Thứ Năm, 30 tháng 4, 2020

Tim Non


1

Hôm nay, sau khi đọc kinh xong, chúng em ngồi ôn lại bài học, chợt Soeur tổng giám thị bước vào. Theo sau, một cô gái mặc áo dài trắng thật trắng. Chúng em đứng lên chào ma soeur nhưng mắt thì dán chặt vào cô gái lạ. Ma soeur cất tiếng:

- Chúng con sẽ học với cô đây hỉ, soeur hy vọng chúng con sẽ ngoan như khi học với soeur Simne hỉ!

Chúng em đều dạ một lượt. À! Cô giáo mới của chúng em đây! Không ai bảo ai, chúng em nhìn chăm chú vào cô giáo mới mà trước đây nửa phút chúng em còn coi như xa lạ Cô có vẻ mặt buồn lắm. Nước da cô trắng xanh xao, điều nổi bật ở nơi cô làm chúng em mến cô ngay là đôi mắt, đôi mắt to, đen và buồn thật buồn. Cô mặc chiếc áo dài trắng và một cái áo len đen sát cánh. Sự phục sức của cô thật giản dị. Chúng em cảm thấy thương thương cô thế nào ấy. Từ lúc vào, cô chưa hé môi nên chúng em không biết được răng cô đen hay trắng. Rõ lẩm cẩm, chắc chắn răng trắng rồi chứ! Không biết cô có cười bao giờ không nhỉ? Cô cười có đẹp không há? Bao nhiêu thắc mắc chung quanh con người cô làm chúng em nôn nao đến quên cả ôn bài, và mặc soeur tổng giám thị muốn nói gì thì nói ; cô và ma soeur lại quay gót ra hàng hiên. Mái tóc cô sánh động trên vai, cô bước những bước thật nhẹ và thật ngắn. Chúng em quay sang bảo nhau:

- Cô dễ thương há tụi bây!

- Ừ!

- Sao cô xanh dễ sợ!

- Cô yếu chứ bộ.

- Mắt cô không có vẽ bút chì há.

- Ừ, mà buồn ghê nhỉ.

- Tao thương cô ghê đi mày ạ.

Chợt:

- Ấy! Liệu liệu đó, cổ dám dữ hơn soeur Simone lắm à. Đừng có "trông mặt mà bắt hình dong".

Tiếng con Xuyến làm chúng em cụt hứng. Ừ, biết đâu, biết đâu được, cô giáo mới sẽ nghiêm hơn soeur Simone, sẽ bắt chúng em giữ kỷ luật thật gắt gao? Bao nhiêu thiện cảm chúng em dành cho cô đều tiêu tan hết. Chúng em lo sợ nhìn nhau, đầu óc tưởng tượng đến soeur Simone với cặp kính trắng trễ xuống tận sống mũi, mắt soeur trợn lên, nói văng cả nước miếng vào chúng em, và chiếc roi mây nhỏ bé dài cả thước ve vẩy nơi tay chỉ chờ khi chúng em không thuộc bài là phết ngay vào mông mấy ngọn điếng người. Cô giáo mới sẽ hiền hơn soeur Simone? Dữ hơn? Hay bằng? Chúng em thầm van vái trời cao cho cô hiền hơn soeur Simone một tí. Vâng, một tí thôi, chúng em cũng sướng lắm rồi. Tự nhiên, chúng em lo sợ thực sự ; ngực của đứa nào cũng đánh thình thịch nghe đồng nhịp ghê. Soeur Tổng giám thị bước sang văn phòng, cô quay vào lốp, chúng em phập phồng mắt theo dõi cô không chớp. Cô đi xuống cuối lớp mở tập con Vị ra coi. Chúng em đều quay xuống. Đang xem vở con Vị, cô chợt ngẩng lên nhìn chúng em, và giọng cô thật nghiêm:

- Tất cả quay lên!

Chúng em hoảng hồn quay lên, hai tay để lên bàn, lưng thật thẳng, mắt nhìn lên bảng Nghiêm trang. Cô đứng lại trước bảng đen. Bây giờ cô mới cất tiếng:

- Hôm nay, tôi vào lớp các em lần đầu tiên, tôi hy vọng các em sẽ ngoan ngoãn như lời soeur giám thị đã nói với tôi. Tôi mong rằng, tôi sẽ không bao giờ phải áp dụng hình phạt cho bất cứ một em nào trong lớp này. Bây giờ, các em lấy giấy ra để viết một bài chính tả.

Giọng nói của cô trong thật, chúng em thở phào, vừa lấy giấy vừa thầm tạ ơn trời. Căn cứ vào giọng nói, chúng em biết cô sẽ hiền hơn soeur Simone thật nhiều. Chúng em tươi mặt lên liền. Cám ơn trời! Cô con hiền, chứ không dữ.


2

Những ngày tháng mùa xuân khói lửa đã kéo tôi ra khỏi ngưỡng cửa học đường hoa mộng, đẩy tôi vào làn sóng của cuộc đời hỗn độn đang cuồn cuộn trôi đi. Thật là buồn. Hôm nay, tôi bắt đầu bước chân vào cuộc đời một cô giáo Cái nghê mà ai cũng bảo là khổ sở và bạc bẽo nhất hiện nay Theo chân soeur tổng giám thị vào lớp, học trò đứng lên chào ma soeur, nhưng mắt chúng cứ nhìn chòng chọc vào tôi. Sau mấy lời giới thiệu của ma souer, những cặp mắt ngổ ngáo có, tinh ranh có và ngơ ngác cũng có, mở thật lớn ra nhìn tôi như nhìn một vật lạ. Tôi ngượng chín cả người, cố làm gan, mím môi dưới lại rồi nhìn thẳng vào bức tường trước mặt, sau thấy kỳ kỳ, tôi đảo mắt nhìn quanh lớp, trong khi tiếng soeur giám thị vẫn vang đều bên tai. Học trò lớn có, nhỏ có, phần đông ở dưới trại định cư Đức An. Một phần lớn vì hoàn cảnh chiến tranh nên sự học phải ngưng trệ, vì vậy mà 15, 16 tuổi đầu mới học lớp nhất. Mỗi bàn hai em. Tôi vốn ưa thích những gì nhỏ bé mà những cái bàn học trò này thật dễ thương. Soeur giám thị vẫn nói:

- Chúng con học với cô cũng phải ngoan như học với soeur Simone, phải học hành cho siêng năng để cô thương nghe không?

Những cái miệng há ra một lượt:

- Thưa ma soeur nghe.

Tuy nói thế nhưng mắt chúng vẫn không rời khỏi tôi. Một cảm giác nhột nhạt chạy trên gan bàn tay, dọc theo hai cánh tay và chạy dài theo đường xương sống. Soeur đưa tôi ra ngoài hành lang căn dặn những điều cần thiết cho việc dạy học rồi bà trở về văn phòng, tôi bước vào lớp. Ngó lên chiếc bàn dành riêng cho tôi, tôi thấy teo teo làm sao ấy. Tôi không dám bước lên bục đâu. Tôi chỉ đứng giữa lớp ngó xuống thôi. Tôi cho chúng viết một bài chính tả để chúng nghe quen giọng nói của tôi đã. Đứng giữa lớp nhìn xuống lũ học trò, những khuôn mặt thật ngô nghê mà cũng thật d6ẽ thương. Những cặp mắt của chúng mở lớn ngơ ngác trông thật hiền. Tôi thường nghe nói đến loại "mắt nai tơ" của các ông văn nhân, thi sĩ ; không biết có phải loại mắt này của tụi nhỏ bây giờ không? Nhìn chúng tôi chợt buồn. Hình ảnh 5 tháng về trước hiện rõ trong tâm tư. Tôi ngày ngày cắp sách đi học, ngồi dưới nhìn lên bàn thầy bằng đôi mắt mở rộng. Chỉ 5 tháng trời, cuộc đời đã đem tôi từ chỗ "Ngồi dưới quay lên" đến "Ngồi trên nhìn xuống". 5 tháng trời, cuộc đời biến tôi từ một cô học sinh nghịch ngợm thành một cô giáo lúng túng ngượng ngập. Hình ảnh thời cắp sách! Sao nên thơ thế nhỉ? Bây giờ, tôi tìm đâu được những tháng ngày đó nữa? Hình ảnh bộ đồng phục trắng, chiếc cặp đen, và chiếc áo len thật dầy mặc trong những buổi học trưa nắng thật gắt còn in đậm nét trong hồn tôi. Bước vào đời, hành trang của tôi chỉ có một số vốn học thức ít ỏi, ít nhiều kỷ niệm học trò, thế thôi. Bây giờ, tất cả vào dĩ vãng. Tôi phải xếp những nhớ, những buồn, những thương lại, xếp gọn vào góc tâm hồn để mà sống cho hiện tại: một cô giáo mới vào nghề còn sợ sệt lúng túng. Tôi cảm thấy thương lũ học trò đang ngồi kia vô hạn. Nhìn chúng, tôi sống lại với kỷ niệm. Các em ơi! Các em là hình ảnh của cô năm tháng về trước đó.


3

Điều chúng em dự đoán chẳng sai! Cô chúng em thật hiền! Những giờ ra chơi, cô thường hay hỏi chuyện chúng em. Và sau cùng bao giờ cô cũng khuyên chúng em cố gắng học. Cô nói câu: "Các em cố gắng mà học đi, thời buổi này học được ngày nào biết ngày đó thôi. Không nói trước được bao giờ đâu", với một giọng thật buồn. Câu nói đó, chúng em nhớ hoài. Cô không bao giờ đánh chúng em đâu, một đôi khi chúng em không học bài, cô nhìn chúng em với ánh mắt thật buồn. Cô nhìn lâu lắm, ánh mắt buồn của cô ám ảnh chúng em làm chúng em hết dám lười ngày hôm sau. Chúng em thương cô thật nhiều! Trong lớp, có một vài trò chai lì quá cỡ, cô khuyên răn hoài không được, chúng em đâm cáu luôn. Ra chơi chúng em cứ thúc giục mấy trò học bài. Riết rồi các trò đó đỡ đỡ một tí chúng em mới thấy cô cười. Nhiều khi, chúng em ngồi làm bài, cô đứng giữa lớp khoanh tay nhìn chúng em với tia mắt thật buồn. Những lúc đó, chúng em nghe cô khẽ thở dài. Chúng em sợ tia nhìn của cô chiếu vào chúng em mỗi khi chúng em lười, nó làm chúng em áy náy thế nào ấy. Hôm qua, thứ tư được nghỉ buổi chiều, cô cho chúng em hai bài toán hình học. Đến chiều, gánh xiệc Liên Hoa ở đâu về ngay sân trụ sở ấp đánh trống lung tung beng, quảng cáo rầm rầm. Vui ghê lắm. Chúng em rủ nhau ra xem, đoàn xiệc làm hay thật. Chúng em mê mải xem đến tối mịt, má ra gọi mới về. Về tới nhà ăn cơm xong chúng em buồn ngủ quá trời; lăn ra sạp kéo luôn một mách tới sáng. Lên đến lớp cô bảo: các em đem nộp vở toán lên bàn, chúng em hoảng sợ nhìn nhau dò hỏi. Cô thấy vậy, nhìn thẳng chúng em cất tiếng:

- Em nào chưa làm bài?

Chúng em lo sợ liếc chung quanh, một số ít làm bài thôi. Điều này thì chết, mắt chúng em cứ đảo quanh lớp mong cho những cái tay kia bỏ xuống, kéo thêm đồng minh lười về phía tụi em. Nhưng không có. Cô đứng khoanh tay nhìn chúng em, cô nhìn thật lâu, chúng em bối rối tránh tia nhìn của cô mà không được. Cô chợt thở dài, mắt cô nhìn ra thật xa ngoài cửa sổ. Im lặng, tim chúng em đập thình thịch như hôm cô vào lớp lần đầu tiên. Không khí ngột ngạt đó kéo dài. Mặt chúng em xanh dần đi vì sợ. Cô quay lại nhìn chúng em. Cô lại thở dài, rồi bảo:

- Các em mở toán ra làm đi. Nhanh lên!

Chúng em thở ra nhẹ nhõm. Một lần thì chừa đến già. Cô hiền thật, chúng em đã lợi dụng cái "hiền" của cô để lười. Tâm hồn chúng em áy náy không yên. Chúng em thương cô nhiều, thật nhiều cô ơi.


4

Những tháng ngày sống gần bọn nhỏ, tôi cảm thấy tôi đã không lầm khi chọn nghề dạy học. Chúng nhắc lại cho tôi những dư âm ngày tháng cũ thật rõ rệt và sống động. Tôi nhìn chúng, cả một thời học sinh êm đềm hiện ra: những giờ ra chơi nhiều thích thú, những buổi tan học vui vẻ. Những hồi hộp khi chưa làm bài, lo sợ khi bài chưa thuộc. Những hình ảnh đó thi nhau hiện ra qua những diễn viên thật tài tình làm tôi buồn vô hạn. Sáng nay, nhìn những gương mặt lo sợ của bọn học trò vì chưa làm 2 bài toán tôi cho ngày hôm qua, những khuôn mặt xanh lét làm tôi thương hại. Một hình ảnh hiện về trong tôi...

Tôi bồn chồn, lo lắng vì tới giờ toán ông Hàn mà toán tôi chưa làm, chắc thế nào cũng lãnh mắt kiếng. Tim tôi đánh lô tô. Thầy mở sổ điểm. Trán tôi vã mồ hôi. Mắt tôi dán chặt vào cây bút thầy cầm nơi tay. Chợt, thầy ngẩng lên, ánh mắt của thầy qua làn kính trắng soi mói nhìn chúng tôi. Thầy lại cúi xuống sổ điểm.

- Trần thị Dung!

Trời ơi! Hú hồn, ngay phía trên tôi. Vái trời sót tên mình. Teo ơi là teo!

- Đinh thị Hằng!

Tôi tưởng như ngừng thở: Theo dõi ngòi bút của thầy lên xuống đều đều trên quyển sổ điểm. Rồi hai giờ toán qua đi trong sợ sệt, hãi hùng... Tôi thở phào khi nghe tiếng trống đổi giờ...

Nhìn nhửng khuôn mặt bọn nhỏ bây giờ, tôi thương ghê. Thôi! Tha cho chúng nó 2 bài toán vậy. Hừ, tại ta sống với kỷ niệm nên tụi mi mới được ân xá đó nghe.


5

Đêm hôm qua, thành phố bị pháo kích, sang hôm nay, đến lớp chúng em nghe các trò học lớp nhì bảo nhau: "Một trái rớt vào Cô Nhi viện", không biết cô có biết tin này không, chúng em nôn nao chờ cô đến để kể cho cô nghe tin sốt dẻo này và cả nỗi sợ hãi của chúng em vừa qua nữa. Chợt, mấy trò ở Cô Nhi viện đi học ra đến nơi, thấy chúng em các trò ấy bảo:

- Con Min ở lớp mày chết rồi.

- Hả, chết hồi nào?

- Hồi đêm, soeur tiếp máu cho nó mà nó vẫn chết.

- Nó làm sao mà chết?

- Ngu, đạn nó rớt chớ làm sao nữa.

Chúng em ùa sang Cô Nhi viện, cô đã có mặt ở đấy từ bao giờ. Một trái đạn rớt ngay chân tường phòng ngủ nhưng chẳng ai làm sao. Một miếng miểng phá vỡ cửa kiếng phòng bên cạnh rớt vào đầu Min. Chúng em nhìn cảnh tượng ấy, lòng nao nao thế nào ấy. Cô đang đứng trong phòng y tế, chúng em tiến lên theo cô. Cô đứng nhìn xác Min đặt trên chiếc bàn giữa phòng, mặt cô buồn hơn bao giờ hết. Trong lớp cô thương Min nhất. Min là con một người đàn bà Thượng đã chết hồi biến cố Mậu Thân vừa qua. Mẹ chết, Min đi bơ vơ thì gặp các soeur đem về nuôi. Min lai Mỹ nên đẹp lắm, Min học dở nhất lớp mà không hiểu sao cô thương Min nhiều lắm. Bây giờ Min nằm đó bất động Min không cười với cô, với chúng em như mọi lần. Môi Min hơi xám, nhìn Min chúng em tưởng Min ngủ. Cô đứng bất động nhìn Min. Cô cắn chặt môi dưới. Chúng em nghe cô thở dài. Cô quay sang bảo chúng em:

- Các em về lớp đi.

Chúng em trở về lớp, chẳng ai nói một lời, bầu không khí thật buồn. Một lát sau, cô trở về, buổi học hôm nay tẻ nhạt làm sao! Chúng em không biết làm thế nào cho không khí lớp vui lên một tí. Cô vẫn trầm ngâm, thỉnh thoảng lại thở dài. Cái chết của Min làm cô buồn lắm. Cô không kể chuyện lịch sử cho chúng em nghe, cô không hỏi chuyện chúng em như mọi ngày nữa, chúng em ghét những trái đạn, những tiếng súng lắm, mà đêm nào chúng em cũng phải nghe, không có những tiếng nổ tung trời thì lại có những tràng đạn xé gió rít lên trong đêm tối làm chúng em sợ hãi. Chúng em tự hỏi, tại sao người ta cứ bắn nhau hoài vậy, để ném hết đồ giết người đi rồi sống hòa thuận có phải là sung sướng hơn không? Chúng em còn nhỏ lắm, chúng em không biết gì về những chuyện của người lớn. Nhưng chúng em thù những tiếng nổ ghê gớm đó. Nó làm chúng em hoảng sợ. Và trong đêm qua nó đã cướp mất của chúng em một người bạn. Ngày hôm nay, nó cướp mất của lớp em bầu không khí vui vẻ vẫn có. Biết đến bao giờ những tiếng nổ đó mới chấm dứt nhỉ? Chắc là lâu lắm. Chúng em mong sao nó chấm dứt lẹ lẹ một chút đó.


6

Đám tang của Min được cử hành đơn giản. Min nằm trong cái hòm đỏ chót có hai hàng nến trắng. Tôi buồn thật buồn, Min đã vĩnh viễn xa tôi. Min đi mang theo những lời thủ thỉ, và nụ cười hồn nhiên đi theo. Min là con hai giòng máu, khá dễ thương, giàu tình cảm. Giờ ra chơi, Min thường ở lại lớp rồi thủ thỉ về cái chết của cha Min, mẹ Min rồi Min khóc. Sống trong cô nhi viện, thường hay bị hiếp đáp, Min đem kể với tôi rồi khóc. Tôi thương Min nhiều. Cuộc đời loạn ly chỉ mới đưa tôi sang một ngõ rẽ gai góc chứ chưa giết chết nguồn yêu thương của tôi như Min đã chịu. Theo sau quan tài Min, tôi nhớ đến nát mặt Min buồn buồn: "Cô ơi, cái súng nó bắn ba Min ở đây nè". Min chỉ vào đầu Min rồi tiếp: "Mẹ Min đi cấy ngoài rẫy, cái máy bay nó bắn đó cô". Khi tôi hỏi Min có nhớ làng không, nó nhăn răng cười: "Nhớ chứ cô, nhưng Min không về làng đâu, làng giết ba Min, mẹ Min rồi lỡ làng giết Min thì sao?" Min dễ khóc nhưng học thì rất dở. Bây giờ Min đi rồi, tôi thấy trống vắng lạ lùng. Chiến tranh! Tôi sợ rồi, tôi nhớ Min thật nhiều, nhớ những tiếng "cô! cô!" dễ thương phát ra từ đôi môi nhỏ bé. Tôi nhớ ánh mắt trong xanh với hàng mi cong vút của Min. Tôi nhớ nhiều đôi mắt Min long lanh những giọt nước mắt thương cha nhớ mẹ. Gia đình Min chỉ còn Min sống sót, bây giờ, những tiếng nổ tai ác đem Min đi theo cha mẹ, để lại cho tôi một nỗi buồn thật đậm. Lũ học trò của tôi, 57 đứa bây giờ còn 56. Những ngày tháng kế tiếp đây, sau Min, tôi sẽ còn mất một em nào không nhỉ? Đừng, tôi van xin đừng đem đi một em nào nữa. Đem đi một Min thôi. Tôi sống bằng ánh mắt, nụ cười bọn trẻ, bằng những tiếng ríu rít của bầy chim non trong vòm trời cao rộng. Sau giờ học tập, đàn chim tung cánh bay ra khắp bốn phương trời làm tôi cảm thấy vui vui. Biến cố vừa qua làm bầy chim nhỏ hoảng hốt trông thật tội nghiệp, tôi không sao đem lại những tiếng hót ríu rít cho bầy chim nhỏ bé. Thượng đế ơi! Đến bao giờ? Đến bao giờ ngài nhìn lại mảnh đất Việt Nam nhỏ bé này? Đến bao giờ?


HOA NGUYÊN THỦY    

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 105, ra ngày 1-5-1969)

Thứ Tư, 29 tháng 4, 2020

Nhận Diện















Có bao giờ em nhìn kỹ mình không?
Nhìn đi em nhìn thật kỹ một lần
Này da vàng nhắc em giòng Lạc Việt
Này tóc đen cho em nhớ Phương Đông

Này tiếng nói từ thuở nằm nôi nhỏ
Này ca dao ru giấc ngủ thiên thần
Em hãy lớn và muôn đời hãy nhớ
Khi chào đời gọi hai tiếng Việt Nam

Có bao giờ em nhìn kỹ ba, me?
Ba già nua vì vất vả trăm nghề
Trán đã nhăn tóc chiều pha sương muối
Lưng đã còng dò dẫm bước chân đi

Mẹ áo rách sớm hôm từng buổi chợ
Thân gầy gò vai quang gánh đường xa
Mắt thâm quầng vì nhiều đêm không ngủ
Lo cho em từng manh múm lụa là

Có bao giờ em nhìn kỹ quê hương?
Này đồng hoang và cây cỏ đau buồn
Này Cửu Long trôi dài ra cửa biển
Này Miền Trung cao ngất núi Trường Sơn

Này phù sa đắp bồi cho lúa chín
Này mồ hôi nước mắt bác nông phu
(Bao nhiêu đó cho em làm di sản
Dù tang thương xin em chớ hận thù)

Có bao giờ em nhìn kỹ mình không?
Nhìn đi em nhìn thật kỹ một lần
Rồi tự hỏi làm gì cho tất cả
Khi lìa đời, khi em đã lớn khôn!

                                NGỌC THÙY GIANG
                                            (hoa rừng)
 
(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 92, ra ngày 15-6-1968)

Thứ Ba, 28 tháng 4, 2020

Bài Ru Em
















Vỗ về em hãy ngủ đi
Chị ươm giấc mộng xuân thì cho em
Em ơi! Lứa tuổi êm đềm
Hãy yêu mến nó  trong niềm mê say

Ru em trong giấc mộng này
Chị nghe thương nhớ dâng đầy trong tim
Quê hương chừ biết đâu tìm
Chỉ cho em thấy những niềm xót xa

Mộng vàng như giấc kiêu sa
Quê mình chinh chiến, lời ca não nùng
Xin em đừng bỏ sau lưng
Tuổi thơ như chị cũng đừng nghe em!

Ru em lời hát ngọt mềm
Đưa em về đến bên thềm thơ ngây.
Dù cho chinh chiến vơi đầy
Chị xin em cũng đừng ray rứt lòng

Đời em như thể dòng sông
Quê hương mình đó cũng không khác gì
Bước chân theo vết chim di
Quê hương sỏi đá đường đi gầy mòn

Tuổi buồn khắc khổ héo hon
Em đừng thắc mắc với non nước mình
Rồi mai quê mẹ thanh bình
Chị ru em với chân tình thiết tha

Ngủ đi! Em ngủ... ơi... à...

                                     QUỲNH CHÂU
                            (Bút nhóm Quỳnh Nha trang)

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 127, ra ngày 15-4-1970)

Thứ Hai, 27 tháng 4, 2020

Quả Lựu Đạn


Thằng Hậu thấy nó rượt theo một tên cướp bịt mặt, tướng tá cao lớn vạm vỡ. Đến sát tên nầy, nó giựt phăng túi bạc hắn quẩy trên vai, đạp cho một đạp té nhào. Cái sức mạnh dị thường của nó bấy giờ hình như quên phứt nó chỉ là một đứa bé con! Tên cướp "trâu cui" lăn lộn đau đớn như xương bị gãy vụn cả.

Nhưng, bất thình lình hắn bật dậy, với một khẩu súng lục trong tay, chĩa vào mình thằng bé:

- Giơ tay lên! Khà khà! Chết rồi nhỏ ơi!...

Bây giờ thì tới phiên thằng Hậu bị rượt. Nó cố chạy thật nhanh. Nhưng quái, hai chân nó cứng đơ như hai khúc củi, nhấc từng bước hết sức khó khăn. Tuy thế tên cướp vẫn đuổi theo không kịp. Hắn tức giận, nổ súng. Lạ quá! Rõ ràng hắn chỉ có mỗi một khẩu súng lục, vậy mà bắn ra nghe hàng loạt hàng loạt không biết bao nhiêu loại súng khác nhau. Đạn bay veo véo trên đầu, thằng Hậu cúi mọp người, kinh khiếp.

Bất chợt, như bị ai kéo chân, nó té lộn mèo, thét to lên một tiếng. Choàng tỉnh, nó mới hay mình đang nằm ngủ trên giường, và những gì vừa thấy chỉ là chiêm bao.

Thường thường khi tỉnh dậy sau một cơn ác mộng, người ta cảm thấy nhẹ nhõm, mừng như thoát nạn thật. Nhưng ở đây, tinh thần thằng Hậu không tìm được sự xoa dịu đó. Tiếng súng! Ồ, tiếng súng vẫn còn, và có phần dữ dội hơn nữa! Nó đã thức hẳn nên không nghe lầm đâu! Thì ra tiếng súng có thật, nỗ ròn rã vang vào giấc chiêm bao của nó, chứ không phải tiếng súng ở trong giấc chiêm bao.

Bỗng, liền đó, chân nó lại bị giựt mạnh:

- Dậy, dậy Hậu! Dậy xuống hầm mau!

Cái giọng quen thuộc, đầy vẻ hoảng hốt, của má nó. Thoáng một giây, nó đã hiểu ngay có chuyện gì rồi. Không đợi giục lần nữa nó chỗi dậy, phóng lẹ xuống đất, theo chân má nó, vội vàng chui xuống miệng hầm tối thui như cái hang chuột, ở cạnh bồ lúa trong góc nhà.

Dưới hầm đã có người, và lần lượt thêm mấy người nữa chui xuống. Có tiếng một bà lão run run hỏi:

- Xuống hết chưa bây?

Giọng đàn ông trả lời:

- Xuống hết rồi má!

Cửa hầm được bịt lại bằng một bao trấu to. Bóng tối thêm dài, ngột ngạt. Thằng Hậu dụi mắt, nhìn soát từng bóng người cao thấp chen chúc ngồi chật trong hầm. Nó hơi yên tâm khi nhận ra đủ mặt cả: Bà Tư, bà nội nó, ngồi góc trong kia ; kế bên bà là thiếm Bảy, má nó, chị Lượm của nó ngồi sát bên trái nó đây ; trấn ở cửa hầm là chú Bảy, ba nó. Im lặng, người nào cũng lo sợ phập phồng.

Đây không phải là lần đầu tiên họ nghe tiếng súng nổ nhiều và gần, song họ vẫn không dằn được sự kinh hãi. Vào những giờ phút nầy, họ cảm thấy con người mình yếu đuối nhỏ nhen quá. Chết chóc tai nạn có thể đến bất cứ lúc nào, vô phương chống đỡ, họ chỉ còn cách là chui rúc vào hầm trú để tránh. Nhưng, ở trong hầm trú, họ có được vững dạ đâu?

Cái hầm trú bom trú đạn của gia đình chú Bảy không hẹp lắm, có thể trải chiếu cả nhà nằm sắp lớp bên trong được. Nó được đào sâu xuống đất, quanh miệng lấp đất sét dày ba bốn tấc, chỉ chừa một cửa ra vào vừa một người chui. Nóc hầm lót một bộ ván gỗ dày, trên chất mấy lớp bao trấu cao nghệu. Hầm xem ra vững chắc như vậy, nhưng chú Bảy vẫn cứ lo, băn khoăn không rõ đạn có xuyên qua nổi không. Còn những kẽ nứt nhỏ, chú tưởng tượng như đạn có mắt, chúng sẽ theo đó mà chui vào. Chú nhặt gạch, gỗ ém mấy chỗ ấy lại, làm như mấy mẩu vụn đó, đạn không làm gì nổi.

Bên ngoài súng vẫn nổ ròn rã, kinh hồn, và càng lúc như càng tiến đến gần nhà hơn. Một loạt súng nổ sát vách, dội tai, dội lồng ngực mấy người dưới hầm. Họ cúi mọp, ôm nhau chết điếng. Đạn bay veo véo lạnh người, chạm tàu chuối tàu dừa lạc xạc, rơi lộp bộp ngoài sân, rớt lõm bõm xuống rạch. Một viên đạn phóng vào nhà trên, không biết trúng vật gì rơi loảng xoảng.

Có mấy tiếng kêu than nho nhỏ. Rồi giọng run run khàn khàn của bà Tư cất lên, với câu kinh cầu nguyện lập đi lập lại. Lời cầu của bà như rên như rỉ, càng làm tăng thêm sự ghê rợn. Nhưng không ai phản đối, phần vì kính nể bà, phần vì đó là điều hợp lý. Phải, trong hoàn cảnh nầy, người ta chỉ còn biết cầu nguyện, trông vào sự che chở của các đấng thiêng liêng mà thôi!

Vụt, tiếng súng im bặt. Đêm quê lại chìm trong sự tĩnh mịch bình thường, như chẳng có việc gì xảy ra cả. Có lẽ trận đánh đã kết thúc. Nhưng chưa ai dám rời hầm trú vội. Sự kinh hãi lắng dịu dần, mọi người thấy phần nào dễ chịu. Và, người ta bắt đầu bàn bạc chuyện trò.

Cô Lượm lên tiếng trước nhất:

- Bây giờ chừng mấy giờ rồi?

Chú Bảy:

- Khoảng một hai giờ.

- "Đụng" ở đâu mà nghe gần quá?

Chú Bảy lại đáp phỏng chừng:

- Hồi đâu nghe đâu ở dưới cầu đúc, rồi lần lần lên tới xóm mình. Chắc "mấy chả" đánh xuống dưới rồi bị lính đánh bật trở lên đa.

- Không biết "họ" rút khỏi đây chưa?

Câu hỏi chẳng được ai trả lời, vì nào ai biết được điều đó. Tiếng súng đã dứt nhưng hiểm nguy vẫn còn quanh quẩn đâu đây.

Bà Tư nói:

- Vái trời cho êm luôn!

Thiếm Bảy chắc lưỡi:

- Rầu quá! Giặc giã gì đâu mà cứ đánh tới đánh lui hoài, làm sao sống nổi!

Im lặng một lúc, thiếm lẩm bẩm:

- Không biết giờ này thằng Hùng nó làm gì? Có phải lội sình lội bùn đi hành quân hay không?

Hùng là con trai đầu lòng của chú thiếm. Anh đi lính trên một năm nay, phục vụ tại một đơn vị xa xôi hẻo lánh ở miền Trung. Thiếm Bảy thương anh lắm. Mỗi khi nghe tin có trận đánh lớn, hoặc mỗi lần có vụ chạm súng trong quận nhà, thiếm lại chạnh nhớ đến thằng lính con mình mà lo lắng không ít.

Nghe nhắc đến Hùng, chú Bảy cũng buồn, nhưng chú bảo:

- Lặn lội đánh trận là chuyện thường trong đời lính, có gì mà má nó băn khoăn? Làm trai thời buổi loạn lạc mà.

- Đành vậy, nhưng làm sao mình khỏi lo cho con được?

Thằng Hậu xen vào:

- Má đừng lo! Anh Hùng tài ghê lắm, có lặn lội, có đánh trận ngày nầy qua ngày khác, đêm nầy qua đêm khác cũng không việc gì đâu! Để rồi má coi, mai mốt anh Hùng ảnh về chơi, mạnh khỏe như thường!

Bà Tư nói:

- Bây nhắc thằng Hùng làm tao nhớ nó quá! Cái thằng chó! Hôm trước nó về phép thấy cái ống ngoáy cây của tao cũ quá, nó nói để lần sau về đem cho tao một cái ống ngoáy làm bằng vỏ đạn. Hổng hiểu sao tới nay lâu quá chưa thấy nó về?

Thằng Hậu lại có dịp tía lia:

- Con biết tại sao rồi nội ơi!

- Tại sao vậy con?

- Tại ảnh muốn kiếm cho nội một cái vỏ đạn thiệt đẹp, đẹp nhứt Việt Nam, đẹp nhứt thế giới, nhưng tới nay vẫn chưa gặp nên ảnh còn đi tìm hoài đó!

Mọi người cười xòa, tạm quên bao sự lo âu. Chú Bảy bảo:

- Coi bộ êm rồi đa! Để tui ra nghe ngóng coi!

Thằng Hậu reo:

- Cho con ra với! Ở trong nầy bực bội thấy mồ!

- Khoan đã mầy! Để tao ra trước một lát đã.

Nói đoạn chú Bảy vẹt bao trấu chận cửa hầm chui ra. Nhưng chú vừa mới ló đầu ra ngoài, thình lình:

- Đoành! Đoành! Đoành! Véo! Véo!...

Súng lại nổ, dữ dội không kém ban nãy! Chú Bảy lại rút vội xuống hầm, bịt kín cửa lại. Sự kinh khiếp hãi hùng lại dâng lên, nghẹt thở.

Sau đó, súng cứ lúc nổ lúc im, không dứt hẳn. Trận chiến gay go kéo dài. Hình như chưa bên nào đẩy lui được bên nào cả.

Nằm im trong hầm trú, thỉnh thoảng mọi người chợt nghe có tiếng chân bước lạo xạo bên hè, tiếng gọi nhau, tiếng còi hiệu lanh lảnh, và cả tiếng rên siết từng hồi ghê rợn. Tưởng tượng cảnh chết chóc đang diễn ra ngoài kia, ai cũng rùng mình: Những bóng đen lăm lăm súng thép, băng mình qua các bụi rậm, chốc chốc lại chồm lên, ria từng loạt đạn kinh hồn ; những thây ngã gục, quằn quại, nhầy nhụa máu me... ôi khủng khiếp!

Người ta trông sáng từng phút từng giờ. Tiếng gà gáy sáng thường khi không ai để ý, bây giờ người ta hết sức đợi nghe. Nhưng đêm hiểm ác như cố kéo dài ra mãi. Và, lũ gà, không biết có kinh khiếp rúc đầu vào cánh hay không, mà quá lâu không nghe gáy một tiếng nào!

Trong đám chen chúc dưới hầm, chỉ có thằng Hậu là có vẻ bình thản hơn hết. Lúc đầu nó cũng sợ ghê hồn, nhưng mãi rồi như quen đi, mặc súng nổ bao nhiêu thì nổ, nó không thèm để ý nữa. Mệt mỏi, nó nằm co dưới đáy hầm, ngủ khò lúc nào không hay.

*

Thằng Hậu thức dậy thì thấy chỉ còn có một mình nằm chèo queo dưới hầm. Nó chui ra khỏi hầm, thấy trời đã sáng bét. Có tiếng lục đục, tiếng chắc lưỡi than vắn than dài trên nhà trên, nó bước lên xem. Bà Tư đang ngồi nhặt nhạnh gì đó trước tủ thờ. Thằng Hậu hỏi:

- Cái chi vậy nội?

Bà Tư run run cầm giơ lên mấy mảnh sứ:

- Cái lục bình! Bể rồi!

Thằng Hậu la lên:

- Chèng đéc ơi! Uổng quá!

Bà Tư rầu rầu:

- Ừ, uổng quá!

Thằng hậu lại ngồi bên bà, phụ nhặt từng mảnh sứ văng tung tóe:

- Hồi hôm mình nghe có cái gì bị trúng đạn rớt bể, chắc nó đó chớ gì, hả nội?

- Ừ!

Bà Tư buồn ghê lắm. Cái lục bình nầy là vật cổ nhất nhà, và được bà quí nhất nhà. Đó là di vật của ông Tư để lại. Nguyên lục bình làm bằng sứ trắng, cao cỡ ba gang tay, hình nhiều mặt, có vẽ mấy ông Tiên ngồi đánh cờ dưới cội tùng, nét vẽ rõ ràng tỉ mỉ bằng mực xanh, nhìn vào cứ tưởng như được sống lại cái thời xa xưa nào ở bên Tàu ấy. Hồi còn sanh tiền, ông Tư cũng quí cái lục bình nầy vô cùng. Ông hay tìm hoa đẹp cắm vào đó, đem đặt lên bàn thờ, rồi cứ xăm xoi ngắm nghía mãi. Nhất là ngày TẾT, cái lục bình, với một cành Mai già cằn cỗi đơm hoa vàng, lơ thơ mấy chiếc lá non, một làn hương ẻo lả bay quyện, đối với ông, thật không có hình ảnh nào đẹp bằng.

Ông Tư mất đi, cái lục bình còn đó. Bấy giờ bà Tư lại hay tưng tiu chăm sóc nó, để gợi nhớ đến ông. Bà đã tìm lại được bóng dáng người xưa, dư vị ngày xưa phảng phất qua cái lục bình nầy. Thế mà, nó đã vỡ nát! Còn gì buồn hơn?

Thằng Hậu hỏi bà nó:

- Cái lục bình nầy bể tiêu rồi, để nói ba con mua cái khác hén nội?

Bà Tư gật đầu:

- Ừ, nhưng làm sao kiếm được cái tốt như vậy?

- Chắc được nội ơi! Hôm trước con đi tỉnh thấy chỗ bán đồ cổ, có bày lục bình đủ thứ hết.

- Vậy hả? Nhưng chắc không có cái nào giống cái nầy đâu!

Phải, trên đời nầy làm sao có được một cái lục bình thứ hai dính dấp đến những chuyện xưa cũ của đời bà như cái nầy. Nó quí ở chỗ đó. Nó "độc nhất vô nhị" ở chỗ đó.

Thằng Hậu hỏi:

- Gom mấy mảnh bể nầy quăng cho rồi hả nội?

Bà Tư gạt ngang:

- Bậy nà! Đi kiếm cho nội một miếng giấy tốt, gói hết lại cất để dành.

Thằng bé hơi ngạc nhiên, nhưng nó cũng vâng lời ngay. Nó nghe người lớn bảo, ai đau ban cua, dùng mảnh sứ cổ lể sẽ hết liền. Có lẽ bà nội nó để dành mảnh lục bình bể dùng vào việc đó chăng?

Tìm được một miếng giấy dầu to, thằng Hậu vừa đem lại cho bà Tư thì nghe có tiếng gọi ngoài cửa:

- Hậu! Làm gì đó mậy?

À, thằng Tiến bạn thân nó. Nó bước ra, giơ tay chào theo kiểu nhà binh:

- Không làm gì hết.

- Vậy đi "quan sát bãi chiến trường" chơi?

Câu nói nghe hấp dẫn.

- Nhưng tao chưa súc miệng, chưa ăn sáng.

- Thì làm lẹ lên, tao đợi!

Lập tức, thằng Hậu bước ra sau sàn nước. Tại đây nó bắt gặp cái khạp nước nhỏ cũng bị trúng đạn, vỡ đôi, nằm khềnh ra đó. Nhìn chếch sang chuồng heo, nó thấy một nhánh sầu riêng bị gãy lìa.

Súc miệng xong, thằng hậu vào nhà lục cơm nguội ăn. Thằng Tiến ngồi kế bên. Hai đứa nói chuyện đánh nhau trong đêm, cãi vã om sòm.

Nồi cơm đã vét sạch, thằng Hậu quăng đũa chén lên vạc, hỏi:

- Mầy thấy ba má với chị Lượm tao đâu không?

Thằng Tiến đáp:

- Chị Lượm thì tao không biết, chắc chỉ đi chợ. Còn ba má mầy ở bên nhà tao á.

- Ổng bả làm gì ở bển?

- Thì cũng xúm bàn chuyện hồi hôm với ba má tao á mà!... Thôi, đi chứ?

- Ừ, đi thì đi!

- Tao muốn tìm mấy cái vỏ đạn to.

- Tao cũng vậy.

- Tao giao, thằng nào thấy trước thì lượm, không được giành giựt nghe!

- Ừ, chơi ngon mà mậy!

Hai đứa không đi đâu xa, bãi chiến đêm rồi chính là khu vườn tược xung quanh nhà, có thể kể cả nhà chúng nữa. Đi qua những gốc dừa, những bụi rậm, những hố trũng, chúng hay bắt gặp những dấu chân, dấu cỏ bị giẫm nát, những vỏ đạn vung vãi. Thằng Hậu ra vẻ rất thành thạo:

- Vỏ đạn cạc-bin nè!

- Vỏ đạn tom-xong nè!

Thằng Tiến hỏi:

- Sao mầy biết?

- Anh Hùng tao chỉ.

Cái gì cũng anh Hùng nó nhất hết! Nó làm thằng Tiến phục lăn anh Hùng nó, phục lăn nó luôn.

Đi quanh quẩn, xục xạo mãi, chưa đứa nào tìm được một vỏ đạn to ưng ý. Và, chắc chắn là không khi nào chúng tìm ra được. Đây chỉ là một cuộc chạm súng nhỏ, thường thôi, người ta đâu có dùng súng lớn.

Bỗng:

- Ý! Hình như...

Thằng Tiến vụt la lên, khi bước ngang một lối mòn, hai bên xanh rì mắc cỡ. Tiếng la to, kinh ngạc, khiến thằng Hậu đi gần đó giựt mình, chạy lại.

- Cái gì vậy?

- Hình như lựu đạn!

- Đâu?

- Kia kìa!

Theo tay chỉ của bạn, thằng Hậu nhìn thấy ba quả kim khí màu xanh xám to bằng nắm tay nó, nằm kề nhau, ở cạnh một bụi kim quít, trông chẳng khác ba trứng chim to. Đến lượt nó la:

- Lựu đạn! Lựu đạn thiệt!

Thằng Tiến rùn vai, thè lưỡi:

- Ghê quá!

Thoạt nhìn một loại khí giới giết người nào, người ta cũng thấy rờn rợn, vì liên tưởng đến sự sát hại khủng khiếp của nó. Chỉ những kẻ hiểu rõ về loại khí giới đó, mới không sợ hãi thôi. Thằng Hậu chẳng biết có rành lựu đạn hay không, mà tỉnh tuồng bảo bạn:

- Ghê quái gì mậy? Để tao lượm coi chơi!

Nói đoạn nó dợm bước, nhưng thằng Tiến vội níu tay lại:

- Đừng mầy! Nó nổ chết bây giờ!

Thằng Hậu cười ngất:

- Mầy làm như hễ rờ tới nó là nó nổ liền! Nếu vậy làm sao lính dám đeo trong mình? Đừng lo, anh Hùng tao có chỉ cho tao biết về lựu đạn mà mậy!

Tin bạn mình giỏi, nghe nó nói có lý, lại thêm tánh tò mò, thằng Tiến không cản nữa, buông tay cho thằng Hậu bước vào bụi kim quít, nhặt được ba quả lựu đạn đem ra:

- Lựu đạn nầy chắc của "mấy ổng" làm rơi.

- Sao mầy biết?

- Hình dáng nó hơi khác với lựu đạn thường thấy lính mang.

Đưa hai quả cho bạn, thằng Hậu tiếp bảo:

- Cầm bớt giùm tao, để tao chỉ cách làm nổ lựu đạn cho mầy biết.

Thấy thằng Tiến có vẻ ngần ngại, nó gắt:

- Cầm đại đi! Vậy chớ tao cầm đây có sao đâu? Mầy nhát như thỏ!

Thằng Tiến đành tiếp lấy:

- Mầy chỉ cách làm nổ thôi, chớ đừng làm nó nổ thiệt đó!

- Tao đâu có ngu!

Giơ cao quả lựu đạn còn giữ lại, thằng Hậu nói:

- Coi nè! Muốn làm nổ trái lựu đạn nầy, mầy chỉ việc rút cái chốt an toàn nầy ra, buông cái thìa nầy, và, quăng đi. Dễ ợt!

- Rủi mình quăng không kịp, nó nổ ngay tại chỗ làm sao?

- Không có chuyện đó được. Rút chốt, buông thìa rồi, lựu đạn không nổ liền đâu, bốn năm giây sau nó mới nổ. Thời gian đó đủ cho mầy quăng đi xa lắc rồi. Nhiều khi mầy quăng sớm quá, rớt xuống chưa nổ, kẻ địch lượm quăng trở lại mầy, chết queo!

- Úy mẹt ơi, ớn quá!

- Để tránh chuyện đó, người ta không quăng trái lựu đạn đi liền. Bốn năm giây có thể ước lượng được bằng cách đếm từ 331 đến 336. Rút chốt, buông thìa xong, người ta đếm từ 331 đến 333 mới quăng là cách hay nhất... À quên, còn một điều nữa, trái lựu đạn đã rút chốt, nhưng nếu mình cứ kẹp chặt cái thìa không cho bung ra, thì để tới tết nó cũng không nổ.

Thằng Hậu trố mắt, chăm chú nghe. Thằng Hậu dứt lời, nó kêu lên thán phục :

- Cha! Mầy học ở đâu mà rành quá vậy?

- Đã nói anh Hùng chỉ tao mà!

- Thôi, bây giờ đem mấy trái lựu đạn nầy xuống bót nạp chứ hả?

- Không được đâu, cầm đi bất tiện lắm!

- Vậy cứ để lại đây, rồi báo cho lính tới lấy?

- Ừ, nhưng để hai trái thôi.

- Còn một trái?

Thằng Hậu kề tai bạn, bảo nhỏ, như sợ có ai rình nghe được:

- Để tao làm nổ thử chơi!

Thằng Tiến trợn mắt:

- Hả? Mầy nói cái gì? Làm nổ lựu đạn chơi? Thôi, xin can cha nội! Nguy hiểm lắm!

- Nguy hiểm thật, nhưng nguy cho người bị liệng, chớ người liệng có hề hấn gì?... Nè, có dịp sử dụng súng đạn chơi, bỏ qua uổng lắm! Tao còn ước được có cây súng bắn thử chơi nữa à!

- Nhưng làm nổ, rủi người ta nghe được thì có chuyện lôi thôi đó!

- Dại gì mình làm nổ ở đây? Ra tuốt ngoài sau mé ruộng á, quăng xuống cái đầm lớn gần bụi tre gai, kiếm tôm cá luôn. Mầy phải biết, với một trái lựu đạn nầy, bao nhiêu cá tép ở dưới đầm cũng phải nổi lên hết, vớt cho mỏi tay!... Thôi, bỏ hai trái lựu đạn mầy cầm lại chỗ cũ đi, rồi đi mầy!

Sau đó, hai đứa cặp kè đi thẳng ra mé sau vườn, tiếp giáp với ruộng. Ở đây không gần nhà nào, giờ nầy cũng chẳng ai lui tới.

Dừng chân bên bờ một cái đầm rộng, thằng Hậu bảo:

- Mầy coi kỹ coi có ai không?

Thằng Tiến đảo mắt nhìn quanh. Vắng lặng, chỉ có mấy con sóc kêu "cọc cọc", phóng chuyền từ tàu dừa nầy sang tàu dừa kia như làm trò xiếc, lũ chim ríu rít bay nhảy ở trên cây, tiếng nghe quen tai đến tưởng như không có.

- Hổng ai hết. Nhưng... Sao tao ghê quá mầy!

- Sợ thì lại đằng mả đá kia mà núp, xem tao làm, thỏ đế!

Mặc bạn chế, thằng Tiến bước ngay lại cái mả đá to nằm gần đấy, ngồi thụp xuống bên hông, hai tay bịt tai, ló đầu trố mắt theo dõi cái thằng bạn táo gan táo mật, xem nó làm thế nào.

Đằng nầy, thằng Hậu cầm lăm lăm quả lựu đạn, sửa soạn ném đi. Nó đưa mắt nhìn khắp mặt đầm tìm đích nhắm. Đầm rộng, nước trong phẳng lặng, phản chiếu bóng cây bóng cỏ ven bờ. Rau muống lục bình mọc lan khắp nơi. Vài ba con chuồn chuồn nhởn nhơ bay đậu hết chỗ nầy tới chỗ khác. Một con cá lóc to len lén trồi lên ăn mống, rồi quẫy đuôi lặn mất dưới đám rong dày bịt. Thằng Hậu mỉm cười:

- Giỡn mặt hả mậy? Một lát nữa thì giãy tê tê nghe em!

Nó nghĩ đến con cá nướng trui thoa mỡ hành, mà bắt thèm bắt đói, mặc dù trong bụng còn đầy cơm nguội.

Nó lùi ra xa, định ném quả lựu đạn tới giữa đầm. Đưa lên miệng cắn xuôi mấu gài chốt an toàn, nó giựt mạnh chốt an toàn ra. Bây giờ chỉ việc ném mạnh quả lựu đạn tới trước và nằm rạp xuống, không để ngực chạm đất, thế thôi! Nhưng, bỗng dưng nó cảm thấy hồi hộp lạ. Trấn tĩnh, nó bảo thầm:

- Hồi hộp khỉ gì? Còn dễ hơn đốt một cây pháo!

Và, nó buông thìa lựu đạn:

- Ầm!...

Một tiếng nổ kinh hồn. Quả lựu đạn nổ ngay khi thằng bé chưa kịp ném!...


THUẦN GIANG      

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 103, ra ngày 1-4-1969)

Chủ Nhật, 26 tháng 4, 2020

Bong Bóng Xà Phòng


Ngày em ra chào đời là ngày huy hoàng nhất đối với Ba Mẹ từ mấy năm nay. Mẹ đã hằng chắp tay nguyện cầu trong khi Ba yên lặng tưởng đến một khuôn mặt Ba hằng mơ ước, một khuôn mặt đáng yêu với đôi mắt to tròn đen lay láy ngỡ ngàng, đôi tay bụ bẫm vòi vĩnh, và đôi môi mỉm cười thơ ngây. Ba nghĩ Ba sẽ hôn lên đôi má phính hồng của em, sẽ gọi em bằng cái tên thực xấu để ông bà đã khuất đừng "bắt" mất em của Ba, nhưng cũng phải là cái tên yêu dấu nhất để muôn đời cho Em nhớ tới quê hương mộc mạc hiền lành. Ba lựa chọn, bàn bạc với Mẹ. Cả hai có lúc cãi nhau, nhưng chỉ cùng nghĩ đến một mầm sống đang vươn lên trong lòng Mẹ.

Trước khi Em mở mắt, đem tiếng khóc đầu tiên của mình ra làm quà cho cuộc đời, Mẹ đã thức bao đêm, tỉ mỉ cắt những chiếc áo tương đối đẹp nhất của mình để may áo quần tã lót cho con. Mẹ lo trữ sẵn than củi, dầu nóng để hơ ấm cho con mỗi khi gió đông về quấy rối. Mẹ tháo gối bông của Mẹ để may cho con mẹ một chiếc mền mỏng nhẹ và một chiếc gối hình bán nguyệt thực dễ yêu. Mẹ may bao tay để con mẹ mỗi lần khóc lẫy khỏi cào rách khuôn mặt non nớt, và những đôi bao chân xinh xắn để con mẹ khỏi thấy lạnh vì gió máy. Những hôm ngồi sàng gạo, Mẹ lựa những hạt nào lớn nhất, trông ngọt ngào nhất để dành đấy sau này nấu cháo cho con. Những lúc đêm khuya, Mẹ đặt tay lên bụng, mỉm cười lắng nghe mầm sống đang chỗi dậy cựa quậy trong lòng.

Còn Ba, sau những buổi cày, những chiều tưới nước suốt đám cải non, Ba đem dao ra vườn, chặt tre, vót, cặm cụi đan cho con Ba một chiếc nôi xinh xắn với bốn tao nôi, treo giữa nhà mà ngắm, mà tưởng tượng. Ba ra công làm việc với hy vọng lợi tức sẽ tăng hơn, để con Ba ra đời không thiếu thốn một thức gì.

Đến ngày em ra đời rồi đấy. Em quả không thiếu một tí gì. Em có đủ hết, Ba, Mẹ, Quê Hương, và Tình Thương Vô Tận. Em không những có đủ, em có thừa cơ. Em chỉ thiếu mỗi cái tên thực kêu, nhưng quê hương em mộc mạc, tên em hào nhoáng làm gì. Ba Mẹ em đồng ý gọi em là Bé. Em bé bỏng thật. Trong tay Mẹ, trong ánh mắt ấm áp của Ba, và giữa quê hương xanh hương lúa, Em thấy mình như chìm đi trong nỗi sung sướng ngọt ngào. Với tình thương của Ba Mẹ, Em nghĩ chả bao giờ Em đền đáp được. Còn quê hương Em, tuy đối với Thế Giới bao la, quả vô cùng nhỏ bé. Tuy thế, với riêng em, thực là mênh mông. Mỗi trưa hè oi ả, Em nằm trong lòng Mẹ, nhìn trời xanh ngăn ngắt, Em thấy trời mới lớn làm sao. Trời kia bao bọc quê hương Em đấy, thế thì quê hương Em phải lớn biết ngần nào. Tai em nghe Mẹ cất tiếng ru:

À ơi, ru em, em ngủ cho rồi
Để Mẹ đi chợ (à) mua vôi ăn trầu
Mua vôi (thì lại) chợ Quán chợ Cầu
Mua cau Nam Phổ, mua trầu Chợ Dinh.

Rồi Em bắt đầu tập nói. Chữ đầu tiên thoát khỏi vành môi thơ ngây, em đã dành trọn cho hai người Em thương nhất: "Ba! Mẹ!". Mỗi lần nghe Em bập bẹ gọi mình, Ba Mẹ đồng chạy đến bên Em. Mẹ cúi xuống, bồng em trên tay, hỏi giọng âu yếm: "Gì đó, con chó con của Mẹ gọi Mẹ làm gì đó? Đói hả? Đói ăn hả? Con tôi hư quá!" Em "hư" thế mà Mẹ vẫn đặt trên trán em, má em mấy cái hôn thật kêu. Những tiếng nói đầu tiên của Em thực ngọng nghịu tức cười. Mỗi lần Ba hỏi: "Con có thương Ba không?". Em chúm môi, tủm tỉm cười trả lời: "Xương!". Ba Mẹ cùng phá lên cười lớn: "Xương với lại da, con tôi chả thương bố mẹ nó tí nào!". Em đỏ mặt vùng vằng hờn dỗi. Nhưng hờn dỗi làm chi? Chính Ba Mẹ yêu thích khát khao được nghe em trả lời bằng giọng nói ngập trẻ thơ ấy cơ mà. Nếu không thế, sao Ba lại bắt chước em mà hỏi lại: "Con có (xương) Ba không?"

Đến lúc em bắt đầu nói sõi, trong nhà không lúc nào ngớt tiếng Em líu lo. Hôm nào em trở mình, ít nói, ít cười, Ba Mẹ thấy căn nhà lạnh lùng hẳn, thiếu vắng hẳn. Sự im lặng ấy làm Ba Mẹ lo lắng ra mặt. Ba bỏ buổi cày và Mẹ thôi không sàng gạo, ương cây nữa. Nụ cười chỉ nở lại trên môi Ba Mẹ khi nào mắt em thôi nhắm nghiền mệt mỏi, và môi em lại cất lên, dòn dã và líu lo như chim khuyên.

Khi Em lớn hơn tí nữa, mỗi chiều đem cơm ra cho Ba đang ở ngoài đồng, Em đã nghịch ngợm trèo lên đụn cát cao, nhìn ra xa. Mắt Em thấy tận biển ngời xanh, và phía bên này, cây rừng mướt rượt. Em thấy quê hương em giàu quá, đẹp quá. Những thức Em ăn hằng ngày, chẳng như mầm từ lòng đất đấy sao? Nào gạo thơm, nào khoai sắn ngọt ngào, những món ăn giản dị mà quen thuộc, thương yêu lạ lùng. Em cũng chẳng bao giờ thấy rét, vì quanh năm, làng Em hứng gió tự muôn phương, khi gió nồm rát mặt, lúc gió bấc lạnh căm. Em dường như quen đi với thời tiết thay đổi bất ngờ ấy.

Như bất cứ một đứa trẻ con Việt Nam ở nông thôn nào khác, Em để tóc ngắn, da mặt sạm đen và đi chân trần. Giày, mũ, với Em, là những thứ xa xỉ, vướng víu. Em sống và lớn lên ở đồng quê, Em thân với Thiên Nhiên và sống với Thiên Nhiên như thể không có không được. Em không lo nghĩ, không ganh tị, không mơ ước cao xa, vì chung quanh Em không có gì cho Em phải so sánh. Tất cả mọi người ở đây đều phải đổ mồ hôi làm việc, để cuối mùa đem về cho gia đình những bồ đựng đầy lúa mát mắt, có phép mầu xoa dịu hết nỗi nhọc nhằn suốt mấy tháng trôi qua. Tất cả bạn bè Em đều ăn mặc quê mùa, cũ kỹ. Các Em chơi cùng nhau, học cùng nhau. Trò chơi của các Em không tốn gì nhiều, chỉ tốn công chút xíu. Các em gạch lên đất nâu nhẩy lò cò, các Em kiếm đất sét, nặn những con vật ngộ nghĩnh, hoặc chặt tre nhỏ làm diều, thả ngoài đồng những chiều lộng gió. Các Em chỉ tốn sức nhưng thật vui khi đuổi bắt nhau, chơi ú tim, chơi giật cờ. Và mỗi lúc bóng tối sắp đổ lên ngôi làng nhỏ, cả bọn tiếc rẻ chia tay nhau, hứa với nhau: "Mai nhớ tới nghe!". Giấc ngủ Em mang nhiều mộng. Em sẽ giật mình, sẽ đấm tay xuống giường, sẽ ú ớ. Ba Mẹ sẽ lo lắng chỗi dậy nhìn Em. Nhưng có sao đâu, Em đang lớn đấy thôi.

Em đang lớn nhưng em còn quá bé để giúp Ba những công việc nặng nhọc. Quê hương khô cằn khiến Ba phải đổ biết bao mồ hôi để tưới lên, cho Em chóng lớn, cho Mẹ đỡ vất vả nhọc nhằn. Cuộc sống sẽ êm đềm hơn, sẽ bình thản hơn, nếu không có tiếng súng, phải, nếu không có CHIẾN TRANH. Những khuôn mặt đằng đằng sát khí, những vũ khí lạ lùng buốt lạnh khiến Em có cảm tưởng đang ở trong vùng địa ngục khi em nghĩ đến khuôn mặt Thiên Thần của Ba Mẹ và bạn bè Em.

Rồi một ngày, ngôi làng nhỏ bé, năm bên bờ biển miền Trung của Em cũng bị lôi cuốn vào làn sóng chiến tranh. Nhà em rực lửa, tai em nghe tiếng đạn nổ liên hồi, tiếng người kêu khóc. Mùi khét lẹt của thuốc súng, của lửa khiến Em sợ đến lịm người. Suốt một đêm nằm yên trong lòng Mẹ, Em quên cả cái lạnh của sương. Em thấy yên tâm trong tay Mẹ, nhưng lạ lùng thay, Mẹ khóc. Khi đưa tay lên mặt Mẹ, em thấy mặt Mẹ đẫm nước. Tội nghiệp Mẹ của Em quá. Có bao giờ Em thấy Mẹ khóc nhiều thế đâu. Em khóc theo Mẹ. Mẹ vỗ vào lưng, ôm chặt Em đến nghẹt thở. Mẹ nói nhỏ: "nín đi con, mẹ thương!", nhưng nước mắt mẹ lại làm ướt cả tóc em.

Lúc bình minh ló dạng, Ba mới dắt Em vả Mẹ ra khỏi hầm. Bây giờ tiếng súng đã yên, chỉ còn khói bốc lên từ dãy nhà cháy rụi. Mắt Em ngơ ngác nhìn căn nhà mình, căn nhà nhỏ bé, thương yêu của Em giờ chỉ là một đống tro tàn, với những đoạn tre cháy dở nằm ngổn ngang. Em không làm sao nhận được căn phòng nhỏ, nơi em hằng đêm nằm ngủ say với rất nhiều mộng màu hồng. Em không sao nhận được kia là chiếc sân nhỏ em đã từng cùng bạn bè nô đùa dưới ánh trăng xanh. Tất cả hiện ra xa lạ quá, như thể em đang ở một nơi nào đó, một nơi nào em chưa hằng nghĩ tới và chưa hề nghe nói đến. Cây khế xanh mướt với trái chua đã từng quyến rũ Em trèo lên mỗi trưa oi nồng giờ chỉ còn là một vết tích khói ám, tiêu điều. Em chưa hiểu rõ thế nào là khổ, thế nào là tiếc, nhưng Em bắt đầu hiểu thế nào là nỗi nhớ nhung. Em đột nhiên nhớ khung nhà cũ của Em, với chiếc chõng tre già, với sân đất nện yêu dấu. Mùi tranh cũ, mùi ẩm mốc của đất ướt bỗng nhiên trở nên một hương vị rất quý giá. Em hít mãi vẫn nghe thấy mùi khét lẹt thật buồn.

Bên cạnh em, mẹ đứng lặng người, khóc không thành tiếng. Ba đang lui cui tìm những vật còn sót. Nhiều thứ cong queo, trông buồn cười. Ba gom được ít nồi soong cũ, một ít tre chưa cháy, mấy cái kiềng sắt. Chợt Ba cúi xuống, lượm lên một sợi thừng cháy dở, mân mê trong tay. Em nhận rõ lắm, đó là mẩu dây trong bốn tao nôi đã ru em kẽo kẹt hồi Em còn bé. Em chợt nhiên như nghe đâu đó tiếng hát của mẹ dịu dàng vang trong không khí nồng buổi trưa hè.

À ơi, ru Em, Em ngủ cho say...

Bây giờ Em đã lớn. Tiếng ru ấy chìm đi theo thời gian, và cả tiếng kẽo kẹt nôi đưa cũng bặt tiếng.

Em ngóng nhìn ra xa. Mọi người trong làng Em đang có vẻ vội vã, thu gom những vật còn sót lại sau trận chiến. Em thấy bác Tư đang cầm que tre dài, quơ quơ giữa đám tro tàn. Bác Thi đang khóc lóc, kêu trời. Chị Hương mắt hoe đỏ, ôm thằng Cu lớn trong tay. Bên cạnh chị, xác con gái được quàng bằng khăn trắng. Em không dám nhìn con Gái đâu. Em sợ tối nó hiện về nhát thì Em chết mất.

Em quay nhìn Ba. Hình như mặt trời đã lên cao lắm. Em bắt đầu thấy đói, nhưng không dám vòi vĩnh vì tất cả mọi người dường như quên rằng phải có ăn mới sống được. Em ngồi xuống một viên gạch, lấy tay vẽ những hình ngoằn ngoèo trên mặt đất. Bên kia, mẹ cũng ngồi bệt xuống nền đất sẫm, mắt mẹ nhìn đăm đăm vào căn nhà bị thiêu hủy. Mẹ không nói gì, Ba không nói gì. Nhưng chung quanh em, tiếng khóc vẫn vang vang như chưa hề bị ngắt quãng, như chưa bao giờ dai dẳng đến thế.

Trưa hôm ấy, sau khi lót bụng bằng bát cháo trắng nhạt nhẽo, Em cùng đám bạn kéo nhau ra đầu làng, rồi lại bắt chước người lớn, cầm que tre dài, quơ quơ trong đám tro tàn. Bỗng em nghe tiếng xe chạy rầm rập về phía làng. Em vừa chạy theo lũ bạn, vừa cầm que xoay tít trên đầu. Một đoàn xe nhà binh có đến sáu, bảy chiếc đang tiến vào làng. Mọi người hơ hãi, sợ có một trận đánh nữa. Nhưng may quá, trên xe chỉ chở một số người, đàn ông có, đàn bà có, mặc đồ lính có, mặc đồ thường cũng có nữa. Họ nối nhau đến nhìn từng ngôi nhà, hỏi thăm từng người một. Bọn trẻ tò mò theo sau như đám rước. Em nghe họ nói nhiều lắm, nhưng Em không nhớ, mà Em cũng không hiểu. Chỉ thấy mọi người vội vã gói, cột gia tài bé nhỏ của mình, và kéo nhau leo lên mấy chiếc xe nhà binh. Có người dùng dằng không chịu đi, có người ngồi xổm dưới đất, vò nát đất trong tay mà khóc. Chị Hương nhờ bác Hành bên hàng xóm chôn đứa con gái lớn. Vừa lấp đất, chị vừa khóc kể. Tội nghiệp ghê vậy đó. Thôi, giã từ cô bạn nhỏ, mày ngủ ở đây đi, còn Em, Em phải theo Ba Mẹ rời làng đây.

Khoảng ba giờ chiều, trời còn nắng lắm, nhưng mọi người, kỳ cục thay, lại hối thúc nhau: "Nhanh lên kẻo chiều rồi, nguy hiểm lắm!" Thời gian, tối sáng, thì có gì đáng nguy hiểm đâu? Em thấy người lớn thật vô cùng khó hiểu. Gia đình Em leo lên xe sau cùng. Lúc Ba bồng em lên cho bác Sáu đỡ lên xe, mấy người lính nói với Ba:

- Xe này chật quá rồi, ông chịu khó đi xe trước kia nhé.

Ba nhìn Mẹ, nhìn Em phân vân. Mẹ định nhảy xuống nhưng bác Sáu cản lại:

- Thôi, để chú Hai chú ấy đi xe trước cũng được. Chị với thằng Bé đi xe ni, không răng mô.

Rồi bác cúi xuống Ba:

- Chú Hai qua bên tê đi. Có tui đây, tui lo cho thím với thằng Bé được mà.

Ba tần ngần ôm bọc áo quần, nồi niêu cũ đi về phía trước. Leo lên xe rồi, Ba ngong ngóng nhìn lại chiếc xe đang chở Mẹ và Em mà lo lắng trong lòng.

Bảy chiếc xe nhà binh nối đuôi nhau chạy ra đường chính. Đây là lần thứ nhất Em được ra khỏi làng. Tất cả đối với Em thật mới lạ, này là con đường nhựa thẳng tắp, hai bên núi đồi trùng điệp, cây rừng mướt xanh.

Đoàn xe gia tăng tốc lực. Con đường tuy tráng nhựa nhưng không được phẳng. Em bị nhồi đến mệt nhừ. Trong lúc nắng trên đầu đang đổ xuống mặt, nung đôi mắt đến cay nồng, thì gió thổi ngược làm em muốn ngủ. Em ngước nhìn mẹ, thấy mẹ không nói năng, Em gục vào lòng mẹ, nhắm mắt, thiu thiu.

Ba không ngủ được. Người Ba bồn chồn. Con đường này vốn là nơi tác quái của tử thần, nhất là trong mấy ngày qua. Ba không muốn nghĩ, và dĩ nhiên không mong gia đình mình gặp phải sự không may, nhưng Ba vẫn sợ. Ba xua đuổi nỗi hãi sợ bằng cách nhìn đám người ngồi chung quanh, lắc lư, nhổm lên mỗi lần xe gặp ổ gà, Ba có cảm tưởng đang ở trên một chiếc thuyền con.

Bỗng nhiên một tiếng nổ lớn làm ba giật mình. Xe thắng lại vội vàng. Tiếng gọi nhau ơi ới, rồi tiếng súng nổ. Ba nhổm dậy, nhìn về phía sau. Trời ơi! Xe của Em, của Mẹ bị giật mìn! Chiếc xe nhà binh chứa đầy người lật ngược xuống bờ đường, bốc cháy kinh khủng. Ba như người mê, nhảy xuống xe, định chạy về phía chiếc xe cháy. Ba hét lên như trong mơ: "Trời! Mình! Con!" Có ai níu tay ba lại. Ba vùng vẫy, quên hẳn trên đầu, phía trước, phía sau, đạn réo như mưa...

*

Em đã không còn, Mẹ đã không còn.Một mình Ba theo làn sóng người di cư về thành phố. Ở đó, Ba ghi tên vào đoàn công nhân đi xây nhà cửa kiến thiết lại thành phố. Hằng ngày, Ba làm việc từ sáng đến chiều. Có lúc Ba chuyển gỗ, có lúc Ba đóng đinh, có lúc ba ngồi trên nóc nhà xây dở, nhìn xuống mặt đất, có cảm tưởng mình đã thoát xác. Buổi trưa, Ba dừng tay, ăn cơm cùng với hàng trăm công nhân khác. Giữa khung cảnh xô bồ, Ba thấy lẻ loi lạ lùng. Em không còn, Mẹ không còn. Ba đâu còn ai nữa để nôn nả trở về sau những buổi ra công? Ba thấy dường như Em và Mẹ vẫn còn sống, vẫn ở đâu đó, đang đợi chờ Ba về để cùng hưởng hạnh phúc gia đình. Cũng lúc đó Ba nghĩ như Mẹ và Em chưa hề có trên cuộc đời. Vậy thì Mẹ và Em đã có hay không hề có? Những ý nghĩ ấy làm ba ăn cơm thấy nhạt nhẽo làm sao! Ba ăn, Ba làm, Ba ngủ. Những hành động ấy tự ý đến, tự ý điều khiển Ba. Ba không hiểu mình ăn để làm gì. Những lúc cầm tiền người ta trả cho một số mồ hôi nhỏ giọt hàng ngày, Ba thấy nghẹn ngào. Ba mất nhiều quá. Ba mất nhiều hơn Ba có, Ba không dám oán trách Thượng Đế vì Ba nghĩ, nếu Thượng Đế đã ban cho Ba, thì Thượng Đế có quyền đòi lại. Tuy nhiên nếu lúc Em ra đời, Thượng Đế đã ban cho Ba một niềm êm dịu, sao lúc đòi lại, Thượng Đế lại không thể đặt Ba vào một hoàn cảnh ít chua xót hơn, đớn đau hơn?

Buổi chiều hôm nay, Ba lại đến bên bờ rau muống. Bờ rau muống này sắp bị bồi lên để xây nhà. Có lẽ trước kia, bên cạnh bờ cũng có một gia đình sống êm đềm, như gia đình Ba hồi trước. Tuy nhiên, chiến tranh không có thì giờ lựa chọn để tàn phá. Căn nhà lá bị thiêu hủy, và trên đám tro tàn ấy người ta lại sắp sửa dựng xây một căn nhà khác, to lớn hơn, sang trọng hơn, và dĩ nhiên không cần đến rau muống và bờ ao nước đọng có thể gây nên bệnh tật. Ba tìm gặp bờ rau muống và mừng như thể tìm được người bạn thân xa cách đã lâu. Ba biết một mai, bờ rau muống sẽ bị người ta làm mất dấu, như Mẹ, như Em đã mất dấu trên cuộc đời. Vì thế, mỗi chiều Ba tìm đến đây, ngồi lặng nghĩ đến căn nhà nhỏ ở quê làng.

Ba lơ đãng ngắt một đọt non, đưa lên miệng nhấm. Lá rau muống sống, nồng, nhưng Ba không thấy khó chịu. Vị nồng ấy quen thuộc quá, dễ thương quá. Ba làm sao mà quên được hương vị của Quê Hương đây?

- Ê, mày, thổi cao nữa mày. Thôi rồi, tắt rồi.

Giọng một đứa bé có vẻ tiếc rẻ. Ba ngẩng lên. Hai đứa bé trai đang thổi bong bóng. Chúng nó vụng về, thổi mạnh nên bong bóng không lớn mà lại chóng tắt. Ba muốn cười, đứng dậy đến bên chúng.

- Đưa chú thổi cho này. Phải thổi cho to mới đẹp chứ.

Thằng nhỏ có vẻ lạ lùng, không muốn đưa xà phòng cho Ba, nhưng thằng lớn thì vui vẻ nói:

- Chú cũng biết thổi?

Ba lựa một cọng rau muống có vẻ suông nhất, chấm vào xà phòng, đặt cọng rau nghiêng và hơi chúi xuống đất, Ba thổi nhẹ. Bong bóng phồng lớn dần, óng ánh màu sắc, tròn mảnh. Ba ngưng thổi, đưa nhẹ ngọn rau muống lên cao rồi chúm môi, Ba thổi cho bong bóng rời khỏi ngọn rau. Theo đà bay của bong bóng, Ba thổi lên cao, cao nữa. Bong bóng càng được thổi nhiều, càng óng ánh ngũ sắc. Nhưng bởi chỉ là bong bóng xà phòng, dù đẹp bao nhiêu cũng không bền. Trong phút chốc, bong bóng vỡ tan. Ba nhìn bọt xà phòng bắn tung, ngẩn ngơ một giây, rồi cúi xuống thổi tiếp.

Hai đứa bé bắt chước Ba, chăm chú thổi. Những chiếc bong bóng lớn nhỏ, trắng có, màu có, bay vờn quanh Ba như một đàn bướm nhỏ. Thằng lớn nhìn Ba cười. Này Em, Em tưởng Ba đang chơi trò con nít sao? Không, Ba đã sống quá nhiều, biết quá nhiều. Ba đang nghĩ đến tuổi hoa niên của Ba qua quá chóng, Ba đang nghĩ đến những hậu quả ghê gớm của chiến tranh, Ba đang nghĩ tới quê hương sôi máu lửa. Và Ba đang nghĩ đến Tiền Tài, Danh Vọng, Sự Nghiệp và Định Mệnh của mỗi con người...

Ước chi cho CHIẾN TRANH và HẬN THÙ cũng như những chiếc bong bóng kia, chóng vỡ tan đi để Thế Giới chỉ còn có MÙA XUÂN.


TỈ TỈ     

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 90, ra ngày 1-5-1968)

Thứ Bảy, 25 tháng 4, 2020

Tháng Ngày Tuổi Nhỏ


Con bé trông dễ thương làm sao ấy! Khuôn mặt phinh phính đỏ hồng. Mái tóc óng ả úp ngang vai, đôi mắt đen tròn long lanh. Mỗi lần nó cười một bên má lúm đồng tiền và cái răng khểnh len lén sau vành môi.

Con bé đứng nép khuất sau cánh cửa nhường lối cho bác phu xe khuân vào nhà từng cái bàn, từng cái ghế. Một người đàn bà tuổi ước chừng gần sáu mươi đang dọn dẹp ở góc nhà, ở xó bếp.

Hai bà cháu con bé đồ đạc vỏn vẹn trong chiếc xe ba bánh. Tất cả không ngoài những thứ vật dụng hàng ngày, nồi niêu, bàn ghế, cái giường nhỏ và cái tủ con con.

Buổi chiều xuống thật nhẹ. Ánh nắng còn sót lại đậu dài lên hàng giậu trước ngõ. Con bé ngồi bó gối nơi song cửa. Chung quanh đều xa lạ đối với nó. Có tiếng gọi của bà nó, nó đứng dậy bước ra sau bếp.

Đó, buổi chiều, nó đến nhập tịch vào xóm nghèo này.

Thằng Ngoan đứng sau hàng giậu từ nãy giờ. Bắt đầu khi chiếc xe ba bánh đậu xịch trước ngõ và hai bà cháu con bé bước vào căn nhà mới. Thằng Ngoan thỉnh thoảng kiễng chân nhón cao nhìn con bé. Nó thấy thích con bé quá. Ước gì con bé chịu làm em nó, nó sẽ cho con bé ăn kẹo lu bù. Con bé vừa khuất, thằng Ngoan cũng quay lưng vòng ra đằng trước chờ má nó đi bán chợ chiều về.

*

Trời nắng gắt. Ánh lửa mặt trời hong dòn mái rạ, hong mềm mái tôn. Xóm nghèo này như say nắng mệt mỏi nằm yên. Thằng Ngoan ngồi dựa lưng nơi gốc mận bên hông nhà. Bên cạnh nó là con bé có lần nó ước mơ được làm anh.

Bà cháu con bé đến ở đây hơn tuần lễ rồi. Thằng Ngoan đã làm quen được với con bé. Nó biết được tên con bé là Ngọc và con Ngọc nhỏ hơn nó ba tuổi lận. Nó còn biết bà già đó là bà ngoại của con Ngọc. Thằng Ngoan ngấu nghiến đọc cuốn Việt Nam sử lược. Nó có vẻ khoái lắm. Thỉnh thoảng nó lại đánh đét vào đùi, mồm khẽ xuýt xoa. Đến đoạn Trịnh Nguyễn phân tranh, Ngoan gập sách lại sau khi bẻ gãy góc tờ giấy làm dấu. Thằng Ngoan quay nhìn con Ngọc. Nhỏ Ngọc đang nâng niu những món đồ chơi thằng Ngoan làm cho hồi sáng. Vật làm bằng thân chuối đã đen đen vì khô mủ. Một hình người với hai tay nằm ngang, hai chân suông đuột, cái đầu không được tròn lắm và một miếng nho nhỏ làm nôi. Ngoan trố mắt kinh ngạc. Con bé tài thật. Hồi sáng nó chỉ làm cho con bé bấy nhiêu thôi. Không hiểu sao bây giờ cái hình người bằng thân chuối đã đen đen kia lại thêm những áo dài, áo cánh, áo đầm, quần lót đủ thứ, đủ màu. Thằng Ngoan thấy phục con Ngọc quá. Ngoan nhướng người lại gần sờ lấy sản phẩm của nó lên ngắm nghía rồi bảo:

- Chà "em bé" có áo quần đẹp quá. Lấy đâu vậy Ngọc?

- Ngọc lén bà lấy giấy rồi cắt đó.

Tay đong đưa cái nôi "tưởng tượng" Ngọc nói:

- Bữa nào má sẽ gửi về cho Ngọc con búp bê thật đẹp. Má Ngọc viết thư cho ngoại, má bảo vậy đó.

- Ừ, sướng quá hen! Rồi lúc đó Ngoan kiếm tre đan cho búp bê cái lồng nho nhỏ.

- Búp bê mà ở lồng hả? Hèn chi bọn con trai không biết chơi trò "em bé".

Thằng Ngoan nhăn răng cười, con bé sao dễ tin quá, người ta nói giỡn cũng không biết. Ngoan bỗng hỏi:

- Má Ngọc ở đâu lận? Có xa không?

Con Ngọc ngừng chơi, đôi tay nó vẽ vẽ dưới đất, mặt cúi xuống, mái tóc như vuốt ve bên má:

- Má Ngọc ở xa lắm, thỉnh thoảng lâu lâu mới về. Nghe ngoại kể từ ngày ba Ngọc đi bên kia thì má xoay nghề đi buôn. Má thương Ngọc lắm. Mỗi lần má về, má đều ngủ với Ngọc. Má ôm Ngọc chặt cứng như sợ Ngọc tan biến vậy đó. Mấy ngày đó má dẫn Ngọc đi chơi phố, má sắm cho Ngọc nhiều lắm. Muốn gì má cũng mua hết. Ngoại có mình má, má có một mình Ngọc nên ngoại yêu Ngọc chẳng kém má. Những ngày má về thăm Ngọc thấy chẳng đầy đủ tí nào. Ngọc muốn má ở mãi với mình cơ...

Chợt con Ngọc ngẩng đầu hỏi:

- Má với ngoại biểu ba Ngọc đi bên kia, mà bên kia là đâu vậy Ngoan?

Thằng Ngoan thừa biết tình cảnh của ba con Ngọc. Ba nó đi tập kết ra Bắc. Nghe con Ngọc hỏi thình lình thằng Ngoan vội đáp:

- Bên kia là... là bên kia... thế giới ấy! Nghĩa là ba Ngọc đã rời bỏ trái đất, không thèm sống ở đây nữa. Ba Ngọc giống ba Ngoan...!

Thằng Ngoan bỏ lửng câu nói. Ba nó mất vừa hai năm nay. Ba nó chưa già nhưng nét mặt khắc khổ quá đỗi, da nhăn và đen xạm, tay gân guốc. Ba nó đi lính miền xa, sáu bảy tháng mới về thăm má con nó. Thằng Ngoan thường mân mê cái nón sắt, cái báng súng láng bóng của ba nó ra chiều thích thú. Nó khoái nhất là lén đội cái "bê rê" có đầu cọp đi lòe bọn nhóc trong xóm. Lúc ba Ngoan ngủ, Ngoan ngồi bên cạnh sờ những cọng râu không kịp cạo, vuốt nhẹ vai áo chiến bạc màu, Ngoan nhìn ngay mặt bố, tìm kiếm nơi đó vài nét trẻ trung. Ba Ngoan không nâng niu bồng ẵm Ngoan. Ba nó chỉ mỉm cười một mình, nụ cười như hoài vọng tương lai cho thằng con. Ba thương Ngoan nhưng không biểu lộ như má. Rồi ba Ngoan đền nợ nước, má Ngoan không đi thăm mộ phần của ba được vì đơn vị an táng ba vùng đó mất an ninh hoàn toàn. Má lãnh tiền tử má nuôi Ngoan.

Tiếng con Ngọc làm Ngoan quay lại:

- Thế ba Ngoan cũng đi qua bên kia thế giới rồi hả?

- Ừ, chết lâu rồi.

- Buồn nhỉ!

Thằng Ngoan uể oải ngả lưng gối lên gốc đào, với tay đậy cuốn sách lên mặt. Mùi giấy cũ khai khai khó chịu. Không có con Ngọc giờ này nó đi đá dế lâu rồi. Thằng Ngoan là một cây bắt dế. Nhưng từ khi nó nghe người ta đồn mấy lỏi đi moi dế gặp chốt lựu đạn bị thủng ruột bay tay nó khiếp luôn. Thằng Ngoan đành bóp bụng mang tiền mua dế. Con Ngọc không thích trò đá dế. Nó lén thả hết dế của thằng Ngoan. Nó tức mình đá con Ngọc mấy cái và rồi xa hẳn trò đá dế. Thằng Ngoan hất cuốn sách qua một bên, tay gối dưới đầu. Con Ngọc chơi một mình với "em bé". Bóng lá cây nhảy múa trên đầu, trên vai con bé. Ngọn gió thoảng qua nhụy hoa mận rơi nhè nhẹ. Thằng Ngoan lượm cọng lá bỏ vào miệng ngấu. Bữa nào mận sai trái nó sẽ cho con Ngọc ăn nứt bụng luôn. Tự dưng thằng Ngoan mỉm cười với ý nghĩ. Nó thiếp đi. Bóng lá cây lại mơn man lên mái tóc hung đỏ vì phơi nắng của Ngoan...

*

Bọn trẻ chia làm hai phe, mỗi đứa một miếng gỗ nhỏ đẽo theo hình cây súng. Chúng cũng bò, cũng chạy, khum khum nép sau hàng dậu, sau góc hiên. Mồm chúng cứ "ành... xiu!! ành xiu!!". Một thằng khoát tay cho đồng bọn tiến lên. Đứa nào bị bắn kêu đích tên là coi như chết. Trận chiến tưởng tượng.

Thằng Ngoan đứng coi mê mẩn. Mấy lần nó định trao gói mận cho con Ngọc để nhập bọn. Thằng Ngoan cứ dùng dằng không muốn đi. Con Ngọc như biết ý, nó kéo tay Ngoan, véo một cái thật đau:

- Ra bờ sông đi Ngoan. Đứng làm gì ngẩn người vậy.

Thằng Ngoan bước tới theo đà kéo của con Ngọc, không nói.

- Bộ thích trò chơi đó lắm hả Ngoan? Gì mà cứ "xiu xiu, đùng đùng" hoài, thấy ghê quá hà. Đi! Ra bờ sông đi Ngoan Con bé nhắc lại.

Cùng chẳng đã thằng Ngoan đành theo con Ngọc. Thấy con Ngọc buồn buồn thằng Ngoan hỏi:

- Chuyện gì vậy Ngọc? Sao nhìn cái mặt nặng thế?

- Ngọc không thích trò chơi của mấy lỏi đó.

- Không thích thì đừng chơi. Ai có làm tù làm tội gì đâu mà bí xị vậy. Để Ngoan kể chuyện này cho nghe. Cam đoan hết buồn trăm phần trăm!

- Cổ tích hả?

- Không! Chuyện ngày xưa.

Thằng Ngoan bước cạnh con Ngọc. Nó nhớ lại câu chuyện mà mỗi lần ba nó về thăm đều kể cho nó mười lần cũng câu chuyện đó.

- Ngày xưa có hai người bạn mỗi ngày kiếm được cái gì cũng gom lại chia đồng đều. Bữa nọ một người bắt được con ba ba, béo thật là béo. Gã thích thú hí hửng xách về nhà. Gã ta thấy con ba ba ngon quá, về nhà chắc phải chia cho bạn. Gã mới nghĩ một mẹo. Gã nói với bạn gã: "Nè mày, hổm rày tao hơi bệnh. Vậy để tránh sự truyền nhiễm...

- Truyền nhiễm là lây người này qua người khác hả?

- Ừ! Gã lấy cớ để khỏi lây bệnh thì thôi hai đứa ăn riêng. Bạn gã cũng bằng lòng. Rồi mình gã nhóm lửa luộc con ba ba. Không ngờ gã quên đậy nắp nên nước vừa nóng thì con ba ba nó... nó...

- Nó làm sao?

- Nó... ỉa vào đấy rồi thoát ra bò vào góc nhà. Gã kia vẫn tưởng thịt ba ba, ăn có vẻ ngon lành lắm. Qua ngày mai bạn gã quét nhà bắt gặp con ba ba nằm yên bên góc bạn gã tìm cái son luộc ba ba hồi hôm và khám phá ra chuyện động trời. Bạn gã mới hỏi nhỏ gã: "Ê mày, chứ hôm qua mày ăn riêng món gì, ngon không?" Gã liếm mép bảo "ngon"...

Thằng Ngoan ngừng kể.

- Hết rồi sao?

- Hết.

- Xạo, khó tin quá.

- Đã bảo chuyện ngày xưa mà. Ông bà kể sao giờ biết vậy láo hay thật thằng Ngoan này cũng chịu.

Hai đứa ngồi trên tấm cỏ bên bờ sông. Gió buổi chiều mát nhẹ. Những cọng lau khẽ rung rinh theo sóng nước. Con Ngọc rón rén bắt con chuồn chuồn đậu trên đầu ngọn cỏ. Con vật lắc lư cái đầu và bay cao. Con Ngọc nhìn theo tiếc rẻ.

Thằng Ngoan bày bao mận, gói muối ớt ra bảo:

- Ngọc ơi! Lại ăn mận chấm muối ớt, ngon lắm. Xong Ngoan bắt chuồn chuồn cho.

Hai đứa nhai bỏm bẻm. Thằng Ngoan quẳng hạt mận xuống dòng sông. Mặt nước động vỡ. Từng gợn sóng nhấp nhô chạy dần vào bờ. Tuổi thơ thằng Ngoan như dòng sông kia. Nó không dám quăng xuống đó hạt mận thứ hai. Nó không muốn phá vỡ sự yên tĩnh của con nước tuổi thơ của nó.

Con Ngọc xuýt xoa:

- Mặn quá! Ớt gì cay ác. Thôi chịu thua.

Thằng Ngoan quay lại. Con Ngọc không ăn nữa. Bỗng dưng nó nhớ lại ý nghĩ của nó. Hôm nào mận sai trái cho con Ngọc ăn nứt bụng luôn. Thằng Ngoan móc thêm mấy trái bảo:

- Ăn đi, đừng có chấm muối ớt nữa. Ngọt lắm.

Con Ngọc bẻ hai nghe cái bộp. Nó bỗng thét lên vất trái mận xuống thảm cỏ. Trái mận có sâu.

- Cho mà đưa thứ có dòi ấy ai thèm.

Thằng Ngoan gãi gãi đầu đưa một trái khác:

- Đứa nào xấu cho nó ăn nhằm con sâu giống thằng cha bắt được con ba ba hồi xưa ấy.

Con Ngọc bật cười. Lúc nào thằng Ngoan cũng nhường nó.

Dòng nước trong phản chiếu bầu trời ráng đỏ. Thằng Ngoan đứng dậy phủi quần dẫn con Ngọc về. Trên tấm cỏ sót lại đống hạt mận, dấu chân hai đứa trẻ làm rạp cỏ non...

*

Sợi nắng đổ dài liếm trên mái lá lụp xụp. Trung tâm tạm cư này tương đối sạch sẽ. Lũ con nít tụ tập nhau ồn ào cả lên. Tuổi thơ mau quên. Lũ trẻ đâu biết rằng trước đó chúng đang tắm mình trong lửa đạn, trong tiếng súng "cắc bụp". Lũ trẻ đầu lạ sau quen. Chúng lại chia phe, lại núp bắn. Thằng Ngoan xoa xoa đầu con Ngọc. Hai đứa ngồi yên trước căn nhà nho nhỏ mới cất ở khu này. Thằng Ngoan không ngờ ngày nay nó phải như vầy. Tuổi thơ có tội tình gì đâu. Thằng Ngoan ngấy chuyện người lớn. Má nó phải kéo nó sền sệt còn nó thì nắm chặt con Ngọc, con Ngọc lại níu lấy bà ngoại.

Cứ cái thế liên hoàn đó, vất vả lắm mới thoát khỏi xóm nghèo bị lửa chiến tranh tàn phá. Nhà con Ngọc bị thiêu rụi, nhà thằng Ngoan đạn moọc chê giã trúng. Người ta đang tâm bóp nát tuổi thơ của thằng Ngoan, của con Ngọc.

Thằng Ngoan xòe năm ngón tay chải tóc cho con Ngọc, nói:

- Tụi mình hết ngồi bờ sông rồi nhỉ?

- Ờ, hết ăn mận nữa.

- Cây mận nó đứng lâu mỏi quá nên nằm chềnh ềnh ra đất Ngọc có thấy không?

- Có, nhưng bị đạn trốc gốc, đâu phải nó mỏi.

- Giỏi! Biết khôn rồi đấy!

Thằng Ngoan mỉm cười khen con Ngọc theo tầm lý luận của nó. Con Ngọc nhìn lũ trẻ trước sân bỗng hỏi:

- Ngoan còn ham cái trò núp bắn nữa không?

- Tợn lắm, không thích!

Thằng Ngoan đặt con Ngọc gối đầu lên đùi mình. Tóc con Ngọc như cháy khét, đôi mắt nâu nhìn niềm tin yêu lạc loài. Tuổi thơ bị người lớn phá vỡ, như nó phá vỡ mặt nước dòng sông. Thằng Ngoan dựa lưng vào tường. Hai đứa cùng lim dim chúng đang ủ tình thương cho nhau. Buổi chiều xuống thật chậm. Từng sợi nắng còn sót lại mơn man lên khuôn mặt thằng nhỏ và con bé...


THỤY MIÊN    


 (Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 92, ra ngày 15-6-1968)

Thứ Sáu, 24 tháng 4, 2020

Vườn Thượng Uyển Ngày Xưa


Chuỗi ngày dài thời còn tiểu học của em thật vui vẻ. Trường học ở giữa cánh đồng rộng mênh mông. Bãi sân cỏ sau trường là nơi nô đùa thỏa thích của bọn học sinh. Bãi cỏ đã chứng kiến những cuộc đánh nhau, tập trận trong hàng cây rậm lá. Sau trường hơi xa có một cái mương nhỏ. Cái mương nước xanh với thật nhiều hoa súng. Những buổi chiều nhạt nắng kết bè nhỏ bằng chuối trôi trên cái mương ở những chỗ tương đối rộng. Có lúc phi thân bằng một thanh tre sang bên kia mương, trượt tay té xuống mương bị rong xanh quấn chặt chân làm em hốt hoảng kêu rối rít.

Tuy thường dự những cuộc đánh nhau với cây lùn xanh mướt làm súng, với đạn mồm nhưng em lại rất thích trồng hoa. Trường tiểu học của em có một khu vườn để cho học sinh trồng. Những sáng mùa đông vào lớp sớm, cùng Sao quét lá bàng đốt lửa sưởi ấm. Hai đứa ngồi nhìn khu vườn lớp mình. Ở quê nhưng ảnh hưởng của rừng bao bọc nên lạnh căm căm, sương mù rất nhiều. Sáng đi học em thu tay trong áo ấm, một tay quơ quơ như người mù tìm đường, vì sương sớm dầy đặc. Tuy vậy nhưng đi đến đâu thì hình như sương tan biến đến đó. Khi quay lại thì chỉ thấy màn sương trắng xóa.

Em và Sao đều thích trồng cây. Vì thế nên khu vườn lớp em tốt nhất. Hai đứa ngắm mãi nụ hoa hồng đang chớm nở, tỉ mỉ vạch từng cọng lá tìm sâu. Nhìn cây Tigôn trắng đang sửa soạn giàn hoa tí xíu mà vui mừng náo nức vô cùng. Trái khổ qua treo lủng lẳng trên giàn bé xíu, xinh xắn vô cùng. Vườn lớp em chỉ trồng nhiều hoa nên thật đẹp. Hoa nở suốt năm, không hoa hồng thì vạn thọ, hoa cúc... Em hãnh diện đặt tên là "vườn thượng uyển lớp Ba A" còn mấy lớp khác thì nào là "vườn hoang lớp Ba B", "vườn cấm lớp Nhì C" v.v... Buổi trưa ở lại đợi buổi học chiều, em và Sao ra mương súng. Trưa ở quê rất êm ả, vẳng nghe tiếng mẹ ru con, tiếng võng kẽo kẹt đưa. Hai đứa ngồi một nhánh cây nhô ra mương mà học bài. Hoa súng nở thật nhiều, thoạt nhìn chỉ thấy toàn màu thiên thanh và màu tim tím của hoa. Bọn em chọn một khu mương ngay lớp làm khu bất khả xâm phạm của lớp Ba A. Mỗi lần hái một cánh hoa để ép cho lớp, em tiếc vô cùng nhưng chả dám nói.

Nhận thấy khu vườn lớp mình thiếu cây cao lớn, nên em và Sao định trồng một cây. Vì mai mốt hè về, cây nhỏ sẽ chết và cây lớn đó sống mãi mãi. Em và Sao đồng ý chọn ngày mùng tám tết là trong thời gian nghỉ để đi kiếm hoa.

Sáng hôm ấy trời thật trong và xanh. Mùa xuân, cỏ hai bên đường xanh ngăn ngắt. Em và Sao hai đứa đi hai chiếc xe đạp len lỏi trong con đường nhỏ bên vườn cây. Cái giỏ to đeo lủng lẳng đằng sau. Khi gặp được một khóm lan bám trên cây, em vội vã vất xe và trèo lên thoăn thoắt. Sao hắn đứng dưới buồn hiu. Em cầm khóm lan cười cười bảo hắn:

- Tại mắt "mình" cận thị đó chứ!

Hắn cãi lại:

- Cận thị hồi nào, xạo không! Nghỉ chơi mày luôn!

Em phải xuống nước năn nỉ, nói sẽ cho hắn khóm lan này, Sao nhoẻn cười. Em nghĩ thầm "Về nhà mình lén đưa nó khóm xấu, có sao đâu!"

Hai đứa lại đi. Chẳng mấy chốc đã đầy giỏ. Sao dẫn em đi lại nhà ngoại hắn lấy cây hoa "thật đẹp" mà hắn thường khen. Ở quê em, hoa trang rất nhiều, thỉnh thoảng trong cỏ rậm rạp nổi bật những hoa đỏ, hay tím của hoa sim. Sao nằng nặc đòi trồng hoa sim vì hắn thích màu tím, còn em chỉ coi đó như loài cỏ dại hoặc hoa đồng quê mà thôi – Thuở đó tuy học lớp Ba nhưng đứa nào cũng suýt soát 10 tuổi Trong vở hắn, thỉnh thoảng em gặp vài cánh sim ép cẩn thận giữa tờ pelure trắng. Em thường vò nát và liệng đi làm hai đứa suýt giận nhau mấy lần. Em lại phải đi tìm ép trả hắn. Bây giờ đây, em lại thấy yêu màu hoa ấy, nở dịu dàng bên con rạch nhỏ, bên cỏ xanh um tùm.

Thấp thoáng sau hàng dừa, em đã thấy những nếp nhà tranh. Sao bảo làng này rất nhiều anh đào, tự nhiên mọc khắp nơi. Hai đứa vào nhà ngoại Sao. Nhà ông có một gốc anh đào to ngay cửa, đang nở rợp hoa trên mái nhà. Màu hồng hồng của hoa như ướt hơi sương, lóng lánh cười với nắng. Sao ra sau nhà hái dừa xiêm, dừa thật ngọt cơm lại dầy, uống vào mát như là uống nước đá. Ngoại Sao uống trà, ông kể những mùa xuân thanh bình ngày cũ. Giọng ông nghẹn ngào, như luyến tiếc như mong chờ một mùa xuân yên lành...

Chúng em trở về với những thân anh đào trong giỏ, và cành hoa cắm trên xe. Thân cây mốc trắng trông cằn cỗi lại ra những bông hồng, tươi tốt đầy hy vọng.

Em chọn ngày mùng 10 là ngày chẵn, dễ nhớ để trồng anh đào. Nhà Sao trồng hai cây, em hai và dành cho "vườn thượng uyển lớp Ba A" ba cây. Em sung sướng bảo Sao:

- Này nhá! Mai mốt cây lớn lên nè. Chắc nó cao lắm Sao há, mà hỏng được, lớn rồi rủi nó đụng cây bàng nó chết sao hả?

Rồi hai bóng nhỏ lại lui cui dời cây sang bên, nhưng chỗ nào cũng rợp bóng bàng cả. Em trồng cây tại một chỗ hơi trống và ngây thơ nghĩ rằng cây vì ảnh hưởng của hai đứa sẽ lớn mau, uốn cong để chui qua tàng cây rậm kia và vươn lên thật cao. Em nghĩ đến ngày nó đâm ra những chiếc lá non với nỗi náo nức trong lòng.

Tất cả những cây em và Sao trồng đều sống sau một thời gian rụng lá cũ để đâm ra những lá non xanh. Cây như cũng hiểu nỗi cực khổ của hai đứa nên rất mau lớn. Hình như nó cũng mong đến ngày qua khỏi ngọn bàng kia. Và đến cuối hè thì nó đã cao đến đầu em. Ba cây đều mập mạp xanh mơn mởn.

Đến mùa Xuân hai năm sau, cây đúng hai tuổi thì nó đã có bóng. Vườn thượng uyển càng đẹp hơn nhiều, và ông Hiệu Trưởng đã vuốt đầu hai đứa với lời khen khu vườn đẹp nhất trường. Em và Sao say mê đứng ngắm công trình được xem như vĩ đại của mình. Qua mùa Xuân này đến hè thì đã lên đệ thất phải xa trường làng. Em lo không biết sau này không còn hai đứa chăm sóc, nó có đủ sức vượt ngọn bàng không? Nhưng em và Sao đều không biết mình có còn được thấy nó nữa hay không. Nào ngờ...

Đêm giao thừa năm ấy, giữa tiếng pháo lại chen nhiều tiếng lạ. Ba má hoảng hốt chui xuống gầm giường. Em lại lo cho vườn thượng uyển sau nhà và ở trường vì súng nổ thật dòn dã. Sự mệt mỏi và kinh khiếp lôi em vào giấc ngủ mê.

Sáng dậy em lẻn ba má đi đến trường. Em chạy thật nhanh trên con đường đá đỏ, đâm buốt chân. Ngày đầu năm mà đường làng vắng tanh, chỗ ngày qua bán quà tấp nập mà giờ im lặng ghê rợn. Trường em kia rồi. Ồ... sao... kỳ vậy? Ngay cổng trường, cây tươi xếp cao để tạo một chướng ngại vật cho người ngoài không vào trường được. Em nhìn kỹ lại, thì đó là những cành anh đào đầy hoa và những cành bàng xếp chồng chất. Nước mắt từ đâu mằn mặn chảy xuống môi. Thôi mất hết rồi, có còn đâu nữa. Giàn ti-gôn của em, giàn khổ qua nhỏ của Sao đều bị đè bẹp dưới gót giày. Vườn thượng uyển ngày xưa đã tan nát, đàn bướm trắng đâu dám bay lượn quanh đó nữa. Và tường thì lỗ chỗ vết đạn.

Sau ngày đó, gia đình em dọn về tỉnh ở. Sao thì đã đi tỉnh khác. Em không sao quên được ngày gia đình em chồng chất lên xe, từ lúc tờ mờ sáng. Mấy cây cau thấp thoáng trong sương, gió đưa run rẩy như khóc thầm cho quê hương. Làng quê xa dần, rồi mất hẳn chỉ còn nhìn thấy những cây cao nhất phất phơ trong gió sớm.

Ai ngờ chuyến đi đó là lần cuối. Và từ đó đến nay đã hơn bốn năm chưa bao giờ em được trở lại quê xưa. Em nhớ mãi buổi sáng đầu xuân xưa, hai đứa đi trên con đường đẹp nhất của quê hương. Con đường với thật nhiều hoa dại mà em vẫn yêu, vẫn nhớ mãi. Những nỗi vui khi trồng cây, những trận đánh dưới suối. Hình ảnh ngày thơ của em và Sao đi hái anh đào vẫn bắt nguồn cho sự nhung nhớ quê hương mãi, nhớ những ngày ngọc ngà thơ ấu xưa. Buổi sáng rong chơi trên khắp nẻo đường quê, những chiều thả diều trên bãi cỏ.

Và còn mấy cây anh đào ngày xưa chết một cách oan uổng. Những cây chưa bao giờ đạt được ý em và Sao muốn, là chui qua đám bàng xưa. Chắc hẳn nó cũng buồn. Và còn giàn ti-gôn, hoa hồng, cây cúc, còn sự thê thảm ngày hôm ấy cho vườn thượng uyển ngày xưa.


TRẦN HỮU NGHIÊM    

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 156, ra ngày 1-7-1971)

Thứ Năm, 23 tháng 4, 2020

Quen Người Khu Tị Nạn















 

Người xứ Quảng vừa quen khu tị nạn
kể tâm tình tôi khóc suốt một đêm
lửa chiến chinh đốt hết mộng êm đềm
người cô độc đi vào trong bão tố

Người hay khóc hay mang nhiều tiếc nhớ
thèm tình cha tình chú với tình anh
đạn ca nong đã phá ý ngày xanh
người lạc lõng giữa quê xa đất lạ

Người thường bảo hồn tim người hóa đá
chỉ đành cam sống hết kiếp con người
thân rã rời - tay lạnh - ú làn môi
người hốt hoảng với quãng đời sắp tới

Người trần như tôi ước gì được chết
người thù hằn những kẻ tạo chiến chinh
người ước mơ ngày tháng của thanh bình
về xứ Quảng nhìn dòng sông tuổi trẻ

                                  (Phan-rang, khu định cư)
                                  NGỌC THÙY KHANH

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 219, ra ngày 15-2-1974)

Thứ Tư, 22 tháng 4, 2020

Ngày Đó Quê Hương Thanh Bình

Ảnh : Nguyễn Đình Thành














Nỗi nhớ ngút ngàn trong từng hơi thở
Cho ta tìm lại thương yêu yên lành
Của một tuổi nào quê hương ngày đó
Ngày đó quê hương vắng bóng chiến tranh

Mặt trời trên cao chan hòa nắng ấm
Hương lúa thơm tho yêu mấy cho vừa
Công bác nông phu cày sâu cuốc bẫm
Đồng ruộng xanh tươi chờ đón ngày mùa


Làng quê mộc mạc lũy tre bờ giậu
Làn gió đồng quê lồng lộng buổi chiều
Mục đồng lưng trâu vi vu tiếng sáo
Khung trời thiên thanh tha thiết cánh diều

Mọi người về nhà hoàng hôn tắt nắng
Khói thổi cơm chiều vương vấn mái tranh
Ếch nhái kêu thương ở ngoài đồng vắng
Trăng rằm vừa lên khỏi ngọn tre xanh


Đêm trên quê hương thanh bình biết mấy
Câu hát ca dao thấm đượm thâm tình
Của tuổi ấu thời ở miền quê ngoại
Thuở đó quê ta rộn rã thanh bình


                                                   Trang Vy

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 156, ra ngày 1-7-1971)

Thứ Ba, 21 tháng 4, 2020

Lá Thông Xanh, Hoa Ngũ Sắc


1

Thủy đứng yên trước một hàng rào hoa quỳ. Mùi hoa quỳ tỏa ra hơi ngai ngái. Đôi bàn tay Thủy vò nát một chiếc lá, nước trong lá xanh nhờn dính đầy cả mấy ngón tay. Thủy nhìn qua những hoa quỳ vàng và lá quỳ xanh, và Thủy bắt gặp một quang cảnh rất xinh, khiến Thủy kiễng chân lên để ngắm cho rõ.

Một cô bé trạc bằng tuổi Thủy ngồi trên bậc thềm gạch, trước một cái rổ tre, trong đựng đầy những hoa ngũ sắc và lá thông. Cô bé cúi xuống, mái tóc xõa ngang vai che lấp nửa khuôn mặt, nhưng Thủy cũng nom thấy rõ sống mũi thanh thanh và bờ môi nho nhỏ của cô bé. Cô cắm cúi nhặt từng lá thông lên, xâu vào những cánh hoa đủ màu, xâu cho đến khi lá thông đã bị che lấp bởi hoa ngũ sắc, chỉ chừa một tí ở đàng đuôi, cô bé sắp xâu hoa cạnh những xâu hoa khác, rồi lại nhặt một lá thông lên, xỏ vào những cánh hoa ngũ sắc. Chiếc rổ của cô bé trông như một giỏ hoa kỳ lạ, với những xâu hoa rực rỡ mà Thủy chưa hề thấy ở đâu bao giờ. 


Chân Thủy chợt đạp lên một cành cây khô, tiếng động nhỏ vang lên đủ làm cô bé trong sân ngừng tay. Cô ngẩng mặt lên. Đôi mắt sáng ngời đảo quanh tìm bóng người. Đôi mắt ngừng lại khi thấy màu áo của Thủy nổi lên sau màu hoa lá quỳ. Thủy không ngừng được, mon men theo hàng rào, và ló đầu nhìn vào trong sân.

Cô bé vẫn nhìn Thủy đăm đăm, làm Thủy ngại ngùng không bước tới. Một phút yên lặng. Cô bé vẫn nhìn và Thủy vẫn đứng yên. Chợt cô bé toét miệng ra cười:

– Vô đây!

Thủy ngần ngừ. Cô bé lại bảo:

– Vô đây!

Thủy bước nhè nhẹ đến. Cô bé ngoắc tay:

– Ngồi xuống chơi.

Giọng dịu dàng của cô bé khiến Thủy cũng nói để “đáp lễ”:

– Ừ. “Ấy” làm cái gì vậy?

– Xâu hoa ngũ sắc, làm chùm ruột bán chơi.

– Chùm ruột màu đỏ, sao cái này nhiều màu vậy?

– Chùm ruột này của… của “tiên” ăn mà!…

Rồi cô bé lại mỉm cười, tay vẫn xỏ cọng lá thông vào những bông hoa. Im lặng… Chợt cô bé nhìn lên, hỏi:

– “Ấy” chơi hông?

Thủy gật đầu. Không đợi cô bé nói thêm, Thủy nhặt một cọng lá thông, một nụ hoa ngũ sắc, xỏ vào. Đôi tay Thủy lúng túng. Cô bé phá lên cười:

– Bậy rồi, ai lại xâu rứa? Xâu cái đầu nhọn tề!

Thủy hơi ngượng, trở cọng lá thông lại. Bây giờ Thủy xâu thế nào mà nụ hoa bé xíu bị rách ra. Cô bé lại cười:

– Làm rách hoa hết. “Ấy” ni kỳ ghê nơi!

Gớm, nhỏ này “hách” lạ nhỉ! Thủy giận giận thế nào ấy. Thủy dợm đứng dậy, chẳng thèm chơi với nhỏ này nữa, thì cô bé đã nhanh nhẩu nói:

– Để Gái bày cho làm. Bộ… muốn về sao hở… gì nhỉ?

– Thủy.

– Ừ, Thủy. Thủy ngồi đây chơi với Gái hỉ!

Thủy không đáp, chỉ hơi gật đầu nhẹ. Gái nhặt một cọng lá thông, xỏ thật cẩn thận vào đuôi nụ hoa. Rồi từng nụ, từng nụ tiếp theo… Nó sắp đặt thật khéo, cứ một hoa đỏ thì đến một hoa vàng, rồi tím, rồi trắng. Đến lúc cọng lá thông chỉ còn chừa một tí ở gốc thì thôi, nó đặt xuống ngay ngắn cạnh những xâu khác.

Thủy tẩn mẩn nhìn Gái, làm theo như thế. Thủy làm rách rất nhiều cánh hoa. Nhưng cuối cùng Thủy vẫn xâu được một xâu. Thủy vui mừng giơ xâu hoa lên, ngắm nghía. Gái cười:

– Dễ chứ, “ấy” hỉ!

– Ừ. Thế xâu rồi mình đi bán hở Gái? Bán cho ai?

– Bán cho… người giả.

– Sao không kêu tụi bạn lại chơi, mà bán cho người giả?

Nụ cười tắt trên môi Gái. Nó thẫn thờ nhìn ra đường:

– Đâu có đứa nào mà chơi!

Thủy ngạc nhiên. Gái tiếp:

– Bộ “ấy” không biết à? Ở quanh đây, có người lớn không thôi.

– Thế con nít… không có sao? Lạ vậy?

Mặt Gái buồn rười rượi:

– Tụi con nít vô ở tạm trong ký nhi viện hết. Chỉ có ba má chúng về đây cất lại nhà cửa thôi.

Thủy hiểu ra, nhìn quanh nhà. Thảo nào từ lúc theo mẹ lên thăm làng Số Bốn, Thủy thấy vắng lặng thế nào ấy. Từ sáng đến tối Thủy chẳng thấy ai ngoại trừ một vài người cắm cúi trên những nền xi-măng trơ trụi, đục đục đóng đóng với những cây cột, những tấm tôn… Họ dựng lại ngôi nhà của họ đấy! Hơn một tháng sau ngày tàn phá, họ đang lập lại tổ ấm của gia đình họ.

Thủy thở dài, quay sang nhìn Gái đang xâu những cánh hoa. Thủy hỏi:

– Vậy sao Gái không ở ký nhi viện?

– Gái không thích. Gái đòi ba mạ Gái cho Gái ra đây.

– Ở đây không có ai, buồn chết.

Gái dõi mắt nhìn lên ngọn thông cao ngất:

– Tại Gái nhớ lá thông với hoa ngũ sắc. Trong ký nhi viện không có mấy thứ ni. Gái thích về đây đi lượm lá thông, hái hoa ngũ sắc để bán chùm ruột chơi. Mà không có ai chơi với Gái hết, Gái bán cho… “tiên”.

Gió chiều thổi hây hây lạnh, Thủy kéo vạt áo ấm, tay Thủy hơi buốt rồi đây! Gái thản nhiên như không. Đôi má của Gái ửng hồng lên thật xinh. Gái lại cười:

– “Ấy” lạnh không?

Thủy gật đầu. Gái nhích sát lại bên Thủy. Gió thổi, lá thông như đang hòa nhạc vi vu trên cao. Gái chỉ cây thông:

– Cây thông này, đố “ấy” biết nó sống bao lâu? Cả chục năm rồi đó “ấy” ạ! Rứa mà lá nó vẫn cứ xanh hoài. Trên làng Số Bốn ni, có nhiều cây thông rùng rợn lắm. Một cây thì… có ma, mạ Gái bảo rứa, nên bị sét đánh chỉ còn gốc thôi. Một cây thì có sâu róm trên ấy, con nít không đứa nào dám lại gần. Còn nhiều nữa. Ban đêm mà “ấy” ra ngoài, “ấy” thấy mấy cây thông trắng xóa qua màn sương, “ấy” hoảng hồn luôn.

Thủy tuy nghe rờn rợn, nhưng phì cười với Gái. Gái đã xâu đến cọng lá thông cuối cùng trong rổ. Đôi bàn tay nhỏ nâng niu từng xâu hoa. Gái nói:

– Gái lượm lá thông dưới gốc cây ni cũng đủ mệt luôn. Lá thông nhiều ghê, biết bao giờ cho hết hỉ!

Thủy hỏi:

– Còn hoa ngũ sắc Gái tìm ở đâu?

– Thiếu chi! Quanh đây có nhiều lắm! Xuống cái dốc sau nhà Gái là thấy toàn hoa ngũ sắc mọc thành từng bụi, hay trên hàng rào nhà họ. Gái hái hoa ngũ sắc khôn lắm, lựa chùm nào mà hoa màu thật tươi mới lấy. Trái của nó thì tròn như viên bi nhỏ xíu thôi!

Thủy ngắm toàn cả rổ hoa. Song Thủy lấy làm lạ, hoa chỉ có màu đỏ, tím, trắng và vàng, sao gọi là ngũ sắc? Thủy hỏi Gái. Gái ngập ngừng:

– Gái… chả biết nữa. “Họ” kêu rứa. Thôi tụi mình đi bán chùm ruột đi!

Hai đứa men theo con đường dốc đầy đất đỏ sau nhà. Mùa mưa, đất đỏ trơn trợt, lầy lầy, Thủy phải nắm lấy tay Gái, đi run run. Gái thật hay, một tay ôm rổ hoa, một tay dắt bạn, mà vẫn đi như thường. Thủy ở thành phố, đi đường bằng, chân Thủy không quen đất đỏ. Thủy khâm phục Gái quá! Thủy mến đứa bạn miền cao nguyên, đứa bạn ở làng Số Bốn u buồn này rồi!

Thủy đã nhìn thấy những bụi hoa ngũ sắc. Lá ngũ sắc xanh hơn lá quỳ. Hoa ngũ sắc mọc thành từng chùm. Hàng rào hoa ngũ sắc che khuất những ngôi nhà sụp đổ bên trong. Có nơi, hàng rào hoa ngũ sắc quỵ xuống, nhưng hoa vẫn thắm và lá vẫn xanh um.

Gái thỉnh thoảng lại vẫy tay, nói đon đả:

– Chào bác, bác mua chùm ruột không? Chùm ruột “tiên” đó, bác thích chứ hỉ! Bán rẻ lắm, bác trả bằng “tiền lá quỳ” đi, không lấy “tiền chì” đâu!

Rồi chỉ sang Thủy, Gái bảo với người khách hàng vô hình:

– Chị Thủy, bạn mới của tui đó! “Chỉ” cũng xâu chùm ruột khéo lắm đó! Bác muốn làm quen với “chỉ” không?

Thủy nhìn Gái, cười. Mấy người đàn ông đứng trên thềm nhà trống, ngừng tay đục, nhìn hai đứa. Bóng hai đứa nhỏ lẻ loi giữa cảnh hoang vắng của làng Số Bốn làm họ ngạc nhiên. Thủy đã dạn chân, không phải nắm tay Gái nữa. Dưới dốc, mái chùa màu xám với vài chỗ lở ngói hiện ra. Gái kéo Thủy đi nhanh:

– Mau mau xuống chùa dưới tê, bán cho mấy bà đi chùa cũng khá. Đi Thủy!

Thoăn thoắt, hai cô bé nắm tay nhau đi xuống. Gió chiều thổi nhè nhẹ, tiếng lá thông trên cao kêu vi vu… vi vu…


2

Sài Gòn, ngày 12 tháng 5 năm 1968

Gái thân mến,

Thủy về Sài Gòn, đi học đã được một tuần rồi. Tụi bạn Thủy đi học lại từ đầu tháng trước cơ, thấy Thủy vô tụi nó mừng lắm. Có đứa bảo là tưởng Thủy “bị gì” rồi chứ. Thủy kể cho tụi nó nghe chuyện Thủy đi thăm Đà Lạt với mẹ Thủy, nên mất một tháng không đi học lại cùng lúc với tụi nó. Thủy kể chuyện bán chùm ruột “tiên” với Gái cho tụi nó nghe, tụi nó thích lắm. Ít đứa biết hoa ngũ sắc lắm Gái ạ! Tụi nó ở Sài Gòn làm sao biết được, Gái há!

Về đây Thủy thấy nhớ Gái ghê đi! Nhớ Gái, nhớ luôn lá thông với hoa ngũ sắc. Ở đây nhìn quanh chả có cây cối gì cả, toàn nhà với nhà không. Thủy chán ghê Gái ạ! Nhưng Thủy còn tí hy vọng, Gái biết cái gì không? Hè này có lẽ mẹ Thủy cho Thủy lên Đà Lạt chơi đó! Thủy sẽ đến tìm Gái ngay.

Gái ơi, bi giờ Gái đang làm gì đó? Thủy đoán ra rồi. Gái đang xâu hoa ngũ sắc chứ gì! Thủy nhớ hoa ngũ sắc quá chừng. Về đây đâu có hoa ngũ sắc mà xâu, chắc bữa nào lên Đà Lạt Thủy sẽ quên hết, Thủy lại làm rách hoa, làm gãy lá thông, làm ngược đầu nữa bây giờ.

Gái này, bao giờ nhà của Gái mới dựng xong? Lúc đó Gái nhớ viết thư cho Thủy biết nhé! Chắc khi Thủy lên, nhà của Gái đã xong, Gái dẫn Thủy vào thăm nhà của Gái nhé! Không cần nhà đẹp Gái ạ, chỉ cần mau xong thôi. Có nhà, tụi mình sẽ vào nhà khi thấy lạnh, nhất là khi mưa, eo ơi Thủy sợ mưa lắm!

Nói đến mưa, Thủy lại nhớ đến đất đỏ. Ở đây không có đất đỏ Gái ạ. Đất ở Sài Gòn đen sì, nhất là gần sông Cầu Kiệu thì đất biến thành bùn, hôi ghê lắm! Ở trên đó mát mẻ, yên lặng, Thủy thích lắm!

Tụi bạn Thủy hỏi Thủy là ở Đà Lạt con nít có tốt không, Thủy nói con nít trên đó rất hiền, nói năng thưa dạ đàng hoàng và không biết chửi thề. Con nít trên đó phần đông nói giọng Huế vì ba má chúng là người ngoài Huế vào. Con nít trên đó phụ ba má chúng dựng nhà, giúp ba má chúng đi buôn bán. Con nít trên đó tuy mặc áo ấm có khi sờn rách cả tay mà vẫn không thấy lạnh, vẫn đạp xe chạy vù vù dưới mưa. Và con nít trên đó có nhiều trò chơi đẹp lắm, như nhặt lá thông xâu hoa ngũ sắc để bán chùm ruột “tiên” chẳng hạn. Gái ơi, Thủy lên Số Bốn Thủy có thấy con nít trên đó đâu! Thủy chỉ thấy có mình Gái thôi, nên Thủy tả Gái cho tụi bạn nghe đó! Tụi nó cũng mến Gái lắm.

Thủy mong đến hè mau mau để Thủy lên chơi với Gái, Gái ơi!

Thủy.      


3

Xe vừa rời Định Quán, mình cũng vừa ăn một đĩa cơm gà ngon lành. Mẹ lại mua cho mình mấy phong bánh đậu xanh nữa. Nhưng mình không ăn đâu, để dành cho Gái cơ. Vui quá, thích quá! Mình sẽ gặp lại Gái, sẽ nhìn lại nét mặt, mái tóc, và giọng nói dễ yêu của nó. Mình sẽ đứng nấp sau hàng rào, đợi nó ra mình sẽ “hù” nó. Ấy, không được, nó tinh mắt lắm, nó sẽ nhìn ra ngay. Chả là hôm ấy nó cũng nhìn thấy mình nấp sau hàng rào hoa quỳ mà! Thôi, mình sẽ chạy vào vậy. Gái sẽ mừng rỡ lắm nhỉ! Mình thương nó quá đi thôi! Mình sẽ cho nó hết mấy phong bánh, và rủ nó đi nhặt lá thông về xâu hoa ngũ sắc, rồi lại đi bán nữa…

Gió thổi lồng lộng thật mát. Nhưng đã hơi lạnh rồi đây! Mẹ khoác cho mình một chiếc áo ấm. Mẹ thiu thỉu ngủ. Mình lại không muốn ngủ tí nào. Cảnh vật bên đường lôi kéo mình nhìn. Ngắm những cây cối đều đặn chạy lùi lại sau lưng, mình lại nghĩ đến những đồi thông ở Đà Lạt, và nghĩ đến Gái…
Mình bỗng nghe đâu đây tiếng súng nổ thật dòn. Bác tài biến sắc mặt. Một vài hành khách tỉnh giấc, ngạc nhiên nhìn nhau. Bác tài ngó lui, nói giọng hoảng hốt:

– Đánh nhau bà con ơi!

Mẹ giật mình mở mắt, hỏi mau:

– Hả, cái gì?

Tiếng súng nổ càng rõ hơn, gần hơn. Mẹ lo sợ ôm lấy mình. Hành khách trên xe nhốn nháo. Mình nhìn bác tài, thấy da mặt bác nhăn lại, nhưng bác vẫn cố gắng bình tĩnh cầm lái. Mẹ kêu to:

– Bác tài ơi! Dừng xe lại đi!

Trả lời mẹ, một tiếng nổ ù tai vang lên. Mình òa khóc, sợ hãi. Xe đã dừng, nhưng rõ ràng là bác tài gục đầu trên tay lái, im lìm. Hình như máu đỏ vương đầy cổ và vai áo bác. Đôi mắt mình như nhòa đi. Mình khiếp hãi ôm chặt mẹ. Hai ba tiếng nổ lớn nữa tiếp theo. Mình thấy con đường trước mặt tung đất lên. Một người tông cửa xe lao xuống. Hai người, ba người… lao xuống. Mẹ cũng bế mình lao xuống, không suy tính. Tất cả chạy thật nhanh xuống cái hố đọng đầy nước mưa bên lề đường. Mình bị mẹ dúi đầu xuống để tránh đạn, nhưng mình cũng vừa kịp thấy chiếc xe chở mẹ, chở mình đã bị một trái đạn rơi phải, nổ tung và cháy ngùn ngụt. Mình nhắm mắt lại. Điếc tai quá! Tiếng mẹ lâm râm cầu nguyện bị át đi. Ôi, thật hãi hùng!… Mình như người mê man trong cơn sốt. Trong phút giây, mình nghĩ đến ba, đến các anh chị ở nhà. Ba nào có biết. Anh chị nào có biết. Và nghĩ đến Gái ở trên Đà Lạt kia, mình khóc thật tức tưởi… Gái ơi! Gái cũng đâu có biết. Gái vẫn ngày ngày đi nhặt lá thông về xâu hoa ngũ sắc một mình. Gái vẫn chờ đợi Thủy nghỉ hè lên với Gái. Nhưng rồi Thủy có đến được với Gái không? Thủy có… có còn được sống để gặp Gái không? Mình hoảng sợ. Súng đạn ở đây, mình sẽ chết hay sao? Những câu chuyện trong báo mình đã đọc và xúc động – chuyện hai đứa bé quen nhau, thân nhau, rồi có một đứa chết, bỏ lại đứa kia… – có thể xảy đến cho mình đây! Mình sẽ chết như thằng Xuyên, bỏ Gái lại – như thằng Sáu – để Gái ngày ngày nhặt lá thông xâu hoa ngũ sắc một mình? Ôi thê thảm làm sao! Gái ơi! Mẹ ơi!.. Một trái đạn rơi xuống gần chỗ nấp, nổ xé tai. Mình không còn biết gì nữa…


4

– Con ơi! Tỉnh dậy đi con!

Tiếng mẹ gọi dồn dập khiến Thủy bàng hoàng mở mắt. Tiếng súng hầu như đã im. Thủy thấy mình nằm gọn trong tay mẹ. Đôi mắt của mẹ ướt nhòa, nhưng môi mẹ đang cười sung sướng:

– Cám ơn Trời Phật. Mẹ con tôi vẫn còn sống đây!

Thủy tỉnh hẳn, nhìn quanh. Chiếc xe đã cháy còn nằm kia! Những xác người còn la liệt trên mặt đường, dưới hố nước. Nhưng mẹ còn kia. Nhưng Thủy còn kia. Thủy không chết. Thủy không chết như thằng Xuyên bỏ thằng Sáu bạn nó bơ vơ. Nhìn quang cảnh hoang tàn, Thủy bật khóc lớn. Mẹ ôm chặt lấy Thủy, và mẹ cũng khóc. Thủy nghe ấm lòng lại. Nỗi kinh hoàng chưa tan, nhưng Thủy thấy niềm hy vọng đang chớm lên, lan rộng trong hồn. Thủy vẫn còn sống để được nhìn cuộc đời. Thủy vẫn còn sống để nuôi mộng thanh bình về. Thủy vẫn còn sống để thấy được mẹ, thấy ba, thấy anh chị Thủy ở nhà. Và Thủy vẫn còn sống, Thủy sẽ lên đến Đà Lạt, lên đến làng Số Bốn, để Thủy còn được nhìn thấy Gái, đứa bạn nhỏ thân yêu, vẫn mỗi ngày đi nhặt lá thông xanh về ngồi trên thềm nhà vắng xâu hoa ngũ sắc, đợi chờ…


Nguyễn Thị Mỹ Thanh  

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 112, ra ngày 15-8-1969)


oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>