Thứ Ba, 23 tháng 10, 2018

Tiếng Hú Trên Đỉnh Non Chà Hóc_CHƯƠNG HAI




CHƯƠNG HAI


Mặt trời lên đã khá cao, nhuộm vàng cây cối, nhưng dân Nước Ràng chưa ai dám lên nương rẫy. Tiếng hú đã tắt từ khi bìm bịp trở canh báo hiệu ngày về.

Thằng Kha Li thập thò trên cửa nhà sàn, nhiều lần muốn leo xuống đất đi lấy nước suối nhưng vẫn không dám quyết định. Bà Bù Đốp, mẹ của thằng bé, bảo con:

- Nhịn uống một bữa. Đừng ra suối nước bây giờ.

Kha Li hỏi mẹ:

- Rồi ta nhịn suốt ngày nay, ngày mai, nhịn luôn được sao, hả mẹ?

- Phải uống nước chứ. Nhưng đợi người ta cùng đi với mình.

- Đợi đến bao giờ, hả mẹ? Hồi khuya đã nghe mẹ kêu khát nước nhiều rồi, mà mấy cái ống lồ ồ không còn một giọt. Để gọi thằng Ray xem sao.

Rồi nó thò đầu ra cửa, hướng về nhà sàn trước mặt, kêu to:

- Ray ơi, đi lấy nước suối không mày?

Tiếng lảnh lót của thằng bé vang lên trong buổi sớm mai, phá tan cả sự im lặng nặng nề. Ông Kiu ở nhà bên cạnh trợn mắt nhìn về phía nó. Ông định bảo nó im đi, nhưng thằng Ray đã đáp lại:

- Đi chớ. Tao khát nước nhiều lắm đấy, Kha Li. Gọi anh Xiu Bân đi với bọn mình, gọi thằng Min Pay, cả thằng Cha Rít, Cha Reo đi nữa.

Giọng của thằng Ray ngọng nghịu, ồ ồ vang lên giữa buôn mang chút không khí tươi tỉnh đối với mọi người. Ông Kiu lại rụt đầu vào. Đây đó có tiếng bọn trẻ ồn ào xao động.

Anh Xiu Bân đã từ xa đi lại, vai mang mấy ống lồ ồ dài ngoằng, tay cầm một chiếc dáo dài chĩa lưỡi nhọn hoắt đã được mài sáng, lóng lánh ánh nắng ban mai. Anh là thanh niên khỏe mạnh, cao lớn, đôi vai rắn chắc như con gấu rừng, dáng đi khoan thai vững vàng như con cọp núi. Anh yêu lũ trẻ, kính các người già, được lòng thương mến của các dân buôn. Ông già Bu Then thường trách anh quá hung dữ những khi nổi giận. Nhưng khi cơn giận qua rồi, anh lại hiền lành như một con nai.

Xiu Bân đứng thẳng giữa sân, tay cầm cây dáo chống trên nền đất, gọi to:

- Ra suối lấy nước!

Tiếng anh truyền đi như một mệnh lệnh. Những đứa trẻ nhỏ chạy ra trước tiên, rồi các chàng trai và những cô gái, mỗi người mang ở trên vai nhiều ống lồ ồ choàng bằng một sợi dây mây. Nơi tay mỗi người đều có cây dáo hoặc chiếc rựa trành.

Đám người tiến ra phía cổng rồi rẽ bên trái, đổ xuống một triền dốc xuôi dẫn về suối nước. Ông già Bu Then im lặng theo họ cho đến đầu dốc và đứng lặng yên chong tai về phía đỉnh non Chà Hóc bây giờ chói chang ánh nắng ban mai. Chỉ có tiếng rừng xào xạc, tiếng suối rì rầm và những tiếng chim vỗ cánh trong những lùm cây vọng lại.

Suốt ngày dân buôn sống trong đợi chờ thắc thỏm về một tai họa lớn lao có thể giáng xuống bất cứ lúc nào. Trời vừa nghiêng bóng về chiều, khi màu xanh của đỉnh non Chà Hóc đã chuyển sang màu tím đậm, nỗi thắc thỏm ấy trở thành một sự hốt hoảng mỗi lúc càng tăng. Phù thủy Sa Keo ra đi từ lúc mờ sáng khi tiếng hú vừa lịm tắt, núi rừng còn phủ dày đặc khói đá mịt mù, cho đến bây giờ vẫn chưa thấy lão trở về. Chẳng biết lão có hỏi được chút tin tức gì về tiếng hú không? Chẳng biết lão còn hay lão đã chết? Mọi ngày ít ai quan tâm đến lão, bây giờ lão thành một nỗi mong đợi của cả dân làng.

Khi nắng vừa tắt, hoàng hôn choàng tấm màn đen u ám lên trên cây lá và ngọn gió lạnh lao xao từ các đỉnh xa quẳng xuống ồ ạt dưới các lũng sâu  báo hiệu ngày tàn, thì lão phù thủy xuất hiện ở ngoài cổng buôn. Lão bước xuống ngựa, thả cho con vật tự nó đi về ngôi nhà của ông chúa làng. Lão đi chệnh choạng nặng nhọc như tuồng mệt mỏi sau cuộc  ẩu đả với loài ác quỉ, tấm dồ bung ra lòng thòng chực rơi xuống đất.

Dân làng muốn chạy ra để hỏi lão nhưng không ai dám rời khỏi khung của nhà sàn. Khi lão chân thấp chân cao tiến vào giữa sân thì ông Bu Then cũng đã xuống khỏi thang gỗ, đi về phía lão.

Sa Keo dừng lại, hơi thở mệt nhọc, nồng nặc mùi rượu.

- Thế nào, Sa Keo? Có biết thêm được gì không?

Lão phù thủy nheo mắt nhìn ông chúa làng, im lặng. Ông Bu Then cũng chăm chắm nhìn vào mặt lão, đợi chờ. Một lát lão mới cất giọng khàn khàn nói lớn:

- Cho gọi dân làng ra đây!

Ông chúa làng quay về các ngôi nhà sàn kéo dài, đối diện hai bên sân buôn, cất giọng run run của một con người cố nén tức giận, gọi to:

- Ra hết ngoài này!

Lập tức người ta lũ lượt kéo đến vây tròn lấy ông chúa làng và lão Sa Keo. Lão phù thủy bảo:

- Đốt lửa lên đi!

Xiu Bân và một số người trai trẻ chạy đi vác củi dồn thành một đống giữa sân. Thoáng chốc lửa được nhóm lên, dần dần lè các lưỡi vàng liếm các thớ gỗ, bốc cao, tỏa sáng một vùng rộng lớn, soi tỏ đây đó những gương mặt đầy khắc khoải điểm những cặp mắt long lanh chờ đợi.

Ông Bu Then từ từ đến gần đống lửa, cầm lấy một cành củi lớn đang cháy rừng rực, quơ lên ra dấu cho mọi người im:

- Dân làng nghe đây! Sa Keo có chuyện nói với các người. Các người ngồi xuống, nghe Sa Keo nói.

Rồi ông chậm chạp lùi lại, đứng ở một góc. Sa Keo lảo đảo tiến ra, khuôn mặt đỏ bầm vì rượu càng được ngọn lửa chiếu đỏ rực lên một cách quái đản. Lão nhìn vòng quanh dân làng, đảo đi đảo lại đôi mắt ốc nhồi dưới những chân mày đen sậm xếch ngược, rồi với giọng nói của kẻ bề trên, lão ta truyền lệnh:

- Hỡi dân Mơ-Nông, ở buôn Nước Ràng, lắng nghe lời ta khuyên bảo!

Lão dừng lại, đằng hắng sửa giọng, lắc lư cái đầu, nói tiếp:

- Đêm qua tiếng hú từ ngọn núi cao thổi luồng ma quái về đây, đe dọa dân làng. Tiếng hú báo hiệu tai họa, báo hiệu chết chóc, các người biết không? Tiếng hú có thể giết hết chúng ta, nhổ hết cây rừng, xô hết đá núi, tiếng hú có thể vùi lấp chúng ta xuống những hố sâu thăm thẳm như lòng địa ngục.

Lão lại dừng lời, ưỡn ẹo thân mình, nhảy múa nặng nề trước lửa, rọi cái hình bóng chập chờn quái đản trên mặt sân buôn. Trong khi đôi tay khuỳnh lên trên đầu, đôi chân bước tới bước lui gập gãy với một nhịp điệu lảo đảo thì miệng lão đọc không ngừng những tiếng líu lo xa lạ, những câu bùa chú bí hiểm mà những dân buôn chỉ biết im lặng ngồi nghe với lòng thành kính.

Rồi lão nghỉ múa, nhìn quanh, nói tiếp:

- Sa Keo thương cho dân làng, đi suốt ngày nay đón hỏi hồn ma, vía quỉ lạc loài trong núi. Sa Keo đã hỏi những cây cà tang già nhất trong rừng, đã hỏi những tảng đá chồng cao nhất trên non, những gì hiểu được cuộc sống âm u bí ẩn của chốn rừng thiêng. Sa Keo cũng đã hỏi gió, hỏi mây, nghe những tiếng chim trò chuyện, đón những tiếng suối thì thầm. Sa Keo muốn biết vì đâu mà có tai họa lớn lao giáng xuống làng ta. Một ngày vất vả từ sáng đến chiều, Sa Keo thật đói thật khát, nhưng không kể gì khó nhọc. Hãy cho ta một hũ rượu để cho ta có sức mà nói tiếp lời.

Lão dứt tiếng nói, thở nghe khò khè mệt nhọc, rồi lại loạng choạng đến ngồi bên lửa, riu ríu nhắm mắt. Ông cụ Y Rít vội vã kéo theo một gã trai trẻ về ngôi nhà sàn của mình khệ nệ bê ra một hũ rượu cần đầy ắp. Ông đặt vò rượu trước mặt lão phù thủy, chìa cái cần trúc chạm vào môi lão. Sa Keo giật mình, choàng mở to mắt, hai tay cầm vội lấy cái cần rượu cho vào trong miệng nuốt lấy ừng ực. Một lát chừng đã no đầy, lão lại chuếnh choáng đứng lên, khạc mấy tiếng lớn nói tiếp:

- Hồn ma, vía quỉ, đá núi, cây rừng, và chim, và suối tất cả đã cho ta biết sự thực về tiếng hú rồi. Các người có biết tiếng hú từ đâu mà đến đây không? Cho đến khi nào con suối ngược dòng về đỉnh non cao, và đá trổ hoa kết trái các người cũng không thể nào biết được. Chỉ có một mình Sa Keo hiểu rõ điều đó mà thôi. Sa Keo có thể nghe biết tiếng nói ma quỉ và của muôn loài.

Lão lại cúi xuống, ừng ực nốc rượu, đoạn thở phì phò, nói tiếp:

- Hãy nghe ta nói, hỡi dân Nước Ràng khốn khổ! Tiếng hú vang động đất trời là của một loài quỉ lớn. Con quỉ đã bị ngọn núi Chà Hóc đè bẹp từ một ngày xưa, khi con người chưa mọc đôi tai và thú rừng còn chưa có đôi mắt. Nó có cái đầu to bằng nhà làng của ta, cái miệng rộng bằng vũng nước Ca Lang mà trâu ta vẫn xuống nằm. Những cái răng nó to hơn các cây nhiều tuổi mọc cao trong bụng rừng già, tiếng thở của nó có thể biến thành giông bão xô ngã những gì bám trên mặt đát, sườn non. Bây giờ con quỉ ấy đã ngoi đầu lên được khỏi chân núi, nhưng cái mình nó thì còn lún sâu ở dưới đất đen. Nó kêu thảm thiết vì nó đau nhức và nó đói khát. Mới trồi dậy được nó đã nhúng đầu uống cạn dòng suối Tồ-ôi quanh năm vẫn chảy dưới sườn Chà Hóc. Con quỉ uống cạn không còn một giọt, đến nỗi con người đi giữa Tồ-ôi như đi giữa khoảng sân buôn. Rồi cũng có lúc con quỉ nó vùng dậy được, nó sẽ luồn lõi đi trong rừng già, chạy nhảy trên các sườn non, phá phách nương rẫy chúng ta. Lúc đó chúng ta sống làm sao được? Chúng ta sẽ phải chết hết.

Dân làng ngồi yên nghe lão Sa Keo vừa nói vừa uống rượu cần, vừa đi lảo đảo chập chờn bên đống lửa hồng. Câu chuyện của lão làm cho mọi người cảm thấy ớn lạnh, mặc dầu ngọn lửa vẫn rừng rực cháy tỏa nồng hơi nóng chung quanh. Ông già Bu Then đứng im như một cây khô, cặp mắt hõm sâu vẫn nhìn chăm chắm vào tên phù thủy. Khi lão Sa Keo ngừng lời, cúi xuống ngậm vào cần rượu, ông chúa làng mới ôn tồn hỏi lão:

- Sa Keo, nói đã hết lời chưa đấy?

Lão phù thủy vẫn cắm cúi nuốt rượu ừng ực không buồn trả lời. Ông già hỏi lại:

- Sa Keo, còn gì để nói nữa không?

Tức thì Sa Keo ngẩng đầu, giương to cặp mắt ốc nhồi đỏ lòm gân máu đảo nhìn chung quanh, hai tay dài nghêu ôm lấy vò rượu và nói bằng giọng giận dữ khác thường:

- Ta nói chưa xong!

Tiếng lão thét lên khiến cho mọi người nín lặng. Một số cúi đầu không dám bắt gặp cái nhìn tóe lửa từ đôi mắt lão phóng ra. Anh Xiu Bân ngồi cạnh ông chúa làng, bám chặt hai tay xuống mặt sân buôn, cố nén một sự bực tức trong lòng. Ông già Bu Then là người đáng phải được sự kính nể nhất làng, là người nắm cả vận mạng của buôn, không ai được quyền có một cử chỉ xúc phạm. Từ trước đến nay ông đã đem hết tấm lòng lo lắng cho dân làng này, ông được mọi người tôn trọng, thương yêu. Vô lễ với ông, tức là khinh miệt dân buôn, điều đó không thể nào tha thứ được. Nếu con quỉ dữ trên đỉnh Chà Hóc không làm cho anh kiêng nể Sa Keo thì Xiu Bân đã xách lão phù thủy ném ngay vào đống lửa rồi.

Sa Keo nhận thấy mọi người nín lặng trong một dáng điệu phục tùng, lấy làm bằng lòng. Lão cất tiếng cười ằng ặc rất là khoái trá, rồi lại lảo đảo đứng lên, vừa nói vừa vung đôi tay dài nghêu như hai con rắn chờn vờn:

- Hỡi dân Nước Ràng, đêm nay các người có thể ngủ yên trong các nhà sàn. Ta đã khẩn cầu ma quỉ đừng kêu gào nữa. Để mua sự yên ổn đó, dân làng của  ta cứ ba ngày một sẽ xin cúng một con trâu để cho quỉ nguôi cơn đói. Hãy nghe lời ta bảo, đem trâu mà thế mạng người!

Ông Bu Then nói:

- Trâu ăn hết rồi, lấy gì để nuôi quỉ dữ?

Sa Keo quay lại nhìn ông, cười gằn:

- Hết trâu, còn có heo đấy.

- Hết heo rồi sẽ làm sao?

- Sa Keo sẽ bảo quỉ dữ tìm ăn nơi khác. Ở khắp núi rừng còn có nhiều buôn sẵn lắm con mồi.

Ông chúa làng vẫn ôn tồn:

- Một lúc nào đó, không nơi nào còn trâu heo, lấy gì để nuôi quỉ dữ?

Sa Keo quắc mắt:

- Chúng ta sẽ nộp thịt người.

Ông Bu Then bèn đáp lớn:

- Không, không thể nộp thịt con người cho loài ma quỉ!

Sa Keo gầm gừ:

- Ma quỉ mạnh lắm, không sao chống lại được đâu, đừng có nói liều.

Ông Bu Then đáp:

- Không thể đương đầu với nó, chúng ta rời bỏ nơi đây mà đi. Chúng ta làm lại nương rẫy, dựng lại cửa nhà.

Sa Keo sặc sụa cười lớn, rồi lão lắp bắp nói như líu lưỡi:

- Đi đâu cũng không thoát khỏi ma quỉ... ở trong hơi gió, ở trên đầu non, ở dưới ngọn suối đều có ma quỉ chờ các người đó. Các người không có... bùa phép... không... chống... ma quỉ được đâu. Chỉ có Sa Keo... mới cứu nguy được... dân làng. Chỉ có Sa... Keo... Sa Keo...

Lão gục đầu xuống, lảo đảo ngã khuỵu trên nền đất, ú ớ những tiếng lạ lùng khó hiểu, miệng trào nước rượu hôi nồng.

Đống lửa đã tàn. Ông Bu Then gọi hai người lực lưỡng khiêng lão về nhà. Khi mọi người đã lần lượt ai về nhà nấy, ông thấy Xiu Bân vẫn ngồi yên bên đống lửa. Ông bước lại gần, đặt cái bàn tay xương xẩu, gầy gò lên vai khỏe mạnh của chàng trai trẻ:

- Ngồi làm gì đấy, Xiu Bân?

Xiu Bân ngước lên trìu mến nhìn ông chúa làng:

- Nghĩ về con quỉ, ông Bu Then à. Ngày mai, sẽ bắt trâu của ai đây?

- Hãy đi từ nhà đầu buôn cho đến cuối buôn. Đi hết dãy nhà bên mặt trời lên rồi đến dãy nhà bên mặt trời lặn.

Tiếng của ông già nhỏ yếu như tiếng thở dài. Xiu Bân tưởng nghe những lời thì thầm vẳng lại từ một đống lửa lụi tàn đang cố giữ chút ánh sáng thoi thóp giữa trời đêm lạnh bao la.

__________________________________________________________________ 
Xem tiếp CHƯƠNG BA

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>