(Về tâm sự của một người chị tâm thư ĐL.AV)
Trời
Đà Lạt tháng 10 gây gây lạnh. Buổi sáng sương mù xuống dầy đặc hơn,
không những ở trên những rặng thông xanh mướt đàng xa, mà cả trên những
nóc nhà Thành Phố. Đà Lạt cũng bắt đầu được tô điểm thêm bằng những
chiếc áo len mịn, những chiếc mũ lông tua dài và những đôi găng đầy màu
sắc. Trong nhà, me đốt lại chiếc lò sưởi nhỏ bị bỏ quên suốt mấy tháng
Hạ. Buổi sáng đến trường, trường đầy áo len, vài con bạn nhìn em hỏi
thầm: “Sao mi đi trễ thế? Áo len đâu không mặc vào? Điệu hở??” Em không
điệu nhưng em còn luyến tiếc cái dìu dịu của những ngày Thu sắp tàn,
những ngày đi học sớm để lá me đan vàng vạt áo, cầu mong có một cơn mưa
nổi lên đẩy vạt dài cánh áo lụa qua dốc đèo vào trú mưa dưới hiên nhà
thờ, nép dưới tượng Đức Mẹ cầu xin che chở. Mắt Mẹ hiền từ như bài hát
lễ Misa giữa mùa Phục Sinh mà mấy đứa – Không đứa nào mà không thuộc.
Em cúi đầu đi lên dốc đèo, con dốc nhỏ mà em bỏ quên mấy lâu nay từ ngày
bước vào khuôn cửa lớp Đệ Tam B1 “con gái học Toán khô khan ghê lắm” –
anh Di vẫn bảo – Em không biết mình có khô khan hay không? Nhưng chắc
chắn là từ hôm chọn học ban B, em đã bắt đầu khô khan rồi đó! Em thọc
sâu hai tay vào túi áo len tím mà me mới đan xong hôm qua – Thành phố
bây giờ đông đúc người đi, nhưng không ai buồn bỏ lên đồi để mơ mộng như
em, trừ Thụy, cô bé răng khểnh của lớp Tứ 2 vui nhộn ngày xưa – không
biết bây giờ nó có tìm ra cô bạn nào thay thế em chưa? “Mi chọn ban Toán
làm chi cho mệt, học C với ta đi, vui lắm” Thụy bảo em như vậy. Em
thương Thụy và có khiếu về văn chương nhưng lại học toán. Có lẽ em thích
làm một việc trái ngược và bị ảnh hưởng gia đình quá nhiều: nhà có hai
anh em, anh Di học ban B và me thì thích có một đứa con học giỏi. Không
có một bà mẹ nào mà không hãnh diện – Dù là đôi chút – khi có những đứa
con học giỏi. Em sung sướng vì đã làm vừa lòng me khi năm nào em cũng bê
về một phần thưởng cao nghệu, kín cả đầu. Em dừng lại trên đỉnh đồi,
thành phố ở dưới chân mờ nhạt sau màn sương trắng sữa. Chắc me giận em
lắm, khi biết em lên đồi vào giờ nầy – Con gái me yếu lắm mà – nhưng ít
ra em cũng nên trở về sống với nội tâm vài giờ để giải tỏa bớt những
căng thẳng của đầu óc qua hai kỳ lục cá nguyệt vừa rồi. Nhà thờ nằm
nghiêng khiêm nhường, nghiêm nghị sau rặng thông xanh. Ngày xưa, em vẫn
tìm vào đó những chiều tan học như một con chiên ngoan đạo, nhìn lên
Thập Tự Giá, hình Chúa chịu tội cho người khắc ghi vào đầu óc em – tụi
bạn đồng ý trao cho em giải thưởng “Ngoan đạo” gồm những xâu chuỗi nhựa
và những cuốn kinh cầu – kỷ niệm ngày xưa chừ kéo về nghe ngập kín cả
hồn, chúng lao xao trên từng phiến cỏ xanh mát rượi. Em ngồi xuống một
gốc thông già, con suối nhỏ róc rách chảy len lỏi dưới chân như một xâu
ngọc Lưu Ly quí giá mà Hoàng Tử cố xâu thành vương miện tặng nàng Công
Chúa yêu kiều trong truyện cổ. Những ngón tay nõn xinh của em tẩn mẩn
mân mê từng đọt lá me vàng. Ngày xưa, mỗi lần bí một con toán hay bị me
mắng, anh Di cũng thường ra đây tâm sự với lá me. Bây giờ, me không bao
giờ mắng em, nhưng em cũng thích ra đùa với lá me, những chiếc lá vàng
nho nhỏ khép nép còn ướt đẫm sương mai. Rồi những lần đi học ngang qua
ngọn đèo, thấy khói um lên trên phía nhà thờ, em biết là những chiếc lá
me xinh xắn đang bị tiêu hủy bằng ngọn lửa tàn bạo – Người lớn bao giờ
cũng có những lý lẽ để biện bạch cho hành động của mình, chứ những chiếc
lá me dễ thương kia nó có làm gì nên tội đâu – Em tẩn mẩn lấy lá bàng
xếp thành những hình người như anh Di vẫn làm – lấy lá me làm vương
miện, và xác sao xanh làm áo. Nầy là công chúa ngàn năm say ngủ chờ
hoàng tử đến đánh thức bằng một nụ hôn êm đềm, kia là mụ phù thủy ác độc
đã bắt cóc công chúa… và những nữ tì và quân sĩ… Còn thiếu cái gì nữa
nhỉ? Á… À… còn thiếu một cung điện nguy nga giữa một rừng thông xanh
mướt, em vén lá me làm cung điện, gác vọng cung nè, nơi công chúa ngồi
đợi hoàng tử…
Nắng lên rồi. Em phải vào thư viện nữa, trò chơi phải tạm ngừng vậy,
chơi một mình chả vui tí nào, giá có Thụy ở đây nhỉ!! Em đi xuống dốc
đèo, nắng ấm reo vui theo từng bước chân em nhún nhẩy. Thư viện nằm kế
Đại học xá giờ nầy chắc vắng hoe, nhưng chắc là có chị ở đó rồi. Chị mà
một lần bước những bước chân chim vào thư viện, với vài quyển sách và
một nụ cười thật tươi nở trên môi. Chị đã cuốn hút mất hồn em theo ánh
mắt rạng ngời trong sáng, để mỗi sáng, cô bé Anh Vũ của lớp Tam B1 lặn
lội gió sương tìm đến thư viện, ngồi thật sâu ở cái ghế cuối phòng –
nhìn ra khu rừng thông xanh mướt – len lén nhìn dáng chị gầy thon ngồi
học bài. Tà áo lụa trắng thật khiêm nhường mờ nhạt bên những tà áo mầu
sặc sỡ, gió cuốn tóc chị mềm như nhung xõa xuống bờ vai gầy nhô cao. Em
nhìn chị trên ngôi thần thánh, bởi vì chị là một Hằng Nga chói sáng,
trong khi em chỉ là một vì sao mờ nhạt cuối trời. Có bao giờ chị nhướng
đôi mi lên để phóng tầm mắt về cuối phòng, nơi có chiếc ghế nhỏ mà không
ai buồn giành giật cho mất công, nơi đó có một cô bé, suốt đời ôm mộng –
ước mộng tầm thường nhất – làm quen với chị. Giản dị quá. Người đó, ta
đây một nụ cười cũng làm thay đổi tất cả. Nhưng em cũng không dám mở
lời, để muôn đời nuôi dưỡng một ước vọng không thành hình. “Cô bé thật…
thi sĩ” anh Di phê bình em như thế. “Nó trồng cây “si” một chị ở thư
viện”. Me cứ để em đến thư viện mỗi ngày, hình như me không muốn làm con
me buồn. Qua tầm mắt, me thấy con me nhỏ bé đáng thương làm sao! Nửa
tuổi đời bỏ quên tình phụ tử, có bao giờ cô bé thấy một hiện hữu trống
vắng trong tâm hồn? Anh Di là một người anh hoàn toàn, nhưng không phải
vì thế mà anh có thể thay thế chị Miên trong cuộc sống của em. Đà Lạt là
nơi nuôi dưỡng hai hình ảnh dễ thương nhất trong tâm hồn đa cảm của em:
Thụy, cô bạn răng khểnh của lớp Tứ hai vui nhộn và chị… dáng dấp còn
lại của chị Miên ba năm trước, cũng mái tóc xõa mềm, áo lụa trinh nguyên
và nụ cười hiền từ như bài kinh me hát mỗi đêm trong hầm trốn đạn ngày
xưa.
Em đẩy cửa bước vào thư viện, bác quản thủ già quen thuộc nhìn em hấp háy đôi mắt lem nhem:
– Sao hôm nay cô Vũ đi trễ quá vậy? Lên đồi chơi phải không?
Em thót bụng một cái. Sao bác ấy biết hay vậy cà? Cái điệu này thì
nguy cho em quá, bác ấy mà mách me thì chết em luôn. Em nhè nhẹ ôm sách
vở về chỗ mình, mắt không quên liếc nhanh về chỗ chị ngồi. Dáng chị gầy
thon, ngoan dịu vẫn ngồi chỗ đó, đầu hơi cúi xuống, đóa Ngọc Lan nằm hờ
hững trên ve áo, ngày xưa chị Miên cũng yêu Ngọc Lan và vẫn cài lên áo
mỗi lần đi phố. Em thoáng ngờ ngợ nhìn như vừa tìm thấy một hình ảnh xưa
cũ trở về trong vùng tiềm thức. Giở chồng sách toán trên tay, em còn vờ
liếc nhanh về phía chị lần nữa, bất chợt em cũng thấy mắt chị liếc về
phía mình. Hai luồng nhỡn tuyến gặp nhau trong một phút – em cúi xuống
trang sách, hai má em nóng bừng lên. Đôi mắt chị sao đẹp quá, em tưởng
như ngàn vì sao đang ẩn trong vùng mắt chị, lấp lánh quyến rũ hồn em. Em
bối rối đến độ không học nổi, em líu ríu gấp sách lại, đi ra con đường
đất đỏ dẫn lên đồi. Nếu em là thi sĩ, em sẽ dệt ngay cả ngàn cung bậc
tuyệt vời nhất để tặng chị bằng tất cả tim óc của em. Em trở về gốc me
cũ: Cung Điện, Công Chúa, Hoàng Tử, Phù Thủy vẫn nằm im chờ đợi… trông
chúng vô duyên làm sao! Chúng chỉ là những hình vật vô tri, vô giác mà
thôi. Em quì xuống rồi bằng mười ngón tay nõn xinh hồi nãy em xây dựng
ra chúng để phá sụp tất cả. Ném những hình người vào dòng suối trong
veo, em ngắm hình mình lộn ngược in trên mặt nước, gương mặt bơ phờ và
hơi hốc hác một chút – Không biết giờ này ở nhà me đang làm gì, anh Di
chắc chắn đã đến trường đại học còn me thì có lẽ đang tưởng em ngồi thật
ngoan trong thư viện, me đâu có biết con gái me bây giờ đang ở đây với
những trò chơi vô nghĩa và những ý nghĩ rắc rối. Em ngồi xuống cỏ và giở
sách ra học – anh Di vào tuổi em rất chăm học, anh ấy học bù đầu chứ
đâu có nghịch như em bây giờ – em phải cố để còn bê về một chồng phần
thưởng cao nghệu nữa chứ.
Đang chăm chú, bỗng em nghe tiếng sột soạt trên lá khô – như tiếng
chân đi thật nhẹ – em tưởng tượng đến một cặp nai vàng ngơ ngác đang
tiến về con suối uống nước, một dáng dấp mùa thu thật thơ mộng của Lưu
Trọng Lư: … Con nai vàng ngơ ngác, đạp trên lá vàng khô… giữa một rừng
thu thật thơ… em đứng dậy len lén bước lại phía phát ra tiếng sột soạt…
Một cô bé… A… trời ơi…
– Thụy! – Em hét lên.
Thụy hối hả băng qua rừng cây, vạt áo dài bay đẹp như hai cánh bướm
nhỏ. Hai đứa lịm vào tay nhau chờ đón. Thụy tíu tít cắn vào vai em một
cái âu yếm:
– Gớm! Mi trồng cây “si” chị đã, hôm nay mới lên đây hả??
– Tại ta mắc học chớ bộ! Giỡn hoài!
– Xí! Dân ban B mà! – Thụy cười nhe cái răng khểnh thật xinh.
Hai đứa ngồi lặng đi thật lâu, sự vui vẻ làm những âm thanh không
thốt ra khỏi bờ môi… Bầy chim rừng – bây giờ em mới để ý đến – bay ríu
rít hót trên cành như cùng chung vui cùng hai đứa. Trời trong xanh ấm áp
hình như không còn tiết thu lạnh lẽo hiện hữu ở đây nữa. Vạn vật chuyển
mình đảo lộn tất cả. Nắng ấm lên rồi, thật cao…
– Sao mi biết ta “si” chị?
– Chuyện đó ai mà không biết! Mà mi biết chị là ai không?
Em bối rối:
– Không! Mi biết hở?
– Ừ! Chị học Dược. Tên Vy đó mi!
– Vậy hả? Mà sao mi biết?
– Trời ơi! Chị ta là “bồ ruột” chị Vy mà! Chị ấy làm quen với ta đó mi!
Tự nhiên em thấy ghen với Thụy. Em đứng dậy, khép hai chéo áo len
lại. Đà Lạt vẫn mù sương ở dưới chân. Thụy đứng dậy nhìn em ngơ ngẩn:
– Sao vậy, giận ta hở? Hay mi… ghen…
– Ừa! Được hôn?
Thụy phì cười, siết nhẹ tay em:
– Để ta giới thiệu cho, chị ấy thích có một đứa em học ban B ghê lắm, chị ấy cũng biết mi nữa đó nhưng chưa dám làm quen…
Hai đứa cười nho nhỏ với nhau…
*
Trời đổ mưa như trút, mưa trên Đà Lạt thật buồn. Thành phố cúi đầu
trong mưa, những hàng thông ngả nghiêng trong gió. Từ hồi chiều, khi em
và Thụy lên đồi tập vẽ, trời còn quang đãng. Thế mà một chốc sau, cơn
mưa kéo tới như một bất ngờ không định trước. Hai đứa ôm giá vẽ vào trú
mưa dưới hiên nhà thờ, áo len hai đứa vương vàng lá me và thơm ngát mùi
hoa dại. Con đường dốc xuống đồi ướt nhòe nước, bờ cỏ dại trườn ra, bám
víu lấy con đường đất đỏ, lá me hoen vàng thảm cỏ. Trời tối dần, mưa vẫn
to. Hai đứa đứng nép vào nhau cho ấm. Em lo ngại nhìn xuống thành phố
và thấy giận me, anh Di ghê gớm. Giờ này em chưa về mà anh Di không lên
đón. Em thấy tức anh Di, tức me và muốn bỏ xuống đồi về nhà một mình
trong cơn mưa để nghe hai vai mình tê buốt từng hồi.
– A! Hình như có người lên đón kìa bồ! – Tiếng Thụy reo lên vui vẻ.
Em nhìn xuống đồi, thấp thoáng hai bóng áo mưa trắng. Như thế thì
chắc chị Trang lên đón Thụy, anh Di đâu có cái áo mưa nào màu trắng. Em
thấy cổ họng mình nghẹn lại, nước mắt như muốn trào ra. Tiếng Thụy vẫn
vui vẻ hét to:
– Đúng là chị Trang rồi Vũ ơi!!!
Chị Trang lên đưa áo mưa cho Thụy, vừa trách:
– Sao mấy cô lắm chuyện thế, lên đây hoài!
Thụy nhìn em ngần ngại:
– Còn Vũ sao chị?…
Chị Trang cười:
– Có Vy hắn đi chung với chị kìa… Vy ơi! ! Vy!
Em ngẩn người ra, từ phía dưới, dáng chị hiện ra thon nhẹ, nụ cười tươi thắm trên môi:
– Anh Vũ đó hở? Ra đi về với chị nhé.
Thụy liến thoắng giới thiệu:
– Phải chị trồng cây “si” đó hôn? Tường Vy đó mi! Còn đây là Anh Vũ, cô bé chị cũng… “si”.
Em cười e ấp, hai má không ai bảo ai cứ nóng bừng lên đỏ ửng. Giọng
Bắc từ môi chị thoát ra thật êm – thì ra chị không phải người sinh
trưởng ở đây:
– Bé về với chị, nhà bé cũng gần nhà chị đó thôi.
Em ấp úng mãi mới được một câu:
– Thế mà bé dò “địa chỉ” chị mãi chả ra.
Hai chị em đi bộ xuống đồi. Trời ướt lạnh mà em tưởng như giữa buổi bình minh mùa hạ tràn nắng ấm.
– Ngày xưa chị cũng có một đứa em gái, giống bé lắm cơ! Mà… nó chết rồi… nhìn bé chị tưởng như thấy nó vậy… nó tên Hương bé ạ!
– Bé cũng như chị vậy! Chị bé chết rồi mà cũng giống chị nữa. Ngày xưa chị Miên hay lấy ngọc lan cài lên áo như chị vậy…
– Có lẽ đó là duyên kỳ ngộ bé nhỉ!…
Con ngõ nhỏ dẫn vào nhà em hiện ra quen thuộc, gần gũi. Em nắm tay chị:
– Thôi bé về nha chị!…
– Khoan, để chị đưa bé vào nhà…
– Thôi bé về được mà! Cám ơn chị nha…
Em vội vã đi vào con ngõ nhỏ. Bây giờ em mới thấy hai vai mình buốt
lạnh vì nước mưa. Ngôi nhà em ấm áp hiện ra chào đón, em chạy nhanh băng
qua màn mưa và ngã vào vòng tay me êm ái, ấm cúng mở ra chờ đợi. Lâu
lắm, khi em buông me ra và nhìn xuống bức tranh nhòe nước, em bắt gặp
mắt chị lung linh hiện ra, lấp lánh như sao băng. Em lẩm bẩm:
– Nguyễn Vũ Tường Vy…
*
Em đã bỏ phí cả một buổi sáng thứ hai đầu tuần thật đẹp để dọn dẹp
lại căn phòng nhỏ sơn xanh của em, có bốn cửa sổ nhìn ra đường có lá me
bay bay mỗi sáng, có chiếc giường phủ drap trắng mịn và chiếc bàn học
nhỏ xinh kê cạnh chiếc giá sách đầy ắp sách vở. Em đã hãnh diện ngầm vì
đã “nuốt” đủ hết sách vở trong cái tủ đó vào đầu óc em. Để mỗi sáng với
tay lấy một quyển đọc lại em mủm mỉm nghĩ thầm là “Trước đây ba ngày em
đã đọc vanh vách các câu trong quyển sách đó” rồi tự cười khen thưởng
một mình bằng một nụ cười bâng quơ. Chiều thứ bảy trời mưa, thiên hạ hết
khoe áo quần thì em cũng được tự do ở nhà học bài mà không sợ tụi bạn
nó phê bình là “Gớm chửa, cô bé chăm thế, thứ bảy cũng chịu khó ở nhà ôm
khư khư quyển sách mà khóc cười với nó đấy” Học trò thì phải chăm chứ,
sang năm thành cô Tú rồi chớ bộ đùa sao. Buổi tối, em và anh Di ngồi lì
ngoài ban công thủ thỉ tâm sự, nước mưa róc rách rơi ngoài trời mới nghe
lòng mình ấm lại bởi một tình yêu cao quí nhưng tràn đầy êm ái và nũng
nịu:
– Sao bé ngu quá! Vớ ngay một chị học Dược, con gái Dược khó thương
lắm. Để anh giới thiệu cho bé một cô bác sĩ tương lai nha. Xinh lắm cơ
bé ạ!
– Xí! Ai thèm chơi với cô í để cô í về lấy búa gõ vào tay mà kêu rằng “Xương em tốt quá” thì chết bé luôn.
– Ai bảo bé thế? Ồ! Nhưng anh cũng dám cá với bé là sau này thế nào bé cũng học y khoa cho coi.
– Quê cơ! Sao anh biết??
– Bí mật nhà nghề mà lị! – Rồi anh quay vào vui vẻ nói với me:
– Me xem, con cá một trăm ăn một với me là sau này Vũ cũng học y khoa như con cho me xem.
Me ngừng tay, nhìn lên. Lửa ở lò sưởi soi vào làm má me hồng hồng
trông xinh tệ. Mười ngón tay me trắng muốt thon dài dọ dẫm trong đám len
đỏ. Me đan foulard cho các con của me vì mùa sương mù sắp đến. Mùa lạnh
sắp đến – me lẩm bẩm – Em đến bên me, quàng tay qua vai me để nghe mình
thật bé nhỏ trong vòng tay me ấm áp. Trán me hằn sâu từng vết nhăn sỏi
đá, hao gầy từng đêm lo nghĩ. Lâu lắm rồi, em mới nhìn kỹ me một lần, ở
me chỉ còn lại đôi mắt sáng tinh anh, cương quyết, cương quyết lắm vì
nếu không cương quyết me đã không sống nổi tới bây giờ để nuôi dưỡng các
con me và mười ngón tay hồng nhỏ, có những chiếc móng hình trái hạnh
nhân trắng muốt. Ngày xưa, chị Miên cũng để móng tay như me, chỉ có mình
em là không tài nào để được vì em lúc rảnh rỗi cứ đưa tay lên cắn rụng
hết ráo. Anh Di bảo người hay cắn móng tay thì có nhiều mặc cảm tự ti
ghê lắm… nhưng – anh tiếp – … “anh ưa cái “trò” cắn móng tay ghê lắm vì
các cô cắn móng tay thì… thơ ghê lắm cơ, mà cô nào thơ cũng xinh như…
bé hết í” – Cái ông này… lúc nào thì cũng đùa được – Tụi bạn khen em tốt
số lắm nên mới vớ được một ông anh dễ thương, cởi mở như anh Di, chả bù
các anh của tụi nó, lúc nào cũng lầm lầm lì lì, mở miệng ra là hét lên
ỏm tỏi và cả bọn sau khi họp “kín” bèn đồng ý tặng cho các anh í biệt
danh “cảnh sát Ăng-lê” chả là vì các ông í mặt chả lạnh như băng, như
tiền, như cảnh sát Ăng-lê là gì! Chuyện này em mà nói với anh Di chắc
anh ấy khoái lắm – nhưng em chả nói – anh ấy dễ thương thật đó nhưng cái
tật chọc em thì không ai bằng, ai mà khoái được. Anh Di ngồi vắt vẻo
cạnh lò sưởi, mái tóc bù biếng chải để rơi bồng bềnh xuống trán, hai vai
gầy nhô cao lên. Anh có dáng ngồi hơi giống chị lúc ngồi học, hai vai
nhô cao lên, những ngón tay di động nhè nhẹ gạch xanh gạch đỏ trên chồng
cours dầy cộm. Me giảng hòa:
– Làm sao me biết được, tùy Vũ chứ!
Anh Di cãi:
– Con hỏi me mà, sao me hỏi Vũ! Nó “ma giáo” lắm, me không biết đâu.
– Cái ông vô duyên chi lạ, làm sao ông biết bé học Y khoa. Còn lâu,
mai mốt bé “dô” sư phạm học làm cô giáo chứ ai làm nghề “Đốc-tờ sờ mông
thiên hạ” như anh! Hi hi!
– Quê! Quê! Học chi không học… học làm… cô giáo! Quê! Quê!
– Không, bé học Dược như chị Vy của bé…
– Nói một lần thôi chứ, quân tử nhất ngôn mà cưng!
Em chống chế:
– Mà… người ta học gì kệ người ta chớ bộ.
Me lại phải giảng hòa lần nữa:
– Thôi đừng cãi nữa, đi ngủ đi… các con!!!
Em giận dỗi bỏ lên lầu ngủ… có tiếng anh Di cười nho nhỏ đuổi theo.
Trời vẫn mưa thật to. Quấn mình trong chăn ấm, nằm nghe tiếng mưa rơi vi
vút qua rừng thông, tự nhiên em thấy nhớ ba, nhớ chị Miên thật nhiều.
Dòng sông kỷ niệm, đưa con thuyền ký ức của em trôi ngược về quá khứ, về
căn nhà bằng gỗ sơn xanh ở ngoại ô thành phố Sàigòn. Ngày ấy còn có ba,
có chị Miên gần gũi thương yêu. Mỗi buổi sáng đi làm sớm, ba vẫn đặt
tiền bên gối em khi em còn say ngủ. Tiền để con ba ăn quà – mỗi lần thức
giấc, thấy tiền đặt cạnh giường là em biết ngay ba đã đi làm và đã đặt
những nụ hôn nồng nàn trên tóc con gái ba trước khi đi. Giọng nói ba ấm
áp sưởi lòng con giữa mùa đông, ánh mắt ba bao dung nuôi lớn con qua
chuỗi đời người, đôi tay ba dìu dắt con đi qua vùng mặc cảm cháy bỏng
tâm hồn. Từng ngày, từng ngày con đắm mình trong hạnh phúc cho đến khi
con mất ba, mất cả chị Miên để đoạn đời còn lại, con chạy đua theo ảo
ảnh thương yêu. Me và anh Di thương con lắm nhưng tình thương đó không
đủ để bù đắp những mất mát trong tâm hồn con, trong cuộc sống hiện hữu
của con. Em tung chăn, lại quì xuống dưới chân Mẹ Từ Bi xin che chở. Xin
Mẹ ban ơn yên lành cho me em, cho anh Di em là những mầm sống còn sót
lại trong tâm hồn em, là chất liệu dinh dưỡng nụ cười trên bờ môi khô
héo, là chiếc nạng để em chống chỏi, nương theo mà đi tiếp đoạn đường
tương lai hun hút còn lại. Xin Mẹ trên cao nhủ lòng thương xót. Một lời
cầu của một con chiên nhỏ bé, một ước vọng tầm thường nhất, khiêm tốn
nhất nhưng tha thiết nhất. Trời đêm nay nhiều mây đen bao phủ, những đám
mây vần vũ quanh ngôi nhà, không bay đi xa và hình như đè nặng xuống
căn gác nhỏ, che khuất mặt trăng và các vì tinh tú. Thời gian như khô
cằn, đặc quánh lại chung quanh em. Không biết hiện giờ chị đang làm gì
hở chị Vy? Chắc chị đang nhớ tới Hương và em thì đang nhớ tới chị Miên –
người chết không bao giờ bị bỏ rơi – bây giờ em mới thấy thấm thía câu
nói ấy. Rồi mai đây, em chết, có ai nhớ tới em không nhỉ? Có chứ! Ít
nhất thì cũng có me, có anh Di cúi đầu thương tiếc bên quan tài em chứ
nhỉ. Em mở cửa sổ, gió lạnh ùa vào phòng như một cơn lốc. Mười ngón tay
em đan vào nhau che lên mặt, khi những ngọn gió đông bắt đầu se qua lụa
tuyết, thì em cũng cúi đầu lầm lũi đi vào cuối đoạn đường 15 và đứng
trước một khúc quẹo mới: đoạn đường 16 tròn trăng. 16 tuổi là em lớn rồi
đấy nhỉ? Tự nhiên em thấy mình lớn hẳn lên. Từ cô Anh Vũ khép nép của
lớp Thất 2 nhỏ bé thấm thoát bây giờ em sắp sửa bước vào khuôn cửa Đệ
Nhị B1 – Ngày xưa, khi thấy một chị học Đệ Nhị là em tưởng tượng ra một
cô thật lớn, thật đẹp thế mà năm nay 16 tuổi mà sao em thấy em vẫn còn
trẻ con quá, vẫn ưa làm nũng với mọi người – Không biết lớn lên rồi em
phải làm sao há?? Có được lên đồi xây cung điện cho Công Chúa ngủ, đi
nhặt lá me kết thành hoa cài tóc và đùa với Thụy nữa không?? Chắc không!
Lớn thì phải làm sao cho người ta thấy mình lớn chứ, em nghĩ đến thư
viện thật nhanh – các anh chị sinh viên vào đó hoài – có lẽ đó là nơi
dung thân cho những người ưa trầm lặng. Em nhớ tới từ con đường đất đỏ
hoen lá me dẫn vào thư viện, từng chiếc ghế, từng kệ tủ, bác quản thủ
già với cái kính gọng vàng trễ xuống mũi, đến từng khuôn mặt quen thuộc
mà em gặp trong suốt thời gian học tập. Ngày mai, em sẽ đến thư viện, áo
len tím khoác ngoài áo lụa trắng, tay cầm vài quyển sách và một nụ cười
trên môi – như chị – em sẽ trở về ngồi ở chiếc ghế cuối phòng sau kệ
sách, đầu cúi xuống những trang sách mở rộng – như một cô nữ sinh ngoan
ngoãn – em đến để lại mở to mắt nhìn chị sau hàng mi dài cong đen nhạt.
Dáng chị gầy thon em đem theo suốt cuộc đời, ôm ấp hình hài chị trong
vùng mơ tưởng. Có ai biết là em sắp thành “người lớn” không nhỉ?? Để
người ta vẫn gọi em với một danh từ “bé” êm ả, thương yêu. Để em còn
được lên đồi chơi mỗi buổi sáng và còn được làm nũng với me, với anh Di,
được vòi quà mỗi lần me đi chợ về, được giấu sách vở của anh Di mà
không sợ me mắng. Nhưng mà có lẽ em lớn thật rồi, lớn rồi khi nằm đây và
suy tư đến lúc mình thành “người lớn”. Lớn lắm! Lớn lắm rồi!
Em thức giấc thì trời vẫn còn mưa. Đầu em nặng trĩu và nhức nhối nhè
nhẹ. Em tưởng tượng đến từng viên thuốc đắng, đến những mũi kim đau
điếng người mà khẽ rùng mình. Em ngồi dậy và thấy mũi mình nong nóng, em
đưa khăn lên chậm, những vệt máu đỏ thắm hiện ra trên nền trắng của
chiếc khăn. “Lại chảy máu cam” em lẩm bẩm, tự nhiên em thấy thân thiện
với những giọt máu của chính mình. “Từ hồi chiều sao cứ chảy máu cam
hoài, kỳ ghê, có lẽ mình nóng trong người” em tự an ủi bằng số vốn kiến
thức y khoa ít ỏi của mình. Những cảm giác nhức nhối bò dần lên óc làm
đầu em nhói buốt, em choáng váng cả người, bàn ghế bỗng như bay bổng
lên, xoay tít trên đầu như một cái chong chóng. Em để mình rơi xuống gối
rồi không biết gì nữa…
*
Em tỉnh dậy giữa mùi ê-te hăng hắc của bệnh viện, lần đầu tiên khi
đến đây, em rất khó chịu với cái mùi “thuốc men” khó ngửi này, nhưng dần
rồi cũng quen đi. Con người trong em phải tự thay đổi để thích ứng với
hoàn cảnh mới của nó. Em cựa mình ngồi dậy, đầu em chỉ còn hơi choáng
váng một ít. Em loáng thoáng nhớ lại hình như em ngất đi khá lâu khi anh
Di đem em đến đây, rồi em thấy gương mặt chị hiện ra lờ mờ hoảng hốt và
mái tóc búp bê xinh xắn của Thụy thấp thoáng trong trí nhớ. Bây giờ
chung quanh em không có ai. Me, chị, Thụy và anh Di nữa, đâu rồi?? Đâu
rồi?? Có lẽ mọi người đã trở về công việc của mình. Chỉ có mình em là
đang nằm đây trơ trẽn, trong khi mọi người làm việc. Em nhớ tới cái tủ
sách đầy ắp của mình ở nhà mà thèm thuồng, giá có một cuốn sách cho em
đọc trong lúc này, cho đỡ trống trải hai tay và ít nhất lấp một khoảng
thời gian trống rỗng, vô vị. Đây là lần đầu tiên me và anh Di bỏ em một
mình trong bệnh viện. Em thấy giận me và anh Di ghê lắm: có lẽ hai người
không còn thương em như xưa nữa. Bệnh viện nằm heo hút trên đỉnh đồi,
nhìn ra khu rừng thông xanh mướt mờ nhạt sau màn sương mù dầy đặc. Em co
hai vai lại, giấu mặt trong mười ngón tay dài xanh mướt. Bầu trời hồi
nãy ở trước mặt, bây giờ ở giữa những kẽ tay. Vẻ đẹp u buồn, lạnh lẽo
của thời tiết Đà Lạt mùa thu làm em bâng khuâng lạ. Em phóng tầm mắt lên
khung lịch treo trên tường… A! Hôm nay là sinh nhật của em đây mà! Em
muốn hét lên một tiếng thật to. Thế mà em không biết. Giờ này chắc me
đang sửa soạn từng chiếc nến kết nơ hồng, để cắm lên một chiếc bánh kem
Hoa Hồng thơm nức… Rồi đêm nay, em sẽ ngồi ở giữa phòng, áo lụa hồng mới
ủi, tóc kết nơ vàng xinh xắn chúm môi thổi từng chiếc nến, 16 ngọn nến
làm quà chào mừng cho đoạn đường 16 tròn trăng. Rồi có những món quà nho
nhỏ, những nụ cười nồng nàn trong ánh mắt của mấy đứa bạn thân, những
lời chúc tụng và những tràng pháo tay ròn nổ. Chiếc bánh được cắt ra
từng phần nhỏ cho mọi người, những chiếc ly chạm vào nhau lách cách,
những khuôn mặt bay về quen thuộc trong tiềm thức: Nầy là những người
thân. Khuya xuống, khi mọi người về rồi, anh Di phải bận gỡ những sợi
dây trên trần. Me, chị Hai và em chịu khó dọn dẹp ly tách, nhà cửa. Rồi
khi xong việc, hai anh em bê đống quà vào phòng mở ra xem, rồi cười nho
nhỏ với nhau. Đêm xuống, em lên giường ngủ giữa đống ruy băng và giấy
kim tuyến óng ánh – Thế là em đúng mười sáu tuổi rồi đấy nhé – cầu mong
đêm nay có những giấc mơ nhiều hoa bướm, vẽ vời tô điểm cho 16 của bé
thật vui… Em mơ màng tưởng tượng vẽ ra trong đầu óc một đêm sinh nhật dễ
thương và “người lớn” – 16 tuổi rồi chớ bộ – giờ này chắc me ở nhà đang
sửa soạn cho buổi sinh nhật, mà không chừng có chị nữa cũng nên. Thế mà
hồi nãy em bảo me hết thương em rồi. Quê quá đi! Lần sau phải ăn nói
đàng hoàng nhé, người lớn rồi đó, biết chưa! Em nhủ thầm. Mà bây giờ em
phải kiếm việc gì làm chứ, tính em không thể ngồi không được, mà ngồi
không trong lúc người khác làm việc nữa thì lại càng không được. Em cài
khuy áo len lại, mở cửa đi ra ngoài đường. Thấm thoát mà em nằm đây hơn
hai tuần rồi ấy chứ nhỉ, mà đây không phải là bệnh viện lao đâu mà sợ.
Em mủm mỉm nghĩ thầm. Bước chân em ầm vang trên nền gạch hoa của bệnh
viện. Em dừng bước trước cầu thang. Từng bậc, từng bậc chạy hun hút
xuống vườn hoa làm em chóng mặt. Em lảo đảo dựa lưng vào tường. Khoảng
trống chới với mơ hồ trước mặt em, những ngón tay em bám chặt vào tường
hơn…
– Á! Một tiếng kêu thét lên dưới cầu thang làm em như tỉnh ngủ rồi
như một mũi tên, em lao vút xuống cầu thang và đỡ người bị ngã dậy, một
đứa bé…
– Bé có sao không hở? Tiếng nói thoáng lên nhè nhẹ tự bờ môi em không
tự chủ, tự nhiên em thấy mình lớn hẳn lên, lớn vụt lên như người khổng
lồ. Đứa bé ngẩng lên nhìn em, đôi mắt nai với những riềm mi cong vút còn
loáng thoáng vài tia ngần ngại. Em nở một nụ cười thân thiện:
– Bé tên gì thế??
Chừng như quen thuộc, đứa bé toét miệng cười:
– … Hoàng…
– Tên bé đẹp quá, bé ở phòng mấy vậy…
– …
– Để chị đưa bé lên. Hở? Phòng mấy hở bé??
– 17…
Em dìu đứa bé lên cầu thang. Bây giờ em mới thấy hai tay mình xanh
lướt và gầy guộc ghê lắm. Hình như em bị thiếu máu gì đó – em nghe anh
Di nói thế – anh ấy học y khoa thế mà anh ấy cũng giấu quanh không chịu
nói cho em biết. Em đặt bé Hoàng lên giường ngay ngắn. Hoàng cười dạn
dĩ:
– Thế chị tên gì vậy??
Em cười nhẹ:
– Tên chị hở? Chị tên Vũ bé ạ!
– Chị là chị… Vũ? Sao tên chị giống tên anh bé quá vậy? Tên Vũ.
– Ừ! Thì giống, đâu có sao? Phải không bé?…
– Chị… Vũ này!
– Gì… bé?
– Chị… hiền quá hà! Bé thích chị lắm đó! Để hôm nào bé “chỉ” chị cho
tụi bạn bé nha… mấy cô y tá dữ như cọp vậy đó… bé chả thích.
– Suỵt! Đừng nói bậy! Mấy cô ấy nghe. – Em cười dí dỏm…
Hoàng nghiêng nghiêng đầu:
– Chị có hai cái lúm đồng tiền giống như… me bé ghê đó!
– Vậy hở? Me bé đẹp lắm hở?
– Ừ, mà… me bé cũng dữ như mấy cô y tá vậy đó!! Me bé ít có tới thăm bé lắm, chỉ có ba bé hà… Me bé chắc không thương bé!
– Bậy nào! Me bé thương bé lắm đó, me nào mà chả thương con, bé đừng nói bậy, chị giận à!…
– Chị…
– Gì hở bé?
– Chị đừng giận bé nha!
– Chị không giận bé đâu… à mà để chị về phòng, sắp tới giờ ăn rồi đó, mai chị qua chơi!
– Chị… ở phòng mấy vậy chị?
Em đưa hai tay lên ra hiệu:
– 23!
Em xoa đầu Hoàng:
– Bé giỏi lắm. Chị về nhé… cưng!
– Dạ! – Tiếng “Dạ” thật ngoan đuổi theo em nhè nhẹ. Em cười bâng quơ
một mình. Em đẩy cửa bước vào phòng, ngồi xuống giường. Giờ này mà me và
anh Di chưa đến cũng đủ cho em biết là lễ sinh nhật của em to ghê lắm
cơ…
– Hù! – Em giật mình quay lại và bắt gặp chiếc răng khểnh xinh xắn của Thụy.
– Đồ quỉ! Làm người ta giật mình – Em giận dỗi – bộ không biết người ta yếu tim à!
– Cho xin lỗi đi cô nương. Hôm nay là ngày Sinh nhật của cô nương nè… – Thụy nói giọng trang trọng.
– Sinh Nhật của người ta người ta biết chứ bộ!
– À! Hôm nay ta đến tặng cho mi một món quà to lắm cơ. Mi muốn coi không?
Em tò mò:
– Món quà?! To lắm?! Ừ! Chịu coi.
– Nè, bi giờ mi nhắm mắt lại nha, quay lưng vào tường. Khi nào ta đếm tới 3 hãy quay lại… nào… 1… 2… 3…
– “Mừng Sinh Nhật 16 của Anh Vũ”
Những tiếng nói cùng phát lên một lúc, thật to. Em quay lại. Những
khuôn mặt quen thuộc hiện ra chung quanh: Trâm, Lan, Tuyết, Mai, Bích,
Tâm… em lẩm nhẩm… Hàng mi em chớp nhanh cảm động… em lặng người một lúc
lâu… Những nụ cười vây quanh em, xinh xắn, niềm nở, thân mật. Trâm bưng
một cái hộp thật to lại. A! Lại có cả me, anh Di và chị nữa. Tóc chị xõa
nghiêng trên đóa ngọc lan thơm nhẹ, nụ cười tươi thắm sáng trên bờ môi
màu hồng san hô thật đỏ. Me nhè nhẹ mở nắp hộp, một chiếc bánh kem 3
tầng có rắc từng trái nho chín mọng chạy chung quanh, những đọt kem kẻ
hình hoa hồng còn tươi mùi ngọt chín và 16 ngọn nến kết nơ hồng nho nhỏ.
Anh Di thắp nến lên, giọng anh châm biếm:
– Nhân danh ông… Chủ Tịch, tôi xin khai mạc buổi tiệc nhưng quí vị
lưu ý, đừng làm ồn ào vì đây không phải là “bum” mà là bệnh viện!
Những tiếng cười lại được dịp nổ ròn tan trong căn phòng. Chị đứng
lên nhìn em cười bẽn lẽn, tiếng chị thoang thoảng loãng đi trong căn
phòng:
– Hôm nay là Sinh Nhật Vũ, chị và bạn bè góp lại làm tặng Vũ một
chiếc bánh và những gói quà. Không lớn lắm, nhưng mong rằng… “Của ít
lòng nhiều” tất cả xin gom lại để thầm chúc cho tuổi 16 của Vũ vui mãi…
Em nghiêng đầu thổi từng chiếc nến, qua ánh lửa em thấy mắt me lung
linh âu yếm theo từng cử động của em. Hai bàn tay me ấp ủ tay em như nói
lên một tình thương vô bờ bến từ trong mắt me vỡ ra, ùn ùn, lầy lội. Em
lún sâu giữa bể tình thương của me, của gia đình và của người thân
chung quanh đây và trên quả đất nầy, bảo bọc từng tuổi đời lớn lên theo
năm tháng. Bây giờ, 16 tuổi rồi em vẫn chưa có gì đền đáp công ơn của me
nuôi nấng, của những người thân yêu khuyến khích đỡ đần. Những nụ cười
và những bàn tay nhỏ, nuôi tâm hồn em lớn lên giữa vườn hoa mộng tràn
đầy nắng ấm, có bao giờ em tự hào là em có một người mẹ thương yêu em
hết lòng, một người anh dạy dỗ hồn em qua nụ cười, qua bờ môi, những
người chung quanh gần gũi, thân thiện với em. Có bao giờ em cúi đầu nhìn
xuống mà tự hào là em còn có một mái gia đình hạnh phúc, để trốn vào đó
những lúc đau buồn, có những người thân để ủi an khi sóng gió. Có bao
giờ không nhỉ??… Em nhìn xuống đóa hoa hồng đỏ rực rỡ trên ngực áo của
mình mà một người nào đó đã cài vào lúc nào không biết. Những hình ảnh
mờ dần trước mắt em và bây giờ qua lồng mắt, em chỉ thấy màu đỏ, màu đỏ
muôn đời của đóa hoa hồng nhung trên ngực áo, của dòng máu trong tim. Em
gục đầu vào vai mẹ và bật khóc rấm rức…
*
– Nào, bây giờ chị đếm 3 là các bé bắt đầu hát nha! 1… 2… 3…
– … Khi triều nước vươn lên chim bồ câu trắng vùng trời xưa…
Khi mạch sống vươn lên ta cùng nhau nói người yêu người…
Khi mạch lúa ươm to cho đàn chim bé lời âu yếm…
Ta chợt thấy quê hương quên thời gian giữa mùa thơm này…
Đường ta đi…
Những tiếng hát trong vắt vươn to lên trong điệp khúc “Hy vọng cho
quê hương”. Những đôi mắt nai bệnh hoạn sáng rực lên theo nhịp hát. Các
em đứng quanh đây, bên em, đang vươn cao tiếng hát… rực rỡ… sáng chói.
Đây không còn là những đứa bé bệnh hoạn nữa mà là những mầm non tương
lai đất nước… những sói con dễ thương, ngoan hiền của thế giới Hướng
Đạo, những học sinh ưu tú của các trường… Tất cả gần gũi quanh đây, hùng
mạnh trong tiếng hát…
– Ta nối cho quên tình gian lao. Ôi! Tình xuân đã nở, đã vươn cao giữa trời bình minh…
Tiếng hát kéo dài chấm dứt bài ca, lũ trẻ xúm xít lại bên em:
– Chị Vũ. Dạy bài khác đi chị…
– Tụi em thuộc bài “Hy vọng cho quê hương” rồi nè!
– Dạy bài khác đi chị…
Em cười xoa đầu các em:
– Ừ để chị dạy bài khác… à, bài “Trả lại tuổi trẻ” nha!
– Dạ… Dạ
– Dạ…
– Nào, mấy em hát theo chị nha!
– “Trả lại tôi là tuổi trẻ mênh mông, chúng mình như lúa xanh trên ruộng đồng. Dù mưa tuôn, dù bão cuốn…
Rừng thông rì rào phụ họa từng tiếng hát, âm vang qua kẽ lá, cành
cây. Em nhìn về phía bệnh viện, vài bóng áo trắng của những cô điều
dưỡng và y tá dừng lại lắng nghe tiếng hát. Em đưa tay lên chào cô Thắm,
cô y tá mà em thích nhất, theo kiểu Hướng Đạo. Nằm ở bệnh viện này hơn
hai tháng rồi, em quen gần hết các cô ý tá và điều dưỡng viên, trong số
đó, em chỉ thích nhất cô Thắm và cô Hải, những cô ý tá dễ thương nhất
của khu em nằm điều trị. Em cũng làm quen được nhiều em cùng khu mình,
em giúp đỡ các cô y tá các công việc lặt vặt cho các em như đẩy xe, trò
chuyện, ca hát… Cộng đồng H.Đ. đã dạy em quen cuộc sống tập thể gần gũi
với người khác, với tha nhân ngoài xã hội và nhất là với những em bé dễ
thương này thì chả có gì khó hết mà là một công việc thích thú và mang
ít nhiều gần gũi giữa những kẻ bệnh hoạn với nhau trong bệnh viện.
Những em bé vây quanh em, trong vườn hoa bệnh viện. Bên này là rừng
thông xanh ngát, bên kia là dãy nhà trắng hun hút chạy dài của bệnh
viện. Giữa thiên nhiên, hùng mạnh từng tiếng hát. Tiếng hát của tuổi sen
non tràn nắng ấm, của các bé sinh ra giữa mùa chinh chiến, đầy đau khổ
và chết chóc. Tuổi thơ các bé chưa trọn nụ cười đã vụt tắt trong đêm
kinh hoàng tức tưởi, đau khổ như từng nốt nhạc của từng bài hát Da Vàng
nhược tiểu. Có bao giờ bé nhận thức cuộc đời tủi hổ qua tầm mắt nai rực
rỡ, khi đã quen từng tiếng đạn tiếng bom. Tuổi thơ ngày xưa của chị êm
ái từng đêm nằm nghe me kể chuyện thần thoại: Có nàng Công Chúa và chàng
Hoàng Tử… trong một cung điện nguy nga tráng lệ. Tuổi thơ chị vẽ ra từ
từng cuốn Mickey vui nhộn, từng nét họa diễm lệ của Walt Disney đưa chị
đi thăm nàng Bạch Tuyết đang nhảy múa với bảy chú lùn, đưa chị theo gót
Hoàng Tử và tìm nàng Công Chúa ngủ trong khu rừng hoa tuyệt đẹp. Tuổi
thơ chị nhún nhảy từng đêm đi bắt Ông Trăng, chạy đua cùng chú Cuội
trong vườn. Bây giờ tuổi thơ bị cướp mất vì chiến tranh và văn minh nhân
loại. Những mẩu chuyện thần thoại không còn hấp dẫn nữa mà khi chị kể
ra chắc các bé cho là trơ trẽn. Chị không biết làm gì, hôm nay và ngày
mai, chiến tranh vẫn còn? Thời gian qua như dòng nước, tuổi mộng qua rồi
làm sao níu kéo. Bé hãy sống đi, hưởng thụ đi dù bây giờ bé là bệnh
nhân. Bé không còn lành lặn nhưng chuỗi ngày còn lại đời người bé hãy cố
hưởng hết tuổi thơ nồng nàn thơm ngọt bờ môi mẹ, ba và anh chị… Bé hãy
sống đừng buông trôi nhé bé.
Những ngón tay em đập nhịp nhàng theo điệu hát…
“Trả lại tôi là tuổi tự do theo, chúng mình hoa Hướng dương trên ngọn
đèo, là hoa niên, tìm ánh sáng, hoa biết đường về mọi chốn vinh quang.
Là măng non, thành thép mới. Khi đáp lời thì quả đất lung lay… Là tuổi
son ở Phù Đổng vươn vai, chúng mình khi lớn lên cao bằng trời… “
*
Em cúi đầu lầm lũi đi trên con dốc dài dẫn lên ngọn đồi. Trời mùa
đông lạnh buốt hai vai. Em cài lại áo len và sửa foulard cho ngay ngắn.
Gió đông lồng lộng luồn vào kẽ tóc em nghe lành lạnh. Thành phố ở dưới
chân, xanh xao vàng vọt qua màn sương mù mịt. Những đọt cỏ dưới chân em
cũng ướt đẫm sương mai, những hạt sương ngà trong suốt đẹp như thủy tinh
vỡ đọng trên từng phiến cỏ xanh mát rượi. Cảnh vật thật yên tĩnh, chung
quanh em bây giờ chỉ có sương mù, gió lạnh và một nỗi buồn mênh mang
vây kín tâm hồn. Em đến đây, nhìn lại một lần cuối, một lần cuối cùng
những gì ở quanh đây. Từ con đường đất đỏ hoen sương mù, đến từng gốc me
già, từng ngọn thông mới, qua giòng suối róc rách muôn đời đẹp như một
chuỗi lưu ly tuyệt mỹ mà em và Thụy đã đồng ý đặt cho nó một cái tên dễ
thương Thụy Vũ – ghép tên hai đứa lại – tới dốc giáo đường thầm kín
thoang thoảng mùi hoa dại bát ngát theo từng gót chân di động trên nền
thảm tím dẫn vào nhà thờ… tất cả đã một lần ghi lại chút kỷ niệm dịu
dàng của đời học trò hồn nhiên, thanh thản…
Em đi ngược lên đồi, ngồi xuống gốc me già thân yêu mà em hay ngồi
nhất… em chợt nhớ tới trò chơi “Công chúa ngủ trong rừng” ngày xưa mà em
vẫn chơi. Em vén lá me dạt sang một bên để làm cung điện. Bỗng em thấy
một hình người xếp lâu lắm, cách đây ba tháng hôm em lên đồi chơi. Em
cầm lên xem, tấm hình vẫn còn nguyên sau ba tháng dày dạn nắng mưa. Kỷ
niệm ngày xưa lại kéo về ngập kín cả hồn, lao xao đùa giỡn trong trí
nhớ. Em đứng dậy rồi không biết tại sao em ném cái hình người đi thật
xa, sau hàng thông chạy dài. Em nghe có tiếng lõm bõm trong nước, có lẽ
nó đã rơi xuống dòng suối nhỏ và bị cuốn đi thật xa. Kỷ niệm cũng trôi
theo nó về một phương trời nào đó, nơi có ngày xưa êm đềm dịu dàng. Từng
ngày ngọt dịu, có cô bé Anh Vũ của lớp Tam B1, học giỏi và hay mơ mộng
ghê gớm…
Hồi sáng, khi em vào phòng anh Di lấy hộ anh cái áo len, lục lọi thế
nào mà em làm rơi sách vở của anh ấy xuống đất. Em lục đục xếp lại, bỗng
mắt em dán vào chồng hồ sơ bệnh lý của em nằm kín đáo trong đống sách
dày cộm. Em tò mò cầm lên xem. Những hàng chữ chạy dài ngoằn ngoèo bằng
tiếng Tây làm em chả hiểu gì cả, em chỉ muốn tìm xem mình mắc bệnh gì
cho vui vậy thôi, và rồi em cũng tìm ra những gì mình muốn tìm. Một hàng
chữ đỏ chói đập vào mắt em chát chúa “Thiếu máu bất tái tạo”. Cả bầu
trời như sụp xuống trước mắt em, em nhớ tới một bài trong cuốn y học của
anh Di nói về bệnh thiếu máu bất tái tạo mà một lần em đã xem qua. Em
lặng lẽ vào ăn điểm tâm với me và anh Di. Lần đầu tiên me và anh Di đề
cập tới vấn đề cơn bệnh của em ở bàn ăn, anh Di bảo:
– Con tính Vũ nên ở luôn tại bệnh viện thì có lẽ tiện hơn, như vậy Vũ không phải mất công ra vào!
Me im lặng, không tỏ ra đồng ý hoặc phản đối nhưng sự im lặng đó đã
đủ tượng trưng cho một sự thỏa thuận ngầm. Em cúi đầu, hơn bao giờ hết,
em hiểu rõ câu nói của anh Di một cách tận tường, cơn bệnh của em đã đến
lúc trầm trọng rồi và em cần ở luôn bệnh viện cho tiện – phải, cho tiện
– em nhè nhẹ gật đầu. Ăn điểm tâm xong, em vào phòng thay áo và lén lút
ra đây một lần cuối – để nhìn lại khoảng trời bình yên muôn thuở này,
nhìn lại vùng kỷ niệm vàng son của tuổi học trò thơ ngây, thanh khiết…
để rồi đem tất cả về chôn vùi trong quên lãng, trong hai bàn tay gầy
xanh xao vàng võ, trong vùng sỏi đá mùa đông vô tư bên kia khung cửa sắt
nặng nề của bệnh viện nằm heo hút trên đỉnh đồi xa…
Vì em biết là mỗi giờ sống của em, một hơi thở của em bay ra hòa vào
không khí là rút bớt đi một số lượng máu trong người mình, rồi người ta
phải cấp tốc truyền máu vào người em để kéo dài sự sống của em thêm một
khoảng thời gian nữa. Nhưng phương pháp nầy một ngày kia sẽ trở thành
bất lực và sự sống của em sẽ mỗi ngày một vơi đi theo tỷ lệ thuận với
từng tờ lịch được bóc đi và… – Em thản nhiên nghĩ tới cái ngày mà… cái
ngày khi em xuôi tay nhắm mắt, không còn biết gì nữa – Còn một khoảng
đời còn lại, mấy tháng nữa – em lẩm bẩm – khoảng thời gian cuối cùng
của một đời người, em sẽ làm gì đây? Để khi nhắm mắt còn nở được một nụ
cười trên môi, 16 năm ba me nuôi dưỡng, chưa đáp đền gì cả? 16 năm hiện
diện với cuộc đời có lần nào em làm được một việc gì chưa???…
Em nhìn xuống thành phố dưới chân, còn một tuần nữa là tựu trường
rồi. Cánh cổng nhỏ lại được mở ra để đón ngàn cánh bướm trắng tung tăng
tràn vào học tập sau ba tháng hè buồn thảm. Nhưng khung cửa lớp Đệ Nhị
B1 rồi đây sẽ không lần nào đón em bước vào, ngồi xuống mở to mắt nhìn
lên tấm bảng đen trước mặt và từ giàn hoa tigôn hồng trước phòng giám
học đến dãy hành lang hun hút sâu dần về lớp Nhị B sẽ chẳng bao giờ vang
tiếng cười đùa của ngày xưa thân ái. Từng khuôn mặt bạn xưa rủ về lũ
lượt đầy hồn, nụ cười của Anh Trâm, ánh mắt của Bích Hương và vòng tay
âu yếm của Tuyết Mai… đi dần lên mái tóc hớt cao đài các của “má” Ngọc
với “con” Anh Vũ – Má hiền mà đẹp, dáng má dịu dàng đi chậm rãi dọc theo
hành lang đến lớp Tam B nhộn nhịp. Năm nay chắc má vẫn đi về khuôn lớp
nhỏ đó, tóc bới cao và áo dài ngọc bích, cầu mong má sẽ tìm ra một cô bé
khác để má đứng đợi mỗi sáng ở cầu thang – như ngày xưa – nắm tay vui
vẻ chuyện trò và không còn nhớ đến em nữa – cô bé Anh Vũ của ngày xưa –
Còn Thụy và chị nữa – những khuôn mặt lớn đã qua trong đời – rồi mai
mốt em về với trầm lặng và cô đơn của bệnh viện thì Thụy và chị vẫn tiếp
tục đi nốt quãng đường cuộc đời của mình. Đồi thông, thư viện, dòng
suối đã trở về dĩ vãng. Rồi đây Thụy sẽ có một cô bạn mới, tóc dài, mắt
sâu và hay mặc áo lụa – như Thụy vẫn mong muốn – để mỗi sáng thay em tay
đan tay, thủ thỉ ngồi tâm sự trên đồi, gió lạnh qua buốt lạnh hai vai
mùa đông tới, Thụy có nhớ Vũ không hở Thụy?? Gió đông se sua vờn tà áo
lụa, làm rối tung tóc Vũ, hai đứa vẫn ngồi đây và chải tóc bằng năm đầu
ngón tay hồng nhỏ, áo len hai đứa thơm mùi hoa dại nở muộn vào độ cuối
thu. Dìu nhau bằng từng nốt nhạc Thiên Thần hờn dỗi, đi vào cuộc đời
hiện hữu bằng vòng tay trìu mến, kỷ niệm ngày xưa Thụy đừng quên nhé
Thụy cho dù mai này Vũ chết giữa mùa xuân…
Thư viện màu trắng ở dưới chân đồi, nhìn ra khu rừng thông thẳng tắp.
Khuôn cửa nhỏ mà hàng ngày vẫn đón bước chân chị đi qua đó, dưới hàng
hoàng lan vàng chói. Dáng chị khiêm nhường qua màu áo lụa đơn sơ mộc
mạc, tóc chị mềm như tấm nhung đen me vẫn quàng quanh tóc và nụ cười chị
hiền từ nuôi niềm tin trong em sống tiếp khoảng còn lại cuộc đời. Rồi
một đêm mùa xuân giữa vùng trời cao nguyên Mimosa vàng nở, ngồi ngắm
từng sao trời lấp lánh chị có bao giờ nghĩ rằng: Rồi chị thấy một ngôi
sao băng mờ đi và biến mất ở cuối trời, chị có biết rằng ngôi sao ấy là
Vũ của chị không?? Cũng như mấy năm trước khi Hương – em chị – chết, chị
nhìn trời và thấy sao băng, chị bâng khuâng không hiểu ngôi sao ấy là
ai? Cho đến khi chị biết Hương không còn nữa!! Bé của chị cũng thế, rồi
sao bé sẽ biến mất vào một buổi tối nào đó, sao đó sẽ không còn, nhưng
chị bao giờ cũng là một Hằng Nga chói sáng, ngàn sao vẫn tấu khúc tặng
Hằng Nga, và muôn đời chị vẫn là dáng dấp thần thánh trong hồn em – vì
sao mờ không tên.
Em cúi xuống mân mê tà áo lụa, chất lụa mềm nhũn trong tay em mịn
màng mơn trớn làn da xanh lướt. Một mình em đi lang thang giữa mùa đông
rét mướt để nghe buồn dậy lên từ hình hài mình đổ dài xanh xao trên vùng
sỏi đá buồn. Mười ngón tay gầy em đan lên từng phiến tuổi, đã 16 lần
thắp nến lên mừng Sinh Nhật, 16 lần em nhìn mùa xuân đong đầy ngày tháng
lên hai vai nặng trĩu, 16 năm rồi me cho em vào hiện diện với cuộc đời,
nhận thức nhân thế qua tầm mắt nai ngơ ngác, 16 năm vòng tay me nuôi em
khôn lớn, mắt me dạy em tình thương, 16 năm nhọc nhằn đầy vai me ơi!
Bây giờ me sắp mất con như mất chị Miên, con chưa làm được gì để đáp đền
công me thì con đã phải cúi đầu chôn vùi khoảng cuộc đời còn lại sau
khung cửa sắt nặng nề khép kín của bệnh viện. Vậy một lần cuối cùng
trong đời, con chỉ biết nói là “con thương me lắm!” Nhiều lần con muốn
nói với me như vậy, nhưng con không có đủ can đảm me ạ, và rồi con vẫn
đi lặng lẽ bên cạnh gia đình như một bóng ma cô đơn… để bây giờ con vẫn
đang cô đơn nhưng con biết là con sẽ không cô đơn mãi. Con còn có me, có
anh Di, có chị, có Thụy, có bạn bè và còn có những em bé đang chờ đón
trong bệnh viện… Me yêu, me tha lỗi cho con nhé, con chưa đền đáp gì cho
me cả! Nhưng con xin me một điều là cho con được trở về với những đứa
bé bệnh hoạn kia, dìu dắt chúng đi vào cuộc đời lành mạnh sau nầy. Ước
vọng của con nhỏ bé lắm nhưng con cũng cầu xin cho nó không phải là mây
bay mùa thu. Để lần cuối cùng nhìn lại cuộc đời trước khi trở về với ba
và chị Miên, con còn nở được một nụ cười trên môi.
N.T. Nguyễn (GL)
(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 148, ra ngày 1-3-1971)