1
Không biết ở Mai
có cái gì đặc biệt – mái tóc dài, đôi mắt to, hay giọng nói dịu dàng – mà hơn
một tuần nay Thảo đã để ý đến Mai thật nhiều. Mai không có gì cả. Thảo đã tìm
kiếm một nét nào thật xinh nơi Mai để làm bằng chứng cho sự lưu tâm của mình mà
không có. Mái tóc của Mai không óng mượt bằng tóc của cái Sơn ngồi cạnh Thảo.
Đôi mắt của Mai đâu có to bằng đôi mắt của cái Hà. Và giọng nói của Mai nhất
định là không dịu dàng bằng giọng nói của cô giáo. Như thế chắc chắn không phải
là vì Mai xinh, Mai hiền… Nhưng vì lẽ gì? Tại sao ngày nào khi đi học về Thảo
cũng nghĩ ngợi nhiều đến Mai? Thảo không hề tính đến chuyện làm quen Mai, nhưng
sáng nào đến lớp, Thảo cũng mong gặp được Mai, với nếp áo màu xanh bao giờ cũng
e dè sau lưng cửa. Mà rồi Thảo chẳng nói với Mai một lời nào cả. Thảo vẫn ngồi
yên ở chỗ của mình và len lén nhìn lên Mai lẻ loi ở bàn đầu.
Đối với Thảo, thì
một tuần học vừa qua thật thoải mái. Những bài học cô dạy cho, Thảo học rất mau
thuộc, nhất là môn Việt Sử và môn Cách trí. Lần nào cô giáo giở cuốn sổ điểm ra
là Thảo giơ tay xin lên trả bài trước. Và bao giờ Thảo cũng được điểm cao. Lớp
có ba mươi trò, nên cô giáo chia làm hai, lần lượt trả bài. Trong một tuần, mỗi
đứa được trả bài ba lần. Với Thảo thì là “được trả bài”, nhưng với nhiều trò
khác, Thảo thấy phải gọi là “bị trả bài” thì đúng hơn. Và riêng với Mai, trả
bài hẳn là một cực hình mà Mai phải kiên tâm gánh chịu. Cách một ngày Mai phải
trả bài một lần, và cứ cách một ngày, Thảo phải ái ngại giùm cho Mai, khi nhìn
lên thấy Mai đứng vòng tay bên cô, nét mặt bối rối. Trông Mai lúc đó như đang
cố gắng nhớ lại bài học – đúng hơn là Mai đang moi trong óc ra một chữ nào để
có mà đọc, mà trả bài cho cô giáo. Nhưng hầu như lần nào Mai cũng chỉ đọc đến
hết một câu đầu. Và rồi Mai im lặng. Mai im lặng trong khi cô giáo thì nhìn Mai
chờ đợi.
Bây giờ Thảo đã
tìm ra lý lẽ nào khiến Thảo chú ý nhiều đến Mai. Phải, chỉ vì một nguyên nhân
mà thôi: chỉ vì Mai là đứa học trò ít thuộc bài nhất lớp. Chưa có một trò nào
không thuộc bài quá hai lần trong tuần đầu niên học này – ngoại trừ Mai. Tại
sao thế? Mai lười? Mai không hiểu bài? Thảo khó tin điều này được, là vì nhìn
gương mặt Mai, Thảo nghĩ rằng ít ra Mai cũng thừa tí thông minh. Còn nếu Mai
lười, thì chắc chắn Thảo không được nhìn Mai cúi gập mình trên bàn gò từng nét
chữ thon mềm, và giờ ra chơi Mai ngồi một mình, lặng lẽ xem lại từng trang vở.
Tự nhiên Thảo
thấy mình như một người bạn rất gần của Mai rồi, mặc dù Thảo chưa một lần nói
với Mai chuyện gì và mặc dù Thảo đang ngồi xa Mai cả mấy dãy bàn. Hàng ngày
Thảo mang hình ảnh của Mai bối rối ngập ngừng trên bục gỗ về nhà, để Thảo thắc
mắc nghĩ ngợi. Thảo không muốn Mai cứ bị ít điểm, bị cô rầy hoài. Những bài học
đối với Thảo mới dễ thuộc làm sao! Thảo chỉ cần học thật kỹ ba lần, hay khó lắm
là năm lần, rồi mẹ dò lại cho Thảo, là bao nhiêu chữ cứ như in hẳn vào óc Thảo,
không thể nào quên được. Đến lúc trả bài, Thảo cứ việc đọc lên không suy nghĩ.
Mà sao đối với Mai, sự thuộc bài lại khó khăn đến thế? Thảo mong có một hôm, Mai
đọc bài thật làu, Mai được nhiều điểm, Thảo sẽ vui lắm. Mà hẳn Mai càng vui
nhiều hơn thế nữa.
Có lẽ điều mà
Thảo chờ đợi đã đến rồi đây. Sáng nay lại đến phiên Mai lên trả bài. Cô giáo
như quá quen với những lần trước, nên mỉm cười hỏi Mai:
- Em thuộc bài
không?
Mai gật đầu,
nhưng đôi mắt không có vẻ sợ sệt như những lần trước. Mai có vẻ tin tưởng lắm.
Cô giáo lại mỉm cười. Mai vòng tay lại, quay mặt xuống dưới nhìn các bạn. Và
Mai bắt đầu đọc:
- Văn minh người
Việt. Người Lạc Việt có nghề đánh cá là nghề chính. Còn nghề nông thì chưa phát
đạt. Họ chưa biết dùng cày cuốc, trâu bò. Các Lạc vương, Lạc…
Mai im bặt. Đôi mày nhíu lại, Mai cố tìm trong óc những chữ kế tiếp. Cô giáo chờ đợi. Thảo hồi hộp. Cả lớp nhìn Mai.
Hai phút trôi
qua. Mai vẫn chưa ra lời. Cô giáo nhắc:
- Lạc tướng…
- Các Lạc vương,
Lạc tướng, Lạc… – Mai đọc.
- Lạc hầu – Cô
lại nhắc.
- Lạc hầu…
Mai lập lại rồi
im luôn. Mai không nhớ được gì nữa. Nước mắt Mai bỗng nhiên ứa ra. Mai đứng
lặng, trên gương mặt Mai bày ra một sự khổ sở ghê gớm. Mai phải chịu cực hình này
biết bao lần? Cô giáo vừa phê vào vở Mai, vừa nói:
- Cô tưởng lần
này em thuộc bài, không ngờ lại cũng như mấy lần trước. Nếu cứ như thế mãi, em
sẽ đứng chót lớp. Em phải gắng học, nếu hai lần, ba lần chưa thuộc, em cứ học
mãi, năm lần, mười lần em sẽ thuộc.
Mai nghẹn ngào
nói được hai tiếng “Thưa cô” nhưng nước mắt làm Mai không có can đảm đứng đó
nữa. Mai ủ rũ về chỗ ngồi. Mai gục đầu trên vở. Mai khóc rất khẽ, song đủ cho
Thảo nghe những tiếng nấc. Thảo thất vọng thêm lần nữa. Những lời cô rầy Mai, Thảo
tưởng như đó là cô trách cứ mình. Có lẽ cô chưa hiểu Mai đâu, cũng như Thảo,
như cả lớp, chưa ai hiểu được Mai.
Mai vẫn cứ khóc,
khóc trong tiếng giảng bài của cô. Và đến lúc tiếng chuông reo tan học, các bạn
xôn xao thu xếp ra về, Mai vẫn còn gục đầu khóc. Thảo không buồn cất sách vở,
cứ nhìn lên Mai ái ngại. Thảo thương Mai vô cùng. Bây giờ, Thảo thấy mình cần
phải làm quen với Mai. Thảo chưa có bạn. Mai hẳn là cũng chưa có bạn. Nếu Thảo
được làm bạn của Mai, Thảo sẽ hiểu tại sao Mai không thuộc bài, và Thảo sẽ tìm
cách giúp đỡ Mai.
Nhưng làm quen
Mai bằng cách nào? Nếu Thảo đến trước mặt Mai, mở lời một cách máy móc: Mai à,
tớ muốn làm quen với bồ – thì với Mai, Thảo sẽ là đứa vô duyên nhất đời. Nếu
Thảo cho Mai một cành hoa ép, một gói ô mai, hay một cây kẹo mút? Không được,
vì Thảo biết lúc này Mai chẳng ưa thích một thứ gì. Thảo phải tỏ ra tế nhị một
chút mới gây được cảm tình với Mai. Trên kia, Mai vẫn khóc. Bạn bè về đã gần
hết. Thảo còn băn khoăn nơi đống sách vở bề bộn. Cho đến lúc cái Sơn đến bên
Thảo giục về, Thảo đành đứng dậy xếp sách vở vào cặp. Bỗng cái Sơn la lên:
- Cái gì ở trong
quyển “Bài học lớp nhì” của bồ rơi ra kìa!
Thảo cúi xuống
tìm kiếm. Mắt Thảo bỗng sáng lên. Vật này sẽ giúp Thảo làm quen với Mai: cái lá
– vâng, Lá Thuộc Bài.
2
Không ai hiểu
mình hết. Cả cô giáo, các bạn, cả Thảo – và ngay đến chính mình cũng không hiểu
tại sao mình như thế. Ôi trời! Mình ước ao con số tám thật uyển chuyển, thật dễ
thương nằm cạnh bài học của mình, thật là một hão vọng quá lớn lao. Mình biết
phân trần với ai đây? Mà có gì để mình phân trần không? Trước sau gì mình cũng
chỉ là con nhỏ lười biếng, không thuộc bài. Trước mặt cô, mình thấy mình tội
lỗi. Bên các bạn, mình xấu hổ vô cùng. Mới vào học một tuần thôi, mà mình đã
lãnh hai lần, con số hai nhục nhã trong vở rồi. Có ai biết mình khổ sở không?
Mỗi sáng đến trường, lang thang trong sân, e dè trước lớp, mình thấy mình ngại
ngùng với cả những bàn ghế vô tri, với đèn quạt, với bảng đen. Đèn nào có lười đến
nỗi tắt nửa chừng trong giờ học? Quạt đâu có tệ đến nỗi ngừng quay thình lình
như mình đã im bặt một cách trơ trẽn giữa lúc bài học chưa chấm dứt? Tự nhiên
mình thấy sợ quá, những bàn những ghế những quạt, đèn và sổ điểm. Nhưng, vẫn
như cái máy, mình phải đến ngồi ở ghế, xa lạ với xung quanh, và hồi hộp lo sợ
lúc cô bước vào.
Ôi, nhục nhã ghê
gớm, chính là buổi sáng nay. Cái gì đã khiến mình gật đầu mạnh dạn chứng tỏ
rằng mình thuộc bài? Mình chắc chắn lắm mà, bài Việt Sử rất thuộc. Mình thấy rõ
ràng từng chữ cơ mà! Nhưng các chữ “Lạc vương, Lạc tướng, Lạc hầu” làm cho bao
ý tưởng ngưng tắc trong óc mình rồi. Mình không biết phải đọc gì nữa. Bao
nhiêu chữ “Lạc” quay cuồng trước mắt, mình cố gắng đào bới trong trí nhớ, nhưng
hết hy vọng. Cô nhắc bên tai chữ nào, mình lập lại chữ đó, rồi thôi. Trong trí
nhớ mờ mịt như sương mù của mình, lùng bùng muôn vàn chữ, muôn vàn công chuyện.
Rồi mình nhận lãnh lời trách móc của cô giáo. Con số tám đẹp đẽ lại một lần đi
xa mình. Mình khóc không biết bao nhiêu, lâu mấy phút? Chỉ biết rằng từng chữ
gò thật thẳng trong vở mình đã lòe loẹt, nhưng lời phê của cô và con số hai ác
hại – viết bằng bút nguyên tử đỏ – không nhòe, chúng vẫn bày rõ trước mắt mình
với ý đe dọa.
Khi về đến chỗ
ngồi, lật trang vở ra, mình thấy những dòng chữ thật quen thuộc, mà sao mình
lại quên đi? Đây này: các Lạc vương, Lạc tướng, Lạc hầu chia nhau đất để cai
trị, cha truyền con nối. Đây này: tôn giáo đa thần; tục vẽ mình, nhuộm răng,
búi tóc… , mùa xuân mở hội vui chơi, dùng trầu cau trong lễ cưới…. Đây này: đàn
ông đóng khố, đàn bà mặc váy, chưa biết dùng giày dép… Rõ ràng quá, cô giảng
đến hai lần, mình đã học rất kỹ… Nhưng sao mình chỉ nhớ có hai câu? Khi nước
mắt khô, mình mới nhớ ra rằng: hai câu đầu mình học đến ba lần, nên thuộc. Còn
cả đoạn sau, mình đã học trong mệt mỏi. Đúng là mình đã ngủ gục trên bàn, những
chữ như lao xao trong óc mình. Mãi đến lúc bé Tư cựa mình khóc thét lên, mình
thức dậy và phải vào mùng dỗ em ngủ. Thế là hết thì giờ cho mình học.
Đêm đó má cũng về
thật trễ, thật khuya như bao đêm khác. Khi má về, mình phải dọn cơm lên cho má
ăn – trước đó mình và các em đã ăn xong rồi. Má ăn chê dở, mình tủi thân ghê
gớm. Mà chê là phải, vì những món ăn mình nấu quá tệ. Canh thì mặn chát và cá
kho thì lạt phèo. Nhưng má không nghĩ lại cho mình. Mình mới chín tuổi đầu, tay
chân còn vụng về yếu ớt, má đi giao cho mình tất cả công việc vì mình là chị cả
mà. Chị cả thì phải làm hết, nếu không thì ai làm cho? Sáng dậy mình giặt quần
áo cho má, cho mình, bé Ba và bé Tư. Giặt vừa xong là đến giờ đi học. Trưa và chiều,
với cái lò dầu đặt dưới đất, mình lo các món ăn – tạm gọi là “món ăn” nhưng
chẳng có thứ nào ra hồn. Buổi chiều vùi đầu quét dọn nhà cửa, rửa tắm cho hai
em. Má đi suốt ngày không về ăn cơm với các con. Tối khuya má mới về, ăn qua
loa rồi đi ngủ. Việc dỗ bé Tư ngủ lại là việc của mình. Cho đến khi không còn
ai thức cả, là lúc mình mang vở ra học thì đã mệt rời, mình không còn sức để
ngồi nữa, mặc cho chữ nghĩa rơi vào trong trí nhớ mịt mùng.
Ôi nếu ba mà biết
được má vẫn thường bỏ con cái ở nhà để đi đánh bạc, chắc là ba sẽ buồn lắm! Và
nếu ba biết tháng đầu niên học này mình bị hạng thấp, hẳn ba càng buồn hơn. Ở
Ban Mê Thuột xa lắc ba đâu có hay biết bao nhiêu thay đổi ở nhà. Nào chiếc đồng
hồ lớn treo trên tường, nào chiếc radio và mấy món nữ trang của má đã bị cầm,
bị bán rồi. Nhưng không như những gia đình khác, khi có sự cầm bán là con cái
được sung sướng hơn. Đàng này, mình thấy càng ngày mình càng thêm nhiều công
việc nặng. Và bé Ba, bé Tư không được má chăm sóc miếng ăn giấc ngủ như ngày
xưa – ngày ba còn ở nhà. Bao nhiêu tiền – tiền ba gửi về, tiền cầm bán đồ đạc –
má đều đem đến sòng bạc. Để rồi có đêm mình thấy má về, mắt quầng thâm, má cáu
gắt với các con. Má không buồn để ý đến bé Tư ấm đầu hay bé Ba té trầy đầu
gối. Và chắc là má cũng không buồn nghĩ rằng sự học đối với con cái má là cần
ghê lắm. Giá ba đừng phải hành quân miền rừng núi xa. Giá thời cuộc đừng thay
đổi, vật giá đừng tăng vọt để má không thấy gia đình thiếu thốn, thì đâu đến
nỗi. Bé Ba, bé Tư không phải la lết bẩn thỉu vì thiếu má. – và mình đâu phải
mang danh là đứa học trò ngu dốt, lười biếng nhất lớp thế này. Cờ bạc là cái gì
mà lôi cuốn má dữ vậy? Má đi suốt ngày, má không nghĩ gì hết. A, đúng rồi, chả
là cô giáo ở lớp ba có dạy mình năm ngoái: “Cờ bạc là bác thằng bần”.
Mình không muốn
nghĩ nhiều đến chuyện này nữa, vì càng nghĩ mình càng thấy thiếu kém, thua sút
nhiều đứa trẻ khác. Ngày mai có môn Công dân, không đến phiên mình trả bài
nhưng mình vẫn phải học chứ! Ba đã dặn là dù không trả bài, không làm bài kiểm,
mình vẫn không được bỏ quên, vì mình học cho mình mà. Bé Ba, bé Tư đã ngủ say.
Má vẫn chưa về. Nhưng tối nay mình không thấy rã rượi mệt mỏi như bao đêm khác.
Tự nhiên mình thấy tỉnh táo, và tìm gặp một sự an ủi lớn – là vì mình thấy cái
lá thuộc bài trong sách của mình. Cái lá không có gì đặc biệt, trừ màu xanh rất
đậm. Thế mà Thảo nói với mình rằng nếu ép lá vào vở mình học bài sẽ mau thuộc
như Thảo vậy. Thảo dễ mến ghê đi. Thảo đến gần mình khi mình còn đang khóc thút
thít. Giọng Thảo thật êm, thật ngọt: “ Mai nè, Thảo có cái này tặng ấy, ấy nhận
nghen. Cái lá này, Thảo hái ở dọc đường, ép trong sách lâu ghê rồi. Người ta
gọi là cái “lá thuộc bài” đấy. Thảo ép nó nên Thảo học bài mau thuộc ghê. Ấy
thử ép vào sách xem sao nhé!”. Không biết có một cái gì làm mình thấy mến Thảo
quá, giống như hai đứa đã là bạn với nhau từ lâu. Mình mắc cỡ ghê, mình chả
biết nói gì với Thảo, vì nước mắt nó cứ chảy ra hoài – chắc là xấu lắm. Mình
run run cầm cái lá, ép liền vào sách. Chỉ nói được hai tiếng “cám ơn” rồi mình
vụt ôm cặp chạy liền. Ôi chao, mình vừa thẹn, vừa sung sướng.
Bài Công dân hôm
nay hình như dễ học lắm. Những chữ rất thường đâu có gì khó. Mình đọc như đang
hát một bài hát quen thuộc. Có lẽ cái lá thuộc bài sẽ mang đến cho mình một
phép lạ. Mình sẽ mau thuộc bài, dù cho mình phải làm nhiều công việc đến đâu.
Hay cái lá ấy là… một bà tiên - bà tiên của học trò?... Ô, mình thấy những chữ
trước mắt nhòa dần, và chúng nhảy múa để kết lại thành một vòng mây. Cái lá
thuộc bài bỗng biến thành một bà tiên, với chiếc áo rộng màu xanh rất đậm. Tâm
trí mình như lâng lâng, tay chân mình cử động không nổi, nhưng mắt mình thì
không rời hình ảnh của bà tiên…
3
Mai khóc như chưa
bao giờ được khóc. Lần này cô giáo lại rầy Mai, nhưng hơn thế nữa, cô nói cho
cả lớp biết rằng lười như Mai đến thế là cùng. Cô có hỏi Mai tại sao cứ thế
mãi, làm sao Mai trả lời được. Giữ em, trò nào chẳng giữ em? Làm việc nhà, đâu
có trò nào ngồi không! Từ lớp năm, ai cũng học những bài ám đọc khuyên phải đỡ
đần cho cha mẹ. Còn nếu Mai kể lể hoàn cảnh “đặc biệt” của Mai ra, thì Mai xấu
hổ lắm, mà vô tình Mai lại để cho mọi người nghĩ xấu cho má của Mai. Nên Mai im
lặng nghe cô giáo la, nhìn bạn bè khinh bỉ mình. Nhưng Mai thấy Thảo đang gục
đầu buồn bã. Thảo ơi, Mai nào có muốn thế! Mai cố gắng lắm mà! Cái lá thuộc bài
của Thảo đó, ngày nào Mai cũng đem ra ngắm nghía, Mai để thật gọn trong sách.
Mai tin nó giúp Mai thuộc bài. Nhưng không có phép lạ nào cho Mai hết. Đêm đêm
Mai vẫn ngủ gục trên bàn, óc Mai nặng trĩu, Mai tối tăm quá đi! Không bài nào
Mai thuộc đến ba câu. Mai phải đọc đi đọc lại từng chữ, mà sao chúng rơi rớt
đâu mất, để khi đứng trước mặt các bạn, run rẩy bên cô, Mai không tìm được một
chữ nào trong đầu. Không ai hiểu Mai hết, kể cả Thảo nữa, vì Mai không bao giờ
kể cho Thảo nghe nỗi khổ của mình. Thảo tin ở cái lá thuộc bài. Mai cũng tin ở
cái lá thuộc bài. Nhưng cái lá thuộc bài không giúp gì cho Mai giống như nó đã
giúp Thảo luôn luôn đứng hạng cao.
Mai sợ những cái
nhìn xoi mói của lũ bạn – Sơn, Hà, Thu… nên chờ chuông reo tan học Mai vội vã
ôm cặp đi ra ngay. Đi ngang qua bàn Thảo, Mai nghe tiếng Thảo gọi lại:
- Mai, chờ Thảo
một tí Thảo nói cái này.
- …
- Mai ơi, chắc là
cái lá thuộc bài Thảo cho Mai nó… làm sao ấy. Để… Thảo đi dọc đường, Thảo hái
cái khác cho Mai, chịu hông?
Mai nghẹn ngào:
- Thôi, Mai không
cần đâu. Mai… chán học rồi!
Mai bỏ chạy ra
khỏi lớp. Đầu óc Mai rối bời. Tự nhiên Mai thấy hận tất cả, hận luôn cô giáo,
hận luôn Thảo, và hận luôn má của Mai.
Đường về nhà tự
nhiên xa lạ đối với Mai. Nắng chói gắt gay làm Mai nhức đầu ghê gớm. Mai tưởng
nếu có một ai đẩy nhẹ Mai một cái, hẳn Mai sẽ quỵ luôn giữa đường. Nhưng không,
Mai vẫn lầm lũi bước đều về đến nhà, như một cái máy.
Bé Ba đứng đón
Mai ở cửa, gương mặt hớt hải:
- Chị Hai! Bé Tư
nóng đầu, bé Tư làm kinh…
Mai chạy bay vào
nhà vất cặp lên bàn. Bé Tư nằm trên giường, mặt xanh ngắt, đôi mắt lạc thần.
Người hàng xóm trao lọ dầu lại cho Mai, nói:
- Em hết làm kinh
rồi cháu, nhưng còn mệt lắm. Cháu đắp mền cho em, rồi đừng gây tiếng động kẻo
em giật mình.
Mai lí nhí cám ơn
bác hàng xóm, rồi ngồi xuống bên em. Lần đầu tiên Mai phải săn sóc một người
bệnh thế này. Mai chẳng biết làm gì cả, chỉ biết thoa dầu ở hai chân bé Tư mong
cho em ấm áp lại. Tội nghiệp bé Tư quá, bé mất cả nét tinh anh. Bé gọi vài
tiếng “má” làm Mai tủi thân ghê gớm. Giữa lúc này mà không có má bên cạnh, Mai
thấy trống vắng quá! Mai biết làm gì cho em hết bệnh đây? Mai chỉ còn cách ôm
em vào lòng, và nước mắt Mai ướt nhòe.
… Buổi tối má Mai
về. Má ngạc nhiên khi thấy nhà cửa tối om, không một tiếng nói. Má hoảng hốt
bật đèn lên…
Bé Ba nằm co ngủ
trên giường. Bên cạnh, Mai ngồi ôm bé Tư còn thiêm thiếp. Tập vở bừa bãi trên
bàn Mai. Lũ trẻ đã ngủ từ hồi chiều, quên cả ăn – vì quá mệt và buồn…
4
Bé Tư lành bệnh,
nhờ bàn tay của má. Một tuần liền, má ở nhà săn sóc cho bé, chở bé đi chích
thuốc, cho bé uống thuốc. Nhưng rồi má không đi đánh bạc trở lại nữa. Ba viết
thư về, kể chuyện khổ cực ở miền núi. Má đọc thư ba cho chị em Mai nghe, đôi
mắt má trĩu buồn. Má có vẻ suy tư ghê lắm. Má nghĩ gì trong đầu, Mai không
biết. Nhưng có một điều làm cho Mai thấy vui rộn lên, đó là sự trìu mến chăm
sóc của má đối với các con. Má không giao cho Mai giặt đồ, nấu bếp nữa, vì đã
có má ở nhà làm hết rồi. Má săn sóc bé Ba, bé Tư như xưa, mà nhất định sự săn
sóc của má hơn hẳn sự vụng về của Mai. Mai thấy căn nhà mình rộn rã tiếng nói
cười. Má nhắc đến ba luôn, và má giục Mai viết thư cùng với má để thăm ba.
Tối nay khi má dỗ
bé Ba, bé Tư ngủ say rồi, má đến bên Mai đang ngồi học ở bàn. Má vuốt tóc Mai
mà đôi mắt long lanh. Má như muốn nói điều gì? Nhưng má thấy Mai còn nhỏ quá,
Mai sẽ không hiểu ý má, nên má khó mở lời? Không đâu má, con hiểu hết mà! Con
vẫn thương má vô cùng.
Má không nói
những điều Mai dự đoán, mà má đưa tay giở từng trang vở bài học của Mai. Những
lời phê của cô giáo – bằng mực nguyên tử đỏ chói – và những con số hai ở mỗi
bài học đập vào mắt má. Luôn cả những chữ gò thật thẳng bằng bút mực xanh đã bị
nhòe nhoẹt vì nước mắt của Mai cũng hiện trước mắt má. Má nhìn vào đó đăm đăm,
rồi nhìn Mai. Mai không biết lấy gì để đo lường sự thương yêu trong ánh mắt của
má. Có người hiểu Mai rồi! Chính là má! Má sẽ chẳng bao giờ nghĩ cho Mai là đứa
lười học. Đã lâu rồi, Mai thèm được gần bên má, được má âu yếm, cũng như Mai đã
thèm được lãnh con số tám dễ yêu trong tập.
Tự nhiên má ôm Mai,
má hỏi Mai đang học bài gì. Đây này, môn Vệ sinh đó má, ngày mai cô giáo gọi
Mai lên đọc bài. Mai sợ lắm, những lời chê trách, con số hai không đẹp, tia
nhìn của bạn bè, nét buồn rầu của Thảo… Mai ngu lắm má à. Bài nào Mai cũng
không thuộc. Mai xấu hổ quá! Trí nhớ của Mai mịt mờ như sương. Mai muốn khóc…
Nhưng má đã cầm vở Mai lên, má giảng lại bài cho Mai, từng câu, từng chữ. Má
bắt Mai học mỗi câu ba lần, rồi cả bài, và má bảo Mai đọc lại. Mai đọc hết bài
rất trôi chảy. Má siết mạnh tay Mai. Mai muốn reo lên, và muốn khóc vùi trong
lòng má.
5
Con số tám nằm
gọn gàng bên bài Vệ sinh, kèm theo những lời khen của cô giáo làm Mai sung
sướng đứng lặng. Mai thấy cái hãnh diện của kẻ thuộc bài. Mai thấy mọi người
như mến phục Mai. Cô giáo hơi ngạc nhiên nhưng lấy làm hài lòng lắm. Bàn, ghế,
đèn, quạt và bảng đen như cũng nhìn Mai trìu mến. Có lẽ sự thật không đến nỗi
thế đâu, nhưng trí tưởng tượng của Mai, theo sự vui mừng, làm cho Mai thấy mọi
vật như cùng vui với mình. Từ nay về sau sẽ không bao giờ Mai khóc vì không
thuộc bài nữa, và Mai sẽ lên hạng, Mai được mọi người yêu.
Sự thuộc bài của
Mai làm Thảo vui mừng. Thảo tin rằng nhờ cái lá thuộc bài của Thảo cho mà Mai
học bài chóng thuộc. Thảo cũng hãnh diện, cái hãnh diện của một kẻ biết giúp đỡ
người khác – nhất là giúp cho một người bạn thuộc bài. Thảo cũng tin cái lá
thuộc bài là một bà tiên.
Nhưng Thảo không
biết – và cả Mai cũng chưa biết – rằng cái lá thuộc bài ấy, hôm bé Tư bị bệnh
thình lình, Mai đã hoảng hốt vất cặp lên bàn, sách vở bị tung ra, nó đã rơi
xuống đất, và mất tích từ đó…
NGUYỄN THỊ MỸ THANH
(Trích từ bán
nguyệt san Tuổi Hoa số 149, ra ngày 15/3/1971)
Bìa của Vi Vi : Bích Châu |
Nguồn : http://camlinguyenthimythanh.com