Thứ Hai, 31 tháng 8, 2015

Vùng Đất "Thời Gian"


Tôi không biết sự tình cờ nào du tôi đến đây, trước tòa lâu đài rộng bát ngát, trắng mầu cẩm thạch, óng như có mầu trăng. Không khí ảm đạm, buồn bã như bao phủ lấy ngôi nhà rộng thênh thang đó khiến tôi đứng ngoài cũng thấy tâm hồn xao động. Căn nhà yên tĩnh, không một bóng người. Khu sân chung quanh trải sỏi xanh màu trứng sáo. Sân rộng mênh mông là thế mà không có một bóng cây, ngoại trừ phía sau, xa tít là khu rừng xanh mướt. Tôi đoán là rừng thông hay dương liễu vì vẻ mềm mại của nó.

Tôi tò mò bước đến gần. Tiếng sỏi lạo xạo dưới chân, nghe như tiếng rên rỉ. Có lẽ chúng đau đớn vì đôi gót sắt nghiến lên dưới sức nặng của tôi. Tôi dừng lại, cởi giầy, tinh nghịch đá vào khoảng không cho giầy văng xa. Đôi giầy đen bắn đi, rơi xuống. Và ô hay, chúng biến thành hai hạt sỏi xanh. Tôi ngạc nhiên, tháo nón và đặt xuống đất, chiếc nón cũng biến thành sỏi. Tôi lượm viên sỏi ngắm nghía, không có gì khác biệt hơn những viên sỏi thường. Nếu mình cũng biến thành sỏi nhỉ? Tôi rùng mình, sợ hãi, nhắm mắt đợi. Nhưng không có gì xảy ra. Tôi yên tâm hơn. Chợt, giữa sự yên tĩnh không cùng như có sức nặng đè lên ngực, tiếng nhạc dương cầm từ trong ngôi nhà bỗng nhiên vẳng ra. Ban đầu như những giọt nước nhỏ xuống mặt bể xao động, thánh thót, rồi nhanh hơn, đầy tiết điệu nhịp nhàng. Âm thanh quyện vào đôi chân tôi, thúc giục: “Bước đi, bước!” Chân tôi bị đẩy tới. Chân phải, chân trái, rồi chân phải chân trái. Cứ thế tôi lướt theo tiếng nhạc mơ hồ. Tiếng nhạc chậm dần, thả tôi ra, và bay vút. Tôi nghe như nó đang đổ lên một hồi chuông, tiếng trong vắt, reo vui.

Bây giờ tôi đã ở trước cửa. Tiếng nhạc lắng đọng bên trong, trở nên trầm ấm, nhẹ như hơi thở. Cánh cửa màu trắng nhỏ xíu, không cân với ngôi nhà dài ngút ngàn. Tôi cúi xuống đọc hàng chữ trên cửa: “Quá khứ”. Nét chữ mềm mại, xinh xắn, mầu tím. Tiếng nhạc bây giờ như dải lụa mềm, bao quanh tôi, than thở. Tôi buồn lây, ngồi xuống bực cửa, nhìn ra ngoài sân sỏi. Màu xanh mát dịu. Tôi thấy chơi vơi, không biết trên kia có còn bầu trời không. Màu xanh ở đây khác hẳn màu xanh của trời, mầu xanh ảo huyền của muôn ngàn viên sỏi nằm không yên, tỏa ra thực dịu mắt.

Tôi kéo trí nhớ mà hình như không sao nhớ được gì. Tôi đang ở đâu đây? Tôi có còn là tôi không? Tôi đã chết chưa nhỉ? Quả thực tôi đang bơi trong sự mù đục. Tôi không biết gì, không nhớ gì. Tôi ôm đầu một lúc, rồi bất lực. Tôi chợt nhớ đến cánh cửa, khung cửa nhỏ xíu với hàng chữ tím. Tôi quay lại, cúi mình vặn nắm cửa. Nắm cửa là một cánh hoa hồng nhỏ mong manh. Tôi nhẹ nhàng nâng hoa lên. Cánh cửa không nhúc nhích. Tôi muốn bật khóc. Chắc có khóa, phải có một cái chìa khóa nào đó. Tôi lại quì xuống mặt đá, tìm tòi. Đây rồi, ổ khóa bé tí bằng vàng, chiếc chìa khóa cũng nhỏ xíu như đồ chơi, nhưng lại bằng pha lê trong suốt. Tôi cẩn thận đặt nhẹ chìa vào ổ. Tiếng chuông vang lên phía trong, êm tai. Cánh cửa bật mở. Hoa hồng, chiếc nắm cửa bỗng tàn đi. Mấy cánh hoa rơi xuống như những giọt nước mắt.

Tôi bước vào trong. Ánh sáng ở đây mờ hơn, mấy ngọn nến đặt tít trên cao tỏa ánh sáng màu đỏ vàng, lung linh. Tôi vẫn nghe tiếng nhạc trầm, nhưng không đoán được phát ra từ nơi nào. Căn phòng nầy hẹp, trống, không có lấy một món đồ đạc trang hoàng nào. Tôi tiến đến cửa lớn, mở ra. Bên trong là một hành lang dài, dài kinh khủng khiến tôi đâm hoảng. Hành lang này giống như hành lang nhà thờ tôi thường thấy trong các bức ảnh, với những vòm cao, đường nét cân đối. Tiếng nhạc nghe rõ hơn. Tôi nín thở, bước vào hành lang. Ở đây, ánh sáng xuyên từ vòm nhà cao vút xuống. Mái nhà bằng thủy tinh đủ màu trong suốt, ánh sáng bị lọc qua thủy tinh ấy, chảy dài trên nền cẩm thạch đủ màu sắc huy hoàng. Tôi như hoa mắt vì sắc màu huyền ảo đó. Phải đứng một lúc lâu tôi mới dám đi về phía bên phải. Bên trái tôi cũng là hành lang chạy dài, nhưng tôi quyết định đi về bên phải vì dường như tiếng nhạc phát ra từ đó. Vách tường phía bên trái màu trắng, phẳng lì, bên phải có rất nhiều cửa. Ở mỗi cửa tôi đọc được một cái tên đóng khung bằng một hình chữ nhật. Có khung màu đỏ, có khung màu đen. Tên viết bằng chữ in, rất cân đối, đẹp. Mấy tên nầy lạ quá, tôi không hề nghe bao giờ. Tôi nhìn trước mặt, xa vút, không biết hành lang này có chỗ tận cùng không nữa. Có lẽ phải tìm một căn phòng, biết đâu chúng lại không mở ra một nơi nào khác hơn cái tiền đường trống rỗng và hành lang rực rỡ nhưng cũng hoang vu này. Tôi đọc từng tên một cách tò mò, nhưng không nhớ được gì. Chúng xa lạ quá. Tôi gặp một cái tên quen: Đặng Trần Nguyễn. Tôi cầm nắm cửa mở ra nhưng không được, cửa khóa kín. Tôi lại đi nữa. Và ngạc nhiên làm sao, tôi thấy tên tôi, cũng viết theo lối chữ in, đóng khung bằng hình chữ nhật đỏ. Tôi đứng lặng một lát. Có phải tên tôi đây không, hay tôi là ai khác: “Ánh Kha”? Tôi lặp đi lặp lại trong đầu cái tên của mình, nghi ngờ: Ánh Kha, Ánh Kha. Tôi mở cửa, tin rằng cánh cửa cũng khóa kín như trước, nhưng không ngờ, cửa mở rộng ngay. Âm thanh dương cầm từ đó ào ạt như sóng cuốn tôi bước vào.

Tôi lao đao suýt ngã. Khi đứng vững, tôi ngẩng lên nhìn. Ngạc nhiên làm sao, một cô bé đang ngồi trước dương cầm, nhìn tôi cười, tay vẫn thoăn thoắt lướt trên phím ngà. Cô bé mặc áo đầm trắng, cột nơ đằng sau. Hai chiếc dây nơ thực dài, phủ xuống tận đất. Vạt dưới áo cũng thực dài, viền đăng-ten. Mái tóc cô bé mềm mại, mầu đen nhưng muốn ngả sang vàng, cô thắt lại bằng sợi ruban satin cũng trắng. Cô bé toát ra sự thơ ngây kỳ diệu làm tôi yêu ngay.

Trên nóc dương cầm, một con gấu bằng bông đang lắng nghe cô bé đàn. Con gấu có cặp mắt tròn, nghịch ngợm, lông màu nâu vàng, cổ thắt nơ trắng và trên tay trái đeo tấm “plaque” có dây xích cũng bằng vằng.

Thấy tôi vào, chú gấu bằng bông quay sang nhìn tôi, rồi nhìn cô bé. Còn cô bé thì ngưng đàn, đứng lên. Chỉ trong một giây, không có âm thanh, ánh sáng như bị ngưng đọng và không khí cũng như đặc lại. Cô bé ôm con gấu, đặt xuống ghế và bảo nó: “Đàn đi nào Ni-na” Chú gấu bằng bông, lại như cô bé hồi nãy, đặt tay lên phím ngà. Âm thanh lại rung lên, dịu dàng. Tôi ngạc nhiên. Cô bé mỉm cười bằng lòng, còn chú gấu thì hãnh diện, lắc lắc cái đầu, chớp cặp mắt tinh nghịch, đáng yêu lạ.

Bỏ mặc chú gấu với những âm thanh nối đuôi nhau đùa giỡn khắp phòng, cô bé nhún nhảy bước về phía tôi. Tôi nhìn cô bé cười làm quen. Trong đầu sắp đặt những câu hỏi để đỡ ngượng nghịu. Không ngờ cô bé áo trắng lại nói trước. Giọng nói thanh và êm như có pha thêm chút ít nũng nịu: “Em biết chị là Ánh-Kha, em cũng biết thế nào chị cũng tới đây mà”.

Cô bé nắm tay tôi, bàn tay mũm mĩm, mát mịn:

- Em là Quá khứ, các chị đặt tên em là “Thơ ngây”

Cô bé đưa tay chỉ quanh phòng:

- Căn phòng này dành riêng cho chị đấy. Chị vừa lòng chứ?

Tôi nhìn quanh. Tường, trần đều bằng cẩm thạch trắng. Trước mặt là cửa sổ bằng thủy tinh có phủ một tấm màn nhung đỏ, thắt thành hai vạt bằng ruban trắng. Qua cửa sổ, tôi trông thấy một sân cỏ xanh mướt, ướt nắng, ngoài ra không còn gì hơn là những khung cửa sổ các phòng khác. Những cửa sổ giống nhau như đúc, cùng một cỡ và cùng có màn đỏ che kín.

Trong phòng, ngoài chiếc dương cầm đen bóng còn có một bộ bàn ghế nhỏ bằng gỗ có vân rất xinh. Nhưng bộ bàn ghế thật thô, trông như mấy cái hộp gỗ, góc cạnh sắc nét. Tôi mỏi mệt muốn nằm xuống ngủ một giấc thì cô bé dường như hiểu ý, kéo tôi lại gần bộ bàn ghế, ấn tôi ngồi xuống chiếc ghế gỗ nhỏ. Lạ quá, tôi như thấy mình ngồi trên nệm êm. Tâm hồn tôi đang uể oải chợt thư thái hẳn. Tôi sung sướng nhìn cô bé, cười cảm ơn.

Ngồi một lúc, những băn khoăn lại bắt đầu đến, khuấy động tâm trí tôi. Tôi đang ở đâu đây? Trong lâu đài “Quá khứ”. Nhưng lâu đài này ở đâu mới được chứ? Ai dẫn tôi đến đây? Tại sao tôi lại lạc đến chốn này? Thật kỳ lạ. tôi nhắm mắt, suy nghĩ. Bây giờ tôi nhớ ra rồi. chiều nay tôi đã bỏ nhà, đi lang thang, qua rất nhiều đường phố. Tôi đã ngồi trên bờ sông Hương, buồn ngắm dòng nước phẳng trôi đi, trôi đi. Sông Hương hiền hòa, chia làm hai dòng: một dòng đục, sóng gợn lăn tăn, phần kia phẳng như gương, trong vắt. Tôi đã ngồi nhìn qua bên kia Phú-Vân-Lâu với tất cả sự thèm muốn. Cái nóng mùa hạ và sự bịt bùng của cuộc sống thành phố đã đẩy thiên hạ ra đó hóng mát. Họ lái xe, chở vợ con, tôi tớ, đôi khi đem cả mấy con chó bẹc-giê theo nữa, ra Phú-Vân-Lâu, đón gió từ mặt sông thổi lên. Cơn gió chiều mát, nhẹ mơn mấy tàn lá nhỏ, đuổi mấy hạt đo đỏ như hạt cườm xuống trang điểm cho mặt đất vàng. Tôi đã thầm nghĩ, sao họ sung sướng và hạnh phúc thế. Những lời nói gay gắt, cay độc trong trận cãi nhau hồi chiều giữa Ba Mẹ tôi làm tôi đau đớn. Chúng quay cuồng trong đầu, tàn ác nhắc đi nhắc lại, như đùa với nỗi khổ sở của tôi. Tôi nhớ tôi đã khóc, đã bỏ chạy khỏi nhà. Trên bờ cỏ xanh ven sông, tôi cũng gục đầu khóc. Tôi nhớ tôi đã ngồi ở đấy rất lâu cho đến lúc màu sông xanh đen như hắc ín. Mặt sông phẳng nên trông càng đen hơn. Tôi đã ngồi một mình, khuất sau bụi cây rậm, gợi nhớ tất cả về mình và chỉ thấy cô đơn, không bạn bè, không tình thương, ngay cả tình thương gia đình. Tôi thương tôi, cái tôi nhỏ bé, đơn độc, xa lạ và lẻ loi như các vì sao trên cao, cùng chung một bầu trời mà khi nào cũng long lanh nước mắt. Tôi đã trách mẹ tôi, người độc nhất gần gũi mà không khi nào hiểu được con cái. Tôi trách ba tôi, người đã sống mà lúc nào cũng xa lạ với gia đình. Tôi trách tôi đã không đủ sức hàn gắn những đổ vỡ và không đủ kiên nhẫn để chịu đựng lâu hơn. Tôi đâm ra ghét cuộc đời, nhất là cuộc đời nghèo túng như cuộc đời ba mẹ của tôi. Nếu có tiền, mẹ tôi sẽ không còn cằn nhằn ba tôi là không biết lo cho gia đình, ba tôi sẽ thấy chúng tôi là nơi yên nghỉ êm ái và yên tĩnh hơn tất cả, và tôi, sẽ khỏi chứng kiến những đổ vỡ, những cơn nổi trận lôi đình của cả hai người thân yêu. Tôi tự hỏi sự nghèo túng ấy là do nguyên nhân nào? Có phải tại ba tôi bất tài, vụng về nên không làm nên trò trống gì, hay tại ba tôi quá trung thành với nếp sống xưa mà không chịu lọc lừa? Có phải tại mẹ tôi vụng tính nên nhà thiếu trước hụt sau? Có phải tại tôi đã đòi hỏi quá nhiều chăng?

Tôi không trả lời được câu hỏi nào hết, chỉ thấy bực tức và buồn rầu sao mình lại sinh ra trong một gia đình như thế. Chưa bao giờ tôi thấy mẹ tôi ôm lấy tôi, vuốt tóc tôi nói những lời âu yếm. Tôi nhớ chưa có lần nào tôi và ba tôi đi chung cùng nhau. Tôi hiếm khi thấy mẹ tôi cười cởi mở, khen tôi xinh hay ngoan như bố mẹ bọn bạn tôi ngắm con họ. Và tôi cũng nhớ bọn bạn tôi chưa hề quàng vai tôi để đi tha thẩn trong sân những giờ ra chơi. Chúng bảo tôi kiêu trong khi tôi cô đơn và thèm tình thương của chúng không biết ngần nào. Cái kỷ niệm chua xót vẫn còn hằn trong trí tôi khiến tôi đâm sợ hãi mỗi lúc muốn làm quen với ai. Tôi còn nhớ hôm đó, giờ ra chơi, mấy đứa bạn nhỏ tuổi hơn tôi thì chơi đuổi bắt, nhảy dây, hay lò cò, mùa mưa chúng nó vạch ô chơi ô làng. Mấy đứa cùng lứa thì bắt chước mấy chị lớn, đi dọc theo con đường chính, dưới tàn lá phượng, hay mù u, vừa đi vừa tâm sự. Tôi không có bạn, và thấy mình cần bạn lạ lùng. Tôi chọn một đứa, con Diệu. Con nhỏ đang đứng, chống tay lên cằm bên cửa sổ nhìn bọn nhỏ chơi. Tôi không hiểu tại sao tôi chọn nó, có lẽ vì nó đang đứng một mình như tôi. Tôi đi nhẹ đến sau lưng nó, rồi đưa hai tay bịt mắt. Bị đùa bất thình lình, con nhỏ giật mình, nhưng rồi, cũng cười cười đưa tay lên mặt tôi cố rờ rẫm để đoán xem đứa nào nghịch tinh. Nó kêu đủ tên: Hương, Minh Thường, Loan… chả trúng tên nào. Tôi bịt mắt nó lâu quá cũng chán vội thả ra. Con bé quay lại thấy tôi thì ngạc nhiên, rồi bất ngờ, nó nổi giận:

- Ấy chơi chi lạ rứa? Bịt mắt người ta muốn đui luôn!

Hắn “xì” thêm một tiếng nữa rồi quay ngoắc đi, yên lặng và lơ đãng như tôi không hề đứng sau lưng nó. Tôi sững người, hai tai đỏ bừng vì xấu hổ, sau khi mắng một câu cho đỡ ngượng:

- Tưởng người ta cần lắm đó. Làm bộ hoài.

Rồi chạy về chỗ ngồi. Nước mắt trào lên mi, nóng và cay. Sau lần đó, tôi không chơi với đứa nào nữa. Cho đến bây giờ, tôi vẫn cô đơn. Tôi vẫn thường ngắm mình trong gương và tìm xem tại sao tôi không lôi cuốn tình thương của kẻ khác. Có phải vì mái tóc cứng chảy xuống lưng kia không? Có phải vì đôi mắt nhỏ mà dài có vẻ man trá kia không? Có phải vì đôi môi cong cớn kia không, hay bởi tại thân hình quá ốm yếu đến khỏng khoeo của tôi? Tôi thường hay khóc và mơ đến một hôm nào đó sẽ có bà tiên đến hỏi: “Sao con khóc?”. Tôi sẽ kể hết nỗi niềm, bà sẽ cho tôi một mái tóc mềm dịu, một đôi mắt to đen, một cặp môi nũng nịu, đáng yêu. Nhưng là những cơn mơ nên không bao giờ đến. Tôi vẫn là đứa con gái cô đơn, cô đơn nhất đời.

Tôi khóc nữa rồi. Giọt nước mắt không thể tự cầm giữ đã lăn xuống má.

Một bàn tay dịu mát cầm lấy tay tôi. Tôi mở mắt. Cô bé Thơ ngây nhìn tôi mỉm cười. Vẻ trong sáng từ đôi mắt to, trong trắng khiến tôi dịu đi. Cô bé nói như thể cô đọc hết được những gì tôi nghĩ từ nãy giờ:

- Chị đã quên những kỷ niệm đẹp rồi. Em là quá khứ của chị, em sẽ cho chị xem những điều rất hay.

Cô bé không nói đến nỗi cô đơn người lớn. Dường như cô chỉ cần làm cho tôi vui là đủ, không cần hiểu tâm trạng tôi làm gì. Cô nắm tay tôi tới bên cửa sổ, khoa tay lên không khí. Mặt gương đang trong suốt bỗng dưng đục ngầu.

Hình ảnh trong gương hiện ra như thể tôi đang xem chiếu bóng. Tôi thấy tôi đứng giữa đám trẻ con lau nhau bằng tuổi. Chúng tôi đang chơi đuổi bắt trên sân cỏ xanh sau trường. Chúng tôi vừa cười đùa, la hét và tôi cảm thấy vui không cùng. Tôi thấy tôi bị con bé Lan đuổi chạy khắp sân. Vừa cười, nhưng cũng sợ bị bắt, tôi luống cuống ngã sấp xuống bờ cỏ, con Lan ngã theo. Tôi đau nhói ở cánh tay. Con Lan sợ hãi trỗi dậy. Tôi nằm lì, khóc mãi. Con Lan ngồi bên cạnh tôi, cũng rưng rưng nước mắt. Bọn bạn tôi xúm quanh hai đứa. Có đứa hét lớn: “Con Lan xô con Kha nghe. Tao vô mét cô cho coi”. Có đứa phân trần: “Hai đứa đuổi nhau bổ chớ con Lan xô khi mô?”. Tiếng trống đổ dồn, mấy con bạn tôi vội vã chạy vào lớp. Ngoài sân vắng hoe chỉ còn hai đứa. Con Lan vẫn khóc tấm tức, không nói được câu nào.

Tôi không đứng lên được vì cánh tay mỗi lần cử động là đau nhói. Tôi vừa đau, vừa sợ, vừa ghét con Lan.

Tụi nó mách cô giáo thế nào mà cô vội vã chạy ra, nâng tôi dậy. Sau khi thuê xe cho tôi đi nhà thương, cô vào lớp phạt con Lan quì suốt từ giờ ra chơi cho tới khi về. Sau khi lành tay tôi đi học trở lại. Bọn bạn tôi kể chuyện con Lan vừa bị quì, vừa khóc ầm ĩ, bị cô giáo mắng nữa. Tôi đã không thương hại nó, còn cho thế là đáng kiếp. Tôi xấu tính thế sao?

Tấm gương lại mờ đi. Tôi thấy tôi ngồi trong lớp. Giờ phát bài đây. Khi cô giáo đưa vô cho tôi, tôi hồi hộp mở ra xem. Trời ơi, tôi bị ăn con số không ngon lành. Tôi tức tôi quá. Bài toán dễ thế mà chỉ vì khinh thường, không làm cho kỹ, tôi đã cộng nhầm. Đáp số sai bét. Ăn số không là đáng lắm. Nhưng tôi vẫn tức. Thà mà tôi không biết làm, không hiểu bài toán thì cũng đành. Đằng này chỉ vì cộng sai số! Tôi len lén nhìn cô. Trên gương tôi thấy cặp mắt tôi sao mà gian xảo thế. Tôi quay lưng, mượn cây bút nguyên tử đỏ của con Hoài, rồi sửa lại bằng số 05. Thế là yên tâm. Lúc hô điểm, con Kim thắc mắc hỏi: “Tao nhớ mi bị sai đáp số mà răng cô cho mi 5 điểm?”. Tôi cười giả lả: “Tại cách làm của tao trúng chớ răng!”

Chao ơi, khuôn mặt tôi khi trả lời con Kim thật là trơ tráo. Tôi không biết thẹn sao?

Tấm gương chao mờ… bây giờ thì tôi đang đứng trong hàng bán đồ chơi của chị Phượng. Mấy cái lò, chén, ly, tách bằng nhựa đủ màu xinh xắn để từng đống trong mấy cái hộp giấy. Tôi và mấy đứa bạn thường qua chơi với chị Phượng, mua đồ chơi về chơi nấu ăn. Chị Phượng thương chúng tôi lắm.

Tôi thấy tôi đang ngắm bộ bàn ghế bằng nhựa mầu hồng. Tôi thèm lắm. Về mà cắt vài con búp bê giấy, cho chúng nó ngồi lên bộ bàn ghế đó thì tuyệt. Nhưng tôi không có tiền. Tôi nhìn quanh. Không có ai. Len lén, tôi bỏ vội bỏ bộ đồ chơi vào bọc, ù té chạy về nhà. Sung sướng vì khỏi tốn xu nào mà lại có vật ưa thích.

… Tôi thế đó, tôi ích kỷ, tôi gian trá, tôi ăn cắp. Thế mà tôi cứ trách sao không ai yêu thương mình. Suốt thời thơ ấu của tôi, tôi đã yêu thương ai chưa? Tôi nắm tay cô bé thật chặt, mặt đỏ bừng vì xấu hổ. Tôi quay mặt đi.

Cô bé không nói gì, chỉ bóp nhẹ tay tôi. Cô bé kéo tôi đi. Đi đâu, tôi cũng không rõ nữa. Tôi như người mất hồn, như người mù.

Khi “Thơ Ngây” vỗ nhẹ vào tay tôi, tôi mới giật mình. Tôi đang đứng ở trong phòng nào khác màu xanh, đá xanh chứ không phải đá trắng. Căn phòng này rực rỡ hơn căn phòng trước với bình hoa lạ màu ngọc thạch. Mấy cánh hoa giống như hoa cúc, nhưng không phải hoa cúc. Căn phòng trải thảm màu xanh sẫm, mấy chiếc gối đủ màu nằm chồng lên nhau ở góc phòng. Một cái bàn vuông vắn màu đen bóng đặt giữa phòng, bốn cái chân thấp lè tè uốn cong dịu dàng.

Đứng bên cạnh một cánh cửa sổ tròn là một cô gái bằng tuổi tôi, mặc áo dài màu xanh ngọc. Cô đứng im nhìn tôi, dáng vẻ đoan trang kỳ lạ. Bên cạnh cô là mấy thỏi kim khí treo lỏng dỏng chạm nhau phát ra âm thanh dồn dập, vui tai. Cô bé “Thơ Ngây” đã biến mất hồi nào tôi không hay.

Cô gái lại lặng lẽ ôm mấy chiếc gối màu, sắp bên cạnh cái bàn thấp. Cô kéo tay tôi ngồi xuống chiếc gối màu nhung đen. Cô thì ngồi trên chiếc gối xanh. Cô với tay ngắt một bông cúc màu ngọc thach, bẻ từng cánh nhấm nháp. Hương hoa lạ tỏa ra, thơm dịu. Cô đưa cho tôi một cánh. Tôi bắt chước nhấm nhấm. Vị hoa đượm ngọt. Tôi thấy dễ chịu.

Cô gái nhìn tôi, nói giọng nhẹ nhàng:

- Tôi là “Hoa Niên”. Và tôi hiểu chị vô cùng vì tôi là quá khứ của chị. Tôi hiểu nỗi cô đơn không cùng của chị và tôi cũng biết những nguyên nhân gây ra nỗi đơn độc ấy nữa.

Cô gái cầm tay tôi, dáng an ủi:

- Tôi tin chị cũng biết, nhưng chị chỉ trốn tránh, không đủ can đảm nhận lỗi về phần chị mà thôi.

Tôi cúi mặt, không trả lời. “Hoa Niên” nói đúng. Tôi không dám chấp nhận những nguyên nhân ấy, tôi sợ phải tự trách mắng mình, sợ phải thấy sự thực.

“Hoa Niên” vẫn nhìn tôi, dịu dàng:

- Chị hãy ngẩng đầu lên và nhìn vào mắt tôi đây.

Tôi nghe theo, nhìn vào đôi mắt to, đen của nàng. Và tôi thấy gì? Khuôn mặt của tôi! Khuôn mặt biến động từ trạng thái ganh ghét với cái bĩu môi dường như thường xuyên và đôi mắt thù hằn, đến hỗn láo với cặp mắt quắc lên dữ tợn và làn môi cong cớn, rồi giận dữ với những đường gân máu hằn lên trên má, trong mắt. Tôi thấy tôi đầy vẻ xấu xa. Ngay cả đến nụ cười cũng chỉ là nụ cười mai mỉa, cay đắng. Tôi là thế đó sao? Thế mà tôi vẫn tưởng mình hiền lành, tốt bụng, đáng yêu. Thế mà tôi vẫn tưởng người đời bất công, Thượng đế bất công. Sao tôi không tự tìm hiểu lấy mình, sao tôi không tự sửa đổi mình mà chỉ nhắm cái xấu của thiên hạ?

Mắt tôi lại mờ đi. Sau làn nước mắt, tôi thấy “Hoa Niên” mỉm cười, nụ cười dịu dàng, khoan dung biết bao. Còn tôi, tôi chưa hề biết cười là gì. Đáp lại Hoa Niên, tôi cũng cười cảm ơn. Tôi bắt đầu cảm thấy mình đổi khác. Tôi đã có được sự thoải mái cho tâm hồn rồi sao?

Hoa Niên đứng dậy, kéo tôi lại một góc phòng. Nàng mở chiếc hộp con, trong đó đựng rất nhiều những tấm bìa cứng nhỏ bằng cái danh thiếp thường. Nàng tìm tòi và lôi ra một tấm đề tên mẹ tôi. Tôi còn thắc mắc thì Hoa Niên đã nói:

- Chị hãy nhìn vào tấm bìa này, rồi nghĩ đến Mẹ chị đi. Chị sẽ thấy.

Tôi nghĩ về mẹ tôi với tất cả thương yêu bấy lâu tôi đã giấu kín đi. Tôi thấy mẹ tôi đang ôm tôi trong vòng tay bà. Cái dáng nhỏ xíu của tôi lúc mới chào đời thực đáng thương biết bao. Tôi nhận ra mẹ tôi đang cố thu mình sau bụi cây rậm. Chung quanh bà là lửa sáng ngời. Mẹ tôi chạy giặc! Nhìn gương mặt hoảng hốt, tái xanh vì sợ của bà, tôi thương bà quá. Mẹ tôi cố gắng thu mình cho nhỏ đi. Một tiếng nổ cách mẹ con tôi có một thước. Mẹ tôi hốt hoảng nằm úp sấp, che cho tôi khỏi bị thương. Nước mắt mẹ dàn dụa, mẹ hôn tôi như thể sắp vĩnh biệt. Tôi cũng òa khóc. Mẹ tôi ôm tôi chặt hơn giữa tiếng đạn réo và đại bác nổ kinh hồn. Rồi tôi thấy tôi lớn hơn một chút, chừng hai tuổi, tôi thấy mẹ tôi ngồi đan áo len, vừa đan vừa trông chừng, hai mắt bà tràn hạnh phúc. Thỉnh thoảng, mẹ tôi bỏ chiếc áo đan dở, chạy đến ôm tôi, vừa hôn vừa nựng. Còn tôi thì cười như nắc nẻ. Hai mẹ con đều sung sướng.

Sao những hình ảnh hạnh phúc ấy tôi không chịu nhớ. Sao tôi không nghĩ là mẹ tôi đã thương yêu tôi biết bao nhiêu. Sao tôi không bao giờ nghĩ làm cho bà bằng lòng mà chỉ trách bà không làm hài lòng tôi? Tôi thật ích kỷ.

Hoa Niên lại đưa cho tôi một tấm bìa khác đề tên Ba tôi. Tôi lại nhìn và nghĩ đến ông một cách chân thành. Tôi thấy ba tôi đang bồng tôi đi xuyên qua những đám rừng hoang. Dưới chân sình lầy đến mắt cá. Trên đầu tôi, lá cây đan nhau che hết ánh sáng. Ba tôi vừa đi, vừa phạt cây. Vắt bám lên chân ba hút máu mà ba vẫn không để ý. Dáng xiêu vẹo của ba khiến tôi mủi lòng.

Tôi lại thấy ba tôi đang cặm cụi làm cho tôi chiếc lồng đèn con cá. Tôi ngồi một bên nhìn say mê. Lâu lâu, tò mò tôi rờ rẫm từ tờ giấy bóng đỏ, đến nan tre được vót nhẵn. Ba tôi cốc lên đầu tôi nhè nhẹ mắng:

- Yên nào, đừng phá con!

Thế thôi. Đã bao giờ Ba Mẹ tôi đánh tôi chưa? Tôi đoan chắc là chưa bao giờ hết. Chỉ mắng thôi. Ba Mẹ tôi chìu tôi thế đấy, sao tôi còn oán. Sự nghèo túng là tại thời thế, đâu phải lỗi ở hai người.

Tôi thẫn thờ bỏ tấm bìa xuống. Hoa Niên cất chúng vào hộp, rồi nắm tay tôi kéo dậy:

Tôi hỏi:

- Bây giờ làm sao tôi thay đổi được? Tôi bất lực quá, tôi nhỏ bé quá. Hoa Niên có biết tương lai chúng tôi sẽ ra sao không?

Hoa Niên không trả lời tôi. Nàng dắt tôi đi ra vườn. Khu vườn này nằm ở sau tòa lâu đài rộng. Hai bên là dương liễu xanh. Gọi khu vườn thì không đúng. Đây quả là một rừng dương. Cây cối mọc lên rất đều nhưng rất rậm. Và chỉ có một lối đi độc nhất. Một tòa nhà trắng khác tọa lạc ở cuối đường. Hoa Niên đưa tay chỉ về ngôi nhà rộng không kém tòa “Quá khứ”:

- Kia là lâu đài “Tương lai”. Con đường nhỏ chúng ta đi đây mang tên “Hiện tại”. Chỉ có một con đường này nối hai tòa lâu đài này.

Nàng chỉ về đàng xa:

- Chung quanh đây là bức tường ngăn chia khu vực này với khu rừng ngoài kia. Ở ngoài bao la vô tận, mang tên “Hoang vu”. Khó có ai vào được khu vực đó.

Nàng lại chỉ xuống con đường đất chúng tôi đang đứng:

- Con đường này đẹp lắm, nhưng chị hãy xem đây, chúng đầy gai nhọn, và cũng đầy hoa thơm.

Tôi theo ngón tay của nàng và ngạc nhiên nhìn. Gai thật nhiều mà hoa cũng thật nhiều, mỗi loại gai có hình dáng khác nhau, hoa cũng trăm ngàn vẻ, trăm ngàn mầu sắc.

Hoa Niên chỉ cho tôi đám gai kia và bảo:

- Gai màu đỏ là gai “Giận dữ”, gai màu đen là gai “Chán chường”, gai màu vàng là gai “Kiêu hãnh”, gai màu tím là gai “Hận thù”, gai màu nâu là gai “Ganh ghét”, gai màu rượu chát là “Đam mê”, mầu xanh phớt kia là “Ngạo mạn”…

Nàng lại chỉ vào mấy cành hoa ngát hương mà bảo:

- Hoa trắng kia là hoa “thành thật”, hoa đỏ kia là “hăng hái”, màu vàng kia là “bác ái”, màu xanh là “khoan dung”, màu hồng nhạt là “dịu dàng”…

Bao giờ mà chị hái được cho trọn một bó hoa, dọn cho sạch hết gai góc này, chị sẽ đi đến tòa nhà trắng kia. Chị có nghe tiếng chim hót không?

Hoa Niên nghiêng đầu, chăm chú. Tôi cũng lắng tai. Không phải tiếng chim hót, tiếng nhạc từ tòa lâu đài trắng vẳng ra. Hoa Niên cười rạng rỡ:

- Ở trong đó sẽ xán lạn, vui tươi lắm chị à.

Rồi nàng nghiêm trang tiếp:

- Nếu chị không đến được tòa nhà trắng ấy, chị sẽ rơi xuống chỗ này.

Hoa Niên vừa nói vừa chỉ tay vào một cái hang sâu thăm thẳm, đen như mầu đêm và lạnh như băng tuyết. Giọng Hoa Niên như từ nơi nào mơ hồ vọng đến:

- Hang ấy gọi là hang “Đau khổ”.

Tôi rùng mình, cảm thấy như Hoa Niên tan biến dưới chân. Bên cạnh tôi, một đóa hoa xanh xuất hiện. Hoa nở trọn vẹn. Cái gì đến mức cuối phải tan rã, như người ta leo đến đỉnh phải tụt xuống. Tuổi hoa niên của tôi sắp rã cánh. Tôi cúi xuống vội vàng, bắt đầu hái từng đóa hoa, dẹp bỏ từng đám gai nhỏ. Gai xước vào tay, đau nhói. Tôi không để ý, lẩm bẩm theo lời “Hoa Niên”:

- Này đây gai “ganh ghét”, gai “hận thù”, này là hoa “chân thành”, hoa “trong sạch”…

Cứ thế, tôi nghe tiếng nhạc reo vui càng lúc càng gần. Con đường tôi đi càng xa càng sáng. Tôi biết sẽ có một ngày tôi được đứng trước cửa tương lai hứa hẹn, nếu con đường tôi đang đi đừng quá dài và đừng quá nhiều gai góc.


Tỉ Tỉ   


(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 73, ra ngày 15-7-1967)


oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>