Thứ Bảy, 30 tháng 11, 2013

CHƯƠNG XV, XVI, XII_BIỆT THỰ HOÀNG LAN



CHƯƠNG XV

BỨC THƯ QUÍ GIÁ
 

Hai ngày sau, Tuấn và Lan tản bộ trên con đường mòn dẫn sang biệt thự Tố Nga. Tuấn giấu bức thư quí giá tận đáy túi quần, chỉ sợ mất.

Trời hôm ấy xanh biếc, không một gợn mây. Mặt biển chói loà ánh nắng với những lớp sóng bạc đầu lô nhô thi nhau tấp vào bờ… Hai trẻ cảm thấy tâm hồn lâng lâng sung sướng.

Vừa bước vào vườn, Tuấn và Lan đã thấy cô Hiền ngồi dạy lũ trẻ xóm chài học đánh vần dưới bóng mát cây đa cổ thụ.

Vừa thấy bóng Lan và Tuấn, lũ trẻ con nhao nhao chào hỏi. Không một đứa trẻ nào không biết Lan và Tuấn vì hai em thường xuống xóm dân chài giúp đỡ và dạy vệ sinh cho lũ trẻ nheo nhóc, lam lũ.

Thấy “lớp học” xôn xao lên, cô Hiền nhỏ nhẹ bảo :

- Thôi, các cháu đừng ồn nữa, ngồi yên học nốt đi. Còn nửa tiếng nữa thôi !... À, Lan và Tuấn sang gặp cô có chuyện gì thế ?

Cả hai ngượng ngùng không đáp. Sau cùng, Tuấn lôi bức thư ra khỏi túi và đưa cho cô Hiền :

- Thưa cô, chúng cháu sang đưa bức thư này cho cô ạ.

- Một bức thư à ? Thư của ai đấy cháu ?

- Chúng cháu cũng không rõ ạ. Chúng cháu chỉ biết là thư của cô vì có địa chỉ rõ ràng ngoài phong bì.

Cô Hiền cầm lấy bức thư, thấy hàng chữ run rẩy xấu xí, cô thầm nghĩ đó là thư của một bác dân chài nghèo khổ nào xin giúp đỡ.

- Cám ơn hai cháu nhé. Hai cháu có ở lại đây chơi và dạy mấy em nhỏ này với cô không ? Lan chỉ cho Tèo đánh vần, còn Tuấn thì giúp cô dạy Cu Tý đếm nhé.

Lan hớn hở đáp :

- Vâng ạ.

Nhưng Tuấn nghiêm trang thưa :

- Thưa cô, cho chúng cháu hẹn hôm khác ạ. Còn hôm nay thầy Sơn đang đợi chúng cháu để học Sử ký và Địa lý.

Lan đỏ mặt chống chế :

- Chết chửa, thế mà cháu quên mất ! Thôi, kệ vậy. Cháu nghỉ một bữa cũng không sao. Cháu thích dạy ABC hơn là học Sử Địa.

Nhưng cô Hiền đã cứng rắn ra lệnh :

- Không, cháu Lan phải đi học chứ. Cháu phải coi trọng sự học nhé. Ở đời, ta phải coi bổn phận trên hết, cháu à.

Thấy Lan phụng phịu, cô vui vẻ tiếp :

- Thôi, vui lên đi chứ cháu. Đi học mau lên kẻo trễ giờ. Không thì cô sẽ nghi là cháu lười biếng như thằng Tèo kia kìa.

Lan cười khanh khách, chào cô Hiền và các chú bé đang ê a đánh vần rồi thoăn thoắt chạy đi… Trước khi đi, Tuấn ngước nhìn cô Hiền với cặp mắt biết ơn.

Khi tan học, lũ trẻ nói chuyện rối rít, và ra đường như đàn chim non vỡ tổ. Cô Hiền mỉm cười nhìn theo những nét mặt vô tư, những nụ cười hồn nhiên, trong sáng của chúng, trong lòng lâng lâng nhẹ nhõm. Trong ánh mắt cô bừng lên một tia hy vọng ở một tương lai tươi sáng hơn cho lũ trẻ dân chài nghèo khổ này.

Cô đứng dậy, lững thững bước vào nhà, vừa đi cô vừa bóc bao thư Lan và Tuấn mang đến khi nãy. Ở trong chỉ vỏn vẹn có một mảnh giấy nhỏ đã ngả màu vàng.

Vừa đọc được mấy hàng, vẻ thảng thốt đã hiện rõ trên khuôn mặt luôn luôn bình thản của cô. Làn da hồng hào của cô bỗng tái xanh lại. Cô đưa tay lên trán với vẻ mệt nhọc của một người vừa qua cơn khủng hoảng tinh thần.. Cô cảm thấy chóng mặt, phải ngồi xuống một chiếc băng đá gần đó cho đỡ mệt.

Cô ngồi thừ người nghĩ ngợi, sự ngạc nhiên cùng cực lộ rõ trên mặt. Cô nhắc đi nhắc lại như người mơ ngủ :

- Trời ơi ! Có thể như thế được sao ?

Ngồi một lát thấy đã khoẻ, cô cất lá thư vào cuốn sách tập đọc rồi chầm chậm bước về nhà.

Cô lên thẳng phòng đọc sách vì biết cụ Thành đang nóng lòng chờ đợi cô ở chỗ đó.

Cụ đang ngồi suy tư trước lò sưởi, tay mân mê chiếc vòng ngọc bích xưa của cụ bà. Đó là một kỷ vật thân yêu nhất đời mà cụ không bao giờ rời từ khi cụ bà nằm xuống.

- Thưa ba, con mới về ạ. Hôm nay con về hơi muộn làm ba phải chờ lâu, ba tha lỗi cho con nhé. Để con đọc báo cho ba nghe.

Vừa nói, cô Hiền vừa cúi xuống nắm lấy tay cha.

Cụ Thành giật mình :

- Chết chửa, sao tay con lạnh thế này ? Con có mệt thì đi nghỉ đi, ba ngồi đây một mình được rồi… À, trời bắt đầu trở lạnh rồi đấy, con bảo bác Hai đốt lò sưởi trong phòng và cho lũ trẻ vào đó học cho ấm nhé.

- Thưa ba, ở ngoài không rét lắm đâu ạ. Con không thấy lạnh chút nào cả. Trong phòng này ấm cúng quá, con vừa ngồi đọc báo ba nghe, vừa sưởi ấm luôn.

Cô nói câu trên với một giọng cương quyết vì trong óc cô còn văng vẳng lời cô nói với Lan khi nãy: “Ở đời ta phải coi bổn phận trên hết, cháu à.”

Tuy mệt vì quá xúc động, cô vẫn ngồi xuống ghế đọc báo và thư tín cho cụ Thành. Nhưng óc cô cứ quay cuồng với câu hỏi : “Có thể như thế được sao ? Có thể như thế được sao ?”.

*

Chiều hôm đó, Lan và Tuấn lại ngồi ở cửa sổ nhìn ra biển xem đàn hải âu trắng muốt bay lượn là là trên mặt nước. Đang mải mê ngắm cảnh, hai em bỗng thấy bóng dáng thướt tha của cô Hiền xuất hiện ở đầu con đường lát sỏi dẫn đến biệt thự Hoàng Lan.

Không bảo nhau mà cả Lan lẫn Tuấn cùng thầm nghĩ : “Thế nào cô Hiền cũng đến về vụ bức thư chứ không sai đâu”. Thế là chúng rầm rập chạy xuống cầu thang, và ra đón cô Hiền.

Vừa thấy hai em, cô Hiền hỏi ngay :

- Chào hai cháu. Cô đến hỏi kỹ lại về bức thư hồi sáng. Các cháu thấy bức thư đó ở đâu vậy ? Bây giờ hai cháu ngồi xuống bờ cỏ này với cô rồi trả lời thật rõ ràng cho cô nghe nhé. Bức thư ấy tiết lộ một việc rất quan trọng, chúng ta phải tìm cho ra sự thật mới được.

Khi cả ba đã quây quần ngồi trên nệm cỏ mịn như nhung, Lan và Tuấn thay phiên nhau thuật lại đầu đuôi câu chuyện, không bỏ sót một chi tiết nào, kể cả vụ anh Hồng xuống nhà kho với vú già.

Cô Hiền nghe vậy, hấp tấp hỏi :

- Anh ấy có đọc thư chưa cháu ?

- Thưa cô, chưa ạ ! Vả lại bức thư còn dán kín khi chúng cháu tìm thấy. Cháu còn dám quả quyết là anh ấy không biết có bức thư trong ngăn kéo vì tờ báo lót dưới đáy che lấp rồi. Hôm đó, chúng cháu thấy tận mắt vú già chỉ cho anh ấy xem chiếc mề đay thôi. Rồi mấy bữa sau chúng cháu cũng chỉ nghe anh Hồng khuyên vú già nên trả lại chiếc mề đay chứ không đả động gì đến bức thư kia.

- Như vậy thì hay lắm. Cô muốn nói chuyện với vú già có được không ? Việc lá thư nói tới điều rất hệ trọng, chúng ta phải cầu nguyện cho sự việc được sáng tỏ, hai cháu à.

Bây giờ hai cháu tìm vú già lại đây cho cô.

- Không bao giờ vú chịu ra đây đâu, cô ạ. Vú ấy lạ lùng lắm, có khi như điên như dại ấy. Nhưng nếu cô chịu khó đi theo chúng cháu thì có lẽ đi vòng ra sau vườn là gặp vú ở cạnh hốc đá ở góc sân.

Cả ba đi vòng ra sân sau và thấy vú già đang quỳ trong động đá phía xa.

Lan và Tuấn lảng ra chỗ khác cho cô Hiền tự do nói chuyện. Trông thấy cô Hiền, vú già không những không la hét như khi bất cứ một người lạ nào lại gần vú, mà lại còn ngây người ra nhìn cô và chiếc miệng móm mém của vú như nở một nụ cười…

Cô Hiền dịu dàng hỏi han vú, nhưng cô càng hỏi, vú càng tỏ ra bực bội và không hề mở miệng nói câu nào. Thỉnh thoảng vú vuốt trán một cách mệt nhọc như để cố nhớ lại một việc gì.

Bỗng vú già đứng dậy, Lan và Tuấn nghe rõ mồn một câu trả lời của vú già :

- Cô tốt lắm, nhưng những người khác họ độc ác lắm và họ làm cho tôi cũng đâm ra ác luôn. Trước kia tôi hiền lành lắm chứ ! Nhưng nay tôi không nói đâu, vì người ta đã khép miệng tôi lại rồi. Tôi không đưa tờ giấy cho cô đâu.

Cô Hiền cất giọng khuyên nhủ :

- Vú nên nói đi. Vú không thấy lương tâm cắn rứt hay sao ? Vú giữ bí mật thì có lợi gì đâu.

Nhưng lúc đó mặt vú già bỗng đỏ bừng lên và vú bắt đầu lẩm bẩm những câu vô nghĩa.

Lan và Tuấn biết ngay là vú lên cơn bất thường. Hai em vội tiến lại bảo cô Hiền thôi nói chuyện với vú. Vả lại, những đám mây ở đâu đã ùn ùn kéo tới che lấp cả bầu trời trong xanh khi nãy. Gió cũng bắt đầu thổi thật mạnh. Bão tới nơi rồi, phải chạy vào biệt thự ngay mới tránh khỏi mắc mưa.

Ngay lúc đó anh Hồng cũng mới ở đâu về. Liệu chừng vào căn biệt thự không kịp, anh chạy ngay tới động đá để trú mưa. Thật hú vía ! Vừa vào tới nơi là mưa đã ào ào đổ xuống. Những lằn chớp loang loáng loé lên sáng rực cả bầu trời, theo sau là những tiếng sấm kinh hồn.

Không biết vì sấm sét hay vì sự xuất hiện bất ngờ của Lan, Tuấn và anh Hồng mà vú già bỗng ngã lăn ra đất thét lên một cách tuyệt vọng.

Lan và Tuấn lùi lại kinh hoàng. Nhưng cô Hiền bình tĩnh cúi xuống thì thầm hỏi :

- Sao vú lại sợ ? Có gì nguy hiểm đâu mà vú phải kêu ?

Cô chưa dứt lời, hai tiếng nổ kinh thiên động địa đã vang lên và mưa vẫn tiếp tục đổ xuống mạnh như thác nước. Động đá đột nhiên tối sầm lại, còn vú già thì như điên như dại. Vú la hét, đập đầu vào tường đá, rít lên :

- Bão rồi ! Bão rồi ! Chết tôi rồi ! Trả thù… Trả thù… Đời tôi tàn rồi ! Thật là khốn khổ cho tôi, trời ơi là trời ơi!

Thấy vậy, Lan và Tuấn tiến tới giúp cô Hiền giữ vú lại. Vú lại càng thét to hơn và giấu mặt vào hai lòng bàn tay:

- Đây rồi, đây rồi ! Chính ngôi sao đây rồi ! Ngôi sao nó trả thù… Ghê quá, trời ơi, ghê quá ! Lão phù thủy nói trước rồi mà, ngôi sao sẽ đốt cháy mắt mày… Thôi, thôi, tôi lạy ông, ông đừng giết tôi ! Tôi sẽ trả lại kho tàng cho cô ấy. Tôi sẽ đưa tờ giấy ngay ! Ông nó ơi, ông nó đi ra chỗ khác đi. Tôi đưa thư ngay bây giờ đây này. Đây rồi, kho tàng đây, tờ giấy đây. Tôi chỉ trao nó cho ngôi sao sáng thôi… Này, cầm lấy đi !

Vú già run rẩy mở hầu bao, chìa tay đưa cho Lan chiếc gói giấy bao mề đay và một phong bì khá dày.

Lan nhìn vú, ngần ngại không dám đưa tay ra đón lấy. Thấy vậy, vú già cười ré lên khinh bỉ. Vú châm biếm nói:

- Lấy đi kìa ! Của mi đấy, chính mi là ngôi sao sáng mà ! Ai cũng tưởng mi là Trần Hoàng Lan mà thực ra mi lại là Tôn Nữ Ngọc Lan…

Nghe vậy, Lan vội chắp tay lại, mở rộng mắt kinh ngạc. Em thì thầm :

- Chính tôi là ngôi sao dòng Tôn Thất sao ? Ba ơi ! Mẹ ơi !

Mặt xanh như tàu lá, Lan ngã xuống bất tỉnh. Tuấn thất thanh lay gọi nhưng vô hiệu. Mắt Lan vẫn nhắm nghiền và hai tay em lạnh ngắt.

Anh Hồng há hốc mồm đứng nhìn, không thốt được lời nào.

Thấy vú già la hét mãi và trận bão cứ kéo dài, cô Hiền quay ra anh Hồng nhờ :

- Anh Hồng làm ơn chạy vào nhà kêu chị Ba ra giúp tôi cứu tỉnh bé Lan và gọi bác làm vườn khiêng vú già vào bếp nhé. Nhớ đừng cho cụ Diễm biết sợ cụ quá lo lắng mà tổn thương đến sức khoẻ.

Anh Hồng như sực tỉnh cơn mê, chào cô Hiền rồi đáp :

- Thưa cô, tôi xin đi ngay. Trời đất ! Thật là một biến cố ghê gớm độc nhất vô nhị ! Thế mà tôi cứ tưởng vú già chỉ ăn cắp mỗi cái mề đay thôi, nên tôi chỉ khuyên vú giao trả mỗi cái ấy thôi.

Nói rồi, anh đội mưa chạy vào nhà. Vừa chạy anh vừa lẩm bẩm : “Thật là bất hủ ! Thật là lạ lùng ! Vô tiền khoáng hậu !”


CHƯƠNG XVI

BÍ MẬT TRONG BIỆT THỰ HOÀNG LAN
 

Sáng hôm sau, cô Hiền sang biệt thự Hoàng Lan thật sớm. Cô lên phòng ngủ thăm Lan. Tuy Lan còn hơi xanh, nhưng em đã thấy khoẻ. Cụ Diễm và Tuấn lúc nào cũng ngồi cạnh giường săn sóc Lan.

Cô Hiền âu yếm hỏi :

- Thế nào, cháu Lan của cô sáng nay đã khoẻ chưa ?

- Thưa cô, cám ơn cô, cháu khoẻ rồi ạ. Trưa nay chắc cháu dậy và đi lại như thường được rồi vì bác sĩ bảo cháu chỉ bị quá xúc động mà ngất đi thôi. Cháu mong khoẻ hẳn khi ba mẹ cháu về tới. Cháu sung sướng quá cô ạ ! Cháu không ngờ cháu lại được là con của hai người cháu vẫn thường mến phục. Thế là từ nay cô là cô ruột của cháu rồi. Cháu cũng có vừa bà nội, vừa ông nội nữa. Thế là đầy đủ cả, vì bà nội bên này vẫn là bà nội của cháu và anh Tuấn. Cháu lại có thêm một bầy em trai nữa. Trời ơi, đông đủ, vui quá !

Nói xong, Lan choàng tay qua cổ cụ Diễm và hôn lên gò má nhăn nheo. Hai giọt nước mắt nãy giờ long lanh trong mắt cụ bỗng trào ra và rơi lã chã xuống áo. Không biết cụ quá cảm động hay tiếc đứa cháu mà từ trước tới nay cụ vẫn coi như cháu ruột mình.

Quay sang Tuấn, Lan lại tiếp :

- Còn anh Tuấn vẫn luôn luôn là anh của em, anh nhé.

Đang ngồi tư lự, Tuấn vội tươi hẳn nét mặt :

- Thật thế hả Lan ? Từ hôm qua anh cứ buồn vì thấy hai đứa không còn là anh em sinh đôi nữa. Nhưng bây giờ Lan vẫn coi anh là anh như xưa, thì nhất rồi !

Trưa hôm đó, ông bà Ân nhận được điện tín, vội về vịnh Hạ Long gấp. Cụ Thành cũng sang biệt thự Hoàng Lan cùng ông bà Ân, cô Hiền và năm đứa cháu.

Tuy còn hơi xanh xao, Lan đã dậy đón ba mẹ. Khi Lan thổn thức ôm chầm lấy bà Ân, mọi người chỉ sợ em lại ngất đi một lần nữa vì quá xúc động.

Cụ Thành ôm cháu vào lòng vuốt ve thật lâu. Cụ run run vuốt tóc cháu và lẩm bẩm :

- Cháu ruột của ông đây ! Cháu Ngọc Lan của ông ! Ôi, sung sướng thay ! Đứa cháu gái độc nhất mà ông tưởng đã mất nay đã tìm lại được rồi !

Cô Hiền đem theo cả bức thư mà Tuấn và Lan đã đưa cho cô mà không biết trong đó chứa đựng cả một bí mật lạ lùng. Cô giơ bức thứ lên và tuyên bố :

- Bức thư này không phải của tôi mà chính của cháu Lan đây.

Rồi cô đọc với một giọng đầy cảm động :

Tôi không đủ sức viết nữa. Tôi có viết một bức thư, nhưng vợ tôi đã đem đi mất rồi. Tôi không muốn giấu mãi sự thật, một sự thật làm xáo trộn đời sống trong hai toà biệt thự Hoàng Lan và Tố Nga.

Tôi gửi thư này cho cô chủ biệt thự Hoàng Lan vì cô ấy CÒN SỐNG. Cô ấy chính là cô bé thường được gọi bằng tên Trần Hoàng Lan.

Tôi đã giải thích cặn kẽ trong bức thư vợ tôi đánh cắp.

Cả Lâm.   

- Còn đây là lời thú tội của bác Cả, cô Hiền vừa nói vừa lấy bức thư dày ra đọc. Mọi người ngồi yên lặng lắng tai nghe :

“Tôi biết tôi sắp chết, nên tôi muốn thú thật tội tôi đã phạm vào từ bao năm trước. Lương tâm tôi cắn rứt và dằn vặt trong suốt mấy năm trời. Trước khi chết, tôi muốn thú tội cho tâm hồn thanh thản vì tôi đã hối hận vô cùng về việc tôi làm năm năm trước đây. Tôi đã căn dặn vợ tôi đem bức thư này sang cho ông bà Tôn Thất Thành sau khi tôi viết xong.

Tôi xin thề đây là sự thật hoàn toàn. Xin mọi người tin tôi vì lời thề của một kẻ hấp hối không bao giờ giả dối !

Đứa bé gái mà mọi người tưởng là con ông Trần Công Đức và là em sinh đôi của bé Trần Anh Tuấn thật ra không phải tên là Trần Hoàng Lan vì em Hoàng Lan đã chết ngày 23-2-19… Em gái đó chính là Tôn Nữ Ngọc Lan.

Sở dĩ có chuyện này xảy ra là vì vụ chết đuối của em Ngọc Lan chỉ là bịa đặt. Tôi đã dàn cảnh, để mũ và áo của em bé trong bụi cây ngoài bờ suối cho mọi người tưởng em bé đã bị nước cuốn đi mất tích.

Tôi đã bắt cóc em Ngọc Lan để trả thù ông Ân đã đuổi tôi về tội ăn cắp, và nhất là để giúp vợ tôi khỏi mang tội với ông bà Đức. Số là em Hoàng Lan bị chết bất ngờ sau một trận ốm. Ngay lúc đó, ông bà Đức lại báo tin sắp về thăm nhà, nên vợ tôi hoảng sợ không biết làm sao. Tôi bèn bắt cóc bé Ngọc Lan, khi em đi chơi suối với chị giữ em. Tôi ra tay thật dễ dàng vì chị giữ em mải hái hoa lan, quên cả em bé đang chập chững đi trên bờ suối.

Lỗi này hoàn toàn thuộc về tôi. Vợ tôi không dính dáng gì đến việc bắt cóc cả. Bà ta còn từ chối không dám nuôi bé Ngọc Lan. Nhưng tôi đã dọa giết chết bà ta nếu bà ta không nghe lời tôi, nên bà ta phải nuôi vậy.

Nhưng nay tôi đã hối lỗi nên khẩn khoản xin lỗi gia đình ông Tôn Thất Ân và thân quyến.

Xin mọi người tha tội cho tôi !

Cả Lâm.”     
 
Một sự yên lặng nặng nề bao trùm căn phòng sau khi cô Hiền đọc xong bức thư. Bỗng giọng nói trong trẻo, êm ái của Lan vang lên :

- Chúng ta nên tha lỗi cho bác Cả. Bác ấy biết hối lỗi rồi. Tôi tha lỗi cho bác đấy, bác Cả ạ.

Cụ Diễm cũng tiếp lời :

- Tất cả chúng tôi đều tha thứ cho bác để bác được mỉm cười nơi chín suối.

Trong khi đó, cô Hiền đã đi tìm vú già và nhỏ nhẹ khuyên vú nên kể rõ sự bí mật đã bao trùm hai căn biệt thự trong ròng rã 10 năm trời. Lúc đầu vú khăng khăng từ chối, không chịu tiết lộ điều gì, nhưng sau nhờ sự khôn khéo của cô Hiền, nên vú bằng lòng để cô dẫn lên phòng khách. Trông vú thật thảm hại, móm mém và còng hơn trước nhiều. Mới có một ngày mà trông vú già hẳn đi. Vú run run nói :

- Bây giờ mọi người đã biết hết chuyện thì tôi cũng không giấu giếm làm gì, nhưng tôi yêu cầu là mọi người để cho tôi yên sau khi tôi kể rõ ngọn ngành. Tôi sẽ đi xa, đi thật xa để không còn ai tìm thấy tông tích tôi nữa. Nhưng thể nào đến ngày sao Bắc Đẩu lại soi sáng Khóm Trúc tôi sẽ về dự lễ, và lúc đó tôi sẽ mỉm cười nhắm mắt.

Cụ Diễm vội hứa :

- Được rồi, chúng tôi sẽ để cho vú yên. Không ai trách móc gì vú đâu. Vú cứ bình tĩnh kể rõ câu chuyện cho chúng tôi nghe. Vú ngồi xuống đây cho đỡ mệt đi.

Nghe thấy vậy, vú tỏ vẻ mừng rỡ, ngồi xuống và bắt đầu kể :

- “Chính tôi đã chăm nom hai trẻ sinh đôi từ khi chúng mới lọt lòng. Trước kia tôi đã trông nom cậu Đức nên cậu tin cẩn giao hai trẻ sơ sinh cho tôi nuôi dưỡng.

“Khi cậu mợ Đức đổi đi Tourane , tôi ở lại đây với cụ bà và chú Hồng. Nhưng mùa đông năm đó, cụ bà ra Hà Tiên chơi, chỉ còn chú Hồng và tôi ở nhà. Nhưng có chú Hồng cũng như không, vì chẳng bao giờ chú ngó ngàng đến hai trẻ cả. Lúc đó Lan và Tuấn đã lên 3 tuổi. Tuấn khoẻ mạnh bao nhiêu, thì Lan lại ốm yếu bấy nhiêu.

“Mùa đông năm ấy lạnh thấu xương. Bé Lan bị ốm rồi chết. Tôi cuống cuồng không biết làm sao, vì cậu mợ Đức đã đánh điện tín báo tin tuần sau sẽ về thăm nhà”.

Vú già ngừng kể, rưng rưng nước mắt chép miệng thở dài :

“Nhưng rồi cậu mợ Đức chẳng bao giờ trở về nhìn mặt con nữa !

Yên lặng một lát, vú kể tiếp :

Tuy lúc nào tôi cũng trông nom hai trẻ rất cẩn thận, tôi vẫn thấy mình chịu trách nhiệm phần nào trong cái chết của bé Lan. Tôi thà chịu chết còn hơn nhận trông nom cả hai em mà trả lại cậu mợ Đức có một mình Tuấn thôi. Tôi còn mặt mũi nào mà gặp mặt cậu Đức, người mà tôi đã nuôi dưỡng từ nhỏ và thương yêu như con ruột của tôi vậy…

“Không bao giờ tôi quên được cái đêm bé Lan qua đời. Đêm đó, trời bão lớn lắm, các cửa kính trong nhà cứ rung lên chỉ chực mở tung ra thôi. Sấm nổ long trời lở đất làm rung chuyển cả nhà cửa. Vì thế nên hôm qua bão lớn tôi cứ tưởng mình đang sống lại cái đêm ghê gớm đó chứ !

“Suốt ngày hôm đó tôi ở một mình trên lầu, trong phòng ngủ của hai trẻ, bỏ cả ăn cả ngủ. Tôi không dám nói cho một ai biết cái chết của bé Lan. Mãi đến tối hôm đó, nhà tôi mới về. Mặt ông ấy hầm hầm tức giận vì bị cậu Ân đuổi ra khỏi biệt thự Tố Nga về tội ăn cắp.

“Sau khi nghe tôi kể lại chuyện, ông ta sung sướng kêu lên :

- Bà nó đừng khóc nữa, thế này thì tôi sắp trả được thù rồi.

“Tôi gạn hỏi tại sao, nhưng ông ấy một mực không chịu trả lời. Ông ấy bí mật chôn xác bé Lan ở gần động đá sau vườn, rồi bỏ đi.

“Ba ngày sau, ông ấy trở về vào một đêm mưa gió với một bé gái cũng trạc tuổi bé Lan. Ông ấy bảo tôi :

- Đây, bà lấy đứa bé này thay vào đứa kia là xong chuyện.

“Tôi không chịu nói dối cậu mợ Đức như vậy. Đã mắc phải tội để bé Lan chết, nay lại còn nói dối nữa thì không đáng làm người. Tôi cố nài nỉ ông ấy đem trả đứa bé cho gia đình nó, nhưng ông ấy khăng khăng doạ sẽ để đứa bé chết đói nếu tôi không chịu nuôi. Rồi thấy đứa bé xinh xắn dễ thương, tôi cũng mến và đành nhận nuôi..

“Đứa bé đó rất ngoan ngoãn, có má lúm đồng tiền thật dễ thương và cười toe toét luôn miệng. Nhưng khi nó ôm chặt lấy cổ tôi cho tôi ru ngủ, có vẻ tin tưởng ở tôi và quí mến tôi, tôi cũng thấy bớt hối hận một phần nào.

“Chỉ có chú Tâm là đoán được một phần câu chuyện vì đêm đó chú ấy cho nhà tôi đi nhờ xe về đây. Tuy không biết đứa bé kia con cái nhà ai, hắn cũng đã tống tiền chúng tôi nhiều lần rồi. Lần nào tôi cũng phải cho hắn tiền để hắn giữ kín chuyện này.

“Lúc đầu chính tôi cũng không biết đứa bé ấy con ai, nhưng tôi hơi nghi ngờ. Rồi một hôm, nhân giặt quần cho ông ấy, tôi thấy ở đáy túi quần có một gói nhỏ trong đựng chiếc mề đay có hình ngôi sao của dòng họ Tôn Thất, tôi mới hiểu rõ sự tình, nhưng đã quá muộn…

“Cụ bà ở Hà Tiên chơi gần một năm trời vì cụ tin tưởng ở sự chăm sóc tận tâm của tôi. Khi cụ trở về, đau khổ về cái chết của cậu mợ Đức làm cụ trông già hẳn đi mấy tuổi. Khi gặp lại hai cháu, cụ chẳng nghi ngờ điều gì cả vì mặt mũi trẻ con vào tuổi đó thường hay thay đổi rất nhiều. Cụ có nhận ra là bé Lan bây giờ có má lúm đồng tiền, nhưng cụ tưởng khi lớn lên bé mới có.

“Dần dần tôi cũng đâm quen đi và hết nghĩ ngợi về tội lỗi của nhà tôi. Vả lại, bé Lan sống bên này cũng chẳng khổ hơn khi sống bên biệt thự Tố Nga chút nào.

Ngừng lại nghỉ mệt một lát, vú tiếp tục :

“Còn bé Lan thì quấn quít bên Tuấn lắm, cả hai thương mến nhau lắm và chơi với nhau suốt ngày. Cứ nhìn hai trẻ vui chơi với nhau ý hợp tâm đầu là tôi quên hết những điều ghê gớm đã xảy ra.

“Tuy mang tiếng là anh em sinh đôi, nhưng Lan và Tuấn tính tình thật khác nhau. Lan thì lúc nào cũng cười đùa chạy nhảy, còn Tuấn thì lại hiền lành, khôn ngoan, nhưng chẳng ai nghi ngờ vì có nhiều khi anh em sinh đôi thật cũng không giống nhau chút nào.

“Nhà tôi dọa giết tôi nếu tôi hở môi về chuyện này. Ông ấy mà say thì phải biết, không điều gì mà ông ấy không dám làm ! Vì vậy tôi nen nét vâng lời và giữ kín bí mật trong lòng.

“Nhưng năm năm trước, ông ấy bị đụng xe và biết mình khó qua khỏi, nên gọi tôi lại bảo tôi phải kể rõ câu chuyện cho hai gia đình nghe vì ông ấy sợ chết đi bị đày xuống địa ngục.

“Lúc đó ông ấy mới biết sợ. Còn tôi thì tôi chỉ lo khi mọi người biết chuyện sẽ cho tôi vào tù và tôi sẽ phải xa Lan và Tuấn. Tôi quyến luyến chúng lắm, phải xa chúng chắc tôi buồn mà chết mất… “

Nói tới đây, vú quay sang nhìn Lan và Tuấn bằng cặp mắt chan chứa tình thương. Trông vú hết hẳn vẻ điên dại, khác hẳn những lúc vú chui rúc vào xó bếp và nhìn mọi người bằng cặp mắt đỏ ngầu, ngây dại. Vú lại nói tiếp :

“Vì bị tội lỗi dằn vặt nên từ đó tôi không dám lại gần hai em mà chỉ đứng xa xa ngắm nghía. Tôi thấy tôi không đáng được săn sóc cho hai em bé ngây thơ này. Vì vậy tôi cứ giả điên giả khùng để được ở trong biệt thự mà không ai quấy rầy và được nhìn thấy Lan và Tuấn khoẻ mạnh vui chơi.

“Tôi đã định khi cả hai đến tuổi trưởng thành, tôi sẽ nói ra sự thật để sao Bắc Đẩu lại soi sáng Khóm Trúc và tượng đức Thánh Trần mỉm cười lần nữa.

“Còn bức thư thú tội của nhà tôi viết khi sắp chết, tôi đã hứa đem sang bên ông bà Ân, nhưng lại thôi. Một đêm nọ, tôi trốn ra động đá góc vườn giấu bức thư đi thật kỹ. Sáng hôm sau về nhà thì ông ấy đã tắt thở, nhưng trước khi nhắm mắt ông ấy còn viết thêm một lá thư nữa. Tuy không biết trong thư viết gì, nhưng tôi cũng đem giấu biến đi cùng với chiếc mề đay. Rồi trời run rủi cho Tuấn đem thư đó đưa cho cô Hiền…

“Tội của tôi là tội đã giấu kín các giấy tờ, còn các việc khác nếu có mình tôi thì tôi chẳng dám làm. Tôi phạm phải tội nói dối cũng chỉ vì ông nhà tôi đã quá nóng nảy, chỉ muốn trả thù chứ không biết nhận lỗi của mình”.

Kể xong, vú già thút thít khóc. Lan lại gần vú an ủi :

- Thôi, vú đừng buồn nữa. Con không giận vú đâu.Vú đã biết hối lỗi thì ai cũng tha thứ cho vú hết.

Nhưng vú già lắc đầu quầy quậy, nhìn Lan và Tuấn lẩm bẩm :

- Câu chuyện cổ tích đã nói là sao Bắc Đẩu luôn luôn soi sáng Khóm Trúc thì không gì ngăn cản nổi.

Rồi thừa lúc mọi người bận bàn tán về câu chuyện quá lạ lùng này, vú già chống gậy bước thật mau ra khỏi căn biệt thự như chạy trốn…

Không ai còn gặp lại vú trong vùng vịnh Hạ Long nữa…


CHƯƠNG XVII

NGÀY MAI TƯƠI SÁNG
 

Mười mùa xuân lại trôi qua. Đã mười lần hoa mai nở rồi tàn trong vườn biệt thự Hoàng Lan.

Hai trẻ xưa vẫn được gọi là “hai trẻ sinh đôi” của biệt thự Hoàng Lan đã lớn.

Lan đã trở thành một thiếu nữ xinh đẹp. Sống bên cạnh bà Ân, em đã mất hẳn những thói quen hồi xưa như suốt ngày đi lang thang ngoài bờ biển bắt trai, ốc hoặc ở suối hái hoa cả ngày không biết chán. Nay Lan là một thiếu nữ đoan trang thùy mị, khâu vá thêu thùa rất giỏi. bà Ân đã luyện cho em trở thành một nhà nội trợ rất đảm đang. Lan vẫn không thay đổi : vẫn má lúm đồng tiền xinh xinh, vẫn cặp mắt trong sáng, vẫn đôi má rám nắng hồng, vẫn mái tóc thề óng ả bỏ xoã xuống vai… Nhưng nét dịu dàng đã thay thế nét tinh nghịch thủa nhỏ khiến trông em phảng phất giống cô Hiền.

Tuấn được ông Ân săn sóc và xin bà nội cho vào ở nội trú với Trung và Hiếu. Nay Tuấn đã ra trường và trở thành một sĩ quan hải quân tài ba. Vẻ trầm ngâm tư lự hồi nhỏ đã được thay thế bằng nét cương nghị trên khuôn mặt rắn rỏi rám nắng của Tuấn, trông thật đúng là hình ảnh của ông Đức hồi trẻ.

Từ khi ông bà Ân trở về biệt thự Tố Nga, cô Hiền đã vào viện mồ côi để dùng thời giờ rảnh chăm sóc cho các trẻ xấu số, không mẹ không cha. Mỗi tuần cô trở về biệt thự ba lần để tiếp tục đem sự học khai sáng những tâm hồn trẻ thơ ở xóm dân chài.

Cụ Thành đã mất từ lâu, cụ Diễm thì trông chẳng khác xưa chút nào. Cụ thay mặt ba mẹ Tuấn giao ước kết sui gia với ông bà Ân để xoá mờ mối hiềm khích xưa giữa hai gia đình.

Từ nay hai họ Trần và Tôn Thất lại được gắn liền trong quyển gia phả của hai nhà…

Sao Bắc Đẩu sẽ đời đời soi sáng Khóm Trúc…
 

THÙY HƯƠNG   

Thứ Sáu, 29 tháng 11, 2013

CHƯƠNG XIII, XIV_BIỆT THỰ HOÀNG LAN



CHƯƠNG XIII
 
NHỮNG NGƯỜI KHÁCH LẠ TRONG ĐÊM
 

- Lan ơi, anh quả quyết với Lan rằng đêm qua có ai vào phòng học của mình đấy. Này, nhìn kỹ xem nhé, rõ ràng có vết dép in xuống bụi này (lúc đó mới 6 giờ sáng nên chưa ai quét nhà). Anh nhận thấy vết chân từ mấy hôm nay, anh đã nghi ngờ rồi, nhưng đến hôm nay thì dấu vết rành rành ra đây nhé. Vết dép này to và dài hơn dép tụi mình thì phải là của một người nào khác rồi.

Tuấn vừa tỏ vẻ bí mật, vừa hãnh diện chỉ cho Lan xem những dấu dép in rõ mồn một trên sàn nhà. Óc trinh thám của em nổi dậy làm em cứ tưởng tượng mình là một thám tử tư trứ danh đang điều tra một bí mật nào.

- Nhưng ai mà vào đây làm gì ? Toàn là sách vở của tụi mình chứ có gì quí giá đâu ?

- Ừ, anh cũng chẳng biết là ai nữa… Hay là chị Ba đi ngang đây để xuống nhà kho ? Nhưng mà chị ấy có bao giờ xuống đấy khuya đâu, còn giờ này thì chị ấy chưa thức mà. Hay là để anh đi hỏi chị ấy cho chắc chắn nhé.

Một lát sau, Tuấn trở lên báo tin :

- Không phải chị Ba mà cũng không phải một người giúp việc nào khác. Chẳng bao giờ họ đi qua đây làm gì cả.

Bỗng Lan háo hức gọi Tuấn, sung sướng như bắt được vàng :

- Anh Tuấn ơi, em tìm được cái này vướng ở móc cửa xuống nhà kho.

- Một mảnh vải áo, nhưng áo ai nhỉ ?

- Nhất định mình phải khám phá ra ai vào phòng mình ban đêm mới được… À, em có cách này rất giản dị : Chúng mình trốn sau tấm màn cửa sổ dày này thì sẽ không ai trông thấy đâu.

- Nhưng chị Ba không thấy mình trong giường lại đi tìm khắp nhà thì sao ?

- Không, mình cứ đi nằm rồi sau khi chị ấy lên xem mình ngủ chưa thì mình lại lẻn vào đây chứ gì.

Tuấn gật gù :

- Phải rồi, ý kiến đáng khen ! Tối nay ta phải áp dụng ngay mới được.

Suốt ngày hôm đó, hai trẻ đứng ngồi không yên. Cứ nghĩ đến việc sắp làm thám tử tí hon ban đêm, là cả hai náo nức lên…

Chiều hôm đó, khi đi chơi về, Lan bỗng huých Tuấn :

- Kìa, anh nhìn xem, chỗ cửa bếp đó.

- Ờ… Vú già chứ ai xa lạ đâu ? Vú vẫn hay đứng đó trước bữa cơm chiều mà.

- Nhưng mà áo vú cũng màu đen và có hoa màu xanh dương như miếng vải em nhặt được ban sáng đó.

Tuấn chắt lưỡi :

- Thật là lạ chưa ! Vú già mà lên phòng mình à ? Mà lên để làm gì cơ chứ ?

Cơm nước xong xuôi, mọi người sang phòng khách ngồi trước lò sưởi. Tuấn đề nghị :

- Hay là mình tập lại bản nhạc hôm qua đi Lan. Mai thầy Thông (thầy dạy nhạc) lại đến nữa rồi mà mình chưa thuộc gì cả.

Quay sang bà, em lễ phép hỏi :

- Thưa bà, chúng cháu đánh đàn được không ạ ?

- Ờ, hai cháu cứ đánh đi, nghe càng vui chứ sao.

Lan ra ngồi trước dương cầm, còn Tuấn thì dạo vĩ cầm. Tiếng dương cầm êm êm, thánh thót hoà với tiếng vĩ cầm réo rắt hợp thành một tấu khúc thật nhịp nhàng. Nhưng chỉ một lát sau là Tuấn và Lan hết sự hứng thú trong việc hoà nhạc vì còn mãi nghĩ đến cuộc rình rập ban đêm. Cuối cùng, thấy Lan càng lúc càng lơ đãng, Tuấn đành buông đàn nói :

- Thôi, ngừng đi Lan. Em đánh gì mà loạn xạ quá vậy ?

Lan nháy Tuấn ra hiệu :

- Thôi, tụi mình lên ngủ đi.

Thế là Lan đóng dương cầm lại và Tuấn cất vĩ cầm vào hộp, rồi cả hai xin phép bà đi ngủ. Bà cụ lo lắng hỏi :

- Hai cháu có mệt không mà đi ngủ sớm thế ? Lại đây bà sờ trán xem có sốt không nào.

- Thưa bà không ạ, chúng cháu chỉ buồn ngủ sớm thôi.

Nói vậy, nhưng cả hai cũng lại gần cho bà xem trán. Thấy trán hai cháu mát rượi bà cụ mới yên tâm.

Anh Hồng bình phẩm :

- Tụi nó dậy sớm rồi cứ lông bông suốt ngày nên buồn ngủ là phải, bà ạ. Cháu cũng sắp đi ngủ đây.

Bà cụ đưa hai cháu ra tận chân thang rồi trở lại ngồi đan trong chiếc ghế bành êm ái trước lò sưởi.

Trong nháy mắt, hai anh em đã thay quần áo ngủ và lên giường nằm. Ngay sau đó, chị Ba lên đắp chăn cho chúng rồi tắt đèn.

Chị Ba vừa đi khỏi là Tuấn và Lan không ai bảo ai đều nhảy ngay xuống đất mặc thêm áo ấm vào, rón rén bước ra cửa.

Năm phút sau, cả hai đã nấp sau tấm màn dạ đỏ cạnh cửa sổ. Chỗ trốn đó thật lý tưởng vì rất kín đáo lại chìm đắm trong bóng tối.

Tuấn với tay nhẹ nhàng khép cánh cửa sổ lại cho ánh sáng trăng bớt chiếu vào phòng. Rồi cả hai hồi hộp chờ đợi trong bóng đêm…

Thời gian chầm chậm trôi qua… Trong đêm tối tĩnh mịch, bỗng mười tiếng chuông đồng hồ ngân nga vẳng tới phòng học. Lan chép miệng thở dài :

- Mình mới đợi có 20 phút mà cứ tưởng là cả giờ đồng hồ rồi. Lâu quá đi mất thôi !

Chờ đợi thêm một lúc lâu, Lan đã bắt đầu cảm thấy mệt mỏi thì đồng hồ lại điểm một tiếng.

- 10 giờ rưỡi rồi, Tuấn nói.

Thời gian chờ đợi dài đằng đẳng tưởng chừng như một thế kỷ… 11 tiếng chuông ngân nga trong đêm trường tịch mịch.

Nghe thấy hơi thở đều đều của Lan, Tuấn thì thầm hỏi :

- Lan ngủ đấy à ?

- Em mới ngủ gật một tí ấy mà. Em chán quá à… Thôi, em đi ngủ đây, chẳng thấy gì hay ho xảy…

Lan chưa dứt lời thì bỗng có tiếng chân người bước tới cửa phòng. Cả hai nín thở, Tuấn xì xào :

- Có người tới kìa.

Lan nắm chặt tay Tuấn lo sợ.

Cánh cửa mở ra không một tiếng động, một ánh đèn le lói chiếu vào phòng. Chiếc đèn vặn thật nhỏ nên không chiếu sang tới chỗ Lan và Tuấn đang đứng nấp.

Hai bóng đen thận trọng bước vào phòng… Mảnh vải trùm quanh chiếc đèn để che bớt ánh sáng khiến Lan và Tuấn không trông rõ mặt hai kẻ lạ.. Hai bóng đen bí mật đi ngang căn phòng rồi tiến tới chiếc cửa dẫn xuống nhà kho. Có tiếng chân bước xuống thang gác… xa dần… xa dần…

Khi tất cả yên lặng trở lại, Lan nói :

- Có hai người, nhưng em không nhìn rõ mặt. Một người thấp và gầy, còn người kia mập mạp lắm.

- Anh thì anh đoán được là ai rồi. Nhưng kể cũng lạ thật ! Tụi mình phải đi theo xem kỹ mới được. Bây giờ mình ra đầu cầu thang nhòm xuống nhà kho may ra thấy được đấy.

Lan chùn lại :

- Thôi, em sợ lắm. Em không dám đâu.

Tuấn ngạc nhiên nhìn Lan :

- Em sợ gì ? Có anh đây mà.

Nhưng Lan vẫn không đổi ý, khăng khăng đòi ở lại phòng.

- Thế thì thôi, anh đi một mình vậy.

Lan cuống cuồng :

- Chờ em với, chờ em với.

Rồi em thu hết can đảm, cố mạnh dạn bước ra đầu cầu thang.

Hai em khe khẽ mở cánh cửa nhỏ và nhòm xuống nhà kho. Tuấn thì thào :

- Anh đoán thật không sai, đúng họ rồi. Lan nhìn kìa !

Lan cúi xuống, mở tròn mắt kinh ngạc, suýt kêu lên trước cảnh tượng trong nhà kho.

Chiếc đèn để dưới đất chỉ đủ soi sáng một góc đầy vật dụng cũ kỹ trong nhà kho. Trong một góc phòng, anh Hồng đang cúi xuống xem xét một vật gì nhỏ xíu trong tay vú già. Quần áo anh Hồng dính đầy mạng nhện, còn vú già thì nở một nụ cười điên dại…

Sáng hôm sau, Lan và Tuấn rất đắn đo không biết có nên hỏi anh Hồng về vụ đêm qua không. Nhưng Tuấn bàn:

- Không nên hỏi, vì anh ấy chỉ tiết lộ điều gì khi nào anh ấy muốn nói ra thôi. Lan nhớ chuyện mình hỏi về vụ xích mích giữa hai nhà không ?

Nhưng không giữ nổi lòng hiếu kỳ nên hôm sau, trong bữa điểm tâm, khi anh Hồng nói tới tên vú già, Tuấn hỏi ngay :

- Anh Hồng thân với vú già quá nhỉ. Chiều qua tụi em thấy anh nói chuyện với vú ngay dưới cửa sổ phòng học. Không biết vú kể gì cho anh nghe mà hay thế ?

Anh Hồng cười thích thú :

- Anh trở thành người để vú già tâm sự đấy. Vú khoe với anh là vú có một kho tàng bí mật rồi lại kể chuyện một đêm giông bão hãi hùng mà anh chẳng hiểu gì gì cả. Anh chỉ nghe loáng thoáng là vú có vẻ lo sợ, bảo rằng kho tàng đó và bão tố sẽ mang lại nhiều xui xẻo cho vú và… vú sẽ bị sét đánh chết.

- Thế vú có cho anh xem kho tàng đó không ?

- À, câu này anh không trả lời được vì vú bắt anh giữ bí mật.

Lan và Tuấn tiu nghỉu. Anh Hồng mà đã quyết giữ kín việc gì thì có bao giờ anh ấy chịu nói ra đâu ! Nhưng cả hai thầm nghĩ : Cái mà vú già cho anh Hồng xem đêm qua đúng là kho tàng bí mật rồi.

Vài ngày sau, khi Lan và Tuấn đang dạo chơi trên bờ biển, Lan bỗng nói :

- Anh Tuấn ơi, hay là mình đi xem kho tàng bí mật của vú già đi. Em thấy rõ ràng vú cất vào cái ngăn kéo trên cùng của chiếc bàn gỗ lim để ở góc trái căn nhà kho.

- Ừ, mình cứ thử xem. Nhưng mình phải kiên nhẫn chờ thêm vài ngày nữa hãy ra tay. Lỡ đêm nào vú cũng vào kho thì sao ? Tính vú ấy kỳ quặc lắm, hứng lên lúc nào là làm lúc ấy à !

Đúng như lời Tuấn nói, trong vài ngày, nhờ những xảo thuật nhỏ mọn như đút một mảnh giấy nhỏ vào ổ khóa, hoặc đổ bột xuống sàn nhà, Tuấn và Lan nhận thấy đêm nào vú già cũng xuống kho. Rồi sau đó một thời gian, vú già ngừng hẳn không xuống kho ban đêm nữa và các vật trong phòng học đều không bị suy suyễn chút nào. Thấy vậy, vào một buổi tối đẹp trời, Lan và Tuấn lại xin phép đi ngủ sớm. Khi tiếng chân chị Ba vừa xa dần là cả hai lại mò mẫm trong bóng tối đi sang phòng học. Cả hai rón rén bước xuống thang dẫn xuống nhà kho. Tuy thật thận trọng nhưng cả hai có cảm tưởng là chưa bao giờ những bực thang gỗ lại kêu ken két nhiều như đêm đó. Trống ngực Lan đập thình thình, em chỉ sợ có ai bắt gặp, mách bà thì chết. Cả hai trốn sau các đồ vật lỏng chỏng, lần mò ra tới chiếc bàn gỗ lim, run run mở ngăn kéo trên cùng. Trong ngăn chỉ vỏn vẹn có một gói nhỏ kẹp trong tờ báo…

Lan hồi hộp thì thào :

- Kho tàng đây rồi ! Tụi mình mở ra xem đi.

Tuấn mở gói giấy và cầm lên một chiếc mề đay đeo cổ bằng ngà viền vàng chung quanh, chạm trổ rất tinh vi. Một mặt chiếc mề đay khắc hình một thiếu phụ hao hao giống cụ bà Tôn Thất Thành, mặt kia khắc hình một ngôi sao bạc lóng lánh trên nền trời xanh và hai câu thơ :

    “Sao bắc đẩu soi đường nhân loại,

    Dù ngàn năm gương sáng vẫn nêu cao”


Dưới hai câu thơ là tên : Tôn Nữ Ngọc Lan, sinh ngày 25-6-19…

Lan lẩm bẩm :

- Chắc đây là cái mề đay của Lan con bà Ân. Mình cũng sinh tháng sáu năm đó…

Và em lôi trong áo ra một chiếc mề đay vàng hình quả tim, cũng chạm trổ rất tinh vi, trên có khắc chữ :

    “Trần Hoàng Lan


    Sinh ngày 24-6-19…

Tuấn bỗng gọi :

- Lan ơi, chiếc mề đay chắc mở làm đôi được đấy, anh thấy có kẽ hở đây này.

Rồi Tuấn luồn móng tay vào kẽ hở mở hai mặt mề đay ra. Cả hai “ồ” lên kinh ngạc. Một bên có hình một vị sĩ quan hải quân chụp chung với một thiếu phụ trẻ. Lan reo lên :

- A ! Hình ông bà Ân.

Còn bên kia là khuôn mặt tươi cười của một bé gái trạc hai tuổi. Mặt đứa bé thật bầu bĩnh, lại thêm hai má lúm đồng tiền xinh xắn.

Lan trầm ngâm nói :

- Ngôi sao Bắc Đẩu của dòng Tôn Thất.

Khi Lan và Tuấn cất gói mề đay vào ngăn kéo, tờ báo lót dưới đáy ngăn bị xô lệch để lộ ra một phong bì đã ngả màu vàng. Trên phong bì, một bàn tay run rẩy nào đó đã nguệch ngoạc ghi :

    Cô chủ biệt thự Tố Nga

    Biệt thự Tố Nga - vịnh Hạ Long.


Lan ngạc nhiên kêu :

- Ủa, ai là cô chủ biệt thự Tố Nga nhỉ ? Bên ấy chỉ có cụ Thành và cô Hiền. À, thế thì chắc là cô Hiền rồi. Vậy thì bức thư này gửi cho cô Hiền, nhưng sao lại nằm đây ?

- Đúng là vú già đã đánh cắp thư này rồi. Chắc chắn không phải vú viết, vì vú đâu có biết chữ.

Lan và Tuấn kéo lại tờ giấy báo và cất chiếc mề đay vào chỗ cũ. Đêm đó, cả hai toàn mơ thấy vú già và kho tàng bí mật…


CHƯƠNG XIV

 “KHI VÀO DỆT CỬI, KHI RA THÊU THÙA”


Ngày hôm sau, bàn cãi sôi nổi một hồi lâu rồi Lan và Tuấn cùng đồng ý giữ yên lặng về bức thư. Tuấn giảng giải :

- Chuyện này không dính líu gì tới tụi mình cả, mình không nên nhúng tay vào. Vả lại, nếu mình nói ra, mọi người sẽ biết ngay là mình đi lục lọi tìm tòi bí mật của vú già. Chắc anh Hồng biết vụ này đó. Nếu có cần nói cho cô Hiền chắc anh ấy đã nói rồi, không phải chờ mình đâu.

Lan cãi :

- Nhưng vú già giấu bức thư xuống dưới tờ báo lót ngăn kéo cơ mà. Em thấy rõ ràng vú già chỉ cho anh Hồng xem chiếc mề đay thôi.

- Được rồi, mình cứ đợi ít lâu xem sao. Nếu anh Hồng không đả động gì tới chuyện đó, mình sẽ hỏi thẳng anh ấy cũng không muộn.

Lan gật gù tán thưởng :

- Phải đấy, mình chờ vài hôm nữa vậy.

Lan và Tuấn trở lại cuộc sống bình thản ngoài trời, lại đi cắm trại, tắm suối, bơi thuyền… như không có chuyện gì xảy ra cả.

Chúng vẫn qua lại biệt thự Tố Nga và dần dần cô Hiền trở nên thân thiết với hai trẻ như cô ruột vậy.

Đến độ thu về, khi lá úa bắt đầu rải rác khắp sân biệt thự Hoàng Lan và thời tiết bắt đầu trở lạnh, bà nội Lan và Tuấn thấy cô Hiền ở một mình bên biệt thự Tố Nga với cụ Thành chắc buồn lắm nên cho hai cháu sang chơi với cô hàng ngày.

Lan và Tuấn thán phục cô Hiền vô cùng nên ở cả buổi chiều bên nhà cô. Chiều chiều, khi cụ Thành ngồi nghe Tuấn đọc truyện thì Lan bắt đầu học thêu. Em có vẻ “người lớn” ra và chăm chỉ trong việc may vá, thêu thùa lắm.

Lan còn nhớ hôm đó em đang ngồi trên tấm thảm dưới chân cụ Thành nghe Tuấn đọc sách, thì bỗng cô Hiền mỉm cười hỏi :

- Sao cháu không làm gì hả Lan ? Cháu không khâu hay thêu bao giờ à ?

- Thưa cô, cháu chưa khâu hay thêu bao giờ cả.

Cô Hiền ngạc nhiên :

- Chưa bao giờ à ? Thế cháu không biết khâu sao ?

Lan đỏ mặt đáp :

- Thưa cô không, chẳng ai dạy cháu khâu cả ạ.

Rồi em thành thực tâm sự :

- À quên, anh Tuấn có thử dạy cháu một lần, nhưng cháu không thích khâu.

- Tuấn cũng biết khâu hả cháu ?

- Cháu cũng không biết nữa ạ. Nhưng có một hôm anh ấy vá hộ áo cho thằng Tèo con bác Tám đánh cá, cô ạ. Thằng Tèo sợ mẹ đánh vì ngã rách áo, nó chỉ có hai chiếc áo để thay đổi thôi, nên anh ấy thương hại, gọi nó vào bếp và ngồi vá lại cho nó. Anh ấy vá khéo lắm, trông không rõ vết khâu chút nào cả.

Rồi chợt nhớ ra Lan tiếp :

- À, cả hôm lễ chúc thọ bà nội nữa, anh Tuấn khâu cho bà một cái gối bông đẹp tuyệt, cô ạ.

Cụ Thành từ nãy tới giờ ngồi chăm chú nghe cô Hiền và Lan chuyện trò, bỗng hỏi :

- Thế cháu biếu bà quà gì ?

Lan cười khanh khách :

- Chắc ông không đoán được đâu : Cháu tặng bà một quyển vở thật sạch sẽ, viết thật nắn nót… Gớm, cháu mất công lắm mới làm được đấy ạ !

Cả cụ Thành lẫn cô Hiền và Tuấn đều phá lên cười vui vẻ.

Cô Hiền lại tiếp :

- Thế thì bây giờ cháu học đi nhé. Cháu có nhớ cổ nhân thường khuyên con gái gì không ? Đây này, các cụ khuyên thế này này :

“Khi vào dệt cửi, khi ra thêu thùa”.

Cháu lớn rồi, đi chơi cả ngày mãi cũng chán, cháu tập thêu khăn tay hay áo để mặc có phải là ích lợi không ?

- Thưa cô, nghe cô nói, cháu thích học thêu lắm, nhưng cháu không dám nhờ bà nội dạy. Còn thầy Sơn thì chắc chắn không dạy được môn này rồi !

- Được rồi, để cô dạy cháu nhé.

Lan reo lên :

- Thật à cô ? A ! Thế thì thích quá ! Cô bằng lòng dạy cháu thì nhất rồi !

Sung sướng quá, Lan nhảy lên bá cổ cô Hiền :

- Cô tốt quá, cô tốt quá ! Thảo nào các bác dân chài cứ gọi cô là “cô tiên Hiền”.

Cô Hiền đỏ mặt ngượng nghịu :

- Lan à, con người sinh ra đời không phải để sống ích kỷ mà để giúp đỡ nhau cho đời sống được vui tươi thêm. Dân nghèo họ khổ cực thì mình có bổn phận phải giúp đỡ họ, đem tình thương lại xoa dịu nỗi khổ của họ, an ủi họ. Không phải đồng tiền bát gạo sưởi ấm được lòng họ mà chính là tình thương và lời nói ngọt ngào an ủi của mình.

Lan và Tuấn không bao giờ quên được ánh mắt long lanh chan chứa tình cảm của cô Hiền khi cô thốt ra câu này… Lúc ấy, trông cô đẹp như một bà tiên.

Tuấn trầm ngâm nói :

- Thầy Sơn có cho chúng cháu học bài học thuộc lòng có câu : “Thương người như thể thương thân”, cô ạ..

- Đấy, các cháu học điều gì đem ra thực hành ở đời thì mới hay. Thầy Sơn cho các cháu học bài Gia Huấn Ca ấy để dạy các cháu có lòng nhân ái, biết yêu thương kẻ khó và giúp đỡ họ đấy.

Cô Hiền yên lặng suy nghĩ, hình như cô có điều gì thắc mắc thì phải. Cuối cùng, cô quyết định lên tiếng :

- Lan học thêu mau mau lên nhé, vì qua Tết cô sẽ không còn ở đây nữa đâu !

Lan rầu rầu nét mặt chực khóc :

- Cô đi theo ông bà Tôn Thất Ân phải không ạ ?

- Không, anh chị ấy sẽ về đây ở với ba cô, lúc đó cụ sẽ không cần đến cô nữa…

Lan lo lắng ngắt lời :

- Thế cô định đi đâu ạ ?

- Rồi sau này cháu sẽ biết.

Cụ Thành thở dài nhè nhẹ rồi vuốt tóc Lan run run nói :

- Lúc đó cháu sang thăm ông luôn nhé. Cháu sẽ thay thế cô Hiền. Ông sẽ tưởng tượng cháu là Ngọc Lan, cháu nội của ông.

Lan ôm cổ cụ Thành, hứa :

- Vâng ạ, cháu và anh Tuấn sẽ sang thăm ông luôn.

Tuấn lại tiếp tục đọc sách cho cụ Thành nghe, và Lan bắt đầu học khâu vá, thêu thùa.

Dần dần, càng thân thiết với cô Hiền hơn, Lan và Tuấn càng nghĩ ngợi về bức thư gửi cho cô được giấu kín trong ngăn kéo dưới căn nhà kho bụi bặm…

Ngoài ra, Lan và Tuấn lại còn bắt gặp anh Hồng nói chuyện rất hào hứng với vú già nhiều lần.

Lan nhận xét :

- Anh Hồng hồi này lạ quá. Từ khi vú già cho anh ấy xem cái kho tàng, lúc nào óc anh cũng nghĩ đâu đâu !

- Ừ, anh cũng nhận thấy thế. Anh ấy có vẻ lo lắng nghĩ ngợi điều gì. Kể cũng lạ ! Một người chỉ lo đào xới suốt ngày như anh ấy mà tự nhiên lại đăm chiêu, bỏ cả việc đi tìm cổ vật thì chắc việc đó phải quan trọng lắm.

Một hôm, theo thói quen cả hai đang tì tay trên cửa sổ ngắm cảnh trời nước bao la bỗng nghe giọng nói bất mãn của anh Hồng vang lên :

- Vú phải trả lại đi. Giữ mãi là mang tội ăn cắp đấy. Vú trả lại cho gia đình người ta đi, đó là một kỷ niệm quí giá đối với ông bà Ân mà.

Vú già rên rỉ :

- Không ! Không !

- Tôi mà là vú thì lương tâm đã cắn rứt không thể chịu nổi rồi. Vú không có quyền giữ vật đó.

- Đấy là kho tàng của tôi mà. Khi nào sao Bắc Đẩu lại soi sáng khóm Trúc thì tôi sẽ trả !

Anh Hồng dằn giọng, đe doạ :

- Vú điên rồi ! Nếu khi ông bà Ân dọn về biệt thự Tố Nga mà vú không đem trả thì chính tôi sẽ mang sang trả cho mà xem.

Nghe vậy, Tuấn bấm Lan :

- Anh Hồng trách vú về tội ăn cắp chiếc mề đay kìa.

- Thế thì chắc chắn là vú cũng ăn cắp cả lá thư cô Hiền nữa. Bây giờ mình phải lấy lại bức thư đó và đưa cho cô Hiền mới được. Lỡ có gì quan trọng trong thư thì sao ?

- Đúng rồi, chúng mình phải đem sang cho cô vì thư gửi cho cô mà.

Tối đó, cả hai xuống nhà kho tìm bức thư. Khi mở ngăn kéo ra, gói mề đay đã biến mất. Chắc vú già sợ anh Hồng đem trả mất nên đã giấu kỹ rồi. Nhưng may mắn thay, chiếc phong bì vẫn nằm ngoan ngoãn dưới tờ báo lót ngăn kéo !

Tuấn nắn chiếc phong bì, ngạc nhiên kêu :

- Mỏng quá, chắc chẳng có gì nhiều trong này đâu.

- Mỏng đâu có phải là không quan trọng… Biết đâu bức thư này lại chẳng quan hệ vô cùng ?

Lan có ngờ đâu chiếc phong bì vàng úa, mỏng manh kia lại chứa đựng cả hạnh phúc của hai trẻ!...
 _________________________________________________________________________

Thứ Năm, 28 tháng 11, 2013

CHƯƠNG XI, XII_BIỆT THỰ HOÀNG LAN



CHƯƠNG XI

NHỮNG BÓNG ĐEN TRONG ĐÊM TỐI
 

Vào một đêm không trăng không sao, tối đen như mực, trên con đường mòn dẫn lên biệt thự Hoàng Lan có một bóng đen cao lớn yên lặng tiến bước. Màn đêm che khuất nét mặt bóng đen. Thỉnh thoảng cái bóng đó lại trượt chân khiến những hòn đá lăn lạo xạo xuống dốc đồi. Những lúc đó, bóng đen càu nhàu, ngừng lại nghe ngóng… rồi lại tiếp tục bước.

Lên tới phía sau biệt thự, cái bóng đó dừng lại thở dốc, ngó dáo dác chung quanh xem động tĩnh và tiến lại gần cánh cửa nhỏ sau tòa biệt thự. Cái bóng trốn sau một thân cây nhỏ ngay cạnh cửa, chờ đợi…

Bóng đen đó không phải chờ lâu. Độ mười phút sau, cánh cửa xịch mở và một bóng đen khác, nhỏ và còng, chống gậy hiện ra ở ngưỡng cửa. Bóng đen thứ hai đứng yên một lát, hít thở làn không khí mát mẻ ban đêm.

Cái bóng cao lớn đứng bất động, rình từng cử chỉ của bóng đen nhỏ.

Trong nhà bếp có tiếng rửa bát lách cách. Chắc bữa cơm chiều vừa xong và mọi người trong biệt thự đang quây quần trong phòng khách phía trước. Thỉnh thoảng, tiếng đàn vĩ cầm điêu luyện của Tuấn hoà cùng tiếng dương cầm thánh thót và giọng hát êm ái của Lan theo gió vẳng lại.

Cái bóng nhỏ khép cửa bếp lại và đi bách bộ ở sân sau. Hình như bóng đen này có thói quen đi bách bộ ở đó trước khi đi ngủ, và bóng đen cao lớn kia cũng biết vậy nên kiên nhẫn đứng chờ sau thân cây.

Dần dần, cái bóng nhỏ tiến tới phía đường mòn. Chỉ chờ đợi có thế, bóng đen to lớn từ trong bóng tối nhảy sổ ra bịt miệng cái bóng nhỏ và lôi vào một góc âm u của khu vườn rộng.

Sự việc xảy ra trong chớp nhoáng khiến cái bóng nhỏ không kịp kêu lên cầu cứu.

Bóng đen lớn cúi xuống thì thào vào tai cái bóng nhỏ :

- A, lần này thì tao bắt được mày nhé. Tám ngày rồi tao mỏi mắt đợi ở nhà chú Hai Gà mà chẳng thấy tăm hơi mày đâu. Thứ hai này tao đi rồi và tao phải có tiền trước khi đi. Mày quyết định chưa ? Có đưa hay không ? Nếu tao mà không tự chủ thì tao đã ném mày xuống hố sâu kia cho bõ ghét. Người ta sẽ tưởng mụ già điên trượt chân xuống hố, chứ có ai ngờ tao là thủ phạm đâu. Mày coi chừng nghe, tao cảnh cáo lần này là lần cuối cùng đó.

Cái bóng nhỏ không dám vùng vẫy và tỏ vẻ kinh sợ, nhắm nghiền mắt lại. Bóng đen cao lớn thấy vậy bỏ tay bịt miệng cái bóng nhỏ ra và thì thầm :

- Thế nào, mụ phù thủy, có trả lời tao không ?

Bóng đen nhỏ hơi hé miệng không phải để trả lời, nhưng để huýt sáo một hồi dài.

Bóng đen lớn còn ngỡ ngàng, chưa kịp có phản ứng thì Vàng và Mực đã chồm tới bao vây hắn và hầm hè định cắn. Hắn hoảng sợ vội buông bóng nhỏ ra. Cái bóng nhỏ cười khẩy :

- Bây giờ đến lượt mày sợ nhé.

Rồi bóng đó suỵt nho nhỏ :

- Cắn nó đi Vàng, Mực ! Cắn đi !

Chỉ chờ đợi có thế, hai con chó nhảy chồm lên người bóng đen cao lớn. Hắn cố chạy, nhưng không dám kêu lên sợ làm vang động khiến mọi người chạy ra. Hắn thở hồng hộc, dùng gậy chống đỡ với hai con chó.

- Cút đi, hai con quỷ ! Đi ! Đi !

Bỗng bóng đen cao lớn kêu “ối”, hắn đã bị một trong hai chú chó cắn.. Hắn khập khiễng chạy xuống con đường mòn. Máu từ bắp chân hắn nhỏ giọt xuống đường thành một vệt dài đỏ xậm. Vừa đi, hắn vừa lấy gậy quay quanh người để che thân. Hắn tức giận kêu, quên cả thận trọng :

- Gọi chúng lại đi, không thì tao giết chúng bây giờ.

Hắn chạy đã khá xa, bóng đen nhỏ bé biết đã thoát nạn nên huýt sáo gọi chó về. Chú Vàng ngoan ngoãn chạy về, nhưng chú Mực cứ hăng hái đuổi theo bóng đen kia. Thấy vậy, hắn giơ cao cây gậy giáng mạnh xuống chân trước của chú Mực. Một tiếng “bốp” khô khan nổi lên, tiếp theo là tiếng kêu ẳng ẳng thảm thiết. Chú Mực ngã gục xuống đường. Bóng đen cao lớn vừa bỏ chạy thật nhanh vừa hằn học nói :

- Con mụ già tai quái ! Nếu mày không đưa tiền cho tao, tao sẽ tố cáo mày. Tao chưa chịu thua mày đâu.

Không một ai trong toà biệt thự hay biết gì về biến cố xảy ra trong bóng đêm. Con Vàng chạy lại liếm chiếc chân đau cho con Mực. Mực cố đứng dậy, nhưng đau quá đành nằm xuống rên rỉ.

Sáng sớm hôm sau, bác làm vườn thấy chú Mực nằm dài trên con đường mòn. Bác vội đem đi bác sĩ thú y và chú Mực được băng bó cẩn thận. Mười ngày sau, là chiếc chân chú Mực đã lành hẳn và chú lại đi lại được như thường.

Không ai hiểu tại sao chú Mực bị gãy chân. Người duy nhất biết chuyện này không bao giờ hở môi cho ai hay việc gì đã xảy ra đêm đó. Nhưng Tuấn và Lan bắt đầu nghi ngờ gã thọt sẽ tìm mọi cách để đạt được mục đích của hắn.

Vú già từ trước tới nay thường không ưa súc vật bỗng thay đổi thái độ và lại thăm chú Mực luôn. Vú vuốt ve trìu mến chú lắm.

Một hôm, vú lẩm bẩm :

- Tội nghiệp, gã thọt mà mạnh tay chút nữa là đời mày tàn rồi. Thật là quân thô lỗ ! Nhưng nếu hằn tưởng ta chịu đầu hàng thì hắn lầm to. Còn lâu ta mới bỏ tiền ra cho nó.

Từ đó, tối tối vú già hết đi bách bộ ở sân sau. Vú chỉ dám ngồi cạnh cửa bếp hóng mát và không bao giờ rời cây gậy. Mỗi khi có việc phải đi đâu là vú nhìn trước nhìn sau dò xét thật cẩn thận. Còn bóng đen cao lớn thì không dám mon men tới gần toà biệt thự nữa.



CHƯƠNG XII

GÃ THỌT ĐẮC THẮNG
 

Trưa chủ nhật đó, anh Hồng đang nằm ngủ dưới bóng mát trong vườn thì bỗng nghe tiếng một đứa trẻ ngập ngừng gọi :

- Thưa ông, ông làm ơn cho cháu hỏi điều này ạ !

Anh Hồng ngồi nhỏm dậy, thấy một đứa trẻ trạc mười tuổi đang lễ phép ngả mũ chào :

- Chào ông ạ ! Thưa ông, có ai trong nhà không ạ ? Cháu gõ cửa sau mãi mà chẳng thấy ai ra mở cả.

- Lạ nhỉ. Nhưng cháu muốn hỏi gì mà lại đến vào giờ này ? Lại gần đây trả lời tôi nào.

- Cháu sợ chó lắm ạ.
– Vừa nói đứa bé vừa lấm lét chỉ con Mực đang nằm ngủ dưới chân anh Hồng.

- Con Mực hiền lắm, cháu đừng sợ, cứ lại đây đi.

- Cháu nghe nói chó ở đây dữ lắm mà.

- Chắc người ta nhầm đấy. Nhưng cháu trả lời câu hỏi của tôi đi chứ.

- Cháu muốn gặp vú già để nhắn một việc ạ.

- Bà ấy khó tìm lắm. Lúc thì bà ấy ở xó bếp, lúc lại ở động đá góc vườn.

- Cháu ra động đá rồi, nhưng chẳng thấy ai cả. Cháu lại gõ cửa bếp cũng không thấy bóng người nào.

- Thôi, thế thì cháu cứ nói cho tôi nghe rồi tôi nhắn lại cho.

- Dạ…
– thằng bé gãi đầu gãi tai ngập ngừng. – Người ta dặn cháu phải chính vú già cơ.

- Thế thì mai cháu trở lại đi.

- Ấy, không được ạ. Cháu phải nhắn trong nội ngày hôm nay.

Anh Hồng nóng ruột, sẵng giọng :

- Thế thì cháu đi mà tìm lấy, tôi buồn ngủ lắm.

Anh lại nằm xuống, lấy tờ báo che mặt cho đỡ chói mắt rồi lại tiếp tục giấc ngủ dở dang.

Đứa bé suy nghĩ một lát rồi đành nói :

- Thôi kệ, cháu nhắn với ông vậy. Chiều nay cháu không trở lại được.

Anh Hồng kéo tờ báo ra, chờ đợi.

- Thưa ông, ông nói hộ với vú già là chú Tâm chờ vú già tối mai tại quán Hai Gà để từ giã vú. Sau tối mai thì sẽ muộn quá rồi. Xin ông nhớ nhắc hai lần “sẽ muộn quá rồi”.

- Cái gì muộn quá rồi ?
– anh Hồng ngơ ngác hỏi.

- Cháu cũng không biết nữa. Người ta bảo cháu cứ nói thế là vú già hiểu ngay..

- Thôi được, để tôi nhắn lại cho. Thôi, chào cháu nghe.

- Cám ơn ông ạ. Chào ông.

Thằng bé đội mũ lên đầu và lững thững bước ra cửa.

*
 
Đến chiều, anh Hồng gặp vú già ngay dưới cửa sổ phòng học của Lan và Tuấn. Anh nhắc lại lời đứa bé nhắn ban trưa. Anh cũng nhắc hai lần : “Sẽ muộn quá rồi” như thằng bé căn dặn. Vú già nghe vậy nghi ngờ nhìn anh Hồng tưởng anh biết chuyện. Thấy anh quá bình thản, vú vững bụng nói :

- Vâng, mai tôi sẽ tới quán Hai Gà.

Nghe tiếng nói lao xao dưới sân, Lan thò đầu ra cửa sổ nhòm xuống và nghe thấy hết câu chuyện.

Em vội gọi Tuấn :

- Anh Tuấn ơi, gã thọt buộc vú già phải gặp gã ấy tại quán Hai Gà. Vậy mai chúng mình đi theo vú để bảo vệ nhé.

- Ừ, Tuấn vừa trả lời vừa cắm cúi đọc sách.

Ngày hôm sau, Lan và Tuấn để ý theo dõi vú già từ sáng sớm. Suốt ngày vú có vẻ bình thản như thường lệ. Nhưng khoảng 6 giờ chiều thì vú chống gậy đi ra con đường xuống xóm dân chài.

- Anh Tuấn ơi, mình đi theo xa xa đi… Vú già đi về hướng quán Hai Gà kìa.

Vú già mệt nhọc lê bước trên đường. Vú có vẻ lo nghĩ điều gì, chiếc lưng còng của vú trông lại càng còng thêm… Khi đến quán Hai Gà, vú đi thẳng vào trong. Lan và Tuấn cũng vừa đến nơi nhưng không dám xuất đầu lộ diện sợ vú ngại. Hai em ẩn mình sau một góc tường hồi hộp chờ đợi… Chỉ nghe một tiếng kêu của vú là hai em sẽ nhảy vào can thiệp ngay. Nhưng trái với sự lo lắng của Lan và Tuấn, vú già và gã thọt có vẻ thỏa thuận với nhau một cách dễ dàng vì chỉ năm phút sau là vú đã trở ra. Trông vú có vẻ mệt mỏi chán chường lắm.

Lan và Tuấn vừa định rời chỗ nấp thì gã thọt cũng từ trong quán bước ra. Hai gà tiễn hắn ra tận cửa và dặn dò điều gì rồi đưa cho hắn một gói thuốc lào hảo hạng.

Khi gã thọt đã khuất sau khúc quanh, Lan và Tuấn đều tiến lại cửa quán Hai Gà. Hai em vốn quen biết Hai Gà vì thường ghé vào quán bác ta uống nước sau buổi học tại nhà thầy Sơn nên niềm nở chào :

- Chào bác Hai ạ. Hôm nay quán bác có đông khách không ?

Hai Gà vui vẻ đáp :

- A, chào các cháu. Có chứ, có vài du khách mới ở xa tới ăn uống nhiều nên hôm nay bán hàng khá lắm.

Vin vào câu nói đó của Hai Gà, Tuấn nhanh nhẩu hỏi :

- À, hồi nãy cháu thấy bác có hai người khách : vú già và một người lạ mặt chắc ở xa đến ?

- Đâu có, hắn quê quán ở đây chứ có phải ai xa lạ đâu. Hắn là cháu bác đấy mà. hắn cũng chẳng lương thiện gì nên khi hắn bỏ vùng Hạ Long này ra đi hồi bảy, tám năm trước, mọi người đều thở phào nhẹ nhõm.

- Ông ấy quen vú già hả bác ?

- Ờ, nó là bạn bác Cả. Hai đứa ấy thật đồng hội đồng thuyền, chả đứa nào lương thiện cả. Suốt ngày chúng chỉ rượu chè be bét… Thằng Tâm cháu bác mới về đây tuần trước để thăm nhà thăm cửa. Mai nó lại đi rồi. Chắc vú già biết nó về nên lại gặp nó nói chuyện gì không biết nữa.

Lan ngắt lời :

- Cháu bác coi mặt dữ tợn quá à ! Không biết ông ta có định làm hại vú già không ?

- Không đâu, cháu đừng lo. Tuy bác không nghe thấy hai người nói với nhau những gì, nhưng cả hai có vẻ tương đắc lắm. Vú già lại còn biếu hắn một món quà nữa cơ đấy. Bác nghe rõ ràng tiếng nó cám ơn lúc vú già ra về. Khi từ giả bác, nó khen vú là người biết điều. Còn bác thì nó chê là không biết điều tí nào cả vì bác không chịu cho nó mượn tiền sang Lào lập nghiệp. Bác biết là cho nó mượn tiền thì mất luôn chứ không bao giờ đòi được nên bác từ chối. Vả lại, bác cũng chỉ đủ sống chứ có dư dả gì cho cam. Khi nó đi, bác chỉ cho nó… một gói thuốc lào thượng hạng để sang xứ người nó còn nhớ đến món thuốc quốc hồn quốc túy, nhớ đến quê cha đất tổ.

Lan và Tuấn mua vài bắp ngô luộc rồi kiếu từ ra về. Chúng thắc mắc không hiểu tại sao vú già là người bướng bỉnh không nể ai mà lại có vẻ sợ gã thọt ra mặt. Không biết gã thọt ấy muốn gì đây?


__________________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG XIII, XIV

Thứ Tư, 27 tháng 11, 2013

CHƯƠNG IX, X_BIỆT THỰ HOÀNG LAN



CHƯƠNG IX

BẤT ĐỒNG Ý KIẾN GIỮA LAN VÀ TUẤN


Chiều hôm đó, Lan và Tuấn đang học bài thì bỗng tiếng chuông cửa reo vang. Lan hoảng hốt kêu lên :

- Có khách, anh Tuấn ơi, có khách ! Tụi mình phải trốn đi mới được, không thì thế nào bà cũng bắt xuống chào cho mà coi.

Vốn quen sống với thiên nhiên nên Lan và Tuấn rất ngượng nghịu khi phải ra chào khách của bà. Hai em chỉ sung sướng khi được chạy nhảy tung tăng ở những nơi vắng vẻ, yên lặng như bãi biển hoặc bờ suối. Ra chào khách và ngồi cạnh bà cho khách hỏi chuyện là cả một cực hình đối với hai em. Những khi hứng chí, Tuấn thường so sánh mình với Lỗ-Bình-Sơn trên hoang đảo và Lan với chú Sáu, người giúp việc của Lỗ-Bình-Sơn. Nhiều khi cả hai lại ước ao được sống biệt lập trên một hòn đảo để thoát khỏi cái nạn tiếp khách người lớn. Giá phải bạn của bà có con cháu bằng cỡ Lan và Tuấn thì còn vui, chứ đàng này toàn là các bà các cụ lớn tuổi, chẳng biết phải đối đáp với các cụ ấy ra sao !

Tuấn đã bắt đầu xếp sách vở lại thì Lan thò cổ ra ngoài cửa sổ nhòm xuống nhà và reo lên mừng rỡ :

- Ơ, gia đình ông bà Ân đó mà. Thế thì mình ở lại nhà đi, anh Tuấn nhé. Có cả năm đứa con trai bên ấy sang chắc nói chuyện vui lắm. Vào chào ông bà Ân thì mình đâu có ngượng và đâu có sợ mình giống hai đứa “mọi” con chỉ quen sống trong rừng rú thôi.

Tuấn lắc đầu tỏ vẻ không tin tưởng mấy. Nhưng Tuấn chưa kịp trả lời thì tiếng chị Ba giúp việc đã vẳng lên :

- Chú Tuấn ơi ! Cô Lan ơi !

Nghe tiếng gọi, Lan và Tuấn trèo qua cửa sổ và tuột xuống đất.

- Cụ gọi cô chú đấy. Chao ôi ! Sao mà tóc cô Lan rối bù như thế này ? Còn áo thì nhăn nheo như chưa ủi nữa !

Lan vô tư lắc đầu. Em không hay để ý tới cách phục sức của mình mấy. Em chỉ cần mặc quần áo sao cho sạch là đủ.

Chị Ba lại nói tiếp :

- Ăn mặc thế này không được đâu, cụ mắng chết ! Để tôi dẫn cô Lan lên thay quần áo đẹp và chải đầu rồi hãy vào chào khách.

Tuy bực dọc, nhưng Lan và Tuấn cũng ngoan ngoãn theo chị Ba đi sửa soạn.

Khi Lan và Tuấn áo quần tươm tất bước vào phòng khách, bà cụ mỉm cười hãnh diện nhìn hai cháu. Hai em khoanh tay lễ phép cúi chào ông bà Ân và cô Hiền. Bà Ân vuốt tóc Tuấn và hôn lên trán Lan, trong lòng bà rạt rào thương cảm cho hai trẻ bất hạnh bị mồ côi từ nhỏ.

Chào hỏi xong xuôi, hai em lại ngồi cạnh bà. Lan không rời mắt khỏi khuôn mặt dịu hiền của bà Ân từ khi em bước chân vào phòng. Em thắc mắc tự hỏi : “Lạ thật, rõ ràng là mình có gặp bà Ân ở đâu rồi…, nhưng không biết ở đâu nhỉ ?”

Nhưng ngay lúc đó, bà Ân nói với bà nội Lan là bà chưa đặt chân về vịnh Hạ Long này lần nào từ khi đứa bé gái độc nhất của hai ông bà bị tử nạn khi đi chơi suối.

Nghe vậy, Lan tự nhủ thầm : “Thế thì chắc không phải rồi ! Chắc tại trông bà ấy giống hình bà tiên trong truyện Lọ Lem nên mình cứ tưởng có gặp ở đâu hay đã trông thấy rồi”.

Ông Ân ngỏ lời xin lỗi bà nội hai trẻ vì cụ Thành không thể thân chinh qua cám ơn được. Cụ đã tật nguyền lại quá buồn khổ vì cái chết của cụ bà nên không được khoẻ lắm. Sau khi chôn cất cụ Nga, cụ Thành không muốn rời biệt thự Tố Nga để đến ở cùng với ông bà Ân. Vì vậy, ông Ân phải xin đổi về vịnh Hạ Lọng. Ông sẽ gởi hai cậu lớn vào một trường nội trú ở Hải Phòng cho ăn học.

Thấy bọn trẻ ngồi lơ đãng và lộ vẻ chán nản, bà cụ bảo Lan và Tuấn dẫn chúng ra ngoài vườn chơi. Được lời như cởi tấm lòng, tất cả các em đều sung sướng bước ra vườn. Vừa ra đến ngoài là chúng đã ríu rít nói chuyện. Bốn bé trai lớn – Trung, Hiếu, Nghĩa và Dũng cứ vây quanh Tuấn mà kể hết chuyện này đến chuyện kia. Còn Lan thì ôm lấy bé Hùng mà nựng. Em bày đủ trò cho bé chơi và làm bé cười khanh khách luôn miệng.

Khi cô Hiền ra gọi các cháu sửa soạn đi về, thấy vậy hỏi :

- Cháu yêu trẻ con lắm phải không ?

- Thưa cô, cháu thương chúng lắm. Cháu ước ao có một em trai như bé Hùng.

Anh Hồng vừa ra tới nơi, nghe thấy bèn cười trêu :

- Tuấn nó mà nghe Lan nói vậy chắc nó bực tức lắm đó.

- Không đời nào, Lan vội cãi, Anh Tuấn biết là bao giờ em cũng thương anh ấy nhất sau bà nội mà.

Rồi em phụng phịu :

- Anh Hồng cứ chọc em hoài à !

Vừa lúc đó Tuấn đi tới chỗ Lan đứng. Nghe thấy vậy, Tuấn trìu mến nhìn em !

Trước khi ra về, bà Ân căn dặn Lan và Tuấn :

- Khi hai bác dọn về đây, các cháu nhớ sang chơi với các em luôn nhé.

- Vâng ạ, chúng cháu sẽ sang luôn.

Chiếc xe vừa ra khỏi cổng, người ta bỗng thấy bóng dáng lom khom của vú già in lên nền trời đỏ tía. Vú nhìn theo cho tới khi chiếc xe khuất sau chân đồi, mỉm một nụ cười đanh ác và mỉa mai. Không biết vú đang nghĩ gì… Rồi với vẻ đắc thắng trên khuôn mặt nhăn nheo móm mém, vú nhắc đi nhắc lại :

- Nếu các người biết là ta có kho tàng quí ấy, thì bao nhiêu tiền các người cũng phải bỏ ra mua cho bằng được.

Trong xe, bà Ân đã trông thấy bóng dáng đen xậm của vú già trên đỉnh đồi. Bất giác bà ôm bé Hùng vào lòng như để che chở. Bà nói với chồng :

- Mình ơi, lại bà cụ đó nữa kìa ! Sao thấy bà đó tự nhiên em sợ quá hà…

Nhưng ông Ân đã mỉm cười trấn an :

- Có anh bên cạnh che chở cho em và các con đây, em đừng sợ.

*

Tối hôm đó, Lan và Tuấn không ngớt bàn tán về cuộc viếng thăm của gia đình ông bà Ân. Mỗi em nghĩ một khác về cuộc thăm viếng này.

Lan thì rất sung sướng vì gặp được ông bà Ân và cô Hiền mà em rất ngưỡng mộ. Còn Tuấn thì vui vẻ không kém vì được gặp những bạn trai cùng tuổi để bàn bạc về việc học.

Tuấn đăm chiêu tâm sự với Lan :

- Lan à, học với thầy Sơn anh thấy không thu thập được nhiều vì thầy đã đứng tuổi lại không theo sát với chương trình học mới nên chỉ dạy những gì học sinh học cách đây đã mấy năm rồi. Về giảng văn thì anh thấy khá hơn Trung và Hiếu bên bà Ân, nhưng về toán thì dùng sách quá cũ nên anh không được học hỏi những điều mới ra cho chương trình năm nay… Thấy mình thua kém về môn này, anh buồn quá. Nếu mà anh thi tú tài chậm thì khó mà vào trường hải quân được.

Ngừng một lát, Tuấn rầu rầu tiếp :

- Trung kém anh một tuổi mà có vẻ giỏi hơn anh nhiều. Nếu học chung chắc Trung sẽ vượt anh xa.

Lan đánh một câu triết lý :

- Còn anh thì đứng hạng nhì. Hạng nhì là khá lắm rồi còn gì nữa. Anh nhiều tự ái quá à ! Tại sao lại cứ phải đứng hạng nhất mới được cơ !...

- Đối với Lan thì thứ hạng không quan trọng chứ đối với anh là trai thì lại khác. Làm trai phải học giỏi mới làm nên được chứ. Anh chỉ cầu mong bà nội hiểu rằng anh cần được vào trường học.

- Nhưng muốn đi học thì anh phải vào nội trú tận Hải Phòng cơ. Lại phải xa bà, xa em và xa nhà nữa !

- Anh biết chứ. Nhưng nhớ nhà thì nhớ, anh cũng phải lo học cho nên người và nối nghiệp ba. Trung và Hiếu bên bác Ân được gửi vào trường đấy.

- Thôi anh Tuấn ơi ! Anh đừng đi nhé ! Ở cả năm ở đây một mình em buồn chết.

- Thế thì anh nói với bà gửi em vào học trường nội trú riêng cho nữ sinh vậy nhé.

Lan dẫy nẩy :

- Không bao giò em vào nội trú đâu ! Em không chịu được đời sống tù túng trong bốn bức tường đâu ! Em quen chạy chơi ngoài bãi biển bao la cả ngày và không bị gò bó rồi. Nếu bắt em suốt ngày phải học và chơi theo tiếng chuông reo, đi ngủ đúng giờ đúng giấc hàng ngày thì em phát điên lên mất !

- Lan à, em nhầm rồi. Cuộc sống này không thể kéo dài mãi mãi được. Nếu ba mẹ còn thì chắc ba mẹ đã gửi anh em mình vào trường lâu rồi. Ở đây cả đời chắc chúng ta sẽ trở thành những kẻ dốt nát và vô dụng. Em nên nhớ thầy mình vẫn thường dạy câu :

“Ngọc kia chẳng chuốt chẳng mài,

Cũng thành vô dụng, cũng hoài ngọc đi.

Con người ta có khác gì,

Học hành tấn tới, ngu si hư đời.”


Chúng mình may mắn không ngu dốt thì phải ráng học hành, sau mới ra giúp đời được chứ. “Ngày nay học tập, ngày mai giúp đời” là câu châm ngôn in trên các quyển vở mình dùng hàng ngày mà em quên sao ?

Lan buồn bã ngồi nghe, lặng thinh không nói câu nào. Tuấn lại tiếp :

- Lan biết không, từ khi nói chuyện với Trung và Hiếu, anh chỉ mong được đi học cùng tụi nó thôi.

Lan oà khóc :

- Thế là anh không thương em phải không ? Ba mẹ đã mất rồi, còn có hai anh em mình côi cút, nay anh lại bỏ em mà đi thì em sống với ai ? Bà nội đâu có thời giờ mà chơi với em cả ngày như anh vậy… Thôi, em lạy anh đó, anh đừng đi xa nhé ! Anh đừng xin bà vào trường nhé, anh Tuấn nhé !

Vừa nói Lan vừa lay lay Tuấn, vẻ mặt cầu khẩn. Tuấn vuốt tóc em an ủi :

- Lan à, em còn ngây thơ quá. Em chưa hiểu sự học cần thiết như thế nào. Anh cam đoan với em là đến nghỉ hè anh về chơi thì còn vui gấp mười hàng ngày anh ở cạnh em nữa kìa.

Thấy Lan vẫn còn thổn thức, Tuấn giảng giải :

- Anh phải học hành đàng hoàng để trở thành sĩ quan hải quân như ba vì thi Tú tài khó lắm. Học với thầy Sơn thì không đủ sức đỗ đâu. Thi mà rớt thì anh chỉ thành một kẻ vô dụng, ăn bám vào gia đình. Lúc đó cả tương lai của dòng họ Trần sụp đổ. Chỉ còn mình anh để nối nghiệp mà anh làm thế thì có tội với tổ tiên lắm.

Và em đùa cho Lan vui :

- Lúc ấy chắc tượng đức Thánh Trần sẽ cau mày chứ không mỉm cười đâu.

Nghe thế, Lan đang khóc cũng phải bật cười. Trí óc giàu tưởng tượng của Lan đang phác họa ra hình ảnh bức tượng đang cau mày giận dữ. Eo ơi ! Chắc trông sợ lắm nhỉ ?

Thấy vậy, Tuấn hy vọng tiếp :

- Lan nói với cô Hiền xin bà nội cho anh đi học nhé. Cô Hiền mà xin hộ thì chắc được.

Nụ cười vô tư tắt ngay trên môi Lan. Em bỗng cau mày, dậm chân tức tưởi :

- Không ! Em không nói đâu ! Anh chỉ thích đi xa thôi. Anh chẳng thương em chút nào cả. Giá phải ba mẹ còn sống thì đâu đến nỗi nầy ! Thôi, anh đừng nghĩ đến việc đi học nữa đi.

Tuấn lắc đầu thở dài ngao ngán. Làm sao cho Lan hiểu là mộng ước thành sĩ quan hải quân là một giấc mơ thiêng liêng, là truyền thống hào hùng của dòng họ Trần bây giờ ? Lan mà không hiểu em thì còn ai hiểu em nữa ?...

Tuy vậy, tối đó Tuấn cũng lái câu chuyện sang việc học hành và xin bà cho vào trường. Em mới thốt ra câu hỏi là bà nội đã từ chối ngay. Cụ bảo em còn nhỏ quá chưa cần vào trường vội, để vài năm nữa rồi hãy hay. Bây giờ học thầy Sơn là đủ rồi. Thông minh như Tuấn thì theo kịp các bạn có khó gì.

Đêm đó, Tuấn thao thức nằm khóc thật lâu. Trong nhà không ai hiểu em cả, không ai hiểu chí làm trai đối với em quan trọng tới mực nào… Cứ nghĩ đến ông Ân là nước mắt Tuấn lại trào ra. Ông Ân thật là một người cha lý tưởng, hiểu con cái và lo cho tương lai các con. Em thấy mình thật bất hạnh vì thiếu sự săn sóc của một người cha.. Bà nội thì đã già, lại quá thương cháu nên không muốn em đi xa là phải !

Nằm trằn trọc mãi, Tuấn bỗng nghĩ ra một cách để lung lạc bà. Tháng sau, ông bà Ân dọn về biệt thự Tố Nga, em sẽ nhờ ông Ân xin với bà cho đi học cùng với Trung và Hiếu bên đó. Chắc bà sẽ nể mà nhận lời. Vả lại, vốn là một người cha hiểu con, ông Ân sẽ biết tìm lời khôn khéo thuyết phục bà và giúp em thực hiện mộng hải hồ. Em mỉm cười ngâm nga :

“Đã mang tiếng đứng trong trời đất,

Phải có danh gì với núi sông”.


Trong khi đó, ở phòng bên Lan đang vẫy vùng trong một cơn ác mộng. Em thấy bà gửi mình vào một trường nội trú rất khe khắt. Em lạc lõng trong đám trẻ ngoan ngoãn mặc đồng phục và khổ sở khi phải ngồi thật yên lặng trong giờ học. Em hoảng hốt kêu lên nhưng họng em như cứng lại và không tiếng kêu nào thoát ra được. Chân tay em cứng đờ, không động đậy nổi ! Em cố vùng vẫy, la hét và cuối cùng giật mình tỉnh dậy thấy… mình nằm trên giường trong biệt thự Hoàng Lan ! Thì ra cả câu chuyện khủng khiếp kia chỉ là một cơn ác mộng…


CHƯƠNG X

 GÃ THỌT HĂM DỌA
 

- Anh Hồng ơi, anh có thấy Tuấn đâu không ?

- Không… Ôi chao, tội nghiệp chưa ! Tuấn nó đi chơi mà không rủ em đi cùng à ? Để bé Lan của anh phụng phịu thế kia kìa !

Lan hớt hải đi tìm Tuấn. Em phải kể cho Tuấn nghe câu chuyện “ghê gớm” này mới được ! Cách đó độ nửa tiếng, một kẻ lạ mặt trông có vẻ gian ác đã đón em ở chân đồi và nhờ em cho hắn gặp vú già. Em chỉ cho hắn chỗ vú vẫn thường ở rồi lên phòng làm bài.

Nhưng một lát sau, khi em nhìn ra cửa sổ tìm “nguồn cảm hứng” để làm luận, em bỗng thấy gã lạ mặt đang giơ tay hăm doạ vú già trong khi vú cứ khăng khăng không trả lời gã. Thỉnh thoảng vú già lại gục đầu vào tay tỏ vẻ mệt mỏi, chán chường.

Thế là Lan hấp tấp chạy xuống tìm Tuấn để rủ Tuấn ra xem gã lạ mặt định giở trò gì. Lan rất thương vú nên em không đành để vú bị ai hăm doạ.

“Thôi, tìm Tuấn không được thì đi một mình vậy”, Lan nghĩ thầm. Em can đảm gọi Vàng và Mực rồi lại gần kẻ lạ mặt.

Vừa tới nơi, Lan nghe thấy tên đó nói với vú :

- Tao cần “xìn” (1) lắm. Mày mà không đưa cho tao, tao sẽ có cách bắt mày phải đưa. Mày bảo mày cạn tiền hả? Láo ! ở đây người ta quá tử tế với mày, tháng tháng cho mày tiền mà ! Hừ, họ mà biết là mày chẳng đáng được đối xử tử tế tí nào, thì không biết họ nghĩ sao ?

Lan nghe vậy tức quá vội nhảy qua chiếc hàng rào thấp và lại gần vú già. Hai con chó chồm tới kẻ lạ mặt đánh hơi làm hắn sợ quá lùi lại một bước. Hắn quay sang phía Lan, bực tức nói :

- Giữ chó lại đi.

Lan nghiêm mặt nhìn hắn :

- Ông muốn làm gì vú già, hả ?

Gã kia thấy vẻ mặt cương quyết của Lan, vội dịu giọng :

- Chẳng làm gì cả, cô ạ… Gớm, sao cô bảo vệ vú già thế ? Cô thương vú lắm à ?

- Tôi thương vú lắm, vừa nói, Lan vừa bá lấy cổ vú già.

Gã lạ mặt cười lên hô hố và mỉa mai nói :

- Ha ha… mụ già được hai đứa sinh đôi bảo vệ ghê quá nhỉ. Thế mà mày chả đáng chút nào cả.

Lan bực tức nhìn hắn :

- Ông muốn gì ? Ông là ai ? Chưa bao giờ tôi thấy ông ở vùng này cả.

- Ồ, có chứ ! Cô có gặp tôi một lần ở ngay gần đây mà chắc lâu quá rồi nên cô quên mất. Cả mụ già này cũng quên tôi luôn. Tôi bỏ xứ ra đi từ lâu. Tôi mới trở lại đây được mấy hôm để đòi mụ ta một món nợ xưa… Tôi là bạn với chồng mụ ấy.

- Ông ấy mất đã năm năm nay rồi mà.

- Tôi biết chứ, nhưng tôi cũng muốn gặp mụ này nữa. Gớm, hồi này trông mụ ấy già hẳn đi và hom hem ra.

Lan ngây thơ đáp :

- Mọi người ở đây đối xử tử tế với vú già lắm mà. Nhưng vú lại chẳng muốn nhận gì cả.

- Chắc có một lý do gì cho nên mụ ấy mới không dám nhận đấy chứ…

Vừa nói, hắn vừa nhìn vú già bằng cặp mắt quỷ quyệt và độc ác. Rồi hắn gằn giọng :

- Có một mối lo khiến mụ ấy mất ăn mất ngủ nên người mới xác xơ đi như thế ấy. Chồng mụ còn thiếu tôi tiền và tôi tới đây để đòi món nợ đó…

Một tia sáng hằn học loé lên trong cặp mắt ti hí, gian giảo của hắn.

Lan nghe vậy tức lắm. Em quay sang nói với vú già :

- Vú ơi, đừng đứng đây nữa. Vào trong nhà với con đi. Nếu vú không đủ tiền trả nợ thì cứ nói với bà nội, bà sẽ trả hộ cho. Bà mà biết bác Cả nợ ông này thì thế nào bà cũng trả ngay.

Gã lạ mặt tỏ vẻ khoái trá khi nghe Lan nói thế. Hắn cười khà khà, gật gù :

- À, cô bé nói hay đấy. Tôi sẽ đi gặp cụ chủ nhà và nói chuyện với cụ ấy mới được.

Vú già nghe vậy run lẩy bẩy, toát mồ hôi. Mặt vú xanh mét sợ sệt.

- Không, không, tôi van chú. Chú cứ yên tâm, tôi sẽ trả tiền cho chú.

Lan kéo vú ra phía động đá sau vườn. Thấy gã lạ mặt bước đi khập khiễng, em thương hại nói :

- Ông nực lắm không ? Ông vào bếp đi, tôi sẽ bảo chị Ba cho ông một ly nước chanh tươi, rồi ông đi khỏi đây và đừng bao giờ trở lại nữa nhé.

- Thôi, cám ơn cô. Tôi chỉ cần lấy lại món nợ của tôi thôi… Mụ già nên nhớ là tao ở quán chú Hai Gà… và thế nào trước khi tao ra đi, tao sẽ còn gặp mày nữa.

Khi thốt ra câu cuối, hắn dằn từng tiếng với vẻ mặt đe doạ. Đi được vài bước, hắn bỗng dừng lại nhìn theo Lan đỡ vú già ra chiếc động đá. Hắn lẩm bẩm :

- Thật là đáng thương khi thấy người ta nhầm lẫn như vậy !...

Khi Lan kể lại cho Tuấn nghe vụ gã lạ mặt doạ nạt vú già, Tuấn vội hỏi ngay :

- Có phải hắn thọt chân không ? Chắc chính hắn là người anh trông thấy đang rình rập nhà mình hôm nọ đó.

- Chính hắn rồi ! Hắn trông dữ tợn ghê làm em lo cho vú già quá đi mất thôi. Hắn hẹn vú tới quán chú Hai Gà. Hôm nào vú đến gặp hắn, mình phải đi theo đề phòng bất trắc và bảo vệ vú nhé.

Nhưng nhiều ngày trôi qua mà không thấy vú ra khỏi biệt thự. Lan và Tuấn yên chí rằng, vú đã quên những lời đe doạ vu vơ của gã thọt.

-------------------------- 
(1) Tiếng lóng có nghĩa là "tiền".

_______________________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG XI, XII

Thứ Ba, 26 tháng 11, 2013

CHƯƠNG VII, VIII_BIỆT THỰ HOÀNG LAN



CHƯƠNG VII

GÃ THỌT
 
Tuấn vừa đạp xe vừa huýt sáo vui vẻ. Em vừa ở nhà thầy Sơn về. Hôm nay em đi một mình vì Lan ra xóm dân chài đem thuốc ho cho vài đứa trẻ. Tuấn rất sung sướng vì mới được thầy khen là thông minh và xuất sắc về đủ mọi môn học. Vừa đi em vừa ngắm biệt thự Hoàng Lan. Chiếc mái ngói đỏ cong cong xây theo kiểu đình cổ, với những viền men xanh sừng sững vươn lên trên ngọn đồi cao khiến ngôi biệt thự có vẻ hiên ngang cao quí của một cung điện hoàng gia. Ánh dương chiếu trên những bức tường đá kiên cố và trên mái ngói viền một đường vàng chói lọi quanh căn biệt thự đồ sộ, trông như dát vàng.

Nhìn căn nhà cổ thân yêu, một niềm thương vô bờ bến dâng tràn trong lòng Tuấn. Em cảm thấy thương yêu nơi chôn nhau cắt rốn của em và cả vùng vịnh Hạ Long hùng vĩ này vô hạn.

Đang say sưa ngắm phong cảnh, ánh mắt Tuấn bỗng dừng lại trên một bóng người lấp ló sau một bụi cây cao phía sau căn biệt thự. Đó là một người đàn ông đội mũ dạ sùm sụp kéo xuống tận mắt. Hình như hắn ta đang rình rập ngõ sau căn biệt thự thì phải. Thỉnh thoảng, hắn thận trọng ló đầu ra một lát rồi lại thụt nhanh xuống. Vừa cúi mình trốn sau rặng cây, hắn vừa lần mò tiến lại gần cửa bếp. Dáng đi khập khiễng khó khăn của hắn, chứng tỏ hắn ta bị thọt một chân.

Tò mò, Tuấn vội ngừng lại xem kẻ lạ mặt định làm gì.

Bỗng vú già xuất hiện trên ngưỡng cửa bếp rồi tiến lại chiếc ghế dài đặt ở sân sau. Vú ngồi xuống ghế chăm chú đan khăn len.

Một lát sau, vú chợt ngửng lên và nhìn thấy đầu gã thọt ló lên khỏi lùm cây. Tuấn thấy rõ vú giật mình lo ngại. Gã thọt ló hẳn đầu lên và nhìn thẳng vào mặt vú già. Vú già mở to mắt kinh hoàng, và mở miệng định kêu cứu.

Tuấn rón rén lại gần định can thiệp nếu gã thọt giở trò gì hoặc hăm doạ vú già, nhưng em trượt chân khiến một hòn đá lăn lốc cốc trên đường. Gã thọt nghe tiếng động vội hoảng hốt quay lại và thấy Tuấn tiến về phía gã. Gã vội khập khiễng chạy vào lùm cây sau biệt thự. Tuấn vội chạy theo, nhưng gã thọt đã biệt tăm. Có lẽ gã xuống ghềnh đá ra bờ biển rồi.

Vú già lại tiếp tục đan như không có gì xảy ra cả. Khi đi qua chiếc ghế dài, Tuấn thân mật chào :

- Chào vú, vú đan khăn màu đẹp quá nhỉ !

Vú già yên lặng như không nghe tiếng Tuấn. Tuấn lại nói tiếp :

- Vú ơi, nếu vú có điều gì lo ngại hay vú sợ ai thì nói cho con biết đi. Bây giờ con lớn rồi, con khỏe lắm, con sẽ bảo vệ vú.

Vú già nhìn Tuấn với cặp mắt nghi ngờ, lẩm bẩm :

- Trông nó hiên ngang như ba nó hồi xưa vậy, lại tốt bụng nữa. Thật là “Con nhà tông chẳng giống lông cũng giống cánh”.

Rồi vú cao giọng cho Tuấn nghe thấy :

- Tôi chẳng sợ gì cả… một con quạ đen đâu có thể làm tối cả bầu trời xanh được.

Tuấn thở dài chán nản. Em thầm nghĩ : “Vú già lại nói năng lẩn thẩn rồi !”.

… Nhưng trong lúc đó, gã thọt từ từ đứng dậy sau một bụi rậm, nơi gã ẩn náu từ nãy tới giờ. Gã giơ nắm đấm về phía vú già và hằn học nói :

- “Rồi mày sẽ biết tay tao ! Thế nào tao cũng tìm cách gặp mày và đòi cho bằng được cái mà tao đang cần”.


CHƯƠNG VIII

VIẾNG MỘ CỤ NGA
 

Mấy hôm sau, Lan đề nghị với Tuấn :

Anh Tuấn ạ, cụ Nga mất đã đến hơn hai tuần nay rồi ấy nhỉ. Hôm nay rảnh tụi mình đi viếng mộ cụ đi. À, mình ghé qua bờ suối hái ít hoa tươi đem đặt trên mộ cụ nhé.

- Ừ, Lan đi lấy mũ đội vào đi, sáng nay nắng lắm đấy.

Trong chớp mắt, Lan đã trở ra, trên đầu đội một chiếc mũ rơm xinh xắn. Lan và Tuấn vui vẻ dắt tay nhau chạy ra bờ suối. Lan hái một bó hoa thật lớn rồi cùng Tuấn ra phần mộ cụ Nga.

Khi gần đến nơi, Lan vội nắm lấy tay Tuấn :

- Anh Tuấn ơi, ai trông như vú già kìa. Lạ thật, sao vú lại đi thăm mộ cụ Nga ?

Tuấn nhìn kỹ, thấy vú già đang đứng cúi đầu trước tấm bia với dáng điệu của một kẻ tội lỗi, vẻ mặt buồn bã. Vừa thấy Tuấn và Lan, vú già vội vã bỏ đi như chạy trốn. Nhưng vừa đi được một quãng ngắn thì vú gặp ngay ông bà Ân cũng tới viếng mộ. Ông bà Ân mở ví dúi vào tay vú một tờ giấy bạc và nói :

- Biếu cụ để cụ ăn quà nhé.

Nhưng vú già lùi lại như người dẫm phải lửa, lắp bắp :

- Không, tôi không lấy đâu ! Tôi không cần xin xỏ ai cả. Tôi có cả một kho tàng quí giá kìa ! Các người mà biết được thì các người sẽ mua với bất cứ giá nào. Nhưng mà sẽ chẳng ai được trông thấy kho tàng ấy đâu.

Vừa nói, vú vừa chỉ vào chiếc ruột tượng (1) cũ kỹ, bạc màu, buộc ngang lưng. Mặt vú đỏ bừng lên, và mắt vú long lanh trông thật đáng sợ. Rồi vú bỏ đi, vừa đi vừa lẩm bẩm những gì không rõ.

Bà Ân sững sờ kêu lên :

- Trời ơi ! Chắc bà cụ ấy lãng trí rồi ! Cụ ấy nói gì mà chẳng ai hiểu nổi.

Ông Ân giải thích :

- Đó là vú già bên biệt thự Hoàng Lan đấy mà. Bà ấy lớn tuổi rồi nên có hơi lẩn thẩn.

Ông bà Ân tiến tới ngôi mộ của cụ Nga. Trông thấy Lan và Tuấn đang kính cẩn nghiêng mình trước ngôi mộ, bà Ân thì thầm với chồng, mắt long lanh ngấn lệ :

- Hai đứa nhỏ xinh xắn dễ thương ghê ! Đứa bé gái làm em nhớ đến con Lan nhà mình quá ! Nó mà còn sống thì nay cũng trạc tuổi này nhỉ. Hai đứa chỉ sinh cách nhau có hai ngày mà con mình thì đã chết đến mười năm nay rồi !

Khi ngửng đầu lên thấy bà Ân đang nhìn mình chăm chú, Lan đỏ bừng mặt e thẹn. Em lễ phép cúi chào ông bà Ân. Bà Ân ôm lấy Lan vuốt ve :

- Cháu có mệt lắm không ? Chắc cháu mới chạy từ đâu tới phải không ?

Thấy trán Lan nhễ nhại mồ hôi, bà vội lấy khăn ra lau cho em.

- “Cháu cám ơn bà ạ”, vừa nói, Lan vừa ngắm bà Ân bằng cặp mắt thán phục. Rồi em bỗng ngã đầu vào vai bà, thỏ thẻ :

- Bà đẹp và hiền quá ! Ước gì cháu có một người mẹ như bà ! Mẹ cháu mất đã lâu lắm rồi, cháu thèm có một người mẹ để thương yêu, trìu mến cháu…

Bà Ân âu yếm hôn lên trán Lan. Trong khi đó, Tuấn ngần ngại đứng nhìn nhưng không dám thốt ra những lời như Lan. Thấy vậy, Lan vội nói :

- Bà thương cả anh Tuấn nữa, bà nhé. Anh ấy cũng tiếc nhớ mẹ chúng cháu như cháu vậy.

Bà Ân liền ôm ngay Tuấn vào lòng và hôn lên trán em. Tuấn cảm động nhìn bà, cặp mắt em chan chứa sự biết ơn và lòng cảm mến.

Lát sau, hai đứa kiếu từ ra về. Trên đường về, Lan và Tuấn không còn tung tăng chạy nhảy như lúc đi nữa vì hai em cảm thấy nhớ mẹ vô chừng. Bà Ân đã gợi lại hình ảnh người mẹ thân yêu trong tâm trí chúng, người mẹ mà chúng chỉ còn được ngắm nét mặt dịu hiền trong những tấm ảnh đã phai màu…

Bỗng Lan lên tiếng :

- Anh Tuấn ơi, lạ ghê đi ! Ngay lần đầu tiên thấy ảnh bà Ân, em đã thấy quen lắm cơ. Hình như là em có gặp bà ấy ở đâu rồi này.

- Lan lại lẩm cẩm giống vú già rồi ! Cả mười năm nay ông bà Ân không về đây chơi mà em lại bảo là quen thì lạ thật !

Rồi như vụt nhớ ra, Tuấn nói tiếp :

- À, đúng rồi ! Trông bà ấy giống hình bà tiên vẽ trong truyện Lọ Lem của mình đấy mà.

Lan gật gù nhưng hơi có vẻ đăm chiêu, tư lự.

----------------------
(1) Cái bao vải dài bằng chiếc thắt lưng, buộc ngang bụng, thường được các bà nhà quê miền Bắc dùng để cất tiền cho kỹ lưỡng.

 _________________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG IX, X





















































oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>