi gặp nhiều đứa trẻ nhỏ ngăn tôi lại bảo:

- Mẹ mầy điên rồi.

Tôi có cảm tưởng như vừa bị ai tát mạnh. Tôi hỏi:

- Nói cái gì vậy?

Một đứa gái nhỏ bảo tôi:

- Thiệt đó, bà ta đi đến gõ cửa từng nhà rồi lấy từng cục than ra để chia cho họ và bảo là quà sinh nhựt cho lũ trẻ con. Mày lại hỏi mẹ tao xem.

Không còn muốn nghe gì nữa, tôi vội chạy ngay về nhà, leo lên cầu thang, xô cửa bước vào. Tôi đứng yên lặng một lát lấy lại hơi thở và nhìn chăm chú mẹ tôi. Đó là buổi trưa mùa hè, trời nắng và nóng ngột ngạt. Mẹ tôi vẫn ngồi theo như lệ thường ở bên cửa sổ. Bà quay đầu lại từ từ nhìn tôi, vẻ mặt xanh xao bối rối. Tôi gần như kêu to lên:

- Mẹ!

Bà hỏi lại tôi với giọng lạc lõng:

- Cái gì vậy kìa?

Tôi vội chạy đến quì gối bên bà, úp mặt vào những nếp áo của bà rồi nức nở khóc. Vừa vuốt mái tóc của tôi, mẹ tôi dịu dàng:

- Nào, nào, con có chuyện gì sao con?

Tôi kêu lên trong tiếng khóc:

- Mẹ đau rồi mà!

Mẹ tôi trả lời với giọng an ủi:

- Nào có gì đâu, thật đó con à.

Giọng bà có vẻ mơ hồ, có vẻ âu lo…

- Không, không, con nghe nói mẹ đã đến gõ cửa từng nhà…

Rồi không thể nói hết câu, tôi lại nức nở. Mẹ tôi thì thầm:

- Mẹ tìm anh Sít-nê con. Người ta đem giấu nó rồi.

Bây giờ tôi hiểu những đứa trẻ ngoài đường đã nói sự thật.

- Mẹ ơi, mẹ đừng có nói như thế, con van mẹ mà. Để con đi tìm một người thầy thuốc.

Bà vẫn vuốt ve đầu tôi và bảo:

- Bọn nhà Cạc-Ty biết rõ anh mày ở đâu nhưng đã đem giấu nó rồi.

Tôi kêu to lên:

- Mẹ đừng nói vậy, mẹ ơi, để con đi tìm thầy thuốc.

Tôi vừa đứng dậy, đi về hướng cửa, mẹ tôi nhìn tôi với vẻ mệt mỏi:

- Đi đâu đó con?

- Con tìm ông thầy thuốc, con về ngay mà.

Mẹ tôi không nói lời nào, nhìn tôi với vẻ đăm chiêu. Tôi vội xuống nhà vào gặp người chủ phố. Tôi nói:

- Mẹ cháu đau nặng, cháu phải đi tìm thầy thuốc bây giờ.

Bà chủ phố bảo:

- Có đi gọi rồi.

Người thầy thuốc ở khu phố là một ông già khó tính, sau khi nghe bà chủ phố kể lại câu chuyện, ông ta khám qua mẹ tôi rồi bảo:

- Bà ta điên rồi. Cho vào dưỡng trí viện thôi.

Rồi ông kê một cái toa, ghi chú mẹ tôi vì bị ăn uống thiếu thốn mà lâm vào tình trạng ấy. Để an ủi tôi, bà chủ phố bảo:

- Thôi vào nhà thương là tốt, ở đó người ta cho ăn uống đầy đủ.

Bà giúp đỡ tôi mặc áo vào cho mẹ tôi và thu dọn ít đồ đạc đem theo. Mẹ tôi vâng lời như một đứa trẻ. Bà suy yếu đến nỗi gần như không còn chút ý chí nào. Chúng tôi ra khỏi căn nhà trong khi người lớn cũng như trẻ con bu ở trước cửa nhìn mẹ con tôi với vẻ sợ hãi.

Bệnh viện cách đó một cây số rưỡi. Mẹ tôi vừa đi vừa bước lảo đảo như người say rượu mặc dù tôi đã đỡ bước cho bà. Mặt trời vào buổi xế trưa chói chang trên đầu. Nhiều người đi đường cứ tưởng mẹ tôi say rượu nhưng về phần tôi thì tôi thấy họ chập chờn như những ma quỷ trong giấc chiêm bao. Mẹ tôi không nói lời nào, nhưng hình như bà cũng biết đang đi về đâu nên tỏ ra ý vội vàng mong cho chóng đến. Vừa đi tôi vừa tìm lời để an ủi bà, và bà mỉm cười nhưng suy yếu quá không sao nói được. Khi đến bệnh viện, một bác sĩ trẻ cầm lấy tay bà dắt vào. Sau khi đọc xong mảnh giấy của người thầy thuốc khu phố, ông ta dịu dàng nói với mẹ tôi:

- Tốt lắm, bà hãy đi vào ngõ này.

Mẹ tôi nghe theo một cách ngoan ngoãn. Nhưng lúc những cô khán hộ dẫn bà đi vào thì bà bỗng quay ngoắt lại đột ngột cảm thấy khổ tâm về nỗi xa tôi. Tôi cố gắng nói một giọng vui vẻ:

- Đến mai, con lại gặp mẹ.

Bà để cho họ dẫn đi, cứ quay nhìn tôi với vẻ lo lắng. Khi bà đã khuất, người bác sĩ quay lại tôi và hỏi:

- Còn cháu, bây giờ cháu định thế nào?

Vốn đã quá sợ những viện cô nhi, tế bần, tôi trả lời lại ông ta một cách lễ phép:

- Dạ được, cháu về ở với dì cháu.

Ở nhà thương ra, nỗi buồn làm tôi ngơ ngẩn. Đồng thời tôi cũng cảm thấy an ủi nghĩ rằng mẹ tôi vào dưỡng trí viện sẽ được săn sóc còn hơn là ngồi cô độc ở nhà chẳng có gì ăn. Nhưng tôi không bao giờ quên được cặp mắt nhìn đau đớn của mẹ tôi khi bị người ta dẫn vào bệnh viện. Tôi nghĩ ngợi mãi về những gì đã khiến tôi yêu quý mẹ tôi, tôi nghĩ đến tính vui vẻ của bà, đến sự dịu dàng, đến tình yêu thương của bà đối với chúng tôi.

Hôm ấy tôi không đi ngay vào nhà, tôi không thể nào làm vậy. Tôi ra phía chợ dòm ngó những đồ bày bán cho đến xế chiều. Khi tôi phải trở lại nhà tôi thấy nó thật trống vắng và có cảm tưởng như nghe một lời quở trách. Trên một chiếc ghế đặt một chiếc thau đổ nước lưng chừng trong đó mẹ tôi ngâm hai chiếc áo của tôi và một bộ đồ của bà. Tôi đi lục soát khắp nơi, chỉ còn tìm thấy trong tủ đồ ăn nửa gói trà thôi. Không còn một thức gì khác để bỏ vào bụng. Tôi lại sục sạo ở trên lò sưởi, tìm gặp túi tiền mẹ tôi cất đấy trong đó có một xu rưỡi, mấy cái chìa khóa và mấy mảnh giấy cầm đồ. Ở một góc bàn còn sót lại vài cây kẹo mà bà đã mua cho tôi. Tới đó, tôi không thể nào nén được, và òa lên khóc.

Gần như kiệt lực bởi những xúc động trong ngày hôm ấy, tôi chìm vào trong giấc ngủ mê mệt. Hôm sau, tỉnh giấc, tôi cảm thấy nỗi trống vắng lạ thường đè nặng gian phòng. Mặt trời đã lên tràn ngập sàn nhà như làm sự vắng mẹ tôi thêm rõ ràng hơn. Lát sau, bà chủ phố lên bảo tôi có thể cứ ở lại đấy cho đến khi nào bà tìm được người thuê khác, và nếu đói lắm thì hãy xuống nhà nói cho bà hay. Tôi cám ơn bà chủ phố, thưa rằng anh tôi khi về sẽ trang trải hết tiền nợ cho bà. Nhưng tôi không dám xin bà một thức ăn nào, vì tôi cảm thấy mắc cỡ.

Qua ngày sau đó tôi không thể đến thăm mẹ tôi được như tôi đã hứa. Không đến thăm được, điều đó làm tôi bối rối lạ lùng. Nhưng bà chủ phố đã gặp bác sĩ và ông ta bảo cho bà hay rằng mẹ tôi đã được đưa vào trong dưỡng trí viện Kên-Hiu (Cane Hill). Cái tin khá buồn thảm này làm cho lương tâm của tôi an ủi phần nào, vì dưỡng trí viện ở cách xa trên ba chục cây số ngàn và tôi không có cách nào tới được. Tôi nghĩ anh tôi rồi sẽ trở về và chúng tôi cùng đi thăm. Trong mấy ngày đó tôi chẳng gặp ai quen biết và tôi cũng không mở miệng để nói với ai lời nào. Vào buổi sáng sớm, tôi bước lén lút ra khỏi gian nhà và suốt cả ngày lang thang đây đó. Tôi cũng xoay xở tìm được chút gì bỏ bụng, vả lại nhịn đói một bữa cũng chẳng có gì là gớm ghê đâu. Một buổi mai nọ tôi rón rén xuống cầu thang, bà chủ phố đã tình cờ bắt gặp và hỏi tôi ăn gì chưa. Thấy tôi lắc đầu, bà nói bằng giọng nặng trịch:

- Vậy thì xuống đây.

Tôi cũng tránh gặp gia đình của ông Cạc-Ty vì tôi không muốn cho họ biết rõ tình trạng mẹ tôi. Tôi trốn mọi người như kẻ có tội phải sống lén lút.

Mẹ tôi đi được một tuần và tôi cứ lê cuộc sống như vậy. Nỗi lo âu duy nhất của tôi là bà chủ phố, vì nếu anh tôi không về thế nào bà cũng báo cáo với nhà chức trách để họ đem tôi nhốt vào trong viện Cô nhi. Tôi phải luôn luôn lánh mặt để khỏi gặp bà, nhiều lúc phải ngủ ngoài đường không dám về nhà. Tôi làm quen được mấy người thợ củi sống trong ngõ hẻm ở sau khu phố. Đó là những người hết sức bi thảm, chui rúc trong một kho chứa tối tăm, nói chuyện với nhau bằng những lời lẽ gần như thì thầm, cả ngày cưa gỗ, cắt gỗ, để bó lại từng bó nhỏ đem bán với giá nửa xu. Tôi đứng lê la trước cửa coi họ làm việc. Họ lấy một khúc gỗ lớn rộng độ chừng ba mươi phân, cưa thành từng mảnh dày hai ba phân, rồi lại cắt nhỏ thành từng miếng vụn. Họ cưa xẻ gỗ thật mau và tôi nhìn họ làm việc một cách say mê. Rồi tôi mon men vào giúp đỡ họ. Họ tìm mua những ván rời tháo bỏ các nơi chở về kho chứa, trữ lại, công việc mất khoảng một ngày, rồi qua ngày sau cưa gỗ. Vào ngày thứ sáu, thứ bẩy, họ mới bán củi. Điều đã làm tôi ưa thích ở đấy là cái không khí tập thể bao trùm nơi họ làm việc. Những người dễ thương và ít lời đó tuổi cũng xấp xỉ bốn mươi nhưng trông già nua hơn nhiều. Người chủ trong đám có lỗ mũi đỏ của người mắc bệnh đi tiểu ra đường và nơi hàm trên chỉ còn mỗi cái răng cửa. Tuy vậy vẻ mặt ông ta bao giờ cũng dịu dàng. Ông có lối cười khó coi, hô cái răng nhọn ra ngoài một cách kỳ lạ. Khi thiếu tách để uống trà, ông lấy một hộp sữa không, rửa sạch, và mỉm cười nói : “Kể ra nó cũng được việc đấy chứ”. Người bạn của ông mặc dù dễ thương nhưng thật ít lời, màu da vàng ngâu, đôi môi thật dày và nói thật chậm. Vào khoảng một giờ, người chủ quay lại, hỏi tôi:

- Chú bé đã ăn món bánh bằng váng sữa mặn chưa đấy?

Tôi đáp:

- Cháu cũng thường ăn đấy ạ.

Liền đó ông kêu một tiếng vui vẻ, mỉm một nụ cười và đưa cho tôi hai xu để chạy tới một hàng quán góc phố mua một xu váng sữa mặn và một xu bánh. Người chủ quán này mến tôi và bán rất rẻ. Sau khi cạo rửa miếng sữa mặn xong chúng tôi cho thêm nước vào, bỏ tiêu và muối. Đôi khi người chủ còn trộn thêm vào cục mỡ và một củ hành thái nhỏ. Tất cả món ấy thêm vào với nước trà nóng làm thành bữa ăn tuyệt hảo.

Dù tôi không bao giờ xin tiền họ nhưng trước cuối tuần người chủ cho tôi sáu xu khiến tôi ngạc nhiên thú vị chừng nào. Người bạn cùng làm có cái màu da vàng ngâu thường hay bị chứng động kinh và người chủ phải tìm giấy đốt ở dưới mũi anh ta cho hồi tỉnh lại. Đôi lúc anh lên cơn nặng sùi cả bọt mồm bọt miếng và cắn chặt lưỡi nhưng khi tỉnh lại anh có vẻ gì xúc động và xấu hổ nữa. Những người thợ củi này bắt đầu việc từ bảy giờ sáng cho đến mãi bảy giờ chiều, đôi khi họ còn làm trễ hơn nữa và tôi thường cảm thấy buồn khi họ khép kho chứa lại để trở về nhà. Một buổi chiều nọ, người chủ có ý định cho chúng tôi mua vé hai xu vào dạo vòng ngoài trong rạp ca nhạc phía nam thành phố. Người bạn cùng làm và tôi đã rửa ráy xong, đứng đợi ông ta. Tôi rất nôn nóng đi xem vì tuần đó gánh Cạc-nô (Karno) trình diễn một vở hài kịch rất hay (và đó là đoàn mà mấy năm sau tôi đã gia nhập). Người thợ bạn đứng trước tôi bỗng kêu một tiếng rồi ngã lăn xuống, lại bị động kinh. Người chủ muốn ở lại nhà săn sóc anh ta nhưng anh một hai bảo chúng tôi cứ đi xem và để anh nằm dưỡng bệnh ở nhà.

Trong thời khoảng đó sự đe dọa của trường học như một ông kẹ ám ảnh tôi mãi. Thỉnh thoảng mấy người thợ củi cũng hỏi han tôi về chuyện học hành. Nghỉ hè sắp hết, họ lại thắc mắc về tôi, nên tôi đành phải đợi đến bốn giờ rưỡi chiều là giờ tan học mới đến gặp họ. Thành thử gần suốt cả ngày tôi phải lang thang một mình trong ánh sáng những đường phố không chút tình thương và cứ canh chừng đến giờ tan học để quay về lại những người thợ củi bạn hữu của tôi.

Một tối, khi tôi rón rén lên ngủ thì bà chủ phố gọi tôi. Trông bà có vẻ nóng nảy và bà trao lại cho tôi một bức điện tín trên có mấy dòng : “Sẽ đến ga Hoa-tơ-lô (Waterloo) mười giờ sáng mai. Thân mến. Sít-nê”.

Ra đón anh tôi ở tại nhà ga, vẻ mặt của tôi buồn bã hơn là vui mừng. Áo quần của tôi vừa dơ vừa rách, đôi giày há miệng và lớp vải bọc bên trong của cái mũ kết thò ra như cái váy ngắn ở dưới áo ngoài của người đàn bà. Tôi đã rửa nhờ nơi vòi nước của mấy người thợ củi để khỏi nhọc sức mang một thùng nước lên đến căn phòng ở tầng thứ ba và phải đi ngang qua bếp của bà chủ phố. Khi tôi gặp anh Sít-nê, tai tôi, cổ tôi không sạch sẽ mấy. Anh nhìn ngắm tôi và hỏi:

- Có việc gì xảy ra sao?

Tôi không thể nói dài dòng:

- Mẹ bị điên rồi và đã gởi vào trong dưỡng trí viện.

Mặt anh tối sầm nhưng anh tự trấn tĩnh được.

- Em sống ở đâu?

- Vẫn ở nhà cũ.

Anh quay lại để dọn các hành lý và tôi thấy anh xanh xao gầy gò. Anh gọi chiếc xe và mấy người phu chất những đồ đạc của anh lên mui, đặc biệt có một thùng chuối. Tôi hỏi:

- Của mình hở anh?

Anh gật đầu, bảo:

- Chuối còn xanh lắm, phải đợi một hai ngày nữa mới ăn được.

Trên quãng đường về anh bắt đầu hỏi tôi về chuyện mẹ. Tôi xúc động quá nên kể cho anh chẳng mạch lạc gì, nhưng đủ cho anh thấy rõ thực trạng gia đình. Anh bảo anh bị đau phải dưỡng bệnh tại Cáp và chuyến về này anh đã dành được hai mươi đồng liu đem về cho mẹ. Anh có được món tiền ấy là nhờ anh đã tổ chức xổ số ở trong binh lính. Anh lại nói về dự định của anh. Anh không muốn đi biển nữa mà muốn trở thành kịch sĩ. Với số tiền nhỏ dành dụm được này, chúng tôi có thể sống được chừng hai mươi tuần và trong cái thời khoảng ấy anh sẽ tìm một chỗ làm trong các đoàn hát. Chuyến trở về nhà bằng xe của anh em tôi với một thùng chuối có một tác động đặc biệt đối với bà con láng giềng cũng như đối với gia đình chủ phố.

Ngay chiều hôm ấy anh tôi mua sắm cho tôi, trang bị trở lại từ đầu đến cuối, và tối hôm ấy chúng tôi mua vé để đi xem hát. Suốt buổi trình diễn anh tôi cứ lặp lại mãi : “Tưởng tượng hôm nay có mẹ cùng dự thì vui biết là chừng nào”. Tuần ấy chúng tôi đến dưỡng trí viện thăm mẹ. Chúng tôi ngồi đợi ở trong phòng khách và sự chờ đợi lâu dài trở nên khó chịu lạ lùng. Tôi còn nhớ lại nghe một tiếng động ở nơi ổ khóa và tiếng mẹ tôi bước chân vào phòng. Bà có vẻ xanh, đôi môi bà tím và dù nhận ra chúng tôi, sắc diện của bà không có vẻ gì là phấn khởi cả. Sự vui tươi xưa đã biến mất rồi. Một cô khán hộ đi theo sau bà, cô vốn hiền lành nhưng lắm chuyện, cứ đứng túc trực tại chỗ chực xen vào trong câu chuyện giữa mẹ con tôi. Cô nói:

- Tiếc quá, lại nhè đến thăm vào những lúc như thế này vì sức khỏe của bà ở đây chưa được khá lắm. Có phải vậy không, hả bà?

Mẹ tôi liếc nhìn về phía người nữ khán hộ với một dáng vẻ lịch sự và mỉm nụ cười như muốn quay lại về phòng. Cô khán hộ nói:

- Hôm nào bà ta khá hơn thì sẽ lại thăm.

Cuối cùng cô ta quay vào và mẹ con tôi được ngồi với nhau. Mặc dầu anh tôi cố gắng mọi cách để làm cho mẹ vui lòng, anh kể chuyện may của anh trong công việc làm, giải thích vì sao anh phải vắng mặt khá lâu, bà chỉ yên lặng ngồi nghe, thỉnh thoảng gật đầu với vẻ bận rộn lạc loài. Tôi bảo mẹ tôi thế nào bà cũng sớm lấy lại được sức khỏe. Bà trả lời tôi bằng giọng tiếc rẻ:

- Chắc vậy, nhưng nếu con cho mẹ được mỗi một tách trà vào bữa trưa đó thì mẹ đã khá lắm rồi.

Sau đó bác sĩ bảo cho anh tôi biết mẹ tôi suy nhược thần kinh vì thiếu ăn nhiều ngày, bà cần phải được săn sóc nhiều hơn, và dù có những phút giây tỉnh táo cũng phải đợi nhiều tháng nữa mới bình phục được. Và trong nhiều ngày sau đó tôi cứ bị ám ảnh mãi bởi câu mà mẹ đã nói với tôi : “Nếu con đã cho mẹ được tách trà, mẹ đã khỏe rồi”.

________________________________________________________________________________ 
Xem tiếp CHƯƠNG VIII
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>