Thứ Ba, 5 tháng 11, 2013

CHƯƠNG I_VƯỢT ĐÊM DÀI


CHƯƠNG I


Nếu quả thật có Trời và Ngài có mắt như người ta thường nói thì hẳn là Ngài phải biết rằng Tâm ao ước được đi học đến ngần nào !

Song điều làm Tâm khổ sở nhất không phải ở chỗ nó không được đi học mà chính là ở chỗ cha mẹ Tâm không bao giờ chịu hiểu cho rằng con mình không được đi học là một điều khổ sở, thiệt thòi cho nó, rằng nếu nó được đi học thì đó là một chuyện rất tự nhiên, hợp lý, không có gì là quá đáng. Trái lại, cha mẹ Tâm cứ coi điều ao ước của con mình là một chuyện “trèo cao”, một sự “vói lên” rất vô lý, vô lý y như nó đòi đi xe hơi nhà vậy !

Đó là điều mà mỗi lần nhớ tới thằng bé lại tức lên anh ách, tức không thể tự chủ nổi mà không biết thổ lộ cùng ai cho hả lòng.

Vốn biết cha mẹ không bao giờ quan tâm đến điều mình muốn, song Tâm lại ưa gạ gẫm hoài về những câu chuyện có dính dáng đến học đường. Thật ra, thằng bé cũng biết thừa đi rằng chẳng đi đến đâu, nhưng cứ nói, hình như nói những chuyện ấy nó cảm thấy mình gần gũi nhà trường và… đỡ thèm đi học được đôi phần.

Chẳng hạn :

- Mẹ ! Cái trường gì ở góc đường Phan đình Phùng đó mẹ, bữa nay đông nghẹt… mà tụi học trò gì lộn xộn ghê, có đứa nhỏ hơn con nữa đó, mẹ ơi !

Hoặc :

- Mẹ ơi ! Học trò gì mà chửi lộn quá trời ! Con thấy bắt ngán…

Hay là :

- Mẹ ơi ! Trường nhà nước là sao, mẹ ?

Dĩ nhiên, chỉ mình Tâm nói, mẹ nó vẫn lờ đi như không nghe, không biết cả câu hỏi nữa, cho đến khi Tâm dại dột nói một câu thế này :

- Mẹ ơi ! Trời mưa mà tụi học trò cũng đông chớ, con tưởng…

Thằng bé chưa dứt câu, mẹ nó đã mắng át tiếng con :

- Chớ bộ mày tưởng ai cũng làm biếng như mày hết, chắc ? Hễ trời mưa thì cái mặt nhăn như…

Trời ơi ! Mẹ Tâm lại nỡ đem so sánh chuyện đổ rác với chuyện học hành ! Hai chuyện khác nhau quá, so sánh chi mà kỳ cục và bất công đến vậy kìa ? Tâm nghĩ thầm một cách phẫn uất nhưng không dám cãi. Hừ ! Nếu mà mình được đi học coi
Tâm nghĩ tiếp lụt mình cũng đi chớ sá kể gì cái thứ mưa. Đằng này phải đi đổ rác mà! Đi đổ rác thì vui thú chỗ nào kia, kia chớ ?

Cái xóm mẹ Tâm đổ rác là một xóm nghèo, hay nói cho đúng : phần đông là nhà nghèo, ở tận cùng trong hẻm sâu. Tâm thường băn khăn tự hỏi tại sao mẹ nó lại chọn chi cái nghề theo nó thì là một nghề tệ nhất trong các nghề nó biết.

Tuy bà thường nói với nó rằng nghề nào cũng không xấu, miễn là một nghề lương thiện, đổ mồ hôi… Đổ rác thì hôi hám thật, nhưng rồi về nhà tắm rửa đi là sạch sẽ ngay, chê bai nỗi gì ?

- Bộ mày tưởng tao không muốn lựa một nghề dễ chịu hơn hay sao ?
giọng mẹ Tâm dịu lại một chút – Mà muốn làm gì cũng phải có vốn, mẹ mày đâu có vốn liếng gì ? May là nghề đổ rác này người ta chê nên…

Mẹ Tâm còn nói nhiều nữa song Tâm chán, gạt tuốt ra ngoài tai, Tâm hết muốn nghe rồi. Mẹ Tâm ưa bắt nó nghe những lời phân trần dai dẳng, dài ngoằng, những lời không phải để rót vào tai đứa trẻ chưa lên mười như nó; trong lúc đó lại không chịu cho nó đi học, một việc mà Tâm cho là rất nên, rất phải. Hoặc ít nhất cũng nên nói những câu từa tựa thế này :

- Đáng lẽ con phải đi học, con có ưng đi học không ?

Hay là :

- Rán lên con, thế nào mẹ cũng cố cho con đi học…

Nếu mà nghe được những câu như vậy, chắc Tâm thấy công việc nhẹ nhàng bớt, Tâm sẽ vui vẻ giúp mẹ, dù cho cái ngày tươi đẹp còn lâu, lâu lắm chưa biết đến bao giờ.

Hằng đêm, Tâm theo sau mẹ, vừa làm việc, vừa nghĩ ngợi vẩn vơ. Trong mỗi thùng rác không phải chỉ chứa rác không thôi. Rác, theo thằng bé định nghĩa là chỉ gồm có lá khô, bã mía, giấy vụn, chớ rác gì lại có cả một trăm thứ thừa thãi khác : hôi hám nặc nồng mà cũng dồn vào đó. Nào vỏ tôm ươn, đầu cá thối sình lên, thức ăn thiu đã đành, mà có khi lẫn cả phân người trong đó.

Tâm đã lớn lao gì cho cam, Tâm bê thùng rác thật khó nhọc, vất vả. Dạo trước mẹ còn đỡ cho được một tay, bây giờ thì không : bà vướng cái bụng gần sinh, phần thì bà còn phải lo kéo cái xe có hai càng, hai bánh lăn còng cọc, còng cọc đằng xa kia, chưa bắt kịp Tâm. Gần đến bên nó, mẹ nó tháo cái dây – Tâm gọi là cái ách – quàng ngang cổ ra và buông càng xe xuống kêu đánh “huỵch” một cái, đoạn rướn người lên thở dồn dập, mồ hôi tuôn nhễ nhại.

“ Y như cái xe nó muốn đè mẹ xuống vậy !” Thằng bé bật cười, nghĩ. Song tới chừng mẹ nó đợi con đổ rác vào thùng xe phía sau, rồi bà cúi xuống nhấc càng xe lên, quàng dây lên cổ, hai bên dây quặt ra sau vai, gập người lại, gò lưng kéo thì Tâm không cười được nữa. Tội nghiệp ! Hai vai mẹ nhô lên, đầu bà rụt lại trông giông giống con rùa… Mẹ Tâm bước chầm chậm, chầm chậm, miệng lầu bầu gì đó, nó nghe không rõ. Thốt nhiên, thằng bé se lòng lại, thoáng nghĩ rằng mẹ nó làm việc cực nhọc hơn cả con bò nhà nó hồi ở nhà quê ! Vì con bò tuy cũng cực nhọc như mẹ nó bây giờ, có điều con bò không phải chịu đựng cái mùi hôi hám khó thở đến như vậy.

Vừa xách thùng không trả về chỗ cũ, Tâm vừa xót xa thương mẹ, lại vừa hối hận vì đã ví mẹ với một con bò.

Sau những lần nhận xét như thế, dù bị mẹ đánh oan, rầy dữ Tâm cũng không giận mẹ như khi nhớ tới chuyện mình không được cắp sách đến trường.

Thật ra, Tâm cũng phạm khá nhiều lầm lỗi nặng làm phiền lòng mẹ, những lầm lỗi mà bây giờ nhớ tới, nó còn thấy run sợ vì sự táo gan, liều lĩnh của mình.

Một lần, mẹ nó đau không đi chợ được, bà giao cho con trai năm đồng bạc, tỉ mỉ dặn rằng :

- Ở nhà có rau rồi, con chạy u ra chợ mua tương với cà muối, nhớ không ? Đó, tương với cà muối, nhớ không ? Biểu họ bán rồi xin thêm vô, chớ không phải họ bán bao nhiêu lấy bấy nhiêu đâu, nhớ không ? Phải cho khôn khôn một chút, nói tử tế với người ta. Nhớ không, ở nhà có rau rồi. Coi chừng mất tiền đa. Nhớ…

- Con biết mà, bữa trước con mua rồi, mất sao được ?

- Ờ, vậy thì giỏi, mau đi, mua xong về liền chớ đừng có rà rà ngoài chợ nghe không ?

Tâm “dạ” một tiếng, giọng vùng vằng, bực tức, cắm đầu chạy một mạch ra tới chợ, tay không ngừng xóc xóc mấy đồng bạc chì trong túi áo để biết là nó không nhảy ra ngoài, như mẹ lo xa.

Tới đầu hàng tương, cu cậu ngừng lại thở, tay vẫn khua rộn mấy đồng bạc trong túi áo một cách oai vệ như một nhà giàu khoa của.

Bỗng mắt Tâm sáng lên, vì nó vừa liếc thấy một người đàn ông tre trẻ ngồi xổm giữa đống sách loè loẹt đủ màu. A ! Tâm kêu lên thích thú : “Sách !” Anh này bán sách, chắc anh ta biết nhiều chữ lắm. Đẹp quá ! Tâm nhìn mê, đứng chôn chân tại đó, quên cả mấy đồng bạc, cả chuyện mẹ sai đi. Ôi chao ! Mà cái anh hàng sách này ăn nói mới có duyên làm sao chứ ! Chốc chốc, anh lại ngừng nói, đón tiền trên tay mấy chị đàn bà, con gái, trao sách cho họ, điệu bộ rất dẽ dàng, vui vẻ. Anh này đàng hoàng quá đi thôi ! Tâm khen thầm. Tâm chưa từng thấy ai mà dễ thương, dễ mến như vậy bao giờ ! Thấy chị nào mặc áo cổ tra ren nhíu nhíu, quần Gò-vấp đen bóng, trơn tuột như đầu cá trê anh lại cười duyên, phô cả mấy chiếc răng vàng chói lọi ! Rồi thình lình, anh cất giọng ngọt ngào, ca :

- Em Lan ơi ! Tội tình chi mà em phải đoạ đày cho khổ sở cái kiếp hồng nhan ? Bớ ớ… ớ (giọng anh ngân dài ra, dẻo quẹo) này em Lan… Nay anh tìm đến đây anh tạ tội…

Trời ơi ! Tạ tội ? Tâm náo nức hết sức, song bất thần, anh ta ngưng lại ngang đó để… bán sách, không chịu ca nốt để Tâm biết câu chuyện diễn tiến đến đâu, tại sao tạ tội ? Tội gì ? Tạ tội cách nào ? Phải chi biết chữ như người ta, Tâm không ngần ngại gì, Tâm cũng làm như họ : sà vào hàng sách lật lật hết cuốn nọ đến cuốn kia. Không, không phải mua, tiền đâu hòng mua, đây là lật coi chơi cho thích, giả vờ lựa chọn như sắp mua vậy, sợ gì ? Phải, lật coi cho biết thôi, Tâm đã quan sát từ nãy giờ thấy có nhiều người làm như vậy lắm, có sao đâu ?

- Tạ tội mốc xì ! Tự thằng chả làm người ta không tu hành được, cắt đứt dây chuông.

Một chị đàn bà vênh mặt lên, nghiêm giọng, rành rẽ nói. Tâm chẳng hiểu ra làm sao cả, lại càng tò mò thêm. Chuyện này chắc hay lắm, lạ lắm, chớ không phải như những chuyện đời xưa mà nó từng nghe kể đi kể lại đến nhàm ở nhà quê !

Tâm sững sờ, miên man nghĩ ngợi. Chợt anh hàng sách lên tiếng :

- A ! Cưng ! Cưng mua cuốn nào ? Anh bán rẻ cho Cưng ! (Anh toét miệng cười thân mật) anh bán phân nửa tiền thôi, lựa đi cưng !

Tâm đỏ rần mặt, vừa thích thú vừa ngượng nghịu vì lối xưng hô của anh ta. Cưng ! Đó là lối xưng hô của nhà giàu, của người thành phố. Mẹ nó chưa bao giờ gọi nó bằng tiếng cưng ngọt ngào cả tiếng lẫn nghĩa như vậy. Cưng…

- Cưng có mấy đồng ?

Tiếng anh hàng sách lại giục giã bên tai. Tâm như bị anh chàng thôi miên, trả lời không cần suy tính :

- Năm !

- Ối, dư sức mà ! Dư sức ! Cuốn “Hoa rơi cửa Phật” này có ba đồng chớ bao nhiêu…

- Mà… mà em không biết đọc, anh ơi !

Tâm rụt rè nói mau. Anh hàng sách vỗ vỗ vào trán ra chiều ngẫm nghĩ một giây, miệng lẩm bẩm “Không biết đọc hả ? Không biết đọc hả ?” Như chỉ cốt nói cho mình nghe thôi, đoạn anh ngẩng lên, giọng êm như một lời ru :

- Anh bày em nghe không ? Em mua thêm cuốn vần này về học đi !

Tâm há miệng toan hỏi nhưng anh chàng khoát tay ngăn lại, tiếp luôn :

- Không khó khiết gì đâu. Chừng vài bữa là biết liền. Hai cuốn sáu đồng (làm bộ do dự) ủa, anh quên em có năm đồng, mà thôi (lại tặc lưỡi một cái) không sao, anh bán rẻ cho em một đồng cũng được.

Tâm sửng sốt : người đâu mà tử tế quá chứng chừng ! Cái đề nghị hấp dẫn và quá dễ dãi của anh hàng sách làm Tâm quên phắt đi rằng nếu nó làm theo thì ngày nay cả nhà mình sẽ phải ăn cơm thiếu hai món cà, tương. Tâm vội vàng cho tay vào túi áo. Song khi mấy đồng bạc nằm gọn trong tay Tâm vụt nhớ ra : tiền này không phải của mình. Nếu mình có số tiền lớn hơn mình cũng không tiếc đâu. Mình bằng lòng ăn cơm với muối một bữa, hai bữa, cho dù ba, bốn, năm bữa cũng không sao, miễn là mình biết chữ biết nghĩa như người ta… Mình sẽ biết anh chàng kia tạ tội thế nào, người nào cắt đứt dây chuông ? Hai bên có bà con xa gần ra sao… Nhưng mà… đây là tiền của mẹ, Tâm không dám.

Tiếc thầm trong bụng, Tâm quay vội đi vì sợ đứng thêm chút nữa nó sẽ khó mà chống trả với ý muốn liều lĩnh, dại dột của mình. Nhưng nó vừa dợm bước đi thì một bàn tay đặt lên vai giữ lại và tiếp liền sau đó là cái giọng trầm bỗng của anh hàng sách cất lên, đầy mê hoặc :

- Đi đâu lật đật vậy, em cưng ? Sao em không mua ? Anh đã nói anh bán rẻ mà ?

Tâm lắc đầu quầy quậy. Anh hàng sách đổi giọng liền, dáng chừng giận dỗi :

- Em dại quá ! Anh chỉ bán đây một lần thôi. Mai anh đi rồi, chừng đó em muốn mua cũng không có nữa, đừng tiếc, nghe không ?

Tâm hoảng hốt, luống cuống hỏi :

- Anh đi đâu ?

Anh hàng sách không trả lời mà lại hát. Anh hát rằng :

- Kiếp giang hồ đây đó, biết đâu là bến bờ… bến xưa còn hay lời ước phai mờ…

Rồi anh ta ngưng bặt lại, nhìn Tâm bằng dáng bộ buồn rầu :

- Anh đi giang hồ mà em, cưng ! Biết đi đâu mà nói trước…

- Anh có về không ? Chừng nào anh về ?

- Về làm chi, em ? Anh đã nói “kiếp giang hồ đây đó” mà em !

Nghe anh ta nói, Tâm xao xuyến trong lòng, tưởng như mình sắp cách biệt một người thân nào vậy. Thằng bé quyết định chớp nhoáng, không mảy may do dự. Hết sức thì bị mẹ đánh cho vài roi là cùng… dịp may… biết bao giờ anh ta trở lại ?

*

Đúng như nó đoán, Tâm chỉ bị mẹ quất cho mấy roi thôi. Tâm không hối hận chi về hành động mình, lại càng không oán hờn chi mẹ. Tuy mẹ nó đã, trong lúc giận dữ giật phăng cuốn Hoa rơi cửa Phật xé toang ra. (Tuy chưa biết chữ, Tâm cũng đoán được cuốn mẹ xé là cuốn Hoa rơi cửa Phật, vì theo nhận xét của nó thì cái hình anh chàng chải đầu bóng nhoáng, mặt trắng, môi hồng ở trước bìa sách là anh kép hát tạ tội, còn cuốn có hình con bé cắp sách thì đúng là cuốn vần, không sai chệch đi đâu). Thật ra thì ban đầu Tâm cũng hơi ấm ức : nó đã đền tội bằng mấy roi song rồi, mẹ nó còn xé sách của nó là nghĩa lý gì ? Như vậy hoá ra nó không được gì hết, liều chi cho uổng ? Rồi đây, khi biết chữ biết nghĩa đàng hoàng, Tâm làm sao biết được cái duyên cớ khiến anh kép hát tạ tội ? Làm sao đây ? Nhưng rồi nhìn cuốn vần một lát, Tâm lại yên lòng : không lo gì, biết chữ xong rồi sẽ liệu.

Bấy giờ, mối bận tâm thứ nhất của nó là đợi cho mẹ nó nguôi giận rồi sẽ tìm cách học. Kỳ quái một điều : trước nay mẹ nó rất dễ nguôi giận, còn kỳ này thì bà giận dai quá đỗi, năm sáu ngày qua bà vẫn cứ lầm lì, không thèm nói với con một tiếng nào. Tâm bực lắm, thà mẹ nó quất thêm cho nó vài roi nữa còn hơn.

Một đêm, trong khi đổ rác, Tâm ngẩng lên thình lình, nó bắt gặp cái nhìn âu yếm hiền lành của mẹ, một cái nhìn từ lâu lắm Tâm không nhận được, kể từ lúc rời quê. Cái nhìn đó bỗng làm Tâm nhẹ cả người vì biết rằng mẹ đã hết giận mình. Không chỉ thế, cái nhìn đó còn như xúi ngầm Tâm để nó có can đảm gợi chuyện cùng mẹ nữa. Tiếc thay, câu chuyện vẫn thuộc về loại chuyện học hành :

- Mẹ ! Con thấy thằng Lưu nó trốn học, mẹ ơi !

Tức thì, ánh mắt bà mẹ hết dịu dàng, giọng bà gắt gỏng :

- Kệ xác nó, sao mày cứ ưa nói bậy hoài vậy, hả Tâm ?

Đến lượt thằng bé đổ quạu lên, nó cãi :

- Bậy gì đâu ? Con thấy nó trốn học rõ ràng mà…

- Ừ, thì nó trốn học đó, có can gì đến mày không ?

- Không can gì hết – Tâm dõng dạc – mà con nghĩ tức.

- Tức cái gì ? Nó ăn hết gì của mày không ?

- Nó không ăn gì, mà con tức. Đó mẹ coi : được đi học sướng gần chết lại không lo học. Con mà được đi học thử…

Tâm ngưng bặt lại vì mẹ nó cất cao giọng lên, không hằn học như mọi lần mà nghẹn ngào tựa sắp khóc :

- Lại phân bì, con với cái tệ vậy đó, trời ơi !

Thật ra, Tâm lỡ lời chớ không hề mong lay chuyển mẹ. Thốt nhiên, mẹ nó nhìn đăm đăm vào mặt con, se sẽ gọi:

- Tâm !

- Dạ.

- Con đừng làm mẹ khổ nữa, nghe không ?

Giọng mẹ Tâm thấp xuống, nhỏ và ấm bất ngờ. Tâm ngơ ngác, chưa kịp hiểu lời mẹ nói, nào nó có làm gì khổ mẹ đâu ? Nhưng mẹ nó đã tiếp :

- Bộ con tưởng mẹ ưng để con dốt nát sao ? Tại vì…

Mẹ Tâm không nói hết, song Tâm đã hiểu mẹ muốn nói gì. Nó tự hứa từ nay không buồn, tức nữa. Nhất định không bao giờ đem chuyện nhà trường, chuyện học trò ra kể với mẹ nữa, mặc dù là có Trời biết đó : Tâm ham học biết chừng nào !

*

Tuy đã hứa thầm như vậy, khốn nỗi dân vùng này ham học quá đi thôi: nhỏ học đã đành, lớn cũng học; học ban ngày lại còn học cả ban đêm. Trông cảnh tượng đó, Tâm lại đâm sốt ruột.

Nói chi xa, ngay đến cô giáo mà cũng đi học thì thật là quá sức tưởng tượng của Tâm, chẳng còn biết trời đất đâu mà lần ! Cô giáo thì có biết bao nhiêu là chữ trong bụng cô rồi kia chứ ? Sao còn tham lam đến vậy kìa ? (Lần thứ nhất Tâm nghĩ xấu cho cô giáo) Tâm biết chuyện cô đi học thêm là nhờ hôm kia, khi cô trả tiền đổ rác cho mẹ, cô ngỏ ý nhờ mẹ hỏi giúp coi có ai thì thuê hộ một người, vì “dạo này tôi phải học thêm nên nhà… “

Nội vùng này Tâm có cảm tình với cô giáo nhất. Cô hiền lành và không nhìn mẹ con Tâm bằng con mắt lạnh lùng khinh khỉnh như mấy người kia. Cô luôn luôn vồn vã với mẹ con Tâm dù đôi khi Tâm chưa kịp thấy cô. Cũng nhiều lần cô âu yếm nhìn tâm và nói với mẹ Tâm :

- Coi cho em nó đi học đi ! Chị Hai !

- Nghèo quá ! Cô !

- Nghèo thì nghèo, rán một chút coi, cũng không tốn kém bao nhiêu đâu…

Tâm hồi hộp mong cô giáo làm xiêu lòng mẹ. Lần nào cũng như lần nào, lời đối thoại giữa hai người có thay đổi chút ít, khi thì mẹ Tâm viện cớ bây giờ nhà có thêm em nhỏ không ai coi sóc trong lúc bà gánh nước đi chợ; khi thì rằng Tâm phải đi đổ rác giúp mình… Rồi sau cùng bà đem tiếng nghèo ra ngăn sự tấn công của cô giáo. Nghèo là bức tường kiên cố cô không thể nào xâm phạm tới, vượt qua, xô ngã được. Nhưng cô không thất vọng : mỗi lần gặp mẹ con Tâm cô lại đem hai tiếng rán lên thuyết phục mẹ Tâm. Một lần kia, mẹ Tâm chưa kịp đem bức tường nghèo ra ngăn cô giáo thì chồng cô đã cười, nói :

- Thôi đi em, em đừng có méo mó nghề nghiệp chớ !

Nói xong, gã ta giục cô giáo lên xe rồi rồ máy lao vút đi như mũi tên.

Trời ơi ! Sao mà Tâm ghét cái nhà gã đàn ông đó quá : cái mặt lúc nào cũng vênh vênh lên. Nghe gã nói, Tâm chẳng hiểu ngô khoai gì tất nhưng mà càng ghét. Ý chừng gã sợ cô giáo sẽ dạy Tâm? Và như vậy chữ của cô hao hụt đi hay sao mà kiếm cách ngăn cản vợ ! Hừ, méo mó nghề nghiệp ? Nó là cái quái quỉ gì kìa ?

Từ hôm đó trở đi, Tâm thù ghét chồng cô giáo thêm lên và ghét lây cả cô giáo nữa.

*

Một hôm trời mưa lớn. Trận mưa kéo dài cho đến tối mà chỉ hơi bơn bớt chứ không chịu dứt hạt cho. Đi đổ rác, một công việc bình thường Tâm vốn ghét, bây giờ càng thấy khó nhọc, bực bội thêm. Lối đi ngập bùn, đất dưới chân trơn tuột đi, thỉnh thoảng thằng bé bổ chúi một cái không gượng được, áo quần bê bết ướt, rác ngấm nước càng nặng thêm. Một chốc sau, trời tạnh hẳn, trăng cũng vừa lên, trăng sáng rỡ. Trời thật đẹp ! Trời đẹp vậy mà mình phải đi đổ rác ! Tâm tưởng tượng giờ này mà nó cắp sách đi dưới trăng… phải biết ! Nghĩ đến đó, nó bỗng nhớ lại nhiều chuyện cũ, nhớ lời tự hứa thầm của mình: không bao giờ thèm đả động đến chuyện học hành làm phiền lòng mẹ. Tâm lầu bầu bằng một giọng hờn dỗi, buồn rầu : “Không thèm nữa, không thèm… “

Từ góc tối mẹ nó nhô ra, đầu đội nón, vai khoác áo mưa rách tả tơi, vừa húng hắng ho vừa nặng nhọc kéo lê chiếc xe không; người và xe như được dội trong màu xanh biêng biếc của ánh trăng. Như thường lệ, Tâm lẽo đẽo theo sau và cũng như thường lệ, thằng bé bắt đầu suy nghĩ vẩn vơ hay quan sát sinh hoạt hai dãy phố. Có thế nó đỡ buồn đôi chút, có thế mùi rác bớt hôi đi, mùi phân cũng bớt.

Bỗng thằng bé nhớ ra rằng dạo này nó ít khi gặp cô giáo. Nỗi buồn gợn lên. Gặp cô cũng chẳng được cô cho bánh kẹo gì, song Tâm thích được cô nhìn bằng đôi mắt bao dung, âu yếm, được nghe giọng cô dịu dàng khi cô hỏi chuyện, được chào cô. Chẳng đi đến đâu, nó biết vậy, nhưng thằng bé mang cái tâm trạng của một kẻ rỗng túi ưa dán mũi vào mấy cửa kính của các hiệu buôn cho đỡ thèm đôi chút. Nhiều lúc nó ngông cho đến nỗi : cất tiếng chào cô xong thì tưởng như mình đã là học trò thực thụ rồi. Trong tâm trạng đó, nó quên khuấy cái lý do cô vắng mặt, nên quay hỏi mẹ :

- Mẹ ơi ! Sao không thấy cô giáo, mẹ ?

- Ủa, mày quên sao ? Cô giáo đi học thêm mà.

- Học thêm ! Học thêm…

Tâm gằn giọng lập lại hai tiếng ấy và thốt nhiên thằng bé cảm thấy giận sôi lên. Nghe giọng con, bà mẹ ngạc nhiên :

- Sao vậy Tâm ? Cô giáo học thêm sao mày…

- Đâu có sao…

Tâm chối phắt. Tâm xấu hổ vì thấy mình ganh tị và vô lý. Cô giáo đáng yêu chứ có đáng ghét đâu? Cô có lỗi gì trong việc nó không được đi học mà nó đem lòng oán hận ?

- Không có sao, không có sao mà cái mặt nặng y như cái thúng !

Mẹ Tâm cau mày, gắt. Tâm cúi gầm mặt xuống, nước mắt mọng lên mi. Hai mẹ con cắm cúi làm việc, lầm lì không nói gì với nhau nữa. Thình lình có tiếng thình thịch càng lúc càng gần, Tâm gạt nước mắt ngẩng lên nghe ngóng, từ chỗ góc phố một đứa nhỏ hơn Tâm đâm bổ ra hẻm lớn, phía sau một người con trai đuổi theo sát gót. Tâm lo cho thằng bé đến nỗi nó ráo hoảnh mắt, hồi hộp nhìn theo, lòng thấp thỏm mong thằng bé thoát được, song chỉ một nhoáng là anh kia tóm thằng bé trong tay. Nó vùng vẫy kêu khóc. Anh kia nói :

- Tại sao mày cứ… bộ hết chỗ rồi sao ? Tại sao cứ đến trước nhà người ta…

- Con lỡ…

- Hừ, lỡ… lỡ hoài, ăn ở dơ dáy…

Anh kia chưa dứt lời, có tiếng đàn bà hét dựng lên :

- Làm gì dữ vậy ? Không được đánh con tôi. Có chuyện gì…

- Tôi không đánh con bà ! (anh con trai ôn tồn buông tay đứa trẻ, nói) tôi chỉ giữ nó lại hỏi thôi. Bà coi… ai lại… còn gì vệ sinh chung ?

Tâm ngơ ngác không hiểu gì cả. Người đàn bà hét tướng lên :

- Xí, đừng có nói dóc đi ! Vệ sinh vệ tử cóc khô, ỷ nhà giàu nói dóc hoài.

- Tôi ỷ giàu chỗ nào đâu ?

- Không ỷ giàu, hừ ! Cứ như tụi này coi : ở trong cái chòi chui ra chui vô còn đụng đầu, lấy đâu hòng nói chuyện vệ sinh ?

Cãi nhau vài câu nữa, anh kia chịu thua, anh đuối lý trước chị đàn bà quá quắt đó.

- Ỉa thì hốt, không chịu kiện đâu kiện, đây đi hầu. Cóc sợ.

Giọng chị ta thách thức. Nói xong, chị ta vênh váo đi vào bóng tối. Anh nọ rút lui luôn. Anh có vẻ là một mặt mới, rất mới ở đây.

Đi ngang mẹ con Tâm, anh không buồn ngẩng mặt lên, nhưng Tâm nghe anh ta lẩm bẩm một mình :

- Trời ! Cầu tiêu mà cũng là một xa xí phẩm nữa sao, trời ?

Tâm giật mình đánh thót một cái : ui chao ! Sao nhiều chữ quá; xa xí phẩm là cái gì ? Mới hôm kia đây chồng cô giáo nói “méo mó nghề nghiệp” Tâm chưa hiểu nổi, bây giờ anh này lại nói đến “xa xí phẩm”. Như vậy, chừng đi học Tâm sẽ phải học đến chừng nào mới biết hết đây ? Tâm đâm lo, buồn cười cái là nó không lo chuyện chừng nào được đi học mà lại lo không biết mình sẽ phải học đến bao lâu. Thì ra, trong lòng Tâm chuyện Đi Học vẫn là chuyện Tâm nuôi nhiều hy vọng.

*

Lại một đêm khác, Tâm theo phụ mẹ đổ rác. Không biết đây là lần thứ mấy trăm Tâm băng qua cái hẻm này, hẻm tối, sâu hun hút, nhà cửa thì cứ y như là muốn lấn ra, chồm tới, bít cả lối đi.

Trông thấy xe rác của mẹ con Tâm, mọi người đều bịt mũi lại. Tâm hết sức khó chịu, song dù khó chịu hay dễ chịu Tâm cũng không thể trách trút công việc đó cho ai : cha Tâm say sưa suốt ngày, còn em bé thì quá bé.

Mỗi lần cúi xuống thùng rác nhà ai để bưng đổ vào xe, nghe mùi tanh, nồng, thối hắc lên, xông ập vào hai mũi – dù Tâm đã cố tránh mặt đi phía khác – làm Tâm gần ngạt thở; Tâm đều liếc về phía mẹ, mong tìm một sự đồng minh ngầm để có thể an ủi mình đôi chút. Lạ lùng thay : mẹ nó vẫn thản nhiên, nét mặt không chút cau có, làm như không hề ngửi thấy mùi hôi, tanh, thối của những thùng rác ấy ! Tâm hết sức thất vọng về thái độ chai lỳ của mẹ, tuy vậy, nó không thể nào ngăn mình được, nó bật kêu lên :

- Trời ơi ! Hôi quá !

Và Tâm chun mũi lại để mẹ biết rằng rác hôi thật, hôi quá thật, chứ Tâm không có giả vờ, lười biếng tránh việc như mẹ tưởng. Bà mẹ điềm nhiên át lời con :

- Muốn không hôi hả ? Muốn không hôi thì úp nồi xuống đất, treo mỏ mày lên, khó khiết gì ?

Tâm nghẹn ngào muốn khóc lên cho hả. Song rồi, khi nhìn vào mặt mẹ, thằng bé thấy không có vẻ giận hờn gì, Tâm biết rằng mẹ nó quen nói những lời đay nghiến như thế chứ không ghét bỏ chi mình, nó lại nguôi nguôi. “Khóc làm gì ? Khóc có được gì đâu ? Khóc có bỏ vô nồi nấu được không mà khóc ?” Đó là những câu mẹ nó thường thốt ra mỗi khi thấy mắt thằng bé rơm rớm nước. Có khi còn tệ hơn vì bà bực tức gì đó, thường thường là những bực tức do cha Tâm gây ra, mẹ Tâm quát lên :

- Câm họng đi thằng quỉ kia ! Con trai gì mà nước mắt nhiều hơn nước đái !

Những lời đó làm cho Tâm tủi cực thêm, ấm ức thêm. Thấy con không nín, người mẹ dịu giọng một chút :

- Mày có biết thương tao không ? Mày khóc làm chi vậy ? Đáng lẽ tao khóc đây ! Ừ, đáng lẽ con mẹ mày khóc đây…

Đó là tất cả những lời dịu dàng mà người mẹ khốn khổ có thể tặng con mình. Nghe mẹ nói, Tâm ráo hoảnh mắt ngay. Nó cho là mình chẳng nhỏ nhít chi nữa, nó đã lên mười rồi. Con nhà nghèo sớm khôn. Tâm không cần đợi mẹ vuốt ve âu yếm mới biết mẹ cũng thương mình như tất cả bà mẹ khác trên thế gian này. Cũng như thịt cá không hề xuất hiện trên mâm cơm nhà nó, những lời tử tế, những cử chỉ âu yếm, dịu dàng cũng khan hiếm vô cùng. Đó là những xa xí phẩm mà đứa trẻ lên mười không bao giờ với tới, xa tầm tay nó quá !

Ngay cả em bé mà còn không hưởng được sự nâng niu, chìu chuộng nữa là thứ lớn đầu như nó. Mỗi lần ngồi ghé xuống bên chiếc giường ọp ẹp vạch áo cho em nó bú, mẹ nó luôn luôn tỏ ý sốt ruột.

Đôi khi, Tâm men lại gần thấy em bé vừa nhay vú mẹ, vừa nhịp nhịp hai chân, thỉnh thoảng nó ngừng nút, lấy lưỡi ẩy vú mẹ ra rồi nhoẻn cười làm Tâm hết sức thích thú, cười theo. Tức thì, bà mẹ cầu nhầu :

- Thôi, ngồi đó mà trửng giỡn, bú lẹ cho người ta làm việc khác.

Và người mẹ ấn đầu con vào ngực mình, lấy tay kẹp núm vú nhét vào miệng đứa bé. Chừng như muốn phản đối thái độ phũ phàng của mẹ, em bé nhất định lấy lưỡi đẩy vú mẹ ra, không thèm bú nữa, mếu máo khóc.

- Được rồi ! Lát nữa đói thấy mẹ mày, rán chịu nghe không ?

Người mẹ nói và buông con xuống, thò tay dưới gầm giường lôi chiếc nón mê, đội lên đầu rồi tất tả đi ra. Tâm gọi giật mẹ lại :

- Mẹ ! Mẹ đi đâu đó ?

- Đi đâu ? Đi kiếm gạo đổ vô nồi chớ đi đâu ? Coi em đàng hoàng nghe không ? Liệu bỏ nó nhảy ra đường chơi, tao đánh thấy mẹ mày đó, nghe chưa ?

Đáng lẽ thì Tâm đã “dạ” lên một tiếng rồi. Một tiếng dạ khó khăn gì cho cam ? Nhưng nó tức mình vì những lời dấm dẳng của mẹ nên không thèm dạ. Đã không dạ, nó còn “xùy” lên một tiếng ngầm phản đối. Hừ ! Tâm hằn học nghĩ thầm
chuyện gì đòi đánh người ta ? Hở chút dọa đánh, hở chút chửi, tức mình ta có ngày ta bỏ đi giang hồ cho biết mặt !

Trời đất ! Sao mà mẹ Tâm khó chịu quá ? Sao trời không cho Tâm một bà mẹ y như mẹ con Cúc ! Không ! Chỉ cần như mẹ con Cúc là quí rồi, không bao giờ Tâm ao ước được làm con nhà giàu cả.

Mẹ con Cúc bán xôi vò ngoài chợ. Vậy mà nó cũng được đi học đàng hoàng lắm. Sáng nào Cúc cũng có nắm xôi ăn trước khi đi học. Trưa về nó nấu cơm, rồi mẹ nó ngoài chợ về đem cá rau về, hai mẹ con xúm lại làm cá, nấu canh, dọn ăn xong, mẹ nó giành rửa chén. Còn Cúc ? Lên võng nằm đưa kẽo kẹt ung dung quá đỗi ! Mỗi lần trong trí Tâm vẽ lại hình ảnh đó thì Tâm lại thở mạnh một cái, lầm bầm :

- Đồ con bất hiếu !

Tâm không ưa Cúc. Sao nó không chịu rửa chén cho mẹ ? Để mẹ nó được nghỉ một chút, vì bà ta còn lo nồi chè để bán canh chiều nữa, kia mà. Thứ đồ con gái… Tâm nghĩ tiếp
nếu như Tâm, Tâm đã giúp mẹ sau bữa ăn chớ không có nằm ườn xác ra, mặc mẹ mình loay hoay dưới bếp vậy đâu, trời ạ !

Cúc được mẹ nó nuôi, không chỉ bằng cơm cá mà còn bằng rất nhiều xôi vò, chè đậu. Chắc thế ! Nếu không sao nó tròn như một cái hạt mít trong lúc Tâm ngày càng gầy ốm trơ xương ? Trời ơi ! Xương của thằng Tâm… lúc nào cũng như muốn đội da lên, nhô lên, hằn ra rõ qua lần áo nó mặc, dù là mỏng hay dày.

Không như ngày còn nhỏ ở quê nhà, Tâm luôn được mẹ thay giặt, tắm táp, chăm sóc áo quần tử tế, bây giờ bà như bỏ liều con bẩn thỉu, hôi hám, luộm thuộm. Có lẽ bà nghĩ rằng sạch sẽ làm chi vô ích vì tối nào không phải mó vào của bẩn ? Hay là bởi nước ở đô thành khó khăn, khan hiếm mà mẹ Tâm đổi tính thêm ?

Kể cũng tội nghiệp bà : tối thì thức khuya đổ rác mà sáng tinh sương đã phải lò dò dậy sớm ra gánh nước ở chỗ chiếc vòi công cộng ngoài đường lớn. Phải đi sớm thế, chớ chờ tang tảng sáng thì đã có hàng chục đôi thùng sắp hàng chen nhau chờ đến phiên.

Gánh vội gánh vàng cho nhà mình vài đôi rồi mẹ Tâm lo gánh thuê cho nhà con Cúc. Ngày trước, mẹ Tâm còn gánh cho nhà cô giáo nữa kia, song ít lâu nay thì ông chồng cô ấy chê là mẹ Tâm bẩn, không chịu thuê. Mẹ Tâm phải gánh cho những nhà xa hơn. Một dạo, nghe phong phanh xóm mẹ con mình ở sắp có nước máy tận mỗi nhà, mẹ Tâm cuống lên, lo đến mất ngủ, song rồi đâu vẫn hoàn đấy, không gì thay đổi : nước máy cũng như cầu tiêu là những thứ xa xí ở trong cái xóm nghèo này.

Lại lần kia, thấy mẹ vui vui, Tâm làm gan đề nghị :

- Mẹ ! Sao mẹ không bán xôi chè như mẹ con Cúc ? Bán xôi chè…

Tâm toan nói “bán xôi chè thơm tho, sạch sẽ mà có nhiều tiền hơn… “ song Tâm chưa dứt câu, mẹ nó ngắt ngay:

- Bán xôi chè để cho mày dộng thả cửa phải không ? Thứ quân gì mà cứ chong mòng, chóc mỏi có một chuyện ăn. Giống y như thằng cha mày… thiệt là con nhà công giống cả lông cả cánh !

Tâm uất nghẹn. Quả tình là Tâm cũng có nghĩ đến chuyện mình được ăn chè xôi, nhưng mà nó nghĩ đến chuyện mẹ mình được thong thả, sạch sẽ, thơm tho, ngọt ngào nhiều hơn. Nó cũng sẽ được nhàn hơn đôi chút và biết đâu… ừ, biết chừng đâu lại được đi học như con Cúc ?

Tại làm sao mà lúc nào mẹ nó cũng nghĩ xấu, nghĩ oan ức cho nó như vậy chớ ? Nó giống cha chỗ nào đâu ? Cha nó thì ưa uống rượu, chửi bới, áo quần không bao giờ thay, ngồi lại mâm không có món nhắm là chửi váng lên, cho nên dù tiện tặn, không dám mua cho con chút thịt cá mà bà vẫn phải bấm bụng mua cho ông dĩa lòng heo hay con mực khô, cùng lắm cũng có dĩa kiệu chua thì mẹ con mới ngồi nuốt trôi được bữa cơm.

Còn Tâm : chịu khó giúp mẹ đủ việc, mẹ ăn gì con ăn nấy, không vòi vĩnh, mè nheo, đòi hỏi; thích tắm giặt hoài hoài cho sạch sẽ và hết mùi hôi. Niềm ao ước tha thiết và sâu xa của nó là được mẹ đối xử tử tế, ăn nói dịu dàng, nhất là được đi học, có thế thôi. Đơn giản như thế đó, song không bao giờ nó được hưởng những ao ước tầm thường này cả.

__________________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG II
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>