Thứ Ba, 9 tháng 10, 2018

Tôi Làm Ô Chữ


Hôm nọ, đọc Thiếu Nhi 107, tình cờ lật đúng trang 15, có đăng bài “ô chữ? À quen quá rồi” của Trần Linh Nga. Tôi thích thú vô cùng. Và vội vã đọc trước tiên bài ấy… Đến lúc đọc xong, tôi lại bực cả mình… Dĩ nhiên là lý do sẽ được trình bày với các bạn trong vài giòng dưới đây…

Lúc 11, 12 tuổi tôi ghét nhất là phải xem một tờ báo với trang ô chữ. Theo tôi, đó thật là một cách “bóc lột trí óc” của “người ta”. Chẳng có gì lạ cả : tôi mang nữ tính từ lúc nằm trong bụng mẹ, nghĩa là tôi là dân tóc dài, nói trắng ra tôi là con gái. Mà con gái thì luôn luôn dịu dàng, hiền thục, không được ngổ ngáo như con giai cho nên tôi không bao giờ để mắt đến cái ô chữ, để xem nó tròn méo thế nào, vì eo ơi, mệt óc lắm… Có một lần, tôi hơi tò mò, cầm cây bút lên, làm quen với ô chữ thử xem sao. Nhưng vừa nhìn vào, tôi đã mù tịt, không rõ phải trả lời thế nào cho hợp. Cuối cùng, tôi bôi đen cả các ô, hậu quả là thằng em trai “la” quá xá (cu cậu vốn mê trò chơi nầy) Từ đó, tôi tởn tới… năm nay. Quyết tâm không thèm mó đến Ô chữ, nên mỗi lần thấy cu Cơ hì hục giải đáp, hay lôi ra vài ba cuốn Địa dư, Sử ký, Tự Điển tra xem, hoặc mua hai cục kẹo dừa vấn kế chị Yến, tôi lại rùn vai, quay ra chơi nhảy dây với mấy nhỏ em gái.

Lên Đệ Lục, độ giữa niên học, lớp tôi có phong trào Ô chữ nổi lên thật mạnh mẽ. Chính nhỏ Th. khởi xướng trò nầy. Con bé cứ gởi đi và tà tà nhìn tác phẩm vĩ đại của mình nằm chễm chệ trên báo…

Nhưng đi đêm có ngày gặp ma, đang giờ Sinh ngữ, trong khi tôi lo làm Devoir thì hắn lại lôi ra, cắm cúi làm một Ô chữ mới. Thình lình cô giáo sư Pháp văn đi xuống (hắn ngồi bàn nhì cơ chứ). Thế là mảnh giấy bị tịch thu và ở yên trong sọt rác sau khi đã bị xé to xé nhỏ… Tuy nhiên nhỏ vẫn chưa tởn vì thỉnh thoảng tôi lại gặp ô chữ của hắn trên báo.

Như các bạn đã biết, gần mực thì đen gần đèn thì rạng, nên tôi cũng bị lâm vào trường hợp đó mà ảnh hưởng lây. Mua lọ mực Tàu về, tôi bắt tay vào việc… Trước tiên phải phác họa cái hình nào ưng ý cái đã… Một cái nhà, mà sao trông kỳ kỳ, chắc lại phải vẽ cái mới… Đây rồi, chú gà con tròn thật là tròn nầy, mắt thật tròn và đen láy. Qua giai đoạn thứ nhì, tôi gạch ô… Cuối cùng là tìm chữ để vào… Mất một ngày trời, tôi hoàn tất cái Ô chữ đầu tay. Niêm vào phong bì, tôi hí hửng gởi cho báo MBB (ở nhà tôi vẫn đọc CL)

Than ơi! Tôi chờ mãi, cả ba bốn tháng Ô chữ vẫn biệt tích. Nản quá, tôi làm thêm một hình nữa. Lần này thì có vẻ dễ dàng hơn nhiều. Tôi gởi báo Thiếu Nhi. Ô hay! Cũng vẫn cứ chờ. Lại biệt tăm. Tức quá, tôi làm nữa. Nhưng không thèm gởi đi… Đến ô chữ mà báo còn không chịu đăng nữa là, huống hồ gì bài vở, tôi nghĩ thầm.

Thành thử đến nay, tôi không làm ô chữ nữa. Dù chỉ làm một cái thứ tư. Rồi tôi thử giải đáp ô chữ. Thật dễ dàng. Tôi thấy đây cũng là một trò giải trí hay… Và tôi không còn khó chịu khi đọc báo có Ô chữ nữa (TN chẳng hạn) Tôi hết thắc mắc khi thấy cu Cơ đổ mồ hôi vì một ô chữ khó. Cảm thấy thích nó làm sao.

Hôm nay mới hiểu vì sao không được ra mắt bà con. Nhưng tôi bực vì tôi nhớ mình không run khỉ “can kê” vào giấy cơ mà. Kỳ khôi thật… Tôi lại cười mình lẩn thẩn. Biết đâu tôi run thật thì sao? Ừ! Biết đâu đấy!


MÍ MEO (NM)   


(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 112, ra ngày 19-10-1973)


oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>