Chủ Nhật, 2 tháng 8, 2015

Bước Đầu


Mỹ chợt giật mình khi nghe đồng hồ tường thong thả buông 3 tiếng. Mở lời với má bằng cách nào bây giờ, Mỹ thấy sao mà khó thế không biết. Không phải Mỹ muốn xin má đi chơi, hay đi đến nhà bạn mà là…

Đã từ lâu Mỹ có ý định xin ba má đi làm thêm ngoài buổi học. Thật ra Mỹ cũng chẳng thích đi làm cho mấy vì ăn rồi đi học thì sướng còn gì bằng. Nhưng Mỹ không phải là một đứa con gái vô tư như đa số các bạn Mỹ. Mỹ luôn luôn suy nghĩ, tìm hiểu về khả năng gia đình. Những tháng sau này, Mỹ cảm thấy như ba lo lo, má hay than phiền tiền bạc, gạo củi, còn chị em Mỹ hình như thiếu thiếu cái gì. A! Đúng rồi, chả là má không phát tiền tháng. Vậy mà không đứa nào dám nhắc hay xin, chị em Mỹ sợ má lắm, má hiền nhưng nghiêm. Vả lại, Mỹ ít ăn quà vặt và tiêu xài nên không để ý ; nhiều tháng tiền má cho Mỹ vẫn còn y nguyên. Không phải Mỹ không thích mua sắm nhưng Mỹ nghĩ có xài cũng chẳng thấm vào đâu, chẳng thà để thỉnh thoảng cho mấy đứa em ăn bánh, còn thích hơn. Nhưng khổ nỗi, bạn bè, em út và ngay cả má không chịu hiểu, cứ đặt cho Mỹ cái tên là “con kẹo”, kẹo là keo, kẹo là hà tiện ấy mà.

Từ niềm băn khoăn ấy, Mỹ có ý nghĩ hay là mình đi làm thêm việc gì có lẽ đỡ phần nào cho ba má. Mỹ đi học một buổi, buổi còn lại có thể đi dạy kèm con nít hay làm việc gì ở văn phòng trường học. Được lắm chứ, cái tướng Mỹ hiền hiền, dễ thương, chắc là xin việc nào được việc nấy quá. Thế là ngày nào Mỹ cũng coi thật kỹ mục rao vặt của các tờ báo xem có ai cần người dạy trẻ hay làm sổ sách chi không. Cả tháng trôi qua, chẳng thấy có việc gì hợp với khả năng của mình, Mỹ thấy hơi nản. Với lại sắp đến tháng bảy rồi, Mỹ còn phải lo thi nữa chứ. “Hay để thi xong rồi lo”. Mỹ nghĩ vậy.

Nhưng trưa nay, đi học về xong, Mỹ lật ngay trang giữa và việc đầu tiên là “dò” mục Rao Vặt. Mắt Mỹ chợt sáng lên trước những hàng chữ “Cần một nữ sinh ngoan, hiền kèm trẻ lớp Nhất, địa chỉ: Số X đường H.B.T”. À, chỗ này có vẻ hợp với mình đây. Mình là nữ sinh, ngoan thì cũng ngoan và hiền thì cũng có hiền. Nhưng… kèm lớp Nhất chả biết mình có kèm nổi không. Mỹ thấy lo lo, những bài toán của Đệ Lục, Đệ Ngũ Mỹ còn quên thay, mỗi lần em Mỹ đem toán nhờ Mỹ dạy là Mỹ vội tìm cách thoái thác. Nếu nó có dai, theo nhờ hoài là Mỹ la ngay cho nó sợ. Mỹ không dám nói với nó rằng “chị quên rồi” sợ nó cười thì mắc cỡ chết. Huống chi toán lớp Nhất nào là vòi nước là xe chạy là trồng cây, có lẽ Mỹ bí mất. Nhưng không được, Mỹ phải đi tới đó xin dạy, Mỹ không được nghĩ ngợi nhiều. Cái gì rồi cũng quen đi. 17 tuổi rồi, Mỹ không có quyền vô trách nhiệm đối với gia đình, Mỹ phải lo chung với cái lo của ba, của má. Đám con 8, 9 đứa đã làm ba má quá mệt mỏi. Ba gần về hưu, má mắc lo em út với bao nhiêu là công việc. Mỹ phải ghé vai vào đỡ với ba má. Mỹ phải nghĩ tới các em. Bây giờ đỡ cho ba, mai mốt còn phải gánh vác hết nữa là. Con gái lớn rồi! Con gái lớn rồi. Tự nhiên Mỹ thấy mình “hách” lạ.

Mỹ liếc nhìn đồng hồ: 3 giờ rưỡi. Mỹ hết hồn, còn phải về nấu cơm nữa chứ. Má Mỹ vẫn ngồi im, tay thoăn thoắt đan đôi vớ cho em Mỹ. Mỹ đứng dậy, cảm thấy trống ngực mình đập lung tung cơ chừng như phạm tội gì. Mỹ thu hết can đảm gọi:

- Má.

Má Mỹ ngừng đan, ngó lên chờ Mỹ nói.

- Má cho con tới nhà chị Nguyệt lấy cuốn sách.

Má cau mày:

- Đợi mai đi học gặp nhau không được sao?

- Dạ, tại mấy hôm nay không hiểu sao “chỉ” nghỉ học. Nghe má.

- Ừ, nhưng về trước 5 giờ.

Hú hồn, Mỹ mừng quá phóng vội lên gác.

Chiếc áo dài trắng mới bận khi sáng hãy còn thẳng nếp. Phải gọn ghẽ, dễ coi, không cần hoa hòe, thêm phiền phức. Ghi vội cái địa chỉ vào tay, Mỹ xuống thưa má và ra đi.

“Đây ra số X đường H.B.T. cũng gần, mình có thể đi bộ được” Mỹ thầm nghĩ thế và đi thật mau. Chẳng bao giờ Mỹ đi thong thả được. Đi học hấp tấp đi, sợ trễ ; về thì vội vã về, có bao nhiêu công việc đang đợi ở nhà ; đi đâu thì cũng mong chóng về sợ trễ giờ nấu cơm, trễ giờ học. Đôi lúc Mỹ thấy lúc nào mình cũng chạy đua với thời gian, lỡ ra một khắc là trễ hết.

- Ê Mỹ, đi đâu đó?

Mỹ giật mình quay lại, chị Nguyệt, đang chễm chệ trên chiếc Honda đàn bà cười với Mỹ, Mỹ lật đật vẫy lia lịa. Chị Nguyệt ngừng lại.

- Có chuyện gì? Đi đâu đó, tui định tới bồ nè.

Mỹ hết hồn:

- Ấy, ấy. Em nói chị nghe. Em xin má là tới nhà chị, vậy chị đừng tới nhà em nghe, má em biết, la chết.

- Vậy chứ bồ đi đâu đó?

- Bí mật lắm, mai đi học em kể cho nghe. Thôi em đi nghen.

Nói rồi Mỹ bỏ đi, Nguyệt ngẩn ngơ nhìn theo.

Mỹ dò từng số nhà, Z, Y, X. À, đây rồi. Tự nhiên Mỹ run run. Căn nhà mang số X này, nói đúng hơn là một ngôi biệt thự, to lớn sang trọng quá. Tấm bảng “coi chừng chó dữ” với cái hình đầu con chó le lưỡi đỏ lòm làm Mỹ khiếp vía. Muốn vào nhà phải đi qua một cái cổng và con đường ngắn lót đầy sỏi. Chung quanh nhà thì chao ôi là hoa, hoa đủ màu, đủ kiểu. Mỹ cứ thộn mặt ra nhìn – có lẽ chả bao giờ mình được ở ngôi nhà như thế này.

Mấy lần Mỹ định đưa tay lên bấm chuông rồi lại thụt xuống. Căn nhà im vắng quá, Mỹ sợ tiếng chuông mình bấm sẽ vang to, vang to, sợ mọi người biết mình đi xin việc làm. Đi xin việc làm ư? Việc đó có gì xấu không, có đáng xấu hổ không? Ồ, mình phải hãnh diện là khác chứ.

Mỹ thấy tự tin và phấn khởi. Phải rồi, sợ gì, còn phải về trước 5 giờ. Mỹ bậm môi, đưa tay lên…

- Ủa, Mỹ.

Mỹ đánh thót người, quay lại, tái cả mặt. Ngọc – người bạn mới vô học lớp Mỹ – vừa hiện ra trước cửa nhà. Nhà này là nhà của Ngọc sao? Ngọc có thấy tôi tần ngần trước cổng nãy giờ không? Ngọc có biết tôi định tới đây xin việc không? Tôi đã bấm chuông chưa? Có ai nghe thấy không?

Ngọc nhảy chân sáo ra cổng, tháo khoen gài cửa và kéo tuột Mỹ vào trong ; miệng tíu tít:

- Mỹ đi đâu đó? Sao Mỹ biết nhà Ngọc? Hay Mỹ tình cờ đi ngang? Vô đi, ba má Ngọc đi vắng, Mỹ ngồi đi, Ngọc lấy bánh Mỹ ăn nhé. Kìa, sao Mỹ chả nói gì cả thế? Mỹ đi nắng mệt không?

Trời ơi! Mỹ nhắm mắt lại. Tại sao mình lại vào nhằm căn nhà của một người bạn mới. Ngọc chẳng hiểu gì. Ngọc vô tư và hồn nhiên quá đi thôi. Nếu Ngọc hiểu Ngọc sẽ thương hại Mỹ, thông cảm với Mỹ hay sẽ cười Mỹ đây?

- Mỹ, Mỹ biết nhà Ngọc phải không? Ngọc mới vào học, chẳng quen ai, Mỹ tới chơi với Ngọc luôn nhe. Ngọc thấy hình như mấy chị ấy nói Ngọc con nhà giàu thì chắc làm phách lắm vì có một chị biết nhà Ngọc ấy Mỹ. Ngọc thấy Mỹ hiền và ít chơi với ai, Ngọc muốn làm quen mà sợ quá chừng.

Mỹ nuốt nước bọt, mệt nhọc nói:

- Ngọc ở trong nhà sao thấy Mỹ hay vậy?

- Đâu có, tình cờ Ngọc mở cửa ra, thấy Mỹ đi ngang, Ngọc mới kêu chứ.

Ngọc thấy Mỹ đi ngang? Ngọc không chế nhạo mình chứ. Có lẽ không đâu.

- Thật tình thì Mỹ không biết nhà Ngọc, hồi nãy Mỹ đi ngang, thấy mấy bụi hoa đẹp, Mỹ đứng lại nhìn. Nhưng bây giờ biết rồi, Mỹ hứa sẽ tới chơi với Ngọc.

- Thật nhé Mỹ.

- Thật, bây giờ thì Mỹ về, chiều rồi.

Ngọc dắt Mỹ ra sân và hái tặng Mỹ hai cành hồng thật đẹp.

Mỹ quay lại nhìn, Ngọc đưa tay vẫy. Ngọc vô tư quá. Mình vừa nói dối Ngọc, mình có tội không? Cũng ngần tuổi này mà Mỹ và Ngọc, hai thái cực, hai tư tưởng, hai nếp sống. Có lẽ Ngọc sung sướng lắm, khỏi phải lo nghĩ điều gì, còn mình…

Gió thổi tung cả tóc, cả áo Mỹ. Mỹ nghe mắt mình cay cay và cổ họng nghẹn lại. Mới tập tễnh bước chân vào đời đã gặp chuyện cười ra nước mắt. Có lẽ tối mình chả học được gì, chả ngủ được nữa đâu.

*

- Mỹ, hôm qua tui thấy bồ ở sân nhà con Ngọc đi ra nhé. Thế mà nói là bí mật, lại nói với má là tới nhà “chị Nguyệt”.

Mỹ hết hồn khi mới vào cổng trường đã bị chị Nguyệt tố. Mỹ định phân trần thì chuông vào lớp. Ngọc đón Mỹ ở cửa lớp với nụ cười thật tươi và dễ thương vô cùng. Mỹ nghĩ đến chiều hôm qua và lòng se lại. Lúc về, Mỹ bị má la vì đi quá 5 giờ – má vẫn chắc chắn, vẫn đúng giờ khắc – và về tay không, không có sách vở gì. Má hỏi hai cành hoa ở đâu, Mỹ đáp là đã bẻ trộm. Má nói Mỹ vẫn còn tính loắt choắt. Suốt đêm Mỹ suy nghĩ nhiều về Ngọc, về Mỹ. Mỹ chợt xấu hổ khi so sánh mình với người khác. Hãy bằng lòng với hiện tại của mình. Ba đã dạy Mỹ thế. Phải, ba ơi, con sẽ tiếp tục, còn thiếu gì nơi đang cần mình.

- Nguyễn-thị-Xuân-Mỹ.

Mỹ đứng rột dậy, thôi chết, bài toán hôm qua Mỹ chưa làm. Mỹ run giọng, đứng dậy:

- Thưa thầy con quên, chưa làm bài.

Thầy hiền từ bảo Mỹ ngồi xuống, Mỹ mừng đến nghẹn lời. Có tiếng xì xào:

- Học trò cưng có khác.

- Sức mấy mà quên, chiều qua mắc tới chơi với con Ngọc chứ quên.

Không ai hiểu tôi hết. Không ai hiểu tôi hết. Mỹ cúi mặt xuống và nghe nước mắt mình thánh thót rơi.


THÚY     


(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 93, ra ngày 15-7-1968)

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>