Thứ Ba, 25 tháng 8, 2015

CHƯƠNG VI_CUỘC ĐỜI THƠ ẤU CỦA VUA HỀ SẠC-LÔ


CHƯƠNG VI


Suốt nhiều tuần lễ tôi mang băng tang ở trên cánh tay. Dấu hiệu tang tóc đó kể ra cũng thật có lợi, và tôi nhận biết điều đó vào một buổi chiều thứ bảy khi tôi bán hoa. Tôi bảo mẹ tôi cho mượn một đồng xi linh, để tôi vào trong chợ hoa mua chừng hai bó thủy tiên, rồi khi bãi học về nhà tôi cột bông lại từng chùm, mỗi chùm tính giá một xu. Khi tôi đem bán hết số hoa đó tính ra tôi đã lời được một trăm phần trăm. Tôi bước vào trong tiệm nước, vẻ mặt đau khổ, nói như van lơn : “Xin mời mua hoa, thưa cô, xin mời mua hoa, thưa bà”. Những người đàn bà thường hỏi : “Để tang ai vậy, chú nhỏ?” Và tôi trả lời bằng giọng gần như thì thầm : “Cha cháu” và họ thường cho tôi tiền. Có một buổi chiều khi tôi trở về mẹ tôi hết sức ngạc nhiên thấy tôi đếm được tới năm xi-linh (Shilling). Vào một ngày nọ, tôi từ quán nước bước ra, gặp phải mẹ tôi, thế là hết chuyện bán hoa. Với bà, để cho con mình bán hoa trong những tiệm nước là điều xúc phạm. Bà bảo : “Rượu chè đã giết cha con và đồng tiền ở một nơi quán rượu chỉ đem tai họa cho chúng ta thôi”.

Kể ra tôi cũng có khiếu thương mại. Trí óc của tôi luôn luôn chứa đầy dự định : nhìn vào hàng quán vắng vẻ tôi thường tự hỏi mình sẽ buôn gì để cho có lời, từ chuyện buôn cá, buôn món khoai chiên, đến các loại thực phẩm khác. Điều tôi cần nhất là vốn nhưng làm sao kiếm cho ra được vốn bây giờ? Cuối cùng tôi thuyết phục được mẹ tôi cho tôi nghỉ học để kiếm việc làm.

Tôi làm thật là nhiều nghề. Bắt đầu tôi đi chạy hàng cho tiệm dược phẩm. Giữa hai chuyến đi, tôi chun một cách thích thú vào trong hầm chứa, giữa những xà phòng, bột mì, đèn cầy, bánh kẹo, xực đến no nê mấy thứ ngọt ngon đến phải sinh bệnh. Rồi tôi lại đến làm việc tại văn phòng của hai ông bác sĩ phụ trách cho một công ty bảo hiểm. Chỗ này do anh Sít Nê nhường lại cho tôi. Kể ra cũng kiếm được tiền : tôi chỉ làm việc tiếp khách và sau khi các bác sĩ đi rồi tôi lau chùi nhà, mỗi tuần lãnh được mười hai xi linh. Trong việc tiếp khách tôi thành công lắm vì tôi làm vui lòng mọi người bệnh đến đó. Nhưng về công việc trong nhà thì tôi chẳng thích tí nào, anh tôi làm công việc ấy hay hơn. Tôi chẳng ngại gì công việc đổ bình nước tiểu nhưng phải lau các cửa sổ cao hơn ba thước quả là việc làm hết sức lớn lao. Càng ngày các cánh cửa ấy càng đen đúa hơn, bụi bặm phủ đầy cho đến lúc người ta lịch sự bảo tôi rằng tôi còn quá nhỏ tuổi để mà tiếp tục việc làm. Khi nghe tin ấy, tôi òa lên khóc. Bác sĩ phụ trách phòng mạch ở đó đã cưới một bà rất giàu, có một tòa nhà khá lớn, thấy thương hại tôi nên bảo tôi đến nhà ông làm người sai vặt. Tôi cảm thấy vui không biết chừng nào. Hầu hạ trong một ngôi nhà đặc biệt và được trả thù lao nhiều, còn gì khoái hơn. Vào làm nơi ấy, thật thích, vì tôi được tất cả chị bồi phòng cưng yêu. Họ coi tôi như một đứa bé con và ôm hôn tôi từ giã vào mỗi buổi chiều. Không có định mạng xui khiến có lẽ tôi đã trở thành đầu bếp. Một hôm bà chủ bảo tôi xuống cái hầm chứa dọn sạch một nơi chứa đầy thùng gỗ và các mảnh vụn. Bất ngờ tôi tìm được một ống sắt dài gần hai thước rưỡi và tôi cảm thấy thích thú ngậm lấy để thổi như là thổi kèn. Giữa lúc tôi đang vui vẻ như thế, bà chủ xuất hiện… và tôi bị đuổi khỏi nhà với lời báo trước ba ngày.

Khi vào làm việc trong tiệm sách của gia đình ông Xi-Mít tôi thật hứng thú nhưng rồi người ta thấy tôi quá nhỏ lại cho nghỉ việc. Tôi lại xin vào làm nghề thổi chai. Tôi có đọc được ở trường một bài nói về thổi chai và qua bài tả tôi thấy nghề ấy thật là tuyệt diệu nhưng khi vào việc hơi nóng làm tôi ngộp thở và tôi ngã lăn bất tỉnh khiến người ta phải khiêng tôi đặt nằm trên một đống cát cho hồi tỉnh lại. Bấy nhiêu cũng là quá đủ, và tôi không dám trở lại nơi đó để lãnh lương ngày hôm ấy. Rồi tôi vào làm trong một nhà in. Tôi cũng nói dối rằng tôi biết chạy máy lớn, loại máy in dài sáu thước. Khi đứng ngoài phố tôi có nhìn vào người thợ chạy máy và tôi thấy công việc ấy có vẻ đơn giản dễ làm. Gặp một tấm biển có đề dòng chữ : Cần một thợ trẻ biết chạy máy Hoạt-phê-đan (warfedale). Lập tức, tôi vào trình diện. Khi người cai xưởng dẫn tôi đến nơi chiếc máy tôi thấy nó ở trước tôi như con quái vật. Muốn điều khiển máy phải leo lên ngồi trên một mặt cao cách đất độ một thước rưỡi và tôi có cảm tưởng như mình ngồi ở trên đỉnh tháp Ép-phên (Eiffel). Người cai xưởng bảo:

- Cho máy chạy đi!

Làm sao mà cho chạy được? Thấy tôi vẫn cứ lúng túng, ông ta bật cười:

- Rõ là chú mày chưa chạy máy này bao giờ.

Tôi nói:

- Nhờ bác chỉ giúp tôi đi, tôi sẽ chạy được liền mà.

Ông ta chỉ cho tôi thấy cần máy rồi cho máy quay từ từ. Khi máy lăn đều với những tiếng nghiến và những tiếng gầm tôi có cảm tưởng như nó sắp nuốt sống tôi. Những tờ giấy in cũng thật là lớn. Chỉ mỗi một tờ cũng đủ gói kín tôi rồi. Với một cây cào bằng ngà tôi tách các tờ giấy và nắm một góc đặt nó cẩn thận trên các răng cưa vào lúc mà con quái vật chuẩn bị nuốt lấy. Làm xong ngày đầu, tôi thật tơi tả vì quá căng thẳng thần kinh trong cái ý tưởng con quái vật kia có thể xơi tái tôi mất. Tuy vậy người ta cũng chịu trả tôi mỗi tuần mười hai xi linh.

Những buổi sáng mai trời lạnh, khi chưa hừng sáng, đi trên các con đường phố vắng lặng, thỉnh thoảng mới gặp đôi bóng dáng người lướt qua rồi tiến bước về tiệm trà đầu phố để ăn điểm tâm, thật có vẻ gì lãng mạn và đầy ý vị phiêu lưu. Người ta có một cảm tưởng yên lòng trong sự chung đụng khi ngồi uống tách trà nóng trong cái hơi ấm dịu dàng của phút chờ đợi một ngày công việc. Và việc tôi làm ở tại nhà in cũng không có gì là khó khăn cả. Trừ cái phần việc nặng nề ở mỗi cuối tuần là phải rửa sạch mực in trên những ống lăn to lớn mỗi cái nặng hơn năm chục kí lô, còn thì những công việc khác thật là dễ chịu. Nhưng chỉ hai ba tuần lễ tôi đã bị cúm và nằm liệt giường. Mẹ tôi ép tôi trở lại trường học.

Bây giờ anh Sít-nê đã mười sáu tuổi rồi, và một hôm anh về nhà tỏ ra hết sức vui vẻ vì đã kiếm được một chỗ thổi kèn trên một chiếc tàu chạy sang Phi Châu. Phần việc của anh chỉ là báo hiệu giờ ăn, giờ nghỉ v.v… Hồi đến học Trường Hải Quân Ích Mao anh đã có tập thổi kèn, nhờ vậy bây giờ mới có việc làm. Mỗi tháng anh lãnh được hai đồng “liu” và hưởng thêm tiền quà nước khi anh giúp phần dọn ăn ở ba chiếc bàn cho những hành khách hạng nhì. Trước giờ khởi hành người ta chịu giao cho anh số tiền đặt cọc là ba mươi lăm xi linh, dĩ nhiên anh đem về giao hết cho mẹ tôi.

Sau chuyến đi đầu tiên, lúc anh Sít-nê trở về, gia đình thực vui như hội vì anh hưởng được món tiền quà nước khá lớn. Tôi còn nhìn thấy lại anh móc tiền ở trong túi áo đổ xuống mặt giường. Tôi có cảm tưởng như chưa bao giờ tôi nhìn thấy được nhiều tiền như thế trong cuộc đời mình. Tôi nhặt một mớ, tôi thả rơi chúng, tôi lại xếp chúng thành chồng và tôi cứ đùa với tiền mãi cho đến lúc mẹ tôi cùng với anh tôi đồng bảo rằng tôi quả là một tên hà tiện. Cuộc sống lúc này kể thực là sang. Chúng tôi đang ở mùa hè, cũng là thời kỳ chúng tôi được uống nước đá, được ăn bánh ngọt và nhiều thứ ngon khác nữa. Đó là thời kỳ được ăn cá muối, thịt ướp, bánh nướng v.v…

Anh Sít-nê lại cảm lạnh và nằm liệt giường nhiều ngày. Mẹ tôi và tôi thay phiên để săn sóc anh. Những ngày đó tôi tha thồ mà dùng nước đá. Tôi mang một cái thùng lớn đến tiệm để mua một xu nước đá khiến ông chủ tiệm có vẻ bực tức vô cùng. Khi tôi qua mua lần thứ hai ông bảo tôi hãy về mang theo một bồn tắm để chứa. Một trong các món giải khát thích nhất vào mùa hè ấy của gia đình tôi là dùng nước chanh pha sữa. Bọt li-mô-nát tung lên qua chất kem sữa tạo thành một sự pha trộn tuyệt diệu. Anh Sít-nê ở lại nhà mãi cho đến khi tiêu hết số tiền dành dụm. Rồi anh lại ghi tên vào một chuyến đi khác và lần này nữa lại được ứng trước số tiền ba mươi lăm đồng xi linh, anh lại đem về cho mẹ. Nhưng bấy nhiêu đó cũng không no đủ được dài. Độ ba tuần lễ chúng tôi hết tiền và phải đợi chừng ba tuần lễ khác anh tôi mới về. Mặc dù mẹ tôi vẫn cứ tiếp tục may vá nhưng tiền thu được chẳng đủ vào đâu. Chúng tôi lại lâm vào một cuộc khủng hoảng khác.

Nhưng tôi không thiếu sáng kiến để mà đối phó với tình trạng này. Mẹ tôi có đống đồ cũ và vào một sáng thứ bảy tôi bàn với bà để tôi mang ra chợ bán. Mẹ tôi cảm thấy khó chịu phần nào và bảo mớ đồ cũ kỹ ấy không đáng giá là bao. Tuy vậy tôi cũng tìm một mảnh chăn đã cũ gói hết chúng lại rồi mang ra chợ. Tôi đặt món hàng của mình xuống một vệ đường rồi tôi bước xuống đứng trong mương rãnh hè phố kêu lên : “Coi đây, bà con” vừa nói tôi vừa lôi ra một chiếc sơ mi đã cũ vung lên trước mắt mọi người, rồi lại lôi ra một chiếc nịt vú tàn phế… Tôi bảo những người qua đường : “Quý ngài muốn mua món này bao nhiêu? Bằng lòng một xi linh không, hay là sáu xu, ba xu, hai xu?” Nhưng dù tôi hạ xuống đến một xu cũng chẳng có ai thèm vào. Người ta dừng bước nhìn các món đồ một cách ngạc nhiên rồi phá lên cười và bước đi luôn. Tôi đã bắt đầu cảm thấy lúng túng, nhất là trong tiệm bán đồ châu báu trước mặt có một số người ngồi sau cửa kính nhòm ngó tôi hoài. Nhưng tôi định không chịu nhượng bộ. Cuối cùng tôi đem đôi ghệt coi mòi vẫn còn xài được bán lấy sáu xu. Nhưng càng đứng lâu, tôi lại càng thấy khó chịu. Được chừng một lát, người chủ tiệm châu báu kia tiến về phía tôi và hỏi tôi vào nghề được bao lâu. Mặc dù sắc diện của ông có vẻ trang nghiêm nhưng trong câu nói của ông có một vẻ gì cười cợt và tôi trả lời ông ta tôi mới tập tễnh bước đầu. Ông ta lững thững lại chỗ hai người đồng bọn ngồi sau tủ kính nhìn tôi vừa nói vừa cười. Bấy nhiêu kể cũng đủ rồi. Tôi nghĩ đã tới cái lúc cuốn gói đi về. Khi tôi nói lại cho mẹ tôi biết đã bán đôi ghệt với giá sáu xu bà lộ ra vẻ bất bình và nói : “Đôi ấy còn tốt. Đáng lẽ phải bán với giá cao hơn”. Trong tình trạng của chúng tôi bấy giờ, chúng tôi khỏi phải lo khoản tiền nhà bao nhiêu. Vấn đề đã được giải quyết quá dễ là cứ đến ngày người ta tìm đến thâu tiền thì mẹ con tôi dọn đi nơi khác.Đồ đạc chúng tôi cũng chẳng có gì. Thuê cái xe bò để chở coi còn tốn kém hơn là giá trị của mớ đồ ấy.

Vào thời gian này tôi làm quen với ông cụ và người con ông sinh sống trong những chuồng ngựa bỏ hoang sau thành phố. Cha con nhà này làm những đồ chơi và đem bán dạo từ thành phố này sang thành phố khác. Họ thật hoàn toàn tự do, chẳng phải vướng bận điều gì và tôi thèm muốn địa vị của họ. Nghề nghiệp của họ cũng không cần vốn liếng nhiều, chỉ độ chừng một xi linh là đã làm ăn được rồi. Họ nhặt nhạnh những miếng bìa lót dày mà các hàng tiệm sẵn sàng cho họ cùng các miếng rẻo niềng niễng bỏ vãi khắp nơi, rồi bỏ tiền mua một đồng xu keo, một đồng xu gỗ, chừng hai xu chỉ, một xu giấy màu là nhiều. Với cái vốn liếng một đồng xi-linh họ có thể làm ra được bẩy tá tàu thủy đem bán mỗi chiếc một xu. Thân tàu được cắt trên các bìa dày may lại trên một cái đáy cũng bằng bìa ấy và ở trên mặt trơn ấy bôi keo và đổ các bột niềng niễng. Người ta dùng dây chỉ có điểm những vảy nhỏ để dựng cột buồm và dán trên cao cờ xanh cờ đỏ, cả ở phía trước, phía sau. Hàng trăm những chiếc tàu nhỏ như thế lấp lánh đủ màu để làm vui mắt mọi người và họ tìm mua dễ dàng. Từ khi tôi làm quen họ, tôi tìm mọi cách phụ việc và nhờ vậy tôi học được cách làm. Khi họ rời bỏ khu phố của tôi đi về nơi khác, tôi bèn thế chỗ của họ mà làm nghề ấy. Với một số vốn sáu xu và chịu phồng cả da tay nhiều lần để cắt đống bìa tôi đã làm xong ba tá tàu thủy như vậy trong một tuần lễ.

Nhưng nhà chúng tôi quá nhỏ hẹp không đủ chỗ cho mẹ tôi may vá và cho cả tôi thiết lập xưởng tàu. Lại thêm mẹ tôi không ưa mùi hồ nấu sôi và cái chậu hồ của tôi trở thành một mối đe dọa thường trực các món đồ may hàng lụa choán chật gian nhà. Số tiền thâu được của tôi tính ra thua mẹ tôi nhiều nên tôi đành phải dẹp tiệm để chỗ mẹ tôi làm việc.

________________________________________________________________________________ 
Xem tiếp CHƯƠNG VII
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>