Thứ Bảy, 11 tháng 4, 2020

Bonsai Những Cây Kỳ Dị


Chúng tôi đã đi từ thành São Paulo khoảng gần 50 cây số để xem một giống cây kỳ lạ mà người Nhật Bản thường gọi là "Bonsai". Sau khi đàm đạo với chủ vườn qua vài tách trà do vợ ông ấy mang đến, chúng tôi đã phải ngạc nhiên khi ông ấy nói với chúng tôi rằng trong số bốn trăm cây lùn của ông ấy đã có mấy cây già 30 tuổi.

Chạy trên chiếc bàn dài là một loạt cây tùng nhỏ trông khá già nua. Ở chiếc kệ cạnh đó nổi bật lên những cây sơn trà đứng trơ trọi trong mấy cái chậu nông. Những cây khác có vẻ tàn úa, dường như đang nghiêng mình che phủ một tảng đá tưởng tượng. Có hai cây mọc phân nhau từ một góc, người ta gọi đó là "anh em sinh đôi". Một cây khúc nữa rễ nổi hẳn lên, trông giống những cây sống quấn quít với mé sông đã bị nước bào mòn gần hết đất.

Nếu có những cây hấp dẫn người ta bởi những chiếc rễ bò ra tứ phía, thì cũng có những cây quyến rũ khách xem bởi những nhánh chìa ra, những thân hình uốn éo, những lá hay hoa. Thỉnh thoảng một ít rêu hay một nắm sỏi cũng được thêm vào để làm tăng cái vẻ sống thực của nó.

Một cây thị hai mươi tuổi, trái lớn bằng cỡ thật, thế mà chỉ đứng cao có sáu tấc. Cả một cây cam nhỏ và nhiều cây mận cũng thu hút sự chú ý của chúng tôi.

Ai đã nghĩ ra cách thu cây lớn lại kích thước nhỏ bé như thế này? Chúng tôi thắc mắc. Chúng tôi có nghe người ta nói rằng một chủ đền thờ Nhật Bản kia tên là Honen Shonin, trong thế kỷ thứ mười hai kỷ nguyên chung, đã sản xuất nhiều cây thu gọn để trang trí ngôi đền Bodo của ông. Tuy nhiên người ta không biết chắc chắn ông ấy đã thực sự nghĩ ra hay chỉ bắt chước phương pháp thu gọn cây này.

Những cây lùn dần dần được người ta biết đến. Chữ "bonsai" nếu đem phân tích ra thì sẽ thấy nó được hợp thành bởi hai chữ: "bone" nghĩa là cái chậu nông va "saigh" nghĩa là trồng trọt. Hai chữ đó đem ghép lại có nghĩa là "những cây thu nhỏ trồng trong chậu".

Chẳng bao lâu bonsai đã lan tràn khắp Nhật Bản, Trung Hoa, Nam Á, Thái Bình Dương, Âu Châu và Mỹ Châu, nơi nào cũng được người ta hâm mộ.

Đến thế kỷ thứ mười nảy người Hòa Lan mang nghệ thuật này về phương Tây, và khoảng ba mươi năm trước những kiều dân Nhật Bản cũng đã đem giống bonsai vào thành São Paulo. Bây giờ họ thu nhỏ không những những cây nhập cảng nhưng cũng những loại cây Ba Tây thông thường như ổi, gồi và nhiều giống khác.

Bonsai có một điểm đáng chú ý là tuổi tác của nó, thí dụ như vài cây mang từ Nhật Bản qua Ba Tây đã có hơn hai trăm tuổi, và ở Nhật Bản một số đã được người ta vun trồng để đạt đến mức tuổi sáu trăm năm, chẳng hạn như một cây ở OSAKA.

Phương pháp
thu nhỏ cây lại

Phương pháp thiên nhiên để thu gọn cây lại vẫn còn rất phổ thông trong dân chúng tuy rằng phương pháp dùng hóa chất và kích thích tố có thể làm cây nhỏ lại hơn chiều cao thông thường là 50 phân khá nhiều.

Cây được uốn và sửa chữa mất nhiều năm cho đến khi nó đạt được hình dáng bệ vệ của một cây lớn. Bonsai có thể trồng bằng hạt giống hay tháp. Trong trường hợp dùng hạt giống người ta chuộng dùng những hạt từ các cây nhỏ thiên nhiên, trồng trong đất trộn với cát. Sau bốn tới tám tháng chúng đâm chồi và được để cho lớn lên theo cách thông thường. Những cây tháp được trồng giống như bất cứ cây nào khác. Phương pháp thu gọn chỉ bắt đầu sau bảy tới chín hay mười hai tháng trong khi chúng còn trong đất.

Những rễ phụ được cắt bằng một cái mai cuốc đất cách thân cây từ mười lăm đến hai mươi phân. Ngay cả trong giai đoạn này, một cành cây cũng có thể được uốn theo hình dáng ưa thích bởi một sợi dây sắt to quấn vòng quanh nó. Khoảng mười tám tháng rễ phụ lại được cắt lần nữa. Công việc này được làm đi làm lại nhiều lần lúc cây hai mươi bốn, ba mươi hai và ba mươi sáu tháng. Trong vòng ba năm "quyết liệt" đầu tiên có khoảng 60 tới 70% cây con bị chết.

Sau đó cây được trồng trong một chậu hoa nông đáy. Lần này người ta lại cắt rễ chánh chỉ chừa lại khoảng 5cm tính từ nơi cuối thân cây. Vì vậy tất cả phương tiện tăng trưởng của cây đều ngừng lại.

Hình dáng của một cái chậu đựng cây cũng phải hòa hợp với loại cây. Thông thường nó bằng sành và phải có chiều sâu tương ứng. Trong chậu người ta đặt một cái lưới kim loại để giữ cho đất khỏi dính vào thành. Một Bonsai trồng đúng cách có thể lấy ra khỏi chậu bất cứ lúc nào, nhưng nó chỉ sống trong đó khoảng hai hay ba năm, khi đất được thay đi để tránh cho rễ cây khỏi mục nát. Sau đó cây đã sẵn sàng cho người ta dùng kéo tỉa những cành nhỏ, và những cành cây có thể được uốn bằng dây sắt tùy theo ý người trồng.

Về việc tưới nước người ta có thể tưới một hay hai lần mỗi ngày, trừ mùa Đông, khi cây đang nghỉ. Nhiều người chọc một que diêm vào đất rồi rút lên xem. Nếu que diêm ẩm, họ không có tưới nước, nếu que diêm khô, họ tưới.

Trong thời gian tăng trưởng, cây lùn có thể để ở ngoài nhà. Cây lún rất cần không khí mát cho nên nếu nơi nào mà sức nóng tụ tập khá nhiều, chúng không thể nào để liên tục trong nhà hơn một tuần lễ được.

Chủ vườn dùng tiếng Nhựt bảo con ông điều gì đó, lát sau nó đem ra trước mặt chúng tôi hai cây thông lùn. Chúng tôi cám ơn nhà trồng trọt về món quà bất ngờ này. Hiện giờ những lời nói của ông vẫn còn văng vẳng bên tai chúng tôi:

"Giá trị của một cây lùn tùy thuộc vào hình dạng cũng như chiều cao và tuổi tác của nó. Mặc dù hình dạng của nó nhỏ bé và cổ xưa, nó là một cây mà làm vui lòng con các ông và con của con các ông và cả những dòng dõi sẽ đến nữa".


TRẦN THẾ NGỌC     

(Trích tuần báo Thiếu Nhi Xuân Ất Mão, 1975)

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>