LỜI NÓI ĐẦU
Ngày nay không ai là không biết đến vua hề Sạc-Lô (Charlot) với
những dáng vẻ đặc biệt khôi hài, với những kiểu cách độc đáo trong mọi cử điệu,
với những phim câm có thể gây những trận cười giòn giã, nhưng đồng thời cũng
làm cho người xem chua xót, bùi ngùi.
Từ xưa vai hề được xem như kẻ phụ thuộc, cốt để làm
vui khán giả hầu giúp đổi thay không khí trong các màn lớp của một vở tuồng.
Nhưng với Sạc-Lô, vai hề đã được nâng cao lên đến tột đỉnh vinh quang của một
vai trò chủ yếu bằng một nghệ thuật siêu đẳng. Bởi qua thiên tài Sạc-Lô, vai hề
không chỉ giải trí người xem mà còn đề cập đến nhiều vấn đề xã hội lớn lao,
đồng thời bày tỏ một quan niệm sống. Sạc-Lô đứng hẳn về phía những kẻ cùng
khốn, thiệt thòi, để mà phê phán cuộc đời. Chính quan niệm sống đúng đắn ấy
giúp phát hiện được hết khía cạnh của tài năng ông và làm nghệ thuật của ông gắn
liền, hòa hợp với cuộc sống chung quanh. Vì thế ông được ngưỡng mộ như một vĩ
nhân, và trong phạm vi nghệ thuật ông là thiên tài quốc tế được nhiều người
biết đến nhất.
Chúng ta chỉ biết Sạc-Lô qua những phim câm và thường
nghe nói về ông như một con người có nhiều tài năng, danh vọng, nhưng chưa biết
đến những ngày khốn khổ của ông trong buổi thiếu thời. Có lẽ chưa có một vĩ
nhân nào đã trải qua một tuổi thơ đói nghèo như thế, và cũng có lẽ nỗi khốn khổ
ấy đã sớm giúp ông đạt đến thiên tài, một thiên tài gần gũi nhiều với đông đảo
người trên thế giới này.
Ở đây chúng tôi đã chọn trích dịch đoạn đầu quyển hồi
ký Chuyện Đời Tôi do chính vua hề Sạc-Lô viết về đời mình.
Trong khi chờ đợi điều kiện thuận tiện để in toàn bộ tập hồi ký ấy, chúng tôi
mong rằng đoạn trích dịch này có thể giúp các bạn trẻ suy nghĩ nhiều hơn về sự
hình thành của một thiên tài, và tìm thấy trong những nỗi gian nan mà chính cậu
bé Sạc-Lô trải chịu, nhiều sự khích lệ cho mình cầu tiến.
Sàigòn 1/5/1974