Thứ Năm, 27 tháng 8, 2015

CHƯƠNG VIII_CUỘC ĐỜI THƠ ẤU CỦA VUA HỀ SẠC-LÔ


CHƯƠNG VIII


Tôi nhớ văn hào Công-Rát (Conrad) đã viết cho một người bạn rằng cuộc sống cho ông ta cảm tưởng như mình là con chuột mù nằm ở góc nhà, chờ đợi giờ phút người ta đập chết. Sự so sánh ấy có thể coi như phù hợp vào biết bao nhiêu cảnh ngộ bi thảm mà chúng ta đây có thể trải qua. Nhưng trong chúng ta cũng có nhiều người gặp được một dịp sung sướng, một dịp may mắn, và đó là điều đã xảy ra cho bản thân tôi.

Tôi đã bán báo, làm thợ nhà in, bán đồ chơi cho trẻ con, thổi chai, chạy việc cho thầy thuốc v.v… nhưng trong những cuộc phiêu lưu nghề nghiệp như thế, tôi cũng như anh Sít-nê, không bao giờ quên cái đích tối hậu đời mình là thành kịch sĩ. Vì vậy, gặp được dịp rảnh nào là tôi đánh giày, chải áo tìm đến xin việc tại sở kịch nghệ Bờ-Lắc-Mo (Blackmore). Tôi đã đi lại như thế mãi cho đến ngày áo quần của tôi không cho phép tôi được xuất hiện nữa. Nhưng một tháng sau ngày anh Sít-nê tôi về, tôi được nhận vào đoàn hát. Khi được chấp thuận và hẹn ngày giờ làm việc tôi lên xe buýt về nhà, say sưa vì hạnh phúc. Người ta chịu trả cho tôi số tiền thù lao hai liu và mười xi linh mỗi tuần. Như thế, tôi đã đột ngột rời khỏi cuộc đời nghèo khổ và bước vào trong giấc mơ ôm ấp từ lâu, giấc mơ mà mẹ tôi từng nói đến với một niềm vui lạ lùng. Tôi sẽ trở thành diễn viên sân khấu. Tất cả điều ấy xảy tới đột ngột chừng nào, bất ngờ bao nhiêu. Suốt cái thời gian ngồi trên xe buýt tôi cảm thấy mình đã vượt qua được một giai đoạn thật là quan trọng. Tôi không còn là nhân vật vô danh lê lết trên các ngoại ô. Bây giờ tôi đã thuộc vào thế giới kịch nghệ. Nghĩ thế, tôi chỉ chực khóc.

Khi tôi trở về kể lại đầu đuôi câu chuyện người ta đã tiếp nhận tôi ra sao cho anh tôi nghe, nước mắt anh tôi bỗng chảy đầm đìa. Anh ngồi nơi giường nhìn ra cửa sổ với vẻ suy nghĩ, vừa lắc lư đầu và vừa gục gặc rồi nói một cách trang trọng:

- Chúng ta đang ở vào một khúc quanh quan trọng của cuộc đời mình. Ước gì có mẹ ở đây để cùng vui với chúng ta.

Tôi tiếp lời anh một cách phấn khởi:

- Anh thử nghĩ coi, họ đã chịu ký giao kèo để mình trình diễn bốn mươi tuần lễ mà cứ mỗi tuần là hai đồng liu và mười xi linh. Em cũng đã bảo ông bầu về việc giao kèo ký kết này nọ đều do anh quyết định cả, như thế mình còn có thể đòi được cao hơn. Ít ra năm này anh em mình để dành được sáu chục đồng liu là ít.

Sau khi sự phấn khởi đã dịu bớt, anh em chúng tôi nhận định là tiền thù lao hai liu và mười xi linh thật không xứng với vai trò quan trọng mà tôi nhận lãnh trong vở tuồng đó. Tôi bảo anh tôi cố gắng đòi thêm, nhưng cuối cùng ông bầu gánh tỏ ra không chút nao núng nên chúng tôi cũng thấy thế là quá tốt rồi. Anh tôi đọc hết vai kịch, giúp tôi học thuộc. Đó là một vai đáng kể, dài độ ba mươi lăm trang nhưng chỉ ba ngày tôi đã thuộc lòng. Đến ngày trình diễn để mà duyệt xét trước khi chính thức vào rạp người đạo diễn của đoàn hát tỏ ra hết sức ngạc nhiên hỏi tôi đã từng trình diễn lần nào ở trên sân khấu hay chưa. Mọi người trong đoàn tỏ ra hết sức hài lòng. Tôi chỉ còn mỗi khuyết điểm phải sửa chữa lại là hơi ngọ nguậy cái đầu và hay nhăn nhó trong khi phát biểu.

Đến khi thực sự trình diễn, vở kịch không được thành công. Các nhà phê bình sân khấu nặng lời chỉ trích, chỉ riêng mình tôi được vài lời khen. Một tờ báo viết : “Có một chi tiết đáng kể đã gỡ gạc được rất nhiều cho vở kịch, ấy là vai em bé bán báo đã gây vui nhộn và lôi cuốn được khán giả. Vai đó đã được Sạc-Lơ Sa-Pơ-Lanh, một kịch sĩ trẻ có tài thủ lấy”. Anh tôi đã mua mười hai tờ báo như vậy để mà lưu giữ. Suốt cái thời gian trình diễn hai tuần, chúng tôi vẫn ở nhà cũ vì trên phương diện kinh tế chúng tôi thấy chưa có gì thật sự bảo đảm. Vào một dịp rảnh, chúng tôi đến dưỡng trí viện thăm mẹ. Mấy cô khán hộ đều nói là mẹ tôi không được khỏe trong ngày hôm đó nên không thể nào thăm được. Họ kéo anh tôi lại chỗ khác để nói chuyện và tôi nghe anh trả lời:

- Không, tôi chắc nó không muốn đâu. (Đoạn, anh quay nhìn tôi với một vẻ mặt buồn bã) Em có muốn gặp mẹ trong biệt phòng không?

Tôi bước lùi lại, kêu lên:

- Ồ, không. Em không thể nào chịu nổi cảnh đó.

Nhưng anh tôi đến thăm mẹ, bà nhận ra được anh tôi và tìm lại được một sự tỉnh táo bình thường. Vài phút sau đó một cô khán hộ ra bảo nếu tôi muốn thăm hãy cứ theo vào và chúng tôi cùng gặp nhau ở trong biệt phòng. Trước khi anh em chúng tôi ra về mẹ tôi kéo riêng tôi ra một chỗ và bà thì thầm bảo tôi với một giọng nói tuyệt vọng:

- Nhớ đừng mất trí nghe con, nếu không họ sẽ nhốt con ở đây.

Mẹ tôi phải ở trong dưỡng trí viện đến mười tám tháng mới tìm lại được sức khỏe. Nhưng trong thời gian tôi đi trình diễn khắp nơi thì anh tôi vẫn thường xuyên đến viếng thăm bà.

Trong chuyến trình diễn đầu tiên ban Quản trị của đoàn hát bảo tôi cùng ở chung với vợ chồng ông Gờ-Rin (Green). Ông là thợ mộc của đoàn, bà phụ trách việc may mặc. Ở chẳng vui gì mà ông bà này lại còn có tật nghiện rượu. Tôi không thích ngồi ăn chung với họ, và cũng không ưa được cách ăn uống của họ. Tôi nghĩ cuộc chung sống này đã chẳng vui gì cho họ mà cũng chẳng vui gì cho tôi. Được ba tuần lễ, chúng tôi đồng ý ở riêng và bởi tôi còn quá trẻ để chung sống với các đào kép khác nên tôi phải ở một mình. Như thế, tôi sống đơn độc trong một thành phố xa lạ, một mình ở trong chiếc phòng nhỏ bé và trước khi đêm trình diễn bắt đầu tôi cũng ít khi tiếp xúc với một ai khác, tôi chỉ được nghe có mỗi giọng nói của tôi mỗi khi tôi nói mà thôi. Thỉnh thoảng tôi cũng bước vào tiệm nước mà các đào kép cũng như nhân viên của đoàn tụ tập, để xem họ chơi bi da. Nhưng tôi luôn có cảm tưởng sự tôi hiện diện làm họ không thích chuyện trò và họ cũng tìm cách cho tôi thấy rõ ràng điều ấy. Khi họ đùa cợt, nếu tôi hòa tiếng cười theo thì họ nhìn tôi một cách thật là nghiêm khắc.

Dần dần nỗi buồn xâm chiếm lấy tôi. Một tối thứ bảy khi chúng tôi đến những thành phố về phía Bắc tôi chỉ còn nghe những hồi chuông reo thảm đạm trong khi tôi dạo bước trên đường lớn. Bóng tối xuống dần, và nỗi cô độc của tôi cũng không có cách gì xoa dịu. Những ngày trong tuần tôi đi lang thang vào trong các chợ địa phương mua sắm này nọ và mua thức ăn để về cho người chủ trọ nấu nướng. Đôi khi tôi đến thuê một phòng trọ và tôi cùng ăn với gia đình chủ. Việc này làm tôi thích thú vì cách nấu ăn của người miền Bắc thật là sạch sẽ và rất ngon lành.

Tôi đi trình diễn trong vòng sáu tháng. Trong thời gian đó anh Sít-nê tôi vẫn chưa thành công trong ước vọng thành kịch sĩ nên tạm kiếm việc làm khác và được thu nhận vào bán trong một tiệm lớn. Trong số một trăm năm chục người xin vào làm, người ta chỉ chọn mỗi anh. Vậy mà anh vẫn cảm thấy đó là một sự thất bại nặng nề. Anh thường xuyên viết cho tôi để cho tôi biết tin tức về mẹ nhưng tôi ít khi trả lời thư anh, trước hết vì chữ tôi viết quá kém. Có một bức thư của anh làm tôi hết sức cảm động. Anh đã trách tôi về việc vắng bặt thư từ, gợi lại bao nhiêu đau khổ mà chúng tôi đã trải chịu cùng nhau, và những tủi nhục, những khổ nghèo ấy đáng lẽ phải làm chúng tôi gắn chặt vào nhau. Anh viết “Từ ngày mẹ của chúng ta lâm bệnh, mỗi người trong chúng ta đây chỉ còn có nhau trên cõi đời này. Em hãy thường xuyên viết thư cho anh, để nhắc nhở anh nhớ rằng anh vẫn còn có đứa em”. Thư anh thật là cảm động, và tôi vội vàng trả lời. Kể từ ngày ấy, tôi nhìn anh tôi với một tâm tình khác hẳn. Bức thư của anh làm gắn chặt thêm tình anh em giữa chúng tôi và mối tình ấy bền chặt suốt cuộc đời tôi.

Tôi đã tập thói quen để sống một mình. Nhưng tôi đã mất thói quen ăn nói đến nỗi thình lình gặp một nhân viên đoàn hát tôi thấy lúng túng một cách khủng khiếp. Tôi không thể nào tìm lại ý nghĩ cho kịp để trả lời thật thích đáng những câu người ta hỏi tôi, và khi người ta đi rồi tôi chắc họ cũng ngờ tôi mất trí. Cô đào chánh của đoàn tôi thật đẹp, thật là dễ thương và thật tử tế, vậy mà đi ở ngoài phố trông thấy cô ta đi về phía mình tôi phải vội vàng quay lưng giả bộ chăm chú nhìn trong tủ kính và tìm rẽ sang lối khác để tránh chạm mặt. Dần dà tôi không chú trọng tới sự ăn mặc, trở thành hết sức lôi thôi. Cùng đi với đoàn bao giờ tôi cũng trễ lại sau cùng, và đến phút cuối tôi mới chạy đến sân ga, tóc tai bù xù, nên thường xuyên bị trách mắng. Để cho có bạn, tôi bèn mua một con thỏ, và dừng lại một nơi nào tôi tìm cách đem nó nhốt chung vào phòng mình mà không cho chủ nhà biết. Con thỏ thật xinh nhưng không quen sống trong nhà. Bộ lông của nó vừa trắng vừa sạch đến nỗi không ai ngờ rằng nó lại có thể hôi hám đến thế. Tôi nhốt nó trong một cái lồng bằng gỗ nhỏ, giấu ở dưới giường. Bà chủ bước vào trong phòng thật là vui vẻ, mang các thức ăn cho tôi, nhưng cũng liền đó bà ta đánh hơi thấy mùi khác lạ và vội vàng bước ra ngoài với vẻ ngạc nhiên, lo lắng. Đợi bà ra khỏi, tôi phóng thích ngay con thỏ để nó vọt qua khỏi phòng. Từ đó, tôi tìm cách dạy nó biết vọt ra khỏi chuồng mỗi lần có người gõ cửa. Khi bà chủ nhà khám phá được bí mật đó, tôi bèn trình bày sự việc khiến bà cũng thấy cảm động và bà cố gắng chịu đựng chúng tôi trong một tuần lễ. Nhưng lúc tôi đến Tô-Ni Pân-Đi sau khi tôi đã trình bày cho bà chủ nhà biết rõ tài nghệ của con thỏ tôi, bà ta mỉm một nụ cười bí mật không nói năng gì. Nhưng tối hôm đó, khi tôi trở về, thì con thỏ đã biến mất. Tôi có gặng hỏi, bà chủ lắc đầu và bảo:

- Chắc là nó trốn đâu đó hay ai đánh cắp mất rồi.

Nhưng chính bà đã tìm ra một cách giải quyết vấn đề thật là công hiệu.

Sau khi trình diễn bốn mươi tuần lễ vòng quanh các tỉnh, đoàn của chúng tôi quay về trình diễn tám tuần trong vùng ngoại ô Luân Đôn. Vở kịch chúng tôi đang diễn thâu gặt kết quả hết sức rực rỡ, nên hết chuyến lưu diễn này sẽ tổ chức thêm một chuyến thứ hai độ ba tuần lễ. Anh tôi và tôi quyết định rời khỏi chỗ cũ quá sức chật chội để tìm thêm một ngôi nhà ở trong khu phố khang trang hơn nhiều. Như những con rắn, chúng tôi cũng muốn thay da, rời bỏ những vết tích của quá khứ. Có một vai phụ ở trong vở kịch trong chuyến lưu diễn sau này và tôi đề nghị với viên quản lý đoàn hát thâu nhận anh tôi thủ vai trò đó. Anh tôi đã được chấp thuận với tiền thù lao mỗi tuần là ba mươi lăm xi linh. Lần này chúng tôi được đi chung trong đoàn hát. Mỗi tuần anh tôi đều viết thư về cho mẹ, và sau chuyến lưu diễn này chúng tôi nhận được lá thư của dưỡng trí viện cho biết mẹ tôi đã bình phục rồi. Thật là một tin hết sức vui mừng. Chúng tôi sắp xếp mọi việc để mẹ tôi rời bệnh viện và về ở với chúng tôi. Để mừng sự đoàn tụ ấy, chúng tôi thuê một ngôi nhà thật sang gồm có hai phòng và một phòng khách, có một dương cầm trong phòng mẹ tôi cùng với nhiều hoa, và chúng tôi đặt một bữa ăn tối thật là sang trọng. Anh tôi và tôi ra ga đón mẹ, hớn hở sung sướng, nhưng tôi vẫn tự hỏi lòng với ít nhiều nỗi âu lo không hiểu mẹ tôi trở về lại với cuộc sống chúng tôi sẽ như thế nào, vì tôi hiểu rằng những sợi dây đã ràng buộc chặt chẽ chúng tôi như là ngày xưa không bao giờ tìm lại được.

Cuối cùng tàu đến. Chúng tôi nhớn nhác dò xét từng khuôn mặt người bước xuống từ các toa tàu. Rồi mẹ tôi đến, tươi cười bước tới một cách trầm lặng. Bà không lộ một vẻ gì xúc động khi anh em tôi gặp bà, mà đã đón tiếp chúng tôi với sự phải phép thân tình. Rõ ràng mẹ tôi cũng cần phải có thời gian để mà hòa hợp.

Trên chuyến xe ngựa ngắn ngủi từ ga về nhà, mẹ con chúng tôi nói hàng trăm chuyện. Sau phút phấn khởi dẫn dắt mẹ tôi xem nhà, xem căn phòng dành riêng cho bà, chúng tôi họp lại ở trong phòng khách, nhìn nhau nghẹn ngào. Đó là một ngày đẹp trời, căn phòng chúng tôi nhìn ra đường phố yên tĩnh, nhưng sự vắng lặng bây giờ trở thành nặng nề và mặc dù tôi cảm thấy muốn được toại lòng tôi cũng phải chống chọi lại một nỗi ngột ngạt. Người mẹ khốn khổ của tôi chỉ đòi hỏi thật ít ỏi trong cuộc đời này để được sống vui, gợi tôi tưởng nhớ lại cái quá khứ buồn thảm của mình. Và mẹ tôi là con người cuối cùng trên cõi đời này có thể tác động đến tôi như thế. Tôi tìm mọi cách che giấu những cảm nghĩ ấy. Mẹ tôi có phần già hơn và nặng nề hơn. Tôi thường lấy làm kiêu hãnh về cái dáng đi của bà, về cách ăn mặc của bà và tôi muốn đem bà đến trình diện với đoàn, nhưng bây giờ bà có vẻ xuềnh xoàng. Chừng đoán được ý nghĩ tôi bà quay lại nhìn với một ánh mắt dò hỏi. Tôi đưa tay vén mái tóc mẹ tôi một cách ngượng ngập và mỉm cười nói với bà:

- Trước khi đưa mẹ đến gặp đoàn hát, con muốn mẹ thật khỏe đã.

Mẹ tôi nhìn tôi, rồi cầm búp phấn xoa lên mặt bà vui vẻ nói:

- Mẹ thật sung sướng vì còn được sống.

Chỉ một thời gian ngắn sau, chúng tôi hòa hợp và nỗi buồn rầu của tôi cũng tan biến đi. Mẹ tôi hiểu rõ hơn chúng tôi nhiều rằng cái thời kỳ âu yếm thân mật khi chúng tôi còn ở tuổi ấu thơ giờ đã qua rồi, và điều đó làm cho bà trở thành yêu quý đối với chúng tôi hơn nữa. Trong cuộc lưu diễn mẹ tôi lo các công việc mua sắm về phần chợ búa, bà thường mua các kẹo bánh, trái cây và hoa về cho chúng tôi. Vì ở ngày xưa, trong cái thời gian khốn khổ nghèo nàn là vậy, khi có dịp đi mua gì vào chiều thứ bảy mẹ tôi cũng vẫn cố gắng mua về cho chúng tôi một bó hoa nhỏ giá độ một xu. Nhưng cũng đôi khi mẹ tôi ít nói, tỏ ra dè dặt và thái độ ấy làm tôi buồn lòng. Mẹ đã xử sự như một người khách trong nhà hơn là mẹ của chúng tôi.

Được chừng một tháng mẹ tôi muốn quay trở về Luân Đôn vì bà nóng lòng muốn lo thu dọn để khi hết chuyến lưu diễn anh em chúng tôi có một ngôi nhà tươm tất để ở. Bà còn bảo rằng đi theo đoàn hát chỉ thêm tốn kém.

Mẹ tôi thuê một căn nhà khá tốt, tìm cách trang trí thật đẹp. Hai anh em tôi mỗi tuần lãnh được bốn liu và năm xi-linh, chúng tôi cùng trích để gởi cho mẹ một liu và năm xi-linh. Hết kỳ lưu diễn lần thứ hai này anh em tôi sẽ cùng ở với mẹ trong nhiều tuần lễ. Dù rất sung sướng trong cảnh sống ấy, thâm tâm chúng tôi vẫn thích được đi lưu diễn trở lại. Hẳn là mẹ tôi cũng hiểu điều đó. Khi bà tiễn anh em tôi ở tại sân ga trông bà rất vui nhưng chúng tôi thấy bên trong như ẩn nỗi buồn. Trong kỳ lưu diễn lần thứ ba này mẹ tôi viết gởi chúng tôi có cho biết về một sự éo le do chính định mệnh gây nên là bà Lu-i, người vợ thứ hai của cha tôi đã chết ở viện Tế bần Lâm Bết, cùng nơi mà mẹ con tôi đã từng trú ngụ ngày xưa. Sau khi cha tôi qua đời được chừng bốn năm thì bà nối gót, để lại đứa bé một mình, và nó cũng được gởi đến trường học Hân Huên mà anh em tôi ngày xưa đã phải trải qua. Mẹ tôi viết rằng bà có đến thăm đứa bé, cho nó biết bà là ai, nhắc lại anh tôi và tôi đã cùng chung sống với cha mẹ nó ở phu phố cũ. Nhưng nó hầu như không nhớ được gì, vì vào thời đó nó mới lên bốn. Nó cũng không còn giữ lại một hình ảnh nào về cha nó nữa. Bây giờ nó đã lên mười. Nó mang tên của mẹ nó khi bà còn bé, và theo như mẹ tôi biết thì nó không còn ai là bà con thân thích. Mẹ tôi tả nó như một đứa bé xinh đẹp, ít nói, cả thẹn và vốn ưu tư. Mẹ tôi đem đến cho nó kẹo bánh, trái cây và hứa hẹn sẽ thường xuyên thăm nó, điều mà chúng tôi chắc chắn là bà giữ lời, mãi cho đến lúc bà bị mất trí trở lại và phải đưa vào dưỡng trí viện.

Cái tin mẹ tôi đau lại làm anh em tôi thực là khổ tâm. Chúng tôi không bao giờ biết rõ được chi tiết của sự việc ấy. Anh em tôi nhận được một thông báo vắn tắt cho biết người ta tìm thấy mẹ tôi lang thang ở ngoài đường phố miệng nói lảm nhảm. Chúng tôi không còn có thể làm gì khác hơn là phải chấp nhận số mệnh của người mẹ khốn khổ ấy. Bà không bao giờ tìm lại hoàn toàn được tâm não mình. Trong nhiều năm dài bà đã héo mòn trong dưỡng trí viện cho đến ngày anh em tôi có đủ phương tiện đưa bà chữa trị trong một bệnh viện.

Đôi khi những vị hung thần chuyên gieo tai họa cho người cũng thấy mệt mỏi và lại rũ lòng thương hại, như trong trường hợp mẹ tôi. Trong bảy năm sau của cuộc đời bà, bà đã sống trong tiện nghi đầy đủ, giữa hoa và ánh sáng, và thấy những đứa con bà đạt được danh vọng và sự giàu sang ở ngoài mọi sự mơ ước của bà.


Sạc-Lơ Sa-Pơ-Lanh 
(Vũ Hạnh lược dịch)  
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>