Chủ Nhật, 24 tháng 11, 2013

CHƯƠNG III, IV_BIỆT THỰ HOÀNG LAN



CHƯƠNG III

CHỦ NHÂN BIỆT THỰ HOÀNG LAN


Lan và Tuấn đi ngang một sân rộng lát gạch tới một phòng ăn rộng rãi sáng sủa ở cuối sân.

Căn phòng bày biện theo kiểu cổ nhưng rất sang trọng. Trên tường treo những tấm thảm lớn dệt hình suối chảy, bãi biển, vườn cây, màu sắc rất linh động. Bàn ghế cổ toàn bằng gỗ lim khảm xà cừ óng ánh thật đẹp mắt. Ngọn lửa bập bùng trong lò sưởi ở góc phòng hắt ánh sáng lên những tấm thảm càng làm tăng thêm vẻ mỹ thuật.

Tại chiếc bàn ăn kê giữa phòng, hai người
một già, một trẻ ngồi đối diện nhau. Một bà lão cao và gầy ngồi thẳng thắn trên một chiếc ghế bành kê gối bông êm ái và chạm trổ tinh vi. Mặt cụ còn phảng phất nét đẹp khi xưa tuy năm tháng đã nhuộm bạc phơ mái tóc. Trông cụ chừng ngoài bẩy mươi, nhưng cặp mắt hiền từ của cụ còn tinh anh và đen láy. Cụ mặc yếm bằng vải trúc – bâu trắng, áo cánh lụa trắng và quần lĩnh đắt tiền, trông rất lịch sự và quí phái.

Ngồi đối diện cụ là một nhân vật lạ lùng. Vóc người ông nhỏ nhắn, mập mạp, mặt mũi hồng hào. Nhìn gương mặt ông, không ai có thể đoán ông trạc ba mươi hay năm mươi tuổi. Đầu ông gần hói hết, chỉ còn một túm tóc hơi quăn quăn giữa giữa đỉnh đầu. Ông mặc y phục rất chải chuốt và thẳng nếp.

Nghe tiếng cửa mở, cả hai người đều quay lại.

Tuấn và Lan xuất hiện ở ngưỡng cửa và cùng nói ;

- Thưa bà, chúng cháu đã về ạ. Thưa anh Hồng, chúng em mới về.

Bà cụ mỉm cười hiền hậu :

- À, các cháu mới về đấy à ? Gớm, đi đâu mà muộn thế cháu ? Vào đây ăn cơm đi.

Còn anh Hồng thì rạng rỡ, nở một nụ cười thân mật. Anh nói, giọng riễu cợt :

- A, hai em bé sinh đôi đây rồi. Vào ăn cơm mau, trễ giờ rồi đó. Anh đoán chắc hai đứa thế nào cũng về trễ, quả là không sai. Ơ hơ ! Sao đầu Lan lại rối bù như con chó bông thế kia ? Chắc lại vò đầu bứt tai bực bội chuyện gì đây phải không ?

Lan vội đáp :

- Đâu có ạ. Tại gió thổi mạnh quá đấy chứ, anh Hồng. Chà, ở ngoài kia gió mát quá trời !

Nhưng bà cụ lắc đầu và nghiêm nét mặt lại :

- Biết đến bao giờ hai cháu mới tập ngồi vào bàn ăn cho đúng giờ đúng giấc ? Hư quá, chỉ mải chơi, quên cả giờ cơm thôi !

Lan và Tuấn tiến lại gần bà. Lan ngả đầu vào lòng bà nũng nịu :

- Thưa bà, hôm nay không phải lỗi chúng cháu mà là tại ông thuyền trưởng ạ.

Anh Hồng tò mò gạn hỏi :

- Ông thuyền trưởng nào đó ? Khắp vùng này có ai là thuyền trưởng đâu ?

Bà cụ nãy giờ vẫn mỉm cười ngồi nghe bỗng lên tiếng :

- Thôi, lát nữa hai cháu hãy kể. Chúng ta dùng cơm trước đã nào.

- Bà đừng trách chúng cháu về trễ nữa bà nhé. Chúng cháu xin hứa với bà đây là lần chót ạ.

Anh Hồng gật gù :

- Phải rồi, đây là lần chót, nghĩa là từ giờ cho tới lần sau. Bao giờ hai cô cậu lại chả nói thế !

Lan bực dọc nhìn anh Hồng, nhưng cũng ngoan ngoãn ngồi vào bàn. Ăn xong em nói :

- Bà ơi, hồi nãy có một ông thuyền trưởng nhờ chúng cháu chỉ con đường tắt đi sang biệt thự Tố Nga. Ông ta đẹp trai lắm. Cháu rất thích ông ấy và cứ tưởng tượng như đó là ba cháu.

Câu nói này bỗng làm bà cụ thở dài chua xót :

- Lan à, cháu nên nhớ là ba cháu ở thế giới bên kia chỉ có thể phù hộ cho hai cháu, chứ không thể sống lại được!

Anh Hồng rất thích thú khi nghe Lan kể. Anh mở tròn mắt hiếu kỳ :

- Thuyền trưởng chiến hạm hay thương thuyền hả Lan ?

Tuấn, nãy giờ vẫn yên lặng, bỗng trả lời thay Lan :

- Thuyền trưởng chiến hạm, anh ạ. Em thấy ông ấy đeo lon sĩ quan.

- À, thì ra ông Tôn Thất Ân. Chắc phải có việc gì quan trọng xảy ra nên ông ta mới trở về đây. Chắc cụ Tôn Thất Thành ốm nặng lắm đây. Có đến mười năm nay ông ấy không về đây chơi…

- Tại sao hả anh ?
Cả Lan và Tuấn cùng hỏi.

- Câu chuyện dài lắm. Nếu bà nội bằng lòng thì anh sẽ kể cho hai em nghe…

Lan và Tuấn chăm chú chờ đợi, nhưng bà cụ bỗng đứng dậy ngắt lời Hồng :

- Cháu Hồng để hôm khác hãy kể.

Anh Hồng vội im bặt. Còn Lan và Tuấn thì nhìn nhau ngạc nhiên. Nhưng vốn quen vâng lời bà nội răm rắp, cả hai đều không dám hỏi thêm lời nào.

Bốn người sang phòng khách ngồi trước lò sưởi. Bà cụ đăm chiêu nhìn ánh lửa nhảy múa trong lò, không nói câu nào.

Bên ngoài gió rít lên từng hồi ảo não và lùa vào khe cửa làm mọi người rùng mình ngồi sát lại lò sưởi.


CHƯƠNG IV

MỘT QUYẾT ĐỊNH QUAN TRỌNG
 

Bỗng bà cụ ngửng đầu lên nói với Hồng :

- Cháu đi lấy cho bà cuộn len và hai cây kim đan để bà đan nốt cái áo cho con Lan.

Hai bàn tay cụ đan thoăn thoắt, nhưng nét ưu tư vẫn còn phảng phất trên gương mặt nhăn nheo. Anh Hồng thì lười biếng nằm dài trên chiếc ghế nệm bông. Anh chăm chú thưởng thức tài nghệ nhà văn Thế Lữ trong một cuốn sách trinh thám nổi tiếng. Lan và Tuấn chụm đầu vào nhau đọc một cuốn truyện hình. Nhưng hai em có vẻ lơ đãng, không mấy chú ý đến cốt truyện. Lan thì thào:

- Anh Tuấn à, không biết tại sao nhà mình lại giận nhau với nhà cụ Thành nhỉ ?

- Anh cũng không biết nữa. Chẳng bao giờ anh để ý đến chuyện đó cả. Nhưng anh không thấy bà mình sang chơi nhà cụ Thành. Khi lên tỉnh có gặp nhau bà chỉ gật đầu chào xã giao. Không bao giờ anh thấy bà nói chuyện với cụ Thành cả, Lan ạ.

- Em muốn làm quen với cô Hiền quá. Trông cô ấy hiền dịu như một bà tiên. Nếu cô ấy choàng một cái áo thướt tha vào người, tay cầm chiếc đũa thần, thì chắc sẽ giống bà tiên trong truyện Lọ Lem lắm, anh nhỉ.

- Phải hỏi cho ra lẽ mới được.
Tuấn cương quyết nói. Hình như có chuyện gì xích mích xảy ra giữa hai gia đình thì phải !

- Nhưng bà đã cấm không cho anh Hồng nói đến chuyện ấy thì làm sao mình hỏi ảnh được.

- Anh biết rồi, nhưng mình cứ thử hỏi xem sao.

Bỗng tiếng anh Hồng vang lên :

- Chết chửa, bà làm rơi cuộn len năm lần rồi đấy, bà ạ. Chắc hôm nay bà mệt, để cháu đưa bà vào nghỉ nhé. Lan nó còn bao nhiêu là áo len, bà cứ thủng thẳng đan, bà ạ.

- Bà không mệt đâu cháu. Tối nay bà chỉ hơi đãng trí một chút thôi. Và cụ hạ giọng :

- Cậu Ân trở về gợi lại cho bà nhiều kỷ niệm buồn…

Lan thở dài, thì thầm :

- Tội nghiệp bà quá, anh Tuấn nhỉ. Bà đang buồn đó.

Rồi Lan vội chạy tới dụi đầu vào lòng bà thỏ thẻ :

- Bà đừng buồn nữa, cháu với anh Tuấn lúc nào cũng ở cạnh bà. Chúng cháu thương bà lắm. Bà vui lên đi cho chúng cháu vui theo. Bà mà còn buồn nữa cháu khóc bây giờ đó.

Bà cụ cảm động vuốt tóc cháu, ánh mắt xa vời…

Đồng hồ điểm chín tiếng êm đềm, nhắc nhở Lan và Tuấn đã đến giờ đi ngủ. Hai em vội xin phép bà rồi về phòng. Hồng tiếp tục đọc sách.

Thời gian chầm chậm trôi qua… Chiếc đồng hồ cổ ngân nga điểm mười tiếng. Bà cụ đứng dậy, đặt chiếc áo đan dở dang xuống ghế và ra ngồi cạnh Hồng, cụ nói :

- Hồng này, cháu có tin rằng bệnh tình của Nga (Nga là tên cụ bà Tôn Thất Thành) nguy kịch lắm không ? Bà nghe nói Nga bị sưng phổi.

- Thưa bà, bệnh sưng phổi rất nguy hiểm đối với các cụ già.

Bà cụ chép miệng :

- Thế mới khổ chứ ! Bà cũng già bằng Nga rồi, chắc bà cũng sắp qui tiên, cháu à. Nga và bà xưa là đôi bạn chí thân. Thế mà chỉ vì sự xích mích giữa thằng Ân bên ấy và thằng Đức nhà mình mà bà đã xa Nga. Tình mẫu tử đã làm bà mù quáng, vả lại thằng Đức đã làm cho thằng Ân đau khổ quá nhiều !... Lẽ ra bà phải quên chuyện đó đi và vị tha hơn, nhưng cái chết thảm thương của thằng Đức và vợ nó đã làm bà đau đớn tột độ. Hồi đó hai vợ chồng Thành và Nga có sang thăm chia buồn, nhưng bà từ chối không tiếp.

Hai bà cháu ngồi nhìn ngọn lửa tàn dần trong lò sưởi… Sự yên lặng lại bao trùm căn phòng rộng trong cảnh tranh tối tranh sáng.

Bà cụ bỗng lại lên tiếng như nói với chính mình, bằng một giọng thật cương quyết :

- Mai bà sẽ sang biệt thự Tố Nga. Bà không thể thờ ơ trong giây phút Nga gần đất xa trời !

Nghe vậy, anh Hồng sửng sốt không nói được lời nào. Thật là quá sức tưởng tượng ! Thật là một quyết định cao thượng !

- Thôi cháu đi ngủ đi, khuya rồi đấy.

- Vâng ạ.

Tiếng dép của anh Hồng xa dần…

Chỉ còn lại một mình bà cụ ngồi trầm tư mặc tưởng trong phòng.

___________________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG V, VI
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>