Thứ Hai, 25 tháng 11, 2013

CHƯƠNG V, VI_BIỆT THỰ HOÀNG LAN


CHƯƠNG V

CÁC NHÂN VẬT TRONG BIỆT THỰ HOÀNG LAN


Trong toà biệt thự nguy nga, chỉ có bốn người ở : bà cụ, Lan, Tuấn và anh Hồng. Còn các người giúp việc như bác đánh xe, chị bồi, chị bếp, vú già thì cư ngụ ở dãy nhà nhỏ phía sau biệt thự.

Bà cụ có gương mặt rất hiền từ nên Lan thường gọi bà là “Bà tiên của cháu”. Tuy vậy, thỉnh thoảng cụ cũng tỏ ra nghiêm khắc khi dạy dỗ hai cháu. Những thử thách khó khăn trên trường đời đã để lại trên gương mặt cụ nét chịu đựng khắc khổ.

Cụ rất âu yếm đối với Lan và Tuấn. Lúc nào cụ cũng sợ có việc chẳng lành hay một tai nạn xảy ra cho hai cháu. Nhưng Lan và Tuấn vốn yêu thích tự do, lại hay tung tăng rong chơi ngoài ghềnh đá, trên bãi biển hoặc trên các ngọn đồi quanh biệt thự. Hai em rất sợ bà quở trách nên khi về đến nhà không bao giờ dám hé môi về những vụ rong chơi ấy. Tuy lo sợ cho hai cháu, nhưng vì vị bác sĩ quen của gia đình khuyên cụ cho hai trẻ chơi ngoài trời thở hít không khí trong lành của biển cả nên ngoài giờ học cụ vẫn để yên cho hai cháu tự do đi chơi đây đó.

Lan lợi dụng tình thế này một cách triệt để. Em có tật hơi làm biếng nên chỉ thích rong chơi ngoài bãi biển suốt ngày. Trái lại, Tuấn rất siêng năng cần mẫn. Bài vở luôn luôn được em làm rất đầy đủ và cẩn thận. Lúc nào em cũng mong làm vui lòng giáo sư.

Sáng sáng, Lan và Tuấn đạp xe đạp tới học ở nhà một giáo sư tư. Sau đó hai em tha hồ chơi thoả thích trên bãi biển, tắm suối, câu cá, leo đồi, hoặc cắm trại. Tuy vậy, vốn thông minh nên cả hai đều học đâu hiểu đấy, tiến bộ rất nhanh chóng.

Việc học của chúng có lẽ sẽ khả quan hơn nhiều nếu chúng được gửi vào trường ăn học. Nhưng vì không muốn xa hai cháu nên bà cụ cứ giữ chúng ở cạnh cụ.

Tuấn ôm mộng hải hồ từ nhỏ, chỉ mơ ước trở thành sĩ quan hàng hải như cha. Em rất thèm muốn được cắp sách đến trường như các trẻ đồng trang lứa. Tuy trí óc còn non nớt em cũng hiểu rằng theo học một giáo sư tư không sao bằng được đến trường học. Vả lại một vị giáo sư không thể nào phụ trách đầy đủ các môn học được. Nhưng ở miền duyên hải xa xôi này chỉ có một vị giáo sư tư độc nhất, nên Tuấn đành cúi đầu cam chịu số phận của mình.

Tuấn thường buồn rầu tự hỏi sao bà thương hai cháu rất mực như vậy mà lại thờ ơ với tương lai của đứa cháu đích tôn. Em đâu có biết rằng có một lý do thầm kín thúc đẩy bà cụ hành động như vậy.

Bà cụ goá chồng từ ngày còn trẻ và chỉ có một người con trai duy nhất là cậu Đức để nối dõi tông đường. Đức rất đẹp trai, thân thể cường tráng, tính tình cương nghị. Bà cụ dồn cả tình thương và hy vọng vào cậu con trai cưng này. Cụ rất kiêu hãnh khi thấy con trở thành một sĩ quan hải quân oai hùng, đem thân ra bảo vệ tổ quốc. Khi cậu Đức lập gia đình, bà rất mực thương yêu con dâu như con gái ruột vậy.

Ít lâu sau, khi hai trẻ sinh đôi kháu khỉnh ra chào đời thì gia đình này trở thành một gia đình hạnh phúc nhất trên đời. Bà cụ cả ngày nâng niu hai đứa cháu nội, ước mong khi lớn lên chúng được nên người như ba chúng. Nhưng định mệnh trớ trêu đã cướp mất cha mẹ hai đứa trẻ khi chúng vừa chập chững biết đi. Chỉ còn hai đứa cháu nội, bà cụ dồn cả tình thương vào chúng và chú tâm dạy dỗ chúng từng li từng tí. Tuy vậy, cụ vẫn thương Tuấn hơn Lan vì Tuấn đúng là hình ảnh của Đức khi xưa và là người nối nghiệp dòng dõi oai hùng của họ Trần. Mỗi cử chỉ nhỏ, mỗi thái độ, mỗi lời nói của Tuấn đều nhất nhất giống cha. Ai ai cũng bảo :

- Tuấn có cặp mắt giống cụ quá, cả gương mặt cũng giống.

Về phần Lan, em rất mến phục Tuấn. Ngay từ nhỏ, ai cũng đem Tuấn ra làm gương cho Lan mỗi khi em nghịch ngợm hay lười biếng. Lan có tính tình cương quyết và một ý chí mạnh mẽ. Em lại rất yêu thương mọi người. Nhưng ngoài đức tính đó, em có vài tính xấu như hơi lười biếng và bướng bỉnh. Tại biệt thự Hoàng Lan ai ai cũng quí mến em vì em có khiếu an ủi, khích lệ các gia nhân trong nhà và các dân chài nghèo khổ. Em bước vào cuộc sống của họ như ánh nắng mai dịu hiền, sưởi ấm các tâm hồn mộc mạc.

Lan lại rất thảo. Ngay từ khi còn tấm bé, em thường nhịn uống sữa điểm tâm hay nhịn bánh kẹo để cho một bà ăn mày thường đi qua biệt thự Hoàng Lan. Một hôm anh Hồng thấy thế bèn hỏi :

- Tội nghiệp bé Lan chưa ! Em nhịn uống sữa cho đến bao giờ vậy ? Nếu bà già ấy cứ đến mãi thì sao ?

Lan kiêu hãnh đáp :

- Thì em sẽ nhịn mãi mãi… Nhịn sữa có chết đâu mà sợ !

- Sao em không xin cốc sữa khác ?

- Một cốc sữa thì đáng là bao, em xin làm gì !

Thấy lũ trẻ con ngoài đường đánh đập hay hành hạ thú vật là Lan không đắn đo chạy vào giữa đám trẻ để cứu con vật. Có lần em cứu một chú mèo con và bị lũ trẻ xúm vào đánh. Nếu Tuấn can không kịp thì có lẽ em đã bị một trận đòn nhừ tử.

Lan chỉ biết hành động theo tình cảm và chưa biết đắn đo cân nhắc hoặc suy nghĩ về hậu quả mình làm.

Tuấn thường trách Lan :

- Em chuyên môn làm mà chẳng nghĩ ngợi gì cả !

Lan thì thật hoạt động mà Tuấn lại rất trầm tĩnh. Nhưng dưới bề ngoài trầm lặng này tiềm tàng cả một ý chí cương quyết. Lan thường hãnh diện khoe với mọi người :

- Không bao giờ anh Tuấn từ chối làm một việc phải nào cả. Còn việc quấy thì có bắt buộc đến đâu, anh ấy cũng không làm.

Lan liến thoắng và láu lỉnh bao nhiêu thì Tuấn lại ít nói bấy nhiêu. Ít khi em bộc lộ tình cảm của mình, ngay cả tình thương đối với đứa em sinh đôi cũng vậy.

Cả Lan và Tuấn đều rất quyến luyến biệt thự Hoàng Lan và vùng biển Hạ Long, nơi sinh trưởng của chúng. Chúng chỉ ước ao được sống suốt đời cạnh đám dân chài mộc mạc để giúp đỡ và an ủi họ.

Còn anh Hồng, “nhân vật kỳ lạ” của căn biệt thự Hoàng Lan, không sinh trưởng ở vùng này. Anh đến biệt thự này từ bao giờ không rõ, nhưng ngay từ thủa thơ ấu, Lan và Tuấn đã thấy anh ở đó từ lâu và coi ngôi biệt thự như nhà mình vậy. Anh sống độc thân và có nhiều thói quen kỳ quặc (chắc có lẽ vì thế mà anh không dám lập gia đình chăng ?). Lan và Tuấn thường gọi đùa anh là : “Quái kiệt độc thân”. Suốt ngày anh vùi đầu vào việc nghiên cứu và sưu tầm các loại vỏ ốc, đá và các vật hoá thạch trong vùng vịnh Hạ Long. Anh hay đi ra ghềnh đá, đào đào, bới bới, tìm kiếm các vỏ ốc và hoá thạch lạ. Anh đọc sách thấy các nhà khảo cổ tìm được nào là búa đá, rìu đá, nào là trống đồng, nào là trang sức thời tiền sử mà đâm háo hức. Anh chỉ mơ tưởng một ngày nào đó anh tìm ra một ngôi cổ mộ đầy vật lạ để tặng cho viện bảo tàng.

Có lẽ vì thấy bà nội thương Tuấn hơn Lan nên anh Hồng rất thương mến Lan. Anh thường nô đùa bế ẵm, hoặc làm ngựa cho Lan cưỡi khi em còn nhỏ. Tên thật của anh là Hoàng, nhưng lúc nhỏ Lan nói ngọng đọc trệch ra là “Hòng”. Lớn lên em gọi luôn là anh Hồng, vì da dẻ anh lúc nào cũng hồng hào khoẻ mạnh. Dần dần ai cũng quen đi, gọi anh Hồng luôn.

Trong đám gia nhân tại biệt thự Hoàng Lan, có một bà già mọi người quen gọi là “vú già”. Bà ta trông nom Tuấn và Lan từ nhỏ, nên nay được nuôi nấng rất tử tế. Tuy chưa đầy bẩy mươi mà trông bà ta đã già lắm. Mặt mày bà ta xương xẩu, hai mắt sâu hoắm không bao giờ dám nhìn thẳng trước mặt và có vẻ ngây dại của một người đãng trí. Các cụ già trong vùng gọi bà là “mụ khùng” hoặc “mụ phù thủy”. Bà ta hay trốn tránh mọi người. Đôi khi bà ta không muốn thấy mặt ai và chui rúc vào một hốc đá phía sau căn biệt thự. Bà ta chẳng phải làm gì cả. Chiều chiều ra hong nắng ở góc vườn và ngồi đan những chiếc khăn choàng len. Đến bữa cơm, bà ta vào bếp ngồi trong một góc xa mọi người và ăn một cách yên lặng.

Không ai dám mắng vú già bao giờ vì chủ nhân đã hạ lệnh phải đối xử tử tế với vú để đền bù công lao nuôi dưỡng Tuấn và Lan... Còn đám dân chài mê tín thì sợ vú già nơm nớp, chỉ lo “mụ phù thủy“ này phù phép trả thù nếu họ làm phật ý mụ…
    

CHƯƠNG VI

KHÓM TRÚC VÀ NGÔI SAO 
  
Ngày hôm sau, Tuấn và Lan lại theo thói quen ngồi ở cửa sổ. Tuấn đang chăm chú làm toán, còn Lan thì đưa mắt lơ đãng đọc bài sử ký.

Lan bỗng reo lên :

- Kìa, anh Hồng kìa ! Anh ấy đi “khảo cổ” mới về. Chà, bữa nay anh ấy về sớm ghê !

Tuấn ngước lên và thấy anh Hồng chậm chạp bước vào vườn, một tay cầm cuốc, một tay xách xẻng, vai đeo túi dết để đựng cổ vật.

- Để em gọi anh ấy và hỏi về vụ nhà mình với nhà cụ Thành nhé.

- Ừ, em gọi đi. Nhưng anh nghi anh ấy không dám nói đâu, bà cấm cơ mà.

- Anh Hồng ơi ! Anh Hồng ơi ! Hú u… Lan cất giọng trong trẻo gọi.

Hồng ngẩng đầu lên cười vui vẻ :

- A, Tuấn và Lan đấy à ? Gọi anh làm gì thế ?

- Anh lên đây chơi với chúng em một lát đi. Chúng em muốn hỏi anh cái này.

Lan lại tiếp :

- Anh lên đây nhé ! Để em xuống mở cửa cho anh..

Vừa dứt lời, khuôn mặt tươi cười và hóm hỉnh của Lan đã biến khỏi khung cửa sổ. Em chạy thoăn thoắt xuống những bực thang xoáy ốc xuống một căn phòng trống phía sau biệt thự. Tất cả khu vực phía trái quay ra vườn sau nhà thuộc về Lan và Tuấn. Hai em toàn quyền tự do bày biện. Lan mở cửa, nắm tay anh Hồng kéo vào nhà. Em liến thoắng :

- Anh có đào được kho tàng nào chưa ? Anh đã thấy kiến bò bụng chưa ?

- Trời ơi ! Họ hàng nhà kiến nó đang diễn binh trong này này - vừa nói anh vừa chỉ vào bụng. – À, thế hai em đã ăn chưa ?

- Tụi em dậy từ năm giờ sáng, ăn xong đi bơi thuyền chơi ở suối phía bên kia đồi. Tụi em mới về được độ nửa tiếng thôi à.

- Trời ơi, sao mà trong này tối thế ? Anh chẳng trông thấy gì cả !... Anh mà ngã gãy tay hay què chân là anh bắt đền Lan đó.

- Tới nơi rồi anh ạ. Lan reo lên.

- Chà, căn phòng đẹp đẽ, sáng sủa quá ! Cả thế kỷ nay anh chưa lên đây chơi nên thấy lạ quá… Cái bàn học này của Tuấn phải không ? Trông trật tự ghê ! Còn cái bàn bên kia thì đúng là của cô bé Lan này rồi. Ôi chao ! Sao mà ngăn nắp thế ? Sách thì để một nơi, vở thì quăng một nẻo.

Lan cười hồn nhiên :

- Anh thấy bàn em hỗn độn lắm à ? Thế mà em cứ tưởng dọn dẹp như vậy là đẹp mắt lắm rồi… Anh nhìn quanh trên tường xem có gì lạ mắt không nào ?

Vừa nói, Lan vừa kéo tay anh Hồng, chỉ vào những bức tranh màu tuyệt đẹp mà Lan và Tuấn đã cặm cụi cắt trong báo và lịch ra. Hồng trầm trồ :

- Chà, đẹp thiệt ! Không ngờ cô bé cậu bé này lại có óc thẩm mỹ “khớ” thật. (Anh Hồng hay trêu Lan và Tuấn bằng cách đọc chệch chữ “khá” thành “khớ”).

Lan phỗng mũi hãnh diện :

- Anh Tuấn và em chọn mãi mới được đó. Phải qua một cuộc “tuyển lựa tài tử” gay go lắm chúng mới được ngự lên tường.

Tuấn mơ màng tiếp lời Lan :

- Những hôm trời mưa ngồi nhìn những bức tranh này tụi em cứ tưởng tượng là mình đang đi du lịch vòng quanh thế giới, thú vị ghê vậy đó !

Anh Hồng bắt đầu phê bình (sau khi khen hết lời, anh ta bắt đầu tấn công đấy) :

- Nhưng căn phòng bày biện sơ sài quá.

Thật vậy, căn phòng chỉ vỏn vẹn chứa hai chiếc bàn học nhỏ của Lan và Tuấn, vài cái ghế, một chiếc giường con và một tủ đầy sách vở. Trên chiếc kệ cao có trưng hình một vị sĩ quan tuấn tú và một thiếu phụ trẻ đẹp, hiền hậu. Cạnh tấm hình, Lan bày một bình hoa bằng sứ xanh biếc cắm đầy hoa tươi đủ loại mới hái bên bờ suối, còn đọng hơi sương trên cành. Những bông hoa màu sắc sặc sỡ lung linh theo làn gió biển mát rượi thổi lùa vào phòng, như chào đón anh Hồng và làm căn phòng trở nên vui tươi hẳn lên.

Thấy chiếc lồng rỗng treo ở góc phòng, anh Hồng ngạc nhiên hỏi :

- Ủa, mấy con chim áo dà của Lan đâu rồi ?

- Em nghĩ rằng chúng thích tự do bay nhảy, nên đã thả chúng đi từ lâu rồi.

- Thế à ! Gớm, cô bé sao tốt bụng thế !... À quên, “Nàng tiên của loài chim” muốn hỏi “tại hạ” điều gì đấy ạ ? – Anh Hồng vừa nói vừa cúi rạp mình chào Lan.

Cả ba phá lên cười vui vẻ.

Lan nhõng nhẽo :

- Anh cứ trêu em hoài à ! Ghét anh quá đi !

Tuấn vội chen vào :

- Anh Hồng ơi chúng em muốn biết tại sao nhà mình lại không giao thiệp với bên cụ Thành ?

Anh Hồng bối rối, mân mê chỏm tóc độc nhất trên chiếc đầu hói, không đáp. Anh đang ngần ngừ, thì Lan đã kêu lên :

- Anh đừng nói là anh không biết nhé. Chúng em biết là anh rõ chuyện này, nên chúng em mới hỏi. Mới hôm qua anh định kể cho chúng em nghe mà.

Suy nghĩ giây lát, anh Hồng bạo dạn quyết định. Lan và Tuấn hy vọng chờ đợi…

- Chuyện đó rất giản dị, hai em à. Nếu bà nội bằng lòng thì anh kể ngay, nhưng để anh xin phép bà trước đã nhé.

Rồi thấy nét thất vọng hiện rõ trên gương mặt Lan và Tuấn, anh mỉm cười đánh trống lảng :

- Thôi, để anh lên nhà ăn sáng kẻo bà mong.

Lan vội chỉ đường :

- Anh xuống lối này là sang phòng ăn ngay. Anh đưa cái túi da và cuốc xẻng đây, em mang sang phòng cho anh. Vừa nói lan vừa mở một chiếc cửa gỗ nhỏ phía tay trái.

Anh Hồng vừa khuất sau cánh cửa, Tuấn vội nhảy xuống đất nói :

- Biết ngay mà ! Thế nào anh ấy cũng không chịu nói đâu. Anh phải hỏi bà mới được. Nhưng anh chỉ sợ làm bà buồn thôi… Bây giờ chúng mình lên xin phép bà đi học đi. Em lấy mũ đội vào đi kẻo nắng.

- Thôi, khỏi cần anh ạ. Mang mũ cồng kềnh lắm.

Lan đã quen chạy đầu trần ngoài nắng nên rất lười đội mũ.

Hai phút sau, Lan và Tuấn đã y phục chỉnh tề bước vào phòng ăn.

- Cháu xin phép bà, cháu đi học ạ ! Cả hai đồng thanh nói.

- Hai cháu sắp đi học đấy à ? Thôi, hôm nay nghỉ ở nhà đi. Bà đã cho người đi xin phép thầy cho hai cháu rồi. Sáng nay bà sang biệt thự Tố Nga và bà muốn dẫn Tuấn đi theo.

“Biệt thự Tố Nga !”, Tuấn và Lan háo hức thì thầm.

- À, có phải hai cháu muốn biết chuyện gì đã xảy ra giữa hai nhà không ? Hai cháu đã đến tuổi biết suy nghĩ nên hôm nay bà cho phép anh Hồng kể cho hai cháu nghe. Hai cháu ngồi xuống đây đi.

Lan và Tuấn vội ngồi xuống, hồi hộp chờ đợi.

Anh Hồng dựa lưng vào ghế cho thoải mái, rồi bắt đầu kể :

- “Hai gia đình họ Trần và họ Tôn Thất rất thân nhau từ xưa. Như hai em đã biết, họ Trần chúng ta vốn là dòng dõi đức Thánh Tổ hải quân Trần Hưng Đạo, đã sống ẩn dật ở vịnh Hạ Long này hàng thế kỷ nay rồi. Vào khoảng cuối thế kỷ 19, một chi nhánh dòng họ Tôn Thất - tức là họ vua đó Lan ạ - vì một xích mích trong việc thừa hưởng gia tài nên lên miền này sống an nhàn, vui cùng cảnh mây nước và quên hết việc tranh giành danh lợi. Mối liên lạc giữa hai gia đình càng ngày càng thắm thiết và họ Trần và họ Tôn Thất trở thành xui gia với nhau. Hai bên đều thuộc dòng dõi oanh liệt nên rất “môn đăng hộ đối.” Mỗi gia đình đều còn giữ được cuốn gia phả và một chiếc triện son được truyền lại từ bao đời… “

Lan ngắt lời anh Hồng, hỏi :

- Triện son là cái gì hả anh ?

- Triện son là một miếng gỗ khắc hình hoặc chữ để đóng mực đỏ vào sách vở, tài liệu trong tủ sách gia đình. Em xem sách nhà mình đều có đóng dấu đỏ hình khóm trúc và hai hàng chữ, dấu ấy đóng bằng chiếc triện son cổ đấy..

Rồi anh kể tiếp :

- Chiếc triện của dòng Tôn Thất khắc hình ngôi sao Bắc Đẩu cùng hai câu thơ tâm niệm của dòng họ như sau :

“Sao Bắc Đẩu soi đường nhân loại,

Dù nghìn năm gương sáng vẫn nêu cao”.

Ý nói người thuộc họ Tôn Thất luôn hành động theo lẽ phải và luôn cương trực để làm gương cho mọi người noi theo, ví như sao Bắc Đẩu giúp mọi người tìm phương hướng cho khỏi lạc đường.

Còn bên nhà ta thì dùng chiếc triện mang hình một khóm trúc tượng trưng cho chí khí của người quân tử và hai câu thơ :

“Người quân tử không màng danh lợi,

Trong phong ba vẫn giữ tấm lòng son”

Miêu tả sự ngay thẳng, thanh cao của người quân tử.

Tục truyền rằng mỗi lần sao Bắc Đẩu soi sáng khóm trúc – nghĩa là mỗi lần một thiếu nữ bên biệt thự Tố Nga về làm dâu dòng họ Trần – là bức tượng đức Thánh Trần mỉm cười hài lòng.

- Đó chỉ là truyện cổ tích thôi mà cháu. – Bà cụ vội ngắt lời anh Hồng.

Lan và Tuấn ngồi chăm chú theo dõi câu chuyện mà mong chóng biết đoạn kết.

Anh Hồng lại tiếp tục kể :

- Sự xích mích giữa hai gia đình bắt đầu khi bác Trần Công Đức (ba của Lan và Tuấn) và ông Tôn Thất Ân cùng tốt nghiệp trường sĩ quan hải quân ra. Số là ông Ân có một người chị tên là Hương rất đẹp. Cô Hiền em ông Ân đã đẹp, cô Hương lại càng đẹp hơn. Sắc đẹp thùy mị của cô Hương đã khiến nhiều người tôn cô làm hoa khôi vịnh Hạ Long .

Lan Suýt soa :

- Cô ấy chắc đẹp hơn cả “Công chúa ngủ trong rừng” trong quyển sách hình của tụi mình, anh Tuấn nhỉ ?

- Rồi một ngày kia, bác Đức xin bà nội đem trầu cau sang dạm hỏi cô Hương. Hai nhà đều sung sướng, tấp nập sửa soạn ngày rước dâu, ngày sao Bắc Đẩu soi sáng Khóm Trúc. Nhưng định mệnh éo le khiến hạnh phúc kia chóng tan vỡ…

Vào một buổi đẹp trời, cậu Ân chở cô Hương đi ca nô thăm mấy động đá ngoài khơi. Cô Hương tung tăng đi thăm hết động này đến động khác, nên khi chiều xuống mới sửa soạn trở về nhà. Trời đang quang tạnh bỗng nổi cơn giông bão và lật chìm chiếc ca nô mỏng manh. Cô Hương bị mất tích, còn cậu Ân vì quen nghề hàng hải nên cố bám lấy một mảnh gỗ bơi vào một hòn đảo và được cứu sống.

Từ đó, một đám mây mù che phủ mối thâm tình giữa hai nhà. Bác Đức nghĩ cậu Ân phải chịu trách nhiệm về cái chết thê thảm của cô Hương và từ đó tỏ vẻ xa cách cậu.

Câu chuyện tưởng đã phai nhòa theo thời gian, bỗng lại bùng nổ khi một việc đáng tiếc khác xảy ra. Bác Đức vẫn hằng mơ tưởng được giữ chức vụ thuyền trưởng chiến hạm Bạch Đằng, chiến hạm lớn nhất hạm đội Việt Nam . Năm ấy bác Đức bị thương, phải nằm điều trị hai tháng trong bệnh viện. Trong thời gian đó, thuyền trưởng chiến hạm Bạch Đằng xin về hưu trí. Cậu Ân không biết là bạn chí thân của mình mơ ước chức vụ đó nên nộp đơn xin thay thế viên thuyền trưởng. Vốn giỏi giang nên Ân được chấp nhận làm tân thuyền trưởng chiếc Bạch Đằng.

Khi ra khỏi bệnh viện, bác Đức ngỡ ngàng trước sự đã rồi. Thế là bỗng chốc bao mộng đẹp tan tành ra mây khói! Hai lần hạnh phúc của bác tan vỡ vì bàn tay cậu Ân. Bác đau khổ đến lâm bệnh và phải đi xa một thời gian cho khuây khoả. Tình bạn thắm thiết giữa Ân và Đức rạn nứt từ đó. Còn bà nội vì quá thương cậu con trai độc nhất nên tuyệt giao với nhà cụ Tôn Thất Thành. Các dân chài ở đây rất buồn và nuối tiếc vì đối với họ câu truyện cổ tích bị kết thúc ở đây vì hai nhà không còn là sui gia với nhau nữa. Chỉ có vú già hơi lãng trí nên cứ nhất định là câu truyện cổ tích vẫn còn mãi mãi. Vú còn quả quyết là chỉ trong một ngày gần đây là sao Bắc Đẩu lại rạng rỡ chiếu trên Khóm Trúc. Nhưng chuyện này chắc chắn không thể xảy ra được vì nhà ta có một trai là Tuấn, nhưng bên cụ Thành lại không có bé gái nào cả.

Lan tò mò gạn hỏi :

- Bên ông Ân không có con gái hả anh ?

- Không ! Hồi đó có một bé gái, nhưng đã chết từ nhỏ.

- Tại sao vậy anh ?

- Để anh kể tiếp cho mà nghe :

“Rồi bác Đức lập gia đình và một năm sau hai em ra đời cùng lúc với một bé gái bên nhà cậu Ân. Do một sự ngẫu nhiên, bé gái bên ấy cũng được đặt tên Lan – Tôn Nữ Ngọc Lan. Hai gia đình đều rất hạnh phúc nhưng vẫn không nối lại mối thân hữu xưa.

“Sau đó, thuyền trưởng Ân theo chiếc Bạch Đằng ra đóng ở Hải Phòng, còn ba các em thì được bổ đi làm việc ở Tourane trong hai năm. Mẹ các em đi theo và để hai em và vú già lại, nhờ bà và anh trông nom săn sóc.

“Hai năm sau, cả nhà chờ đợi ba mẹ hai em về. Chính anh đứng ra sửa soạn đón rước thật linh đình, vì lúc đó bà đã đáp chuyến tàu xuyên Việt vào tận Hà Tiên thăm một người trong họ vào lập nghiệp ở đó từ lâu. Lúc bấy giờ hai em mới chỉ là đôi trẻ lên ba thật kháu khỉnh.

Tuấn và Lan nhìn nhau mỉm cười thích thú.

“Nhưng ba mẹ hai em không bao giờ được thấy vịnh Hạ Long này nữa. Chuyến tàu trở về gặp nạn và bốc cháy. Bác Đức vốn là một vị thuyền trưởng có lương tâm nên đã ở lại tàu cho tới phút chót để thả bè xuống nước cứu hết thủy thủ đoàn. Khi đem được bác xuống bè thì bác đã tắt thở vì ngạt hơi và phỏng nặng. Cả thủy thủ đoàn đều thương tiếc vị thuyền trưởng tài ba dũng cảm hy sinh đời mình để cứu mọi người. Sau đó bác Đức được truy thưởng bội tinh và tuyên dương công trạng.

“Vài ngày sau, bác gái qua đời sau khi sinh hạ một bé sơ sinh. Đứa bé đó cũng chết ngay khi mới lọt lòng”.

Anh Hồng ngừng kể vì quá xúc động. Bà cụ lặng lẽ ngồi khóc. Lan cũng thổn thức, hai dòng nước mắt lã chã tuôn tràn trên má. Cả Tuấn cũng không ngăn được giọt lệ đau xót cho số phận đau buồn của cha mẹ. Thật không ngờ chuyện gia đình của hai em lại bi thảm như vậy !

Anh Hồng lại tiếp tục :

- “Mấy ngày trước đó, bên ông Ân cũng gặp một tai nạn thảm thương : Bé Ngọc Lan bị chết đuối nơi thác nước chảy ra dòng suối mà Tuấn và Lan vẫn tới bơi thuyền ấy mà. Ngôi sao Bắc Đẩu của dòng Tôn Thất đã tắt theo bé Ngọc Lan và chìm xuống đáy nước..

“Từ đó ông bà Ân rời hẳn vịnh Hạ Long vì nơi này gợi lại cho họ nhiều kỷ niệm đau buồn và làm họ tiếc thương đứa con gái độc nhất, ngôi sao sáng của dòng họ. Về sau, bà Ân hạ sinh được năm trai, nhưng không bao giờ có thêm một bé gái nào nữa… Mà kể cũng lạ ! Triện son của dòng Tôn Thất chỉ mang hình một ngôi sao, và bên đó không bao giờ có được hai gái kể từ ngày tới cư ngụ ở đây”.

Căn phòng lại rơi vào yên lặng. Bốn người ngồi thả hồn về quá khứ và thương cảm cho số phận ba mẹ Lan và Tuấn. Sau cùng, bà cụ lên tiếng :

- Các cháu à, bây giờ đến lượt bà kể cho hai cháu nghe một lỗi lầm bà đã mắc phải, vì dòng họ Trần chúng ta không bao giờ giấu giếm sự thật, dù sự thật đó có xấu xa đến đâu chăng nữa.

“Khi ba mẹ hai cháu mất, ông bà Tôn Thất Thành có sang chia buồn với bà. Lúc đó ông Thành đã trở nên mù loà và hai ông bà đã quên mối hiềm khích xưa giữa hai nhà… Nhưng bà từ chối không tiếp họ… Bà thật có lỗi quá !”

Bà cụ chép miệng thở dài :

- Và hôm nay, để chuộc lại lỗi lầm xưa, bà sẽ sang thăm Nga (Cụ bà Tôn Thất Thành). Tuấn à, cháu đại diện ba cháu đi cùng bà sang bên đó nhé. Nếu ba cháu còn sống, chắc chắn ba cháu cũng sang thăm vì ba cháu thường than thở với bà rằng ba cháu rất hối hận đã rời bỏ người bạn chí thân là cậu Ân..

Tuấn đứng dậy lại gần bà nghiêm trang nói :

- Thưa bà, bà làm thế rất phải. Cháu rất hãnh diện được thay mặt ba cháu sang thăm cụ Nga.

Lan cũng lại gần bà thủ thỉ :

- Bà cho cháu đi theo với nhé. Cháu muốn gặp lại ông Ân. Ông ấy trông hiền lành quá và làm cháu nhớ đến ba cháu.

- Được rồi, bà cho cháu đi theo. Thôi, bây giờ hai cháu mặc quần áo đẹp vào rồi đi với bà.

Bà cụ ra lệnh cho bác kéo xe sửa soạn chiếc xe tay (1).

Nửa giờ sau chiếc xe ngừng lại trước biệt thự Tố Nga. Bác kéo xe bên biệt thự này trố mắt ngạc nhiên khi thấy chủ nhân biệt thự Hoàng Lan sang chơi sau bao năm cắt đứt liên lạc. Cả bác gia nhân ra mở cửa cũng ngạc nhiên không kém và cứ ngỡ mình mơ ngủ.

Bà cụ vội hỏi :

- Bác làm ơn hỏi cụ bà xem có tiếp tôi được không nhé. Bác nói hộ là có tôi và hai cháu tôi sang thăm. Bệnh tình cụ ra sao hở bác ?

- Thưa cụ, cụ cháu mệt rất nặng ạ. Xin rước cụ vào phòng khách chơi, cháu lên báo ngay cho cụ cháu rõ ạ.

Ba bà cháu vào phòng khách ngồi chờ. Cả ba đều cảm động không nói được lời nào.

Bỗng Lan đứng bật dậy và như bị thôi miên tiến thẳng tới chỗ lò sưởi có treo một bức họa bằng màu nước có vẽ hình một thiếu phụ trẻ đẹp ngồi trên sân thượng một ngôi biệt thự quét vôi trắng, chung quanh trồng đầy hoa ti-gôn.

- Anh Tuấn ơi, lại đây xem này ! Mau lên đi ! Bà này là ai ấy nhỉ ? Rõ ràng là mình có biết bà ấy nè ! Trông bà ấy quen quá !

Nhưng Tuấn chưa kịp đứng dậy thì bác gia nhân đã trở lại và nói :

- Xin mời cụ ạ. Cụ cháu mời cụ lên chơi ạ.

Bà cụ bỗng tỏ ra rất cảm động, run run bước lên cầu thang. Lan và Tuấn vội đưa tay ra dẫn bà lên gác.

Lên đến nơi, cả ba được mời vào một căn phòng rộng rãi, sáng sủa, bày biện sang trọng. Trên tường treo đầy câu đối sơn son thếp vàng..

Cụ Nga nằm thoi thóp trên một chiếc giường cổ, sau tấm màn sa tanh đã được vén sang hai bên. Cụ nằm bất động, hai mắt nhắm nghiền, xanh xao như một xác chết. Bên cạnh giường, cô Hiền cúi xuống lo lắng nhìn mẹ.

Trong một góc cửa sổ, ông Ân đứng khoanh tay, mắt nhìn xa vời, vẻ mặt buồn bã, khổ sở…

Bà cụ tiến lại gần chiếc giường, quì xuống bên cạnh và nắm lấy bàn tay lạnh giá của bạn :

- Nga ơi, có nghe thấy mình nói không ? Diễm đây mà. Diễm khẩn khoản xin Nga quên đi những sự xích mích xưa nhé. Thằng Đức nay đã ra người thiên cổ rồi, Diễm muốn quên đi những nỗi khổ ngày trước. Nga ơi, Diễm đối xử tệ bạc với Nga quá, Nga tha lỗi cho Diễm nhé !

Cụ Nga mở mắt nhìn, nở một nụ cười héo hắt. Cụ thều thào :

- Diễm, Nga không bao giờ giận Diễm cả. Nga rất tiếc khi thấy Đức và Ân có sự hiềm khích… Cám ơn Diễm… đã sang thăm Nga… trước khi Nga lìa đời… Nga sẽ chết với một tâm hồn thanh thản…

Nghỉ một lát, cụ lại tiếp :

- Nga… Nga thường hy vọng… Diễm nhớ truyện khóm trúc và ngôi sao chứ ?... Diễm có khóm trúc thật đẹp … là cháu Tuấn… Phải chi trời ban cho… thằng Ân một mụn gái… thì hay biết mấy… thì câu truyện cổ tích kia sẽ còn… mãi mãi…

Cụ ngừng lại nhắm mắt thở hổn hển, mất sức vì nói quá nhiều.

Khi cụ mở mắt ra, cụ buồn rầu nhìn Tuấn và Lan rồi lẩm bẩm :

- Cháu Ngọc Lan… mà còn sống… thì cũng bằng trạc hai cháu đây… Hai cháu ơi, lại gần đây với bà… Bà cầu nguyện cho hai cháu… luôn luôn khoẻ mạnh và sung sướng…

Tuấn và Lan tiến lại gần giường, quì xuống cúi đầu nghe lời cầu chúc chân thành của bà cụ sắp lìa đời. Khi hai trẻ đứng lên, cô Hiền ôm chúng vào lòng vuốt ve. Ông Ân thì tiến lại gần giường đỡ cụ Diễm dậy và cúi rạp mình cảm tạ :

- Cháu thành thật cám ơn bác đã sang thăm mẹ cháu. Xin phép bác cho cháu được hôn hai cháu bé của anh Đức ạ.

Cụ Diễm quá xúc động không thốt được lời nào, chỉ gật đầu tán thành.

Ông Ân ngắm nghía Tuấn một lát rồi nói, mắt long lanh hai giọt lệ :

- Thật giống anh Đức như đúc ! Cháu cố trở nên người can đảm như ba cháu nhé. Cháu sẽ làm rạng danh dòng dõi kiêu hùng của Đức Trần Hưng Đạo.

Rồi ông cúi xuống hôn lên trán Lan. Quá cảm động, Lan oà lên khóc. Cô Hiền vội nắm tay em dắt đi.

Cụ Diễm quay sang Tuấn :

- Cháu đưa em về nhà trước đi, bà ở lại đây với Nga. Đến trưa cháu cho xe sang đón bà nhé.

Lúc đó Lan đã nín khóc. Cô Hiền nói với Lan và Tuấn :

- Trước khi về, hai cháu lên thăm ba cô một chút nhé. Cụ đang nghỉ ngơi, nhưng chắc cụ sẽ rất sung sướng nếu được gặp hai cháu đấy… Cụ không nhìn thấy khuôn mặt kháu khỉnh của hai cháu nhưng cụ sẽ nghe hai cháu nói.

Rồi cô dẫn cả hai vào căn phòng làm việc, trong đó cụ Thành đang ngồi ở bàn giấy, gục đầu vào hai bàn tay.

Nghe tiếng chân người, cụ vội ngửng lên, ngước cặp mắt vô hồn lên phía cửa.

Cô Hiền nhỏ nhẹ thưa :

- Thưa ba, con dẫn con anh Đức vào thăm ba. Bác Diễm đang ở cạnh mẹ đó, ba ạ. Thật trời thương mẹ con nên đã đáp lời cầu nguyện được giải mối xích mích giữa hai nhà..

Ông cụ đưa tay rờ rẫm rồi nắm lấy tay Lan và Tuấn :

- Tạ ơn Trời đã thương gia đình ta… Chào hai cháu !

Rồi cụ lẩm bẩm tiếp :

- Tại sao con thằng Ân lại phải chết sớm nhỉ ?

Lát sau, khi xuống cầu thang, Lan tò mò hỏi cô Hiền :

- Thưa cô, bức hình trên lò sưởi là hình ai đó ạ ?

- Hình chị Ân đấy, chị ấy đang ngồi trong căn biệt thự ở Hải Phòng.

Chiều hôm đó cụ Nga từ trần vào lúc hoàng hôn, khi trên mặt biển còn sót lại vài tia sáng đỏ tía. Cụ như chờ đợi người bạn cũ đến thăm để lìa đời.

Bốn ngày sau, đám tang cụ được long trọng cử hành. Vì rất mến đức độ cụ, nên tất cả dân vùng vịnh Hạ Long đều tiễn đưa cụ tới nơi an nghỉ cuối cùng.

Bà Ân và năm đứa con trai nhỏ từ bốn đến mười một tuổi cũng về đưa đám. 

-----------------------
 (1) Một loại xe xích lô không do người đạp mà được một người kéo, thường dùng ở ngoài Bắc khoảng đầu thế kỷ 20 cho tới 1945 (chú thích của tác giả).

__________________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG VII. VIII
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>