Thứ Bảy, 31 tháng 10, 2020

Tháng Mười Một Mồ Côi

 

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Tháng mười một chơi vơi
Mùa thu xa xa vời
Hết năm buồn không nhỉ
Sầu dâng lên đôi môi

Tháng mười một vừa sang
Còn chăng chút nắng vàng
Cỏ cây buồn day dứt
Cánh chim trời đi hoang

Tháng mười một chiều phai
Trên mái tóc u hoài
Hôn hoàng giăng cuối phố
Bước thời gian miệt mài

Tháng mười một ngóng chờ
Trang nhật ký bơ vơ
Dư hương tàn ảo mộng
Xao xuyến trọn vần thơ

Tháng mười một mây trôi
Mây xám xịt khung trời
Đông muộn màng chưa đến
Tháng mười một mồ côi

Tháng mười một lạnh lùng
Dĩ vãng chìm hư không
Cung đàn ngân ảo não
Tim  tím cánh sầu đông...

                       Trần Thị Phương Lan
                        (Bút nhóm Hoa Nắng)

Thứ Sáu, 30 tháng 10, 2020

Thư Chủ Nhiệm (số 131)


 Các em thân mến,

Ngày xưa, có hai anh em sống chung với nhau hết sức hòa thuận.

Một năm nọ, mùa màng thất bát, sinh nạn đói kém, trộm cướp khắp nơi, dân chúng sống loạn lạc. Nạn đói lan tràn đến nỗi người ta phải ăn thịt đồng loại.

Chẳng may, người em bị giặc cướp bắt, định làm thịt ăn.

Người anh hay tim lo sợ cho tính mạng của em, vội vàng tự trói mình đến ngay trước giặc cướp và van xin: Em tôi nhịn đói đã nhiều ngày, thân thể gầy mòn, chỉ còn xương với da, ít thịt hơn tôi. Vậy xin các ngài hãy ăn thịt tôi và tha cho em tôi.

Giặc đói nghe vậy lấy làm cảm động về sự hy sinh tính mạng của người anh để bảo vệ em, bèn tha cho cả hai người, nhưng lại bắt phải về đem gạo đến thế mạng.

Hai anh em về đến nhà, lo đi vay gạo khắp nơi, các bà con quen thuộc trong vùng, nhưng vì tình hình đói kém, ai nấy cũng không còn gạo để ăn, lấy đâu cho mượn, nên hai anh em đành bó tay, cùng tranh nhau lại chịu chết với giặc: người em xin để em chết, người anh van được chết thay em.

Giặc thấy anh em thương yêu, sống có nghĩa với nhau như vậy, chẳng những tha cho cả hai, lại còn thưởng thêm cơm gạo và tiền bạc.

Các em thân mến,

Nhìn thấy tấm gương anh em thương yêu thắm thiết như thế, chúng ta lấy làm hổ thẹn trong khi gia đình chúng ta có sự bất hòa giữa anh chị em với nhau.

Ca dao Việt Nam có câu:

Anh em như thể tay chân,
Rách lành đùm bọc, đỡ đần dở hay.

Sách Lễ Ký cũng khuyên: Anh em cốt nhục tình thâm chớ rời bỏ nhau.

Cựu ước kinh ghi rằng: Tôi sẽ tha thứ cho em tôi mấy lần? Có phải bảy lần không? Chẳng những đến bảy lần mà đến bảy mươi lần bảy kia.

Mong rằng các em nên hòa thuận, thương yêu, đùm bọc anh chị em trong gia đình.


NGUYỄN HÙNG TRƯƠNG    

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 131, ra ngày 15-10-1974)

Thứ Năm, 29 tháng 10, 2020

Mở Rộng Tấm Lòng

 

 Các em thân mến,

Trong quyển Nghệ thuật nói trước công chúng của Nguyễn Hiến Lê, tác giả có trích bài Lời khuyên Hướng Đạo sinh trong tạp chí "Le lien" (Chiếc dây) của Hướng đạo sinh. Thấy lời khuyên này cũng thích hợp với các em Thiếu Nhi, chúng tôi xin mạn phép chép lại dưới đây để các em đọc và suy nghĩ.

"Hãy nhận xét, quan sát ở chung quanh các em.

Các em biết rằng có nhiều trẻ em chết lắm, nhưng điều ấy chưa bao giờ làm cho các em động lòng vì các em chưa bao giờ thấy một người mẹ trước cái thây của đứa con bé yêu quí.
 
Các em biết rằng có những bệnh tiêu diệt dân trong nước, nhưng điều ấy chưa bao giờ làm cho các em động lòng vì các em chưa bao giờ thấy một người ho lao chống cự với vi trùng, cố bám lấy đời sống mà mới hai mươi tuổi xuân đã phải lìa đời.
 
Các em biết rằng có những nhà lá lụp xụp dơ dáy, nhưng điều ấy chưa bao giờ làm cho các em động lòng vì các em chưa bao giờ thấy cảnh khổ phải chen chúc nhau ngủ trong một nơi chật hẹp, đêm nào như đêm nấy.
 
Các em biết có những trẻ mồ côi, nhưng điều ấy chưa bao giờ làm cho các em động lòng vì các em chưa bao giờ theo sau một chiếc quan tài với một em nhỏ bảy tuổi, cô đơn.
 
Không phải lỗi tại các em đâu. Vì các em không biết. Trí óc của các em biết, các em đã đọc sách, các em đã nghe người ta kể. Nhưng tâm hồn các em không biết. Không phải sách dạy các em biết được những cảnh ấy, nhưng các em cứ đi trên đường và ngó, nghe, mở rộng lòng của các em ra, thì các em sẽ biết".
 
Các em thân mến,
 
Mở rộng lòng của các em ra là điều mà chúng tôi muốn nhắc nhở các em hôm nay.
 
Mở rộng lòng, nghĩ đến người khác, em bắt đầu được sung sướng, vì đúng như lời nhà tư tưởng Diderot nói: Người sung sướng nhất là người đã tạo ra hạnh phúc cho thật nhiều người khác".
 
Mấy hôm gần đây, mặc dù ở trong nhà, các em cũng thấy rét lạnh vì ảnh hưởng của trận bão. Hiện nay trên 200.000 đồng bào chúng ta ở miền Trung đang sống ngoài trời, không mền chiếu, thiếu thốn mọi bề từ miếng ăn chiếc áo, các em thử nghĩ xem sự khổ nhọc của đồng bào chúng ta như thế nào. Hàng trăm người đã thiệt mạng và mất tích. Cả ngàn nhà cửa bị sụp đổ, nước cuốn trôi đi. Nhiều nơi, nước lên cao trên ba thước, nhiều gia đình phải bám vào ngọn cây, nóc nhà chờ cứu vớt.
 
Mặc dù việc cứu giúp đồng bào bị nạn bão lụt là phận sự của người lớn, chúng tôi mong các em, nếu có thể, bớt lại số tiền cha mẹ dành cho để xài vặt để quyên giúp người khốn khổ, hoặc đi cổ động, kêu gọi lòng tốt của người khác. Của ít lòng nhiều là điều mong đợi của chúng tôi ở các em, các bạn trẻ mà chúng tôi hằng quí mến.
 
Thân mến chào các em          
NGUYỄN HÙNG TRƯƠNG     
 
(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 115, ra ngày 30-11-1973)


Thứ Tư, 28 tháng 10, 2020

Tặng Phẩm Cứu Trợ

  

Thư của em... Gia Định:

Em là trưởng ban xã hội trong lớp. Để góp phần giúp đỡ đồng bào nạn nhân bão lụt miền Trung, em được cử ra quyên các bạn. Cũng có người sốt sắng đóng góp. Nhưng cũng có người tỏ ra những cử chỉ làm cho em tủi lòng lắm chị ơi. Có bạn cầm tờ hai chục liệng vào mặt em mà nói:

- Này, bố thí...

Vừa nhặt tờ giấy bạc lên, nước mắt em vừa ứa ra.

Em có xin cho em đâu mà họ nỡ đối xử như vậy! Có bạn lại chỉ trích là em bày đặt thu tiền để "lấy của người làm phúc cho ta". Hoặc xỏ xiên: "Kiếm chác được gì không?". Em buồn quá, muốn từ chức cho rồi, chị ạ...

Trả lời:

Chị hoàn toàn cảm thông với em. Danh ngôn có câu rằng: "Kẻ nào vì ngu dốt mà vô tình làm điều lỗi, thì lỗi đó sẽ được giảm bớt". Hành động của mấy người kia đã cho chúng ta thấy rõ rằng họ kém suy nghĩ và lòng dạ nhỏ nhen.

Nói tới cứu trợ, chị lại nhớ đến một lần, trên hành lang thương xá Tam Đa, chị đã gặp một cảnh thật cảm động.

Bữa đó, có một nhóm sinh viên học sinh đi quyên, có tặng một cuốn thơ nữa thì phải, tình cờ chị bước ngang qua, nghe tiếng cười rộn rã, bèn đứng lại xem. Chị có cái tật là thích mọi người cười. Cho nên thấy có đám đông cười là không thể bỏ qua được. Thì ra đám học sinh đang vừa cài lên vai áo một bà cái huy hiệu, còn bà thì đang vừa nhét tiền vào hộp, vừa nói cám ơn. Cô học sinh duyên dáng:

- Tụi cháu cảm ơn bà mới phải!

Nhưng bà khách vừa cười vừa lắc đầu:

- Ơ! Cô bé lầm rồi nhé. Tôi phải cảm ơn chứ. Nhờ có các cô, tôi mới có cơ hội đóng góp chút đỉnh vào công cuộc từ thiện này. Tôi chỉ đóng góp có chút xíu, trong khi các cô hy sinh cả ngày lang thang lếch thếch đi khắp nơi, mệt mỏi biết là bao. Mà phần đóng góp của tôi chỉ là chút tiền, trong khi các cô đóng góp chính thời giờ trong cuộc đời, phần đóng góp thật quí báu và không có gì sánh bằng được, ngoại trừ sự yên ổn và hãnh diện của chính các cô.

Mấy cô bé được ca ngợi, bèn buồn buồn tâm tình:

- Bà ơi! Chưa có ai nói với chúng cháu như bà. Nhiều người tránh tụi cháu như tránh hủi. Họ tìm cách lẩn trốn, vừa thấy tụi cháu cười cười tiến lại là mặt họ đã lạnh như tiền, quay ngoắt về phía khác, làm nụ cười của chúng cháu trở nên hết sức vô duyên. Hồi nãy còn có một ông vừa ném ra tờ giấy bạc vừa gay gắt: "Cứu trợ quái gì! Thôi, các cô cứ cầm lấy bỏ túi, lát ra tiệm kem ăn là tiện hơn cả. Đỡ mất công moi trong hộp". Chúng cháu không bao giờ vô tư cách như thế. Nhưng làm sao mà giải thích cho họ hiểu. Hầu hết đều liệng tiền ra với vẻ mặt khinh khỉnh đầy tính chất bố thí. Tụi cháu tủi thân và cũng mắc cỡ ghê, muốn dẹp luôn, mang trả ban tổ chức cái hộp này rồi về nhà nghỉ cho khỏe bà ạ.

(Cho chị mở một ngoặc nhỏ ở đây nhé: Chắc các cô cậu bé tốt lành ưa làm việc thiện thì cũng thích đọc Thiếu Nhi rồi đó. Vậy thì: "Các cô sinh viên học sinh dễ thương bữa đó ơi! Có còn nhớ như chị đã nhớ các cô không?")

Kể câu chuyện đó ra đây, là chị mong em hiểu rằng khi em làm việc, chắc chắn sẽ có người tìm đủ cách để chỉ trích, hoặc tìm cách hạ nhục em, vì mặc cảm thua kém, vì ghen tị hoặc vì ngu dốt, không hiểu được tấm lòng của em. Nhưng dầu vậy, em cứ làm, em càng phải làm hơn lên, em ạ. Bởi lẽ đã có người phá hoại, thì người thiện chí phải làm việc nhiều hơn để bù vào chỗ bị phá hoại. Nếu thấy khó khăn mà nản lòng em sẽ không bao giờ làm nên công việc gì cả em ơi. Suốt đời ngồi trên giường, không bước chân xuống đất thì sẽ không bao giờ đạp phải gai, nhưng như thế thì cái chân hóa thành vô dụng, cũng như què. Suốt đời không làm việc, thì không ai chê trách được, nhưng như vậy thì đời sống hóa thành vô dụng mà thôi em ạ. Danh ngôn có câu: "Người ta đã chết nhiều lần trước khi chết thật". Nhiều lần chết trước chính là những lần "chết nhát" cứ sợ cái này, sợ cái kia, không chịu lăn mình vào chốn hiểm nguy. Không phải ở bãi chiến trường mới là hiểm nguy, mà chính miệng lưỡi con người độc ác phun nọc cũng tàn nhẫn, làm cho người khác đau đớn chẳng thua gì bị trúng đạn. Chịu đựng được sự đau đớn đó để thẳng tiến trên đường đời mới xứng đáng là người can đảm em ạ.

Hãy nghĩ đến đồng bào nạn nhân cần sự giúp đỡ mà đừng nản chí em nhé. Những đồng bào nạn nhân của chúng ta thật đáng tội nghiệp xiết bao. Vừa mới mấy ngày trước, tất cả đều đang sống trong gia đình êm ấm, có ai ngờ sau một sớm một chiều, mà nhà cửa bị nước cuốn trôi, thân phận trở thành ăn nhờ ở đậu phải cần tới sự cứu trợ. Thật là đau lòng biết mấy!

Sự trợ giúp của chúng ta sẽ đỡ cho đồng bào chúng ta một phần nào thiếu thốn vật chất, giúp cho đồng bào chúng ta an ủi đôi chút tinh thần và cũng để cho thế giới thấy tình nghĩa keo sơn gắn bó, xót thương lẫn nhau của một dân tộc vẫn tự hào là có bốn ngàn năm văn hiến. Không có lý gì mỗi khi đồng bào chúng ta bị tai nạn giáng xuống, chúng ta dân một nước có nhiều năm văn hiến, lại thờ ơ với sự giúp đỡ, mà nhường cho những nhà hảo tâm ngoại quốc ít văn hiến hơn phải ra tay.

Em đừng buồn nữa nhé, hãy nghĩ rằng: "Chính nhờ những người thiện chí và can đảm, mà tất cả các công trình đã được xây dựng." Em hãy nhiệt thành như em đã nhiệt thành và nếu sau khi đọc những hàng này, em có cảm thông và thương mến chị chút nào, thì em hãy nghĩ rằng đồng bào nạn nhân chính là chị Đ.P.K. của em đấy. Nghĩ đến đồng bào bằng tấm tình thương mến sâu đậm, em sẽ vượt qua được tất cả mọi phiền muộn, em nhé.


Chị ĐỖ PHƯƠNG KHANH      

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 115, ra ngày 30-11-1973)

Thứ Ba, 27 tháng 10, 2020

Thương Quá Mái Nhà Xưa

 


 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Anh viết bài thơ về mái nhà xưa
Nơi bình yên - con chim về vui hót
Nơi thơm thảo - vườn xanh trái ngọt
Giàn bí bầu dây mướp nếp cùng leo
 
Ngọn cau già bên giếng nước trong veo
Ngả bóng xuống mảnh sân chiều ảm đạm
Dây trầu xanh bám mảng tường rêu xám
Dâng mẹ già những chiếc lá tươi non...
 
Có một thời như cổ tích vàng son
Ngày ta có nhau - nhà mình vui thế
Câu hạnh phúc - cha cười rưng ngấn lệ
Mắt mẹ vui - nhòa những vết chân chim
 
Đời bình yên như vệt nắng qua thềm
Mái nhà ấm niềm vui mùa gặt hái…
Em theo anh, bỏ lại thời con gái
Con ngõ quanh co chợt vắng một người
 
Gánh rạ đồng chiều thiếu một bờ vai
Khóm chuối sau nhà xao xác
Cây mít thẫn thờ, đàn gà tao tác
Hàng cau thương rủ lá vàng hoe
 
Nhà của mình vẫn mưa nắng chở che
Bao dâu bể ở ngoài khung cửa hẹp…
Rồi chái bếp không còn vương khói bếp
Những người thân lần lượt chuyến đi xa
 
Không gian xưa dần lặng lẽ nhạt nhòa
Mái nhà cũ im buồn chiều nhạt nắng…
Ta quay về hôm nay lòng trĩu nặng
Con chim nào cất giọng hót vu vơ
 
Ngơ ngác nhìn…
Thương quá mái nhà xưa !
 
                                      Đằng Linh (2020)

Thứ Hai, 26 tháng 10, 2020

Tuổi Thơ Thật Đáng Quí

 

 Các em thân mến,

Vừa đây, có vài em viết thư cho chúng tôi ước ao làm người lớn. Làm người lớn sướng lắm chứ, nào được mọi thứ tự do như tự do muốn làm gì thì làm khỏi phải cha mẹ la rầy, ngăn cấm, nhất là tự do tiêu tiền. Làm chủ nhiệm, chủ bút sướng ghê!

Không đâu các em. Tuổi thơ mơ mộng của các em là thời đẹp nhất trong đời người. Các em được tự do nô đùa, không phải nghĩ đến cuộc sinh sống, các em được sống trong tình thương, trong sự trìu mến của mọi người, nhất là của gia đình. Người lớn không có mọi thứ tự do như các em tưởng đâu và trước khi được tự do tiêu tiền, người lớn cần phải làm việc nhiều, vất vả nhiều.

Tuổi thơ là tuổi đáng mến. Tương lai đầy huy hoàng đang chờ đợi các em. Khoa học mỗi ngày mỗi tiến bộ sẽ giúp ích cho các em nhiều hơn. Các em sẽ được hưởng các tiện nghi mà người lớn chúng tôi không còn thì giờ để nhìn thấy. Những ngày sắp tới, biết bao sự phát minh, tìm tòi sẽ làm cho đời sống các em được sung sướng hơn, chẳng hạn các em sẽ được đi du lịch khắp các nước dễ dàng như các em hiện giờ đi chợ hay đi học vậy. Các em sẽ ít bịnh tật hơn, sống lâu hơn. Nếu có bịnh các em chỉ cần ngậm một viên thuốc ngọt như cục kẹo là khỏi ngay.

Vả lại, các em ngày nay thông minh hơn và lanh lợi hơn các trẻ đồng tuổi cách đây hai ba mươi năm.

Khổng Tử khi xưa cũng công nhận kẻ sinh sau thật đáng sợ.

Một hôm ngài đi dạo cùng học trò, gặp một đứa bé lấy gạch vụn xây thành cản lối đi. Ngài bảo: Cháu tránh chỗ cho xe ta qua. Đứa bé đáp: Từ xưa đến nay, xe phải tránh thành, chớ thành nào lại tránh xe. Khổng Tử nói: Cháu còn trẻ, sao ăn nói quỷ quyệt thế? Cậu bé lại đáp: Con thỏ sinh ra ba ngày biết chạy, con cá ba ngày biết lội, con người ba tuổi thì có trí khôn, sao ngài lại cho cháu là xảo trá? Khổng Tử hỏi: Hiện giờ cháu ở đâu, cháu tên gì? Cậu bé trả lời: Cháu ở nơi quê mùa, cháu tên Thác, họ Hạng. Khổng Tử liền mời: Vậy ta muốn cùng cháu đi dạo chơi quanh đây, cháu bằng lòng không? Hạng Thác thưa: Nhà cháu còn cha nghiêm cần phải thờ, mẹ hiền cần phải nuôi, có anh lành cần phải theo, các em nhỏ cần phải dạy, có thầy sáng cần phải học, có rảnh đâu mà đi rong chơi với ngài. Khổng Tử lại tiếp: Vậy trên xe ta có sẵn bàn cờ, ta cùng cháu đánh chơi vài bàn cho vui. Đứa bé đáp: Thưa ngài, vua ham cờ bạc thì nước loạn, chư hầu ham cờ bạc thì việc chính bế tắc, sĩ nho ham cờ bạc thì bỏ luống việc học, kẻ làm ruộng ham cờ bạc thì bỏ buổi cày... Thác này thật chẳng dám vâng lời ngài. Khổng Tử liền nói: Ta muốn cùng cháu bàn việc bình thiên hạ, cháu vui lòng chăng? Hạng Thác lại đáp: Thiên hạ làm sao bình được mà ngài khéo hỏi: hoặc vì có núi cao. hoặc vì có biển rộng, hoặc vì có giai cấp ; bình núi cao thì chim chóc còn chỗ đâu mà ở, bình biển thì tôm cá chết hết còn gì, dứt hết giai cấp thì lấy ai chỉ huy, lấy ai sai khiến? Khổng Tử thấy cậu bé giỏi quá. bèn hỏi thêm nhiều câu khó khăn gấp mấy mươi lần, cậu bé đều trả lời trôi chảy cả. Ông định lên xe đi, cậu bé nói: Nãy giờ, ngài hỏi cháu bất cứ câu nào, cháu cũng trả lời đầy đủ. Giờ đây, xin ngài cho cháu hỏi lại ngài vài điều cho rộng điều hiểu biết. Cháu nhờ ngài giải thích giùm cháu con ngỗng, con vịt nhờ đâu mà nổi được, chim hồng chim nhạn nhờ đâu mà kêu được, cây tùng cây bá nhờ đâu mà xanh tươi suốt bốn mùa? Khổng Tử đáp: Ngỗng vịt nổi được là nhờ chân vuông, hồng nhạn kêu được là nhờ cổ dài, tùng bá xanh tươi luôn là nhờ ruột chắc. Cậu bé có vẻ không thỏa mãn, nói: Cháu sợ không phải vậy đâu. Cá tôm đâu có chân vuông, sao cũng nổi, con muỗi nào có cổ dài, sao vẫn kêu, giống tre và trúc rỗng ruột sao vẫn xanh tươi luôn? Thôi, xin ngài cho biết trên trời có mấy ngôi sao? Khổng Tử liền nói: Chúng ta hãy bàn việc dưới đất cho dễ cháu à! Cậu bé hỏi ngay: Được! Cháu xin hỏi ngài dưới đất có bao nhiêu nhà? Khổng Tử không trả lời, lại nói: Đấy là chuyện xa vời, cháu hỏi việc trước mắt đây thôi. Cậu bé đồng ý: Vâng, vậy lông mày có mấy sợi? Khổng Tử ngán quá, lật đật bước lên xe, nói với học trò: Hậu sinh khả úy.

Các em thân mến,

Các em nên tự hào, đã sanh sau đẻ muộn. Bao nhiêu người, từ thượng cổ đến ngày nay, đều làm việc cho các cháu được sung sướng.

Vậy các cháu hãy cố gắng học hành, vâng lời cha mẹ cùng thầy dạy, ráng trở nên người hữu dụng, tương lai tốt đẹp đang chờ đón các em.


Thân mến,                  
NGUYỄN HÙNG TRƯƠNG    

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 11, ra ngày 24-10-1971)

Chủ Nhật, 25 tháng 10, 2020

Xin Trời Mưa Đi Qua

 

  
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Trời còn mưa cho anh không đến thăm 
Ngõ se buồn dăm chiếc lá khô nằm 
Gian nhà nhỏ quạnh hiu cơn bão rớt 
Em đứng chờ cành biếc cũng xa xăm

Xin muộn phiền là mưa trôi qua tay
Em đứng chờ hun hút ngọn thu bay
Mưa ướt ngọn tình cờ che bóng lá
Ngõ vẫn lầy cùng nỗi nhớ quanh đây

Trời còn mưa cho anh không đến thăm
Lòng em buồn nằng nặng một dư âm
Như thời gian đi dần trên phím ngọc
Nghe trống không chẳng biết đến bao lần

Trời còn mưa em xin trời dừng mưa
Anh đến thăm hàng lá mới đầu mùa
Em sẽ thấy nắng vừa hôn ngọn tóc
Cánh biếc về ôm dấu cả buồn xưa 

                                      ĐỖ THỊ HỒNG LIÊN

(Trích từ bán nguyệt san Ngàn Thông số 32, ra ngày 29-8-1972)

Thứ Bảy, 24 tháng 10, 2020

Chuyện Thằn Lằn và Bé

 

Nhiều lúc bé suy nghĩ vẩn vơ về... con thằn lằn, (các bạn đừng cười bé nha).

Không biết tại sao bé lại mơ con thằn lằn thành... Hoàng Tử, giá có phép mầu nhiệm nào nhỉ. Bé xin kể hết "chuyện lòng" của bé mí con thằn lằn cho các bạn nghe nhá.

Bé tạm gọi thằn lằn là anh ta cho tiện. Anh ta cứ nhìn bé hoài, nhìn không chớp mắt, bé không tin vì tự kỷ ám thị, tại ngày nào cũng như ngày nào, không hẹn mà gặp, đôi lúc miệng anh ta mấp máy định nói gì với bé, khổ một nỗi chả nghe được gì. Bé phục anh ta kinh khủng, đớp mồi lia lịa, giá anh ta ăn ô mai hoặc me được, bé cũng cho anh ta ăn từ khuya rồi. Các bạn biết không, cứ mỗi lần xuống bếp là thấy anh ta lù lù bò ra và nhìn bé trân trồi, làm bé cũng... mắc cỡ chứ bộ.

Hôm kể cho Thoại Lan nghe, nhỏ ấy phát cười như điên dại. Nó bảo:

- Lâu lâu nhà ngươi cho ta một trận cười đã đời quá.

Bé tức nhỏ ấy ghê, đem hết tài biện luận để bênh vực lý lẽ của bé. Sau cùng nhỏ ấy nói:

- Thế thì mơ rắn biến thành Hoàng Tử dễ hơn (vì chuyện ấy có thật).

- Ở giữa thành phố này tìm đâu ra rắn mà mong, vả lại mới nhìn thấy đã chạy vắt giò lên cổ rồi còn đâu.

- Vậy chọn chim khuyên của nhà mi đó, được lắm đấy.

- Không, chim khuyên là con gái, chim khuyên biến thành công chúa.

- Ờ nhỉ!

Hôm sau, chuyện bé mơ thằn lằn biến thành Hoàng Tử được phổ biến rộng rãi trong tầng lớp dân... kịp tóc. Bé quê quá đi thôi, lúc nào cũng bị chọc ghẹo. Rồi tự cảm thấy mình kỳ kỳ, có ai giống bé đâu, mắc cỡ ghê nơi.

*

Bé đem tập ra làm toán, cầm bóp viết trên tay ngắm nghía, cô bé sao dễ thương ghê nơi, đôi mắt đen láy thật to, bé hôn lên mắt cô ấy. Ủa! Có cái gì nhúc nhích trong ấy vậy, bé mở vội ra xem:

- Ái! Trời ơi! Mẹ ơi! Mẹ...

Thật là bất ngờ, con thằn lằn nhảy vọt ra ngay dưới chân, bé cuống quýt nhảy tránh suýt té. Vừa lúc đó, có tiếng cười của ông Duy, chú thằn lằn bò đâu mất. Mẹ lên:

- Gì thế Duy, Thu sao đó?

Bé lập bập chả nói được.

Ông Duy cười một lúc rồi nói:

- Con không biết! Vừa vào đây thấy mặt nó xám ngắt, run bây bẩy, miệng thì bải hải như khi gặp... thằn lằn.

Bé tức quá, òa khóc và nói:

- Mẹ, anh Duy bắt thằn lằn bỏ vào bóp viết con...

Có lẽ mẹ đã hiểu tự sự.

- Thằng Duy lúc nào cũng vậy, thôi nín đi, để mẹ vào làm bánh Flan cho con ăn.

- Đừng cho anh Duy ăn nghe mẹ.

Mẹ vào bếp, còn mỗi ông Duy nhe răng nhìn bé cười, tức kinh khủng là tức, bé nhất định trả thù:

- Chiều nay, gặp chị Thảo em méc cho coi, đã bốn mắt mà còn lộn xộn, rồi biết tay chị Thảo.

Dĩ nhiên là màn năn nỉ, ỉ ôi được diễn ra và phần lợi về bé. Một chầu bò bía, ciné chiều thứ bảy.

Thỉnh thoảng nhắc lại chuyện đó, anh Duy lại nói: "Hoàng Tử của nhà mi mà mi không thương à!" Bé thấy thẹn thùng làm sao.

*

Đến nay anh ta vẫn còn hay nhìn bé như ngày trước (anh ta không phải là chú ở bóp viết nhảy ra đâu nha).

Đôi lúc bé nghĩ: Nếu anh ta biến thành người thật. Rồi một ngày nào đó, một "đấng con trai" gặp bé. Bé sẽ hỏi:

- Anh thoát xác thằn lằn rồi à, bao giờ thế?

"Đấng con trai" kinh ngạc:

- Cái chi kỳ cục vậy! Tôi có là thằn lằn bao giờ đâu, có lẽ cô bé nhầm cũng có phần đúng vì kiếp trước tôi là... thằn lằn...

*

Nhỏ Thoại Lan không tin có chuyện thần thoại xảy ra ở thời đại này, mỗi lần gặp là nhỏ ấy đem chuyện thằn lằn ra nói:

- Ai đời sợ thằn lằn mà lại mơ tưởng đến... thằn lằn.

Bé cãi hắn kịch liệt. Sắp sửa giận nhau nếu không có ông Duy.

Bé vẫn chờ ngày thằn lằn biến thành Hoàng Tử. Bé vẫn tin có thật để trong giấc mơ bé thấy Hoàng Tử đến với bé rồi bé kêu "Hoàng Tử ơi"...


NHẠN VĨ ANH      

(Trích từ bán nguyệt san Ngàn Thông số 11, ra ngày 3-10-1971)
 

Thứ Sáu, 23 tháng 10, 2020

Con Thằn Lằn

 
Trong đời nầy, có lẽ bé sợ nhất là con thằn lằn hay thạch sùng cũng thế. Eo ôi! Trông phát khiếp đi thôi. Nhất là sờ vào làn da mềm của nó bé mọc ốc cùng mình.

Trưa nay. ba mẹ đã đi xi nê với bé Thạnh rồi. Chỉ còn bé, anh Khải và cu Tý ở nhà thôi. Buồn quá, bé lấy viết vẽ "chấm phá" vài nét. Cu Tý nhìn thấy, nó ngỡ là bé viết bài đăng báo nên lại lấy giọng "oanh vàng" ca lên "Em mới mười hai chưa biết mộng mơ". Bé nạt nó: "Xí, rồi tức không?" Anh Khải lại xuất hiện: "Chuyện chi thế?". Bé im lặng. Bé biết anh em nhà :hắn" tức bé lắm. Lần trước, né bắt chước chị Phương Vy "tả thực" chuyện của hai anh em, làm thế mà may thay cũng được đăng báo khiến nhà "hắn" bị "quê" một bữa... Nên bây giờ, mỗi lần thấy bé sáng tác là anh Khải lại tìm cách "phá đám".

Bỗng cu Tý kéo anh Khải xuống nhà dưới. Ý hẳn muốn "đại náo" garde manger đây mà. Nhưng thôi Bé không thèm rình vì Bé còn đợi ông phát thơ. Một tây rồi, lát nữa sẽ có Tuổi Hoa. Có tiếng "cót két" của chiếc xe đạp, ông phát thơ tiến đến nhà bé rồi ngừng hẳn. Thế là Bé "chộp" được Tuổi Hoa.

Tha hồ mà xem. Cha, hôm nay lại có mục "Đồng cỏ non" nữa chớ. Bé phải đi thăm mới được.

Bé chưa đọc xong bài nào thì tiếng cu Tý đã vang lên:

- Anh Khải ơi! Có báo Tuổi Hoa rồi nè.

Bé giật mình. Giọng anh Khải "dịu dàng":

- Nầy, Bé cho anh xem tí nào.

Bé quên không nói là nhà Bé, ai cũng mê Tuổi Hoa hết á. Mỗi lần có báo thì anh Khải xem trước, đến Bé, em Tý rồi đến bé Thạnh.

Nhưng lần nầy... Bé vẫn còn ấm ức chuyện anh Khải ăn hiếp khi nãy nên trả lời:

- Bé không biết mộng mơ thì Bé xem Tuổi Hoa chớ gì.

- Thôi mà, cho anh mượn tí đi. Chóng ngoan...

Bé không nói gì, đôi mắt và đôi tay nắm chặt quyển Tuổi Hoa vì Bé sợ mục "giựt đại rồi ra sao thì ra" của anh Khải. Đã có một lần anh Khải giựt rách của Bé một quyển Tuổi Hoa. Thế là... phải đền.

Dùng chiến thuật "dụ khị" không được, anh Khải và cu Tý thì thầm to nhỏ rồi hai anh em chạy ra nhà sau. Muốn nhát ma Bé đây mà. Bé không sợ đâu!

Thế rồi Bé lại say sưa theo dõi mục "Đồng cỏ non". Tiếng cu Tý vang lên:

- Này, chị Kim xem cái này nè. Xinh lắm.

Bé quay đầu lại. Eo ôi! Con thằn lằn!

- Anh Khải bảo đem con nầy cho chị Kim đó.

Bé hét to:

- Cu Tý có quăng đi không?

Cu Tý cười. Anh Khải lên tiếng:

- Thì Bé đưa Tuổi Hoa cho anh đi.

Bé tức đến ứa nước mắt. Vừa tức, vừa sợ nhưng Bé gan lì, không thèm nói gì.

Anh Khải dọa:

- Bé không đưa thiệt há.

- Thiệt, ai biểu anh...

- Cu Tý, thi hành đi.

Cu Tý chậm chạp tiến đến Bé, con thằn lằn trong tay nó còn ngo ngoe trông khủng khiếp. Bé hét to:

- Cu Tý...

Anh Khải hối thúc:

- Cứ việc xông tới đi. Có anh đây đừng sợ chi cả cu Tý.

Người Bé nóng lên. Mồ hôi tuôn ướt áo. Cu Tý vẫn tiến bước và thình lình nó quăng mạnh con thằn lằn vào mình Bé. Bé chỉ kêu lên một tiếng "oái" rồi không biết gì nữa.

Khi mở mắt ra, Bé bắt gặp khuôn mặt lo lắng của me:

- Bé có sao không? Me lo quá.

Tủi thân, nước mắt Bé tuôn như mưa. Me dỗ dành:

- Thôi, nín đi con. Cu Tý bị ba phạt kia kìa.

Bé liếc mắt quanh phòng thấy cu Tý đang quỳ gối, miệng mếu máo. Còn anh Khải thì đang nghe ba giảng "luân lý".

Bỗng nhiên Bé cảm thấy tội nghiệp cho cu Tý quá. Bé muốn lại năn nỉ ba tha tội cho cu Tý ghê cơ. Nhưng trông gương mặt giận dữ của ba, Bé sợ sợ là.


Trang Thy      

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 79, ra ngày 15-10-1967)
 

Thứ Năm, 22 tháng 10, 2020

Con Ngựa Gỗ

 
Con Thúy cứ đứng nhìn mãi con ngựa gỗ mà mẹ nó mới mua ở chợ về. Mình nó đầy những đốm đen, đốm đỏ. Bốn vó của nó thẳng băng, mà lại cụt ngủn thành ra trông nó lùn tịt. Bên dưới được nối liền với hai đường cong làm cho con ngựa nhún nha nhún nhẩy.

Con ngựa nầy tuy giống con ngựa thật lắm, nhưng đặc biệt là hai lỗ tai của nó được thay thế bằng hai khúc cây dùng làm tay cầm. Lần đầu tiên ngồi lên nó, con Thúy chưa biết gì nên sợ hãi. Nó nắm hai cái tay cầm đẩy tới trước, tưởng đâu chạy như ngựa thật chẳng ngờ... con ngựa chúi đầu xuống đất rồi lại ngửng đầu lên hất nó xuống đất. Nó nhìn lại con ngựa với sự bực tức không ít. Nó đứng dậy, kéo lỗ tai con ngựa xuống, định cho con ngựa chúi nhủi. Bất thình lình, con ngựa hất cái đầu lên làm cho nó lại một phen hoảng sợ, nó bỏ vào nhà mách mẹ:

- Thôi mẹ ơi, con hỏng thèm chơi với con ngựa mất dạy đó đâu, con đánh nó, nó hỏng té, mà làm cho con sợ nữa mẹ à!

Mẹ nó mỉm cười:

- Thế làm sao con đánh nó?

Con Thúy ra chiều nũng nịu:

- Con ngồi lên nó, đẩy cho nó chạy nó lì quá hỏng thèm chạy, hất con xuống đất!

Mẹ nó vuốt đầu nó, dịu dàng bảo:

- Nó là ngựa gỗ, làm sao chạy được? Nó chỉ biết nhún tới nhún lui thôi con à!

- Vậy hả má! Ngộ quá hén?

- Ờ!

Nó buông tay mẹ nó ra, chạy lại chỗ để con ngựa gỗ. Nó cẩn thận leo lên lưng ngựa, nắm lấy tay cầm và đẩy mạnh. Theo đà tay nó con ngựa lắc đều làm nó thích chí:

- Mẹ ơi ra mà coi con cỡi ngựa nè!

Mẹ nó đang nấu cơm, nghe gọi chạy ra:

- Đó! Con thấy chưa! Ấy coi chừng té!

- Gió mát quá, con thích ghê! Thế nầy con chấp tụi con Lệ, con Thu nghỉ chơi với con đó!

Hai mẹ con nó cất tiếng cười vang...
 
*
 
Từ hôm có con ngựa gỗ con Thúy chẳng thèm ra khỏi nhà. Tối ngày nó cứ giữ khư khư con ngựa gỗ bên cạnh chẳng lúc nào rời, ngay cả lúc ngủ cũng vậy...

Một hôm nó đang cưỡi con ngựa gỗ thì mẹ nó gọi vào dùng cơm.

Nó leo xuống đất, lôi con ngựa vào nhà, rồi một tay bưng cơm, một tay giữ ngựa, nó vừa ăn vừa cưỡi ra chiều thích thú lắm. Có lẽ vì con ngựa, mà tụi con Thu, con Lệ ghét nó. Tụi nầy lợi dụng nó không đề phòng liền ném một cục gạch vào chân con ngựa. Khi con ngựa đạp nhằm, tay cầm chén của nó bị lỏng, thế là cái chén rơi xuống đất vỡ tan. Con Thúy tức giận nhặt ngay cục gạch ấy ném vào đầu con Thu, phun máu. Và chúng bắt đầu nghỉ chơi với nhau.

Lần lần, sự ghen ghét nầy đi đến ghen ghét khác, con Lệ, con Thu rắp tâm trả thù con Thúy...

*

Hôm nay con Thúy và chị Hai đi xem lễ 20-7, chỉ có mình mẹ nó ở nhà.

Đang lui cui thổi cơm, mẹ nó bỗng nghe tiếng gỗ bị đập chan chát ở trên phòng con Thúy:

- Biết đâu chừng con ngựa của nó bị... 

Bà nghĩ như thế và vội vã chạy lên nhà. Cửa phòng con Thúy vỡ toang, bóng con Lệ và con Thu vụt qua khiến mẹ nó chú ý.

- Hình như tay tụi nó cầm búa thì phải?

Bà lẩm bẩm bước vào phòng con: trên mặt đất con ngựa gỗ đang nằm dài, bốn chân của nó đứt tiện nằm lăn trên mặt đất. Lặng yên trong giây lát, mẹ nó mới hoàn hồn quay trở xuống bếp.

Nồi cơm vừa được thổi xong, mẹ nó vội vã rời bếp, lấy búa và đinh vào phòng con để đóng lại con ngựa. Bốn chân gỗ được gắn vào và khoảng chừng ba mươi phút sau, con ngựa gỗ đã được như cũ. Tuy nhiên, lớp sơn bên ngoài đã bị tróc đi quá nửa.

Không muốn con mình buồn, bà lấy sơn ra, sơn lại, con ngựa gỗ đã hoàn toàn đổi sắc. Mẹ nó xoa tay đứng lên, nhìn con ngựa, gật gù ra vẻ hài lòng lắm.

*

Đi xem lễ về, con Thúy chưa kịp thay áo, chạy ngay vào phòng kéo con ngựa gỗ ra. Nó ngạc nhiên không ít khi thấy con ngựa của nó đã hóa thành màu xanh đậm. Nó leo lên cỡi thử thì thấy chân ngựa hơi yếu. Nỗi lo lắng đã tăng lên tột độ trong lòng nó, nó chạy xuống bếp để hỏi mẹ:

- Mẹ ơi! Sao hôm nay con ngựa của con nó đổi màu và yếu chân thế hở mẹ?

- Mẹ không...

Mẹ nó định nói "không biết" nhưng thương hại con, bà thuật lại đầu đuôi tự sự. Từ chuyện con Lệ, con Thu đập chân ngựa đến chuyện bà sơn lại màu, nhất nhất bà chẳng giấu điều gì.

Nghe xong con Thúy khẽ nhăn mặt, nó mở rào và chạy nhanh qua nhà con Lệ, con Thu.

*

Khi nghe mẹ con Thúy nói về những hành động xấu xa của con mình, bà Tám liền lôi hai con Lệ và Thu ra để trị tội.

Trước mặt mẹ Thúy, hai đứa nó chẳng dám giấu chuyện gì, bèn khai ra tất cả chuyện mà chúng đã làm. Bà Tám nghe xon liền căng hai đứa nó ra đánh cho mấy cái. Mẹ của Thúy phải năn nỉ mãi, bà ta mới thôi đánh. Bà Tám cũng ngỏ ý mua đền con ngựa khác, nhưng mẹ của Thúy không chịu. Lúc mẹ của Thúy đã ra về, bà Tám mới gọi con lại và khuyên nhủ vài điều. Tụi con Lệ, con Thu bỗng cảm thấy hối hận, hai đứa nó chạy sang nhà con Thúy để xin lỗi...
 
*

Từ hôm ấy, mỗi lần cỡi ngựa, con Thúy thường gọi Lệ và Thu sang chơi chung. Sự yêu thương nhau đã bắt đầu nẩy nở trong cõi lòng của ba đứa con gái ấy...


Nguyễn-Minh-Duệ       
(Nhóm Hướng Mới)       

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 55, ra ngày 15-10-1966)
 


Thứ Tư, 21 tháng 10, 2020

Nàng Thu

 

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Nàng Thu mắt biếc xanh
Như mây lướt qua mành
Giữa khung trời trăng sáng
Thêu vì sao long lanh

Nàng Thu dáng liễu mềm
Mơ màng chiều thu êm
Áo lụa  bay theo gió
Ôm vạt nắng chiều nghiêng

Nàng Thu hé môi cười
Đóa hoàng cúc xinh tươi
Gió lùa qua khóm lá
Làn nước lững lờ trôi

Nàng Thu tóc mây bay
Xinh xinh cánh hoa cài
Từng giọt đàn thánh thót
Nhẹ rót xuống hồn ai

Nàng Thu ngón tay thon
Như cánh bướm nhẹ vờn
Những nụ hồng thanh thoát
Cho kỷ niệm còn  vương

Nàng Thu, nàng Thu ơi
Bao vòng quay cuộc đời
Thu lại về hạnh ngộ
Dù năm tháng còn trôi...

                            Thơ Thơ
                  (Bút nhóm Hoa Nắng)

Thứ Ba, 20 tháng 10, 2020

Chị Lụa

 

Lâu lắm rồi, từ trong vùng xa mờ kỷ niệm, ngày đó em còn bé quá, không đủ để nhớ rõ ràng chuyện ngày xưa.
 
Hồi đó, nhà em chật vật. Tuổi thơ tụi em không gần gũi nhiều với ba má. Bởi ba má em còn lo làm ăn nuôi con cái. Chẳng hiểu sao đang lúc ấy, nhà đang nghèo mà còn nhận nuôi một người con người quen, chị Lụa, nếu em nhớ không lầm, vì không lâu lắm thì chị xa gia đình em luôn đến bây giờ. Nhưng không phải má nuôi chị mà là tiện dịp chị giúp việc nhà, nấu cơm, trông chừng em, giữ bé D.. Khối công chuyện cho chị, thật nhọc.

Lâu quá rồi không ai gặp chị - mười mấy năm nay - thỉnh thoảng những câu chuyện khơi dĩ vãng, ba má em không quên nhắc nhở đến chị. Năm trước nghe đâu quê chị phải chạy loạn, có người nói má chị Lụa chết trên đường tản cư. Còn chị, chẳng biết ra sao. Nếu giờ chị còn sống, chắc cũng có gia đình, hai ba bé nhỏ... vì tuổi chị cũng chừng ba mươi - cái tuổi cũng sắp già rồi, làm người lớn.

Vâng! Người lớn ngày đó, với em thì chỉ có chị Lụa. Suốt ngày chỉ quen mặt chị Lua. Em vòi vĩnh, em chơi đùa, khóc lóc... gì cũng với một mình chị Lụa. Và một mình chị lo đủ thứ cho em: ăn cơm, quà, tắm rửa, tối em ngủ với chị... Mà phải chỉ mình em thôi sao, còn nhỏ D. nữa, mới bốn năm tháng, còn tí xíu. Chị phải giữ suốt ngày, pha sữa, dỗ ngủ, bế đi chơi... Và còn hằng bao công việc nữa: nấu cơm, giặt đồ, lo nhà cửa... Ba má giao cho chị hết.

Mà bây giờ em cũng không hiểu sao khi xưa chị Lụa chịu sống dưới một cái nhà với bao nhiêu là cực, là khổ như vậy. Ba má em hình như đôi lần cũng thắc mắc, ba bảo, với lại lúc đó bù đầu vào công việc, lo nợ nần thành thử ba không để ý. Má nói, chưa có dịp đền ơn chị ấy, nếu hồi đó không có chị thì tụi em đã bị gửi vào viện sống đỡ rồi...
 
Chị Lụa, em cũng không nhớ rõ từng điểm về chị. Chỉ lờ mờ nhớ là chị xấu, không có một cái gì là đẹp hết. Chị thật là đen, tóc dài, chân chị hình như có vài nốt ghẻ nhỏ nhỏ, và ở đâu đó trên khuôn mặt chị có một nốt ruồi thật to, nhưng khó làm người ta để ý, vì màu da của chị. Chị xấu, nhưng hiền, thật là hiền, em nhớ là chị không quen ai hết ở gần nhà hồi đó. Và có điều là chị hay khóc. Ngày đó em không đủ trí khôn để nghĩ rằng những đêm em nằm bên nghe nước mắt chị lăn xuống ấm tay em, và thỉnh thoảng chị nấc lên một tiếng nhỏ nghẹn ngào dù cố giữ, là chị đang có chuyện buồn. Em đâu hiểu cho chị. Em ngồi dậy lay chị và hỏi, để sau đó nghe chị vỗ về rồi ngủ tiếp.
 
Sau này, em mới nghĩ ra chắc hồi đó chị hay có chuyện buồn lắm, mới khóc như vậy. Chị khóc thường lắm mà toàn là ban đêm. Nhưng ban ngày thì chị vẫn ít cười, ít nói. Chị hiền, thật thà dù nhân dáng xấu. Má hay nói tướng chị chắc khổ suốt đời, mỗi lần nhắc chị...

Chị Lụa! Mười mấy năm, âm đó chỉ để nói chứ không có gọi đó chị! Em nhớ hồi đó cứ suốt ngày kêu chị Lụa...!

Chị Lụa, em cũng không nhớ là hồi đó chị có nói là chị biết đọc không nữa (?) Em vái sao cho chị hồi nhỏ có đi học. Và với một tình cờ chị đọc được mấy dòng này... Em không biết sẽ... là những gì sau đó nữa (?) Chắc chị sẽ cười... Hồi nhỏ em ít thấy chị cười. Mà cũng không biết là chị có khổ như lời má em nói không?

Mười mấy năm rồi còn gì... Mỗi lần nhắc chị là mỗi lần em hối hận và nao nao...

Dù gì kỷ niệm tuổi nhỏ của em cũng có bóng dáng chị, dù xấu, dù chẳng dễ thương... nhưng chị hiền và thương tụi em...


L.t. Lạc Thủy (Gò Công)    

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 58, ra ngày 1-10-1972)
 


Thứ Hai, 19 tháng 10, 2020

THU



 

 

 

 

 

 

 

Rồi mùa thu về mưa giăng, heo may
Lá úa rơi rơi héo hắt từng ngày
Con đường hun hút dài xa lối thẳm
Hồng nắng soi từng màn lá non thay

Mỗi độ lá vàng theo hương gió đưa
Viền mắt tuổi xanh thương mấy cho vừa
Chim hót tan mùa cây cao rụng lá
Khúc nhạc u sầu như cõi xa xưa

Đưa tiễn hạ về non cao thâm u
Giao tiếp qua thu đỉnh núi sương mù
Bóng nhỏ ngút ngàn chưa phai mơ ước
Thoang thoảng phượng buồn gợi nhớ tâm tư

Và dáng thu về êm êm như thơ
Để thấy bâng khuâng vây kín mịt mờ
Như ai đem cho sầu thương nỗi nhớ
Theo bóng mưa về réo gọi thu mơ

                                TRỊNH CÔNG TRUYỀN
                                     Bút nhóm : Sương Đêm

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 55, ra ngày 11-9-1972) 



Chủ Nhật, 18 tháng 10, 2020

MẸ

 


 
 
 
 
 
 
 
Mẹ ru con nồng giấc
bằng câu hát ca dao
đưa hồn lên cao ngất
hòa nhịp điệu ngọt ngào
 
Mẹ nhìn con đùa giỡn
với hồn trẻ vô tư
mong ngày con khôn lờn
đừng đánh mất tuổi thơ.
 
Mẹ ngồi im vá áo
thoăn thoắt đường chỉ kim
như tín đồ ngoan đạo
một lòng vững niềm tin.
 
ngày tóc mẹ điểm sương
đêm mắt mẹ u buồn
trưa bờ môi run rẩy
chiều gọi tiếng con thương
 
nếp nhăn trán mẹ đấy
gợn hy vọng mẹ ươm
vào con khờ nhỏ dại
chóng nên người hiền lương.
 
Mẹ, ngày nào ru con
Mẹ, bây giờ u buồn
với tuổi đời chồng chất
nghẹn ngào con nói thương...
 
                       NGUYỄN THÁI HẢI
                                 (Biên-Hòa)
 
(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 103, ra ngày 1-4-1969) 
 

Thứ Bảy, 17 tháng 10, 2020

Ký Ức Ngày Xanh

 

Tôi  không biết trí nhớ con người vận hành ra sao. Tôi cũng chẳng quan tâm đủ để đi tìm tòi, nghiên cứu về nó. Thế nên tôi chỉ có vài khái niệm cá nhân sơ sài, rằng khi còn quá nhỏ, trí nhớ chúng ta có thể chưa hình thành, và khi ta lớn lớn hơn chút nữa khi não bộ bắt đầu phát triển, thì trí nhớ ta có lẽ chỉ nhớ những điều nó muốn nhớ. Nếu không thì tại sao có những điều ta lại nhớ khá rõ ràng dù sự việc xảy ra đã rất lâu, nhưng những việc xảy ra gần đây hơn thì ta lại chẳng nhớ gì cả?

Điều đầu tiên trong đời tôi còn nhớ tới tận bây giờ lúc tôi chỉ khoảng hai tuổi, đó là lần đầu tiên tôi biết nhận diện ra má tôi, trong số nhiều gương mặt phụ nữ đang đi tới đi lui trên căn gác ọp ẹp, là nhà tôi lúc đó. Tôi còn nhớ mình nằm trên bộ ván gỗ, tay ôm chiếc gối ôm, nhìn ra má và tự nói với mình rằng, kìa là má mình đó, cái người phụ nữ hiền hậu nhứt trong số những người kia, đó là má mình! (Nhưng càng về sau tôi càng thấy rằng ý kiến đầu đời đó của tôi chỉ là một ảo tưởng, hay ảo giác, ảo ảnh gì gì đó thì cũng rứa, vì càng về già má tôi càng  dữ, nhất là sau khi ba tôi qua đời! Chắc khi ba tôi còn sống, má tôi chỉ giả bộ hiền hậu làm màu để ba tôi thương mà thôi! Hí hí!  Sau này có lần một anh thanh niên chắc làm việc quanh xóm nói với tôi rằng, bà cụ hiền quá nhỉ! Lúc đó lòng tôi rất muốn nói với anh ta rằng, tại anh không biết bà cụ đó thôi!)

Điều thứ hai tôi còn nhớ được về tuổi ấu thơ của mình, là khi má tôi đưa cho tôi bình sữa uống dở của thằng em út, và tôi đã cố leo lên cái bàn gỗ cao để nằm "măm măm" chỗ sữa thừa đó một cách ngon lành. Từ đó về sau, hễ bé út nằm bú sữa trên bộ ván gỗ là tôi sẽ ra nằm ngay bên cạnh, chỉ chờ nó lơi tay  buông bình sữa ra một chút thôi là tôi sẽ giành ngay lấy để uống nốt! Thật là đáng xấu hổ, vì  làm chị mà không biết thương em, lại đi giành ăn của em mà không biết mắc cỡ. Nhưng lúc đó có lẽ tôi còn quá nhỏ, và nhà tôi lúc đó có thể cũng nghèo.

Trước đây khi cả nhà còn đông đủ, tôi thường hay ví gia đình tôi giống như Nhà Mẹ Lê trong truyện ngắn của Thạch Lam:  một bầy nheo nhóc, lăn lóc như những củ khoai lang; nhưng chỉ với ý hài hước, bông đùa thôi chớ không có ý gì khác. Điều thứ ba tôi còn nhớ nổi về thuở nhỏ là ban đêm, tôi ngủ chung với má, em út, và anh trai kế, trên bộ ván tôi đã nhắc tới ở trên. Anh tôi rất đẹp trai, nhưng khi ngủ lại rất xấu nết. Có lần khi đang ngủ, tôi còn bị anh tôi trong vô thức đạp té lăn xuống sàn! Tôi cứ nằm  đó trên sàn gác gỗ, tai nghe tiếng bầy muỗi háu đói vo ve, cảm thấy cái lạnh dần thấm vào người, nhưng nhất quyết không chịu nhúc nhích, vì có ý chờ má tôi thấy thiếu vắng tôi sẽ đi kiếm rồi ẵm tôi lên. Nhưng chờ mãi chẳng thấy động tịnh gì, tôi bèn tự lồm cồm bò lên giường ngủ tiếp. Từ đó về sau, tới giờ ngủ là tôi sẽ kiếm chỗ nằm cách anh kế tôi càng xa càng tốt, để khỏi bị mất giấc ngủ một cách phũ phàng lần nữa. 

Ở giường sắt mé bên kia, ba tôi vẫn đang nghe radio trong bóng tối. Tôi vẫn còn nhớ mãi bài hát Việt Nam Hùng Tiến của Thẩm Oánh, chắc được dùng làm nhạc hiệu cho một chương trình nào đó, thường xuyên được phát vào cùng một giờ, khi tôi bắt đầu thiu thiu ngủ, nhưng tai vẫn nghe loáng thoáng bản hùng ca đó, thật hay khiến tôi ghi nhớ tới tận bây giờ:

Đây là lúc Quốc Dân hùng tiến Cờ Việt từ nay phơi phới ngang trời cao Vì giang sơn máu pha tô sông đào Hồn muôn anh dũng vết thương nay quyết liền Bao thời u buồn Nhà Việt lầm than nguy khốn Nào ai con cháu Tiên Rồng Một lòng vì giống nòi Nam Quốc dân ơi ta cùng tiến lên đi Nước non đang chờ gót nam nhi Vời trông ngàn xưa đời bao danh tướng Quyết mau ta hùng cường...

Vì má tôi bận buôn bán, không thể tự tay chăm sóc con cái, nên tụi tôi mỗi đứa đều có vú nuôi riêng. Một hôm khi trời vừa sập tối, U Già, vú nuôi của tôi, tay dắt tôi, tay kia ẵm thằng út vô hẻm chơi. Vừa mới quẹo vô hẻm, U Già đã hỏi tôi rằng, bé Lan có thương u không! Lúc đó tôi chỉ biết rằng mình phải trả lời hoặc là Có hoặc là Không, nhưng tôi lại không hiểu ý nghĩa của hai chữ đó (lúc đó tôi còn nhỏ xíu mờ!) nên tôi trả lời đại là Không cụt lủn. Ai dè U Già vì tự ái hoặc buồn giận nên đã bồng thằng út chạy tuốt sâu vô hẻm, bỏ mặc tôi một mình vừa khóc ầm ĩ vừa chập chững  chạy theo, càng đi xa càng lạc lối về. Cứ thế tôi vừa đi loanh quanh trong xóm vừa khóc hu hu, mặt mũi tèm lem nước mắt. Giá như lúc đó tôi lớn khôn hơn chút nữa thì tôi chỉ cần quay 180 độ là đã thấy ngay đầu hẻm, gần nhà. Dù gì đi nữa thì trong lúc cố chạy theo U Già, tôi đã tình cờ đi ngang qua nhà bà cụ bán gạo và tạp hóa như than củi, xà bông, đèn cầy... mà má tôi vẫn mua theo kiểu suốt tháng ghi sổ, cuối tháng tính sổ trả nợ một lần cho tiện. Chị Hai làm công cho bà vì vẫn đến nhà tôi giao gạo nên chị biết mặt tôi, đã dắt tôi về "cố quận" trao trả tận nơi yên lành, không bị xây xát gì. Sau này nghe các anh tôi kể lại rằng, U Già, người Huế, tuy là phụ nữ nhưng hay uống rượu; và u chỉ thương một mình tôi thôi chớ không quí ai khác trong gia đình tôi. Chuyện! Vú nuôi của đứa nào thì chỉ thương đứa đó thôi là đúng rồi, bàn cãi gì nữa?

Năm má tôi vừa mới sinh thằng em út, vừa phải  trải qua một cuộc giải phẫu, vừa mắc phải bịnh nan y, mà vẫn phải hàng ngày buôn bán nuôi gia đình, nên bà rất mong tới giờ nghỉ trưa để được nghỉ ngơi chút ít. Nhưng vì còn nhỏ, tính lại hay nhõng nhẽo, bám váy mẹ, nên thấy bà lên gác nghỉ, tôi mừng lắm. Trước khi giở trò khóc nhè, nhèo nhẹo đòi bồng bế, tôi đã cẩn thận (hay láu cá?) nhìn qua lỗ thông gió ngó lên nhà trước, khi thấy ba tôi không có mặt ở nhà, tôi mới yên tâm cất bài ca mè nheo, khóc lóc, đòi được má để ý; vì nếu không tôi đã bị ba tôi cho ăn roi, vì ba tôi vốn nổi tiếng (hay khét tiếng?) là rất dữ đòn. Mệt nhọc thêm khi nghe tôi khóc lóc, má tôi mũ ni che tai, quay lưng vô vách; nhưng bà càng làm thinh, tôi càng khóc dữ. Được một lát thấy nhõng nhẽo suông không mục đích chẳng mang lại kết quả gì, tôi bèn quay sang đòi uống nước. Lúc này má tôi mới cất giọng gọi chị bếp. Chị bếp nói nước hết rồi chị phải đi nấu nên tôi phải chờ. Thêm một màn khóc lóc nghe mà muốn "đứt guột" khi chị bếp mang lên ly nước sôi còn nóng hổi. Tôi nhừa nhựa kéo dài giọng kêu gào, nước nóng quá, nóng quá. Và chị bếp lại phải một phen mỏi tay quạt cho ly nước nguội hẳn. Thật ra, nước non đâu phải thứ tôi cần. Tôi chỉ muốn được má nựng nịu thôi, nên những thứ mà tôi luôn miệng đòi hỏi chỉ là những cái cớ. Tội nghiệp cho những người xung quanh tôi, phải chịu đựng cái khó tính trái nết của tôi lúc bấy giờ.

Có lần anh em tụi tôi tụ tập hết lên trên tấm phản để chơi một trò chơi do anh hai tôi mới sáng tác, tên là Cẩm Nhung. Thời đó chẳng ai là không biết vụ việc cô vũ nữ Cẩm Nhung bị tình địch tạt acid, kể cả lũ con nít tụi tôi. Đứa bị làm Cẩm Nhung sẽ đứng dưới đất, cố quơ trúng những đứa trên giường, đứa nào né không kịp, bị quơ trúng sẽ bị bắt phải rời giường xuống đất làm Cẩm Nhung thay thế cho đứa kia. Đang chơi hào hứng, tôi bèn "xí" để xuống nhà xin má tôi kẹo ăn.Tôi ra dấu gọi má, lúc bà đang cùng với ba tôi thù tiếp rất đông khách khứa. Nghe tôi ỉ eo xin xỏ, bà bèn lấy hộp kẹo tây ra cho tôi một viên. Nhưng vừa đi lên cầu thang gỗ vừa bóc vỏ kẹo thì có lẽ vì trời mưa, bậc thang gỗ trơn trợt khiến tôi xém té nên đã đánh rơi chiếc kẹo lọt qua khe những bậc thang rồi rớt xuống thùng rác dưới gầm cầu thang! Trở xuống xin má tôi viên khác nhưng bị bà lắc đầu từ chối, tôi đành tiu nghỉu lên chơi tiếp trò Cẩm Nhung, khi về vẫn chẳng có chút xíu kẹo nào y như lúc ra đi! Gần đây tôi có coi một đoạn clip chiếu một bà má tây đang tiếp khách bị thằng con quấy rầy, xin bánh ăn. Sau khi cho con thứ nó muốn, bà má tây kia còn thòng theo một câu, đừng làm phiền má nữa! Kết luận:  Đông hay Tây, con nít đều như nhau!

Má tôi bận rộn, bịnh hoạn như vậy, nhưng vẫn còn một bổn phận nữa bà phải hoàn tất, đó là dạy tôi học đánh vần. Thỉnh thoảng tôi từ trên gác chạy xuống, chỉ vào một chữ nào đó trong cuốn Mẫu Tự (hoặc cuốn Đánh Vần Mau gì đó) có bìa màu cam, và má tôi sẽ lập đi lập lại chữ đó hai ba lần cho thấm vô đầu tôi, rồi tôi sẽ chạy trở lên gác ngồi nhai đi nhai lại chữ đó nhiều lần, miệng gào to những nhóm chữ đánh vần muốn trẹo lưỡi như ngoằn ngoèo, khúc khuỷu, ngoắt ngoéo...Nhớ lại, tôi thấy má tôi cứ lặng lẽ lê bước quanh nhà làm công chuyện, chẳng nói chẳng rằng, và chỉ mở miệng khi tôi hỏi bài mà thôi. Lúc đó bà đang đau nặng, mà tôi thì còn con nít  nên vô tâm vô tình chẳng hiểu  biết gì.

Lẽ ra tên tôi đã là Phục Linh, tên một món chè, nghe hơi xa lạ nhưng hóa ra chỉ là món sương sáo tầm thường. Trước đây trong các tiệc cưới, người xưa thường có khuynh hướng chọn những mỹ danh nghe thật kêu đặt tên cho những món ăn đãi tiệc như  Mẫu Đơn Rạng Rồng,  Bạch Hạc Hầu Cờ, Kim Long Hí Nguyệt, Uyên Ương Sắt Cầm, Thập Nhị Tiên Du Hải Đảo... mặc dù thật ra quanh đi quẩn lại cũng vẫn là gà vịt tôm cua ta thường ăn hàng ngày, chỉ xào đi nấu lại, thêm mắm dặm muối, trình bày bắt mắt mà thôi!  Lại còn có cả món Rồng Bay Qua Biển hóa ra chỉ là món rau muống xào tỏi! Quay trở lại việc đặt tên cúng cơm cho tôi, một tối chủ nhựt nọ ba tôi dắt "xấp nhỏ" nhà tôi vô Chợ Lớn ăn chè Phục Linh. Nhưng cũng đêm hôm đó, tôi chào đời. Thế là ba tôi vui miệng bàn sẽ đặt luôn cho tôi cái tên Phục Linh làm kỷ niệm, nhưng má tôi thì phản đối kịch liệt, vì xưa nay chẳng thấy  ai lấy tên chè tên cháo làm tên con bao giờ, nhất là cái món chè đó lại đen thui thủi! Thua cuộc, ba tôi bèn đổi ý sang cái tên Phương Lan hình như rất thịnh hành thời bấy giờ! Lần này thì má tôi chấp nhận, dù vẫn còn đó hai mẫu tự đầu P và L gợi nhớ!

Tôi đặt tên cho hồi ký này là Ký Ức Ngày Xanh, chớ không phải là Kỷ Niệm Ngày Xanh vì ký ức thì thụ động, một chiều, nhận sao để y nguyên như vậy lúc ta còn quá nhỏ chưa nhận thức được điều gì; trong khi kỷ niệm cũng là ký ức nhưng chủ động hơn, có phần đóng góp, tương tác, tác động của ta để gìn giữ, duy trì, thương yêu, tưởng nhớ... lúc đã lớn khôn rồi. Dù gì đi nữa, tôi cũng ước giá như mình đã có thể có nhiều hơn những ký ức ngày xanh, chắc là sẽ thú vị lắm!

Về đây đâu phút vui xưa sum vầy. Thềm hoang thêu nắng phượng thắm rơi đầy. Anh có nghe trong lòng thu chết, bao lá khô phai nhạt hương đêm, tan tác bay phiêu bạt dưới trời quên...(Về mái nhà xưa, Nguyễn Văn Đông) 


Trần Thị Phương Lan   
(Bút nhóm Hoa Nắng)     
 
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>