Thứ Tư, 31 tháng 10, 2018

Hương Vị Tuổi Thơ




Khi hồi tưởng về quãng đời thơ ấu, chắc chắn không ai có thể quên được những món ăn gọi là quà vặt, nhưng lại không vặt vãnh chút nào, vì chúng cứ lẩn khuất sâu trong ký ức, chỉ chờ có dịp được khơi lên là lại vẫn sống động, y như là chúng ta mới ăn ngày hôm qua, hôm kia gì thôi!

Lúc còn nhỏ tôi ở với bác ở dưới Châu Đốc, tuy bác là nhân viên của Ty Thuế Vụ, nhưng chắc rất thanh liêm, nên ngoài lương ba cọc ba đồng ra thì chẳng có gì nữa! Mỗi sáng bác thường thức dậy rất sớm, khoảng bốn giờ, để tập thể dục, nghe tin tức trên radio, và chờ người bán bánh mì đạp xe ngang qua nhà để mua. Nếu chưa dùng ngay, bác đem ủ vào trong bao để lúc tới lúc ăn thì bánh vẫn còn nóng giòn như mới ra lò! Sáng nào cũng vậy, bác đều ăn bánh mì với sữa đặc, hoặc đường cát, trước khi đạp xe đi làm!  Sống một đời công chức thanh bạch và gương mẫu, chưa bao giờ bác trai ăn một món điểm tâm nào khác! 

Chị Tâm chị họ của tôi và tôi, trái lại, mỗi đứa được hai đồng bạc cắc, để mua điểm tâm tùy ý thích. Nói tùy ý cho xôm vậy thôi, chớ thật ra tôi chẳng mua được gì nhiều, vì tôi nhớ như in có một lần tôi đi xa hơn thường lệ một chút để mua quà sáng, chắc vì thức dậy trễ quá nên mấy hàng gần nhà đã bán hết. Cửa hàng này trước đó tôi chưa vô lần nào, phần vì ngại xa, mặt khác chắc trông có vẻ đông khách quá nên sợ chờ tới lượt sẽ lâu chăng. Chỉ nhớ cầm trên tay hai đồng, tôi đã xăm xăm đi tuốt vô mé trong nơi bà chủ quán đang ngồi bán, chỉ để mua hai đồng xôi!, trong khi phải đi ngang qua hàng hàng lớp lớp cơ man những rổ, rá, mẹt, nồi, thúng, khay, thau... bầy la liệt các món ngọt, mặn từ bánh tằm, bánh tằm bì, bánh khoai mì, bánh đậu xanh, bánh chuối hấp, bánh bèo, bánh ướt, bánh lá dừa..., tới các loại chè bà ba, táo xọn, trôi nước, bánh canh ngọt ăn với mè và nước cốt dừa..., còn xôi thì xôi vị, xôi ngũ sắc luôn nha các bạn, và còn những gì gì nữa nhưng tôi không dám nhìn ngang liếc dọc lấy một lần, chỉ sợ mắc công thèm thêm mà không có tiền mua!

Với hai đồng bạc, thường thường mỗi sáng tôi hay mua xôi, vì bánh mì thịt có giá tới ba đồng. Vả lại, anh Tín anh họ tôi nói người ta làm bằng thịt chuột, nhưng thật ra không phải vậy, về sau lớn lên tôi mới biết, rằng khác với khi chế biến ở nhà có đơn sơ và vệ sinh hơn, thịt heo ăn kèm bánh mì ngoài tiệm luôn luôn được nhuộm phẩm màu màu cam tươi cho bắt mắt hơn! Thế là sống năm năm dưới Châu Đốc mà tôi chưa hề nếm thử lấy một lần duy nhất bánh mì thịt Châu Đốc, vì sợ ăn phải thịt chuột!

Xôi Châu Đốc mỗi phần được gói vô khoảng chừng góc tư chiếc lá sen nên khi ăn có vẻ rất thanh khiết. Sau này, ban đầu khi trở lại Sài gòn, tôi thường hay có thói quen so sánh hai nơi, như xôi Sài gòn lại gói bằng lá chuối, rồi còn đựng trong bao nylon hay hộp xốp nữa, có vẻ xô bồ và không thanh tịnh chút nào! Nhưng xôi Châu Đốc bán ngày thường không thể nào so sánh được với xôi đình, nấu bằng nếp thượng hạng và nước  cốt  dừa  thơm  phức  mùi  lá  dứa. Sau buổi cúng đình một năm tổ chức hai lần, mỗi gia đình sẽ chỉ được phát một phần to cỡ bằng bàn tay người lớn, nhưng mà ăn một miếng thôi nha, ta nói, ngon tới độ nhớ suốt đời luôn! Chỉ có một vài loại xôi có thể so sánh được với xôi đình thuở bé về độ ngon, đó là xôi Xiêm, hay xôi sầu riêng.

Hôm nào không thích ăn xôi điểm tâm, tôi sẽ xà vào hàng bánh khọt. Bánh khọt Châu Đốc, (lại so sánh!) không bỏ bột nghệ, chỉ thuần khiết bột và nước cốt dừa ăn mềm mại, béo ngậy. Người bán bánh khọt cũng dùng khuôn to hơn ở Sài gòn, nên hai đồng hình như được bốn cái, con nít cỡ tôi ăn no cành hông.

Nhưng món điểm tâm đặc sản của Châu Đốc mà tôi mê nhứt, đó là bún kèn. Nói đặc sản vì từ hồi lớn lên ở Sài gòn, tôi chẳng hề thấy bún kèn được bán ở đâu khác ngoài Châu Đốc, tới nỗi một lần thèm quá nhớ quá, lại tình cờ vớ được một cuốn sách dạy nấu ăn độc nhất vô nhị có dạy món bún này vừa mới phát hành, tôi đã nấu thử ngay lập tức, nhưng chỉ để cảm thấy một nỗi  thất vọng tràn trề. Cũng cá lóc, tôm khô, rồi thơm bằm nhuyễn, rồi sả, nước cốt dừa, bột cà ri vàng ươm, nhưng sao hương vị năm nào thuở bé cứ mãi hoài lẩn tránh! Hình như những món ăn tuổi nhỏ cứ đeo đẳng dai dẳng trong ký ức, ngọt ngon không gì sánh nổi, chỉ vì nó còn mang cả hương vị tuổi thơ! Mà loại "gia vị" này thì chỉ có cách là úm ba la a thần phù quay trở lại thành một con nhóc mới tìm ra mà thôi! Tôi vừa mới đọc được hai câu thơ trên mạng:

Ai đâu trở lại thời gian trước, 
Nhặt lấy cho ta kỷ niệm đầu

... nghe hay thì hay đấy nhưng sao quen quen, na ná như những câu thơ của Chế Lan Viên trong bài Chiều Xuân:

Ai đâu trở lại mùa thu trước, 
Nhặt lấy cho tôi những lá vàng!

Dù sao thì hai câu thơ trên cũng diễn tả đúng nỗi lòng của nhiều người đã trưởng thành, thậm chí là già rồi nữa,  nhưng vẫn hoài nhớ tuổi thơ như tôi.

Còn vô số những hàng quà vặt ăn trưa, ăn xế, ăn trừ bữa, ăn tối nữa, hay nhiều khi gặp lúc nào là mua lúc đó, với điều kiện trong túi hoặc trong ống heo còn rủng rỉnh vài đồng bạc cắc!

Buổi trưa nằm ngủ lơ mơ trên bộ ván mà thoáng nghe tiếng rao bánh tai yến, tưởng không có gì buồn hơn. Trưa Châu Đốc rất lặng lẽ, trên trời chỉ có nắng và nắng, vườn bên nhà bác Giáo cây cối xanh um tùm nhưng chẳng có lấy một tiếng chim, ngoài đường không một tiếng xe chạy, không một bóng người, ngoại trừ những người bán hàng rong, như thằng bé bán bánh tai yến đội trên đầu nguyên một mâm xếp những chồng bánh cao nghễu nghện mà vẫn đi tỉnh bơ, không sợ đổ ụp xuống đất! Tôi vẫn thường tự hỏi, không biết thằng bé ấy phải rạc cẳng đi qua bao nhiêu hương lộ thì mới bán hết mẻ bánh ấy, để mang tiền về nhà cho người mẹ tảo tần đã cặm cụi làm ra từng ấy thành phẩm!  Những chiếc bánh tai yến kỷ niệm ấy tuy mộc mạc, dân dã nhưng lại rất ngon và rẻ, mặc dù tôi chẳng biết chúng làm bằng gì.

Có một nhân vật hiếm hoi khác cũng xuất hiện vào buổi trưa ở miền quê thanh vắng ấy, đó là chú bán cà rem. Có đứa trẻ nào mà không mê cà lem sô cô la sữa hột gà, cà rem cây? Tôi dĩ nhiên cũng không là ngoại lệ! Tôi nhớ có lần đang mua thì ngẩng lên thấy từ xa hai anh tôi Hải và Hòa mỗi người xách một bên chiếc giỏ đựng quần áo đang đi tới! Đó là mùa hè, và hai anh tôi trên Sài Gòn về quê chơi! Anh Hòa nói, lần nào về Châu Đốc cũng thấy tôi mặc quần bain de soleil (quần phồng) đỏ, và đang mua cà rem!

Vào những buổi trưa nắng gắt, một lựa chọn khác thay cho cà rem và cũng thú vị không kém, đó là đá nhận, nhưng rất tiếc món giải khát dành cho trẻ thơ này dường như đã bị thất truyền. Đá bào xuống ly được ém chặt, hay nhận xuống để khi trút ra có hình dáng cái ly, được xịt xi rô trái cây màu vàng, đỏ, xanh lá cây tùy theo ý muốn của người mua, và mặt trên sẽ được rót những dòng sữa đặc vòng vèo cho thêm béo. Đá nhận được em bé hào hứng hút cho tới khi phần xi rô màu đã biến mất, chỉ còn trơ viên đá trắng nhách, để lại một cảm giác lạnh đỏ cả tay.

Một gánh quà trưa hầu như ai cũng mê, bất kể con nít hay người lớn, đó là Bông Cỏ, hay sương sa hột lựu nước cốt dừa. Mê vì chẳng những ngon, lại đẹp mắt nữa. Riêng tôi thì lại còn vì vị dầu chuối mê ly khó quên, và cái tên món ăn nghe rất ư là lãng mạn, đượm hương đồng gió nội, làm tôi cứ tưởng được nấu từ những bông cỏ be bé xinh xắn màu tim tím tôi vẫn thường hay bứt trong sân trường!

Chiều mát là lúc những đứa trẻ tỉnh lẻ chúng tôi thường hay lững thững ra trước Ty Thông Tin chơi, nơi đậu xe bán trái cây như cóc đã  tỉa năm, sáu cánh xòe ra như bông hoa cho dễ ăn –, rồi ổi, cà na, mận, xoài tượng, đặc biệt là chùm ruột (bây giờ chẳng thấy bán, có lẽ vì khẩu vị người ta đã thay đổi)... ngâm trong nước đường màu vàng tươi sóng sánh gợi thèm, ăn kèm muối ớt gói trong mảnh giấy báo quấn lại thành một cái quặng nhỏ. Cũng có vài đứa trẻ trạc tuổi tôi ngồi bán những rổ trái trứng cá be bé chín đỏ chỉ nhìn cũng đủ biết là ngọt lừ. Những chiếc rổ này chắc do những  đứa  bé bán  hàng  tự xếp bằng giấy báo như chúng ta xếp giấy Origami. 

Thỉnh thoảng người ta lại thấy một bà bán những trái ớt xanh, đỏ, và cả màu vàng nữa, làm từ đậu xanh, gắn vào cây trông như cây ớt thật, gác lên thành một cái thúng mây, vừa đi vừa rao ngang qua nhà. Lũ trẻ chúng tôi thích mê, vì bánh trông giống ớt thật nhưng ăn không cay chút nào, vừa ngọt ngon mà lại vừa ngộ nghĩnh, ăn tới đâu "hái" tới đó như bứt từ trên cây ớt thật xuống vậy! Cũng có khi bà ấy bán các loại trái cây khác cũng nặn từ đậu xanh như khế, măng cụt, thơm, mãng cầu, trái phật thủ, quít, chuối... với màu sắc bóng bẩy và trông rất giống thật. Lần nọ bà lại bưng cả một mẹt con giống đủ màu sắc, muốn mua con gì có con đó, đặt sẵn trên những mảnh giấy dán dưới đáy, hoặc cả mâm trái cây chưng ngũ quả nữa, nhưng lần này thì không ăn được, vì con giống chỉ để ngắm thôi.

Đầu tháng bác trai mới lãnh lương, chúng tôi sẽ được ăn phở để đổi món. Xe phở đẩy rong tìm khách, và người bán sẽ bưng tô phở vô trong nhà nơi chúng tôi quây quần vừa cười nói vừa thưởng thức món mỗi tháng chỉ được ăn một lần. 

Cũng vào những buổi tối khi trời hơi lành lạnh vì những cơn gió thổi qua lòng đường trống trải vắng bóng người qua lại, một ông già người Tàu lững thững đạp xe bán dạo món mía hấp, với ngọn đèn măng xông cháy leo lét ở góc xe, và một nồi hấp mía thật to, khói tỏa nghi ngút mang theo mùi thơm ngào ngạt. 

Nhưng món ăn vặt dành cho buổi tối mà tôi yêu thích nhất là món tạm gọi là bánh hấp, tương tự như bánh lá mít, nhưng khác ở chỗ bánh lá mít thì bột đã khuấy sẽ được phết lên lá mít và cứ thế mà hấp trong xửng, còn món bánh hấp sẽ được phết vào lá chuối, gói ngay ngắn thành một hình chữ nhật xẹp lép trước khi đem đi hấp, ăn với nước cốt dừa và mè rang. Loại bánh này có vẻ còn hiếm hơn cả bánh lá mơ, và tôi đã cẩn thận tra Google để tìm tên mà vẫn không thấy. Các bạn miền Tây nào biết xin "chỉ giáo" cho nhé!

Vẫn còn một món quà thuở nhỏ tôi không biết tên, và tưởng đã mất tích luôn. Không ngờ bao nhiêu năm sau, tôi mới khám phá ra chính là Bò Bía Ngọt. Mặc dù có đầy rẫy ở Sài gòn, nhưng người bán bò bía ngọt rong ở Sài gòn dùng một hình thức khác hẳn : họ chạy xe đạp, hay xe Honda, và chở theo một cái thùng kiếng to phía sau, dán hoặc sơn hàng chữ Bò Bía Ngọt cũng to không kém; trong khi dưới Châu Đốc, một ông Tàu trung niên sẽ đeo bên vai một thùng sắt tây chứa những thanh kẹo xốp, và xấp vỏ kẹo là những tấm  bánh giống như bánh tráng, nhưng mềm hơn và màu thì trắng đục, tay còn lại ông ta lắc lia lắc lịa một ống nhôm đựng mè đen, nắp có đục lỗ, nghe lắt xắt lắt xắt, như một cách rao hàng, chớ chẳng nói một lời nào để giới thiệu món hàng mình bán.  Hèn chi mà tôi ăn mãi mà cũng chẳng biết món quà tuổi thơ ngon nhớ... tới già đó tên gọi là gì!


Trần Thị Phương Lan
(Bút nhóm Hoa Nắng)

Thứ Ba, 30 tháng 10, 2018

Chàng Rể Quái Đản


Trên đỉnh một ngọn đồi ở phía Bắc nước Đức, không xa dòng sông Maine và sông Rhine mấy, là nơi tọa lạc lâu đài của Lãnh chúa Von Landshort.

Lãnh chúa thuộc dòng dõi quí tộc ở Đức, thừa hưởng một gia sản kếch sù và một niềm kiêu hãnh về dòng họ ông. Mặc dù sự hiếu chiến của tổ tiên ông đã làm giảm bớt một số ít sản nghiệp, nhưng lãnh chúa bây giờ còn giàu lắm.

Lúc bấy giờ thời bình, các nhà quí tộc người Đức đã rời bỏ những tòa lâu đài cũ kỹ, giống như những tổ chim ưng giữa rừng núi, để xây những tòa nhà khác đầy tiện nghi ở vùng đồng bằng. Lãnh chúa, trái lại, vẫn thích sống biệt lập trong cái thành trì nho nhỏ, kiên cố của ông thường nhắc lại những mối hận thù trong gia tộc. Do đó giữa ông và những gia đình quí tộc láng giềng luôn luôn có sự hiềm khích vì một sự tranh chấp nào đó giữa tổ tiên họ.

Lãnh chúa chỉ có một người con gái, nhưng khi thượng đế chỉ ban cho ông có một đứa con thì các em hãy tin rằng đứa con ấy là một bảo vật quí báu phi thường.

Tất cả mọi người trong lãnh thổ đều bàn tán xầm xì rằng khó kiếm một người thứ hai đẹp như vậy trong khắp nước Đức. Hơn nữa, Quận chúa đã lớn lên trong sự chăm lo, dạy dỗ của hai bà cô già, các bà cô này ngày xưa có phục vụ trong triều đình và họ rành mọi cách giáo dục một mệnh phụ phu nhân. Dưới sự chỉ dẫn của họ, Quận chúa trở nên một phép lạ. Lúc nàng 18 tuổi, nàng có thể thêu thùa may vá một cách tuyệt mỹ, nàng có thể đọc dễ dàng tất cả những truyện cổ tích trong kinh thánh, nàng có thể viết văn, làm thơ, khiêu vũ, chơi đàn và hát rất hay nữa.

Các bà cô nàng ngày xưa cũng đã là những hoa khôi hồi họ còn trẻ, dĩ nhiên là họ "canh gác" cho cô cháu rất chu đáo và càng chu đáo hơn nữa khi họ đã có những kinh nghiệm bay bướm bản thân. Không bao giờ họ rời mắt khỏi nàng. Quận chúa không bao giờ được ra khỏi tòa lâu đài trừ khi được một đoàn thị tì hộ tống, bao vây và kiểm soát chặt chẽ. Luôn luôn Quận chúa được nghe giảng dạy về luân lý giáo khoa thư! Còn về các chàng trai thì... úi chà, người ta dạy nàng phải luôn luôn đứng cách xa thật xa ra và nếu không được phép thì nàng không được liếc chàng ta, dù đó là một kỵ sĩ đẹp trai nhất thế giới. Không, ngay cả khi chàng đang hấp hối dưới chân nàng.

Đường lối giáo dục nàng xem ra có những kết quả tốt. Thiếu nữ trở nên một tấm gương sáng về sự ngoan ngoãn dễ dạy. Trong khi những thiếu nữ khác thiêu thân trong ánh sáng kinh thành, Quận chúa lớn lên và trổ mã trong tuổi dậy thì dưới sự che chở của hai bà cô, giống như một đóa hoa hồng hé nở giữa những cụm gai. Các bà cô nhìn nàng với đôi mắt kiêu hãnh, hoan hỉ và thách rằng dù cho tất cả các thiếu nữ trên thế giới có bị hư hỏng thì cũng không một chuyện gì có thể xảy ra cho Quận chúa cháu các bà được.

Nhưng dầu cho lãnh chúa rất hiếm con, ông không hiếm họ hàng. Những người này có đức tính của các vị bà con nghèo, rất là khắng khít với lãnh chúa, hễ có việc là ùn ùn kéo đến tràn ngập cả lâu đài. Những ngày giỗ, ngày lễ lãnh chúa thết đãi tiệc tùng cả họ và khi họ đã ăn uống no say thì họ tuyên bố là trên thế gian này không có gì vui bằng những ngày hội họp của gia tộc.

Lãnh chúa, dầu người nhỏ nhắn nhưng có tấm lòng rộng rãi bao la, và được trọng vọng trong  cái thế giới nhỏ bao quanh ông thì ông hài lòng lắm. Ông khoái kể những truyện dài về các bức tranh treo trên tường vẽ những chiến sĩ... già và cả họ cùng lắng nghe một cách chăm chú. Ông cũng khoái kể những chuyện đường rừng, chuyện quái đản và ông rất tin ở những chuyện ma thường được kể ở các vùng rừng núi nước Đức. Các quí khách của ông lại càng tin hơn ông nữa: họ há hốc mồm ra nghe các chuyện của ông và luôn luôn lộ vẻ ngạc nhiên thích thú, dù họ đã được nghe kể đi kể lại đến hàng trăm lần.

Và như thế cuộc sống của ngài lãnh chúa cứ dần dần trôi, ông là một ông vua nhỏ trong lãnh thổ của ông và sung sướng tin ông là người khôn ngoan nhất thế kỷ.

Ngay lúc tôi đang kể chuyện này thì có một cuộc hội họp của cả gia tộc trong tòa lâu đài để bàn về một chuyện tối quan trọng: họ đang bàn tính chuyện tiếp đón chàng rể quí của nhà lãnh chúa. Lãnh chúa và quí tộc xứ Bavaria đã đồng ý với nhau kết thân hai họ bằng cuộc hôn nhân của đôi trẻ. Những nghi lễ đầu của cuộc hôn nhân đã được cử hành. Hai người đã được đính hôn dù họ chưa nhìn thấy mặt nhau, và người ta đã định ngày cử hành hôn lễ.

Chàng bá tước trẻ tuổi đã được giải ngũ để về lấy vợ đang trên đường đi đến lâu đài lãnh chúa để đón cô dâu. Từ Wurtzburg người ta đã gửi thư đến cho lãnh chúa báo trước ngày giờ mà chàng sẽ đến.

Tòa lâu đài nhộn nhịp hẳn lên trong cuộc chuẩn bị để đón tiếp chàng một cách nồng hậu. Cô dâu xinh đẹp đã được săn sóc kỹ lưỡng. Hai bà cô đã chuẩn bị trước việc trang điểm cho nàng và cãi nhau suốt buổi sáng về áo dạ hội của nàng. Thiếu nữ lợi dụng sự tranh chấp đó để may áo theo goût của nàng, và may mắn thay, nó rất xinh đẹp. Trông nàng hết sức xinh xắn và sự chờ đợi làm cho má nàng hồng lên.

Lớp phấn tô nhẹ trên mặt, hơi thở phập phồng và đôi mắt chìm đắm trong mơ mộng không thể nào diễn tả được sự sôi nổi trong quả tim nhỏ bé của nàng. Hai bà cô tiếp tục lăng xăng chung quanh nàng vì các bà khoái làm những việc này lắm. Họ dạy nàng phải cư xử ra sao, phải nói cái gì và phải tiếp đón chàng rể cách nào. Lãnh chúa cũng bận rộn sửa soạn. Thực ra thì ông không có việc gì làm hết, nhưng bản chất ông là một người hoạt động, ông không thể ngồi yên khi tất cả mọi người chung quanh lăng xăng rộn rịp. Ông lo lắng chạy từ dưới nhà lên trên lầu, ông gọi những gia nhân và khuyến khích họ cần mẫn hơn lên. Ông chạy vào mọi phòng, mọi sảnh đường, không lúc nào ngừng, giống như một con ruồi xanh trong một ngày mùa hạ.

Những con dê béo bị làm thịt, tòa lâu đài rung lên vì sự săn đuổi ồn ào của đám đầy tớ, nhà bếp thơm phức hẳn lên và người ta đem từ hầm bể rượu Rhein và rượu Ferne...

Tất cả mọi việc đã sẵn sàng để đón tiếp quí khách danh dự, nhưng sao chàng rể cứ chần chừ chưa chịu xuất hiện. Giờ này qua giờ khác. Mặt trời chiếu những tia nắng yếu ớt trên đỉnh núi. Lãnh chúa leo lên ngọn tháp cao nhất và giương mắt tìm kiếm bóng chàng Bá tước và đoàn tùy tùng từ xa. Một lần, ông ngờ là ông đã thấy chàng xuất hiện, tiếng tù và vẳng xa và âm vang trong rừng núi. Một số người từ xa đang tiến dần đến, nhưng khi họ đến tới chân núi thì họ bẻ quẹo sang đường khác.

Những ánh nắng cuối cùng tắt, đoàn dơi vỗ cánh đi ăn đêm, con đường mờ tối dần. Thỉnh thoảng chỉ có một người nông phu lê bước về nhà sau một ngày làm việc mệt nhọc.

Trong lúc tòa lâu đài cổ đang ở trong tình trạng hoang mang như vậy thì một quang cảnh đang diễn ra ở một nơi khác.

Chàng Bá tước trẻ tuổi đang thong thả rong ngựa trên đường đến tòa lâu đài, nơi có một cô dâu xinh đẹp đang ngóng chờ và một cỗ bàn thịnh soạn sau cuộc hành trình. Đến Wurtzburg, chàng gặp một kỵ sĩ bạn cùng chiến đấu bên chàng nơi chiến trường. Hiệp sĩ Von Starkenfaust, một tay kiếm oai dũng nhất, một tấm lòng hào hiệp nhất trong các hiệp sĩ quí tộc, cũng đã giải ngũ trở về. Lâu đài của cha chàng không xa thành trì của ngài lãnh chúa lắm, nhưng vì có một mối thù xưa của hai dòng họ nên hai bên không hề nhìn mặt nhau.

Hai chàng tuổi trẻ tay bắt mặt mừng và kể cho nhau nghe tất cả những cuộc phiêu lưu của họ từ ngày họ xa nhau. Chàng bá tước bèn kể cho bạn nghe tất cả về cuộc hôn nhân sắp tới của mình với một nàng quận chúa trẻ tuổi chàng chưa biết mặt bao giờ nhưng đã nghe  tả đầy đủ về sắc đẹp của nàng.

Vì hai người cùng đi một đường nên họ đồng ý nhập hai đoàn tùy tùng lại và khởi hành từ Wurtzburg sớm hơn một giờ, họ đi thong thả đến tòa lâu đài của lãnh chúa. Bá tước ra lệnh cho đoàn cận vệ của chàng đi sau và sẽ nhập đoàn. Vừa đi họ vừa nói chuyện, nhắc nhở lại kỷ niệm thời chiến ; nhưng chàng bá tước thỉnh thoảng lại đắm chìm trong mơ mộng, nghĩ ngợi đến cô dâu lộng lẫy và hạnh phúc đang chờ đón chàng.

Cứ như thế họ đi sâu vào rừng vắng và sắp sửa vượt qua con đường mòn lạnh lẽo. Lúc bấy giờ ai cũng biết rằng các khu rừng nước Đức đầy cướp cũng như các tòa lâu đài ở đó đầy ma. Nhất là lúc sau chiến tranh, đầy dẫy những toán lính vô công rỗi nghề. Và rồi dĩ nhiên là đoàn người bị một bọn cướp tấn công giữa rừng. Họ tự vệ một cách anh dũng, nhưng khi sắp bị đánh bại thì đoàn cận vệ của bá tước kéo đến hỗ trợ. Vừa thoáng trông thấy họ, bọn cướp ùa nhau chạy trốn. Nhưng lúc đó bá tước đã bị trọng thương ; người ta cẩn thận và nhẹ nhàng võng chàng về thị trấn Wurtzburg và vị linh mục được mời đến. Ông này cũng là một vị lương y nổi tiếng trong vùng. Nhưng rồi ông đành bó tay. Những giờ phút cuối cùng của chàng bá tước kém may mắn đã điểm.

Trong cơn hấp hối, chàng khẩn thiết yêu cầu người bạn Hiệp sĩ tiếp tục lên đường đi đến lâu đài Landshort và kể lại nguyên nhân định mệnh đã không đúng hẹn với người vợ chưa cưới. Dù không phải là một tình lang say đắm, chàng là người đúng hẹn nhất trên đời, và mong mỏi nguyện vọng này được thi hành nhanh chóng. "Trừ khi bạn thi hành xong thì tôi mới yên giấc ngàn thu được". Chàng lập đi lập lại những lời cuối cùng này với một vẻ nghiêm trọng đặc biệt. Một lời thỉnh cầu giữa những phút giây cuối cùng như thế dĩ nhiên không ai dám chần chừ. Hiệp sĩ hết lời an ủi chàng và long trọng tuyên thệ sẽ gắng sức. Bá tước nắm lấy tay Hiệp sĩ và trong cơn mê sảng ra lệnh thắng ngựa để Hiệp sĩ lên đường rồi lịm dần.

Hiệp sĩ thở dài và nhỏ lệ trên xác người bạn đồng hành, nghĩ ngợi về nhiệm vụ khó khăn mà chàng phải gánh vác. Quả tim nặng chĩu, đầu óc hoang mang vì chàng sắp phải xuất hiện ở một nơi toàn những kẻ thù nghịch và làm hỏng bữa tiệc của họ với những tin chẳng vui dập tắt nguồn hy vọng của họ. Tuy vậy trong thâm tâm, chàng cũng có ý tò mò muốn xem mắt nàng Quận chúa, người nổi tiếng có một sắc đẹp lộng lẫy nhất vùng nhưng hoàn toàn bị cấm cung. Hiệp sĩ vốn tính thích phiêu lưu cuồng nhiệt nên không từ chối một cuộc mạo hiểm nào.

Trước khi khởi hành, chàng xếp đặt việc tang lễ của bạn. Thi hài Bá tước được chôn trong nhà thờ Wurtzburg nơi có nhiều mộ các nhà quí tộc.

Bây giờ đến lúc chúng ta trở lại tòa lâu đài cổ nơi mà mọi người đang nóng lòng ngóng đợi chàng khách quý (và ngóng ăn tiệc nữa), trở lại với vị lãnh chúa đang ở trên tháp canh.

Đêm dần xuống nhưng vẫn không có bóng người nào xuất hiện. Lãnh chúa thất vọng rời khỏi tháp canh. Bàn tiệc đã bị dời đi hàng giờ không thể nào chậm trễ hơn nữa. Thịt nguội cứng, nhà bếp khổ sở và toàn gia coi giống như một đạo binh bị chết đói lâu ngày. Lãnh chúa bắt buộc phải ra lệnh bắt đầu bữa tiệc. Mọi người ngồi vào bàn và vừa đúng lúc họ sắp sửa bắt đầu thì một tiếng tù và hú vọng lên ngoài cổng báo hiệu sự xuất hiện của một người lạ mặt. Một tiếng còi dài khác âm vang cả lâu đài và tiếng sáo nổi lên đáp lại. Lãnh chúa vội vã bước ra đón chàng con rể tương lai.

Cầu treo hạ xuống và người lạ mặt đã sẵn sàng trước cổng. Chàng là một kỵ sĩ cao lớn và lịch sự cưỡi một con tuấn mã đen tuyền, khuôn mặt nhợt nhạt nhưng chàng có cặp mắt mơ mộng long lanh và một vẻ âu sầu buồn bã. Lãnh chúa hơi ngạc nhiên khi thấy chàng đơn thương độc mã đến một cách không kèn không trống. Ông tức tối nghĩ rằng như thế tức là người ta không kính trọng một dịp lễ quan trọng như vậy và coi thường gia tộc ông. Tuy vậy, ông cố gắng dằn xuống và cho là vì tuổi trẻ thiếu kiên nhẫn chàng đã nóng nẩy phóng ngựa đi trước đoàn tùy tùng.

"Thưa ngài" chàng nói: "Tôi rất tiếc đã xuất hiện không đúng lúc như vầy..."

Lãnh chúa vội vã ngắt lời, nồng nhiệt tiếp đón chàng vì xưa nay ông vẫn tự hào là người hết sức lịch thiệp và biết phép xã giao. Người lạ mặt một đôi lần cố gắng ngăn ông lại nhưng vô ích, nên chàng ngả đầu chào và để mặc Lãnh chúa tha hồ nói. Đến lúc ông ngừng nói thì cả hai tiến vào trong sảnh đường. Người lạ mặt mở miệng định nói thì một đoàn thị tỳ trong nhà kéo ra, dẫn đầu là cô dâu xinh đẹp thẹn thùng. Chàng nhìn nàng mê mẩn, như thể cả tâm hồn chàng bị mất hút khi thoạt trông thấy con người yêu kiều ấy. Một bà cô thì thầm với Quận chúa và nàng cố gắng mở lời, đôi mắt xanh lóng lánh vừa nhìn lên đã vội e lệ cúi xuống. Lời nói không thốt ra được nhưng nàng nở một nụ cười dịu dàng, đôi má hơi lúm đồng tiền cho biết cái liếc nhìn vừa qua đã không thất vọng. Khó có thể có một cô gái vào tuổi trăng tròn đã được chuẩn bị cho tình yêu và hôn nhân một cách chu đáo lại không hài lòng với một kỵ sĩ tuấn nhã như thế.

Người khách đến quá trễ nên không có thì giờ để nói chuyện. Lãnh chúa quả quyết đứng lên, đình chỉ mọi việc đến ngày mai và hướng dẫn mọi người đến bàn tiệc dọn ra trong đại sảnh đường của tòa lâu đài. Chung quanh tường treo các bức chân dung của những vị anh hùng trong dòng họ và những thành tích chiến thắng đoạt được. Những áo giáp, những ngọn lao, những đầu sư tử, những ngà voi nhe răng cười một cách dễ sợ trên tường và ngay trên đầu chàng rể là một cặp gạc nai to tướng.

Kỵ sĩ không để ý gì đến những người chung quanh hoặc văn nghệ giúp vui. Chàng cũng không đụng đến các món ăn, chỉ say mê chiêm ngưỡng cô dâu của chàng. Chàng nói rất nhẹ, không ai nghe thấy vì ngôn ngữ tình yêu đâu có bao giờ ồn ào, nhưng không có một cô gái nào cù lần đến nỗi không nghe những lời thì thầm của tình nhân đâu. Vẻ dịu dàng và nghiêm trọng trong dáng điệu của chàng có một mãnh lực trên người thiếu nữ. Nàng lắng tai nghe chăm chú và vẻ mặt biến chuyển theo câu chuyện. Đôi khi nàng thẹn thùng trả lời và những lúc mắt chàng nhìn đi nơi khác thì nàng sẽ lén nhìn vẻ mặt mơ mộng của chàng và thở một hơi nhẹ sung sướng. Rõ ràng là hai người trẻ tuổi đã hoàn toàn yêu nhau. Các bà cô đã từng nghiên cứu kỹ lưỡng về những bí ẩn của con tim tuyên bố là họ đã bị tiếng sét ái tình khi vừa mới gặp nhau.

Bữa tiệc tiếp tục một cách vui vẻ và rầm rĩ vì quý khách toàn là những người rừng và túi tiền không dồi dào mấy nên nhậu khỏe lắm. Lãnh chúa kể những chuyện hay nhất, dài nhất và chưa bao giờ ngài lại kể chuyện hay như thế. Các quý khách thi nhau nói đùa, có nhiều vị nói nhỏ vào tai các phu nhân làm các bà cười lên rúc rích và một hai người vui tính hát rống lên làm các bà cô phải lấy quạt che mặt lại.

Giữa cuộc vui chơi này vị khách lạ vẫn giữ một vẻ mặt nghiêm trang. Khuôn mặt chàng càng lúc càng buồn bã và những lời nói đùa của lãnh chúa chỉ làm cho chàng thêm âu sầu mà thôi. Đôi khi chàng đắm chìm trong suy tư và đôi mắt hoang mang chứng tỏ tâm hồn chàng không được yên ổn. Chàng nói chuyện với cô dâu càng lúc càng bí mật hơn. Những đám mây mù bắt đầu che phủ trên khuôn mặt bình thản của nàng và thân hình mảnh khảnh đôi lúc lại run lên.

Việc này không qua mắt các người dự tiệc. Họ như bị lây sự u ám của chàng rể. Người ta liếc nhau, thì thầm hỏi nhau. Người ta nhún vai. Người ta lắc đầu. Những bài hát, những tiếng cười im dần. Thỉnh thoảng có một sự vắng lặng dễ sợ. Tiếp theo người ta kể chuyện đường rừng hoặc chuyện ma quái. Toàn là những chuyện tăm tối, buồn thảm, ghê rợn và lãnh chúa đã làm cho các bà rú lên khi ông kể chuyện một con nhân mã ghê gớm đã bắt cóc nàng Leonora xinh đẹp, một câu chuyện kinh khủng đã được đặt thành thơ, và cả thế giới đều biết.

Chàng rể lắng tai nghe câu chuyện này với một vẻ chăm chú đặc biệt. Chàng nhìn lãnh chúa đăm đăm và khi câu chuyện gần hết thì chàng ta cao dần, cao dần đến lúc trước con mắt ngài lãnh chúa chàng trở thành người khổng lồ. Câu chuyện chấm dứt, chàng thở dài và đứng lên từ giã ra về. Mọi người đều ngạc nhiên còn lãnh chúa bị chết đứng.

"Sao? Ra về giữa đêm khuya? Mọi việc đã sẵn sàng để đón tiếp chàng, một căn phòng được dọn sẵn để chàng ngơi nghỉ".

Người lạ mặt lắc đầu một cách âu sầu và bí hiểm: "Thưa ngài, tối nay tôi phải gối đầu ở một cái phòng khác".

Có một cái gì kỳ cục trong câu trả lời này và giọng nói của chàng làm lãnh chúa phải ngờ vực, nhưng lòng hiếu khách khiến ông phải ân cần mời cầm khách thêm lần nữa.

Người lạ mặt lặng lẽ lắc đầu, cương quyết từ chối mọi lời mời mọc và khoát tay từ giã mọi người, chàng lạnh lùng tiến ra ngoài. Các bà cô như bị hóa đá còn cô dâu gục đầu, ngấn nước mắt đọng trên mi.

Lãnh chúa đưa chàng ra đến sân nơi đó con tuấn mã đang đứng dậm chân và thở phì phò vì nóng nẩy. Khi họ tới cánh cửa, trong ánh sáng tờ mờ của bó đuốc, người lạ dừng lại và ngỏ lời với lãnh chúa bằng một giọng lạnh lẽo âm thầm như thể mái nhà cong là một nấm mồ.

"Bây giờ chỉ có hai ta thôi, tôi xin tiết lộ cho ngài biết lý do tại sao tôi phải ra đi. Tôi có một công chuyện quan trọng và không rời bỏ được".

"Sao? Ngài không thể cử người nào đại diện được sao?"

"Công chuyện này quan trọng không ai thay thế được. Tôi phải tự tôi có mặt. Tôi phải đi đến thánh đường ở Wurtzburg".

"À đúng rồi" Lãnh chúa hân hoan "Nhưng mà ngày mai kia mà. Ngày mai ngài sẽ đưa cô dâu đến đó..."

"Không! Không!" Người lạ trả lời, cực kỳ nghiêm trọng" "Tôi không có hẹn với cô dâu. Rồi họ đang chờ đợi tôi. Tôi đã chết rồi... Tôi đã bị bọn cướp đâm chết... Thân xác tôi nằm ở Wurtzburg. Nửa đêm nay thì họ đem chôn... nấm mồ đang chờ đợi tôi... Tôi phải đúng hẹn..."

Chàng phi thân lên con ngựa đen và trong một loáng mất hút ra khỏi chiếc cầu treo, tiếng vó ngựa hòa lẫn trong tiếng thở về đêm.

Lãnh chúa tức tốc trở vào nhà thuật lại chuyện gì đã xảy ra. Hai vị phu nhân xỉu ngay tại chỗ, các người khác muốn ngất luôn vì vừa mới dự tiệc với một con quỷ. Nhiều người cho chắc đây là bóng ma của chàng thợ săn chết mấy năm trước đây thường hiện về quấy phá trong vùng. Có một người thắc mắc nghi ngờ có thể đây là mưu mẹo gì của chàng trẻ tuổi nhất là vẻ u ám cùng với sự âu sầu của chàng. Nhưng đề nghị này làm cho tất cả mọi người tức giận và Lãnh chúa nhìn anh ta như một kẻ bất trung khiến anh ta vội vàng rút lời ngay lập tức.

Nhưng nghi ngờ hay không thì sáng hôm sau, người ta cũng nhận được tin từ thị trấn cho biết chàng bá tước trẻ tuổi đã bị cướp sát hại và lễ tống táng đã cử hành ở thánh đường Wurtzburg hôm qua.

Tòa lâu đài trở nên hết sức buồn thảm. Lãnh chúa giam mình trong phòng không nói chuyện với một ai. Các quí khách đã đến chung vui với chủ nhân không thể nào rời bỏ ông khi hoạn nạn. Họ thơ thẩn trong nhà, túm năm tụm ba bàn tán, lắc đầu và nhún vai, tội nghiệp vị Lãnh chúa tử tế gặp phải chuyện đau buồn như vậy và ngồi lâu hơn, ăn và uống nhiều hơn để khuây khỏa. Nhưng hoàn cảnh của cô dâu góa mới đáng thương hơn. Mất tình lang trước khi nàng được nắm tay chàng. Ôi mất một người như vậy! Nếu con quỷ mà đã lịch sự duyên dáng và quý phái như thế thì người thật còn đẹp đến đâu! Tối ngày nàng chỉ biết than khóc mà thôi.

Qua đêm thứ hai, nàng rút lui về phòng riêng, đi theo là một bà cô nài nỉ được ngủ chung với cháu. Bà cô này là người kể chuyện ma hay nhất thế giới và khi bà đang kể một chuyện nửa chừng thì bà ngủ thiếp đi. Phòng Quận chúa ở thật xa trong lâu đài, nhìn ra một cái vườn nhỏ. Cô cháu nằm suy nghĩ đăm chiêu nhìn ánh trăng xanh nhạt run rẩy xuất hiện qua các kẽ lá một cây to tướng. Chuông đổ mười hai giờ. Bỗng người ta nghe tiếng nhạc êm dịu vẳng lên trong vườn. Quận chúa ngồi nhỏm dậy và nhẹ nhàng bước ra cửa sổ. Một bóng người cao lớn đứng giữa bóng cây và khi nó ngẩng đầu lên, ánh trăng chiếu ngay mặt thì trời ơi! Nàng trông thấy chàng rể quái đản! Một tiếng hét ngay bên tai nàng. Bà cô già, nghe tiếng nhạc cũng đã thức dậy và âm thầm theo dõi nhưng ra đến cửa sổ, ngất xỉu trong tay nàng. Khi nàng nhìn lại thì bóng ma đã biến mất.

Giữa hai người, bây giờ chính bà cô mới cần được an ủi vì bà gần như quá sợ phát điên lên. Còn về phần thiếu nữ, có cái gì thân ái trong bóng ma của tình nhân. Chàng vẫn có vẻ hào hùng và trong dáng điệu chàng, dù đó chỉ là một cái bóng, vẫn có cái gì an ủi. Bà cô tuyên bố bà sẽ không bao giờ ngủ trong căn phòng ma ám đó nữa ; còn cô cháu cũng tuyên bố một cách quả quyết là nàng không chịu ngủ ở một phòng nào khác: kết quả là nàng sẽ phải ngủ một mình, nhưng nàng bắt bà cô già hứa là sẽ không hé môi rằng nàng sẽ được hưởng hạnh phút cuối cùng duy nhất của cuộc đời nàng, là được ở trong một căn phòng hằng đêm có bóng ma của tình nhân canh gác.

Thật khó bắt bà cô giữ bí mật được lâu vì bà là người thích kể chuyện ma hết sức và là người đầu tiên kể một câu chuyện ghê rợn như vậy thì khoái biết bao ; nhưng bà cố gắng ngậm miệng được một tuần. Rồi một buổi sáng khi mọi người đang dùng điểm tâm thì đứa tớ gái hốt hoảng chạy lên báo tin Quận chúa bị mất tích. Phòng nàng trống không, nệm giường phẳng và cửa sổ phòng bị mở toang.

Tất cả mọi người đều im lặng vì quá kinh hoàng còn bà cô vung tay hét lên: "Con quỷ! Con quỷ! Con quỷ đã bắt nàng đi rồi!"

Bà kể lại thật nhanh cảnh tượng khủng khiếp đêm hôm ấy và kết luận là bóng ma đã đến đòi vợ nó. Hai tên tớ hầu cũng phụ họa nói rằng chúng nghe có tiếng vó ngựa phóng từ đỉnh núi xuống đêm hôm qua, chắc hẳn bóng ma đã mang nàng về nấm mộ của nó. Toàn thể mọi người có mặt đều không nói được tiếng nào, vì những chuyện như vậy thường xảy ra ở nước Đức và nhiều người đã được thấy tận mắt.

Tình cảnh lãnh chúa mới thực là khó xử. Đã bị đau lòng về nỗi mất con ông lại còn lo sợ rồi đây thằng rể quý sẽ đem về một lũ cháu ngoại yêu quái. Ông hết sức đau khổ và hoang mang, còn tòa lâu đài náo loạn hẳn lên. Bọn tớ trai thắng ngựa chạy khắp nơi tìm kiếm. Lãnh chúa cũng vừa mặc giáp đeo gươm sắp sửa lên ngựa để tìm con thì một bóng người xuất hiện. Một vị phu nhân đang cưỡi ngựa, kề bên là một kỵ sĩ tiến về phía lâu đài. Nàng giục ngựa phóng qua cổng và nhảy xuống ngựa phủ phục dưới chân lãnh chúa. Ồ kinh ngạc thay, đó là đứa con gái yêu quý của ông, và người bạn nàng... kìa chính là chàng rể quý. Lãnh chúa kinh hoàng. Ông nhìn con, rồi nhìn rể, không biết mình đang mê hay tỉnh. Chàng rể quý từ ngày đi thăm thế giới của loài ma đã thay đổi khác. Y phục chàng lộng lẫy để lộ một thân hình quý phái và cân xứng. Chàng không còn xanh xao và âu sầu nữa, khuôn mặt thanh tú rạng rỡ vẻ yêu đời của tuổi trẻ và đôi mắt đen long lanh nỗi vui mừng.

Bí mật được sáng tỏ. Kỵ sĩ (chắc các em đã biết rồi, chàng đâu có phải là quỷ) chính là Hiệp sĩ Starkenfaust. Chàng kể lại cuộc phiêu lưu với người bạn Bá tước trẻ tuổi. Chàng đã tức tốc chạy đến tòa lâu đài để báo tin buồn nhưng tài hùng biện của lãnh chúa đã dập tắt mọi lời ngỏ đầu của chàng. Đến lúc thấy người đẹp thì chàng đã bị quyến rũ hoàn toàn và vì muốn ở gần nàng một đôi giờ, chàng âm thầm ngậm miệng cứ để mọi người hiểu lầm. Giữa lúc chàng đang bối rối tìm một lối thoát thì câu chuyện nhân mã của lãnh chúa đã mở đường cho chàng. Nhưng còn sợ mối thù của hai gia đình sẽ làm ngăn cản nhân duyên của chàng, Hiệp sĩ phải làm bóng ma ngày đêm ám ảnh để chinh phục và bắt cóc nàng đem đi. Nói tóm lại, chàng đã cử hành hôn lễ với người đẹp.

Ở trong hoàn cảnh khác lãnh chúa đã cứng rắn vì ngài cương quyết sử dụng quyền làm cha và cứng đầu duy trì các mối thù hận ; nhưng vì ngài quá yêu con gái và đã tưởng mất nàng, ngài vui mừng được thấy nàng còn sống trở về và mặc dù ông con rể ở trong một gia đình thù nghịch, tạ ơn Thượng đế, ông ta không phải là quỷ. Dù sao thực ra ngài cũng không thích lắm khi chàng rể dám giỡn mặt, nói dối chàng ta đã chết, nhưng vài ông bạn già an ủi rằng cũng nên tha thứ âm mưu đó vì tình yêu của tuổi trẻ.

Do đó mọi việc được diễn ra một cách tốt đẹp. Lãnh chúa tha lỗi cho đôi vợ chồng ngay tại chỗ, mọi người tập họp lại trong sảnh đường. Các vị họ hàng nghèo khó thân ái chào đón nhân vật mới trong gia đình chàng thực là lịch sự, hào hiệp và giàu có nữa chứ. Các bà cô bị người ta đồn rầm lên là đường lối giáo dục cấm cung và thuần phục xem ra không có kết quả tốt, đổ thừa tại các bà đã sơ hở không đóng chặt cửa sổ ngày đêm. Một bà tức mình vì câu chuyện hay của bà hóa dở và con quỷ độc nhất bà trông thấy biến ra một thiên thần, nhưng cô cháu gái hoàn toàn hạnh phúc có một người chồng bằng xương bằng thịt nên câu chuyện chấm dứt ở đây.


QUẾ TIỆP THƯ             
Phỏng dịch THE SPECTRE BRIDEGROOM
Washigton Irving's             

(Trích từ bán nguyệt san Ngàn Thông số 1, 23. ra ngày 5-5, 20-5 và 5-6-1971)

Thứ Hai, 29 tháng 10, 2018

Phát Giác Bất Ngờ


Lâu quá, không có dịp trò chuyện cùng các bạn, tôi cảm thấy nhơ nhớ thế nào ấy. Moi óc hoài vẫn không thấy nảy ra một câu chuyện gì làm quà sau chuyến đi xa. Tục ngữ ta có câu: "đi xa về nhà nói khoác" nhưng tôi không thích nói khoác. Mình là người trong gia đình Thiếu Nhi, nói khoác nó làm giảm uy tín đoàn thể chúng ta đi. Mà không có chuyện gì nói với nhau thì cũng buồn buồn trong bụng (nói văn chương thì là "bồi hồi tấc dạ" đó nghe quí bạn!)

Thế rồi, đêm qua nhân trăng sáng, chị em tôi bắt ghế ra vườn (cái vườn to hơn chiếc khăn tay một chút chứ không lớn lao chi, nhưng cũng là cái vườn) tán dóc chơi, trong lúc đó, mẹ tôi ngồi trên võng cạnh chúng tôi cứ chốc chốc lại nhắc:

- Nói chuyện hoài, đi đánh răng cho xong đi, kẻo lát nữa lại quên.

Chúng tôi đang vui chuyện nên cứ hẹn lần làm mẹ cáu, mẹ la. Mà mẹ la thì eo ôi, ngán lắm! Tôi cũng tức mình quá: dù gì mình cũng lơn lớn rồi mà tối nào cũng bị nhắc chuyện "đánh răng đi" y như lũ nhỏ lên 10 và chưa kịp thì bị la mắng nhức cả tai. Nào là ăn ở không đúng phép vệ sinh này nọ, nào là lười không đánh răng ngay mỗi tối trước khi đi ngủ thì sẽ bị hư răng, vi trùng làm tổ trong miệng v.v...

Bỗng, trong lúc tức tối đó, tôi sực nhớ ra một người... một người đã lớn mà mà còn ăn ở thua xa chúng tôi. Tôi vùng vằng vùng vằng thầm thôi, chứ vùng vằng ra mặt thì... nguy lắm nghĩ: "Sao mẹ không giỏi la người đó đi coi? Mẹ chỉ bắt ne, bắt nét tụi con thôi. Con nít có thể được đối xử rộng lượng đôi chút chớ..." Tai hại ở chỗ: tôi nghĩ thành tiếng chứ không nghĩ thầm. Mẹ tôi trừng mắt lên:

- Con bảo ai? Mẹ mà sợ đứa nào không dám la rầy khi nó ở dơ?

- Cậu Kh.! Cậu còn ở dơ hơn tụi con nhiều, mà sao mẹ không la coi?

Cậu ở dơ hồi nào? Sao con biết?

- Trời ơi, sao con không biết... Cậu không bao giờ đánh răng buổi tối trước khi đi ngủ, con cho mẹ hay.

(Xin phép bạn, cho tôi mở cái dấu ngoặc giải thích rõ ràng: cậu đây không phải là em ruột mẹ tôi, nhưng cậu là bạn thân của cậu tôi, vì vậy mẹ tôi cũng coi cậu như em bà). Tôi còn nhớ lần đầu cậu gọi điện thoại đến nhà tôi, xưng cậu, kêu chị tôi bằng con rất ngon lành. Chị tôi kể chuyện này cho cả bọn nghe, tụi tôi đều bất bình ra mặt: cái gì? Cái gã thanh niên mặt non choẹt, thấp thua anh Vũ có tới hơn một trăm mi li mét mà dám kêu tụi tôi bằng con, xưng cậu hả? Giỡn hoài! Tụi tôi cũng là hạng chì chớ đâu phải chơi?

Tụi tôi bèn ngầm hẹn nhau, hễ gã ta tới nhà, tụi tôi sẽ hạ nhục chơi, đừng có chòi mòi làm người lớn với tụi này. Chúng tôi còn đang xì xào bàn kế hoạch coi hạ nhục thế nào cho êm thấm thì mẹ tôi đi chợ vừa về.

Mẹ tôi có tính đa nghi, hễ thấy thần dân trong cái quốc gia nhỏ bé da bà cai trị mà tụ họp, trò chuyện là bà để ý liền ý chừng bà sợ tụi tôi âm mưu đảo chánh hay yêu sách chi đây vì vậy bà gạn hỏi hoài, tụi này thì không quen nói dối nên bà biết nguyên do cuộc tụ họp ngay sau khi cởi áo dài. Bà nghiêm mặt nói:

- Tụi con không nên có ý nghĩ đó. Cậu ấy là bạn thân của cậu con, thì các con có bổn phận phải coi như cậu chứ, sao lại...

Nhiều tiếng nhao nhao phản đối:

- Đâu được! Cậu tụi con phải đàng hoàng kia. Cậu gì...

Mẹ tôi gạt ra:

- Đừng có coi mặt mà bắt hình dung. Sao tụi con biết cậu không đàng hoàng? Cậu làm gì không đàng hoàng?

Tụi này bí. Ờ, suy cho cùng thì cậu ấy đã làm gì mà chúng tôi chê không đàng hoàng? chưa có gì hết. Anh Vũ cười đến khục một cái, gân cổ lên:

- Cậu gì trẻ măng, nhỏ xíu.

- Lầm rồi, coi vậy chớ nó hơn ba mươi rồi, con ơi!

- Cậu gì lùn tịt, thua anh Vũ cả tấc...

Minh chen vô bênh vực ý kiến đồng bọn. Mẹ tôi im lặng. À, có vậy chớ. Tụi tôi tuy nhỏ nhưng đến năm đứa, mẹ lớn nhưng một mình. Mãnh hổ nan địch quần hồ, huống chi mẹ tôi đâu phải là mãnh hổ! Đột nhiên, mẹ tôi cười khúc khích. Cái gì vậy? Xưa nay chưa có ai thua trận mà vui bao giờ. Mẹ tôi điềm đạm:

- Tụi con thấy trâu bò nó to lớn ghê, phải không?

- Dạ, con bò thiệt to, con thấy rồi.

Bé út khờ khạo vào tròng quá dễ dàng. Tụi to đầu thì hơi đắn đo chút đỉnh, không vội trả lời câu hỏi. Mẹ đủng đỉnh tiếp:

- Đó, con thấy rồi đó, trâu bò to lớn biết bao nhiêu, mà người ta cứ quất vào mông nó đều đều...

Anh Vũ há miệng ra, nghếch mắt lên chưa hiểu gì hết. Mẹ lại cười:

- Vậy thì, lớn xác chưa hẳn là điều kiện tiên quyết để làm người lớn, hiểu chưa? 

Xấu hổ ghê! Tụi tôi đánh trống lảng:

- Ổng làm nghề gì, hả mẹ?

- Đồng nghiệp của cậu mày đó, nói cho tụi con hay, đừng có khinh thường.


Trời đất ơi! NHÀ GIÁO? Cái ông lùn thua anh Vũ cả tấc, trẻ măng, non choẹt đó mà là nhà giáo? Mà nhà giáo Trung học nữa mới chết người ta chưa? Dám có ngày ông ấy dạy tôi đó nghe! Chết chửa! Thật là đứng trước mặt trời mà không biết chói mắt là gì. Bậy quá sức!

Bắt đầu từ phút đó, tụi tôi hơi gờm gờm con người mà chúng tôi sẽ phải gọi cậu rất là... lễ phép. Mà tụi tôi cứ thắc mắc không hiểu sao cậu tôi, người cao lớn như vậy mà lại kết bạn với một gã trẻ măng như vậy, để làm khổ tụi tôi. Tiếc rằng cậu tôi đổi ra tận ngoài Huế, không làm sao gạn hỏi cho rõ nguyên do.

Thế rồi một bữa kia, cậu Kh. đến. Trông dáng bộ đã thấy... làm sao ấy, chả đứa nào muốn gọi cậu hết, nhưng ngoài cái bộ dạng nhỏ bé, cậu còn mang theo hai quả bưởi to cực đại, một gói giấy kín mít cũng to không kém và nụ cười rất tươi. Cậu bảo chúng tôi:

- Mở cửa cho cậu, lẹ lên! Mẹ đâu?

Bảnh quá ta! Lên giọng quá ta! Tụi tôi cự thầm trong bụng. Cậu điềm nhiên tiếp, không đợi trả lời:

- Tụi con lớn dữ hả! Nè, cậu có đem chuối khô, bưởi vô cho tụi con đó, sướng không? Ưng không? Mẹ đâu?

Cứ sau mỗi câu lại kèm theo hai tiếng "Mẹ đâu?" làm sao ta có thể gây chiến với một kẻ hiếu hòa như thế chớ? Đó, buổi gặp mặt đầu tiên diễn ra như vậy đó và chúng tôi mặc nhiên chấp nhận ông cậu hờ một cách khá vui vẻ, ồn ào.

Hè rồi, trong chuyến đi Đà Lạt, chúng tôi lại gặp cậu. Một bữa, cậu đến nhà trọ chúng tôi vào sáng sớm nói sớm chớ cũng 8 giờ Mẹ tôi vừa đi mua xôi về cho tụi tôi ăn. Mẹ mời cậu nhưng trái với thói quen: hễ gặp mẹ mời gì là cậu ăn ngay, lần này cậu từ chối thẳng thừng:

- Em ăn rồi, thưa chị. Chị với các cháu cứ tự nhiên. Em đến sớm để chở con Hà lên quán cháo vịt đó, chớ sai hẹn, nó lại coi thường ông cậu nhỏ bé thì mệt lắm.

Thế là chúng tôi ăn, cậu ra ban công hút thuốc lá. Rồi cậu chở tôi đi. Tôi ngạc nhiên thấy cậu không chở đến chỗ bán cháo vịt ngay mà chở đến nhà cô T., em họ cậu. Cậu vào đó bảo cô T. bằng giọng kẻ cả y như lần đầu gọi điện thoại cho tụi tôi:

- Này, T., mày giặt ủi mấy bộ quần áo cho anh chưa? Lẹ lên chớ! Anh hết áo quần rồi đó nghe.

- Thôi đi! Cô T. nói Anh cứ đi chơi, diện vô cho cố rồi bắt em giặt ủi hoài. Trời thì mưa dầm.

- Hay! Cái con này, chớ mày là cái gì của tao? Nói coi! Em út gì mà sai... quên, mà nhờ một chút đã la lên như thể là... Con gái mà làm biếng quá đi!

Nói xong, cậu quay sang tôi, cười:

- Con đợi cậu chút nghe! Con!

Không cần tôi trả lời, có vui vẻ hay nhăn nhó đợi, cậu xăm xăm đi vào trong. Tôi đợi đến sốt ruột mới thấy cậu ra. Lần này cậu có vẻ tươi tỉnh hơn và giục tôi lên xe liền. Ngồi sau lưng cậu, tôi hỏi:

- Cậu làm gì nhà trong lâu vậy, cậu?

- À, cậu... đánh răng đó, con à! Phải đánh răng rồi mới ăn cháo vịt chớ.

- Ủa, chớ sáng nay cậu chưa ăn gì hết sao?

- Đâu đã ăn!

- Ủa, vậy sao hồi nãy mẹ mời cậu ăn xôi cậu lại nói dối là ăn rồi?

Lần này cậu "à" to hơn và giải thích:

- Thì còn tại sao nữa: tại cậu chưa đánh răng chớ sao. Chưa đánh răng làm sao ăn. Phải sạch sẽ chớ!

- Hồi hôm cậu quên đánh răng hả?

- Đâu có quên! Sáng mới đánh răng rửa mặt chớ, mà sáng nay lật đật tới...

Thật là cái vòng lẩn quẩn. Nhưng tôi chú ý ở điểm cậu không đánh răng mỗi tối. Như vậy cậu có sạch sẽ thật không? Tôi muốn tiểu di qua loa về sự giữ gìn vệ sinh bộ răng, nhưng lại sợ là vô lễ với cậu, nên thôi. Định bụng sẽ về cho mẹ hay chuyện này một khía cạnh không đàng hoàng của cậu Kh. nhưng sau đó, cháo vịt quá ngon, thịt vịt quá mềm, rồi thì khi về lại mải lo tính toán chuyện đi chơi thác, hôm sau lại bận nghĩ đến chụp hình... rốt cuộc về Sài gòn, tôi quên luôn.

Bây giờ đây, mẹ làm tôi nhớ lại, và tôi kể lại đầu đuôi cho hết cả mọi người nghe. Thành thật mà nói, tôi chỉ muốn nói riêng cho mẹ biết thôi, nhưng tại mẹ làm tôi nổi nóng lên bằng câu này:

- Sao con biết cậu Kh. không vệ sinh? Con cứ có cái tài nói ẩu là nhất...

Đó, tại mẹ phải không, các bạn! Lũ em tôi sau khi nghe hết đầu đuôi liền cười đắc ý:

- Đó, mẹ thấy không! Tụi con đàng hoàng không?

Chị Thu thách mẹ:

- Sao mẹ không la cậu Kh. đi coi! Mẹ dám la không?

- Tao sợ gì! Tao sẽ viết thư cho cậu ấy, bảo nên săn sóc bộ răng. Thật tao không ngờ đó nghe.

Rồi thình lình mẹ tôi quay sang tôi, hỏi:

- Mà con có chắc cậu Kh. không...

- Trời ơi! Con hỏi cậu, cậu trả lời rõ ràng mà!

Sau câu chuyện, chúng tôi bàn nhau coi có nên cất chức cậu đi chăng, bởi vì theo chúng tôi nghĩ cậu như vậy là không được đàng hoàng mấy, phải không các bạn? Nhưng khổ nỗi: số thăm chống đối quá ít, không phải vì lũ này có thể thông cảm dễ dàng chuyện ăn ở kém vệ sinh mà vì đã quen miệng kêu cậu mất rồi.

Và với kinh nghiệm trên, chúng ta có thể đi đến kết luận rằng: đừng tưởng tất cả người lớn đều hoàn toàn mọi mặt. Đó là một khía cạnh để giới trẻ chúng ta hãnh diện, có phải không quí bạn!

Thôi, thế cũng là có một câu chuyện để làm quà cho các bạn rồi đó, nghe! Các bạn có vui không? Cũng xin các bạn đừng nghi oan là tôi có ý bêu xấu người vắng mặt. Đây là một sự thật mà vô tình tôi tiết lộ đấy thôi.


MINH QUÂN     

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 110, ra ngày 5-10-1973)


Chủ Nhật, 28 tháng 10, 2018

Em Vẫn Là Con Chim Se Sẻ



















Hãy đến khẽ như ngày lên con nắng
Tóc xõa dài như con suối mùa xuân
Tay hờ trên nón lá thoáng ngại ngùng
(Ta thấy lạ cả một vùng mộng tưởng)

Tuổi mười lăm cuộc đời như hoa bướm
Vẽ trong tay một giấc mộng thiên đường
Có nghe gì trong tuổi của yêu thương
Hồn rất đẹp như màu xanh của lá

Hãy cười duyên em đừng làm mặt lạ
Để ta về xem lại kẽ đường tay
Rót vào tim từng giọt nhớ cho đầy
Tiễn sách vở vào quan tài đổ nát

Hãy cho ta qua nhà nghe em hát
Thấy ấm lòng cùng thấy dạng tin yêu
Thấy tơ vương đã kết tụ thật nhiều
Trong khóe mắt trong môi cười tuổi ngọc

Hãy cho ta sáng nào em đi học
Thật hồn nhiên như guốc khẽ gõ vang
Nghe lá cây rơi rụng dấu hoe vàng
Để mơ ước còn thật nhiều mộng ước

Áo trắng mới lụa còn nhung rất mượt
Đừng làm nhăn cho ta thấy rã rời
Hãy chạy ùa khi kiểng đánh ra chơi...
Bởi tất cả làm ta tin (dù vụng dại)

Em vẫn còn là se sẻ sớm mai
Hót rất sáng, lòng chưa dài cánh mỏi.

                                           BÙI HỮU MIÊN
                                               (Hoàng Thị)

(Trích từ bán nguyệt san Ngàn Thông số 35, ra ngày 7-10-1972)

Thứ Bảy, 27 tháng 10, 2018

Chỉ Trăm Bước Nữa Là Thành Công


Hồi đó tôi hai mươi lăm tuổi, thất nghiệp và đói. Đã nhiều lần tôi ở trong tình cảnh như vậy, tại Constantinople, tại Paris, tại Rome. Nhưng tại New York mà ngay cái không khí người ta thở cũng có cái vị hạnh vận, thành công, mà thất nghiệp thì thật là tủi nhục quá.

Tôi hoàn toàn không biết xoay sở ra sao, điều đó chẳng có gì lạ. Tôi muốn kiếm ăn bằng ngòi bút nhưng không viết được tiếng Anh. Thành thử suốt ngày tôi lang thang ngoài phố, không phải vì thích thể tháo đâu mà để bà chủ nhà khỏi bận mắt.

Một hôm, trên con đường 42, tôi đụng đầu với một người to lớn tóc hung hung. Tôi nhận ra liền: Féodor Chaliapine, kép hát Nga nổi tiếng. Hồi thiếu niên, tôi đã nhiều lần đứng nối đuôi mua giấy hạng bét để nghe ông ta hát ở rạp Đế quốc Hí viện Moscou. Hồi làm báo ở Paris, tôi có lần lại phỏng vấn ông ta. Tôi tưởng ông ta không nhận ra được, không ngờ nhận ra được. Ông ta hỏi tôi:

- Bận lắm không?

Tôi đáp nhi nhí một câu mơ hồ. Có lẽ ông ta đoán được tình cảnh của tôi.

- Theo tôi về khách sạn tôi trọ ở đường Broadway và đường 103 nhé? Chúng mình cùng đi bộ.

Lúc đó đã giữa trưa và tôi đã đi lang thang năm giờ rồi.

- Nhưng, ông Chaliapine ạ, từ đây tới đó năm sáu cây số lận.

Ông ta ngắt lời tôi:

- Điên nào. Chưa đầy trăm thước.

Tôi ngạc nhiên nhìn hỏi:

- Trăm thước?

- Thì vậy chứ sao! Tôi không nói là tới khách sạn, dĩ nhiên. Là tới gian bắn ở đại lộ 6 ấy.

Tôi chẳng hiểu gì cả. Nhưng cũng đi theo. Một lát chúng tôi tới trước gian hàng đó, đứng ngó hai chú lính thủy bắn vào một cái bia, đều đều, không biết bao nhiêu lần. Rồi chúng tôi lại tiếp tục đi.

Lần này ông nhanh nhẩu bảo:

- Chỉ còn tám trăm thước là tới vườn thú của công viên trung ương. Ở đó có một con tinh tinh (gorille) giống một kép hát có giọng cao mà tôi quen.

Chúng tôi lại thăm con tinh tinh. Cách đó một ngàn hai trăm thước, về tới đường Broadway, chúng tôi ngừng trước một tiệm tạp hóa. Trước cửa tiệm có bày một thùng dưa leo, Chaliapine trố mắt ra ngó dưa leo một lúc: bác sĩ cấm ông ta ăn dưa leo.

- Chà, coi ngon quá. Trông thấy mà nhớ tuổi trẻ của tôi.

Còn tôi, tôi tự hỏi sao chưa ngất ngư chứ, mà lại thấy khỏe mạnh hơn bao giờ nữa. Chúng tôi ngừng một lần cuối cùng nữa ở đường 90 để ngắm những hàng trái cây tại một chợ, trước một trạm xe điện mới sơn lại, góc đường 96, và sau cùng nó tới khách sạn. Chaliapine cười, bảo tôi:

- Đường đâu có xa, phải không? Bây giờ tụi mình đi ăn.

Sau một bữa thịnh soạn, ông mới cho tôi hiểu tại sao bắt tôi đi bộ 6 cây số đó. Giọng ông nghiêm trang:

- Thầy sẽ không bao giờ quên lần đi bộ hôm nay đâu. Tôi đã cho thầy một bài học nhỏ đấy. Đừng bao giờ lo lắng, buồn rầu vì đích còn ở xa. Chỉ nghĩ tới cái gì đó ở cách ta một trăm thước thôi. Đừng lo ngại về một tương lai bấp bênh. Chỉ nghĩ tới những cái vui ngày hôm sau thôi, dù nó tầm thường tới mức nào đi nữa.

Nhiều năm đã trôi qua. Ông Chaliapine đã qui tiên mà hầu hết những điểm làm mục tiêu trong lần đi bộ không sao quên được đó, hiện nay cũng không còn, cảnh vật đã biến thiên. Nhưng trong bao nhiêu năm đó, triết lý thực tế của ông đã giúp tôi được nhiều.

Nó đã giúp tôi khi tôi quyết định học tiếng Anh.

Không khi nào tôi tự hỏi: "phải học bao năm nữa mới viết được thứ tiếng đó". Trái lại, tôi tự nhủ: "Hôm nay tờ Times có hai mươi tám tiếng mình chưa biết. Ngày mai sẽ còn không tới hai mươi tiếng."

Triết lý đó cũng giúp tôi giữ vững được tinh thần khi vì một sự lầm lỡ của các người hùn vốn, tôi buộc phải trả cho chủ nợ nửa số tiền mà tôi hi vọng kiếm được trong bốn năm sau. Nếu trong 208 tuần lễ đó, tôi cứ nghĩ bụng hoài rằng phải sống cực khổ thì chắc chắn tôi đã nản chí mà không kiếm được một đồng nào cả. Nhưng tôi chỉ tự nhủ: "Thứ hai, thứ tư và thứ sáu, mình sẽ làm cho mình". (1) Nghĩ vậy thì mọi sự thay đổi hết. Tôi trả được hết nợ mà kiếm được đủ sống, không đến nỗi thiếu thốn.

Qui tắc trăm bước của Chaliapine đó là một hoàng kim qui tắc. Ai cũng có thể theo mà thấy có lợi. Có thể rằng cái đích ta nhắm còn xa thăm thẳm đấy, nhưng không đầy trăm bước là "tới đại lộ 6". Như vậy cứ từng chặng từng chặng một, chúng ta chẳng những sẽ tới đích, mà trên đường còn được hưởng nhiều cái vui nữa.


Frederick Van Ryn            
(trong Ý Cao Tình Đẹp)        
NGUYỄN HIẾN LÊ (tuyển dịch) 
___________ 
(1) Nghĩa là còn ba ngày kia, làm để trả nợ.

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 110, ra ngày 7-10-1973)

Thứ Sáu, 26 tháng 10, 2018

Tiếng Hú Trên Đỉnh Non Chà Hóc_CHƯƠNG MƯỜI MỘT





CHƯƠNG MƯỜI MỘT


Ông Bu Then gượng ngồi dậy, chống tay vào khung cửa liếp, ngóng nhìn về phía cổng buôn. Từ chiều đến giờ ông vẫn ngóng trông như thế mà vẫn không thấy Xiu Bân trở về cùng với Kha Li.

Khi trời đã tối mịt rồi, ông chúa làng vẫn giương hai con mắt yếu đuối soi tìm trong bóng đêm dày hình ảnh hai người mà ông đặt nhiều hy vọng để đối phó với Sa Keo. Tuy đau yếu, sức khỏe mỏi mòn, ông không muốn nằm nghỉ ngơi. Đời sống của buôn ám ảnh hết tâm hồn ông và ông chúa làng xưa nay không thể tìm thấy niềm vui nào khác ngoài niềm vui của dân làng.

Đến khi trời tối đã lâu, vẫn không thấy Xiu Bân và Kha Li về, ông chúa làng rất thất vọng. Ông không ăn được cơm tối, ra ngồi ngoài hè, chong mắt đợi chờ.

Nhưng trong bóng đen dày đặc, hình thù của lão Sa Keo hiện ra. Một thoáng, ông chúa làng thấy nỗi buồn thắt nghẹn lấy cổ họng mình.

Sa Keo thất thểu đi vào, có vẻ mệt nhọc, hai cánh tay dài loeo ngoeo lắc lư theo nhịp chân đi chệnh choạng.

Đến giữa sân buôn, lão dừng bước lại, kêu lớn:

- Đốt lửa lên đi!

Nghe tiếng của lão khàn khàn vang lên, đây đó người ta đã vội lục tục kéo đến. Ông già Kiu, ông Ti Meo, anh Díp, chị Đát, mang củi lửa đến, rồi lần lượt dân làng kéo đến vây quanh đống lửa. Ông Bu Then ngồi vén ở trên sàn nhà tưởng như dân làng đã quên mình, rồi Sa Keo đã chiếm cái quyền hành áy bởi vì quyền hành của lão đã được ma quỉ giúp sức. Những người xưa nay tỏ vẻ sợ hãi Sa keo và được Sa Keo tin cẩn, ngồi lại gần lão như muốn tìm kiếm một sự chở che. Lão hỏi:

- Có gì để ăn đấy không? Để uống đấy không?

Ông Hơ Râm nói ân cần:

- Có đây, xôi nếp và thịt, được không?

Sa Keo gật gù:

- Đem đây, phải có rượu cần nữa đó.

Ông Hơ Râm lại khép nép:

- Có rượu đấy mà. Anh Y Nhông đâu, vào lấy đem ra giúp tôi chút nào.

Hai người lọ thọ đi về một phía nhà sàn. Sa Keo nhìn quanh mọi người rồi mới ngồi bên đống lửa. Lão nói:

- Cả ngày hôm nay thực là mệt nhọc. Đem được ba con trâu trắng đến cho quỉ dữ thật là hết sức khó khăn. Dân làng không biết, chẳng dễ gì mà làm được cái việc Sa Keo đã làm. Hãy bảo cái ông Bu Then làm thử xem nào!

Lão quay nhìn quanh, có ý kiếm tìm. Ông Bu Then ngồi ở nơi sàn nhà, nghe Sa Keo nói, không thèm cử động.

Lão phù thủy kêu to lên:

- Bớ ông Bu Then!

- Có ta.

Ông Bu Then đáp, rồi lần xuống cái thang gỗ, mệt nhọc đi ra sân buôn. Sa Keo nói như tiếng  gằn:

- Dân làng họp lại mà ông chúa làng không ra, là vì cớ gì? Cả ngày hôm nay Sa Keo phải đi mệt nhọc, vì ai? Còn ông Bu Then thì nằm nghỉ ngơi cho khỏe, chẳng biết gì đến công việc của buôn ta cả.

Ông Ti Meo nói:

- Đừng có nói thế, Sa Keo. Ông Bu Then là chúa làng. Ông đã gây dựng cho buôn ta sống đến ngày hôm nay.

Sa Keo quát lớn:

- Im đi! Bu Then có cứu dân làng khỏi con quỉ dữ hay không? Trả lời ta nghe xem nào?

Ông Ti Meo làm thinh, quay mặt nhìn đi nơi khác. Y Nhông và ông Hơ Râm mang rượu và thịt đến nơi.

Sa Keo vừa ăn, vừa uống trước mặt mọi người, rồi nói:

- Dân làng đêm nay và suốt mùa này có thể yên tâm. Tiếng hú đã tắt, con quỉ đã nghe lời ta mà chịu lặng yên. Không có những lời đe dọa ban đêm. Mọi người có thể ra rẫy, ra nương để mà sinh sống. Quỉ đã cam kết không dám quấy phá buôn ta nữa đâu. Chỉ có những kẻ xúc phạm đến quỉ, quỉ mới ăn thịt.

Rồi lão đứng lên, nói như quát nạt:

- Các người có biết ở đây ai đã bị quỉ ăn thịt hay không?

Mọi người yên lặng cúi đầu. lão cười sằng sặc rồi nói lớn lên:

- Chính thằng Xiu Bân và thằng con nít Kha Li đã bị quỉ nuốt sống rồi!

Tiếng lão vang lên như những mũi tên bắn vào đầu óc dân làng. Nhiều người run rẩy, nghe trống ngực mình thình thịch. Bà Bù Đốp và cha mẹ Xiu Bân dù đã được sự dặn dò của ông Bu Then, cũng không an lòng, cúi xuống cố nén tiếng khóc.

Sa Keo uống một ngụm rượu, rồi nói:

- Buôn ta từ nay cần phải đương đầu với quỉ, cho nên phải có một người nói cho ma quỉ biết nghe. Sa Keo thấy ông Bu then đã già yếu rồi, không thể lo cho dân làng được nữa, phải có người khác thay thế Bu Then.

Ông Ti Meo nói:

- Ông Bu Then còn sống đấy, không ai thay thế cho ông ta được.

Anh Y Nhông cũng nói tiếp:

- Ông Bu Then được dân làng tôn lên, dân làng trông cậy vào ông Bu Then.

Đát cũng phụ họa:

- Phải đấy. Không ai thay thế được ông chúa làng Bu Then.

Sa Keo quắc mắt, nói như thách thức:

- Vậy kể từ mai, giao cho Bu Then đi nói chuyện với ma quỉ. Ta không làm việc ấy nữa.

Có tiếng xì xào ở trong đám đông, rồi ông già Keo đứng dậy:

- Không thể được đâu. Ông Bu Then không nói chuyện được với ma quỉ. Làng ta chỉ mỗi mình Sa Keo làm được chuyện ấy mà thôi.

Sa Keo cười lớn, rồi hỏi:

- Vậy thì ai làm chúa làng? Nếu còn để ông Bu Then thì ta sẽ không đi vào rừng đâu. Ma quỉ phá hoại thì các người chịu. Ta đã khổ sở cho dân làng này không biết bao nhiêu. Ta không thể nào nghe lời một kẻ bệnh hoạn.

Dân làng im lặng. Ông Tà Kum đứng dậy, nói bằng một giọng run run:

- Dân làng tin ở Sa keo, Sa Keo phải cứu dân làng.

Sa keo ngạo nghễ nói lớn:

- Thế nào, Bu Then? Ông hãy ra trước dân làng từ chối không chịu làm chúa làng nữa đi nào!

Ông Bu Then nghe mình mệt mỏi muốn ngồi xuống đất nhưng vẫn cứ giữ bình tĩnh, từ từ ra trước dân làng. Ông nhìn từng người, đảo mắt quay vòng một cách âu yếm như một người cha già yếu chăm sóc cho con, rồi ông nói bằng một giọng ôn tồn, nhưng nhấn từng tiếng cho thật rõ ràng:

- Hỡi dân Nước Ràng! Các người đã muốn ta làm chúa làng từ khi các người còn bám ở trong thung lũng tối tăm của núi Ca Lang. ta đã nhận lời từ đấy cho đến bây giờ. Không ai bắt buộc ta làm việc ấy và ta cũng không để ai bắt buộc được ta. Ta chỉ nhận lời vì ta nể các người, vì ta yêu thương các người. Bây giờ ta không từ chối cái phần việc đó, nhưng để tùy cho dân làng lựa chọn. Dân làng không còn muốn ta coi sóc thì ta nghỉ thôi, chứ không một ai có quyền bắt buộc ta bỏ dân làng ta được. Bây giờ dân làng muốn gì, hãy cứ nói đi!

Dân làng im lặng. Chỉ có tiếng lửa rừng rực, củi nổ lách tách vang lên. Ngoài kia gió thổi xạc xào trên các lùm cây.

Sa Keo nheo mắt nhìn ông chúa làng rồi nói lớn giọng:

- Chúa làng phải có sức mạnh, phải biết trị loài ma quỉ. Ông già Bu Then có làm ma quỉ im tiếng hú không?

Dứt lời, lão tiến tới trước mặt ông Bu Then có vẻ thách thức.

Nhưng vừa lúc ấy, cùng với gió núi bốc lên xào xạc, từ xa tiếng hú bỗng nhiên vẳng lại. Rồi tiếng hú lại rõ hơn, vang lên, vang lên, khắp cả núi rừng. Sa Keo bỗng nhiên tái mặt, nhưng cố trấn tĩnh. Dân làng nhốn nháo, hoảng hốt.

Sa Keo nói to:

- Đó, dân làng muốn chọn Bu Then, thì Bu Then hãy nói cho ma quỉ im đi!

Ông Ti Meo nói:

- Sao Sa Keo nói đưa nộp trâu trắng thì quỉ từ nay không phá hoại nữa?

Sa Keo gật đầu:

- Đúng vậy, nhưng tại dân làng cứ để Bu Then làm chúa làng này. Bu Then không ưa con quỉ và con quỉ không ưa Bu Then. Có ai muốn cho Bu Then làm chúa làng không?

Mọi người yên lặng. Tiếng hú vẫn cứ vang rền, lông lốc dội xuống núi rừng bao la. Sa Keo lập lại:

- Ta hỏi: "Ai muốn Bu Then làm chúa làng này?"

Y đảo mắt nhìn chung quanh. vẫn là im lặng nặng nề.

Bỗng một tiếng hét vang lên từ trong bóng tối đen dày ngoài cổng:

- Ta đây! Ta chỉ biết có mỗi ông Bu Then là chúa làng này!

Sa Keo giật mình, quay ra. Mọi người nhìn thấy Xiu Bân chống gậy khập khiễng bước vào, bên cạnh là bé Kha Li. Sa Keo la lớn:

- Đó là ma quỉ hiện về! Xiu Bân, Kha Li đã chết rồi mà! Dân làng hãy diệt chúng đi!

Một số vội vàng hớt hải đứng dậy. Ông già Hơ Râm rút nhanh cây dáo và lão Sa keo quơ cây rựa trành.

Mọi người xáo động. Tiếng ông Bu Then hét lên:

- Mọi người ngồi lại! Không có ma quỉ nào hết. Ngồi lại tất cả!

Tiếng nói của ông chúa làng bỗng có âm vang mạnh mẽ như vọng lại sức oai hùng của một thời nào. Dân làng ngồi lại, nhốn nháo nhìn anh Xiu Bân tiến đến.

Xiu Bân la lên:

- Hỡi dân Nước Ràng! Nếu Sa keo bảo ta là ma quỉ thì nó hãy trừ ma quỉ đai nào! Sa Keo! Mày tự cho mày có được quyền phép trừ loài ma quỉ thì mày hãy trừ bọn chúng tao xem!

Anh quay về phía dân làng, nói tiếp:

- Ma quỉ ở trong buôn ta chính là thằng Sa Keo đó. Nó là con quỉ hại chúng ta đấy, lừa gạt chúng ta lấy trâu đem gửi ở buôn Nước Sụp. Nó đã tìm cách đốt rừng cho gió thổi vào trong hang Chà Hóc để đe dọa dân ta. Rồi nó lấp hang cho khỏi tiếng hú mỗi lần đã cướp được trâu. Nhưng sáng hôm nay Xiu Bân cùng với Kha Li đã mở miệng hang lại rồi. Mở rộng miệng hang cho lão Sa Keo hết đường dối gạt chúng ta. Nó đã bắn lén Xiu Bân đây này...

Xiu Bân ném mạnh mũi tên xuống trước mặt lão Sa Keo. Rồi anh nói tiếp:

- Nó đã xô em Kha Li xuống hố, rồi còn tìm cách lăn đá từ trên cao xuống đè giết Xiu Bân. Xiu Bân bị bắn ở tay, bị giập ở chân nhưng Xiu Bân đã thoát chết. Xiu Bân kéo được Kha Li ở dưới hố lên và về tới đây cùng với dân làng.

Rồi anh dõng dạc nói lớn:

- Sa Keo! Ta vâng lời ông chúa làng Bu Then đi theo sát mày để đòi lại trâu cho dân Nước Ràng. Mày khoe có tài nói chuyện được với ma quỉ, thì sao tiếng hú đang kêu bên tai mày đó đã nuốt hết bao nhiêu con trâu rồi mà vẫn không chịu im đi? Mày khoe có đủ sức khỏe để làm chúa làng ở đây, thì hãy đấu sức với ta xem nào. Ta kể như còn một tay, một chân cũng là do mày và đồng bọn mày ám hại, nhưng tao sẵn lòng giao đấu với mày!

Nói xong, Xiu Bân ném gậy xuống đất, xông đến Sa Keo. Lão phù thủy huơ rựa chém anh, nhưng anh đã chụp ngay lấy tay lão bẻ vẹo, làm cho rựa văng xuống đất, vật lão ngã xoài trên sân. Xiu Bân choàng lấy người gã toan ném vào trong đống lửa rừng rực nhưng ông Bu Then ngăn lại:

- Hãy tha cho nó!

Xiu Bân ngừng tay, cặp mắt vẫn còn đỏ lừ sắc máu. Anh thét như điên:

- Sa Keo! Quì xuống trước ông chúa làng!

Sa Keo đành phải cúi đầu, quì xuống.

Lúc ấy người ta nghe có tiếng động ở trước cổng buôn. Mọi người quay lại. Bóng một người thật cao lớn hiện ra với một bầy trâu lố nhố. Xiu Bân nói to:

- Xin mời A Đíp vào đây! Người Nước Ràng đang đợi chờ A Đíp.

Khi người râu rậm tiến vào, Xiu Bân nói với ông Bu Then và mọi người:

- Đây là A Đíp ở buôn Nước Sụp, nơi tên Sa Keo đã gởi số trâu của làng. A Đíp đem trâu trả lại cho dân làng ta. Mời A Đíp vào uống rượu, ăn thịt với chúng ta đây.

Ông Bu Then từ từ lại gần A Đíp, nắm tay anh ta và nói:

- Mừng ông chúa làng Sa Roát hãy còn mạnh giỏi. Mừng cho hai buôn làng ta coi nhau như là anh em. Kẻ ác ở đâu cũng bị ghét bỏ, nhưng chúng ta không giết hại Sa Keo dù nó đã có ý muốn làm hại dân làng. Y Nhông hãy vào lấy rượu thịt ra đãi khách.

Y Nhông chạy về các nhà gần đấy, một lát đem rượu thịt lại. Ông Bu Then cúi hút vòi rượu trước tiên, theo như tục lệ, rồi trao lại cho A Đíp. A Đíp cúi xuống hút một hơi dài, rồi nói:

- A Đíp nhận lỗi với người Nước Ràng. Bây giờ đem hết trâu trắng trâu đen giao lại, và xin được làm anh em.

Anh Xiu Bân nói:

- Cám ơn A Đíp. Cám ơn chúa làng Sa Roát. Con ngựa của ông chúa làng cho Xiu Bân mượn đã bị Sa Keo xô đá giết chết mất rồi. Sa Keo đáng phải làm ngựa để đền bù lại.

Ông chúa làng Bu Then nói:

- Thôi được, hãy đem con ngựa của ta thế lại cho ông Sa Roát. Dân làng của ta sẽ đến nơi đó mang xác con ngựa của ông chúa làng về chôn tại buôn Nước Sụp. Bây giờ dân Nước Ràng hãy nghe ta nói những lời này.

Ông tằng hắng, nghiêm chỉnh nhìn khắp mọi người, rồi nói:

- Hôm nay A Đíp mang trả lại trâu cho dân làng ta, từ đây A Đíp là người bạn tốt của buôn chúng ta. Chúng ta coi buôn Nước Sụp là chỗ anh em, phải hết lòng giúp đỡ họ. Nào, mời A Đíp uống rượu, ăn thịt, ngủ lại với dân làng ta, rồi qua ngày mai sẽ cưỡi con ngựa mà đi về làng.

Ông quay nhìn lão Sa Keo, nói tiếp:

- Sa Keo! Đứng dậy!

Sa Keo khúm núm đứng lên.

Ông chúa làng nói:

- Phủ thủy Sa Keo là kẻ biếng lười, không lo làm ăn, chỉ quen dựa vào ma quỉ là chuyện đặt bày để hại dân làng. Y đã đốt rừng Chà Hóc cho gió lồng vào hang đá tạo ra tiếng hú để dọa dân buôn. Từ nay việc làm của y đã bị lộ rõ, mọi người đều phải hiểu rằng không có ma quỉ nào hại ta cả. Ma quỉ, chính là ý xấu ở trong lòng dạ con người. Ma quỉ, chính là Sa Keo.

Ông dừng lại thở, rồi nói:

- Hỡi dân Nước Ràng! Ta đã nhắc nhở nhiều lần cho các người biết là ma quỉ không thể nào thắng được con người. Chỉ có con người mới trị được bọn ma quỉ. Đừng có sợ hãi sai lầm để cho kẻ ác lợi dụng làm hại chúng ta. Tội của Sa Keo đáng chết. Ta đây hay là Xiu Bân có quyền giết nó để trừ mối hại cho buôn. Nhưng giết nó chẳng ích gì. Giết nó thì nó chết đi, tuy có trừ được mối hại nhưng không thêm gì được cho buôn ta. Ta muốn thế này: từ nay Sa keo phải làm mà ăn, không được nói chuyện ma quỉ để gạt dân làng. Khi đau, ta uống lá rừng, chỉ có lá rừng mới trừ được bệnh của ta. Còn tội Sa Keo thì bắt nó chuộc. Nó phải làm việc để giúp đỡ cho những người già yếu, những người không có con cái ở buôn. Dân làng bằng lòng như vậy hay không?

Một tiếng "bằng lòng" đồng loạt cất lên hết sức sôi nổi từ miệng dân làng.

Ông Bu Then nói:

- Được rồi, ta sẽ phân chia cho nó đi giúp từng người mà buôn ta xét thấy cần. Còn ta, ta muốn nói với các người điều này: ta già yếu rồi, không còn đủ sức để lo việc buôn. Ta muốn có người thay thế cho ta. Xiu Bân là người gan dạ, khôn ngoan, hết lòng vì buôn, Xiu Bân có thể thay ta mà làm chúa làng.

Xiu Bân vội nói:

- Không đâu, ông Bu Then à. Xiu Bân không đủ khôn ngoan bằng ông chúa làng. Ông tuy đã già nhưng cái hiểu biết của ông có nhiều, nhiều hơn cả lá trên núi rừng này. Cái tay, cái chân mạnh mẽ bao nhiêu vẫn không thiếu được cái đầu. Ông làm chúa làng, Xiu Bân sẽ làm tay chân cho ông, cả buôn ta chắc bằng lòng như thế.

Dân làng đều nói:

- Xiu Bân nói phải, chúng ta đều cùng cái bụng nghĩ đó.

Ông Bu Then lặng yên, xúc động, rồi nói:

- Cám ơn dân làng. ta biết buôn ta còn mãi, sống mãi, vì buôn ta có nhiều người can trường, tốt bụng. Buôn ta có những người trai như Xiu Bân, những em bé như Kha Li, Min Pay. Buôn ta sẽ lớn như rừng cốc kia, lớp trẻ sẽ nẩy nở nhiều, sẽ tươi tốt mãi như những lá cành tươi tốt trên núi rừng này.

Tiếng ông chúa làng thấm sâu vào lòng người dân Nước Ràng. Họ im lặng nghe, tim cùng hòa nhịp với lời nói ấy.

Và ngọn lửa hồng, bập bùng rực cháy như niềm tin ở nơi lòng họ.


VŨ HẠNH   
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>