Các em thân mến,
Hôm nay, chúng tôi xin nói chuyện với các em về hai tiếng cám ơn.
Ông Phạm Cao Tùng trong quyển NGƯỜI LỊCH SỰ có kể chuyện nhà văn hào nổi tiếng của Nga là Léon Tolstoi một hôm có giúp cho một người đàn bà nọ một việc. Nhưng người đàn bà này, khi ra về, lại vụng về không nói được một lời cám ơn. Ông Léon Tolstoi làm bộ hỏi, khi bà khách vừa bước ra khỏi nhà: "Thưa bà, bà nói chi?" Người đàn bà ngạc nhiên trả lời: "Thưa ông, tôi không có nói gì." Ông Tolstoi liền cười: "Xin lỗi bà. Vậy mà tôi nghe bà nói: Cám ơn."
Qua câu chuyện trên, chắc các em cũng thấy rõ hai tiếng cám ơn ngắn ngủi ấy rất quan trọng trong việc giao thiệp hàng ngày, trong đời sống của chúng ta.
Thật thế, hai tiếng "cám ơn" cũng như hai tiếng "xin lỗi" là những tiếng đầu môi của con người lịch sự ở Âu Châu, nhất là ở Pháp.
Cách nay mười hai năm, chúng tôi có dịp ghé Ba-lê, thủ đô nước Pháp. Trong khi mải mê say nhìn những hàng hóa lạ mắt trưng bày ở cửa hàng bên đường phố tấp nập người qua lại, tôi vô ý va phải một cặp người Pháp đang đi dạo trên đường. Tôi chưa kịp xin lỗi, thì người đàn ông Pháp đã thốt ra hai tiếng "xin lỗi" trước tôi rồi. Tôi trả lời rằng lỗi ở tôi. Cặp người Pháp tươi cười nói hai tiếng "cám ơn" trước khi tiếp tục đi.
Người lịch sự luôn dùng hai tiếng cám ơn khi người khác giúp chúng ta một điều gì, dù nhỏ nhặt đến đâu, dù việc họ giúp chúng ta không đem đến lợi lộc cho họ.
Người lịch sự không quên hai tiếng cám ơn khi bán được một món hàng hay mua được một món hàng chẳng hạn.
Chúng ta dùng hai tiếng cám ơn với tất cả mọi người, không phân biệt lớn, nhỏ, sang, hèn.
Nhưng chúng ta tránh dùng hai chữ cám ơn cộc lốc, không được êm dịu cho lắm. Chúng ta nên nói, tùy lúc: cám ơn em, cám ơn anh chị, cám ơn ông bà, cám ơn cô có lòng tốt quá, cám ơn bác đã giúp cháu rất nhiều, thì hay biết mấy.
Lời nói "cám ơn" chỉ có giá trị khi được thốt ra tận đáy lòng chúng ta, với lòng chân thành của chúng ta, kèm theo cử chỉ và dáng điệu của người biết ơn.
Các em thân mến,
Hai tiếng cám ơn tuy ngắn ngủi nhỏ nhặt mà được các em sử dụng thường xuyên sẽ đem đến cho các em nhiều sự thoải mái. Các em gây được cảm tình với người xung quanh và mọi người đều quí mến các em, vì các em là con người lịch sự, con người có giáo dục.
Thân mến
NGUYỄN HÙNG TRƯƠNG
(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 78, ra ngày 25-2-1973)