Thứ Ba, 11 tháng 8, 2015

CHƯƠNG VII, VIII_NHÀ THƠ LÃNG TỬ


CHƯƠNG VII  

NHỮNG TIN TỨC BỔ ÍCH CỦA CHỊ SÁU PHIÊN  


Ngồi quây quần trên hàng ba rợp bóng mát của nhà ương cây, chúng tôi bàn cãi sôi nổi. Câu chuyện trao đổi giữa chị làm công người Thượng, bé Thơ và tôi khiến các bạn suy nghĩ rất lung. Tâm khuyên tất cả hãy bình tĩnh, chớ vội vàng mà hư hết công việc. Cần xét lại cẩn thận từng điểm một.

Bé Thơ gật đầu đồng ý ;

- Đúng rồi ! Chúng ta xét lại từng chi tiết một. Đây nhé : bé Bích là con một ông bác sĩ mà lại là bác sĩ giải phẫu. Bác sĩ giải phẫu là giàu lắm. Dẫn chứng : bà Lê Trọng Bảo đã thuê riêng một chị người Thượng chỉ chuyên việc trông em mà thôi. Ngoài chị này ra nhất định phải còn một chị bếp,một chị dọn phòng, rồi một anh làm vườn, một anh tài xế lái xe nữa.

Chị người Thượng cũng thú nhận là đã có một vài lần để bé Bích chạy nhẩy một mình trong công viên, gần chỗ nhốt nai, hoẵng. Và cũng như bé Kính, bé Bích thường mặc một chiếc quần yếm màu xanh dương.

Suy nghĩ một chút, bé Thơ nói tiếp :

- Còn điều này nữa. Chị người Thượng giữ em trông trẻ hơn má bé Kính, nhưng cả hai đều da ngăm ngăm đen, tóc búi cùng một kiểu, tầm vóc người cũng hơi thấp như nhau. Trông thấy người nọ tưởng người kia là chuyện rất dễ xảy ra, nhất là dưới bóng cây râm mát, âm u thì lại càng dễ lầm lắm. Thế rồi, buổi sáng xẩy ra vụ bé Kính mất tích, chị người Thượng này không có mặt tại công viên. Theo ý tôi, tụi gian, rình rập tại một chỗ hơi xa, đã trông lầm. Khi thấy bé Kính một mình lững thững đi ra chỗ nai, hoẵng, nó đã dắt em đi qua lối bậc tam cấp, né tránh chỗ cây đu cầu tuột kia là chỗ các bà mẹ ngồi.

Tâm gật gật đầu ;

- Lời giải thích của bé Thơ hợp lý lắm. Trông bé Kính tưởng bé Bích, thấy bà Tám Vinh lại cho là chị giữ em nhà bác sĩ Bảo, chuyện đó có thể lắm. Bây giờ tụi mình tính sao đây ?

Bình Trọc :

- Báo cho cảnh sát hoặc bác Ninh, ba Tường Vi là những người lớn biết.

Tôi gạt đi ngay :

- Không được đâu. Muốn trình cảnh sát cần phải có bằng chứng rõ rệt mới được. Mà nói với bác Ninh lại ngại bác phiền lòng : ra đây nghỉ mát thì chỉ biết nghỉ mát thôi, còn bày đặt xía vào chuyện người lớn làm gì.

Bé Thơ hơi lớn tiếng :

- Nhưng dù muốn, dù không, chúng ta cũng vẫn phải cứu bé Kính và ông híp-pi. vậy phải làm cái gì chứ, không lẽ bó tay ngồi không sao ?

Bình Trọc đưa tay lên gãi đầu, dấu hiệu chứng tỏ đang suy nghĩ dữ lắm :

- Vậy tất cả chúng mình hãy cho bộ óc làm việc mạnh đi… Theo riêng tôi, tạm cho việc bọn gian nhằm em nhỏ con một ông bác sĩ là có thật. Vậy xin hỏi tại sao tụi chúng lại lựa chọn bác sĩ Bảo thay vì một ông khác. Sự lựa chọn chắc phải có một lý do. Lý do nào ?

Tâm giơ hai ngón tay :

- Theo tôi, có hai lý do chứ không phải một. Thứ nhất : bác sĩ Bảo giàu có nổi tiếng tại Biên Hoà. Thứ hai : đứa con trai cưng của ông ấy sáng nào cũng tới công viên, một nơi rất thuận tiện cho việc bắt cóc.

- Khá lắm ! Nhưng tại Biên Hoà đây, giàu có như bác sĩ Bảo có tới hai chục người chớ ít sao. Rồi cũng có nhiều nơi khác thuận tiện cho việc bắt cóc. Trường học, lúc giờ về chẳng hạn.

Bé Thơ vội vã cắt ngang lời Bình Trọc :

- Xin lỗi anh Bình nghe ! Đang kỳ nghỉ hè mà trường học với giờ về cái nỗi gì. Hai lý do anh Tâm nêu ra rất đúng. Nhưng theo Thơ, còn một lý do thứ ba nữa. Lý do này bí mật hơn nhiều. Chúng mình cố tìm xem.

Cả bọn lại đăm chiêu suy nghĩ. Chợt, tôi nhớ ra một điều. Hồi năm ngoái đọc báo, bắt gặp mục tin đăng tải một vụ bắt cóc con nít tại Đà Nẵng. Sau tám ngày truy lùng, cảnh sát Đà Nẵng đã thộp cổ được thủ phạm, hai cựu nhân viên nhà máy sợi mà cha ruột em bé bị bắt cóc làm giám đốc. Tôi khẽ rỉ tai nói cho bé Thơ biết ý kiến. Bé Thơ tán đồng ngay :

- Đúng ! Lý do thứ ba anh Chiêm nêu ra hay lắm ! Nghĩa là… Nghĩa là chúng mình chĩa mũi dùi điều tra về hướng các người đã có một thời kỳ giúp việc nhà bác sĩ Bảo. Anh Chiêm còn nhớ chứ! Chị người Thượng nói : trước khi chị tới làm, bé Bích không được coi sóc cẩn thận lắm. Tôi cho rằng người làm trước đã bị cho nghỉ việc. Do đó, y tìm cách báo thù.

Tâm :

- Vậy thì việc cần bây giờ là phải tìm để biết ai là chị người làm trước ấy, bằng cách hỏi lại chị người Thượng hoặc những cửa tiệm kế cận nhà bác sĩ Bảo. Địa chỉ bác sĩ Bảo, có thể hỏi thăm dễ dàng. Bây giờ chúng ta đi, nghe. Chiêm và Bình lảng vảng ở gần nhà bác sĩ bảo chờ đón chị người Thượng. Chị ta nhận được Chiêm là người đã gặp trong công viên, việc hỏi thăm sẽ dễ dàng. Bé Thơ và tôi, trong khi đó, vào các tiệm tạp hoá gần đấy mua thức ăn. Có mua đồ như thế mới dễ gợi chuyện các bà bán hàng.

Mười lăm phút sau, chúng tôi đã lên tới con đường Nguyễn Du đông đúc, buôn bán sầm uất nhất thành phố. Tường Vi bị cảm sốt nằm nhà. Đồng thời con Ca Phi cũng được tôi thả trong nhà ương cây, không cho đi theo, sợ mọi người để ý.

Bình Trọc tìm ra địa chỉ bác sĩ Bảo không mấy khó khăn. Biệt thự thật lớn rộng, chung quanh trồng toàn vú sữa.

Tâm và bé Thơ vào các tiệm mua trứng vịt, khoai tây, rau trái. Bình Trọc và tôi đặt bước đi bách bộ trước khu biệt thự của bác sĩ Bảo.

Thời gian trôi nhanh, thỉnh thoảng có bóng người thấp thoáng sau những tấm ri đô trong nhà bác sĩ Bảo nhưng không một ai bước ra ngoài cổng vườn.

Nửa tiếng đồng hồ sau, tình trạng chờ đợi vẫn kéo dài, Tâm và bé Thơ vác hai túi lớn đựng thức ăn lục tục kéo đến. Bé Thơ lắc đầu mệt mỏi :

- Anh Chiêm và Bình chưa gặp được chị người Thượng ? Anh Tâm và Thơ đã mua từng này khoai tây, rau và ba tá trứng vịt rồi, không lẽ mua nữa thì tiền đâu. Mà rốt cuộc chỉ hỏi được tên của người giữ em nhà bác sĩ Bảo mà thôi. Ngoài ra, địa chỉ chẳng một ai biết. Sáu Phiên ! Chị giữ em trước tên là Sáu Phiên !

Thì giờ lại lặng lẽ trôi. Vẫn không thấy bóng dáng chị người Thượng đâu hết. Không chừng chúng tôi phải đánh liều vào gõ cửa nhà bác sĩ Bảo. Tôi đưa ý định ấy ra hỏi ý kiến Bình Trọc. Nó lắc đầu quầy quậy :

- Không được đâu ! Tụi mình điều tra bí mật kia mà. Đã có gì chắc chắn đâu mà làm rùm beng lên, không có lợi gì cả. Bây giờ ta quay về phố chính, qua sạp báo xem có gì lạ không vậy.

Bốn đứa chúng tôi nán lại sạp báo quen thuộc mới được một phút, chợt một ông dáng người nhỏ nhắn, ăn mặc sang trọng, bước vào hỏi mua ba gói thuốc lá Bastos xanh.

Bà vợ ông chủ tiệm ngồi ở quầy hàng ngạc nhiên :

- Ba bao Bastos xanh ?

Rồi bà mỉm cười nói tiếp :

- Bác sĩ không kiêng cữ mà lại hút dữ hơn người thường ?

- Hút dữ gì đâu ? Mua phòng hờ đem đi đường đó bà. Ngày mai tôi đi ra Vũng Tàu. Không khí ngoài biển thoáng đãng, lo gì bộ máy hô hấp không được tẩy độc kia chứ ?

Ông khách cất ba bao thuốc vào cặp da, trả tiền, bắt tay ông chủ tiệm, đoạn bước ra.

Bé Thơ khẽ hỏi :

- Ông này là ai thế bà ?

Bà chủ tiệm cười vui, giọng giỡn cợt :

- Ông này hả ? Ai mà bị rơi vào tay ông ấy là nguy à nghe ! Bác sĩ Bảo chuyên mổ xẻ tại nhà thương đấy.

Cả bọn không ngăn nổi một tiếng reo khẽ. Bé Thơ long lanh đôi mắt :

- Chúng cháu muốn hỏi thăm một người trước đây đã làm công cho bác sĩ Bảo, một chị giữ em mới nghỉ việc cách đây chừng sáu bẩy tháng gì đó. Tên là Sáu Phiên !

- À, Sáu Phiên ! Chị Sáu Phiên thì tôi biết. Tưởng ai. Sao lại có sự tình cờ lạ lùng thế nhỉ ? Chị Sáu Phiên đã có một thời kỳ giúp việc tôi. Hồi đó, chị ấy chưa làm cho bác sĩ Bảo. Cách đây cũng đã sáu, bảy năm rồi. Cháu biết chị ta hả ?

- Dạ không ! Nhưng cháu cần gặp để hỏi thăm một điều này cần lắm.

- À, ra thế ! Tôi báo trước cho cháu biết : chị ta hơi khùng đấy nhé. Coi chừng ! Đến gặp, có thể chị ta sẽ tiếp đãi các cháu rất niềm nở mà cũng có thể các cháu sẽ bị chị ấy lấy chổi chà mà quơ cho một chầu đấy. Thời kỳ làm với tôi thì không có gì đáng nói, nhưng càng có tuổi, chị ta lại càng thay đổi rất kỳ quái. Khi giúp việc bác sĩ Bảo, đã có lần chị ấy nhốt thằng nhỏ Bích vào trong tủ áo chỉ vì nó có tật hay khóc dai. Bà bác sĩ Bảo hay được nên đã đuổi không cho làm nữa đó…

- Bây giờ chị ấy ở đâu hả bà ?

- Nghe nói ở phố Ga ! Chắc bây giờ vẫn ở đấy thì phải.

Chúng tôi rối rít cám ơn bà chủ tiệm rồi quay ra.

Bé Thơ :

- À, thì ra chị Sáu Phiên này hơi khùng. Vậy chị dám xúi người bắt cóc bé Bích con bác sĩ Bảo để báo thù lắm. Chị đã bị bà bác sĩ đuổi không cho làm nữa vì cái tật khùng mà. Bây giờ tụi mình ghé về nhà cất mấy túi đồ ăn này, xong, đi kiếm nhà chị ấy, nghe.

Bình Trọc gật đầu :

- Ờ, phải đấy. Và Chiêm cho cả con Ca Phi đi theo. Đến gặp bà “điên” đề phòng cẩn thận vẫn hơn chứ.

Cả bọn rảo bước về công viên. Cất đồ xong, tôi dắt theo con Ca Phi rồi cùng ba bạn quay ra tìm đường lên phố Ga.

Mười lăm phút sau, chúng tôi đã đi tới một con đường nhỏ rải đá có đường rầy xe lửa băng qua. Hai bên đường toàn là những căn nhà nho nhỏ, hầu hết có vườn hoa xinh xinh trước cửa.

Một bà bán hàng rong chỉ cho chúng tôi nhà chị Sáu Phiên :

- Đó, căn nhà quét vôi xanh, cửa sổ sơn màu trắng ở gần cuối dẫy đó. Các cô các cậu đứng trên cái bực thềm xây ấy rồi kéo chuông, nghe. Chị Sáu có ở nhà đấy. Tôi vừa mới thấy chị ta xong.

Cả bọn thong thả bước dần tới. Căn nhà rất dễ nhận ra. Tường xanh, cửa sổ trắng, có ba bậc thềm thật dài. Trên thềm, dựa bên cánh cửa đóng kín là một… cây chổi chà.

Hai bên thềm có tới gần hai chục chậu trồng bông, toàn hoa nhài, nở những bông trắng muốt, toả hương thơm ngào ngạt.

Giọng nói của bé Thơ chợt run run :

- Sao tôi ngại ngùng quá, anh Chiêm ! Cũng may mà anh lại dắt con Ca Phi theo.

Bình Trọc tiến lên :

- Ba người đứng chờ đây. Để tôi lên trước cho.

Bình vừa đặt chân lên bậc thềm thứ nhất, chưa kịp kéo chuông, cánh cửa ra vào đã hé mở. Một bà trông hãy còn trẻ bước ra. Bà ta người nhỏ nhắn, da mặt trắng hồng, tóc búi gọn ghẽ, quấn trong một chiếc “băng đô” xanh trông thật là đẹp mắt.

Bình Trọc ấp úng :

- Thưa… thưa chị… à, bà Sáu Phiên !

- Phải, phải !... tôi đây ! Các em kiếm tôi hả ? Có việc gì thế ? Mà các em từ đâu tới. Vào đi, xin mời vào trong nhà ngồi chơi. Chịu khó chùi giày cho sạch đã nghe !

Tôi nơm nớp, hết ngó hai tay bà Sáu Phiên lại cây chổi. Nhưng may quá, không thấy bà động dụng gì. Mà ngó bộ bà Sáu cũng rất dễ thương là khác.

Bé Thơ hạ giọng nói nhanh chỉ riêng mình tôi nghe :

- Bữa nay chắc nhờ mát trời nên bà Sáu chưa lên cơn đó ! Tụi mình phải lợi dụng cơ hội tốt mới được.

Bà Sáu đưa chúng tôi vào trong gian bếp. Sàn nhà, sàn bếp, sạch bóng sạch trơn. Bà đưa mắt ngó Ca Phi :

- Tôi sợ chó lắm. Nhưng con này coi bộ to lớn mà ngoan quá, hả các em. À… sao ? Các em cần tìm tôi có việc gì thế ?

Bé Thơ nói đại :

- Dạ… dạ… thưa bà Sáu ! Mấy cây hoa nhài của bà Sáu đẹp và thơm quá. Chúng cháu định vào xin ít cành về trồng.

Bà chủ nhà hân hoan ra mặt :

- Các em cũng biết ngắm cây cảnh, cũng thích hoa nhài của tôi lắm sao ? Vậy thì tốt. Em gái muốn mấy nhánh ? Để tôi cắt cho đem về trồng ngay đi, nghe ! Quý lắm đấy !

Thế là bức tường ngăn cách giữa bà Sáu Phiên và chúng tôi đã được phá thông. Nói thực ra, trông bà Sáu cũng có vẻ khác thường thật. Cử chỉ hấp ta hấp tấp, tia mắt nhìn cứ hay quắc lên. Tuy nhiên, đối với chúng tôi, bà không làm một điều gì có thể gọi là kỳ quái cả. Sau một hồi nghe bà thao thao bất tuyệt ca tụng mấy cây nhài, tưởng chừng việc trồng loại cây đó khiến bà thích thú hơn tất cả mọi thứ trên đời, bé Thơ khéo léo lái câu chuyện sang… bác sĩ Bảo.

Bà Sáu Phiên chợt nói như reo ;

- A ! Bác sĩ Bảo ! Trời ! Một người rất tốt. Bà bác sĩ đẹp cứ như tiên, quý phái, sang trọng như một bà hoàng. Còn bé Bích. Úi chà ! Thật đúng là một con “búp bê”, ngoan ngoãn không để đâu hết. Tôi cũng đã có một thời kỳ giúp việc bác sĩ Bảo. Hồi năm ngoái đó. Bắt buộc phải nghỉ làm tại đó, tiếc quá trời. Tuổi mỗi ngày một lớn, sức khoẻ sút kém, công việc săn sóc trẻ em lại vất vả luôn tay, buộc lòng tôi phải xin nghỉ.

Bà Sáu Phiên nói thật hay nói dối đây ? Bà bị đuổi không cho làm việc nữa hay quả thực tự ý xin nghỉ ? Bà Sáu có vẻ khác người thật, nhưng, nhúng tay vào tội ác, chắc chắn là bà không dám đâu.

Thấy bà vui vẻ nói chuyện gia đình bác sĩ Bảo, tôi liền hỏi về những người giúp việc khác, chị bếp chẳng hạn. Không có gì đáng nói. Vì hiện giờ chị ta vẫn tiếp tục công việc, vả lại cũng đã lớn tuổi rồi. Khi tôi hỏi đến anh làm vườn và anh tài xế, bà Sáu Phiên đã nổi cơn thịnh nộ :

- À, anh làm vườn hả ? Thằng cha đó kỳ cục lắm, y biết cả lái xe, uống rượu cứ như hũ chìm. Tôi rất ghét những người lúc nào cũng sặc sụa hơi men. Tôi nghỉ được hơn một tháng thì anh ta cũng bị đuổi. Y chẳng làm cho ai được lâu bao giờ. Trước khi đến làm cho bác sĩ Bảo anh ta đã có thời kỳ giúp việc trong công viên thành phố. Chưa được ba, bẩy, hai mươi mốt ngày, lại nghỉ. Mò đến làm cho ông Nguyễn Mẫn được đâu nửa tháng, buồn tình lại bỏ đi. Từ đó, tôi chẳng còn được tin tức gì về anh ta nữa.

- Bà nói ông Nguyễn Mẫn ? Ông Mẫn nào nhỉ ?

- Ông Nguyễn Mẫn có cửa tiệm vàng thật lớn trên phố đó. Tụi gian bắt cóc bé Kính đã gọi điện thoại cho ông, bắt ông nộp tiền thay cho ba má bé Kính. Ông Mẫn chả là người nhân đức, sốt sắng trong các công tác xã hội mà. Ủa, vậy ra các em không biết gì hết ? Không đọc báo sao ?

Bốn đứa chúng tôi sững người ngồi im như tượng gỗ, mắt trợn tròn, miệng há hốc. À, thì ra anh chàng “sâu rượu” này đã có thời kỳ làm việc trong công viên, nếm cơm nhà bác sĩ Bảo rồi lại làm cho cả nhà ông Nguyễn Mẫn nữa. Kỳ quái ! Sao lại có sự trùng hợp lạ lùng như vậy nhỉ ?

Chợt thấy chúng tôi ngồi ngây ra, bà Sáu Phiên ngạc nhiên :

- Ô hay ! Sao thế ? Các em không biết gì hết sao ? Tại sao lại ngồi…

Cả bọn luống cuống, chưa biết trả lời sao cho bà Sáu khỏi nghi, Bình Trọc đã lấy lại bình tĩnh rất nhanh, hắng giọng làm ra vẻ thản nhiên :

- Dạ biết ! Dạ biết ạ… Nhưng chúng cháu quên bẵng tên của anh ta.

Bà Sáu sốt sắng :

- Hai Ngữ !

- Hiện giờ anh ta làm việc tại đâu, nhà ở đường nào, thưa bà ?

Bà Sáu Phiên nhíu đôi chân mày :

- Các em tưởng tôi lại chịu giao du với hạng người như Hai Ngữ sao ? Ai mà thèm. Hắn làm việc gì, ở đâu, tôi đâu cần biết… Ồ, nhưng nếu các em muốn thì…, -- bà Sáu đưa hai ngón tay lên trán -- , … à thôi, tôi nhớ ra rồi. Hôm nọ, tôi thoáng thấy hắn lái chiếc xe “cam nhông nét” của nhà vườn Lâm Bình Tôn, chuyên trồng cây kiểng ở đường Bạch An. Có lẽ hắn ta làm việc ở đó cũng nên. Nhưng chỉ e hắn no người chán nết lại bỏ đi rồi chăng ?

Vô tình, bà Sáu Phiên vừa cho chúng tôi một cái chìa khoá thật tốt để mở cánh cửa bí mật. Cả bọn mừng muốn hết lớn luôn. Còn đang lúng túng tìm cách ra về, bé Thơ đã nhanh nhẹn đứng lên ngỏ lời cám ơn bà Sáu.

Tâm, Bình và tôi ngầm biết đó là hiệu lệnh rút lui, liền bấm nhau đứng lên, ngả đầu chào bà chủ nhà, rồi bước ra thật nhanh. Bé Thơ và con Ca Phi theo sát gót. Nhẩy vượt mấy bực thềm cao, tới sân, chúng tôi lao người chạy thật nhanh. Tiếng bà Sáu Phiên từ phía sau gọi ơi ới :

- Này các em, không lấy hoa nhài về trồng à ? Này… không…

Thôi, không cần hoa nhài nữa ! Chẳng trồng thì đừng ! Chúng tôi vừa thâu lượm được một tin tức rất bổ ích. Vậy là đủ quá rồi !


CHƯƠNG VIII  

MỘT NHÂN VẬT ĐÁNG NGẠI  


Anh chàng Hai Ngữ này có vẻ… đáng nghi lắm. Chúng tôi phải tìm hiểu xem hắn là ai ? Theo lời chỉ dẫn của bà Sáu Phiên, cả bọn rảo bước trở lại trung tâm thành phố rồi từ đó đi theo đường Bạch An. Bạch An là một phố lớn, buôn bán khá sầm uất. Đi được một quãng, từ phía xa xa, tôi đã nhận ra một chiếc “cam nhông nét” màu nâu kẻ chữ trắng ở bửng phía sau xe : vườn cảnh Lâm Bình Tôn.

Thật là may ! Lúc đó đã gần tám giờ tối mà hàng bán hoa, cây cảnh vẫn chưa đóng cửa. Một cô gái khoảng 18, 20 tuổi đang xếp gọn lại những chậu cúc vàng, mộc lan. Bé Thơ và tôi bước vào :

- Chị cho chúng em hỏi thăm : bác Hai Ngữ có làm ở đây không hả chị ?

Cô gái hàng hoa vui vẻ đáp :

- Có đấy em à ! Bác ta làm ở đây đã được hơn một tháng rồi. Nhưng hiện giờ bác ấy đi vắng.

- Ủa ! Bác ta nghỉ phép hả chị ?

- Không phải đâu em ! Bà mẹ mới mất nên bác ấy xin về làm đám táng. Bác nghỉ được tám ngày rồi đó.

- Nhà bác ấy ở đâu chị ?

- Trên ấp Tân Lập, không xa đây lắm đâu. Nhưng tôi không biết rõ số nhà. Các em hỏi có việc gì cần lắm không ?

Bé Thơ khẩn khoản :

- Dạ, cần lắm chị ạ !

- Vậy các em chờ một chút nghe !

Cô gái quay vào, cất tiếng gọi :

- Ba ơi ! Có hai em nhỏ hỏi địa chỉ của bác Hai Ngữ này, ba ! Ba biết không ?

Ông chủ từ nhà trong chạy ra :

- Sao ? Cháu hỏi Hai Ngữ hả ? Hắn xin phép nhỉ mấy hôm rồi. Phiền quá, nhà lại đang nhiều việc. Bà mẹ anh ta mới mất. Nhà hắn ở cuối ấp Tân Lập. Tôi không nhớ số, nhưng dễ kiếm lắm, kế bên nhà có bàn “bi-da” và căn nhà hắn ở nhô hẳn ra đường phố ấy. Các cháu có thể nhìn thấy dễ dàng.

Không ngờ việc hỏi thăm tin tức lại nhanh chóng đến thế, bé Thơ và tôi lễ phép cám ơn hai cha con ông chủ hàng hoa đoạn quay ra.

Bình Trọc ngước nhìn mấy ngọn đèn đường :

- Bây giờ chúng mình làm gì đây ?

Bé Thơ quyết định rất nhanh :

- Lên ấp Tân Lập ngay bây giờ thì không được, muộn rồi. Hai nữa, chắc gì Hai Ngữ đã ở nhà. Tôi cũng cần về xem Tường Vi đã khoẻ hẳn chưa. Tụi mình đi biền biệt suốt cả buổi chiều rồi đó.

Cả bọn quay về công viên. Bé Thơ lên nhà sàn trong khi Bình Trọc quay ra phân công cho tôi và Tâm, người nhóm lửa, người vo gạo. Bình rửa nồi soong rất lẹ. Nó đổ nước vào, bắc lên bếp đâu đó rồi quay ra lựa những quả xấu trong số ba tá trứng mua hồi chiều.

Cơm nước xong, ba đứa tôi ra ngồi ngoài hàng ba thảo luận. Bé Thơ cũng từ trên nhà Tường Vi đi xuống. Cả bọn đều đồng ý rằng đường lối hiện đang theo dò có vẻ đúng lắm.

Bác làm vườn kiêm tài xế xin nghỉ ít ngày để về lo việc đám tang cho mẹ ? Có thật không ? Việc đó cần phải kiểm lại xem có đúng không mới được.

Bình Trọc lộ vẻ nóng ruột :

- Riêng tôi, tôi chỉ muốn lên ấp Tân Lập ngay tức khắc để xem tay Hai Ngữ này là người thế nào?

Tâm bình tĩnh hơn :

- Kể cũng lạ ! Anh ta chẳng làm việc ở đâu được lâu thì làm gì có nhiều tiền. Do đó, đào đâu ra xe hơi mà bảo bắt cóc bé Kính bằng xe hơi nhỉ ?

Bình lắc đầu nhìn bạn :

- Tâm ngây thơ quá, Tâm ơi ! Xe hơi ăn trộm chứ còn đào đâu nữa. Tâm tưởng rằng một kẻ đã có gan bắt cóc con nít lại không dám ăn trộm xe hơi hả ? Nên nhớ rằng Hai Ngữ lái được cả cam-nhông-nét đấy nhé. Xe chở hoa và cây cảnh của nhà vườn Lâm Bình Tôn đó kìa. Thế rồi, việc bắt cóc bé Kính anh ta đâu có làm một mình. Nhất định phải có người phụ giúp y một tay.

- Nhất định ? Tại sao lại “nhất định” ? Bình nói nhất định là có ý gì ?

- Bắt cóc trẻ con, ít nhất trên xe phải có hai người. Một người lái xe, một người ôm giữ, che giấu đứa bé để ngăn không cho nó kêu khóc chứ !

Bé Thơ tán thành :

- Rất đúng ! Anh Bình nói rất đúng ! Và chúng ta cũng chưa quên là Hai Ngữ đã có thời kỳ làm cho bác sĩ Bảo nên biết rõ bé Bích lắm. Vì thế, anh ta đâu dám ra mặt bắt cóc, lỡ lộ thì sao ? Bé Bích sẽ nhận diện được y chứ. Lên năm tuổi, bất cứ em bé nào cũng kể lại được cái gì mắt chúng đã thấy, tay chúng đã làm… Như vậy, nguy cho Hai Ngữ lắm. Vì, tiền chuộc một khi đã nhận, đứa bé được trao trả lại, thế nào nó cũng tố giác người đã bắt nó. Vậy “nhất định” Hai Ngữ phải có một tên tòng phạm giúp sức.

Bình đắc trí cười ha hả :

- Thấy chưa, hả tâm ? Bé Thơ hay thật ! Lý luận như thế thì nhất rồi.

Mười một giờ đêm, cuộc bàn cãi vẫn còn sôi nổi. Chợt, bác Ninh gái từ trên nhà sàn lững thững đi xuống. Bác cười vui :

- Ý kìa ! Các cháu chưa đi ngủ hả ? Không buồn ngủ hay sao chớ ? Sáng nào cũng dậy sớm mà lại thức khuya như thế, mệt chết. Về ngủ với Tường Vi đi, bé Thơ. Vi nó đang hỏi cháu đấy.

Bé Thơ về ngủ rồi, ba đứa tôi cũng vào trong nhà, ngả mình trên nệm trải “ra” trắng muốt. Bên dưới, chúng tôi đã dồn thêm nhiều cỏ khô, đặt mình nằm rất êm, thích thú vô cùng.

Nhưng, một lúc lâu lắm, vẫn chưa ai ngủ được. Soải mình thoải mái trên nệm, tôi đưa tay vuốt ve con Ca Phi, dịu giọng nói chuyện với nó :

- Ca Phi ! Thương Ca Phi ghê ! Hồi này Chiêm ít để ý săn sóc trông nom Ca Phi, heng ! Tụi mình lại “dính” vào một công việc hơi mệt đấy nhé. Thành ra chưa có thì giờ rảnh rỗi. Thế nào rồi cũng phải nhờ đến Ca Phi rất nhiều. Làm cách nào tìm ra được bé Kính để cứu ông lang thang thì mới yên được.

Tôi suýt bật phì cười khi nghĩ đến bà Sáu Phiên, dáng điệu vội vàng cuống quít của bà lúc cầm bó cây hoa nhài đuổi theo chúng tôi mà gọi nheo nhéo. Để khi nào rảnh rang, sẽ lên thăm và cám ơn bà mới được. Ý nghĩ vui vui ấy khiến tôi ngủ quên đi lúc nào không biết.

Sáng hôm sau, ba đứa tôi lại dậy sớm như mọi khi, ra công viên tập thể dục, rồi chạy ùa tới máy nước, tắm gội, rửa mặt, đánh răng.

Ăn điểm tâm xong, cả bọn lên phố chính, tới sạp báo quen thuộc, mua báo mới. Sạp báo vẫn chưa mở cửa. Tâm, Bình và tôi đành phải đợi chờ. Khoảng mười phút sau, ông chủ tiệm đã xuất hiện bên ô cửa sổ che lưới sắt. Thoáng bắt gặp chúng tôi, ông vui vẻ la lên :

- Trời đất ! Mới sớm tinh mơ mà các chú em đã tới rồi. Đứng chờ ở đây từ nửa đêm chắc. Sao nôn nóng dữ vậy ?

Gói báo mở ra, ông rút một tờ đưa cho tôi. Vẫn ở trang nhất, hàng chữ đen lồ lộ. Ba đứa châu đầu cùng đọc :

VỤ BÉ KÍNH MẤT TÍCH

“ Biên Hoà 21-8

“ Cho tới hôm nay vẫn chưa tìm ra được bé Trần văn Kính, con trai ông bà Trần văn Vinh. Cảnh sát lại hỏi cung Lê văn Phương, gã lang thang, nhưng không đạt được kết quả mong muốn. Mặc dù có nhiều chứng cớ khiến mọi người tình nghi hắn, Phương vẫn một mực chối cãi là không dính líu gì vào vụ bắt cóc. Hỏi về lý do y hiện diện trong công viên, nghi can nhất định không cho biết gì hết mà chỉ im lặng.

Mặt khác, cảnh sát không tiết lộ một tin tức gì về việc tiếp xúc giữa bọn gian và ông Nguyễn Mẫn, vị mạnh thường quân được mọi người tín nhiệm bầu làm thủ quỹ để thâu góp cho đủ số tiền chuộc bé Kính. Tuy nhiên, nhiều tin đồn rằng, hình như đã có một cuộc hẹn gặp tại một địa điểm vùng ngoại ô thành phố, tại miếu Cô Ba thì phải. Nhưng bọn gian đa nghi, e rằng có sự gài bẫy của cảnh sát nên đã không tới nơi hẹn để nhận số tiền chuộc.

Một ngày qua đi là một ngày tăng thêm sự lo lắng, sợ hãi cho hai ông bà Trần văn Vinh. Toàn dân trong tỉnh cũng chia sẻ niềm khắc khoải của đôi vợ chồng đau khổ ấy. Người ta lại còn e rằng sau khi lấy được tiền chuộc, bọn gian sẽ vẫn không đem trả lại bé Kính. Vì lẽ ở tuổi ấy, bé Kính đã có thể cho biết đặc điểm nhân dạng của những tên bắt cóc em khiến chúng sẽ bị dễ dàng sa lưới.

Cảnh sát vẫn mở cuộc lùng xét rất gắt trong vùng. Một khu trại bỏ hoang cách thị xã ngót mười cây số, ở đầu làng Thanh Trà bị nghi là sào huyệt của bọn gian. Nhiều vết vỏ xe hơi khả nghi đã được ghi nhận tại đây và một nông dân xác nhận rằng buổi sáng sớm, ngay sau ngày xẩy ra vụ bắt cóc, có ánh đèn lọt qua khe cửa sổ tại căn nhà chính trong khu trại này.

Nhưng cuộc lục soát tại chỗ của cảnh sát đã không đem lại một kết quả nào đáng kể”.


Ở sạp báo ra, Bình Trọc nói ngay :

- Chiêm và Tâm thấy chưa ? Từ hôm qua đến giờ đã có gì mới lạ đâu. Trong khi đó, ông lang thang vẫn bị giam giữ. Chắc bây giờ thì không có gì đáng lo cho ông nữa rồi. Nhưng còn bé Kính. Việc càng kéo dài, càng lo ghê đi.

Cất gọn tờ báo vào túi, tôi theo chân Tâm, Bình vừa đi vừa chạy về công viên. Cũng như hôm trước, bé Thơ đang ngóng chờ bọn tôi, ngồi sẵn trong nhà ương cây từ bao giờ.

Sau khi đọc xong mục tin, bé la lên :

- Ừ, thời gian cấp bách quá rồi, không thể ngồi im như thế này mãi được. Phải lo việc đi tìm bé Kính, sớm phút nào hay phút ấy.

Nửa giờ sau, cả bọn đã lên tới ấp Tân Lập. Đường đi chính trong ấp là một con lộ nhỏ trải đá cũng có cái tên gọi giống tên ấp : đường Tân Lập.

Bốn đứa tôi thả bước lần tới. Quả nhiên, gần cuối ấp có một gian nhà rộng, trong kê hai bàn “bi-da”. Và kế bên là môt căn nhà nhỏ, sập sệ làm nhô hẳn ra ngoài. Đứng xa mà trông, tưởng chừng nhà cất ngay trên mặt lộ vậy. Bên phải là căn nhà có bàn bi-da, bên trái là một khoảng vườn nho nhỏ, hàng rào vừa bằng lưới sắt vừa bằng cây, chỗ còn chỗ mất. Chắc hẳn đây là vườn của Hai Ngữ cũng như căn nhà tiều tụy kia là chỗ ở của anh ta. Cửa ra vào, cửa sổ bằng ván ghép sơ sài, cái nào cái nấy đóng im ỉm.

Tâm đề nghị :

- Tụi mình hỏi thăm ông chủ nhà bi-da coi thử. Hàng bi da là chỗ thiên hạ hay lui tới. Chắc ông chủ phải quen biết nhiều người.

Chủ nhà bi-da không phải một ông mà lại là một bà. Bà chủ còn có một quầy bán cà phê, nước ngọt và thuốc lá.

Bình Trọc hạ thấp giọng :

- Khi hỏi, chúng mình phải cẩn thận một chút nghe ! Bà này chắc là hàng xóm thân cận nhất của Hai Ngữ đấy.

Bé Thơ có biệt tài làm quen với những người mới gặp lần đầu tiên. Cái biệt tài ấy khiến Thơ luôn luôn thành công trong việc ngoại giao hỏi dò tin tức. Y như rằng ! Bà chủ bi-da tuy đã lớn tuổi nhưng tiếp chúng tôi rất niềm nở.

- Phải rồi. Đúng, đúng ! Hai Ngữ ở đó. Nhưng y cũng đừng hòng ở được lâu. Sớm muộn gì rồi nhà cũng bị ủi bằng địa. Nói thì lại bảo là nói xấu, chứ thằng cha này… kỳ cục lắm, các em à.

- Cửa ra vào, cửa sổ đóng kín cả. Chắc ông ta đi lo đám táng ở đâu đó, phải không bà ?

- Lo đám táng ? Đám táng ai ?

- Chúng cháu nghe nói bà mẹ ông ta mới mất mà !

Bà chủ bi-da trợn tròn đôi mắt, hai tay khuỳnh lên chống nạnh :

- Mẹ hắn ta mới mất ?... Trời đất quỷ thần ! Bà cụ chết từ đời tám hoánh nào còn ở đó mà “mới”! Có tới nửa năm rồi chứ không ít đâu.

- Ông chủ trại hoa kiểng trên đường Bạch An, nơi ông Hai Ngữ đang làm đã nói với chúng cháu thế.

- Vậy thì lão Hai này đã nói láo, bịa chuyện ra đó. Còn lạ gì Hai Ngữ ! Nói dối cứ như cuội !

- Nếu vậy chắc ông ta chỉ quanh quẩn đâu đây ? Bà có gặp ông ta không ?

- Trông thoáng thấy thôi. Mới hôm qua, hôm kia đây này. Hình như ít ngày nay hắn không ngủ nhà thì phải. Chiều qua, mãi lúc xẩm tối mới thấy y mò về, rồi lại đi ngay. Hắn cưỡi xe gắn máy chạy ngang đây mà.

- Ông ta không có xe hơi hả bà ?

- Xe hơi ? Trời đất ! Vặn răng ra mà mua xe hơi. Nợ cứ như chúa chổm.

Chợt nhận ra bé Thơ hỏi han hơi “kỹ”, bà chủ bi-da nhíu cặp chân mày :

- À, mà sao cháu gái hỏi thăm gì mà hỏi nhiều thế ? Hơn cả mấy ông cảnh sát. Tuần trước, tại đây có chiếc xe hơi đụng một xe đạp. Hai xe chỉ trầy trụa, người bị thương sơ sơ thôi mà các ông ấy cứ hỏi đi hỏi lại mãi, kỹ lưỡng quá trời… Cũng như cháu gái đây vậy. Ủa, mà không chừng các cháu cũng là cảnh sát chăng ?

Bà chủ vui tính phá lên cười ròn rã. Đoạn :

- Thôi, để bác đi quét dọn sạch sẽ bàn bi-da đã nghe. Hôm nay mát trời, chắc khách tới “thụt” đông lắm.

Dứt lời, bà quay vào, quơ cây… không phải chổi chà mà là cây chổi “bông” bằng ni-lông tước nhỏ, tơ mịn như bông, phủi phủi, quét quét bốn chung quanh bàn bi-da vốn vẫn bóng láng như sơn.

Có tiếng Bình Trọc thở dài :

- Thế là chẳng ăn thua gì.

Bé Thơ cãi ngay :

- Sao lại chẳng ăn thua ? Hiện giờ chúng mình biết chắc là Hai Ngữ đã nói dối này. Và thử hỏi, anh ta xin phép nghỉ ít ngày để làm gì ? Hồi nãy các anh nghe rõ chứ ? Hai Ngữ nợ đìa tổ đỉa ! Vậy việc cần là tụi mình phải tìm được anh ta, rồi theo dõi liền. Hôm kia, hôm qua gã có về qua đây, chắc hôm nay thế nào cũng lại về nữa.

Bốn chúng tôi chầm chậm đi ngang trước cửa căn nhà sập sệ. Tôi chợt có ý kiến vào hẳn trong vườn của hai Ngữ.

- Này bé Thơ, Tâm, Bình ! Coi chừng ngoài đường nghe ! Tôi và Ca Phi vào vườn đây.

Lựa chỗ rào thấp, tôi dắt con Ca Phi bước vào. Cuối vườn có một mái lều nhỏ lợp bằng giấy dầy và những mảnh sắt tây han rỉ, chắc là chỗ để dụng cụ. Cửa cũng bằng giấy dầy buộc dây kẽm, then ngang sơ sài, chỉ khẽ đẩy đã hé mở. Tôi và Ca Phi lách vào. Trong một góc lều dựng một cái cào cỏ và một cái cuốc. Trên một cái đinh đóng vào tường treo một cái áo mưa cũ và một cái mũ nồi. Con Ca Phi châu mõm về phía này hít một hơi dài. Tôi liền lấy chiếc mũ nồi đưa sát mũi nó. Cái mũ “nặng” hơi khiến con chó vẫy tít đuôi đồng thời rít lên khe khẽ. Có lẽ nó tưởng tôi sai đi tìm người có cái mũ này ngay lúc đó nên tỏ vẻ hăm hở vô cùng.

- Khoan, khoan đã ! Chưa đi tìm bây giờ đâu ! Chờ đó nghe, Ca Phi !

Nhét vội chiếc mũ nồi vào túi quần, tôi dắt Ca Phi bước ra ngoài.

Bình Trọc lại phân công :

- Tụi mình về công viên lấy xe đạp, xong quay trở lại căn nhà “sào huyệt” này. Chúng ta sẽ “thụt” bi-da để khỏi bị nghi ngờ. Nhưng trong khi đi lấy xe, lỡ Hai Ngữ trở về thì sao ? Vậy phải có một người ở lại. Chiêm nghe ! Chiêm và con Ca Phi ở lại… gác giặc !

- Vậy ai về lấy xe đạp cho tôi ?

Bé Thơ sốt sắng :

- Để Thơ mang xe tới cho anh Chiêm !

___________________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG IX, X
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>