CHƯƠNG I
Tôi sinh ra đời vào ngày 16
tháng 4 năm 1889 lúc 8 giờ tối, tại miền Đông Lan (East Lane). Sau đó một thời gian, gia
đình chúng tôi đến ngụ tại khu Lâm-Bết (Lambeth). Cứ tin theo lời mẹ tôi kể lại sau này
thì chỗ mà chúng tôi tới rất là sung sướng. Ở đó có sẵn tiện nghi, chúng tôi
được sống trong ba gian nhà đầy đủ bàn ghế cùng các vật dụng. Một trong những
kỷ niệm đầu tiên của tôi là vào mỗi tối trước khi mẹ tôi đến hí viện, anh
Xít-nê (Sydney) và tôi được đặt nằm trong cái giường tử tế, có chị bồi phòng trông nom.
Trong thế giới của một đứa trẻ con mới ba tuổi rưỡi mà tôi đang sống, mọi việc
có vẻ dễ dàng. Anh Xít-nê, hơn tôi bốn tuổi, có thể làm đủ các trò ảo thuật như
nuốt trọn một đồng tiền và làm cho nó lọt ra ở đàng sau gáy. Tôi cũng có thể
làm vậy, và một hôm tôi đã nuốt trọn một đồng xu khiến mẹ tôi phải chạy tìm
thầy thuốc cứu cấp.
Hôm nào cũng vậy, khi mẹ tôi
từ hí viện về, bà có thói quen để ở trên bàn những thứ ngon ngọt mà anh Xít-nê
và tôi tìm thấy vào sáng hôm sau, miếng bánh, hay những cây kẹo, và bù trở lại
chúng tôi không được làm ồn vì bà thường dậy rất trễ.
Mẹ tôi thủ vai trong những
hài kịch, bà người xinh xắn, tuổi tác xấp xỉ ba mươi, mặt sáng, mắt xanh, mái
tóc vàng hoe và dài đến độ bà có thể ngồi lên trên. Anh Xít-nê và tôi đều yêu
quí mẹ chúng tôi hết sức. Dù bà không có sắc đẹp khác thường, chúng tôi vẫn thấy bà
thật kỳ diệu.
Thời ấy thành phố Luân Đôn
là một đô thị yên lành. Nhịp điệu sinh hoạt ở đó khá tĩnh, những xe công cộng
do ngựa kéo đi cũng tiến chậm chạp. Không khí nói chung vui vẻ, dễ chịu với
những cửa tiệm đáng yêu, với những quán rượu và những rạp hát.
Rồi một tai biến xảy ra, có
lẽ một tháng hay là vài ngày sau đó, thình lình tôi cảm thấy rằng mọi việc
không thể dễ dàng thuận lợi giữa mẹ tôi với cuộc đời bên ngoài. Bà ra đi suốt
buổi sáng với một bà bạn, và khi trở về tỏ ra kích động lạ thường. Tôi đùa
nghịch dưới sàn gỗ và cảm thấy phía trên mình có sự khua động nặng nề, như tôi
đang nghe ngóng dưới từ một đáy giếng. Tôi nghe mẹ tôi cất lên những tiếng than
trách, thỉnh thoảng lại nức nở khóc và cứ nhắc mãi tên ông An Trung (Amstrong) : Nào An
Trung nói điều nọ, An Trung là thằng quỉ! Sự kích động của bà kỳ lạ và dữ dội
đến mức tôi phải khóc lên khiến mẹ tôi phải ôm tôi vào lòng để mà dỗ dành. Vài
năm sau đó, tôi mới hiểu được ý nghĩa những gì xảy ra hôm ấy. Mẹ tôi ở tòa án
về và bà đã kiện cha tôi vì ông không chịu trả đủ món tiền trợ cấp ăn uống cho
mẹ con tôi, và tòa xử không lợi mấy cho bà. An Trung là luật sư của cha tôi.
Thật tôi cũng hiểu lờ mờ
rằng tôi có một người cha, và tôi cũng không nhớ thật rõ ràng ông ta có sống chung
với chúng tôi một lúc nào không. Ông cũng là một nghệ sĩ, một người trầm lặng,
buồn rầu, có một cặp mắt u tối. Mẹ tôi bảo rằng ông giống Nã Phá Luân. Thời ấy,
ông đã lãnh lương khá cao, bốn mươi đồng “liu” (livre) mỗi tuần. Cái nguy là ông uống
rượu quá mức, và theo mẹ tôi đó là nguyên nhân khiến bố mẹ xa nhau.
Thời ấy nghệ sĩ không sao
tránh được say sưa, vì người ta bán đầy rượu trong các rạp hát, và khi nghệ sĩ
diễn xong màn lớp của mình thì họ thường đến các “ba” ở rạp cụng ly với khán
giả. Nhiều rạp thủ lợi nhờ vào bán rượu hơn là trình diễn và có một số tài tử
lãnh được thù lao khá lớn không chỉ nhờ vào tài năng mà nhờ họ tiêu được khá
nhiều tiền ở các “ba” đó. Do vậy, đã có rất nhiều nghệ sĩ khánh tận vì rượu, và
cha của tôi là một trong số người đó. Vào năm ba mươi bảy tuổi, ông đã qua đời
vì nhiễm độc rượu.
Về việc này, mẹ tôi đã kể
khá nhiều câu chuyện vừa buồn lại vừa hóm hỉnh. Khi bố tôi uống, tính tình của
ông trở nên hung hãn khác thường. Gặp một dạo nọ ông nổi cơn lên, mẹ tôi phải
chạy đi trốn tại một nơi khác, và khi ông đánh điện hoảng hốt hỏi bà : “Em làm
gì đó? Trả lời ngay đi”, bà đã điện lại như sau : “Nhảy nhót, ăn chơi, anh yêu
dấu ạ”.
Mẹ tôi là người chị cả của
hai chị em. Thân phụ của bà là một thợ giày quê quán ở Ái Nhĩ Lan.
Ông có đôi gò má hồng như quả táo, một mái tóc bạc và một chòm râu giống như
Cạc-Lin (Carlyle - Sử gia Tô Cách Lan, thế kỷ 19) trong một bức họa. Người ông gập lại làm đôi vì bệnh phong thấp và theo
ông bảo là tại ông ngủ nhiều năm trong những cánh đồng ẩm ướt để trốn cảnh sát,
vào dịp các cuộc khởi nghĩa của những thành phần yêu nước.
Bà ngoại của tôi cũng gần
như thuộc vào hạng du mục lang thang. Đó là mối nhục ở trong gia đình. Bà vẫn
thường khoe rằng gia đình bà luôn luôn trả tiền thuê đất mà các đoàn du mục đã
cắm trại. Về bà, tôi chỉ còn ghi lại kỷ niệm của một cụ già nhỏ bé và đầy nhiệt
tình, và cũng trò chuyện với tôi như với một đứa sơ sinh. Tôi chưa lên được sáu
tuổi thì bà đã qua đời rồi. Bà đã sống xa ông tôi do những lẽ nào mà không ai
chịu nói rõ. Nhưng theo dì Cát thuật lại thì chính vì ông tôi từng bắt gặp bà
tôi ngoại tình.
Phán đoán giá trị đạo đức
gia đình chúng tôi theo những tiêu chuẩn đạo lý thông thường là phạm vào một
lầm lẫn quan trọng như đem một cái nhiệt kế nhúng vào nước sôi. Thừa hưởng
truyền thống như thế, hai cô gái đẹp của ông thợ giày đã sớm rời bỏ gia đình ra
đi, lôi cuốn bởi ánh đèn màu sân khấu.
Dì Cát (Kate), người em ruột của mẹ
tôi, cũng là diễn viên sân khấu, nhưng chúng tôi không được biết khá nhiều về
bà, vì bà xuất hiện rất ít ở trong đời sống chúng tôi. Xinh đẹp và nóng nảy, bà
không hòa hợp được với mẹ tôi. Thỉnh thoảng các cuộc thăm viếng của bà thường
được kết thúc một cách đột ngột, do một nhận xét khó chịu của bà về một đôi
điều mẹ tôi đã nói hoặc là đã làm.
Vào năm mười tám, mẹ tôi đã
qua Phi Châu với một người trai cũng độ tuổi ấy. Bà thường kể chuyện đời sống
của bà ở đó, một đời nhung lụa giữa các đồn điền, giữa các kẻ hầu người hạ,
giữa những ngựa xe. Vào năm mười tám bà sinh anh Sít-nê tôi. Người ta bảo rằng
anh là con trai của một huân tước và khi nào anh hai mươi mốt tuổi anh sẽ hưởng
một gia tài độ chừng hai ngàn đồng “liu”, điều này làm tôi thích thú nhưng cũng
làm tôi khó chịu.
Mẹ tôi không nán lại Châu
Phi mà quay trở về nước Anh và lấy cha tôi. Tôi không hiểu rõ vì sao cuộc đời
của bà ở nơi miền đất xa lạ đã được chấm dứt, nhưng vì phải sống trong cảnh
khốn cùng tôi thường phiền trách mẹ tôi sao lại từ bỏ cuộc đời xa hoa như thế.
Nghe vậy, bà cười và bảo lúc ấy bà còn trẻ quá nên không có đủ khôn ngoan để
biết lo xa.
Tôi cũng không rõ mối tình
mẹ tôi đối với cha tôi ra sao, nhưng mỗi khi nói về ông, giọng bà vẫn giữ một
vẻ thản nhiên, điều đó khiến tôi nghĩ rằng mẹ tôi không tha thiết lắm nên mới
có một thái độ khách quan như thế. Đôi khi bà gợi lại kỷ niệm cũ với lòng xót
thương, đôi khi bà nhắc lại sự say sưa và sự hung bạo của ông. Sau này, mỗi lần
có điều gì phải giận tôi, bà nói một cách buồn rầu : “Mầy sẽ kết thúc đời mầy
trong rượu như cha mầy thôi”.
Mẹ tôi đã biết cha tôi trước
khi bà đi Phi Châu. Hai người yêu nhau và cùng đóng chung trong một gánh hát.
Mới mười sáu tuổi, mẹ tôi đã thủ một vai đào nhất trong gánh hát mình. Nhưng
trong một chuyến lưu diễn của đoàn, bà đã gặp được vị huân tước nọ và theo ông
sang Phi Châu. Khi quay về Anh Cát Lợi, bà đã gặp lại cha tôi và cùng ông nối
lại đường tơ đã đứt rồi họ cưới nhau. Ba năm sau đó, thì tôi ra đời.
Tôi không hiểu có yếu tố nào
khác ngoài chuyện rượu chè đã can dự vào đời sống của cha mẹ tôi, nhưng một năm
sau khi tôi ra đời thì họ xa nhau. Mẹ tôi không đòi phụ cấp gì cả, vốn là đào
hát có hạng, mỗi tuần thù lao tới hai mươi lăm đồng “liu” bà có thể tự lo liệu
mọi sự chu cấp cho mình và cho con cái. Chỉ đến khi gặp rủi ro bà mới tìm cách
đòi hỏi cha tôi giúp đỡ, không thì chẳng bao giờ bà quyết định nhờ tới pháp
luật can thiệp.
Bà phải khổ sở vì cái giọng
nói của bà. Giọng nói không được lớn lắm và cứ mỗi lần cảm mạo thì lại bị sưng
cuống họng kéo dài đến nhiều tuần lễ. Nhưng bà bị bắt buộc phải làm việc đến
nỗi giọng nói lần lần hư cả. Giữa một bài hát, giọng bà bể đi, và bất thình
lình giọng hát biến thành một tiếng thì thầm khiến cho khán giả cười rộ rồi
cùng la ó phản đối. Mối lo buồn đó khiến cho sức khỏe của bà suy yếu và tinh
thần bà tiều tụy thêm lên. Rồi những giao kèo với những đoàn hát càng ngày càng
giảm sút dần cho đến một lúc bà phải hoàn toàn thất nghiệp. Chính vì lý do như
thế mà lúc mới lên năm tuổi tôi phải xuất hiện lần đầu ở trên sân khấu. Mẹ tôi
thường thích mỗi tối dẫn tôi đến rạp hơn là để tôi ở nhà một mình. Bà diễn xuất
ở rạp Can-Ti-Ni (Cantini), thời đó là một rạp hát tồi tàn, bẩn thỉu, khán giả chỉ gồm
phần lớn là các binh lính. Họ là một thứ công chúng ồn ào và dựa vào đủ cơ hội
để mà diễu cợt diễn viên. Đối với nghệ sĩ, phải đóng một tuần ở đó là cả một sự
thử thách khó khăn. Tôi còn nhớ lúc tôi đang ở trong hậu trường thì giọng hát
của mẹ tôi bỗng dưng bị tắt, chỉ còn là một hơi thở. Công chúng cười rộ, hát
nhại lời bà rồi huýt sáo. Sự ồn ào cứ gia tăng khiến mẹ tôi bị bắt buộc ra khỏi
sân khấu. Khi bà bước vào hậu trường, bà rất bối rối, rồi bà nói chuyện với
viên giám đốc vốn từng thấy tôi hát trước một số bạn hữu mẹ tôi nên ông bảo tôi
đi ra thay thế cho bà. Giữa sự hỗn loạn như vậy, ông dắt tay tôi bước ra và sau
vài lời giải thích với đám khán giả, bỏ tôi đứng lại một mình ở trên sân khấu.
Rồi trước ánh sáng chói chang và những khuôn mặt mờ khuất trong khói, tôi bắt
đầu hát.
Trong khi tôi hát, một cơn
mưa tiền rơi xuống sân khấu. Tôi vội đứng lại, bảo rằng tôi cần phải lượm tiền
trước mới tiếp tục được. Điều đó khiến người ta cười nhiều hơn. Người giám đốc
đoàn bước ra với chiếc khăn tay để giúp đỡ tôi lượm tiền. Tôi tưởng rằng ông ta
muốn giữ lấy số tiền đó. Khán giả hiểu sự lo lắng của tôi càng cười hơn nữa,
nhất là khi ông biến mất sau màn với chiếc khăn tay và tôi ngơ ngác theo ông.
Tôi chỉ tiếp tục hát lại sau khi ông đã giao trọn số tiền cho mẹ tôi. Tôi thật
sung sướng. Tôi nói chuyện với khán giả, tôi nhảy nhót, tôi hát nhại đủ kiểu
lối. Với sự ngây thơ của mình tôi nhại cả bài mà mẹ tôi hát, tôi lại bắt chước
giọng bà bị tắt nửa chứng và tôi hết sức ngạc nhiên thấy điều đó tác động đến
khán giả chừng nào. Có nhiều tiếng cười, những tiếng tán thưởng và một trận mưa
tiền khác tuôn xuống. Đến khi mẹ tôi bước ra sân khấu để đưa tôi vào, bà đón
được tràng vỗ tay như sấm. Đêm đó là đêm xuất hiện đầu tiên của tôi ở dưới ánh
đèn sân khấu và cũng là đêm cuối cùng của mẹ tôi. Khi định mệnh đã bắt đầu chi
phối số phận của người, định mệnh gần như không biết đến lòng thương xót, đến
sự cảm thông. Mẹ tôi không còn bao giờ tìm được giọng nói của mình, rồi như mùa
đông nối tiếp mùa thu, cảnh ngộ chúng tôi càng khốn đốn thêm. Dù rằng mẹ tôi
sớm biết lo xa và có dành dụm được ít nhiều tiền để phòng thiếu thốn, món tiền
ấy cũng được tiêu rất chóng. Rồi đến các món nữ trang của bà và bao nhiêu đồ
vật dụng nhỏ nhặt khác nữa cũng được bà đem cầm đỡ để mượn món tiền nuôi sống
qua ngày với niềm hy vọng ngày kia có thể tìm lại giọng nói của mình. Trong
cảnh chờ đợi như vậy, chúng tôi không còn ở ba căn nhà như cũ mà thu gọn trong
hai căn, rồi lại một căn, đồ đạc chúng tôi cũng thâu hẹp lại và gian phố chúng
tôi ở càng ngày trông càng buồn thảm.
Mẹ tôi bèn quay lại với tín
ngưỡng, hy vọng nhờ thế bà sẽ tìm lại giọng nói. Bà đi lễ rất đều đặn và chủ
nhật nào tôi cũng phải ngồi ngoan ngoãn để nghe giọng hát sùng đạo vang dội
trong ngôi giáo đường như tiếng động của bước chân kéo lết. Những bài hát ấy
hình như là cảm động lắm vì tôi thỉnh thoảng bắt gặp mẹ tôi yên lặng ngồi lau
nước mắt, điều đó khiến tôi bối rối phần nào.
Từ khi mẹ tôi lo chuyện tín
ngưỡng, ít khi bà gặp lại bạn bè hát xướng ngày xưa. Tất cả thế giới ấy biến
tan rồi, chỉ còn là một kỷ niệm. Và chúng tôi phải luôn luôn sống trong nghèo
túng, thoi thóp sống trong hoàng hôn u ám lạ thường. Việc làm tìm rất khó khăn,
mẹ tôi chỉ chuyên về nghề trình diễn, còn đau khổ thêm vì nhiều chuyện khác. Bà
vốn bé nhỏ, tế nhị và đa cảm, phải chống đối lại một cách khó khăn với những
điều kiện sinh hoạt khủng khiếp trong cái thời đại mà sự giàu sang cùng với
nghèo nàn đạt tới biên giới tột cùng, ở cái thời đại mà phụ nữ nghèo không có
sự lựa chọn nào khác là làm tôi tớ hoặc kéo lê lết như những nô lệ trong các
xưởng thợ. Thỉnh thoảng bà cũng tìm được việc làm như phụ tá trong bệnh viện
nhưng chuyện đó rất hiếm hoi và không được bền. Kể ra, bà cũng có nhiều khả
năng : chính bà may lấy quần áo sân khấu của mình và bà có thể sử dụng đường
kim mối chỉ để may mặc cho kẻ khác, nhưng việc làm ấy cũng không đủ bảo đảm
được sự sống cho ba chúng tôi. Lại thêm cha tôi say sưa, các đoàn hát ít chịu
ký giao kèo với ông nên các món tiền phụ cấp hàng tuần của ông cũng không đều
đặn.
Mẹ tôi bây giờ đã bán hầu
hết đồ đạc trong nhà, chỉ còn lại mỗi chiếc rương với những áo quần sân khấu mà
thôi. Bà vẫn bám víu vào đó với niềm hy vọng tìm lại giọng nói của mình để quay
về với sân khấu. Thỉnh thoảng bà lại sục sạo trong rương tìm vật gì đó, chúng
tôi thấy một chiếc áo dài rực rỡ, một món tóc giả, và chúng tôi bảo mẹ tôi mang
vào. Tôi còn nhớ lại hình ảnh của bà khoác các áo mão vào mình và hát một trong
những bài hát cũ do bà đặt lời đã được trình diễn thành công.
Bà vừa nhảy vừa hát với sự
thoải mái kỳ lạ, quên hết mọi việc vá may, và chúng tôi lại có dịp thưởng thức
những bài hát khác của bà, vừa nhảy theo bà, cho đến khi bà hụt hơi và đuối sức
hẳn.
Càng ngày chìm sâu hơn trong
nghèo đói, tôi vẫn đem cái tấm lòng ngây thơ con trẻ phiền trách mẹ tôi sao
không trở lại hí trường. Bà mỉm cười bảo đời sống sân khấu là một cuộc đời giả
tạo, sai lạc, và trong cuộc đời như thế người ta dễ dàng quên mất tín ngưỡng
của mình. Tuy vậy mỗi lần có dịp nói về sân khấu bà lại biểu lộ tấm lòng cuồng
nhiệt khác thường. Nhiều ngày, gợi lại những kỷ niệm cũ, bà bỗng ngồi yên rất
lâu vừa cúi xuống để vá may, và tôi cũng cảm thấy buồn vì chúng tôi không còn
tham dự nữa vào cái cuộc đời xán lạn như thế. Và khi mẹ tôi nhìn lên, thấy tôi
buồn bã, mẹ tôi lại tìm mọi cách để an ủi tôi.
Mùa đông vừa đến, anh Sít-nê
không có đồ mặc ấm, mẹ tôi phải lấy chiếc áo nhung cũ của bà, chiếc áo có những
cánh tay sọc đỏ, sọc đen với những nếp xếp ở vai mà mẹ tôi cố xóa bỏ nhưng
không sao được như ý. Anh Sít-nê khóc khi bị bắt buộc phải đeo chiếc áo khoác
ấy:
- Nghĩ xem, bạn bè sẽ nghĩ
ra sao về chiếc áo này?
Mẹ tôi bèn đáp:
- Người ta nghĩ gì, kệ họ.
Hơn nữa, chiếc áo này có vẻ sang.
Mẹ tôi cũng có khiếu năng
thuyết phục đến nỗi tới ngày hôm nay anh Sít-nê vẫn không hiểu tại sao lại chấp
nhận mặc món đồ như vậy. Nhưng anh vâng lời, và áo khoác ấy với một đôi giày đã
được mẹ tôi xén gót khiến anh thành một đề tài sôi động ở trường.
Đó là thời kỳ mẹ tôi bắt đầu
than phiền về chứng đau đầu và không thể nào tiếp tục may vá được nữa.
Trải nhiều ngày liền bà phải
nằm dài trong phòng u tối với đôi mắt băng bó đầy xác trà. Họa sĩ Pi-Cát-Xô (Picasso) đã
có một thời kỳ xanh, chúng tôi đã biết một thời kỳ xám, trong thời kỳ này chúng
tôi đã sống qua ngày nhờ lòng thương hại của chốn giáo đường, những phiếu kiếm
cháo và những món hàng gởi đến do những cơ sở từ thiện. Giữa các giờ học, anh
Sít-nê đi bán báo, và dù sự đóng góp ấy chỉ như giọt nước trong biển cả cũng
đem lại được an ủi phần nào.
Một hôm, mẹ tôi đang nằm với
một cuộn băng trên mắt thì anh Sít-nê nhảy bổ vào phòng, vất báo trên giường và
kêu to lên : “Con đã lượm được túi tiền!” Anh đưa túi tiền cho mẹ mở ra, bà
thấy có một chồng bạc. Bà vội khép lại, và đuối sức vì xúc động bà ngã xuống
giường.
Anh Sít-nê bán báo trong các
xe buýt. Trên ghế của một chiếc xe, anh bắt gặp được túi tiền ở một chỗ ngồi để
trống. Anh vội thả một tờ báo lên trên, làm như vô ý, rồi cúi xuống lượm cùng
với túi tiền và bước xuống xe vội vàng. Đến một vườn rào, nơi một khu đất bỏ
hoang anh mở ra xem và thấy đầy bạc. Anh kể cho chúng tôi nghe tim anh đã đập
ra sao, và không kịp đếm số bạc anh đã chạy thẳng về nhà.
Khi mẹ tôi bình tĩnh lại, bà
rốc túi tiền lên giường. Bên trong còn một túi khác bọc kín và bà mở ra, đếm
được bảy đồng tiền vàng. May thay không tìm thấy địa chỉ nào, nếu không mẹ tôi
sẽ chẳng yên lòng sử dụng tiền ấy.
Tôi cũng không hiểu căn bệnh
mẹ tôi thuộc về thể xác hay là tinh thần nhưng sau đó độ một tuần thì bà khỏi
hẳn. Món tiền sớm hết, mẹ con tôi lại đối diện với những thời buổi khó khăn. Mẹ
tôi tìm việc nhưng kiếm không ra. Tiền nợ chậm trễ, người ta lấy lại máy may.
Và cả món tiền mười đồng mỗi tuần cha tôi chu cấp, ông cũng thôi luôn.
Quá đỗi tuyệt vọng, mẹ tôi
nhờ đến một luật sư khác nhưng vì thấy không hưởng được gì nhiều trong vụ, ông
khuyên mẹ tôi giao con cho nhà chức trách ở khu Lâm Bết để buộc cha tôi thanh
toán tiền thiếu.
Không còn phương cách nào
khác : mẹ tôi có hai đứa con mà bà lại đau yếu mãi, bà quyết định ba mẹ con vào
hết trong Viện Tế Bần Lam-Bết để sống qua ngày.
________________________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG II