1
Cô ấy ngồi bàn thứ nhất, cách chỗ em hai bàn, chỗ ấy gần như là một
vị trí quá quen thuộc không thể trống vắng được nên những buổi sáng,
những buổi trưa, em bước đến cửa lớp, phóng mắt nhìn lên bàn thứ nhất,
đầu trái của bàn – không có người ngồi – em thấy lòng buồn lạ thường,
buồn như tiếng thở tíc tắc chầm chậm muôn thuở của đồng hồ trên vách lớp
bên phải, như từng làn ánh sáng ấm nhẹ của ban mai hoặc rực rỡ buổi
chiều loang loáng bay xà xuống, đáp trên khung cửa sổ đang héo rũ dưới
tia nhìn hờ hững của em.
Em không biết tên cô bé ấy và cũng không nhận định được niềm cảm mến âm
thầm dậy trong tim từ bao giờ mà để rồi có một hôm… một hôm khi kim ngắn
chỉ đúng 8 giờ trên mặt đồng hồ, lớp học tràn ngập những âm thanh rí
rỏm líu lo của hơn 40 nữ sinh mà “chỗ ấy” vẫn vắng lặng, mặt bàn vẹc-ni
trống trải dưới tầm mắt em, trong nỗi băn khoăn, xa xót ùa tắp đến: tại
sao cô ấy không đến?? Bệnh chăng?? Gặp tai nạn chăng?? Chao ơi! Những
câu ấy làm em khổ sở ghê gớm như nung lửa trong lòng. Hai cô bạn ngồi
bên chả biết, vui đùa như không! Thỉnh thoảng họ quay lại nhìn em đang
chúi đầu vào trang sách, một cô trêu:
– Gớm, sao mà gạo thế??
Một cô cười khúc khích:
– Năm tới, đậu “yêu” cho mà xem!
Em không trả lời. Trời ơi, “gạo”, “đậu ưu”, có ai nghĩ đến một cô bạn
vắng mặt bất thường như em đâu, có ai lo sợ dùm cho cô ấy gặp chuyện
không may đâu? Tiếng thở dài nặng chịch của em chìm trong tiếng chuông
vào học reo vang giục giã. Thế là cô ấy không đến thật rồi, buổi học hôm
nay buồn biết bao nhiêu… Mắt em ngước nhìn cây thập giá gỗ có Chúa
Giê-su giăng tay mà óc thì để đâu đâu. Tiếng cầu nguyện từ hơn 40 chiếc
miệng đang hé ra vang lên đều đều: “Lạy Chúa! Xin cho chúng con biết
chăm chỉ học hành, rèn luyện tư cách chúng con, trau giồi tâm hồn chúng
con bằng những đức tính tốt, để chúng con có đủ khả năng giúp ích cho
chính bản thân, cho gia đình và cho Tổ Quốc chúng con…” Không, con còn
muốn xin một điều nữa, một điều thôi, Chúa ạ… “Xin Chúa ngăn lại những
chuyện chẳng lành tìm đến cô bé ấy nha Chúa!” Không biết Chúa có ừ không
mà sau làn nước mắt ứa ra rưng rưng, em thấy hai lòng bàn tay Chúa hình
như mở rộng ra, tỏa những luồng ánh sáng NHÂN ÁI từ hai chỗ bị đinh
đóng rỉ máu phóng thẳng tới mắt em, mơn man những giọt nước mắt đọng
trên mi sắp lăn xuống.
Thầy vô, học sinh chào, cả lớp ngồi xuống, thầy bắt đầu giảng bài,
tất cả những cử động, những cảm giác của em đều lặp lại như một thông lệ
ngàn năm không có lấy một ý thức cho đến khi lẫn trong tiếng chim hót
trong veo và tiếng lá, tiếng nhánh cây khua nhau xào xạc vẳng vào lớp
học im lặng có những tiếng lộc cộc thật đều, thật rõ vang lên ở cầu
thang, óc em mới bừng tỉnh trong niềm vui bất ngờ, mãnh liệt: chắc là…
đúng là cô bé ấy rồi… Niềm vui đó như réo sôi trong lòng em khi cái dáng
quen thuộc trong màu áo dài thân thiết kia khập khiễng với chiếc nạng
chống bên vai trái đỡ lấy cái chân tê liệt đi nhanh qua cửa sổ, cửa sổ
nữa rồi đến cửa cái, tiến đến bàn thầy rồi đến chỗ ngồi. Có tiếng phía
trên lao xao:
– Sao bồ đến trễ vậy?
Dù mái tóc lòa xòa bên má hồng hồng, em vẫn thấy cái miệng trên khuôn
mặt xinh như búp bê Nhật Bổn mấp máy với vẻ thoáng bối rối:
– Hồi nãy mình đi giữa đường… tại cái cây nạng… mình té, phải về thay áo… nên đi trễ đó…
Ồ! Tội nghiệp cô bé, may mà chả sao nên đi học được, nếu không sẽ có
một con bé buồn chẳng học vô. Mà em cũng nhiều tình cảm quá đi thôi, khi
không lo vẩn vơ rồi buồn một mình, ừ, mà mình có quen có thân với người
ta hồi nào đâu, rõ lẩn thẩn tệ. Nghĩ đến đây, em lại cười một mình thì
có tiếng hai nhỏ bạn bên thì thầm:
– Xem kìa, nãy giờ mình mới thấy nàng ta cười một cái.
Nếu có phải trời ơi bây giờ thì em sẽ không trách cứ hai đứa bạn nữa
mà sẽ trời ơi như thế này: trời ơi, tháng thu vào học, trời đẹp quá đi
thôi…
2
Hình như giữa em và cô ấy có một dây liên lạc vô hình nào đó mà
“chúng em” – em có thể hãnh diện để gọi thế – luôn luôn gặp nhau ở những
chỗ đáng lẽ không, đúng hơn là ít gặp nhau nhất. Từ khu nhà nguyện đến
trong thư viện, từ cái hành lang im vắng ở cạnh phòng khánh tiết cho đến
cái bao lơn lộng gió vào những chiều nhạt nắng lúc ra chơi, nhìn ra
vườn chuối, vườn cau loáng thoáng những tòa nhà đúc cao ngất nghểu bên
kia đường, sau trường học. Cứ mỗi vết chân em đi đều như được in lại
thật đậm đà trìu mến bằng một vết chân thứ hai cùng với sự biểu đồng
tình âm thầm. Có ai hiểu được nỗi vui đằm thắm của em mỗi khi chấm tay
làm dấu thánh để bước vào nhà nguyện, những lúc lướt tay trên dãy bàn
ghế mát lạnh êm đềm như từng nốt nhạc, từng nốt nhạc ngân nga, đi dần
lên dãy ghế đầu tiên, thật gần với Chúa, với Đức Mẹ, mầu áo, mầu thánh
giá xanh lơ dịu dàng trong thứ êm đềm thần thánh. Em không còn cô đơn,
không còn buồn tủi như danh hiệu “con bé hay buồn” mà bạn bè gán cho
những lúc em đóng khung mình trong cái mặc cảm sâu kín. Những lúc cầu
nguyện xong, quay lưng rồi cúi đầu, em vẫn biết có một cô bé đó đang
thiết tha cầu nguyện như ban nãy, em không biết cô ấy cầu nguyện những
gì song tận cùng đáy tâm tư có tiếng vang cho em những cảm nghĩ đẹp về
hành động cầu nguyện đó, thế đã đủ.
Những lúc em lang thang dọc theo hành lang, nhìn những ngón tay mềm
mại lăn trên phím dương cầm, những âm thanh lảnh lót của bản thánh ca
trầm lắng trong gió lọt ra ngoài hành lang như vây bọc lấy linh hồn siêu
thoát, những lúc nép trong bóng mát để nhìn nắng rung rung dát ngọc lên
sân trường, những khi ngồi đọc sách lặng lẽ trong thư viện, những lúc
mơ màng đứng trên bao lơn nhìn màu sắc thành phố chạy dài bên kia đường,
em vẫn dành cho cô bé ấy một vài phút suy nghĩ, trong tình cảm trọn ven
đối với con người thật gần mà cũng thật xa kia. Khuôn mặt búp bê dễ
thương ấy mà cũng có những phút suy tư tuyệt diệu đến thế sao? Nhưng
chúng em vẫn còn xa nhau quá, chưa ai nói với ai một lời nào cả mà! Ý
nghĩ làm quen cũng đã chớm nở trong óc em rồi đấy chứ, nhưng những suy
luận kỳ quặc của em lại bảo em đừng, bao giờ nói chuyện bằng mắt vẫn đầy
đủ hơn lời lẽ rất nhiều… rất nhiều…
Đôi khi chúng em cũng có nói chuyện với nhau, chỉ vài lời lẽ thôi, lý
lẽ của em đã giữ em trong một khoảng xa cách với cô bé ấy nhưng về phần
cô ấy, nguyên nhân của khoảng xa cách với em chính là mặc cảm, em biết
thế, khi gặp từng ánh mắt, từng cử chỉ e ngại đến đáng thương. Lúc lên,
xuống thang lầu giữa đám đông bạn bè, cô bé bao giờ cũng xuống sau cùng,
lên sau cùng thật vất vả trong những cố gắng đáng phục. Có hôm em đã đi
sau cô bé và nhường cho cô ấy lên trước, cô ấy không chịu lên nhưng khi
các cô bạn khác đều nhường như thế, cô bé mới bước lên cầu thang trong
câu nói nghẹn ngào khổ sở lẫn mặc cảm:
– E… em choáng cả đường đi hết…!!
Ôi! Cô ấy có hiểu đâu, trong thân phận con người ai cũng mang ít
nhiều tự ti mặc cảm, có những mặc cảm làm cho con người vươn lên, có
những mặc cảm lôi tuột con người xuống hố sâu tuyệt vọng. Giữa hai cái
dĩ nhiên mình chọn một thì nên chọn mặc cảm cố gắng vươn lên thì hơn,
bởi nếu cô bé không toàn vẹn cái chân trái, mặc cảm về thể chất nhưng có
những người họ toàn vẹn nhưng lại sứt mẻ, lại đau đớn mặc cảm về phương
diện khác, phương diện linh hồn thì sao, hãy tìm lấy niềm an ủi cao quý
trong hoàn cảnh mình để mà can đảm.
3
Hôm đó là buổi chiều trời mưa to, những hạt nước ồ ạt rơi xuống giăng
mờ cả không gian. Em cứ nghĩ những buổi chiều như thế thường dễ thương
dưới mắt em – và lây cái dễ thương ấy cả mọi vật, mọi việc chung quanh
nữa nhưng hôm ấy, giữa những cái dễ thương đó mà em lại buồn khổ kinh
khủng, tưởng chừng có thể khóc lên được, không ai hiểu em hết! Không ai
hiểu em hết!…
Hai giờ đầu là giờ sử địa, vì có làm bài kiểm nên những người đầu bàn
phải lên bàn thầy chia nhau đi phát bài. Em đi phát và vì lớp học có
nhiều người mới em không biết tên nên thỉnh thoảng phải cúi xuống hỏi
mấy cô bạn ở gần: “có biết chị… có biết…” những câu lập lại mãi mà cũng
chưa hết xấp giấy, rồi cuối cùng còn một tờ trên tay thì em cũng mệt
nhoài, nhân đứng cạnh “cô bé thật gần mà cũng thật xa” đó, em có hỏi:
– Chị có biết, chị Hồng Phương ngồi đâu không ạ?
Cô bé ấy nở nụ cười bối rối, bao giờ em cũng thấy cô ấy có nụ cười đặc biệt đáng yêu đó – và đáp:
– Chính em đây, chị cho em xin…
Chắc không ai hiểu được nỗi vui mừng kín đáo của em lúc đó, em đã
biết tên cô bạn mới, Hồng Phương, Hồng Phương, em nhắc đi nhắc lại vì cứ
sợ quên mất tên người ta và, quay đi thì miếng giấy bài em đặt trên bàn
rơi soạt xuống vì nằm cheo meo quá và cô ấy cúi xuống lượm, luống cuống
làm sao để chiếc nạng bên vai trái rời ra, ngã xuống đất kêu cạch một
tiếng to làm cả lớp quay lại nhìn trong lúc miếng giấy lẫn cây nạng đều
nằm dưới đất và mặt cô bé thì đỏ hồng. Em cũng thấy và kêu lên một tiếng
chạy lại nhặt hộ miếng giấy với cây nạng. Em cứ tưởng em đã làm một
việc rất phải, ngờ đâu lúc em nhặt được tất cả và trao lại cho Phương
thì – có lẽ lúc đó em vụng về và nét vui ban nãy còn đọng lại trên khuôn
mặt nên cô bé ấy mới hiểu lầm – mới lạ lùng làm sao, lúc ngước lên em
nhìn thấy ánh mắt giận dữ – giận dữ một cách khổ sở – của Phương và
giọng nói uất nghẹn thốt nhỏ giữa cặp môi mím chặt:
– Mặc tôi!!
Em sững sờ đứng lên, mấy cô bạn khác nhìn em, thầy nhìn em, không ai
biết chúng em đã nói gì với nhau còn em, em đã biết: cô ấy nghĩ em cố
tình châm biếm cô ấy lúc lượm cây nạng mà miệng thoáng cười nên mới nói
với em câu tàn nhẫn như thế. Trời ơi! Em khổ quá đi mất, cô ấy không
hiểu gì cả, làm sao bây giờ?!! Em định cúi xuống phân trần nhưng lớp
đang học, cặp mắt Hồng Phương mở căng trừng trừng nhìn vào chỗ khác như
không muốn nhìn thấy em, và tự ái đã lôi chân em về chỗ ngồi, em không
nói được một lời! Mà em cũng không biết phải nói gì bây giờ nữa, xin
lỗi? Lỗi gì?? Lỗi lượm cây nạng và tờ giấy ư?? Lỗi đã cười ư?? Không
chừng Hồng Phương lại giận thêm và cho em cố tình chối cãi. Thôi thế là
hết!!
Thế là từ nay hết những kỷ niệm mà hai đứa, đúng ra là em, để dành
chắt chiu như làn sương mịn buổi sáng chóng tan vào không gian khi gặp
phải ánh sáng gay gắt của mặt trời, chính ánh mắt gay gắt của Hồng
Phương là ánh sáng mặt trời phá vỡ làn sương mong manh, êm dịu đó. Mà
cũng giữ gìn sao được khi trước kia có 2 đứa bé cùng đắp cao đụn cát để
xây lâu đài tình thương, cùng dựng lên hàng rào chung quanh như ranh
giới bất di bất dịch giữa chúng em để bảo vệ giang sơn, thế giới của
tình thương âm thầm ấy thì có một đứa bé, một thôi, bỏ dở công việc rồi
dẫn đường cho sóng bể cuồn cuộn tràn vào, xoáy tan lâu đài trên cát rồi
cuốn tất cả ra khơi, dìm mỗi hạt cát, mỗi hình ảnh kỷ niệm vào lòng đại
dương xanh ngút mắt trong tia nhìn ngơ ngác, buồn lịm tím của đứa bé thứ
hai. Trời ơi, nói sao cho hết nỗi buồn vô tận của ngày tháng sau lưng,
ngày tháng không còn dành để chắt chiu đầy kỷ niệm, không còn để theo
dõi một dấu vết thứ hai với nhung nhớ vòi vọi, không trông mong, thấy
thiếu vắng tiếng lộc cộc mỗi buổi học vang dậy ở cầu thang và nỗi mừng
rỡ đan nhẹ từng khung từng khung cửa khi biết buổi học bắt đầu có ánh
sáng, thứ ánh nắng ấm nhẹ không thể nào phá vỡ làn sương, thứ sóng bể
hiền hòa để chỉ có thể vun bồi cho lâu đài chứ không hủy hoại vết tích,
không còn… tất cả bởi từ nay người ta đã có ác cảm với mình rồi!! Làm
sao giữ được cái gì toàn vẹn khi hai tâm hồn không cùng hòa hợp?? Trời
ơi! Em có muốn thế đâu! Em có muốn thế đâu?!
4
Dù đã tự nhủ, tự bảo mình phải quên cô ấy đi, phải bắt đầu ghét cay
ghét đắng con số zéro trên bài thi, như đã chạy trốn biết bao lần những
âu lo dằng dặc án ngữ năm tháng tương lai, em vẫn không sao quên được cô
bé ấy, cô bé mà ngay phút đầu, em đã dành cho thật nhiều cảm tình sâu
đậm, đã thương mến hình ảnh tội nghiệp đó như thương cho hiện thân của
mình, đã theo dõi những suy tư của cô bé để tìm lại hình ảnh của mình
như một thứ tình cảm quái ác, kỳ quặc không dứt bỏ được trong một sớm
một chiều.
Chúng em càng ngày như có một khoảng cách to dần chen giữa, khi em ở thư
viện thì cô ấy quỳ trong nhà nguyện, khi em ở hành lang thì cô ấy trở
về lớp. Nhiều lúc xuống tới nhà nguyện mà thấy trống vắng bâng khuâng,
em thấy buồn tủi vô cùng, trong cái trò cút bắt này, ai đã đuổi ai, em
đã đuổi theo Phương hay Hồng Phương đuổi theo em?? Làm sao em trả lời??
Làm sao em biết?? Nhưng chắc không phải là Phương rồi! Chính cô bé đã
dứt khoát trước mà! Nhiều lúc ngước mắt nhìn thấy Chúa, xoay ngang thấy
Đức Mẹ, thấy thánh Giuse, quay xuống thấy Thiên Thần ngay lối nhà
nguyện, em đã cầu xin với tất cả, nhưng cầu cho ai bây giờ? Cho Đất Mẹ,
cho THA NHÂN đã hết lòng chưa mà nghĩ đến cho ai? Nghĩ đến ai mà tâm tư
em có khuynh hướng ích kỷ như vậy?
Nhưng Chúa à, con không dối được Chúa đâu, mắt Chúa đang nhìn vào mắt
con đấy, Chúa đang biết rõ con, con vẫn thương Hồng Phương nhiều, nhiều
lắm, nhiều hơn con ước đoán nữa. Tình bạn có những trầm ấm thiêng liêng
đến độ con không ngờ được. Con vẫn không ghét Hồng Phương nổi, tội
nghiệp cô bé mà cũng buồn cho con nữa, cả hai đều có mặc cảm quá lớn để
hiểu lầm và đang xa nhau như hai thái cực.
Những lúc đứng buồn bã bên hành lang vắng lặng, những lúc tì tay bên
bao lơn, nhìn những áng mây phiêu bồng, những hạt mưa giăng tóc xõa,
những giọt nắng thủy tinh vàng sóng sánh gieo đều đặn trên sân trường,
những ngày tháng chắp nối trong khoảng trống ngột ngạt lạnh lùng, em cứ
tưởng mình đang mê, mình đang ngủ mê: ngày trước, hôm trước, nơi đây có
hai đứa mà, sao bây giờ chỉ có một đứa thôi? Sao thế nhỉ? Em cứ tưởng
tượng có tiếng mây, tiếng gió đang hỏi em và than thở giùm em – Sao thế
nhỉ? Sao thế nhỉ? Em muốn hét lên, bịt tai, lắc đầu để đừng nghe nhưng
từng tiếng như vang vọng từ một cõi hư vô nào vẫn rót vào tai em đều đều
– Giận nhau à?? Thật không đấy?? Hay là cô bé giả bộ? Lần này thì em
rơi nước mắt. – Thật mà! Em không giả bộ đâu, em có muốn vậy đâu?! Mây
cười chế giễu – Tội nghiệp chưa! Cô ấy đứng sau lưng cô bé kìa… – Vậy
hở? Em thảng thốt kêu lên, quay lại tìm kiếm. Nơi cuối hành lang có hình
dáng một mầu áo dài, gương mặt búp bê Nhật Bổn buồn buồn, cây nạng đỡ
lấy vai, bàn chân trái mang giầy đen kín, đôi mắt đó nhìn em thật lâu
rồi tất cả nhạt nhòe, tan mất. Em mở to mắt – Đâu, đâu rồi?? – Tiếng bác
gió quái ác – nãy giờ tôi đùa cho vui đấy mà, cô bé giàu tưởng tượng
chưa?! – Em quay lại nhìn trừng trừng vào hành lang. Không! Không có gì
hết, không có gì hết! Chỉ có… gió thôi…
Chuông vào học reo vang, trong bước chân bềnh bồng, em trở về lớp,
nhưng khi đi ngang nhà nguyện em mới nhớ ra 2 giờ sau nghỉ. Cửa nhà
nguyện mở toang, em bước vào không lưỡng lự. Bên trong có người ngồi lác
đác trên những dãy ghế, cũng có kẻ quỳ, tất cả đều bất động im lìm
trong bóng chiều mờ sương mưa, nền gạch hoa loang loáng ánh đèn chừa ra
một lối đi thẳng tắp đến chỗ Chúa, đến ánh đèn đỏ bên góc tường. Em nhìn
chung quanh, ai cũng cùng màu áo dài, họ giống nhau ở chiếc miệng lâm
râm, đôi mắt mở to kính cẩn nhưng mắt thì có người trong sáng hồn nhiên,
họ quỳ trong chốc lát rồi ra, có đôi mắt như bị giăng che bởi một đám
mây mù, họ gục đầu một lúc sau khi cầu nguyện rồi mới rời khỏi ghế, mái
tóc xõa dài rung rung trên vai, những giọt nước bừng đọng trên mi lấp
lóa ánh đèn đỏ yếu ớt, ánh đèn néon sữa loãng lúc đi ngang em, ngang dãy
ghế đầu rồi vòng xuống dưới. Ôi, những gì đã làm cho họ đau đớn đến
thế? Làm họ phải cầu cứu tội nghiệp với Chúa như thế. Em cũng cầu cứu
với Chúa đây “cầu cứu tội nghiệp”! Có phải chính em đó không?? Em không
biết! Con không biết, Chúa ạ! Không ai hiểu con hết!
Em nhắm nghiền mắt, xua đuổi mọi ám ảnh buồn phiền trong khi bàn tay
phải đặt nhanh lên trán làm dấu Thánh Giá. Nhân danh Cha và Con và Thánh
Thần. Amen. Trong tiếng thì thầm buồn bã cưu mang bình yên đến tâm tư
đó, em nghe loang loáng từng thoáng gió lướt trên má lẫn tiếng gió thu
ào ào đổ rung cây ngoài trời…
5
Có một buổi sáng trời lười nắng, chỉ có những cụm mây vẩn đục bầu
trời, sắp đến giờ vào học. Còn những 15 phút nên em vào thư viện, bạn bè
ở trong lớp cả rồi. Thư viện thật trống vắng, những kệ gỗ chạy dài,
sách báo đầy mắt. Nơi quen thuộc nhất của em là chiếc ghế gần cửa sổ
kia, ngồi đó nhìn xuống khoảng không gian thu hẹp qua khung cửa sổ dưới
kia thì hẳn là thích thú khác thường. Đó là một trường tiểu học thật nhỏ
bé, vào khoảng mười mấy lớp vây hình chữ U trên khoảng đất vuông vắn,
học sinh mặc đồng phục màu hồng, buổi sáng, buổi chiều, những bóng hồng
đuổi bắt dưới sân, toàn là màu hồng khả ái chập chờn trong vùng đất Ngây
Thơ. Ở giữa có cột cờ cao cao, đầu mỗi tuần chúng em lại nghe vang vang
bài Quốc Ca hùng hồn hát rập ràng trên những chiếc miệng bình thường
líu lo đủ mọi âm điệu như chim sẻ, thế mà giờ đây cũng biết nhíu lại
từng nét suy tư trên vầng trán khi miệng thốt tiếng nói của dân tộc, của
hồn thiêng sông núi, khi mắt nhìn lá cờ phấp phới bay bay uy nghi trong
nền trời Việt.
Những tiếng lộc cộc tiến dần đến cửa thư viện làm em ngạc nhiên vô
cùng, em nghĩ rất nhanh đến Hồng Phương trong nỗi bối rối muộn màng khi
biết mình phải thụ động, phải chấp nhận cái gì xảy ra. Chúng em chả chạy
trốn nhau đó sao, chúng em chẳng có một khoảng trống của tình cảm bị
sứt mẻ chen giữa hai đứa đó sao, Hồng Phương đã giận em rất nhiều còn em
câm lặng vì không giải thích được sự vô tình tai hại của mình đó sao?
Thế nhưng tại sao Hồng Phương lại đến đây khi sự vắng mặt em ở trong lớp
đã chứng tỏ em ở đây. Cô bé ấy dự tính một chuyện gì trọng đại đây? Em
không tự hỏi lâu vì khuôn mặt, vóc dáng cô bé đã xuất hiện nơi ngưỡng
cửa, đứng sững ở đấy, chiếc nạng cắp một bên vai, mắt Phương mở to,
nghẹn ngào. Phương nhìn em, em nhìn Phương chỉ với cái nhìn trao đổi đó,
chúng em mới thấy sự im lìm của thư viện mới đáng sợ xiết bao. Sách,
tủ, bàn ghế đều bật dậy, có sự sống, có ánh mắt như những chứng nhân vô
tư đến lạnh lùng.
Nhưng em đã đoán lầm, bước chân của Phương chỉ tiến đến đó rồi dừng
lại, rồi cũng thật bất ngờ, cô bé lùi lại, mím chặt môi, hất tóc ra sau
như bất cần và tập tễnh chống nạng quay nhanh về lớp học ồn ào, huyên
náo. Những tiếng lộc cộc vang dội hơn bao giờ hết làm em khổ sở, ôm đầu
ngồi phịch xuống ghế. Em đã làm gì vậy?! Em không có tội tình gì hết mà!
Tại sao cô ấy lại vô lý đến thế được? Hồng Phương đã nghĩ gì để có cử
chỉ đó với em??
Em lại giận em nữa, tại sao đã có dịp thuận tiện mà không đến phân
trần với Phương, tại sao chỉ biết bất lực nhìn vết rạn to dần giữa hai
đứa mà không biết làm gì cả? Không, không phải em không có can đảm, em
hèn yếu mà tại tự ái của em. Nó không cho phép em mở miệng nhũn nhặn yếu
kém để van nài với kẻ ngang hàng, em không có lỗi gì nữa mà? Cô ấy hiểu
lầm em mà em thì vô tình! Khổ chưa! Cả hai đều khổ mà em không biết
phải làm sao? Làm sao? Em đã lập lại câu hỏi đó biết bao lần mà không
trả lời nổi. Khổ cho em mà khổ cho cô bé nữa, cả hai bị ràng buộc trong
cái vòng lẩn quẩn của tự ái và mặc cảm. Dẫu biết thế, dẫu hiểu thế mà em
vẫn không sao tránh khỏi, em rối trí quá đi thôi!
Rồi ngày đó cũng trôi đi nhưng đêm đó lại không trôi qua êm đềm như
em tưởng và luôn mấy đêm kế tiếp như thế. Mỗi khi nằm xuống giường, mỗi
khi bắt đầu ngủ thì tiếng lộc cộc khô khan, gay gắt gõ trên sàn gạch như
nhốn nháo lên trong căn phòng cùng với ánh mắt đẫm lệ của Hồng Phương
bám chặt em làm em choàng tỉnh, em ngồi dậy thì những âm thanh những
hình ảnh ấy biến mất, chỉ còn lại tâm tư em ray rứt, ăn năn, em có độc
ác quá không?! Chắc một nơi nào đó trong thành phố cô bé cũng không ngủ
được như em, không ngủ được vì buồn tủi, vì cho em nhẫn tâm chế nhạo sự
bất hạnh của cô bé! Hồng Phương có biết đâu, chỉ mỗi một sự vô tình đó
mà cô bé đã hủy hoại kỷ niệm của 2 đứa, đã làm cho em rơi nước mắt mà
cũng không chắc cô bé có giữ được nước mắt hay không và mấy hôm nay lại
thêm ngủ không được. Và lần đầu tiên em nghĩ mình phải dẹp bỏ tự ái, ít
nhất trong trường hợp nầy. Chắc chắn sau những khổ sở dằn vặt, con người
luôn luôn có khuynh hướng tìm hiểu nhau. Em nghĩ thế và sự dẹp tự ái để
làm hòa của em không đến nỗi vô ích cho lắm. Nhất định làn sương kỷ
niệm, tòa lâu đài tình thương không tan loãng, không rời rã nhau chóng
như thế. Mà em không cố ý cơ mà, chắc cô bé sẽ hiểu và xóa bỏ mọi ác cảm
dễ dàng. Những nơi nhà nguyện, hành lang thư viện sẽ không còn là những
nơi mà em âm thầm dẫm bước để tiếc nhớ, để chắt chiu từng hạt cát kỷ
niệm cho riêng mình mà sẽ có hai đứa cùng chắt chiu, cùng gìn giữ như
gìn giữ giọt ngọc đọng trên mắt để cửa sổ linh hồn ấy sáng thêm lên chứ
không cho chúng trào ra tan vỡ trên gò má rưng sầu, như gọi lại những
ngày tháng của biển mắt ngọt ngào không phai, không nhạt, như tìm về thứ
êm đềm của thánh đường một thuở rực son, vàng áo lụa, hồng lên má Hồng
Phương…
6
Mắt em như nhòa đi, tai em ù ù, bàn tay run rẩy níu vào thành bàn một
cách vô vọng, em không ngã xuống nổi đâu, em còn giữ em được trong thế
đứng thẳng người đây mà. Mắt em vẫn mở căng và cố gắng nghe từng tiếng
ngậm ngùi của soeur Hiệu Trưởng. Trời ơi, có thể thế được sao soeur?
Thường thì lời trên môi các soeur vẫn êm dịu, vẫn hiền hòa như cánh
trắng dịu dàng chim bồ câu đem Phúc âm đến, thế sao nó có ý nghĩa khủng
khiếp như lần nầy được hở soeur? Em không nghe nổi nữa. Bên tai em như
có tiếng nổ long trời của trái hỏa tiễn 122 ly cắm phập xuống nhà Hồng
Phương một đêm tối hãi hùng, nhà cô bé vỡ tung và không còn ai mở mắt
nhìn thấy ánh mặt trời sớm mai sau đêm đó nữa. Hồng Phương ơi cô bé có
tội gì đâu, mười mấy tuổi đầu trên đất nước chiến tranh, môi còn hồng
mắt còn thắm, chính Thượng Đế đã bắt cô bé thiếu phương tiện di chuyển,
đã bắt cô bé lớn lên trong mặc cảm vun đầy trái tim nhỏ bé thế tại sao
Phương còn phải chịu một thảm cảnh xót xa như thế này hay là tại cô bé
mang tội đã sinh ra làm người, một thứ tấm bia để hứng chịu những hậu
quả của lòng tham vọng tột cùng, những đau đớn do những người manh tâm
tạo ra tội làm người trên một đất nước trường chinh bao nhiêu năm??!
Còn em, lời ăn năn trần tình sẵn đêm qua để đâu rồi, Hồng Phương cô
bạn đáng thương của em đâu rồi? Sao mới hôm kia còn gặp mặt mà hôm nay
tiêu tán nơi nào rồi? Cô bé ơi! Linh hồn rướm máu của cô bé có xuôi
ngang đây không, cho em được nói tất cả những lời tha thiết tự đáy tim:
Phương ơi, Phương hiểu lầm mình đó, mình chả bao giờ mỉa mai, chế giễu
Phương đâu, mà còn thương cô bé ghê lắm là đằng khác, nếu có giận mình,
nếu còn ánh mắt gay gắt rướm lệ thì cho mình xin lỗi trăm lần ngàn lần
Phương nha? Thôi từ nay hãy khép kín mắt trong bóng tối bình an của mỗi
đời người đó đi Phương, chả ai quấy rầy làm cô bé hờn giận nữa đâu!
Soeur Hiệu Trưởng đứng thẳng người hơn, nghiêm nét mặt nhìn xuống
phía dưới học trò, những khuôn mặt tinh nghịch nhất cũng trầm lặng vẻ
trẻ con lại, giọng soeur buồn buồn, mặt hơi cúi xuống:
– Chúng ta hãy cầu nguyện cho người bạn không may đi, các con!
Tiếng tíc tắc của đồng hồ trở nên to hơn, những cái đầu cúi xuống tư
lự. Chúa ơi! Định mệnh lúc nào cũng đến trước dự tính của con cả, con đã
“nói” với Phương rất nhiều nhưng con vẫn cảm thấy chưa đủ khi còn cô bé
trên đời, tại sao con lại không lấy đủ can đảm, can đảm dẹp bỏ tự ái để
nói, bây giờ thì muộn mất rồi! Và cũng tại con nữa, con đã xin Chúa che
chở cho cô bé hôm vào lớp trễ mà không cầu nguyện Chúa che chở cho cô
bé suốt cuộc đời, tại con phải không Chúa??
Khoảng trống nơi bàn nhất từ nay sẽ trống mãi dưới mắt em, sẽ không
bất cứ một cô bạn nào thế chân cô bé được đâu. Ôi tình thương, ôi kỷ
niệm, những thứ đó sao xa hoa quá để em không với tới chúng. Những nhà
nguyện, hành lang, thư viện, những giọt nước mắt lấp lóe ánh đèn đỏ, đèn
néon sữa loãng, những bờ môi động đậy âm thầm, mầu đỏ gụ lặng ngắt của
dãy ghế, những dáng người quỳ xuống trong bóng chiều mờ sương mưa, những
hình ảnh ấy giờ em còn gìn giữ để thương nhớ ai đây?? Để buồn bã vì ai
đây?? – Có ai đâu, có ai đâu… ! Cô bé ấy đã bỏ em đi thật xa rồi…
Tiếng kinh cất từ miệng soeur Hiệu Trưởng hòa trong tiếng chúng em
cao vút lên chớn chở như xoáy tròn, như quấn quýt lấy chỗ trống bàn
nhất. Em cũng hát, cũng hé miệng, cũng nhìn lên Chúa nhưng em có biết gì
đâu? Có thấy gì đâu? Mắt em bỗng hoa lên kỳ dị, tai em mơ hồ như có
tiếng lộc cộc, vang lên đều đặn ở nấc thang lầu lên tới lớp, những tiếng
vang khô khan, ngắn ngủi làm óc em nhức lên như búa bổ, chúng rền rĩ
làm nẩy tung mọi vật trong phòng rồi xoay tít, xoay tít tất cả như chong
chóng…
Linh Hương
(bút nhóm Thương Linh)
(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 115, ra ngày 1-10-1969)