Thứ Bảy, 6 tháng 10, 2018

Nhà Thám Tử Mất Ô


Bạn chắc hẳn đã biết Sherlock Holmes, Hercule Poirot và James Bond (1). Vậy thì, bạn nên biết rằng những nhà thám tử này, đặt cạnh César Coupatou, chỉ là những người mới học việc! Thật vậy, dầu César Coupatou mới trông thì chẳng có gì đặc biệt (có cái thói quen hơi quá đáng, là nắm lấy áo bạn bằng cái cúc áo ngoài, rồi lắc lấy lắc để cho đến khi nó đứt ra trong tay ông ta), nhưng ông ta có một phương pháp riêng để điều tra, phương pháp của Cesar Coupatou!

Một hôm, khi tôi đến thăm ông tại nhà, để phỏng vấn ông làm cách nào mà ông đã thành công được nhiều vụ như thế, nhà thám tử trứ danh này đã trình bầy:

- Ông thử nghĩ coi, tôi chẳng tội gì mà bò bốn chân dưới sàn nhà để nghiên cứu bằng kính hiển vi một mẩu tàn thuốc lá, như anh chàng can đảm Sherlock Holmes, cũng không đánh đấm môn Thái Cực Đạo, như James Bond, và cũng chẳng vô phòng ngồi nghiên cứu hiện tượng tâm lý như Hercule Poirot! Tâm lý học là một khoa học không chính xác. Thái Cực Đạo thì chỉ tốt cho mấy đầu óc kém tưởng tượng, và những mẩu tàn thuốc lá thì đã từ lâu, chúng chẳng có ý nghĩa gì nữa cả. Phương pháp của tôi là toán học, bạn rõ chưa? Toán học có nghĩa là phải suy nghĩ, lý luận và tính toán! Chẳng cần những cuộc điều tra lôi thôi, một cái bảng đen và một bảng logarithmes là đủ.Khi tôi có một vụ điều tra phải khám phá tôi ngồi yên đây không nhúc nhích đi đâu cả. Vài giờ suy nghĩ, và lời giải, xuất hiện ngay qua những con tính. Không thể nhầm lẫn được!

Ông ta lơ đãng vứt cái cúc áo thứ hai của tôi đi, mà ông ta vừa dứt ra, và kết luận:

- Vậy là tôi được giao phó cho tìm những đồ trang sức của bà bá tước Vauricourt. Bà ấy muốn tôi điều tra tại chỗ. Tôi không muốn làm phật ý bà ta, nhưng đó chỉ là một thủ tục hoàn toàn vô ích. Tôi sẽ suy nghĩ và...

Ông ta bỗng dừng lại và im lặng liếc nhìn về phía chỗ để can và dù. Rồi bỗng ông reo lên:

- Trời đất! Tôi đã để quên cây dù!

Đó là đặc điểm thứ hai của ông ta, lúc nào cũng vác theo một cái ô đen bự, dầu trời mưa hay nắng.

Tôi vội đùa:

- Ông sẽ tìm thấy ngay đấy mà. Một thám tử như ông thì...

- Tất nhiên, tất nhiên ông ta nói với một nụ cười khoan dung Đó chỉ là một bài toán nhỏ.

Tuy vậy...

Thấy câu chuyện này có vẻ làm ông ta trái ý, tôi bèn xin phép ra về, và nói rằng tôi sẽ ghé qua nữa.

Ba giờ sau, khi tôi trở lại, dưới đất ngập đầy mười ba tờ giấy đầy chữ, dập, xóa, còn trên bảng đen thì những đường cong hình chuông của Gauss trải dài kín mít ; cũng chưa hết, tấm bản đồ Ba Lê treo trên tường đầy những nét chì đỏ.


- Ông tới đúng lúc lắm ông ta bảo tôi, tay không ngừng xài đến cây thước tính của ông ta Ông sẽ có thể phê bình phương pháp của tôi.

Tôi hỏi:

- Ông đã có tung tích gì của những món đồ nữ trang của bà bá tước hay sao?

- Đồ nữ trang? Đồ nữ trang nào? Không, tôi kiếm cây ô (dù) của tôi.

Và trỏ bản đồ thành phố Ba Lê, ông bắt đầu:

- Đây là chính con đường mà tôi đã đi qua sáng nay. Tôi rời nhà lúc 9g36 với cây ô của tôi, và tôi về tới nhà lúc 11g43, không có cây ô. Vậy thì tôi mất cây ô vào khoảng giữa hai giờ đó, trên quãng đường này. Ông có theo kịp không?

Tôi vẫn theo rõi ông ta hoàn toàn. Ông ta tiếp:

- Trước hết, rất có lẽ, là tôi chưa mất ô trước khi tôi dừng lại lần đầu. Thứ hai, lề đại lộ Raspail, mà lúc về tôi đi ngang qua đó, hồi 11g15, đang được sửa lại, thế mà tôi không để ý đến sự khác biệt của mặt đất bằng đầu ô. Tôi bèn suy ra rằng tôi mất ô trong khoảng điểm này mà tôi gọi là A và điểm kia mà tôi gọi là B.

Ông ta bỗng vỗ trán và nhảy đến cầm ống điện thoại:

- A lô! Đài khí tượng đó phải không?... Đây là César Coupatou... Đúng đó, tôi là thám tử! Sáng nay đúng mấy giờ, trời đã mưa ở trung tâm thành phố Ba Lê?... A! Không xin ông cho biết chính xác hơn đi... Giữa 10g20 và 10g35! Xin cám ơn ông.

Ông ta quay lại phía tôi, đắc thắng:

- Trời đã mưa mà tôi không bị ướt. Ông hiểu tôi, phải không?

Ông ta với lấy cái thước tính, và tôi hiểu ông ta đang tính vận tốc đi trung bình, để tìm xem tại điểm nào có thể là ông ta đang tới khi trời mưa.

- Tôi sắp tới đích ông ta tuyên bố Đúng ở giữa quãng từ góc phố Vaneau và đầu đại lộ Raspail, tôi bị mất cây ô. Vậy là phương trình của tôi đã gần được đặt ra. Tôi xin ông, đừng làm một tiếng động nào cả! Tôi cần phải chú ý hết sức.

Trong đúng mười phút, ông ta viết không ngừng. Tôi, tôi ngồi yên không nhúc nhích, đầy thán phục những kết quả chớp nhoáng đó.

Điện thoại bỗng reng chuông, César ra vẻ bất bình, cầm ống nói, trao đổi vài câu ngắn với một người đối thoại lạ mặt, một lát ông bảo tôi:

- Anh bạn tôi, Gaston, vừa báo cho tôi biết là cái ô của tôi đã bị bỏ quên ở nhà anh ta. Tôi đã biết trước như thế mà. Đây này ông xem đây.

Ông ta giơ ra cho tôi một tờ giấy, mực còn chưa ráo: "Cây ô đang ở tại hành lang nhà Gaston mà tôi đã để quên ở đó sáng nay, hồi 10g57".

- Đó! César Coupatou nhún nhường nói Bây giờ tôi có thể nghĩ đến vụ đồ nữ trang. Rất giản dị, phải không?

- Thật là giản dị và đáng phục, tôi bảo như vậy mà không quanh co. Tuy rằng những người khác có thể cho rằng thì César cứ việc gọi dây nói hỏi quách anh bạn Gaston, là người độc nhất mà ông ta đến thăm cho rồi. Nhưng nếu quan niệm như thế thôi là chả hiểu gì về vẻ đẹp thuần túy của khoa học cả.


PAUL COGAN    
Đỗ thị Thuấn dịch 

------------------------ 
(1) Đây là ba nhân vật chính, 3 thám tử tài ba trong các truyện trinh thám nổi danh lần lượt của Sir Connan Doyle, Agatha Christie và Ian Flemming


(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 10, ra ngày 17-10-1971)

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>