Chu Văn An, tự là Linh Triệt, người làng Quang Liệt huyện Thanh Lam (tức Thanh Trì ngày nay), tỉnh Hà Đông (Bắc phần), đỗ tiến sĩ và làm quan triều Trần.
Hồi chưa tham chính, Chu Văn An ở nhà đọc sách, tìm hiểu đạo lý thánh hiền và mở trường dạy học. Tài đức cụ vang dội xa gần nên thiên hạ kéo nhau tới xin thụ huấn rất đông. Trong đó môn sinh, nhiều người sau này làm nên chức phận như tể tướng Phạm Sư Đạt, Lê Bá Quát.
Vua Trần Minh Tông (1314-1329) nghe tiếng cụ là bậc đại học, tài cán trí lự vẹn toàn liền mời vào kinh ban chức Quốc tử giám Tư nghiệp để dạy thái tử học.
Năm 1329, Minh Tông nhường ngôi để thái tử Vương vừa chẵn mười tuổi kế vị tức Trần Hiến Tông (1329-1341) còn mình về làm Thái thượng hoàng.
Năm 1341, Hiến Tông mất, Minh Tông lập người em Hiến Tông tên là Hạo lên ngôi, đó là Trần Dụ Tông (1341-1369)
Tuy làm vua, Hiến Tông và Dụ Tông vẫn được Thái thượng hoàng giúp đỡ, mọi việc quyền bính đều do Minh Tông quyết định, nhờ vậy triều đình còn có trật tự, đất nước yên vui. Nhưng, từ năm 1358, Minh Tông mất rồi, Dụ Tông đâm ra chơi bời, rượu chè, tửu sắc chẳng lo gì tới việc nước. Bọn gian thần ngày càng lộng hành cùng làm nhiều điều xằng bậy, trái phép.
Thấy Vua yếu hèn, lũ nịnh thần quá quắt, Chu Văn An tìm cách can ngăn. Khốn thay Vua và các bạn đồng liêu không chịu. Tức giận, cụ dâng sớ xin chém bảy người nịnh thần ("thất trảm sớ") (1) Vua vẫn không nghe nên cụ cởi mũ áo từ quan trở về làng trí sĩ.
Rảnh rỗi, cụ hay đi chơi đó đây. Nhân dịp ghé làng Đặc Kiệt, huyện Chí Linh tỉnh Hải Dương, thấy vùng này phong cảnh u nhã, núi non tuyệt đẹp cụ liền làm nhà trên núi để ở. Sống ẩn dật, cuộc đời nhàn tản, cụ lại mang sách ra đọc hay tản bộ trong rừng hoặc chèo thuyền trên đầm Mít uống rượu làm vui không màng tới danh lợi.
Sau này, Vua Dụ Tông có ý mời cụ ra làm quan lần nữa nhưng cụ từ chối, tuy đôi lần vào triều dự hội do Vua mời. Cảm phục tấm lòng cao quý của cụ, Vua sai nội thần ban cho mũ, áo. Chu Văn An nhận lấy nhưng rồi đem phân phát cho người khác chứ không giữ lại.
Năm Kỷ Dậu (1369), Vua Dụ Tông mất, và vì không có con nên triều đình định lập Cung Định Vương là anh Dụ Tông lên làm Vua. Bà Hoàng thái hậu nhất định lập người con nuôi của Cung Túc Vương là Dương Nhật Lễ. Các quan tôn thất nhà Trần hội nhau lại rồi đem binh về bắt Nhật Lễ giết đi đoạn rước Cung Định Vương về làm Vua tức Trần Nghệ Tông (1370-1372).
Biết tin này, cụ Chu Văn An mừng rỡ, chống gậy tới kinh xin yết kiến tân quân xong lại trở về làng cũ. Vua Nghệ Tông ban tặng chức tước, cụ nhất định từ chối, vì thế Vua đành phải sai quân đưa cụ về tận nơi.
Ít lâu sau đó, Chu Văn An mất. Vua Nghệ Tông cho quan đến dự tế và ban tên Thụy gọi là Văn Trinh Công hiệu là Khang Tiết tiên sinh cùng được tòng sự vào bên hữu võ đền Văn Miếu ngang hàng với các bậc tiên nho.
________
1) Sử liệu không nói rõ bảy người này là những ai.
ĐẶNG HOÀNG (sao lục)
(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 83, ra ngày 1-4-1973)