CHƯƠNG VII
Suốt thời gian ấy chúng tôi
ít gặp ông ngoại. Năm ngoái sức khỏe của ông không tốt. Bàn tay ngoại tôi bị
bệnh phong thấp không thể tiếp tục hành nghề thợ giày. Trước kia thỉnh thoảng
ông còn giúp đỡ được cho mẹ tôi chút đỉnh. Đôi khi ông đãi chúng tôi ăn tối,
bữa ăn nhà nghèo gồm bột lúa mạch dùng để nuôi ngựa và những cũ hành nấu sữa
nêm thêm muối tiêu. Vào những đêm dài mùa đông lạnh lẽo những món ăn đó được
coi như là căn bản để giúp chúng tôi chống lại giá buốt. Khi tôi còn bé tôi vẫn
nhìn thấy ông tôi như một cụ già nghiêm khắc, ương gàn, bao giờ cũng chực xét
nét việc làm của tôi và cách nói năng của tôi. Qua những chuyện nhỏ hạch xách
như thế tôi thấy không ưa ngoại tôi chút nào. Nhưng bây giờ ông đã vào bệnh
viện, bị chứng phong thấp hành hạ và mẹ tôi phải mỗi ngày lui tới viếng thăm.
Những chuyến thăm viếng như thế thật là có lợi vì bao giờ bà cũng mang về được
thức ăn, thường thường là một gói đầy trứng tươi, một món xa xỉ đặc biệt trong
cái thời buổi đói kém mà gia đình tôi đang phải trải chịu. Hôm nào bà không đi
được thì bà bảo tôi đi thay. Tôi cũng ngạc nhiên thấy ngoại của tôi thật là
đáng yêu, tỏ ra hết sức sung sướng được thấy tôi đến. Mấy cô điều dưỡng ở đấy
cưng ngoại tôi lắm. Ông có kể cho tôi biết ông thường đùa cợt với các cô ấy,
bảo với các cô rằng dù mang bệnh như thế ông cũng không phải hoàn toàn vô dụng.
Những chuyện đấu láo của ông khiến cho các cô vui vẻ. Những lúc trong người
khỏe khoắn ông cũng phụ việc bếp núc và điều đó cắt nghĩa tại sao chúng tôi có
trứng mang về. Những hôm chúng tôi đến thăm, ông thường nằm trên giường bệnh,
lén lút lôi ra một cái bì lớn và trao cho tôi, rồi tôi vội vàng nhét vào phía
trong áo khoác lính thủy trước khi ra về. Suốt nhiều tuần lễ chúng tôi được
sống nhờ trứng sử dụng theo nhiều hình thức khác nhau. Dù ngoại tôi bảo mấy cô
điều dưỡng đều là bạn thân của ông và họ cũng có hay biết chuyện ấy nhưng tôi
vẫn luôn sợ hãi và khi mang trứng ra về tôi cứ lo ngại mình có thể trượt chân
ngã trên sàn hoặc người ta sẽ nhận thấy con người bỗng nhiên to phồng của tôi
mà sinh ngờ vực. Điều thật lạ lùng là mỗi khi tôi ra về, các cô điều dưỡng luôn
luôn không thấy xuất hiện. Ngày mà ngoại tôi lành bệnh, rời khỏi nhà thương, thật
quả là ngày buồn thảm đối với gia đình chúng tôi.
Sáu tuần lễ đã trôi qua mà
không thấy anh Sít-nê trở về. Ban đầu mẹ tôi không lấy gì làm lo ngại nhưng một
tuần nữa trôi qua bà vội viết thư đến văn phòng hãng để hỏi tin tức và được họ
trả lời lại cho biết anh tôi phải ghé lại Cáp chữa bệnh phong thấp. Tin ấy làm
cho mẹ tôi lo lắng và sức khỏe bà sa sút hẳn đi. Bà vẫn cố gắng may vá và tôi
may mắn tìm được chút công việc làm là đến dạy vũ trong một gia đình gần trường
với giá năm đồng xi linh mỗi tuần.
Chính thời kỳ đó gia đình
ông Cạc-Ty (Carthy) đến ở tại khu phố này. Bà Cạc-Ty vốn người Ái Nhĩ Lan,
cũng là kịch sĩ bạn ngày xưa của mẹ tôi. Chồng bà, ông Cạc-Ty, là một chuyên
viên kế toán. Khi mẹ tôi rời sân khấu, chúng tôi không gặp lại vợ chồng họ, và
bảy năm sau, bây giờ chúng tôi thấy họ đến ở khu vực sang trọng của khu phố
này. Thằng bé Hoa-Ly, con của ông bà Cạc-Ty cùng tuổi với tôi. Hồi còn bé,
chúng tôi thích chơi theo lối đóng vai người lớn, giả bộ như những nghệ sĩ ca
kịch, hút những xì gà tưởng tượng, và ngồi trong những chiếc xe tưởng tượng,
chơi đùa thật là vui thích trước mặt cha mẹ chúng tôi. Bây giờ họ về trú ngụ
gần đây, mẹ tôi ít gặp gỡ họ nhưng thằng Hoa-Ly và tôi thì lại thân thiết hơn
nhiều. Cứ tan học tôi chạy bay về nhà hỏi xem mẹ có sai bảo gì không, rồi tôi
vội vàng đến nhà ông bà Cạc-Ty. Chúng tôi cùng ra sau nhà chơi trò ca kịch với
nhau. Tôi làm đạo diễn vừa là diễn viên nên tôi luôn luôn nhận đóng các vai
gian hùng vì tôi cũng hiểu lờ mờ rằng những vai ấy dễ nổi bật hơn những vai anh
hùng. Chúng tôi vui đùa như thế cho tới giờ ăn cơm tối của gia đình này. Thường
thường họ mời tôi cùng dùng bữa. Tôi có cái khiếu đặc biệt là thường có mặt
trong những giờ ăn. Nhưng cũng có khi những sự tính toán của tôi gặp phải thất
bại và tôi đành quay về nhà với sự tiếc rẻ trong lòng. Mẹ tôi bao giờ cũng sung
sướng được thấy tôi và bà tìm dọn cho tôi một món ăn nào đó, miếng bánh chiên
mỡ hay một quả trứng của ngoại tôi cho, thêm một tách trà. Mẹ tôi đọc sách,
hoặc ngồi bên cửa sổ và bà nhận xét những người qua đường để cho tôi vui. Bà
bịa đủ chuyện để diễu cợt. Nếu thấy một người đi thật chậm chạp, thảm não, bà
nói : “Hèm! Anh ta về nhà chắc phải ăn rau cho qua bữa tối và anh ta phải ngán
lắm”. Kẻ nào đi vụt qua mau, bà bảo : “Ông này vừa uống một liều thuộc xổ”. Đến
một kẻ khác dáng điệu bệ vệ thì bà lại nói : “Coi này, anh chàng kể cũng lịch
sự nhưng hiện giờ đang bận tâm vì cái lỗ rách ở dưới đũng quần”. Mẹ tôi cứ diễu
lối đó và tôi cứ ngồi hả họng để cười.
Thêm một tuần nữa trôi qua,
vẫn không có tin tức gì của anh tôi cả. Nếu tôi không quá bé bỏng và nếu tôi
bén nhạy hơn trước nỗi âu lo của bà thì tôi có thể đoán biết những gì rồi sẽ
xảy ra. Tôi phải chú ý rằng mấy ngày qua bà cứ ngồi yên, vẻ mặt xa vắng, nhìn
ra cửa sổ không còn muốn lo việc bếp núc nữa và càng ngày càng câm lặng hơn
lên. Đáng lẽ tôi phải quan tâm khi các người chủ hiệu may giao đồ cho mẹ tôi
làm đã nhận thấy bà làm hỏng và không chịu giao hàng nữa. Rồi họ lấy lại bàn
máy vì mẹ tôi đóng tiền trễ trong lúc tôi không còn dạy được nữa để lãnh năm
đồng xi linh mỗi tuần. Đáng lẽ tôi phải nhìn thấy giữa bao nhiêu sự việc đó mẹ
tôi vẫn cứ thản nhiên, không một chút xúc động nào.
Rồi bà Cạc-Ty thình lình từ
trần. Bà đã đau ốm trong một thời gian nhưng rồi sức khỏe suy sụp rất mau. Lúc
ấy có nhiều ý tưởng chợt hiện trong đầu óc tôi. Giá ông Cạc-Ty chịu cưới mẹ tôi
thì thật là tuyệt. Hoa-Ly và tôi lại là bạn thân. Được vậy, tất cả vấn đề khó
khăn mẹ tôi đang phải trải qua sẽ được giải quyết êm đẹp. Sau khi chôn cất bà
Cạc-Ty được vài ngày tôi bảo với mẹ tôi rằng:
- Mẹ nên thu xếp để thường
xuyên đến viếng thăm ông Cạc-Ty đi. Con chắc ông ấy mà cưới được mẹ thì ông ta
rất sung sướng.
Mẹ tôi đáp lại với một nụ
cười xanh xao:
- Thôi con, hãy để cho người
đàn ông đang đau khổ ấy có thì giờ thở với chứ.
- Nếu mẹ ăn mặc sửa soạn một
chút, trang điểm như là ngày xưa, con chắc ông ta sẽ cưới mẹ liền. Nhưng tại mẹ
không cố gắng gì hết, mẹ cứ ngồi mãi ở trong gian phòng tiều tụy với vẻ mặt
thảm não quá.
Tội nghiệp, người mẹ đáng
thương của tôi. Tôi đã hối hận vì đã nói lên những lời như thế. Tôi đâu hiểu sự
ăn uống thiếu thốn kéo dài nhiều ngày đã làm mẹ tôi kiệt sức hẳn rồi. Thế mà
qua ngày sau đó, với một cố gắng khác thường, mẹ tôi vẫn gắng lo việc bếp núc.
Lúc ấy, vào dịp nghỉ hè. Từ
mỗi sáng sớm tôi đã đến nhà của ông Cạc-Ty, với cái ý định trốn cho khuất mắt
cảnh nghèo cùng cực của gia đình tôi. Hôm ấy, họ mời tôi ở lại dùng bữa trưa,
nhưng linh tính tôi buộc tôi về nhà tìm gặp lại mẹ. Mới đi được một đoạn đường
tôi gặp nhiều đứa trẻ nhỏ ngăn tôi lại bảo:
- Mẹ mầy điên rồi.
Tôi có cảm tưởng như vừa bị
ai tát mạnh. Tôi hỏi:
- Nói cái gì vậy?
Một đứa gái nhỏ bảo tôi:
- Thiệt đó, bà ta đi đến gõ
cửa từng nhà rồi lấy từng cục than ra để chia cho họ và bảo là quà sinh nhựt
cho lũ trẻ con. Mày lại hỏi mẹ tao xem.
Không còn muốn nghe gì nữa,
tôi vội chạy ngay về nhà, leo lên cầu thang, xô cửa bước vào. Tôi đứng yên lặng
một lát lấy lại hơi thở và nhìn chăm chú mẹ tôi. Đó là buổi trưa mùa hè, trời
nắng và nóng ngột ngạt. Mẹ tôi vẫn ngồi theo như lệ thường ở bên cửa sổ. Bà
quay đầu lại từ từ nhìn tôi, vẻ mặt xanh xao bối rối. Tôi gần như kêu to lên:
- Mẹ!
Bà hỏi lại tôi với giọng lạc
lõng:
- Cái gì vậy kìa?
Tôi vội chạy đến quì gối bên
bà, úp mặt vào những nếp áo của bà rồi nức nở khóc. Vừa vuốt mái tóc của tôi,
mẹ tôi dịu dàng:
- Nào, nào, con có chuyện gì
sao con?
Tôi kêu lên trong tiếng
khóc:
- Mẹ đau rồi mà!
Mẹ tôi trả lời với giọng an
ủi:
- Nào có gì đâu, thật đó con
à.
Giọng bà có vẻ mơ hồ, có vẻ
âu lo…
- Không, không, con nghe nói
mẹ đã đến gõ cửa từng nhà…
Rồi không thể nói hết câu,
tôi lại nức nở. Mẹ tôi thì thầm:
- Mẹ tìm anh Sít-nê con.
Người ta đem giấu nó rồi.
Bây giờ tôi hiểu những đứa
trẻ ngoài đường đã nói sự thật.
- Mẹ ơi, mẹ đừng có nói như
thế, con van mẹ mà. Để con đi tìm một người thầy thuốc.
Bà vẫn vuốt ve đầu tôi và
bảo:
- Bọn nhà Cạc-Ty biết rõ anh
mày ở đâu nhưng đã đem giấu nó rồi.
Tôi kêu to lên:
- Mẹ đừng nói vậy, mẹ ơi, để
con đi tìm thầy thuốc.
Tôi vừa đứng dậy, đi về
hướng cửa, mẹ tôi nhìn tôi với vẻ mệt mỏi:
- Đi đâu đó con?
- Con tìm ông thầy thuốc,
con về ngay mà.
Mẹ tôi không nói lời nào,
nhìn tôi với vẻ đăm chiêu. Tôi vội xuống nhà vào gặp người chủ phố. Tôi nói:
- Mẹ cháu đau nặng, cháu
phải đi tìm thầy thuốc bây giờ.
Bà chủ phố bảo:
- Có đi gọi rồi.
Người thầy thuốc ở khu phố
là một ông già khó tính, sau khi nghe bà chủ phố kể lại câu chuyện, ông ta khám
qua mẹ tôi rồi bảo:
- Bà ta điên rồi. Cho vào
dưỡng trí viện thôi.
Rồi ông kê một cái toa, ghi
chú mẹ tôi vì bị ăn uống thiếu thốn mà lâm vào tình trạng ấy. Để an ủi tôi, bà
chủ phố bảo:
- Thôi vào nhà thương là
tốt, ở đó người ta cho ăn uống đầy đủ.
Bà giúp đỡ tôi mặc áo vào
cho mẹ tôi và thu dọn ít đồ đạc đem theo. Mẹ tôi vâng lời như một đứa trẻ. Bà
suy yếu đến nỗi gần như không còn chút ý chí nào. Chúng tôi ra khỏi căn nhà
trong khi người lớn cũng như trẻ con bu ở trước cửa nhìn mẹ con tôi với vẻ sợ
hãi.
Bệnh viện cách đó một cây số
rưỡi. Mẹ tôi vừa đi vừa bước lảo đảo như người say rượu mặc dù tôi đã đỡ bước
cho bà. Mặt trời vào buổi xế trưa chói chang trên đầu. Nhiều người đi đường cứ
tưởng mẹ tôi say rượu nhưng về phần tôi thì tôi thấy họ chập chờn như những ma
quỷ trong giấc chiêm bao. Mẹ tôi không nói lời nào, nhưng hình như bà cũng biết
đang đi về đâu nên tỏ ra ý vội vàng mong cho chóng đến. Vừa đi tôi vừa tìm lời
để an ủi bà, và bà mỉm cười nhưng suy yếu quá không sao nói được. Khi đến bệnh
viện, một bác sĩ trẻ cầm lấy tay bà dắt vào. Sau khi đọc xong mảnh giấy của
người thầy thuốc khu phố, ông ta dịu dàng nói với mẹ tôi:
- Tốt lắm, bà hãy đi vào ngõ
này.
Mẹ tôi nghe theo một cách
ngoan ngoãn. Nhưng lúc những cô khán hộ dẫn bà đi vào thì bà bỗng quay ngoắt
lại đột ngột cảm thấy khổ tâm về nỗi xa tôi. Tôi cố gắng nói một giọng vui vẻ:
- Đến mai, con lại gặp mẹ.
Bà để cho họ dẫn đi, cứ quay
nhìn tôi với vẻ lo lắng. Khi bà đã khuất, người bác sĩ quay lại tôi và hỏi:
- Còn cháu, bây giờ cháu
định thế nào?
Vốn đã quá sợ những viện cô
nhi, tế bần, tôi trả lời lại ông ta một cách lễ phép:
- Dạ được, cháu về ở với dì
cháu.
Ở nhà thương ra, nỗi buồn
làm tôi ngơ ngẩn. Đồng thời tôi cũng cảm thấy an ủi nghĩ rằng mẹ tôi vào dưỡng
trí viện sẽ được săn sóc còn hơn là ngồi cô độc ở nhà chẳng có gì ăn. Nhưng tôi
không bao giờ quên được cặp mắt nhìn đau đớn của mẹ tôi khi bị người ta dẫn vào
bệnh viện. Tôi nghĩ ngợi mãi về những gì đã khiến tôi yêu quý mẹ tôi, tôi nghĩ
đến tính vui vẻ của bà, đến sự dịu dàng, đến tình yêu thương của bà đối với
chúng tôi.
Hôm ấy tôi không đi ngay vào
nhà, tôi không thể nào làm vậy. Tôi ra phía chợ dòm ngó những đồ bày bán cho
đến xế chiều. Khi tôi phải trở lại nhà tôi thấy nó thật trống vắng và có cảm
tưởng như nghe một lời quở trách. Trên một chiếc ghế đặt một chiếc thau đổ nước
lưng chừng trong đó mẹ tôi ngâm hai chiếc áo của tôi và một bộ đồ của bà. Tôi
đi lục soát khắp nơi, chỉ còn tìm thấy trong tủ đồ ăn nửa gói trà thôi. Không
còn một thức gì khác để bỏ vào bụng. Tôi lại sục sạo ở trên lò sưởi, tìm gặp
túi tiền mẹ tôi cất đấy trong đó có một xu rưỡi, mấy cái chìa khóa và mấy mảnh
giấy cầm đồ. Ở một góc bàn còn sót lại vài cây kẹo mà bà đã mua cho tôi. Tới
đó, tôi không thể nào nén được, và òa lên khóc.
Gần như kiệt lực bởi những
xúc động trong ngày hôm ấy, tôi chìm vào trong giấc ngủ mê mệt. Hôm sau, tỉnh
giấc, tôi cảm thấy nỗi trống vắng lạ thường đè nặng gian phòng. Mặt trời đã lên
tràn ngập sàn nhà như làm sự vắng mẹ tôi thêm rõ ràng hơn. Lát sau, bà chủ phố
lên bảo tôi có thể cứ ở lại đấy cho đến khi nào bà tìm được người thuê khác, và
nếu đói lắm thì hãy xuống nhà nói cho bà hay. Tôi cám ơn bà chủ phố, thưa rằng
anh tôi khi về sẽ trang trải hết tiền nợ cho bà. Nhưng tôi không dám xin bà một
thức ăn nào, vì tôi cảm thấy mắc cỡ.
Qua ngày sau đó tôi không
thể đến thăm mẹ tôi được như tôi đã hứa. Không đến thăm được, điều đó làm tôi
bối rối lạ lùng. Nhưng bà chủ phố đã gặp bác sĩ và ông ta bảo cho bà hay rằng
mẹ tôi đã được đưa vào trong dưỡng trí viện Kên-Hiu (Cane Hill). Cái tin khá buồn thảm này
làm cho lương tâm của tôi an ủi phần nào, vì dưỡng trí viện ở cách xa trên ba
chục cây số ngàn và tôi không có cách nào tới được. Tôi nghĩ anh tôi rồi sẽ trở
về và chúng tôi cùng đi thăm. Trong mấy ngày đó tôi chẳng gặp ai quen biết và
tôi cũng không mở miệng để nói với ai lời nào. Vào buổi sáng sớm, tôi bước lén
lút ra khỏi gian nhà và suốt cả ngày lang thang đây đó. Tôi cũng xoay xở tìm
được chút gì bỏ bụng, vả lại nhịn đói một bữa cũng chẳng có gì là gớm ghê đâu.
Một buổi mai nọ tôi rón rén xuống cầu thang, bà chủ phố đã tình cờ bắt gặp và
hỏi tôi ăn gì chưa. Thấy tôi lắc đầu, bà nói bằng giọng nặng trịch:
- Vậy thì xuống đây.
Tôi cũng tránh gặp gia đình
của ông Cạc-Ty vì tôi không muốn cho họ biết rõ tình trạng mẹ tôi. Tôi trốn mọi
người như kẻ có tội phải sống lén lút.
Mẹ tôi đi được một tuần và
tôi cứ lê cuộc sống như vậy. Nỗi lo âu duy nhất của tôi là bà chủ phố, vì nếu
anh tôi không về thế nào bà cũng báo cáo với nhà chức trách để họ đem tôi nhốt
vào trong viện Cô nhi. Tôi phải luôn luôn lánh mặt để khỏi gặp bà, nhiều lúc
phải ngủ ngoài đường không dám về nhà. Tôi làm quen được mấy người thợ củi sống
trong ngõ hẻm ở sau khu phố. Đó là những người hết sức bi thảm, chui rúc trong
một kho chứa tối tăm, nói chuyện với nhau bằng những lời lẽ gần như thì thầm,
cả ngày cưa gỗ, cắt gỗ, để bó lại từng bó nhỏ đem bán với giá nửa xu. Tôi đứng
lê la trước cửa coi họ làm việc. Họ lấy một khúc gỗ lớn rộng độ chừng ba mươi
phân, cưa thành từng mảnh dày hai ba phân, rồi lại cắt nhỏ thành từng miếng
vụn. Họ cưa xẻ gỗ thật mau và tôi nhìn họ làm việc một cách say mê. Rồi tôi mon
men vào giúp đỡ họ. Họ tìm mua những ván rời tháo bỏ các nơi chở về kho chứa,
trữ lại, công việc mất khoảng một ngày, rồi qua ngày sau cưa gỗ. Vào ngày thứ
sáu, thứ bẩy, họ mới bán củi. Điều đã làm tôi ưa thích ở đấy là cái không khí
tập thể bao trùm nơi họ làm việc. Những người dễ thương và ít lời đó tuổi cũng
xấp xỉ bốn mươi nhưng trông già nua hơn nhiều. Người chủ trong đám có lỗ mũi đỏ
của người mắc bệnh đi tiểu ra đường và nơi hàm trên chỉ còn mỗi cái răng cửa.
Tuy vậy vẻ mặt ông ta bao giờ cũng dịu dàng. Ông có lối cười khó coi, hô cái
răng nhọn ra ngoài một cách kỳ lạ. Khi thiếu tách để uống trà, ông lấy một hộp
sữa không, rửa sạch, và mỉm cười nói : “Kể ra nó cũng được việc đấy chứ”. Người
bạn của ông mặc dù dễ thương nhưng thật ít lời, màu da vàng ngâu, đôi môi thật
dày và nói thật chậm. Vào khoảng một giờ, người chủ quay lại, hỏi tôi:
- Chú bé đã ăn món bánh bằng
váng sữa mặn chưa đấy?
Tôi đáp:
- Cháu cũng thường ăn đấy ạ.
Liền đó ông kêu một tiếng
vui vẻ, mỉm một nụ cười và đưa cho tôi hai xu để chạy tới một hàng quán góc phố
mua một xu váng sữa mặn và một xu bánh. Người chủ quán này mến tôi và bán rất
rẻ. Sau khi cạo rửa miếng sữa mặn xong chúng tôi cho thêm nước vào, bỏ tiêu và
muối. Đôi khi người chủ còn trộn thêm vào cục mỡ và một củ hành thái nhỏ. Tất
cả món ấy thêm vào với nước trà nóng làm thành bữa ăn tuyệt hảo.
Dù tôi không bao giờ xin
tiền họ nhưng trước cuối tuần người chủ cho tôi sáu xu khiến tôi ngạc nhiên thú
vị chừng nào. Người bạn cùng làm có cái màu da vàng ngâu thường hay bị chứng
động kinh và người chủ phải tìm giấy đốt ở dưới mũi anh ta cho hồi tỉnh lại.
Đôi lúc anh lên cơn nặng sùi cả bọt mồm bọt miếng và cắn chặt lưỡi nhưng khi
tỉnh lại anh có vẻ gì xúc động và xấu hổ nữa. Những người thợ củi này bắt đầu
việc từ bảy giờ sáng cho đến mãi bảy giờ chiều, đôi khi họ còn làm trễ hơn nữa
và tôi thường cảm thấy buồn khi họ khép kho chứa lại để trở về nhà. Một buổi
chiều nọ, người chủ có ý định cho chúng tôi mua vé hai xu vào dạo vòng ngoài
trong rạp ca nhạc phía nam thành phố. Người bạn cùng làm và tôi đã rửa ráy
xong, đứng đợi ông ta. Tôi rất nôn nóng đi xem vì tuần đó gánh Cạc-nô (Karno) trình
diễn một vở hài kịch rất hay (và đó là đoàn mà mấy năm sau tôi đã gia nhập).
Người thợ bạn đứng trước tôi bỗng kêu một tiếng rồi ngã lăn xuống, lại bị động
kinh. Người chủ muốn ở lại nhà săn sóc anh ta nhưng anh một hai bảo chúng tôi
cứ đi xem và để anh nằm dưỡng bệnh ở nhà.
Trong thời khoảng đó sự đe
dọa của trường học như một ông kẹ ám ảnh tôi mãi. Thỉnh thoảng mấy người thợ
củi cũng hỏi han tôi về chuyện học hành. Nghỉ hè sắp hết, họ lại thắc mắc về
tôi, nên tôi đành phải đợi đến bốn giờ rưỡi chiều là giờ tan học mới đến gặp
họ. Thành thử gần suốt cả ngày tôi phải lang thang một mình trong ánh sáng
những đường phố không chút tình thương và cứ canh chừng đến giờ tan học để quay
về lại những người thợ củi bạn hữu của tôi.
Một tối, khi tôi rón rén lên
ngủ thì bà chủ phố gọi tôi. Trông bà có vẻ nóng nảy và bà trao lại cho tôi một
bức điện tín trên có mấy dòng : “Sẽ đến ga Hoa-tơ-lô (Waterloo) mười giờ sáng mai. Thân
mến. Sít-nê”.
Ra đón anh tôi ở tại nhà ga,
vẻ mặt của tôi buồn bã hơn là vui mừng. Áo quần của tôi vừa dơ vừa rách, đôi
giày há miệng và lớp vải bọc bên trong của cái mũ kết thò ra như cái váy ngắn ở
dưới áo ngoài của người đàn bà. Tôi đã rửa nhờ nơi vòi nước của mấy người thợ
củi để khỏi nhọc sức mang một thùng nước lên đến căn phòng ở tầng thứ ba và
phải đi ngang qua bếp của bà chủ phố. Khi tôi gặp anh Sít-nê, tai tôi, cổ tôi
không sạch sẽ mấy. Anh nhìn ngắm tôi và hỏi:
- Có việc gì xảy ra sao?
Tôi không thể nói dài dòng:
- Mẹ bị điên rồi và đã gởi
vào trong dưỡng trí viện.
Mặt anh tối sầm nhưng anh tự
trấn tĩnh được.
- Em sống ở đâu?
- Vẫn ở nhà cũ.
Anh quay lại để dọn các hành
lý và tôi thấy anh xanh xao gầy gò. Anh gọi chiếc xe và mấy người phu chất
những đồ đạc của anh lên mui, đặc biệt có một thùng chuối. Tôi hỏi:
- Của mình hở anh?
Anh gật đầu, bảo:
- Chuối
còn xanh lắm, phải đợi một hai ngày nữa mới ăn được.
Trên quãng đường về
anh bắt
đầu hỏi tôi về chuyện mẹ. Tôi xúc động quá nên kể cho anh chẳng mạch lạc
gì,
nhưng đủ cho anh thấy rõ thực trạng gia đình. Anh bảo anh bị đau phải
dưỡng
bệnh tại Cáp và chuyến về này anh đã dành được hai mươi đồng liu đem về
cho mẹ.
Anh có được món tiền ấy là nhờ anh đã tổ chức xổ số ở trong binh lính.
Anh lại
nói về dự định của anh. Anh không muốn đi biển nữa mà muốn trở thành
kịch sĩ.
Với số tiền nhỏ dành dụm được này, chúng tôi có thể sống được chừng hai
mươi
tuần và trong cái thời khoảng ấy anh sẽ tìm một chỗ làm trong các đoàn
hát. Chuyến trở về nhà bằng xe của anh em tôi với một thùng
chuối có một tác động đặc biệt đối với bà con láng giềng cũng như đối
với gia
đình chủ phố.
Ngay chiều hôm ấy anh tôi
mua sắm cho tôi, trang bị trở lại từ đầu đến cuối, và tối hôm ấy chúng tôi mua
vé để đi xem hát. Suốt buổi trình diễn anh tôi cứ lặp lại mãi : “Tưởng tượng
hôm nay có mẹ cùng dự thì vui biết là chừng nào”. Tuần ấy chúng tôi đến dưỡng
trí viện thăm mẹ. Chúng tôi ngồi đợi ở trong phòng khách và sự chờ đợi lâu dài
trở nên khó chịu lạ lùng. Tôi còn nhớ lại nghe một tiếng động ở nơi ổ khóa và
tiếng mẹ tôi bước chân vào phòng. Bà có vẻ xanh, đôi môi bà tím và dù nhận ra
chúng tôi, sắc diện của bà không có vẻ gì là phấn khởi cả. Sự vui tươi xưa đã
biến mất rồi. Một cô khán hộ đi theo sau bà, cô vốn hiền lành nhưng lắm chuyện,
cứ đứng túc trực tại chỗ chực xen vào trong câu chuyện giữa mẹ con tôi. Cô nói:
- Tiếc quá, lại nhè đến thăm
vào những lúc như thế này vì sức khỏe của bà ở đây chưa được khá lắm. Có phải
vậy không, hả bà?
Mẹ tôi liếc nhìn về phía
người nữ khán hộ với một dáng vẻ lịch sự và mỉm nụ cười như muốn quay lại về
phòng. Cô khán hộ nói:
- Hôm nào bà ta khá hơn thì
sẽ lại thăm.
Cuối cùng cô ta quay vào và
mẹ con tôi được ngồi với nhau. Mặc dầu anh tôi cố gắng mọi cách để làm cho mẹ
vui lòng, anh kể chuyện may của anh trong công việc làm, giải thích vì sao anh
phải vắng mặt khá lâu, bà chỉ yên lặng ngồi nghe, thỉnh thoảng gật đầu với vẻ
bận rộn lạc loài. Tôi bảo mẹ tôi thế nào bà cũng sớm lấy lại được sức khỏe. Bà
trả lời tôi bằng giọng tiếc rẻ:
- Chắc vậy, nhưng nếu con
cho mẹ được mỗi một tách trà vào bữa trưa đó thì mẹ đã khá lắm rồi.
Sau đó bác sĩ bảo cho anh
tôi biết mẹ tôi suy nhược thần kinh vì thiếu ăn nhiều ngày, bà cần phải được
săn sóc nhiều hơn, và dù có những phút giây tỉnh táo cũng phải đợi nhiều tháng
nữa mới bình phục được. Và trong nhiều ngày sau đó tôi cứ bị ám ảnh mãi bởi câu
mà mẹ đã nói với tôi : “Nếu con đã cho mẹ được tách trà, mẹ đã khỏe rồi”.
________________________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG VIII