Chủ Nhật, 23 tháng 8, 2015

CHƯƠNG IV_CUỘC ĐỜI THƠ ẤU CỦA VUA HỀ SẠC-LÔ


CHƯƠNG IV


Mẹ tôi thuê được gian phòng trong một ngõ hẻm sau hãng sản xuất dưa muối và tương hạt cải. Cứ mỗi buổi chiều, mùi chua của dấm tràn đầy không khí. Nhưng tiền thuê nhà khá rẻ và bây giờ chúng tôi được đoàn tụ cùng nhau. Sức khỏe mẹ tôi khá tốt và không bao giờ chúng tôi nghĩ rằng bà đã từng bị ốm đau trầm trọng.

Tôi không còn nhớ được nhiều đời sống chúng tôi trong thời khoảng ấy. Chừng như hồi đó cũng không có gì quá đỗi khó khăn và cũng không có những vấn đề gì nan giải. Số tiền cấp dưỡng mười đồng hàng tuần lễ về phần cha tôi trở lại tương đối đều đặn và dĩ nhiên là mẹ tôi bắt đầu trở lại công việc thêu đan của bà.

Dầu sao ở thời kỳ ấy tôi còn giữ được kỷ niệm về một sự kiện như sau : đầu đường mà chúng tôi ở có một lò mổ, người ta thường dắt cừu đi ngang trước nhà của chúng tôi để đưa đến nơi xẻ thịt. Có lần một con trong đám cừu thoát chạy, luồn trong hè phố làm lũ trẻ con ầm ĩ cả lên. Đứa thì cố đuổi bắt nó, đứa thì trượt chân ngã té. Nhìn theo con thú vừa nhảy vừa kêu lồng lộn tôi buồn cười quá, vì sự việc ấy có một vẻ gì hài hước. Nhưng khi người ta bắt được nó rồi vội lôi nó về nhà mổ, thực tế của bi kịch ấy làm tôi đau lòng nên tôi chạy vào trong phòng vừa khóc vừa kêu với mẹ : “Họ sắp giết nó mẹ ơi! Họ sắp giết nó rồi mà!”. Nhiều ngày về sau tôi vẫn còn nhớ lại cuộc săn đuổi trong buổi xế chiều mùa xuân dạo ấy. Tôi cũng tự hỏi sự kiện đã xảy ra ấy có hàm chứa những mầm mống cho các cuốn phim mà tôi thực hiện về sau, là sự hỗn hợp của buồn và vui như thường xảy ra trên đời này.

Bây giờ trường học mở thêm cho tôi những chân trời mới : tôi được học sử, học thơ và học khoa học. Nhiều môn học này tôi thấy tầm thường và chán nản quá, nhất là về môn toán học : môn toán cộng trừ khiến tôi hình dung một gã nhân viên ngồi sau cái quầy thu tiền mà theo tôi nghĩ chỉ có nhiệm vụ duy nhất là để ngăn ngừa khách hàng đánh cắp khi thối bạc lại. Sử ký chỉ chứa những chuyện hung tàn bạo ngược, những chuyện đoạt ngôi, giết chúa, và những ông vua giết vợ, giết anh, giết em, giết những con cháu của mình. Còn về địa lý thì toàn là những bản đồ. Và về thi ca thì không có gì khác hơn là lối tập luyện thể thao cho cái trí nhớ. Nền giáo dục nhồi nhét cho tôi những mớ tri thức và những sự kiện chỉ làm cho tôi chán ghét mà thôi. Nếu có một kẻ nào đó chịu khó ít nhiều đọc cho tôi nghe về mỗi môn học một lời khích lệ có thể kích động được trí não tôi, cho tôi tiếp thu những gì vui vẻ hơn là sự kiện khô khan, giúp tôi giải trí và tò mò hơn bằng cách xoay đổi con số, hoặc cho tôi học trên những bản đồ ít nhiều thi vị, nếu người ta giúp tôi có cách nhìn mới lạ hơn về sử ký, nếu người ta dạy cho tôi âm nhạc ở trong thi ca thì tôi có thể hy vọng trở nên một người thông thái.

Từ khi mẹ tôi trở về sống với chúng tôi bà lại khởi sự khích động nơi tôi khiếu thích đối với sân khấu. Luôn luôn bà cho tôi biết rằng tôi không thiếu tài năng. Nhưng mãi đến cái tuần lễ trước ngày Giáng sinh, khi nhà trường cho trình diễn “Cô Bé Lọ Lem” tôi mới cảm thấy muốn được phô bày những gì mẹ tôi đã dạy cho tôi. Không hiểu vì lý do nào tôi không được dự vào việc phân vai và trong thâm tâm tôi rất muốn thế vì tự nghĩ rằng mình giữ một vai trong vở tuồng đó nhất định hay hơn những kẻ đã được chỉ định. Vai nam trong tuồng thật là buồn rầu, khô khan. Vai nữ đã không có chút nhiệt tình lại thiếu năng khiếu hài hước. Các câu đối đáp theo lối học bài ở trường, đôi lúc nhấn mạnh các đoạn bằng một giọng điệu giả tạo hết sức khó nghe. Nếu được thủ vai một trong những người chị xấu xa của cô Lọ Lem, với những lớp tuồng mẹ tôi vẫn thường truyền dạy cho tôi thì tôi thích thú biết là chừng nào. Tuy vậy, cô bé thủ vai Cô Bé Lọ Lem đã thu hút tôi. Cô ta vừa đẹp, vừa thanh, trạc mười bốn tuổi và tôi thấy yêu cô ta lạ lùng. Nhưng cô ta thật xa tầm tay với của tôi nhiều quá, kể trên bình diện xã hội cũng như cách biệt tuổi tác.

Khi tôi dự cuộc trình diễn tôi thấy vở tuồng thật là thảm hại, cố nhiên không kể vẻ đẹp của cô đào chính đã khiến cho tôi buồn bã phần nào. Nhưng hai tháng sau, khi người ta cho tôi đi các lớp để trình diễn bài “Con Mèo của Cô Pri-Xi-La (Priscilla)” thì tôi gặt được thành công hết sức vẻ vang. Bài đó là một độc tấu mẹ tôi thấy đem bày bán trong một tiệm sách và thấy nó quá ngộ nghĩnh bà đã nhìn xuyên qua kính mà chép đem về để dạy cho tôi. Trong một giờ chơi tôi đọc cho một thằng bạn tôi nghe. Ông Rết, giáo sư của tôi, đang ngồi làm việc bỗng ngẩng đầu lên và ông cảm thấy thích thú nên lúc mọi người trở lại chỗ ngồi ông bảo tôi trình diễn lại làm sao cho cả lớp vui vẻ cười vang. Sau lần đó danh tiếng tôi vang dậy và qua ngày sau người ta đưa tôi đi từ lớp này sang những lớp khác, ở những phòng học con trai cũng như con gái để mà trình diễn bài độc tấu ấy. Kể ra tôi cũng đã từng bước lên sân khấu thủ một vai trò thay thế mẹ tôi trước một khán giả đông đảo khi tôi chỉ mới lên năm nhưng đây mới là lần đầu tiên tôi nếm được sự vinh quang của mình. Nhờ vậy trường học trở thành một nơi hấp dẫn hơn nhiều. Và từ một đứa trẻ nhỏ khuất lấp, cả thẹn, tôi thành một trung tâm điểm gợi sự chú ý của các thầy dạy cũng như bạn học. Tinh thần học tập của tôi nhờ vậy mà cũng mở mang thêm lên. Nhưng sự học tôi phải đành bỏ dở khi tôi nhập vào đoàn vũ “Tám Đứa Trẻ Con” ở Lên-Cát-Sia (Lancashire).

Cha tôi quen ông Giác Sơn, bầu gánh đoàn vũ, nên khuyên mẹ tôi cho tôi gia nhập đoàn ấy để bước vào nghề sân khấu cho quen vừa kiếm được tiền giúp đỡ gia đình : tôi được ăn ở và mỗi tuần lễ mẹ tôi lãnh được nửa đồng cua-ron (couronne). Ban đầu nghe khuyên như thế mẹ tôi có vẻ dè dặt nhưng đến ngày làm quen được ông bầu và gia đình ông, bà mới bằng lòng.

Ông bầu Giác-Sơn (Jackson) ở vào trạc tuổi năm lăm. Vốn là thầy giáo trong vùng. Ông có ba trai một gái cũng đều gia nhập ban vũ. Ông là người Thiên Chúa Giáo ngoan đạo và sau khi vợ qua đời ông đã tham khảo ý kiến bầy con trước khi tục huyền. Bà vợ thứ hai này lớn hơn ông ít tuổi và ông kể lại cho chúng tôi nghe một cách thành khẩn trang nghiêm ông đã cưới bà trong trường hợp nào. Sau khi quyết định tục huyền ông đã cho đăng lời rao tìm vợ trên một nhật báo và nhận được hơn ba trăm lá thư. Sau khi cầu trời hướng dẫn cho ông trong cuộc tìm kiếm khá quan trọng ấy, ông chỉ mở ra một lá mà thôi và đó là thư bà vợ hiện giờ. Bà cũng là cô giáo làng và như đáp đúng lại lời cầu nguyện của ông, bà cũng là người Thiên Chúa.

Tạo hóa đã không ban phát cho bà Giác-Sơn đặc ân có được hình thể hấp dẫn mà bà cũng chẳng có một chút gì gợi cảm. Tôi còn nhớ lại khuôn mặt xanh xao gầy gò của bà với lớp da nhăn, có lẽ vì bà đã phải sinh con vào lúc tuổi tác khá cao. Nhưng bà là một người vợ thủy chung và khá tận tâm. Dù vẫn con phải cho con bú mớm bà đã cố gắng rất nhiều để giúp đỡ ông điều khiển đoàn vũ. Câu chuyện bà gặp gỡ ông được bà kể lại với những chi tiết khác hẳn. Theo bà thì họ cũng đã trao đổi thư từ với nhau nhiều ngày nhưng chưa hề thấy mặt nhau lần nào. Mãi gần ngày cưới, khi cùng hội kiến ở trong phòng khách giữa lúc gia đình của bà chờ đợi ở gian kế cận thì ông Giác Sơn chỉ nói với bà một câu : “Cô là tất cả những gì mà tôi chờ đợi”. Và bà cũng nói với ông tương tự như thế. Để kết luận lại, bà bảo với chúng tôi bằng một giọng nói có vẻ khó chịu : “Nhưng mà tôi chẳng chờ đợi làm mẹ đến tám đứa trẻ thế này”.

Sau sáu tuần lễ học tập, người ta bảo tôi có thể ra nhảy trình diễn được rồi. Bây giờ tôi hơn tám tuổi, tôi đã mất hẳn tự tin và ra công chúng lần đầu tôi thật sợ hãi. Tôi nhấc chân lên một cách khó khăn lạ thường. Trình diễn một mình như những đứa khác còn đòi hỏi phải học thêm nhiều tuần lễ nữa.

Tôi cũng chẳng thích thú gì được làm vũ công trong đoàn tám người. Cũng như mấy đứa trẻ khác, tôi muốn có màn diễn xuất riêng biệt cho mình. Như vậy, không chỉ mình hưởng được nhiều tiền hơn nhưng còn vì tôi cảm thấy điều đó thích thú hơn là chuyện vũ. Tôi vẫn muốn thành kịch sĩ nhưng phải có gan diễn xuất một mình. Tuy thế, tấm lòng ưa thích làm một cái gì hơn là việc nhảy đẩy tôi tìm tới yếu tố hài hước. Tôi mơ trình diễn một màn có hai nhân vật, hai đứa trẻ mặc theo lối lang thang trong các hài kịch. Tôi bàn với một đứa khác và cùng quyết định hợp tác với nhau. Chúng tôi sẽ tự xưng là “Những Tên Triệu Phú Lang Thang”, sẽ mang thêm râu trên mép và những kim cương to bự trên ngón tay mình. Chúng tôi cho rằng như thế là có đủ vẻ ngộ nghĩnh và kiếm ăn được, nhưng mà than ôi, giấc mơ ấy không bao giờ có thể thực hiện.

Khán giả rất thích đoàn vũ vì theo lời ông bầu gánh thì chúng tôi chẳng giống một chút nào với những trẻ con hoang đàng. Ông thường hãnh diện tuyên bố là bọn trẻ của đoàn ông không hề hóa trang bao giờ và vẻ hồng hào trên đôi má chúng là nét tự nhiên. Nếu có đứa nào ở trong chúng tôi có vẻ xanh xao trước khi bước vào sân khấu, ông bắt buộc nó lấy tay bẹo má cho được hồng ra. Hồi đến Luân Đôn sau khi trình diễn hai ba rạp tiếp trong đêm chúng tôi đã quên điều đó mãi cho đến lúc ông bầu ở ngoài hành lang nhìn vào mở rộng miệng cười và đưa tay chỉ lên má khiến chúng tôi sực nhớ lại cố dẹp cái vẻ mệt nhọc buồn thảm của mình và nở những nụ cười tươi.

Khi chúng tôi đi lưu diễn các tỉnh, ban ngày chúng tôi vẫn đến học ở các trường những nơi chúng tôi đi qua và điều này chỉ bổ sung thêm kiến thức của tôi một cách chậm chạp.

Vào dịp Giáng Sinh chúng tôi được đưa tới một sân khấu lớn ở Luân Đôn trình diễn một màn kịch câm trong vở “Cô Bé Lọ Lem”. Tôi được đóng chung với Mác-Xơ-Lanh (Marcelin), một vai hề rất nổi tiếng của sân khấu và vở kịch thâu gặt được kết quả hết sức khả quan. Mặc dù Mác-Xơ-Lanh không thủ vai gì quan trọng nhưng ông ta là cái đinh thu hút mọi sự chú ý. Những năm về sau, Mác-Xơ-Lanh sang Nữu Ước, tại đây ông rất thành công. Nhưng đến khi các rạp hát loại những màn xiếc kiểu đó thì công chúng quên ông ngay. Vào năm 1918 khi tôi ở Lốt Ăng-Jơ-Lết (Los Angelès), dự một buổi xiệc và biết có Mác-Xơ-Lanh trong đoàn, tôi chờ đợi xem tên ông được quảng cáo lớn nhưng thật buồn lòng khi biết ông chỉ là một vai hề trong số đông đảo các vai hề khác của gánh hát đó, một gánh hát thật tầm thường. Sau khi vãn hát tôi có tìm đến phòng ông và tự giới thiệu, nhắc lại ngày xưa tôi đã thủ vai với ông trong màn kịch câm ở tại Luân Đôn, nhưng ông tỏ ra chẳng sốt sắng gì. Dưới lốt hóa trang của một vai hề ông vẫn có vẻ thảm hại, chìm đắm trong nỗi buồn phiền. Cách một năm sau tôi nghe tin ông tự tử ở tại Nữu Ước. Người ta chỉ đọc thấy trên mặt báo vài hàng ghi rằng một người thuê nhà cùng chỗ với ông nghe một phát súng và đến nơi thấy ông nằm trên đất, khẩu súng nơi tay, dĩa hát vẫn còn quay bản “Trăng Sáng Và Hoa Hồng”.

Khá nhiều kịch sĩ nổi danh người Anh đã phải tự tử. Đên-Vin (Denville), một tay diễn viên hài kịch thượng hạng, ngày kia bước vào tiệm rượu nghe người nào đó nhận xét về ông : “Thằng cha đó hết thời rồi”. Chỉ vài giờ sau, ông đã bắn một phát súng vào đầu ở bên bờ sông Ta-mi. Xê-Ri-Đăng (Sheridan), một trong những diễn viên gạo cội của sân khấu Anh cũng đã tự tử như thế trong công viên Gờ-Lát-Gô (Glasgow) vì đến trình diễn ở đây không gặt hái được thành công như ý. Phờ-Răng Côn (Frank Coyne)mà tôi đã từng hợp tác trong sự trình diễn là một kịch sĩ vui vẻ, hăng hái rất được nổi tiếng. Ông rất dễ thương, bao giờ cũng thấy tươi cười. Nhưng một buổi chiều khi sắp dạo chơi với vợ trên chiếc xe ngựa ông ta bảo đã bỏ quên vật gì phải quay vào nhà. Hai mươi phút sau, người vợ chờ đợi quá lâu trở lại tìm ông thì thấy ông đã nằm chết ở trong phòng tắm giữa một vũng máu, trên tay còn lưỡi dao cạo : ông đã cắt cổ, gần như cắt luôn đầu mình.

Khá nhiều nghệ sĩ mà tôi được xem khi còn nhỏ bé, nhưng người đã gây ấn tượng sâu đậm nơi tôi, không phải luôn luôn là hạng thành công nhưng thường là những người có nhân cách lạ lùng. Dát-Mô (Jarmo), người trình diễn trò xảo thuật lăn cây thường tự buộc mình theo một kỷ luật hết sức chặt chẽ, và buổi sáng nào ông cũng ép mình luyện tập trong nhiều giờ liền. Dù sống một cách đạm bạc, cuộc đời tám đứa trẻ trong đoàn vũ thật dễ chịu. Thỉnh thoảng chúng tôi vẫn có gây gổ cùng nhau nhưng điều đó chẳng có gì đáng kể. Ông Giác Sơn vốn là người nhân hậu. Trước khi tôi rời khỏi đoàn độ chừng ba tháng, chúng tôi có đến tham dự một buổi trình diễn kiếm tiền giúp đỡ cha tôi lúc đó đau nặng. Rất nhiều nghệ sĩ tham dự và không nhận tiền thù lao, kể cả tám đứa trong đoàn của tôi. Tối đó, cha tôi xuất hiện ở trên sân khấu, thở rất nặng nhọc và rán hết sức để nói vài lời cảm tạ. Tôi đứng ở bên sân khấu nhìn ông và không ngờ rằng ông sắp lìa đời.

Khi ở Luân Đôn, cứ mỗi cuối tuần tôi trở về thăm mẹ tôi. Bà nhận thấy rằng tôi xanh xao quá, gầy rạc hẳn đi và công việc vũ rất làm hại phổi. Vì quá lo lắng, bà viết thư gởi cho ông Giác Sơn nói về chuyện đó khiến ông nổi giận trả tôi về nhà, bảo rằng tôi chẳng đáng gì mà phải gây nên lắm điều lo nghĩ cho một bà mẹ quá ưu tư vậy. Chỉ vài tuần sau quả nhiên tôi bị bệnh suyễn. Cơn suyễn khá nặng đến nỗi mẹ tôi cứ nhất định rằng tôi bị bệnh lao và bà mang tôi lập tức vào bệnh viện để khám nghiệm. Người ta nhận thấy phổi tôi rất tốt, nhưng tôi đang bị suyễn nặng. Trong nhiều tháng dài tôi phải chịu đựng cơn bệnh dày vò, hô hấp thật là hết sức khó khăn. Nhiều lúc tôi muốn nhảy qua cửa sổ mà chết cho rồi. Những lần xông hơi bằng các lá cây, chăn trùm kín đầu, giúp tôi dễ chịu phần nào. Dần dần rồi bệnh cũng được thuyên giảm.

Những kỷ niệm về thời đó lúc sáng lúc mờ trong trì não tôi. Ấn tượng rõ nhất vẫn còn lưu lại cho đến bây giờ là chúng tôi bị chìm ngập trong cái vũng bùn nghèo khổ. Tôi cũng không sao nhớ lại hồi đó anh Sít-nê tôi ở đâu. Vì anh hơn tôi bốn tuổi, anh chỉ bước vào trong tư tưởng tôi thỉnh thoảng mà thôi. Có lẽ anh sống với ông ngoại tôi để giúp an ủi phần nào mẹ của chúng tôi. Và cứ như thế chúng tôi dời nhà liên tục, tìm những nơi nào rẻ nhất, dù tồi tàn nhất để sống qua ngày.

Tôi ý thức thật rõ ràng cảnh khổ ở trong đời sống xã hội mà sự nghèo nàn đã buộc chúng tôi chấp nhận. Dù là những đứa nghèo khổ mạt hạng thì vào những ngày chủ nhật, chúng vẫn có thể dùng bữa ở nhà. Kẻ nào không ăn tại nhà vào những buổi chiều chủ nhật thuộc vào thành phần của kẻ ăn xin, và đó chính là trường hợp của chúng tôi vậy.

________________________________________________________________________________ 
Xem tiếp CHƯƠNG V
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>