Thứ Hai, 24 tháng 8, 2015

CHƯƠNG V_CUỘC ĐỜI THƠ ẤU CỦA VUA HỀ SẠC-LÔ


CHƯƠNG V


Anh Sít-nê tôi bây giờ lên mười bốn tuổi, đã rời trường học và giữ chân bưu tín viên ở nhà dây thép gần đấy. Nhờ cái đồng lương nhỏ nhoi của anh và tiền mẹ tôi kiếm được trong sự may vá, chúng tôi cũng sống đắp đổi qua ngày. Tiền mẹ tôi kiếm thật là ít ỏi mà công việc bà thật là nặng nề. Thường thường, buổi tối, tôi thức nhìn bà cúi khòm người trên máy may, ngọn đèn dầu hôi tỏa sáng lờ mờ chung quanh đầu bà và khuôn mặt bà cúi xuống trong khoảng tranh tối tranh sáng, đôi môi của bà hé ra theo sự điều khiển đường may chạy nhanh dưới mũi kim máy, và cứ như thế tiếng máy đều đều đưa tôi vào trong giấc ngủ. Khi phải làm khuya như vậy, thường là cần phải thanh toán một món nợ nào. Không kể hàng tuần phải trả tiền góp chiếc máy may đó.

Một cuộc khủng hoảng xảy ra : anh Sít-nê cần có bộ đồ mới. Mọi khi anh vẫn mặc bộ đồng phục của bưu tín viên để mà đi làm, mặc luôn cả ngày chủ nhật, cho đến một lúc bạn bè của anh diễu cợt quá sá điều đó. Suốt hai tuần liền, vào ngày nghỉ việc, anh phải ở mãi trong nhà, cho đến khi mẹ chúng tôi tìm cách mua về cho anh một bộ quần áo nỉ xanh. Tôi cũng không hiểu làm sao mà bà tìm được mười tám “xi linh” để mua sắm. Số tiền ấy làm điên đảo đời sống kinh tế chúng tôi, đến nỗi mẹ tôi cứ mỗi buổi sáng thứ hai lại đem bộ quần áo ấy gởi tiệm cầm đồ vì vào ngày đó anh tôi đã đi làm việc với bộ đồng phục của sở, rồi đến thứ bẩy bà lại mang tiền đến chuộc cho anh tôi mặc vào trong ngày nghỉ. Cứ thế cầm đi cầm lại suốt một năm trời cho đến cái ngày bộ quần áo kia đã cũ mèm rồi. Và chúng tôi gặp một nỗi khó khăn đáng kể.

Theo như lệ thường buổi sáng thứ hai hôm đó mẹ tôi đem bộ quần áo đến tiệm cầm đồ. Ông chủ tiệm tỏ một ý lưỡng lự:

- Thưa bà, chúng tôi không sao đưa món tiền cũ cho bà mượn được.

Mẹ tôi ngạc nhiên:

- Sao vậy, thưa ông?

- Thiệt là bất lợi cho chúng tôi quá, vì bà coi xem, cái quần đã mòn hết rồi.

Rồi ông luồn tay dưới đáy:

- Nhìn xem, có thể ngó xuyên qua được đây này.

Mẹ tôi gặng lại:

- Nhưng thứ bảy sau chúng tôi sẽ lấy lại mà.

Người chủ tiệm vẫn lắc đầu:

- Cùng lắm chúng tôi có thể giao bà ba đồng là tiền chiếc áo mà thôi.

Mẹ tôi rất ít khi khóc, nhưng sau chuyện đó bà đã đầm đìa nước mắt. Bà vẫn trông vào bảy đồng cầm bộ quần áo để mà sống qua tuần lễ.

Quần áo của tôi thật ra cũng tả tơi rồi. Bộ đồ trình diễn ở trong đoàn vũ được đem mặc mãi bây giờ coi thực hết sức nham nhở. Chỗ nào cũng có miếng vá, ở cùi, ở quần, ở vớ.

Một hôm từ nhà thương về mẹ tôi thấy một đám trẻ chọc ghẹo một bà cụ già tả tơi, dơ bẩn, nên dừng lại để la chúng. Tóc bà cụ bị cạo sạch, một điều hiếm thấy vào thời đó, và lũ trẻ con vừa cười vừa xô đẩy nhau trước bà, nhăn những bộ mặt gớm ghiếc làm như đụng chạm đến bà là bị truyền nhiễm lập tức. Người đàn bà khốn khổ kia đứng yên như một con nai đã bị săn đuổi đến bước đường cùng thì vừa kịp lúc mẹ tôi can thiệp. Liền đó bà ta cũng nhận ra được mẹ tôi, kêu lên:

- Lin không nhìn ra mình sao? Ê-va đây mà!

Lin là biệt danh mẹ tôi dùng trong đoàn hát. Mẹ tôi nhận ngay được người bạn cũ vào thời ở ca nhạc đường. Lúc ấy tôi bối rối quá nên tôi đi thẳng và ngồi đợi mẹ tôi ở góc đường. Bọn trẻ đi qua trước tôi vừa cười và nói những lời diễu cợt. Tôi giận không biết chừng nào. Tôi quay lại nhìn mẹ tôi xem có việc gì xảy ra và thấy hai người đàn bà đang tiến dần về phía tôi. Rồi mẹ tôi hỏi bà kia:

- Còn nhớ thằng bé Sác-li của mình đấy không?

- Nhớ chứ – Người đàn bà nói với giọng thấm đầy nước mắt – tôi bồng nó hoài hồi nó còn nhỏ đấy mà.

Cái ý tưởng đó làm tôi khổ tâm vì người đàn bà trông thật dơ bẩn và gớm ghiếc quá. Lại càng bối rối hơn nữa là cứ nhìn thấy trên đường mà chúng tôi đi nhiều người quay lại để nhìn. Người đàn bà kia một thời đã được nổi danh xinh đẹp. Nhưng khi đã tàn tạ rồi, không còn theo đuổi được nghiệp cầm ca lại bị đau ốm nằm lâu ở trong bệnh viện nên lúc ra khỏi nhà thương phải ngủ ở dưới gầm cầu và trong những nhà cứu trợ. Mẹ tôi dẫn bà đi tắm ở nơi phòng tắm công cộng rồi đưa về nhà, điều đó làm tôi hoảng quá. Tôi không làm sao biết được có phải bị bệnh mà bà lâm vào tình trạng như thế hay không. Có điều mà tôi nhận thấy hết sức khó coi là bà nằm ngủ trên giường của anh Sít-nê. Mẹ tôi chia sớt cho bà một ít áo quần, đưa cho bà mượn vài đồng xi linh, rồi sau ba ngày nghỉ ngơi ở nhà chúng tôi bà lại ra đi. Kể từ ngày ấy tôi không bao giờ nghe nói về bà ta nữa.

Tiệm nước Ba Con Nai ở trong thành phố không phải là nơi cha tôi thường đến nhưng một buổi chiều đi ngang qua đấy tự nhiên tôi muốn dòm vào bên trong xem có ông không. Tôi hé cửa nhìn vào và thấy cha tôi ngồi trong góc phòng. Tôi tính bỏ đi nhưng sắc diện ông đột nhiên bừng sáng và ông làm dấu để gọi tôi vào. Thái độ của ông làm tôi ngạc nhiên vì ông ít khi cởi mở như thế. Trông ông có vẻ đau nặng. Đôi mắt hõm sâu và khắp người đều phù thũng. Một tay ông đặt vô ngực, theo kiểu của Nã Phá Luân, có lẽ để cho dễ thở. Buổi chiều hôm ấy ông tỏ ra rất ân cần với tội, hỏi thăm tin tức mẹ tôi và anh Sít-nê, và trước khi tôi ra về ông còn ôm tôi vào lòng và lần đầu tiên ông đã hôn tôi. Đó cũng là lần cuối cùng tôi nhìn thấy ông trong cõi đời này.

Ba tuần sau người ta đưa ông vào bệnh viện Thánh Tô Ma. Phải cho ông nốc rượu say rồi mới đưa ông đi được. Khi ông biết mình ở đâu, ông vùng vẫy thật dữ dội, nhưng với bệnh tình như thế ông không thể nào thoát khỏi. Ông đã qua đời vì chứng thủy thũng lúc còn quá trẻ, ba mươi bảy tuổi. Người ta đã rút từ đầu gối của ông ra gần hai mươi lít nước. Mẹ tôi đã đến nhiều lần thăm ông và những chuyến thăm viếng ấy càng làm cho bà buồn thêm. Bà kể rằng ông đã nói với bà ước muốn được quay lại sống bên bà và cùng qua bên Phi Châu làm lại cuộc đời. Khi tôi tỏ ra vui mừng trước một viễn ảnh như thế thì mẹ tôi bỗng lắc đầu vì bà hiểu rõ tất cả sự tình. Bà nói : “Ông ta chỉ nói cho vui lòng mẹ đấy thôi”. Một hôm bà từ nhà thương trở về có vẻ hết sức giận dữ vì cha Mác-Nên (Mc. Neil) lúc thăm cha tôi đã nói : “Trời ơi, này anh Sác-Li, tôi nhìn thấy anh tôi lại nhớ đến câu cách ngôn xưa : Gieo gió thì thế nào cũng gặt bão”. Mẹ tôi nói tiếp : “An ủi một người sắp chết mà mở miệng nói như vậy cũng lạ đời thật”. Vài ngày sau đó, cha tôi từ trần. Nhà thương muốn biết ai sẽ lo phần chôn cất. Không còn một đồng xu nào trong túi mẹ tôi nhờ Hội Cứu tế nghệ sĩ lo liệu. Nhưng ý kiến này gây nên nhiều sự chống đối dữ dội ở bên họ hàng cha tôi. Họ quan niệm rằng giao cho cơ quan từ thiện chôn cất là điều xấu hổ. Người em nhỏ nhất của cha tôi mới ở Phi Châu trở về ghé lại Luân Đôn cho biết ông sẽ chịu hết phí tổn về việc tống táng.

Ngày đi đưa đám chúng tôi phải đến bệnh viện để gặp gỡ hết mọi người ở trong họ hàng cha tôi rồi mới đi đến nghĩa địa. Anh Sít-nê không dự được vì bận công việc ở sở. Mẹ tôi và tôi đi đến bệnh viện sớm trước hai tiếng đồng hồ, vì bà muốn nhìn lại một lần cuối cha tôi trước khi người ta đậy nắp áo quan. Quan tài được độn bằng xa ten trắng và ở nơi đóng khung lại khuôn mặt cha tôi có những bông hoa cúc nhỏ. Mẹ tôi thấy cách trang trí ấy thật đơn giản và thật cảm động nên bà hỏi ai đã khéo trình bày như vậy. Nhân viên bệnh viện bảo có một người đàn bà đến từ lúc sáng tinh sương với một đứa bé. Người ấy là bà Lu-i.

Ở trong chiếc xe đưa đám dẫn đầu, mẹ tôi, chú tôi và tôi cùng ngồi. Hành trình đi đến nghĩa địa thật là gian nan vì mẹ tôi chưa bao giờ gặp chú em đó. Ông ta là một kiểu loại con người tự cho phong nhã hào hoa, nói bằng một giọng kiểu cách. Tuy rằng ông rất lễ độ nhưng cách đối xử thật là lạnh lùng. Người ta bảo ông rất giàu, làm chủ nhiều trại nuôi ngựa lớn lao ở Nam Phi và trong trận giặc chống người Bô E ông đã cung cấp ngựa cho chính phủ Anh.

Lúc khởi sự việc chôn cất thì trời tuôn mưa. Những phu đào huyệt ném đất trên mặt áo quan gây những tiếng động thô bạo. Quang cảnh có gì áo não và khủng khiếp quá khiến tôi bỗng òa lên khóc. Rồi đến những người ở trong gia đình ném hoa và các vòng hoa lên mộ. Mẹ tôi, không có gì để ném cả, lấy chiếc khăn tay rất quý của tôi và bảo : “ Này con, hãy ném khăn này cho phần mẹ con chúng ta”. Sau đó họ hàng bên nội của tôi dừng lại quán nước ăn trưa, và trước khi họ từ biệt chúng tôi họ cũng ngỏ lời lịch sự hỏi chúng tôi muốn về đâu thì họ đưa xe đến nơi.

Khi chúng tôi trở lại nhà, chẳng còn chút gì bỏ vào bụng ngoại trừ một tách mỡ bò, mẹ tôi không có một đồng xu nào trong túi. Còn lại hai xu cuối cùng thì bà đã đưa anh tôi mang theo để ăn trưa. Từ ngày cha tôi lâm bệnh, bà không còn có thì giờ rảnh rỗi để làm việc, và ngày hôm ấy, gần vào cuối tuần bảy đồng hào lương của anh Sít-nê cũng tiêu hết rồi. Đi chôn cất về chúng tôi thật đói. May thay một người mua đồ ve chai đi ngang qua đường và chúng tôi còn một cái lò nấu dầu hôi đã cũ. Mặc dầu tiếc rẻ mẹ tôi cũng đem bán đi để lấy nửa xu và mua nửa xu bánh mì ăn với mỡ bò.

Vì là vợ chính thức nên qua ngày sau mẹ tôi được gọi tới bệnh viện nhận đồ đạc cha tôi. Đồ đạc gồm có một bộ quần áo màu đen dính đầy vết máu, ít quần áo lót, một cái sơ mi, một cà vạt đen, một cái áo ngủ đã cũ và đôi giày vải có mấy quả cam nhét ở bên trong. Khi mẹ tôi lôi mấy quả cam ra, nửa đồng tiền vàng rơi theo. Thiệt là món quà hết sức bất ngờ.

________________________________________________________________________________ 
Xem tiếp CHƯƠNG VI
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>