Vẫn như thế, giọng nói đanh thép, ngắn, gọn, rổn rảng, xen với âm hưởng lạnh lẽo của nhà vua bao giờ cũng thế:
- Gia đình tội nhân đã nạp được bao nhiêu gia súc rồi?
Tể tướng Tân Du cúi mọp xuống, điệu bộ bợ đỡ cố hữu mọi ngày:
- Tâu bệ hạ một bầy bò, một đàn dê, còn gà vịt vô số kể! Ngoài ra còn có cả thớt voi mà bệ hạ vẫn ngợi khen...
Với một nụ cười thỏa mãn trên vành môi khô khan, nhà vua khoát tay:
- Nó oan đấy! Chắc có nhiều kẻ thù oán. Ta tha!
- Tâu bệ hạ, y sẽ được về nhà trước tối hôm nay.
- Nhưng còn dân chúng? Ta vẫn muốn dân chúng phải được thỏa mãn, phải được chứng kiến cuộc hành quyết.
- Tâu bệ hạ cái đó không khó gì. Mọi người đứng đằng xa vẫn sẽ thấy đao phủ khai đao... và một cái đầu rơi xuống.
Nhà vua hơi ngạc nhiên đưa mắt nhìn, Tân Du mỉm một nụ cười nham hiểm:
- Xin bệ hạ cứ tin cậy ở kẻ hèn mọn này. Một tên vô danh tiểu tốt nào đó kiếm được không khó.
- Ngươi là một kẻ thông minh hiếm có. Truyền tội nhân không được xuất hiện trong vài năm để mọi người quên đi. Nó phải được bí mật đưa ra khỏi kinh đô trước rạng đông ngày mai.
- Xin phụng mệnh!
*
Nhà vua đã trị vì vương quốc của ông ta bằng đường lối xảo quyệt ấy. Có thể nói ông ta không sợ gì ở thế gian này. Nhưng một ngày kia cơn sợ hãi bỗng thoáng đến với ông từ một cơn mơ, rồi nó ám ảnh nhà vua suốt ngày. Nhà vua đã mơ thấy triều đại của ông ta đã sụp đổ : tử thù của ông lên kế vị, ông bị dẫn bộ đi khắp trong nước, đến đâu ông cũng bị ném đá, rồi cuối cùng ông phải chịu án tử hình hết sức nhục nhã. Linh hồn ông không được lên Niết Bàn.
Liên tiếp cơn ác mộng ấy tái hiện như một điềm báo trước, kẻ hầu hạ ông run sợ mỗi khi ông đến gần.
Qua ngày thứ tư, ông ẩn vào một dinh thự ở xa và cấm không ai được đến phá rầy cảnh cô tịch của ông. Truyền xong, ông mặc áo vải sô, cho cắt các móng tay dài của ông mà trước kia đều được bọc bằng những ống chạm vàng, và ông nhịn ăn.
Khi ông trở về triều đình, ít ai nhận ra ông là vua: phong mạo kiêu căng ngày trước đã được thay thế bằng một dáng điệu khiêm tốn. Ông nói nhỏ nhẹ và hỏi các thượng thư những ý kiến xây dựng, nhưng dĩ nhiên ai dám trung thực nêu lên.
Các nhạc sĩ và ca sĩ trước kia có nhiệm vụ luôn luôn gây một hòa điệu thường xuyên tại Hoa Viên nay được lệnh nghỉ. Khắp nơi hoàn toàn im lặng như một nghĩa địa.
Viên thái giám lầm tưởng long thể bất an, quì xuống tâu lên:
- Tâu bệ hạ, 10 nữ đồng trinh đẹp nhất nước đã đến từ hôm qua và đang chờ đợi lệnh của ngài.
- Khanh hãy cấp cho họ của cải và trả họ trở về lại với gia đình.
Đến lượt Tân Du thưa trình:
- Tâu bệ hạ các thủ phạm trong vụ trộm vàng nhà quan thượng thư đã bị bắt. Nhưng bộ hạ của chúng đã nổi lên quấy phá...
- Hãy qui tất cả các tội trạng của thần dân vào cho trẫm, vì trẫm không nêu gương tốt. Nên nhớ những triều đại quí hóa ngày xưa. Các vị tiên đế của ta đã thực hành công khai những đức tính tốt và nhân gian từng noi theo. Kể từ hôm nay, trẫm sẽ ăn năn và sống theo gương các tiên đế.
Tất cả quần thần đều cúi đầu. Họ không hiểu lý do về sự thay đổi đột ngột ấy, và không ai tin là sự thật! Họ sợ đây chỉ là sự thử thách ác nghiệt để dò phản ứng của họ. Phải rồi, chỉ có im lặng là một thái độ dè dặt nhất, vì có thể họ sẽ thấy con Hổ vùng dậy!!
Thế nhưng, ngày qua tháng lại, nhà vua vẫn không thay đổi thái độ nào mới. Nhà vua nói với vị tể tướng rằng:
- Thượng đế đã hài lòng, rõ ràng Ngài đã tha thứ cho ta. Hãy xem, đã hơn 100 ngày nay, mặt trời không ngừng soi sáng cung điện và làm chói mắt ta!
Tân Du chợt cảm thấy đầu ông ta lắc lư trên vai, đây là việc ông ngại hơn gì hết.
Đã hơn 100 ngày nay, một sự nóng bức, sau mấy tháng hạn hán, đã giáng xuống khắp nước, mùa màng đã bị hư hại, có thể bị tiêu tan hết, dân gian cầu van các thần thánh vẫn không được gì, và người ta thì thầm: đó có thể là một sự trừng phạt của trời đối với tội ác của nhà vua.
Tuy nhiên, lòng nhiệt thành sám hối của nhà vua càng ngày càng tăng. Ông đã cho phóng thích các tội nhân, hoàn lại đất đai cho nông phu mà ông đã chiếm, trả lại cho các nhà giàu của cải đã bị tịch thâu, và ban cho dân chúng những đặc ân mà họ rất ngạc nhiên lãnh nhận.
- Ta muốn các người già cả không phải đi ăn xin. Phía bắc cung điện ta không cần thiết nữa, có thể cho hằng trăm người cơ cực trú ẩn. Mọi việc này phải làm xong trước ngày hết trăng để đón tiếp họ và các thành thị phải làm như ý ta.
- Dân chúng sẽ hoan hô bệ hạ. Kể từ ngày mai, tin ấy sẽ được rao khắp tại kinh đô.
Nhưng những người già cả và xấu số lại thích sự cơ cực của họ hơn chỗ trú ẩn nguy nga và họ nguyền rủa kẻ đã ban ơn nó. Không một người nào đến ở cả.
Lập tức, nhà vua tuyên bố sẽ sửa đổi luật lệ và cho đặt trước cửa cung điện một tấm bảng để mọi người dân có thể viết lên những ý kiến xét bổ ích cho nhân gian. Cạnh tấm bảng, một cái phèng la dùng để báo tin sẽ cho nhà vua biết một ý kiến vừa được phát biểu.
Nhưng phèng la vẫn im và tấm bảng vẫn trắng.
Một sự đối nghịch ngấm ngầm dẹp tan mọi sáng kiến. Nhà vua hỏi vị tể tướng:
- Sao ta bị thù ghét quá như vậy hở khanh? Nói đi!
- Tâu bệ hạ, kẻ nghèo khiếp sợ!
- Hãy nói thật, có phải họ thù ghét ta đến đỗi từ chối cả ân huệ của ta không?
- Muôn tâu bệ hạ không! Họ tôn kính bệ hạ, họ biết rằng sự nghiêm khắc của bệ hạ là cần thiết, mọi sự cải cách đều do bệ hạ ban ra do sự khôn ngoan của bệ hạ là vô tận!
Nhưng lời nịnh hót của tể tướng không còn lọt vào tai nhà vua. Ông lắc đầu:
- Ta tự thề sẽ thoái vị và vào ẩn náu tại một nhà chùa để cầu nguyện cho đến chết, nếu, trước ngày mai, không có ai dám cầm cái dùi gõ lên chiếc phèng la.
Bỗng khi đó, một tiếng lanh lảnh nổi lên và Tân Du đi theo chủ mình, tiến ra phía cửa lạnh lùng mà không một ai dám bước qua.
Một hành khất đứng đó! Chính y đã báo hiệu sau khi đã viết lên bảng.
Nhà vua hớn hở nhìn kẻ lạ mặt và nói:
- Ít nhất nhà ngươi cũng không lẩn tránh.
Người hành khất thản nhiên đáp:
- Tại sao tôi sợ? Tôi có phải là một nịnh thần đâu?
Nghiêm chỉnh trong chiếc khố rách, hắn ta lui lại và chỉ lên tấm bảng có ghi rằng: "Mạng sống của một người lắm khi có thể cứu vãn một quốc gia, nếu sự hy sinh ấy làm hài lòng thần thánh!".
Vị tể tướng không che giấu được một nét hãi hùng sợ sệt. Người mà dư luận công chúng đã trăm lần đòi lấy đầu chính là y, linh hồn nham hiểm của hắn không một ai dám động đến. Phút chốc, y thoáng thấy quần chúng reo hò mãn nguyện xung quanh thi thể của y trước mặt các vị thần.
- Tâu bệ hạ, ý kiến nầy quá tàn bạo. Máu đã chảy ra nhiều và sự phẫn nộ của trời đất chỉ có thể hết đi với lòng nhân từ. Bệ hạ nên theo dõi con đường đã vạch sẵn.
- Nhà ngươi có để ý đến mặt của người hành khất này không?
- Dạ thưa có, mặt mày y thật hung dữ!
- Ta thấy mặt y cao nhã, đẹp hơn các hoàng tử, các con ta!
- Mắt của y độc ác, thưa ngài!
- Không, trái lại, rất dịu dàng! Đó là cái nhìn của một người được ơn trên soi sáng. Biết đâu rằng dưới bề ngoài rách rưới ấy...
- Muôn tâu, lòng nhân đạo đã làm bệ hạ bị lạc hướng. Xin bệ hạ cho phép hạ thần bắt tên ôn đãng ấy. Nó sẽ không bị đánh đập, chúng thần chỉ yêu cầu nó nói thôi và bệ hạ sẽ thấy thật tâm của nó, chắc chỉ là một người dân tồi tệ nhất của bệ hạ!
- Tân Du, hãy để cho y đi, và nhìn xem...
Cuối đường gồ ghề, người đó đi xa dần và hình như không chạm đất, dáng điệu trở nên nhẹ nhàng hơn ; cát bụi bay quanh y vàng rực, một quầng sáng chói bao lấy y.
Nhà vua ngẩn ngơ nói nhỏ: "Y kéo ánh sáng theo y!"
Tân Du cố bào chữa:
- Tâu bệ hạ, đó là ánh nắng gay gắt đã lừa bệ hạ. Bệ hạ hãy nhìn nóc cung điện và các nhà tranh lụp xụp, chiếc xe kia của người dân quê, và chiếc võng nầy của kỹ nữ, con chó trong đống nước bùn và con bướm đang bay, tất cả đều được soi sáng như vậy, tất cả tỏa ra ánh sáng. Có gì lạ đâu.
- Ừ, không một đám mây, không một giọt mưa!
Nhà vua nhắc lại, như sực tỉnh:
- Không một giọt nước.
Và bỗng thấy cây cối khô héo, mùa màng sắp tan nát, đồng ruộng vàng úa và trong đồng ruộng nguồn sống vẫn còn ngắc ngoải thật mong manh, hàng triệu người đang đau khổ. Dân quê đã vứt bỏ những dụng cụ đang trở thành vô dụng và ngồi khóc trên thềm lều, trẻ con xanh xao và ốm yếu, đưa tay cầu khẩn đến những bát cơm khô cạn, xác chết của những kẻ xấu số chồng chất trước các đền.
- Không một giọt nước!
Đấy là hiện tượng sự trừng phạt của Thượng đế, chính đó mới phải giải trừ!
- Thần thánh đã cho biết.
Nhà vua trở vào phòng đọc kinh, đập trán xuống sát mặt đất lót bằng gạch bạc, cầu nguyện rất lâu trước pho tượng có vừng trán lấp lánh các vì sao. Khi ông ta đứng lên, ông ta đã tìm thấy lại sự bình thản của tâm hồn.
Tất cả đã đến, tập trung trong cung điện theo lệnh của nhà vua. Có mặt đầy đủ quần thần, những kẻ chuyên nịnh hót.
Cũng có mặt các thủ kho, các vị tướng, các thầy số, các hoàng thân mà những ý kiến xây dựng của họ đã bị các nịnh thần làm sai lạc, và cuối cùng là một người ăn mặc toàn màu đen, một hình dáng khổng lồ, mặt mày lạnh lùng và hung dữ: đó là đao phủ thủ. Ai cũng biết sẽ có một người sắp đền tội, một lệnh xử trảm sẽ được ban ra và sẽ được thi hành.
Nhà vua tươi cười, chưa khi nào tỏ ra thảnh thơi, tin tưởng nơi mình, bình thản sung sướng như vậy. Và chính đó là điều đáng lo sợ!
Tân Du nghĩ đến các cực hình tinh xảo mà y vừa mới khoe khoang. Và có lẽ y sẽ bị làm thử lần đầu. Chính điều ấy đã làm cho bộ mặt con người đủ quyền lực hằn học vì sự độc ác không chịu nhượng bộ. Kẻ nịnh thần biết rõ rằng cái chết của y sẽ làm mãn nguyện dân chúng nhất.
Nhà vua bắt đầu nói, giọng khoan hòa, trầm mặc:
- Một người phải hiến thân để làm cho thần thánh hài lòng. Đó là kẻ bất chính nhất trong chúng ta, kẻ đã gây những tội ác khiến làm nản lòng trời đất. Tân Du, ngươi nói trước đi, ai là kẻ ấy đây?
Mặt Tân Du trắng nhợt. Lão lắp bắp:
- Xin bệ hạ khoan hồng, lúc nào hạ thần cũng lo sợ cho sự bình an của dân chúng.
- Một tên thôi. Ta cần một tên!
Vị tể tướng nhìn quanh các đình thần rồi sợ hãi nói:
- Tất cả những người này đã trung thành với bệ hạ, không nên tìm trong số người đó. Tại một nhà cũ kỹ tiều tụy, trong ngõ hẻm bên kia đồi, có một tên chuyên xem tướng số theo các ngôi sao để gây oán thù. Nên giết tên đó, vì do hắn mà tai ách đã giáng xuống vương quốc này.
Một nịnh thần khác giơ tay:
- Tâu bệ hạ, nếu tên thầy số ấy được bệ hạ dung tha, thần xin buộc tội một kẻ giàu có đã bóc lột cả tỉnh và làm cho công khố thiếu hụt. Đó là kẻ đã có một dinh cơ lớn nhất ngoài hoàng thành...
Trong một tiếng đồng hồ, mỗi người dâng lên một mạng, mạng của một kẻ thù riêng mình, một người vắng mặt hoặc một người vô tội. Một tia hy vọng trở lại.
Khi người cuối cùng đã nói, phô bày một tội trạng đâu đâu hoặc một tội ác tưởng tượng, nhà vua đứng lên với cặp mắt sáng ngời, nói:
- Các ngươi đều là những kẻ mù quáng. Không có một người nào trong các ngươi dám nói lên sự thật. Hãy tránh xa ta tất cả!
Được lời như cởi tấm lòng, tất cả mọi người đổ xô nhau mạnh ai nấy chạy. Duy chỉ có các hoàng thân là ở lại bên ngoài. Ngài phán:
- Kẻ mà ta đang chờ đợi chính là ta đó! Người có tội nhất là ta, vì ta chỉ nghe theo dục vọng, vì ta đã trở nên bất xứng đối với ơn mưa móc của thần thánh. Chính ta sẽ cứu vãn dân gian, mà bấy lâu ta đã dày xéo.
Và nhà vua đưa ngón tay chỉ vào thái tử:
- Con sẽ kế vị ta. Con hãy ghi nhớ những gì đã nghe và sẽ thấy.
- Cha! Cha yêu quí!
- Đừng động lòng yếu mềm như một người đàn bà! Hãy hãnh diện và cương trực. Đời sống chỉ là một sự thử thách ngắn ngủi mà ta phải chịu đựng một cách cao đẹp. Con sẽ trị vì một mình con. Con sẽ khinh bỉ những kẻ nịnh hót, và con sẽ đi thăm viếng khắp trong nước.
Nhà vua tiến đến quì trước mặt đao phủ đang đứng tựa trên cây kiếm, ngài phán:
- Hãy làm phận sự của ngươi đi.
Con người vạm vỡ của tên đao phủ khiếp hãi, lùi một bước và buông ngọn đao sáng quắc xuống đất làm vang lên một tiếng khủng khiếp.
Nhà vua cầm lấy cây đao lên đưa cho đao phủ và nói lại:
- Chém ta đi! Ta truyền lệnh cho ngươi đó!
Ngọn đao vung lên như một ánh chớp và rơi xuống thành một âm thanh nặng nề. Một nhát, chỉ một nhát thôi! Đầu nhà vua đã lăn đến tận bậc ngai vàng.
Mặt trời bỗng nhiên sầm tối lại! Ở ngoài, trên khắp nước, mưa đã bắt đầu rơi xuống, đầm ấm và nhuận từ...
TÚY HÀ
(Phỏng dịch La Rosée Sanglante
của GILLE PHABREY)
(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 60, ra ngày 15-10-1972)