Thứ Tư, 15 tháng 4, 2020

Nói Về Xin Lỗi


Các em thân mến,

Trong một số báo gần đây chúng tôi có bàn với các em về sự quan trọng của hai tiếng cám ơn.

Hôm nay, chúng tôi xin nói chuyện với các em về việc xin lỗi.

Trong đời sống hàng ngày, chung đụng với mọi người, chúng ta không làm sao tránh được những sự lầm lỗi, những cử chỉ vụng về làm phật lòng những người xung quanh. Đúng như người đời thường nói, không ai hoàn hảo trên thế gian này, thì sự sai lầm, phạm lỗi là điều không thể tránh được tất cả.

Việc tốt nhất để xóa bỏ sự lỗi lầm, không phải là làm như không nhận thấy lỗi mình, mà là phải biết nhận lỗi và xin lỗi.

Khi các em lỡ làm dơ sách vở của bạn, làm hỏng bút của bạn, đi ngoài đường hay nơi đông người, chật hẹp đạp nhầm chân hay chạm phải người nào, khi các em làm bể một vật gì của ai, giản dị nhất là các em nên nhận lỗi và xin lỗi với người liên hệ.

Đừng bao giờ các em cho sự lầm lỗi là nhỏ nhặt, không đáng để các em hạ mình xin lỗi. Một nhà triết học Trung Hoa đã nói: Chớ khinh việc nhỏ, lỗ hở chìm thuyền, chớ khinh vật nhỏ, con vi trùng làm chết được.

Các em cũng đừng cho rằng hạ mình để xin lỗi là hèn. Thánh kinh đã dạy: Sự tự hạ mở đầu cho sự vinh quang. Người Trung Hoa cũng thường hay nhắc câu: Bậc thánh không cậy mình cái gì cũng giỏi.

Các em càng hạ mình để nhận lỗi các em càng làm cho phẩm cách các em lên cao, các em tỏ cho các người xung quanh thấy các em là con người lịch sự, con người có giáo dục.

Các em cũng không nên chỉ nói hai tiếng xin lỗi ngắn ngủn, cho là đủ rồi. Các em phải có cử chỉ chứng tỏ các em hối tiếc đã làm buồn phiền người liên hệ và nên nói tùy trường hợp: xin lỗi em, xin lỗi anh, xin lỗi chị, xin lỗi ông bà, tôi đã làm phiền (hay thiệt hại) anh chị (hay ông bà) quá nhiều, xin anh, chị, ông (hoặc bà) bỏ qua cho và xin cám ơn anh chị (hoặc ông bà).

Dù lỗi lầm các em làm có nhỏ nhặt thế nào, các em cũng tỏ ra đấy là một lỗi nặng mà các em lấy làm hối tiếc đã gây nên. Sự cho rằng lỗi nhẹ dành cho người nhận sự xin lỗi.

Một vài trường hợp, chúng ta không nên xin lỗi, để tránh làm nặng thêm lỗi lầm của chúng ta. Đấy là trường hợp chúng ta hớ hênh. Sự xin lỗi chỉ làm cho tình thế khó thở hơn lên. Nếu các em hỏi thăm sức khỏe thân sinh của người bạn thân của các em, trong khi ông cụ vừa mới mất mà các em không hay biết, các em nên xin lỗi vì không được tin và nên có đôi lời chia buồn. Nhưng khi các em hỏi thăm về người bạn gái thân nào đó của bạn, trong khi vị hôn thê của bạn đứng sờ sờ bên cạnh mà các em không hay biết, khi được biết, các em nên giữ sự tự nhiên, nói lờ sang chuyện khác và nhớ đừng xin lỗi.

Đấy là các em biết xin lỗi tùy theo trường hợp.

Các em thân mến,

Người ta thường nói: sự khiêm tốn là mẹ của các đức tính.

Một khu các em biết dùng thường xuyên hai chữ xin lỗi và hai chữ cám ơn là các em thu phục được  cảm tình của mọi người, bắt đầu các em đi đến sự thành công rồi vậy.

Thân mến,               
NGUYỄN HÙNG TRƯƠNG 

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 80, ra ngày 11-3-1973)
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>