Thứ Năm, 16 tháng 4, 2020

Từ Mọi Góc Đời


Bạn thân mến,

Nhận phụ trách  một mục ngăn ngắn trong một tạp chí, việc băn khoăn đầu tiên của người viết là làm sao đặt một cái tựa. Tuy thế, nhiều băn khoăn khác, to lớn hơn, đã kế tiếp theo đó. Muốn viết được nhiều, muốn nói được nhiều, mà những điều mình viết, mình nói, đừng trở nên vô bổ. Nhưng lại không muốn làm một kẻ khuyên bảo người khác. Thế nên, "Từ Mọi Góc Đời" sẽ chỉ là một nơi mà chúng ta có thể kể cho nhau nghe những điều nghe, thấy, cảm nhận được trong đời sống của chính chúng ta – dĩ nhiên, những điều có thật.

"Từ Mọi Góc Đời" sẽ là nơi gom góp những chuyện vắn, chuyện dài, xảy ra ở bất cứ nơi nào từ mái nhà, từ lớp học, từ đường đi, từ mọi nơi của cuộc sống mà người kể và người nghe đều nhìn đó bằng đôi mắt và bằng sự phán xét của một người học trò. Chuyện vắn, có thể là một truyện ngắn. Nhưng chuyện dài, thì không phải là truyện dài. Chỉ có thế. Ở đây, chúng ta kể và nghe. Kểnghe, thật giản dị. Nhưng, từ mọi góc đời, biết đâu chúng ta sẽ cảm nhận được những điều khích động, và thấy đời sống bớt đi phần nào sự hời hợt, thiếu thốn.

Thân ái              
NGUYỄN THỊ MỸ THANH 


CHUYỆN VẮN

 Chuyện Ở Một Ngã Tư

Một buổi sáng ở ngã tư Phan Thanh Giản – Hai Bà Trưng.

Đèn hiệu ở đường Phan Thanh Giản bật xanh để cho một đoàn xe chạy ra hướng xa lộ. Một đám tang. Cũng khoảng năm phút chờ đợi như vậy. Xe từ hai chiều của đường Hai Bà Trưng kẹt lại.

Và đoàn xe cũng qua hết. Khi đến chiếc xe cuối cùng của đám tang, đèn đường Phan Thanh Giản đổi vàng. Xe đường Hai Bà Trưng chuẩn bị chạy. Nhưng kìa! Có tiếng la lớn:

– Chạy nhanh lên! Nhanh lên!

Năm, sáu chiếc xe đạp nối đuôi đoàn xe đưa đám tang chạy vút tới. Những đôi chân đạp nhanh lia lịa, cố vượt qua trước khi đèn đỏ. Những tấm lưng cúi rạp trên xe. Áo trắng, quần xanh. Những gương mặt rạng rỡ như một cái gì đó thật vui bắt đầu cho một ngày sống mới.

Xe đường Hai Bà Trưng phải vội vã thắng lại. Thay vì những cái nhíu mày bực bội, những câu phàn nàn hay chửi rủa, hình như ai cũng nhìn nhau cười. Vì họ nhận ra đoàn “cua-rơ” kia là một đoàn học sinh. Không cần nhìn đèn, họ nhường bước cho đoàn xe đạp – đoàn xe đua độc đáo. Một “cua-rơ”, vì chạy sau chót, hoảng hốt, mất thăng bằng ngã té. Cậu vội vã đứng lên dựng xe và chạy tiếp, nhưng – lại hoảng hốt – làm rơi một chiếc dép giữa đường. Cậu định bỏ luôn, vì đứng lại thế nào cũng bị cảnh sát “thộp cổ” về tội vượt đèn đỏ.

Nhưng… ông cảnh sát cũng… cười, và đứng yên. Sau một chút ngập ngừng, cậu học sinh trở lại nhặt chiếc dép, và quẹo hướng Hai Bà Trưng vì lúc đó các bạn đã đi xa. Xe đường Hai Bà Trưng cũng đang ùn ùn chạy.

Lạ! Buổi sáng đó, ở ngã tư đó, hình như ai cũng vui vui.


CHUYỆN DÀI
  
Trong Những Bức Thư Của Danh

Phước Tuy 19-8-1973

Tôi đã rời bỏ chiếc xe lăn oan nghiệt, để đi bằng cặp nạng. Phải mất gần hai tháng tập đi và cho đến bây giờ đã khá nhanh nhẹn, dễ dàng rồi! Thật chẳng có gì vui thích bằng khi mình làm lại những động tác mà đã từ lâu quên mất.

Phước Tuy 26-8-1973

Tôi vừa lấy được chân giả. Mừng quá! Cứ nghĩ là mình vừa chết đi và được cứu sống lại… Vậy là tôi đã hết ghét đời, không còn đả phá, khích bác.Và chỉ còn một thế cờ nữa là “chuẩn bị cho tương lai khi đã bình phục”. Chị Hạ Huyên! Tôi đã bình phục chín mươi chín phần trăm. Một phần trăm còn lại là phải tập đi. Tuy thế, tôi cũng còn cần những lời khích lệ của chị để giúp tôi có nhiều nghị lực gạt bỏ những mặc cảm ra ngoài.

Phước Tuy 27-9-1973

Về phần tôi, đã có chân giả rồi, đã đi hơi vững. Nhập viện lại vì vết thương cũ không chịu thuyên giảm…

Phước Tuy 17-10-1973

Tôi đã đi vững, nhưng chưa thể đến trường, vì hoàn cảnh…

Phước Tuy 10-12-1973

Tính đến ngày hôm nay, tôi đã về nhà được hai tháng.

Phước Tuy 31-1-1974

Nghĩ lại vẫn thấy chưa làm được gì, buồn ghê chị Huyên ạ! Tôi chỉ nằm ở nhà, xem lại sách vở cũ, và đọc sách, tự lấy đó làm thú vui riêng.

Phước Tuy 31-3-1974

Cảnh quê nhà đã khiến tôi không còn nghĩ gì nữa cả. Tôi chẳng còn ham gì ở những chuyện đã qua trong đời. Cũng hay chứ, chị Huyên! Tuy thế vẫn cảm thấy nhớ sài Gòn. Bởi đất Sài Gòn vẫn là nơi tôi gửi gắm nhiều kỷ niệm. Nhiều khi muốn quên, nhưng những động tác bé nhỏ bất chợt cũng đủ khiến cho mình nhớ lại cả một khoảng thời gian rộng lớn.

Vết thương cũ nơi chân gãy chưa chịu lành, đã vậy còn làm thêm một vết nữa. Nghĩ dại, nếu vết thương hoành hành dữ dội để đến phải cắt bỏ một chân nữa!!! Viễn tượng chiếc xe lăn dính liền với cuộc sống hàng ngày khiến tôi nhiều lần rùng mình…

Hoàn cảnh của tôi hiện giờ: đi không xa lắm, chịu nắng không được lâu, lại thêm chứng nhức đầu mới bộc phát, không rõ nguyên do tự đâu… Thật không xứng danh “kẻ nam nhi đầu đội trời chân đạp đất” phải không chị Huyên?

Chuyện của tôi – chuyện đến trường – bây giờ tôi mới khám phá ra rằng tôi không thể đến trường như đã mơ ước và hơn một lần thố lộ với chị. Rất buồn vì cảm thấy mình bất lực trước hoàn cảnh. Tôi vẫn xem lại sách vở, nhưng…

Phước Tuy 22-9-1974

Tôi lại bắt đầu nghĩ đến việc mình phải làm. Làm gì bây giờ hả chị Huyên? Nằm không thì buồn chết. Còn học thì… đang thử. Chắc chắn là có rất nhiều trở ngại. Còn làm ruộng… không thể được rồi! Buồn buồn xem lại một cuốn truyện. Tôi phân vân quá! Không biết rồi mình có “vĩ đại” như nhân vật Nghiêm trong “Khúc lan can gẫy” được không?

Phước Tuy 22-12-1974

… À, chị Huyên, tôi mới thêm một lần nữa nhập viện để chuẩn bị cắt xương dư và điều trị vết thương nơi chân phải. Lại một đoạn văn làm tôi nhớ đến. Và không hiểu tôi nên vui hay nên buồn cho cái sự đang tăng trưởng của mình, cho lứa tuổi đang “trẻ” của mình (nhiều khi tôi cứ tưởng mình đã già từ lâu).

Phước Tuy 20-1-1975

Từ buổi chiều đến thăm chị về, tôi còn ở lại Sài Gòn mất mấy ngày nữa để cố gắng nạp được tờ đơn thi Tú Tài. Rồi sau đó mới về nhà thật sự.

Hôm gặp chị, nghe chị kể câu chuyện cô bé Mai Phương, tôi đã có một sự so sánh. Mai Phương bất hạnh hơn tôi, khó nhọc hơn tôi: mất cả đôi chân từ thuở lên mười, mà lại là con gái, đôi chân gỗ chắc nặng hơn tôi nhiều. Tôi thấy không có gì để tôi bi quan nữa. Tự nhiên tôi cảm thấy tôi vẫn còn đủ sức thực hiện những điều mà tôi đã nói với chị. Nếu tôi bỏ ngang? Thật là vô lý! Vì ít ra tôi cũng đã tìm lại cho tôi vẻ náo nức khi chen lấn nạp đơn thi. Viễn ảnh được (không phải “bị”) cắp sách đến trường cũng là một trong những thúc đẩy bén nhạy nhất ở tôi.

Chị Huyên có biết là lúc này tôi đang yêu đời và phấn chấn đến mức độ nào không? Xin trả lời ngay là: hơn khi nào hết.

Tôi còn nhớ thời gian tôi học với thầy Tâm ở trường Truyền Tin. Một hôm trong giờ sinh ngữ thầy Tâm hỏi tôi bằng tiếng Anh đại khái là: “Anh Danh! Anh đã dự bị cho tương lai của anh chưa?”. Tôi đáp, thật là oái oăm: “No!”. Bây giờ nhớ đến thầy Tâm, tôi vẫn nhớ đến cái tiếng “No” trơ trẽn ấy và đâm ra hối hận vô cùng.

Chị Huyên mến! Tuổi học trò đã sống dậy nơi tôi. Vui mừng này, tôi không biết phải nói cho ai, ngoài chị…

Điện tín của Hạ Huyên

Ngày 31-1-1975

Danh! Đã nhập cuộc, hãy tiếp tục vào cuộc. Gắng ôn bài. Chúc Danh thi đậu.


(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 233, ra ngày 1-4-1975) 


oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>