CHƯƠNG II
Khi nghe mẹ chúng tôi bảo
phải vào trong Viện Tế Bần anh tôi và tôi không hề cảm thấy nỗi tủi nhục nào vì
cứ nghĩ rằng sẽ được bước chân vào cuộc phiêu lưu, và từ lâu nay sống trong
gian nhà chật chội nóng bức, bây giờ được sự thay đổi cũng là điều may. Phải
đợi đến lúc bước khỏi ngưỡng cửa thành phố tôi mới hiểu được những gì sẽ phải
xảy ra. Nơi đây tôi cảm thấy nỗi cô độc, lạc loài, vì người ta liền chia rẽ
chúng tôi, mẹ tôi đi về phía nhà dành cho đàn bà, chúng tôi về phía dành cho
trẻ em.
Tôi vẫn còn như thấy rõ nỗi
buồn tê tái của ngày đầu tiên chúng tôi đến thăm viếng mẹ : nhìn thấy mẹ bước
vào phòng khách mặc những quần áo của Viện Tế Bần tôi thực đau xót làm sao. Bà
có vẻ gì lúng túng, lạc lõng. Chỉ một tuần lễ bà đã gầy đi và già sọm đi. Nhưng
khuôn mặt bà bỗng sáng chói lên khi thấy chúng tôi. Anh tôi và tôi cùng òa lên
khóc nức nở, làm cho mẹ tôi khóc theo. Những giọt nước mắt chảy dài trên đôi má
hóp của bà. Cuối cùng bà tự trấn tĩnh lại được, rồi mẹ con tôi ngồi trên một chiếc
ghế gỗ, tay đặt trên đùi và bà vỗ nhẹ lên tay chúng tôi một cách âu yếm, mỉm
cười nhìn đầu tóc đã cạo ngắn của anh em tôi. Bà vuốt ve đầu chúng tôi một cách
an ủi vừa hứa hẹn rằng mẹ con chúng tôi lại sớm có ngày hội ngộ cùng nhau. Từ
trong tạp dề bà lôi ra gói mứt dừa mua ở trong câu lạc bộ của Viện dưỡng lão
nhờ tiền thêu đan cho một nữ khán hộ. Khi chúng tôi phải từ giã mẹ để ra đi,
anh tôi cứ lặp lại mãi một cách buồn thảm là anh thấy mẹ già đi quá nhiều.
Dần dà anh em chúng tôi cũng
quen thuộc dần đời sống trong viện nhưng không tránh khỏi buồn thảm. Tôi không
còn nhớ thật rõ cuộc sống trong giai đoạn này, chỉ còn mường tượng những bữa ăn
trưa nơi chiếc bàn dài cùng với những đứa trẻ khác mà ai cũng đều nôn nóng đợi
chờ. Một ông cụ chừng bảy mươi lăm tuổi, với vẻ đĩnh đạc, một chòm râu trắng,
một cặp mắt buồn, là người từng sống lâu năm trong viện chủ tọa bữa ăn. Ông chỉ
định tôi ngồi bên cạnh ông vì ông bảo rằng tôi là đứa bé nhỏ nhất và tôi có
những lọn tóc gút quăn nhiều nhất. Ông gọi tôi là tiểu đồng và bảo khi nào lớn
lên tôi sẽ đội mũ chóp cao với một cờ hiệu và ngồi vòng tay phía sau xe ngựa
bốn bánh của ông. Vui sướng trước lời hứa hẹn như thế, tôi cảm thấy mến ông cụ
lạ lùng. Nhưng chỉ một hai ngày sau, một đứa bé hơn xuất hiện với những lọn tóc
gút quăn hơn nhiều thay thế chỗ tôi bên ông cụ già, và ông cười cợt bảo với tôi
rằng những đứa thật bé và tóc thật quăn luôn luôn giành được ưu tiên.
Ở được ba tuần, người ta đưa
anh em tôi đến trường Hân-Huên (Hanwell) dành cho những trẻ mồ côi và những đứa trẻ lạc
loài, cách xa thành phố Luân Đôn khoảng hai mươi cây số. Tất cả được nhốt trong
chiếc xe bò chở bột, và đó là cuộc du ngoạn dễ chịu lạ thường vì cánh đồng quê
bao bọc Hân-Huên thời ấy thật là xinh đẹp với những khóm cây xanh tươi, những
đồng lúa mì chờ gặt, những vườn cây trái trĩu quả trên cành. Tới nơi, chúng tôi
ngồi trong phòng chờ và được khám nghiệm sức khỏe trước khi cho vào nhập học.
Lý do là vì trong số ba bốn trăm đứa trẻ con nếu có một đứa bé nào bệnh tật hay
là cằn cỗi sẽ gây ảnh hưởng bất lợi cho những trẻ khác, đồng thời tự nó cũng
không tránh khỏi những nỗi nặng nề khổ tâm giữa một cảnh ngộ như thế.
Những ngày đầu tiên tôi thấy
lạc loài khốn khổ vì sống trong Viện Tế Bần tôi vẫn luôn có cảm tưởng gần gũi
mẹ mình, điều đó làm tôi an lòng. Nhưng ở Hân-Huên thì chúng tôi như xa cách
quá nhiều. Anh tôi và tôi đều được nhà trường thu nhận, và bước vào học chúng
tôi đã bị cách ngăn, vì anh tôi theo lớp lớn còn tôi ở lại lớp nhỏ. Chúng tôi
cũng phải ngủ trong những khu vực khác và họa hoằn lắm mới được gặp nhau. Ngày
ấy mới trên sáu tuổi, và phải hoàn toàn cô độc tôi thực khốn khổ không biết
chừng nào. Những chiều mùa hạ, đặc biệt vào những chiều oi bức này, vào giờ cầu
nguyện trước khi đi ngủ, lúc quì gối với độ hai mươi đứa bé khác giữa phòng
nhìn qua những khung cửa sổ nghiêng dài, bầu trời hoàng hôn dần dần tối lại và
những đồi xa uốn lượn lờ mờ, tôi cảm thấy mình hoàn toàn xa lạ với cảnh vật đó.
Nhưng mà ngạc nhiên thú vị
biết bao, sau đó hai tháng mẹ tôi đã tìm cách xin cho anh em tôi được gặp lại
người. Nhà trường đưa bọn tôi đến Luân Đôn rồi đến lại Viện dưỡng lão. Mẹ tôi
đứng ở nơi cửa chờ đợi chúng tôi, vẫn mặc những bộ quần áo ngày xưa của bà. Bà
đã đòi hỏi để cho người ta cho chúng tôi ra chỉ vì bà muốn gặp gỡ con cái trong
ngày và bà định rằng sau vài giờ sống cùng nhau ở ngoài, sẽ về nội ngày hôm đó.
Mẹ tôi ở Viện Tế Bần, và chỉ có mỗi cách ấy mới mong được gặp chúng tôi.
Trước khi bước vào trong
Viện, người ta lấy hết quần áo chúng tôi để bỏ vào nồi chưng hấp và trả lại cho
chúng tôi không ủi chút nào. Mẹ tôi, anh Sít-nê và tôi đều có một vẻ nhàu nát
thảm hại khi bước qua ngưỡng cửa Viện. Lúc ấy, hãy còn sáng sớm và chúng tôi
không biết phải đi đâu, cuối cùng đến một công viên gần đó cách xa một cây số
rưỡi. Anh Sít-nê có chín xu gói kín trong một chiếc khăn, chúng tôi mua nửa cân
mận và suốt buổi mai ngồi trên chiếc ghế công viên gặm nhấm mấy trái cây đó rồi
anh tôi lấy một tờ giấy báo quấn thành cục tròn, tìm một ít dây ràng cột chung
quanh để làm quả bóng và ba mẹ con chúng tôi cùng đùa với quả bóng ấy được một
hồi lâu. Tới trưa chúng tôi kéo vào trong một tiệm nước và đem mấy xu còn lại
mua một bánh ngọt, một khúc cá mòi, hai tách cà phê rồi chia nhau dùng qua bữa.
Sau đó chúng tôi quay lại công viên và anh em tôi nô đùa với nhau trong khi mẹ
tôi đan áo.
Xế trưa, chúng tôi về Viện
tế Bần. Vừa đi mẹ tôi vừa nói bằng một giọng nhẹ nhàng : “Mình về vừa đúng giờ
buổi trà chiều”. Ban quản trị Viện tỏ ý bất bình vì chuyến đi ra của mẹ con tôi
buộc họ phải chưng hấp lại quần áo cho chúng tôi lần nữa, và anh Sít-nê với tôi
còn phải lưu lại nơi đây trước khi trở về Hân-Huên, điều này cố nhiên giúp cho
chúng tôi được dịp gặp lại mẹ mình thường xuyên.
Nhưng sau ngày ấy, anh em
tôi phải ở lại Hân-Huên gần một năm trường, một năm xây dựng cho tôi khá nhiều,
tôi bắt đầu học và được người ta dạy cho viết cái tên tôi là Sa-Pờ-Lanh (Chaplin), cái
tên đã quyến rũ tôi và tôi cảm thấy nó giống mình lắm. Trường học Hân-Huên được
ngăn làm hai, một khu vực cho trẻ nam, một cho trẻ nữ. Vào chiều thứ bảy phòng tắm
được dành cho những trẻ nhỏ và công việc trông coi tắm rửa được giao cho những
cô gái lớn hơn. Tôi chưa lên bảy và vào những dịp tắm rửa như thế tôi thấy mắc
cỡ lạ lùng. Để cho cô gái vào trạc mười bốn tuổi đầu chà xát trên cái thân thể
trần truồng của mình là nỗi ngượng ngùng đầu tiên mà tôi cảm thấy trong đời.
Lên bảy, tôi rời khu vực trẻ
nhỏ để sang khu vực trẻ lớn, nơi đây nhận thời hạn từ bảy tuổi đến mười bốn
tuổi. Từ đây tôi sẽ có thể tham dự vào mọi công việc của những cậu học trò lớn.
Luyện tập thể dục, thể thao, và cứ mỗi tuần hai lần tham dự các cuộc du ngoạn ở
ngoài trường học.
Dù có làm gì chăng nữa thì
cuộc sống ở nơi đây cũng thật cô đơn. Khung cảnh thật buồn, người ta ngửi thấy
sự buồn bã ấy trong những đường quê quanh co mà hàng trăm đứa trẻ con như tôi
sắp theo hàng hai tiến bước. Tôi thấy ghê sợ những cuộc du ngoạn như thế, ghê
sợ những làng mạc mà chúng tôi phải đi qua, nơi đó dân làng nhìn ngắm chúng tôi
một cách tò mò. Họ biết chúng tôi là những đứa trẻ ở Viện
Mồ côi.
Sân chơi của lớp trẻ lớn
rộng độ chín mươi trên năm mươi mét, lát những tảng gạch to lớn. Chung quanh là những tòa nhà bằng gạch có một tầng lầu,
trong đó là những văn phòng, những kho chứa đồ, bệnh xá, một phòng chữa răng và
một phòng thay quần áo. Trong góc u tối nhất của sân trường có một gian trống
từ lâu dùng để nhốt một đứa trẻ khoảng mười bốn tuổi. Đứa bé đã cố vượt thoát
khỏi trường bằng cách leo qua cửa sổ tầng lầu, trổ lên mái ngói, bất chấp những
viên giám thị và những tên pháo bắn lên để đuổi bắt lại. Sự việc này xảy ra khi
lớp trẻ chúng tôi đã đi ngủ rồi. Những đứa lớn hơn, qua ngày hôm sau, kể lại
cho chúng tôi nghe như một câu chuyện phi thường.
Đối với một tội nặng nề vào
loại như thế, luôn luôn mỗi ngày thứ sáu người ta đem ra xử phạt trong nhà thể
thao rộng lớn, một phòng khủng khiếp dài hai mươi mét, rộng mười hai mét, có
trần khá cao với những sợi dây thật dài bắc tới ngọn kèo. Cứ sáng thứ sáu từ
hai đến ba trăm học sinh vào khoảng bảy tuổi đến mười bốn tuổi bước vào và đứng
thẳng hàng như lính dọc theo ba bức tường phòng. Góc tường thứ tư, ở về phía
cuối là nơi đặt một bàn dài lớn gần bằng bàn đặt ở phòng ăn, và ở sau đó là
những tội phạm chờ đợi tuyên xử, trừng phạt. Ở bên tay mặt, trước chiếc bàn ấy,
có một giá treo nhiều cuộn dây da và những chiếc roi gân bò dữ dằn đủ loại.
Về những lỗi lầm không được
xem như nặng lắm, người ta căng dài đứa bé úp sấp ở trên mặt bàn, đôi chân cột
lại, và giao cho một viên đội cầm giữ, trong lúc một viên đội khác cởi ngược
thân áo sau lưng đứa trẻ lên đầu. Một viên Đại úy Hải quân hồi hưu cân nặng
không dưới một trăm ký lô là chỉ huy trưởng ở đây. Một tay đặt ở sau lưng, một
tay cầm chiếc gậy bằng một ngón cái và dài chừng một thước hai, ông ta tiến đến
bên cạnh đứa trẻ vừa đo chiều dài chiếc gậy vào cái khoảng rộng bộ mông của kẻ
tội đồ. Rồi với một điệu bộ chậm chạp, trịnh trọng một cách phường tuồng, ông
ta giá cao chiếc gậy rồi giáng gục xuống trên mông đứa trẻ. Quang cảnh thật là
khủng khiếp và bao giờ trong hàng ngũ học sinh cũng có một đứa ngã xuống bất
tỉnh vì phải chứng kiến như thế.
Số lượng tối thiểu của những
cú đánh là ba gậy, số lượng tối đa là sáu. Thường kẻ tội phạm nhận đòn quá số
ba ấy kêu lên những tiếng khủng khiếp lạ thường. Đôi khi kẻ đó nín lại một cách
đáng sợ hoặc đã bất tỉnh rồi. Phải nói là những đòn đánh như thế có một tác
dụng uy hiếp thật quá nặng nề, đến nỗi đứa trẻ bị đánh phải được khiêng tới một
tấm nệm lớn đặt nằm dài lên để nó có thể vặn vẹo mình mẩy ít nhất trong vòng
mươi phút đợi cơn đau đớn êm dịu dần đi. Về những trận đòn bằng roi thì lại
khác hẳn. Chỉ cần ba roi là kẻ nạn nhân đã được hai viên đội tới dìu lấy đưa
vào bệnh xá chữa trị.
Học sinh thường khuyên bảo
nhau là hễ gặp ai vu cáo điều gì cũng phải nhắm mắt nhận lấy, dù mình ngây thơ
vô tội chừng nào đi nữa, bởi vì nếu người ta đưa ra được bằng chứng buộc tội
thì mình nhất định sẽ bị trừng phạt đến mức tối đa. Hơn nữa, nói chung thì bọn
chúng tôi cũng không biết cách diễn đạt đầy đủ để tự biện hộ cho sự vô tội của
mình. Tôi còn nhớ mãi cái ngày đầu tiên đến dự một cuộc trừng phạt như thế tôi
đã đứng lặng người đi, quả tim đập mạnh khi phái đoàn ban quản trị trường tiến
vào. Ở sau bàn giấy có gã trẻ con tuyệt vọng đã toan trổ nóc vượt khỏi nhà
trường. Người ta chỉ thoáng thấy đầu và vai nó qua chiếc bàn vì nó có vẻ bé nhỏ
lạ lùng. Mặt nó gầy ốm, xương xẩu, điểm những con mắt thật to.
Sau khi đọc xong những lời
cáo trạng một cách trang trọng đặc biệt, ông hiệu trưởng hỏi to lên:
- Có tội hay không có tội?
Kẻ tuyệt vọng kia từ chối
trả lời và chỉ nhìn ông hiệu trưởng bằng một cái nhìn thách thức. Liền đó người
ta dẫn ngay đứa bé lại cái giá kia, và bởi vì nó quá nhỏ người ta phải kê dưới
chân một cái thùng gỗ dùng chứa xà phòng mới cột được tay của nó vào giá. Nó
được lãnh đủ ba roi rồi lập tức được đưa vào bệnh xá chữa trị vết thương.
Mỗi bữa thứ năm có tiếng kèn
thổi vào lúc giờ chơi khiến cho chúng tôi lập tức bỏ cuộc đứng yên tại chỗ như
các pho tượng trong khi viên Đại úy chỉ huy trưởng dùng máy phóng thanh tuyên
bố danh sách những kẻ thứ sáu phải đến trình diện để được xử phạt.
Vào một thứ năm, tôi thật
hết sức kinh ngạc khi nghe tuyên đọc tên mình. Tôi không sao tưởng tượng nổi
tôi đã làm gì nên tội. Đến ngày xử phạt, vị Hiệu trưởng tuyên bố lớn:
- Trò bị kết tội đốt lửa ở
trong phòng tắm.
Quả là không có như vậy. Có
vài đứa trẻ đốt mấy mẩu giấy ở trên nền gạch và trong khi đốm lửa ấy còn cháy
thì tôi vào phòng tắm rửa nhưng tôi không giữ một vai trò nào trong cái vụ này.
Ông ta hỏi tôi:
- Có tội hay không có tội?
Đã quá hốt hoảng và bị thúc
đẩy bởi một sức lực vô hình tôi ấp úng nói : “Có tội”. Tôi không cảm thấy chút
căm thù nào và cũng không cảm thấy đó là nỗi bất công nhưng chỉ có một cảm
tưởng vô cùng khiếp sợ trong khi người ta dắt tôi đến chiếc bàn dài để giáng
xuống mông ba gậy. Nỗi đau đớn thật dữ dội khiến tôi ngưng thở. Nhưng tôi không
kêu lên một tiếng nào và dầu đau đớn đến như tê liệt tôi tự thấy mình can đảm
và kiêu hãnh, trong khi họ mang tôi lại tấm nệm để lấy lại sức.
Anh Sít-nê tôi vì phải làm
việc ở dưới nhà bếp của trường nên mãi trong ngày anh mới hay được tin đó. Khi
anh đi từng bước một cùng với chúng bạn vào phòng xử phạt anh nhìn thấy chiếc
đầu tôi nhô lên sau cái bàn dài và anh lấy làm hoảng hốt. Sau này anh kể lại
cho tôi hay rằng khi thấy tôi bị đánh ba gậy anh đã khóc ròng vì nỗi uất hận tràn
đầy.
Tôi thường gọi anh bằng
tiếng “anh nhỏ của em”, điều đó làm anh tự hào và anh cảm thấy được vững lòng
nhiều. Thỉnh thoảng tôi vẫn được gặp lại người anh nhỏ của tôi khi rời khỏi căn
phòng ăn. Nhờ anh làm việc bếp núc anh đã lén cho tôi mẩu bánh nhỏ cắt đôi nhét
một cục bơ khá lớn vào giữa. Tôi giấu chiếc bánh dưới chiếc áo ấm của mình rồi
đem về chia với một thằng bạn. Ở đây không đói khát gì, nhưng cục bơ to ấy quả
là món xa xỉ đặc biệt. Những cái món quà dịu ngọt như thế và những săn sóc êm
đềm như thế không kéo được dài vì anh Sít-nê rời trường để đến dự học tại trại
Thủy Quân Ích-Mao (Exmouth). Vào tuổi mười một những đứa trẻ nhỏ ở viện cô nhi được quyền
sung vào quân đội hoặc vào trong ngành thủy binh.
Từ đó tôi còn ở lại một mình
nơi trường Hân-Huên.
Tóc là yếu tố cần thiết đối
với nhân cách trẻ em. Lần đầu khi bị cắt tóc chúng tôi đã khóc sướt mướt và khi
nó mọc trở lại, dù mọc cách nào chăng nữa, cũng làm người ta có cảm tưởng bị
rứt bớt một phần của thân thể mình. Hồi đó tại trường Hân-Huên có một có một
bệnh dịch về tóc và bởi vì bệnh quá đỗi truyền nhiễm nên những trẻ nào cắt tóc
đều được đưa tới ở những ngôi nhà biệt lập tại cuối sân trường. Từ những cửa sổ
nhìn ra chúng tôi thấy những đứa trẻ đáng thương hại kia ngước nhìn chúng tôi
một cách buồn thảm, đầu bị cạo trọc bôi thuốc vàng khè. Quang cảnh ấy thật ghê
tởm và chúng tôi thường nhìn chúng với ý đề phòng. Vì thế khi một cô nữ khán hộ
thình lình dừng lại ở sau lưng tôi tại nơi phòng ăn ngắm nhìn tóc tôi và tuyên
bố lớn : “Bệnh rồi” thì tôi bỗng òa lên khóc nức nở. Cuộc chữa trị phải kéo dài
nhiều tuần và đối với tôi thật là dằng dặc như không bao giờ có thể dứt được.
Người ta vội cạo đầu tôi, bôi đầy chất thuốc và tôi phải mang chiếc khăn quấn
vòng quanh sọ như những công nhân đi nhặt bông vải. Nhưng điều mà tôi không
muốn là nhìn qua khung cửa sổ, như bao nhiêu đứa trẻ khác cùng nhốt với tôi, vì
tôi hiểu rõ những sự gờm nhớm của kẻ bên ngoài… Trong khoảng thời gian tôi bị
an trí vì chứng bệnh này thì mẹ tôi đến thăm tôi. Không hiểu bà làm cách nào mà
rời được Viện Tế Bần và cố gắng tạo được cho chúng tôi một nơi trú ngụ. Sự có
mặt của mẹ tôi như sự xuất hiện của một đóa hoa. Người có vẻ thật tươi đẹp
khiến tôi càng thấy xấu hổ về sự lôi thôi của mình, về cái đầu tóc cạo trọc bôi
thuốc vàng khè. Cô nữ khán hộ liền nói:
- Phải nên thông cảm cho nó
nếu trông nó dơ dáy thế.
Mẹ tôi bật cười và bà ôm
tôi, hôn tôi, siết trong vòng tay âu yếm, rồi nói:
- Dầu con dơ dáy thế nào mẹ
vẫn thương con.
Một thời gian sau anh Sít-nê
tôi rời trường thủy quân còn tôi từ giã Hân-Huên để về chung sống với mẹ. Mẹ
tôi thuê được một chiếc phòng nhỏ ở sau thành phố và trong một khoảng thời gian
bà cũng tìm ra phương cách nuôi bọn chúng tôi.
Nhưng không bao lâu chúng
tôi lại phải vào Viện Tế Bần. Một phần vì mẹ tôi
khó tìm ra công việc làm ăn trong hoàn cảnh đó, một phần vì cha tôi cũng gặp
nhiều trở ngại trong nghề nên tiền cấp dưỡng không được thường xuyên. Suốt
khoảng thời gian chuyển tiếp khá ngắn ngủi này, chúng tôi đã phải dọn nhà liền
tay từ gian phòng này sang gian phòng kia, cuối cùng trở lại cái vòng lẩn quẩn
là chui vào Viện Tế Bần.
Vì có sự đổi thay ấy người
ta không đưa chúng tôi vào trường học cũ mà lại bắt vào một ngôi trường mới thê
thảm hơn Hân-Huên nhiều. Ở đây cây lá um tùm cao lớn, cánh đồng chung quanh bao
la và bát ngát hơn nhưng không khí chẳng có gì vui vẻ.
Một hôm giữa lúc anh Sít-nê
tôi đang chơi túc cầu, hai cô điều dưỡng tìm đến sân banh bảo anh ngừng cuộc ra
ngoài, cho anh biết mẹ chúng tôi đã bị điên rồi và được người ta gởi vào trong
dưỡng trí viện gần đấy. Khi anh Sít-nê nghe được tin ấy anh không hề có chút
phản ứng nào và quay lại sân chơi tiếp tục giữ vị trí mình cho đến mãn cuộc.
Nhưng khi cuộc chơi tan rồi anh lặng lẽ đến thu mình trong một góc sân vắng vẻ
và ôm mặt khóc.
Khi anh báo tin cho tôi, tôi
không thể nào ngờ được. Tôi không hề khóc nhưng sự tuyệt vọng làm tôi sững sờ.
Tại sao mẹ tôi lại đến nông nỗi như vậy? Mẹ tôi vui vẻ là thế, linh hoạt là
thế, làm sao mà có thể trở thành người điên loạn? Tôi có cảm tưởng lờ mờ rằng
bà đã bị mất trí và đã rời bỏ chúng tôi mà đi. Trong nỗi tuyệt vọng tôi tưởng
tượng thấy mẹ tôi đang nhìn tôi với một vẻ xúc động khôn tả trước khi bị lôi
cuốn mất vào khoảng vô cùng.
Chỉ một tuần sau chúng tôi
mới nhận được tin chánh thức về sự kiện ấy. Người ta cũng cho chúng tôi biết
rằng theo quyết định của án tòa, từ đây cha tôi phải lãnh nuôi dưỡng chúng tôi.
Viễn ảnh sống chung với người cha ấy kích động tôi thật lạ lùng. Trong khoảng
đời tôi từ trước tôi chỉ gặp ông có mỗi hai lần, một lần khi ông trình diễn ở
trên sân khấu và một lần khác đi ngang qua một ngôi nhà ở trong thành phố thấy
ông qua vườn với một thiếu phụ. Tôi đã dừng lại nhìn ông, hiểu theo trực giác
rằng đó chính là cha mình. Ông ta làm dấu gọi tôi lại gần và hỏi tên tôi là gì.
Tự nhiên ý thức được cái cảnh ngộ có một vẻ gì éo le như trên sân khấu, tôi làm
ra vẻ ngây ngô và trả lời rằng : “Tên cháu là Sạc-lơ Sa-pơ-lanh (Charles Chaplin)”. Liền đó ông
ném cái nhìn qua người thiếu phụ, đoạn lục lạo trong túi áo, cho tôi nửa đồng
tiền vàng. Tôi không còn nấn ná lại phút nào, đi thẳng một mạch về nhà và bảo
cho mẹ tôi biết rằng tôi đã gặp cha tôi.
Thế mà bây giờ tôi sắp trở
về chung sống với ông. Dù sao đi nữa thì thành phố ấy cũng là một nơi quen
thuộc và không xa lạ tối tăm như chốn trường này.
________________________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG III