Thứ Sáu, 31 tháng 5, 2019

Chuyện Gì Xảy Ra Khi Bạn Hút Thuốc?


Lời đáp là những khám phá mới và bất ngờ, 
chắc chắn sẽ làm bạn đối tượng của câu hỏi 
trên đầu bài bàng hoàng thất vọng...


Thuốc lá, ích lợi hay nguy hại?

Đúng ra câu hỏi tiên khởi khi bàn về thuốc lá, loại thuốc hút có mùi thơm (?) đã quyến rũ con người từ thanh thiếu niên cho đến lớp tráng niên, chúng ta phải đặt ngay là: "Trong bao lâu thuốc lá mới hoạt động tác hại cơ thể ta?"

Đem câu hỏi này đặt trước bất cứ bác sĩ nào, ông ta cũng sẽ trả lời ngay rằng "Chỉ khoảng ba giây".

Vâng, chỉ có 3 giây. Hay có khi cỏn mau hơn thế nữa.

Ngay khi bạn nhọn miệng rít hơi thuốc đầu tiên, mùi thơm (hãy cứ cho nó là thơm đi) thuốc lá kia đã tung hoành ngay tức thì: Chúng xâm nhập tim bạn, phổi bạn và toàn cơ thể bạn. Khởi đầu, hơi thuốc kích thích tim bạn đập nhanh hơn bình thường từ 15 đến 25 nhịp mỗi phút, đồng thời áp suất máu bạn cũng tăng theo. Nó bào mòn lớp màng mỏng trên đôi môi vẫn hằng tươi đỏ của bạn, và cả lớp màng nhầy bọc vòm khẩu cái. Vào đến phổi, nó chận nghẹt các ống dẫn khí, tàn phá lần hồi các phế bào, và nguy hại hơn cả, nó để lại trong phổi bạn một chất bã chứa đầy những mầm mống gây bệnh ung thư. Cứ thế, các chất độc giết người khác lại tiếp tục được gởi lại trong dạ dày, thận và bọng đái. Bất cứ điếu thuốc nào cũng gây ra các sự kiện như trên và không một ai hút thuốc lá lại có thể được hơi thuốc lá tha thứ.

Bây giờ, bạn nhả khói thuốc ra. 90% chất tinh túy của khói thuốc lá đều đã xin ngụ lại trong cơ thể bạn, dưới dạng hàng tỷ những phân tử nhỏ li ti chỉ nhìn thấy được dưới kính hiển vi, chứa đựng không biết bao nhiêu độc chất. Chúng ta có thể điểm mặt các Acid, Glycerol, rượu, Aldehid, các Hidrocarbon và Ketone. Chẳng có thứ nào béo bổ cả!


Chánh phạm: Khí CO.

Trong nhiều năm qua các Khoa học gia vẫn cho rằng một ít hơi thuốc không đủ tấn công quá nhiều cơ quan trong cơ thể như vừa kể trên. Và công cuộc nghiên cứu đã cho thấy hơi thuốc gồm nhiều thứ khí khác nhau: Oxid Nitric, Dioxid nitrogen, Ammoniac... Và gần đây nhất Khoa học đã phát hiện một phần tử rất đáng sợ: một loại khí không màu không mùi có thể giết người trong giây lát, đó là khí Monoxid carbon (CO).

So với khí Oxigen nuôi dưỡng sự sống, khí CO có ái lực với các hồng huyết cầu trong máu gấp hai trăm lần. (Nên nhớ rằng các hồng huyết cầu có nhiệm vụ di chuyển phần lớn oxigen đến các cơ quan). Vì thế, đối với một người hút thuốc lá, máu chuyển vận từ 5 đến 10 lần lượng khí CO gấp hơn bình thường. Bù lại, cơ thể bắt buộc phải tạo thêm nhiều hồng huyết cầu.

Xét căn nguyên, khí CO ngăn cản các hồng huyết cầu làm tròn bổn phận nghĩa là cản trở việc thu nhận đầy đủ dưỡng khí oxigen. Cũng như cản trở hồng huyết cầu trao đổi khí thể hô hấp mặc dầu nhu cầu đòi hỏi. Mặt khác, một người hút thuốc là, nghĩa là đã hít khí CO, nếu sống ngang mặt biển, sẽ chỉ hít được một lượng khí Oxigen (dưỡng khí) ít oi như sống ở một độ cao 2.400m so với mặt biển.

Ảnh hưởng trên không miễn nhiễm cho bất cứ một lứa tuổi nào. Một thể tháo gia hút thuốc lá nhiều sẽ mau cảm thấy mệt, mau đứt hơi hơn các bạn không hút thuốc.


Tim bị ảnh hưởng thế nào?

Ngoài khí CO, trong hơi thuốc lá còn có một chất độc khác có thể trích ngay từ lá thuốc lá: chất Nicotine. Trước khi khí CO bị phát hiện, Nicotine vẫn được kể là chánh phạm. Vai trò của Nicotine trong thuốc lá cũng tương tự chất Cafeinne trong cà phê và trà. Nhưng độc hơn gấp bội.

Chính chất nicotine đã khiến cơ thể bạn thực hiện một cuộc "leo thang" leo thang áp huyết, leo thang nhịp tim và cả lượng máu do tim phân phối đi cơ thể trong một đơn vị thời gian cũng nhẩy vọt theo.

Sở dĩ như vậy là vì nó tiết ra chất catecholamin kích thích tim bạn quá mạnh khiến tim đòi hỏi nhiều máu hơn để đáp ứng đủ nhu cầu. Trái lại, đối với những người yếu, tim vẫn cố hoạt động hết sức nhưng nhu cầu vẫn không thể nào được thỏa mãn.

Chất catecholamin (phần lớn là adrenalin) do nicotine để lại còn xâm nhập vào cả các tế bào mỡ, kích thích các tế bào này tiết vào máu các acid béo tự do. Mỗi lần kéo một hơi thuốc, lượng acid béo này cũng leo thang theo. Và ảnh hưởng quan trọng đến sự đông máu. Các thành huyết quản dễ thấm các thể mỡ, những lớp mỡ tích tụ ngăn cản lối lưu thông của máu.

Chất bã đen và buồng phổi.

Mùi của thuốc lá do hàng tỉ phần tử như đã kể sơ lược tạo nên. Kết tinh từ hơi thuốc, chúng tạo nên một loại bã đen dính, nhớt, gọi là chất Tar tức nhựa trải đường (hắc ín). Tính trung bình, hút một gói mỗi ngày sau một năm, bạn hít vào tất cả một tách chất cặn đen.

Xâm nhập vào buồng phổi, với chất bã đen này hơi thuốc sẽ phá hủy khả năng ngăn độc của phổi. Thông thường lớp màng nhầy khí quản tiết ra một lượng chất nhờn vừa đủ để hút bụi, đồng thời các tiêm mao rung động trên mặt trong khí quản sẽ trục lượng đờm này ra khỏi cuống họng. Nhưng hơi thuốc lá mà bạn đã hút vào sẽ kích thích lớp màng nhầy tiết ra quá nhiều đờm trong khi các tiêm mao bị tê liệt, nghĩa là lớp đờm dơ bẩn kia vẫn nằm mãi trong họng bạn. Chính lớp đờm này tích chứa khoảng 30 hóa chất gây bệnh ung thư!

Đi đến bất cứ một mô nào, nó cũng tạo nên những tế bào bất thường. Bệnh lao phổi và ung thư phổi là những bệnh thường xảy đến cho các người nghiện thuốc nhất.

Khi người hút thuốc đã mắc bệnh, bệnh sẽ trở thành kinh niên nếu vẫn không ngưng thuốc. Sự sản xuất thặng dư chất đờm đã cung cấp một nơi trú ngụ có thể nói là "vạn đại dung thân" của vi khuẩn.

Bạn tri kỷ luôn kèm bên bệnh sưng cuống họng kinh niên là bệnh khí thũng. Các tế bào lần lượt bị phá vỡ. Nhưng bệnh không giết người bệnh ngay, nó để cho bệnh nhân phải ho khan suốt 15 năm liền, sau đó mới "dứt điểm".

Người hút thuốc có thể biết được mình đã mắc bệnh khí thũng khi vào một ngày nào đó, sau một lúc làm việc ngắn, cảm thấy đứt hơi và khó thở. Lượng khí dự trữ của phổi đã tiêu tan!


Phương thức giải quyết duy nhất: Bỏ hút!

Phải. Ngưng hút thuốc là phương thức duy nhất giúp bạn làm lại cuộc đời.

Chuyện gì xảy ra sau đó?

Các vi trùng bệnh cuống họng kinh niên sẽ rút lui có trật tự. Bạn sẽ không còn ho khan ; miệng sẽ thơm tho không còn sặc mùi thuốc như xưa và nhất là bạn thở được dễ dàng.


PHẤT MỤC NHÂN NGHỊ   

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 206, ra ngày 1-8-1973)


Thứ Năm, 30 tháng 5, 2019

Tiếc Thương















Học trò sửa soạn lời thương nhớ
Nét chữ run run ý vụng về
Phượng thắm giăng đầy qua lối nhỏ
Nét buồn len lén dậy trên mi.

Chợt biết bây giờ là tháng mấy
Em buồn mắt biếc cũng bâng khuâng
Duýp xanh bay bướm trời hoang dại
Mà nắng êm như cũng ngại ngần.

Em sợ mau qua tuổi học trò
Nên thầm thương vội những ngày thơ
Nên trang lưu bút em buồn viết,
Kỷ niệm xin đừng thêm xót xa.

Mà nắng như chừng không tiếc thương
Nên thơ ngây đó cũng lên đường
Cho em ngơ ngẩn nhìn hoa máu
Duýp thắm thôi bay lạnh ngõ trường.

Học trò sửa soạn lời thương nhớ
Nắn nót cho nhau những nụ buồn
Em nghiêng tóc rũ màu trăng mộng
Khóc hỏi nhau rằng xa nhớ không?

                                            QUANG THI
                                              (nhóm Thoại ca)

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 70, ra ngày 1-6-1967)

Thứ Tư, 29 tháng 5, 2019

Mùa Hạ























Phượng thắm nắng vàng trong gió bay,
Hạ về rồi đó có ai hay?
Nhặt hoa đỏ sắc cài lên tóc,
Những hàng lưu bút viết cho ai.

Thoáng buồn lên khóe buổi chia tay,
Xa bạn, xa cô lại xa thầy,
Ưu tư hạ vắng chưa lần thoáng,
Phút này tạm biệt đỏ mắt nai.

Hạ vắng đi rồi thu tới nhanh,
Ươm mơ cô bé tóc còn xanh,
Ngây thơ bé bỏng mong ngày tháng,
Trôi về mùa hạ nắng vàng hanh.

Chín mươi ngày hạ lướt mông mênh,
Chỉ tiếng ve ngâm vắng trên cành,
Me lả lướt mang đầy trĩu trái,
Trái sầu chua thêm mặn buồn tênh.

Nhưng nay hạ đến trong hững hờ,
Ngẩn mình nuối tiếc chuỗi ngày thơ,
Trong vùng trời hạ em mười sáu,
Thẹn thùa đứng lặng dáng chơ vơ.

Từng hạ trôi qua từng ngẩn ngơ,
Xa trường vĩnh viễn, tuổi ngây khờ,
Phượng đỏ mắt mình buồn ướt át,
Kỷ niệm quay về sống giấc mơ.

                                         NHÃ UYÊN

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 152, ra ngày 1-5-1971)

Thứ Ba, 28 tháng 5, 2019

Chiều Quê


- Ngoại ơi! Cho Thục ra đồng đón anh Ngạn nghe ngoại?

Ngoại lặng thinh, bàn tay khẳng khiu đều đặn đưa mũi kim lên xuống lớp vải đen bạc màu. Thục òn ĩ thêm:

- Mặt trời sắp lặn và Thục thấy hình như trâu đã dìa tới bờ chàm rồi ngoại ơi!

Ngoại vẫn chăm chú vào công việc khâu vá, như chẳng nghe con Thục vừa nói gì. Mặt Thục buồn xịu ra, nó nằm vắt nửa người trên bộ ván gõ kế bên rổ may của ngoại. Mắt ửng đỏ. Đôi môi mím lại, nghẹo đầu một bên yên lặng dỗi hờn.

Nhìn khuôn mặt hờn dỗi kháu khỉnh của cháu, ngoại không nỡ làm nghiêm mãi, bà xoa đầu Thục:

- Trời chưa ráo nắng mà con đi mần gì ở ngoải, đang nắng nhức đầu ngoại buồn, chiều mát gãy đi!

Con Thục nhoẻn miệng cười ngay, nó chạy đến ôm cánh tay bà, bi bô:

- Thục đội khăn. Thục đi trong mát. Thục không để cho nắng ôm tóc Thục đâu. Thục đi bây giờ nghe ngoại!

Con Thục mừng quýnh lên. Biết mà, Thục rươm rướm nước rồi gì mà chẳng được. Nó ôm vai bà, co chân đánh đu mấy cái rồi rút tuột cái khăn sọc bà vắt vai:

- Ngoại bới đầu tóc cho Thục đi!

Ngoại đội khăn lên cho Thục, búi thành một búi tròn sau gáy nó. Thục thích có mái tóc dài, búi thành búi tròn như ngoại như mẹ. Nó chui xuống gầm ván gõ lôi ra cái giỏ đệm con:

- Thôi, Thục đi chợ Vàm mua trầu vàng, cau dày dìa cho ngoại nghe!

Chưa dứt lời con Thục đã chạy tới đầu ngõ. Ngoại mỉm cười dõi mắt nhìn theo dáng con Thục nhỏ dần trên bờ đê. Bà lẩm bẩm: "Cha nào con nấy, mới bây lớn đã láu lỉnh vô cùng". Rồi chép miệng thở dài: "âu cũng là duyên số, thật tội nghiệp!"

Thục khôn ngoan ngộ nghĩnh hơn các con cậu con dì. Có lẽ đó là sự bù trừ của Thượng đế ban cho Thục, để bù đắp lại sự thiếu mất tình thương của nó. Xa vắng tình cha từ khi nó vừa giáp thôi nôi, Thục không biết quê nội ở xứ nào, họ hàng bên nội có những ai. Ngay cả hình ảnh người đáng kính yêu nhất sau mẹ nó: cha Thục, Thục cũng không biết được. Chỉ nghe ngoại thường bảo: "Giống y như cái thằng bạc như vôi ấy". Thục nghĩ chắc cha cũng có đôi mắt, đôi môi, vầng trán giống Thục, mắt hay khóc nhè, môi hay mím dỗi hờn và vầng trán cao vuông vắn. Mẹ của Thục đảm đang hiền thục nhưng bạc phận ; chỉ được ấm êm bên cha, trong sự thương quí của nội, của họ hàng vừa tròn hai năm. Rồi đất nước chiến tranh, quê ngoại Thục tang thương nhiều, mẹ Thục thương lo cha mẹ già, sợ phải đôi nơi cách ngăn vì ly loạn nên xin phép nội về thăm gia đình một thời gian. Sự sống an lành tạm trở về với người dân quê nghèo nhưng cha Thục vẫn không sang đón mẹ và có tin đồn cha lập gia đình mới. Mẹ Thục buồn. Mẹ Thục khóc nhiều. Và từ đó đến bây giờ, đời mẹ chỉ có Thục và Thục chỉ có mẹ.

Thời gian làm dòng nước cuốn trôi dần sự buồn khổ của mẹ. Mẹ chẳng tìm cha, cha không tìm mẹ dù quê nội quê ngoại của Thục đều thuộc miền Nam nước Việt. 

Bây giờ Thục sống yên vui bên ngoại với sự mong đợi những dịp mẹ về thăm. Vì mưu sinh mẹ lên Sài Gòn làm mướn, thỉnh thoảng về với Thục ít hôm rồi lại đi. Mẹ khổ thật nhiều khi xa Thục. Được ấp ủ trong vòng tay ngoại, được thở hít không khí trong lành khoáng đạt của miền quê, Thục không nghe mất mát tình cha thiếu vắng tình mẹ. 

*

Đôi cánh bạc của con cò trắng lấp lánh dưới nắng chiều. Tháng hạ đồng khô đất nứt nẻ, còn trơ gốc rạ cỗi cằn. Bờ đê rắn lại, những gò đất sét khô cứng đâm chồn đôi gót chân bé nhỏ của Thục nhưng nó như không nghe thấy gì. Nó đang để hồn bay cao vút theo ngọn gió đồng, lan tận vùng xa. Gió thổi vù vù, tạt rát cả má Thục, mắt nó cay cay nhưng Thục vẫn cố mở cho to để nhìn về rặng cây xanh um xa tít. Thục tìm bóng dáng đàn trâu có anh Ngạn ngồi vắt vẻo trên lưng con đầu đàn, lẽo đẽo theo sau chót là con Nghé Ngọ mến yêu của Thục - Những hình ảnh quá quen thuộc nhưng vẫn đẹp lạ lùng! Thục không thấy gì hết. Thế mà dám dối với ngoại là anh Ngạn đã về tới bờ chàm. Thục nhoẻn miệng cười, vả nhẹ vào má như để phạt cái tội láu lỉnh. Thục chạy nhanh hơn, nó vấp ngã mấy lần làm cái khăn búi tóc muốn rớt ra Nó chợt nhớ mớ trầu vàng cau ngon cho ngoại. Thục phải "dụ" anh Ngạn về ghé ngang vườn trầu bà Sáu, leo hái giùm bà mấy buồng cau dầy để được bà trả công vài lá trầu vàng và mấy quả cau ngon. Anh Ngạn của Thục đâu biết ăn trầu nhưng lần nào nhở vả gì anh, bà Sáu cũng đền công bằng ấy thứ. Ngoại luôn ăn hộ anh Ngạn!

Bóng nắng xa dần con Thục, chạy mãi tuốt ngoài xa, nhưng vẫn còn chói chang phía chân trời. Nó ngước nhìn bầu trời cao, xanh biếc và có nhiều hạt sao! Không phải sao đêm mà sao của nắng chiều. Xa xa cánh đồng cỏ khô nhuộm vàng ánh nắng, bờ cây hứng đầy lá nắng. Màu lá cây, màu nắng chiều, màu mây biếc và những đôi cánh cò bạc cùng tất cả hình ảnh quê mẹ thân yêu trong buổi chiều hè tạo một cảm giác gì khó tả trong lòng con Thục. Nó yêu. Nó thích. Nó muốn hình hài nhỏ bé này tan biến hòa lẫn với thiên nhiên Nó quên đi đàn trâu, anh Ngạn. Nó đứng sững sờ. Bây giờ trong mắt nó có hình ảnh con cò lả cánh bay với muôn ngàn nét đẹp trời chiều quê ngoại.

Nghe... é... ngọ... ọ... Tiếng kêu bé bỏng của con Nghé Ngọ từ xa vọng lại làm Thục chợt nhớ... Nó chạy hết quãng bờ đê này, còn tí nữa là ra đến sân lúa của ngoại.

Nó núp sau đụn rơm cao nhất, chờ anh Ngạn lùa trâu qua ngang. Nó cười bắc nẻ Nó nghe thích thú vì làm được chuyện không ai dè... Bầy trâu không hay Thục ra đón, anh Ngạn không ngờ Thục trốn anh. Nhưng thật ra anh Ngạn đã thấy bóng dáng bé tị của Thục từ lúc nó đứng tần ngần để hồn bay theo gió...

Như thường lệ, anh Ngạn thả lỏng đàn trâu ở sân lúa một lúc để "bện" cho xong hai "con cúi". Thục kéo rơm phụ anh Ngạn. Chiều nay anh Ngạn được Thục ra đón nên siêng quá, đánh hai con cúi rơm to gần bằng bé Thục. Thục ôm hai con cúi. Anh Ngạn ẵm Thục đặt lên lưng con trâu Cổ. Thục chợt... đòi anh Ngạn phải thả Thục xuống ngay. Anh Ngạn nó cười, vì biết Thục đã thấy bó u du với mấy chùm trái bần buộc chung bằng cái khăn "chàng tắm" máng trên lưng con Nghé Ngọ. Thục bỏ hết vào cái giỏ con của nó, cười thật tươi với anh Ngạn:

- Lát nữa Thục giả bộ đánh đũa chuyền thua anh Ngạn nhé! Để trả công anh chặt u-du và hái bần cho Thục!

Ngạn cười trong gió. Con nhỏ thật xạo, bây giờ nói tốt vậy rồi chút nữa chơi thua mình và nào là... anh Ngạn người lớn... tay anh Ngạn dài, anh Ngạn thảy hòn cao... anh Ngạn bắt nhanh... anh Ngạn ăn Thục nẻ chân Thục hoài... không biết thương Thục chút nào... Thục tưởng anh Ngạn nó cười vì bằng lòng với lời "dụ dỗ" của nó, Thục đắc chí cười theo anh...

Chỉ còn vài sợi nắng vàng yếu ớt. Rặng tre phía chân vườn sẫm dần. Bầy trâu bước mau hơn như nóng về chuồng nằm nhơi lại mớ rơm chưa nghiền nát. Rồi ngủ yên lành trong khói cúi rơm "rọi muỗi" chan hòa theo từng cơn gió đêm...

Hai chín Không ba Bảy một   
VĨNH LONG            

(Trích từ bán nguyệt san Ngàn Thông số 3, ra ngày 4-6-1971)

Thứ Hai, 27 tháng 5, 2019

Trong Mùa Phượng























Môi em chợt tắt nụ hồng,
Ngoài kia phượng vĩ trổ bông kết buồn

Nghẹn ngào lệ ngọc rơi tuôn
Lời ve thổn thức nhói buồng tim non

Ngày thơ nắng hạ hong ròn
Đốt từng kỷ niệm héo hon nét ngà

Đường xưa cây cỏ lá hoa
Ngẩn ngơ ngóng đợi ai qua lối nầy?

Khuất dần dấu cũ mi cay
Lơi vòng tay nhỏ xa bay ngọc ngà.

                                            HẢI CAM
                                                 (Thủ Đức)

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 155, ra ngày 15-6-1971)

Chủ Nhật, 26 tháng 5, 2019

Nếu Một Ngày













Nếu một mai tôi lìa xa lớp học
Mộng mơ nhiều xin trả lại thời gian
Nầy khung trường nằm im trong gió lốc
Lớp thân yêu vương vấn mấy dãy bàn

Nếu một mai tôi lìa xa sách vở
Sẽ buồn nhiều trong những lúc bâng khuâng
Em có nghe tim tôi đang nức nở
Đang luyến lưu với trang giấy trắng ngần

Nếu một mai tôi lìa xa Hoàng Diệu
Lưu bút nầy xin gửi lại cho em
Em có nghe gió buồn rung tơ liễu
Để nhớ thương những giây phút êm đềm

Nếu một mai tôi lìa xa áo trắng
Vấn vương nhiều cũng gạt lệ chia tay
Đứng lặng im để thấy lòng trống vắng
Gửi nỗi buồn theo cơn gió heo may

Mộng mơ chừ đã tàn phai
Sầu giăng ngập mắt hình hài nổi trôi
Giờ đây áo trắng xa rồi
Giã từ Hoàng Diệu khung trời nhớ thương

Tôi nghẹn ngào nhìn thầy cô, bè bạn
Biết nói gì trong giây phút chia tay
Xin trả lại bảng đen cùng phấn trắng
Lời giảng bài lời trò chuyện ngân nga

Nầy bè bạn xin một lần đối diện
Và cầm đi đây lưu bút của tôi
Hãy viết vào những tình yêu thánh thiện
Để đêm dài tôi không thấy đơn côi

Thôi từ giã bạn bè thân yêu đó
Và sách đèn ngày hai buổi đến trường
Tuổi hoa niên giờ bay theo trong gió
Nhớ thương nhiều những buổi sáng mù sương

                             (Viết cho bạn bè và khung trường Hoàng Diệu) 
                                            TRẦN THANH UYÊN
                                                  - Ba Xuyên -

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 83, ra ngày 1-4-1973)


Thứ Bảy, 25 tháng 5, 2019

Hè Tâm Sự

Hè đến cho lòng tôi nát tan!
Tuổi mơ như chắp cánh xa ngàn!
Thương mình dang dở duyên đèn sách
Mượn mấy dòng thơ thác sự vàng!...

Mai mốt ai người an ủi tôi?
Khi bao kỷ niệm cách xa rồi!
Và bao thương nhớ về đan kín
Một áng mây buồn trên mắt môi...

Rưng rưng hạ đến mang niềm nỗi,
Qua cánh phượng tàn, ve tỉ tê...
Bóng nắng lao xao, chiều xuống vội,
Một buổi trường tan, chậm bước về...

Đôi mắt ngoái trông trường lớp cũ
Bàng hoàng câm lặng héo tim son
Thốt tiếng từ ly lời nhắn nhủ,
Trìu thương, tâm sự lắm đa đoan

Ngày hồng cắp sách thế là xong
Sóng vỗ thuyền ai ngược giữa dòng
Một kiếp học trò không thắm vẹn
Qua cầu, tiếc nuối lệ hoài mong!...

Nhung nhớ rồi đây cũng vợi vời...
Tình thầy chan chứa cả tim côi
Bạn bè một lũ quen thân lắm
Sao nỡ quay lưng biệt mấy trời?...

Mơ ước chẳng tròn mơ ước ôi!
Trăng  buồn khuyết rụng xuống sau đồi
Bao giờ trăng sáng trên đầu núi?
Tôi khóc tủi mừng, vui lắm vui!...

Ngày xa ai kẻ đứng trông theo?
Nắng hạ sầu in bóng đổ chiều
Chân  bước ngập ngừng lòng ước nguyện
Xin thời gian đó chẳng rong rêu!...

Mai đây chuyển gió giao mùa đến,
Một sáng khai trường tươi nắng xinh
Bạn bè ai nhắc tên tôi nhỉ?
Hay đã vùi quên một bóng hình?...

                                           LÊ TRUNG
                                       (G.Đ.T.N. Biên Hòa)


(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 93, ra ngày 10-6-1973)

Thứ Sáu, 24 tháng 5, 2019

Hoa Học Trò


Huế đã bắt đầu trở sang mùa nóng. Các trường tiểu học đã khép kín, trả những tâm hồn thơ dại về lại gia đình sau những ngày nhộn nhịp phát thưởng. Tuy phượng chưa nở và tuy ve sầu mới trổi giọng, nhưng tôi biết sắp được trông thấy lại màu hoa quen thuộc, duyên dáng, kiêu sa, màu đỏ hoa học trò. Vâng tôi gọi đó là hoa học trò, bởi chỉ những ai đã từng nôn nóng đợi, đã từng bâng khuâng buồn mới thấy phượng thực gần gũi, thực dễ gợi nhớ vô cùng.

Trong hộp đựng hoa ép của tôi cũng hiện diện vài tấm hoa phượng đã trở màu. Từ màu đỏ thắm, những cánh hoa theo thời gian đã úa sang màu nâu thẫm, nhưng cái dáng tròn trĩnh đặc biệt của nó bên cạnh tấm lá cong cong, rải rác những chiếc lá nhỏ xíu, xinh xắn vẫn cứ dễ thương như thường. Tôi tiếc vô cùng đã không thể ép nguyên vẹn cành hoa, bởi đài hoa vừa cứng, vừa lớn, mà những cọng hoa gắn vào đài hoa lại mong manh. Tôi đã phải ngắt từng cánh, sắp theo hình dạng tương tự của nó, và như thế, nhìn vào tôi có thể tưởng tượng đến dáng hoa. Từ cái dáng năm cạnh ấy, tôi nghĩ đến cả một con đường rực đỏ hao học trò màu đỏ càng rực rỡ hơn nữa bên những tán lá xanh um. Con đường tôi hằng đi ngày xưa mỗi sáng mỗi chiều từ nhà đến trường, con đường có những cành phượng thắm rủ là là, mềm mại, đáng yêu vô cùng. Dường như rất nhiều người đồng ý với tôi là dáng phượng đẹp, đẹp từ những lúc trơ cành, không một ngọn lá nhỏ, trông như thân cây khô, cho đến lúc lá bắt đầu nẩy mầm, xanh nõn nà, mượt lạ, rồi hoa nở, màu đỏ rực trên nền xanh của trời hè, trên nền xanh của lá trở mầu già dặn, và cả lúc phượng kết trái, những trái phượng dài, cong như kiếm, buông mình đong đưa theo gió như người hát xiệc đu dây.

Cũng từ dáng phượng ấy, tôi trở lại lứa tuổi học trò, lứa thời gian còn cảm thấy vừa sung sướng trước những ngày vui chơi thỏa thích mở rộng, vừa cảm thấy buồn rầu trong nỗi nhớ vì xa thầy, bạn.

Thuở còn học đệ thất, chúng tôi thơ ngây lượm lá phượng, hoa phượng rơi trong trường đem dồn vào mấy hộc bàn. Mỗi lúc đổi giờ, hoặc ra chơi, chúng tôi lôi ra, bán hàng xén. Những cái lò nho nhỏ, chén, dĩa, muỗng bằng nhựa được đem từ nhà đến. Ngắm búp hoa phượng non xanh, chúng tôi nghĩ là đu đủ, chúng tôi cắt những búp hoa đó, đổ nước vào làm bún, ăn còn giả vờ xuýt xoa cay. Những ngày cuối năm, hộc bàn bọn chúng tôi đầy hoa. Chơi nấu ăn, buôn bán chán, chúng tôi lượm hoa non lột hết phần đài xanh và tháo luôn nhị ở trong làm những con voi con. Có con lớn, có con bé, đem sắp trước bàn, ngay cả trong giờ học. Hoặc lấy nhị hoa quấn đầu nhị vào nhau, xem đứa nào đứt vòi trước là thua. Chúng tôi còn lượm những đài hoa đã già, thổi lên đánh kêu bôm bốp. Những ngày thơ ngây ấy qua đi, chúng tôi lớn hơn một chút. Những trò chơi thuở đệ thất bị gán vào tuổi con nít, chúng tôi vẫn thích lượm hoa, nhưng không để làm gì. Thỉnh thoảng buồn lại chơi trò đá gà bằng nhị hoa, hoặc để một cánh hoa lên nắm tay, đánh bốp một cái thực lớn, nhìn cánh hoa rã rời, rơi bâng khuâng, rồi vứt đi, với một cánh hoa khác. Những tiếng động làm đỡ buồn tai, nhất là vào những buổi trưa hè nắng quá không muốn về, ở lại ăn mì khô, uống si-rô đá, và nghe ve rền rĩ. Buồn chết.

Vào những năm thi, chúng tôi thi nhau đoán xem cây phượng nào nở hoa nhiều nhất. Chúng tôi tin hoa phượng nở nhiều là thi đỗ nhiều, nhất là nếu cây phượng ấy nở ngay đúng trước lớp. Nhìn mầu hao mà hy vọng tràn trề. Thật nhảm, nhưng cũng đáng yêu biết bao.

*

Như Ngọc thương yêu,

Chúng mình đã sống qua bao nhiêu mùa hè, đã bao nhiêu lần rủ nhau đi lượm từng cánh hoa mỏng manh. Chúng mình vốn yêu hoa hồng nên đã kết biết bao nhiêu là cánh phượng hái từng chùm, tưởng như những cánh hồng đỏ, mà thực ra cánh phượng làm sao có dáng hồng, có hương hồng được. Mùi hoa phượng hơi hăng, cắn vào nghe chua chua. Như Ngọc có thấy thế không?

Ngọc hẳn không còn nhớ đến ngày cuối cùng của niên học, thảng hoặc Ngọc còn nhớ, nhưng không còn cảm. Riêng K., K. vẫn còn nhớ rõ dáng Ngọc ngồi thu mình, cô đơn giữa những tiếng cười đùa. Buổi văn nghệ lớp nhạt nhẽo, phải không Ngọc. Cầm tấm thành tích biểu trong tay, chúng mình đã buồn. Thành tích biểu cuối năm, và cuối cùng. Sau buổi này, chúng mình sẽ không còn được vô tư ra vào khung trường này. Chúng mình sẽ trở thành người xa lạ. K. đã nhìn Ngọc, và K. thầm ước hoa phượng nở thật nhiều, để chúng mình vừa đi, vừa tìm tòi dưới bước chân, giữa khu cỏ xanh lấm tấm hoa đỏ những cành hoa nào còn nguyên vẹn nhất. Những kỷ niệm chung ấy thực khó tìm lại. Ngày mai, mỗi đứa về mái nhà riêng của mình, mấy khi mà gặp nhau. Trước cửa lớp phượng lấm tấm đỏ. Những cánh hoa đầu mùa e ấp nhưng đôi lúc cũng có vẻ kiêu căng lạ. Mình bảo năm nay hoa trước lớp mình nở sớm nhất trường, chắc sẽ thi đỗ nhiều. Ngọc mỉm cười không trả lời. K. vẫn luôn luôn giữ niềm tin mang nhiều tính chất vớ vẩn ấy. K. cho đó là một điều mê tín đáng yêu và mang vẻ dáng học trò nhất. Bây giờ nhìn phượng nở, K. không biết nên đặt một cái "mê tín" nào cho nó nữa. K. không còn mang sách đến trường, K. đã vào đời, chả lẽ gán cho nó một điềm đem may mắn cho danh vọng và cho tiền tài sao? Bậy quá Ngọc nhỉ, đã bảo hoa phượng là hoa học trò, chỉ có học trò mới có quyền nghĩ và đặt những điều mê tín, những huyền thoại cho nó thôi. Còn chúng mình, chỉ nên nhìn và ngắm, và tưởng đến một thời đã qua, đã xa, đã làm mình xao xuyến nhớ.

Ngọc thương,

Ban-Mê-Thuột, à quên, Pleiku của Ngọc có Phượng không? Miền đất ấy chắc không thiếu loài hoa này đâu nhỉ. Mỗi lần thấy phượng bắt đầu ra hoa, Ngọc có như K. buồn buồn nghĩ rằng thời gian qua thực chóng. Thuở nào còn bé bỏng, còn nắm tay nhau đi thăm khung trường mùa hè, vừa vắng, vừa là lạ, để tìm một nhánh hoa rơi còn nguyên, để cảm thấy được tất cả cái thong thả của một học sinh không phải đi học, để hít vào lồng ngực không khí mùa hạ vừa trong mát, vừa thanh tĩnh. Màu sắc mùa hạ thực rõ ràng phải không Ngọc, trời thì xanh ngắt, mây trắng, hoa đỏ và cỏ thì mượt như nhung. Tất cả mọi vật hiện diện đều phô bày hết các nét dáng của chúng, không cần giấu những chỗ rêu phong mà vẫn sáng, không cần che những vết hoen ố mà vẫn tươi như thường.

Bây giờ chúng không còn thiết tha đến thời tiết nữa, xuân qua hạ tới, thu đến đông về, tất cả chỉ gõ lên phần vật chất mà không ảnh hưởng đến tinh thần chúng mình nữa. Bây giờ Ngọc đã có gia đình, xuân đã lo tính những chuyến đi nghỉ mát, thu đã đắn đo chọn màu áo len. Hết mơ mộng vẩn vơ, hết bâng khuâng lãng mạn. Mỗi lứa tuổi có một nếp sống riêng, vâng, một cái nếp gấp ăn tự ngàn xưa. Đã qua tuổi dậy thì là thôi không còn mơ mộng xa vời nữa. Có đáng tiếc không Ngọc? K. nghĩ là có, và có nhiều lắm, không thế đã không thèm muốn nhìn đàn nữ sinh túa ra trường sau mỗi trưa, mỗi chiều tan học, không thế đã không buồn khi thấy mùa khai trường sắp mở, không thế đã không nhớ khi con đường trải dài những cánh hoa nhẹ rơi sau mỗi chuyến gió đi qua. Thấy cho biết con người cứ hay quên mất hiện tại, chỉ thương dĩ vãng và lo tương lai. Có lẽ tại hiện tại không bao giờ hiện diện cả, phút trước, nó là tương lai, phút sau, nó đã trở thành dĩ vãng. Hiện tại mỏng manh như sợi chỉ, nhưng thật bền. Không có nó, không có tương lai, không có dĩ vãng, chỉ có hư vô trùm khắp.

*

Tôi gọi tên từng người bạn đã cùng tôi đi qua những tháng hè trong đó phượng hiện diện rất rực rỡ, rất đáng nhớ. Tôi kêu tên Thơ, cô bạn có đôi mắt như tên của nó, vừa to tròn, vừa thơ ngây. Tôi nhớ Thân với bản nhạc "Hè về" mà tôi đã đổi lời ca, và nắn nót chép cho bạn như mấy cô gái lớn cặm cụi chép thơ Xuân Diệu, Nguyên Sa. Tôi nhớ luôn cả anh Phan, người bạn thư tín từ phương trời Gia Nã Đại. Tôi yêu hoa phượng và tôi muốn anh cũng phải nhớ đến hoa phượng như nhớ tuổi học trò của anh. Tôi viết thư kể anh nghe và hứa sẽ gửi qua một cành hoa ép. Tôi giữ lời hứa trong tôi suốt mấy tháng trường, bởi tôi sống những ngày ấy cô đơn quá, không một cô bạn đến rủ đi chơi. Bọn chúng tôi lo thi cho xong. Qua vụ thi, mỗi đứa đi mỗi đường, hưởng cho trọn những ngày còn rỗi.

Những lần đạp xe trên con đường đầy hoa, tôi đã thấy những đóa mới lìa cành, còn tươi nguyên. Tôi đã muốn dừng xe mà ngượng ngùng không dám làm theo ý thích. Tôi khất lần anh Phan cho tới một lần đi với Ngọc đến trường chơi. Sân trường râm mát, rộng và xanh ngát. Hoa phượng rơi đầy, đỏ thắm. Chúng tôi tung tăng đi giữa hai mầu sắc vừa trẻ, vừa dịu ấy. Chúng tôi đã ngồi trên thảm cỏ, vừa mệt, vừa thích thú, mà cũng vừa thấy xao xuyến nữa. Tôi đã chọn được cho anh Phan một cánh hoa khá lớn, đủ 4 cánh đỏ thắm và một cánh lấm tấm trắng. Tôi nghĩ sẽ đem về, ép vào một tấm bìa nhỏ gửi sang. Làm học trò mà không nhớ phượng thì chưa phải là học trò, tôi độc đoán nghĩ như thế đo. Lúc về tôi cẩn thận cài hoa vào sau "Porte Bagage". Ấy thế mà lúc đến nhà, nhìn ra sau thì... cánh hoa đã không cánh mà bay, à mà có chứ, có những 5 cánh cơ, hèn gì bay nhanh đến nỗi tôi chả biết gì ráo. Tôi đã không thực hiện lời hứa, lý do ngoài ý muốn. Anh Phan trách tôi cuội và bảo tôi phịa khi tôi kể lại câu chuyện đó. Tôi không buồn, chỉ tiếc một điều không đưa được anh ấy về thuở mài đũng quần trên trường Quốc Học.

Những ngày đó bây giờ cũng đã xa. Năm nay chắc có dịp đi trên con đường phượng ấy, ngắm xác hoa đỏ phơi đầy trên mặt cỏ xanh hay trên mặt đường nhựa, có lẽ tôi cũng chỉ thấy yêu thích vẻ mềm mại của cành phượng vĩ, yêu thích màu sắc tương phản nhưng rất bắt mắt của hoa đỏ trời xanh, yêu nhớ thuở học trò đã đi qua, qua mãi, nhưng hết còn cái thú lượm hoa như trước.

Tuy nhiên, tôi biết, sẽ có một hôm nào đó, tình cờ lại ngồi xuống khung cỏ xưa, giữa những cánh hoa rơi nằm êm ái lên nền xanh mượt ấy, có lẽ tôi sẽ lại nhặt một cánh hoa, đặt lên bàn tay nắm lại, vỗ lên để nghe tiếng "bốp" rõ lớn. Lần này, hẳn không phải để đỡ buồn, mà để sống lại một ngày, và để tưởng đến tiếng súng hằng đêm vang vọng về thành phố. Hoặc sẽ lại ngắt những nhị hoa, tự chơi đá gà một mình. Tôi sẽ đặt tên bên phải tôi là "vui", bên tay trái là "buồn", tôi sẽ lại tự đặt lấy một điều mê tín mới. Nếu tay phải tôi thắng, tôi sẽ vui cười, lại xách xe rong một vòng quanh phố và thấy mình là kẻ hạnh phúc nhất trên đời. Nếu tay phải tôi thua, tôi sẽ buồn rầu mà trở về nhà, vào phòng kéo mền, gục mặt. Như thế chắc không để làm gì hết cho ai, cho tôi, nhưng chỉ để làm một điều thôi: đó là thực hiện cho đúng những điều mình đã đặt ra.

Tôi là kẻ bất thường, đúng thế, chỉ vì hoa phượng...


Tỉ Tỉ      

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 70, ra ngày 1-6-1967)




Thứ Năm, 23 tháng 5, 2019

Giờ Toán Học


Đã đến giờ hình học rồi đó. Thầy giáo bắt đầu dò bài. Chao ơi! Sao mà Trầm ghét cay ghét đắng quyển sổ điểm ấy. Và Trầm thù luôn cả tên của mình. Phải chi Trầm đừng có tên... còn quả tim của Trầm nữa. Nó đang khiêu vũ loạn cuồng... Tôn nữ Phương Anh, Lê thị Kim Cúc, Nguyễn thị Hòa. Không có đứa nào thuộc bài cả. Đứa nào đứa nấy lên đứng "chào cờ" mặt thảm hại trông tội nghiệp hết sức. Ở bàn đầu, Kim Phụng, Quỳnh đang che miệng nhắc bài cho Mỹ Hòa con bé đứng nhìn xuống, mặt đỏ bừng. Thanh Vân thỉnh thoảng lại cho tay xuống ngăn bàn lôi quyển vở ra xem rồi lại đẩy vào Miệng lẩm nhảm. Bàn bên kia, Ngọc Anh, Cẩm Phước đang giành nhau mấy miếng kẹo gừng. Tụi nó đã thuộc bài chưa mà ăn uống "tỉnh bơ" vậy không biết...

- Ê! Thuộc bài không Trầm?

- ... "Sơ sơ" thôi. Bài khó học bắt chết!

- Tao không học một chữ nữa đó. Hôm qua tao đi chơi cả ngày... Bây giờ mà ông ấy gọi lên thì "lãnh đủ".

Khuôn mặt bầu bĩnh của Minh Thu nhăn nhó đến tội nghiệp. Trầm cũng như đang ngồi trên lửa bỏng. Lo sợ. Hồi hộp. Nhưng may mắn làm sao thầy giáo đã gấp quyển sổ lại, cầm phấn đứng dậy "ra lệnh":

- Lấy vở ra học bài tiếp! và thầy lắc đầu cái lớp nầy quá lười!

Ngoại trừ những kẻ đã bị "chiếu cố" đang ngồi "bí xị" mặt ra còn đứa nào cũng mừng rú cả lên.

Sau một thời gian căng thẳng, bây giờ "tình hình" đã trở lại nhộn nhịp. Những mái tóc lắc lắc. Những cánh môi mấp máy liên hồi. Cả lớp đều sợ nhất là mấy giờ toán. Đã khô khan lại khó nhớ hết sức. Học đến đau đầu... Thầy giáo đang giảng bài thỉnh thoảng lại phải đập mạnh vào bảng, vì ở dưới lớp tiếng nói chuyện thầm thì cứ to dần, to dần. Trầm đang cố gắng ngồi thật yên, mắt nhìn lên tấm bảng đen giăng đầy hình tam giác, đường cao, đường trung trực, cung tròn... con Vân đập mạnh vào vai:

- Trầm! Cho tao mượn vở bài tập chút xíu đi.

Ở bàn trên, nhỏ Hân quay xuống múa môi:

Dẹp đi! Giờ nầy chưa phải là giờ làm bài tập. Trầm này, cho tao xem cái vòng nơi tay mi một tí. Quà Nha trang của anh Nguyễn mi gửi về đó hở?

Trầm gật đầu, cởi chiếc vòng đồi mồi ra đưa cho con Hân con Vân giành lấy.

- Dễ thương ghê hí! Thôi cho tao nghe.

- Còn lâu! Của tao chứ bộ. Con Trầm cho tao mà Con Hân giật lại cất vào cặp.

- Con ni chơi lạ - có trả lại đây không?

- Nếu không trả thì sao?

Mặt con Hân vênh lên thấy mà bắt ghét. Trầm giả vờ úp mặt xuống bàn giận dỗi... Reng...!! Chết chưa hết một giờ rồi đó Đến giờ bài tập nầy còn dễ sợ hơn nữa. Sao mà hai giờ hình học nó dài dài kinh khủng. Con Vân lay lay vai Trầm nói như hét:

- Mau lên! Đưa tao mượn vở chút xíu coi.

Cặp vở dưới ngăn bàn lại bị kéo lôi, lục lạo. Kim Phụng quên vở ở nhà cuống quít lên. Chiếc miệng lúc nãy ngồi cười nói nghe dòn tan bây giờ lại... méo xệch, gần khóc. Trên bục gỗ "vị chỉ huy" lại ra lệnh:

- Nào! Lấy giấy ra làm bài kiểm soát cái lớp nầy tệ quá. Chả có người nào chịu học bài cả. Rồi giảng bài cũng không thèm nghe nữa. Học hành như vậy làm sao mà tiến được... Ghi tên họ vào nhanh lên! Làm toán áp dụng bài học mà tôi vừa giảng.

Thôi chết rồi nãy giờ Trầm không để ý gì đến bài thầy giảng cả. Rồi làm sao mà làm toán đây... Tại "khỉ" Hân cứ như... quỉ.

- Hân này! Có đưa cái vòng lại đây cho người ta không?

- Trả đây không có thèm đâu!

Con Hân quay xuống ném cái vòng mặt nó lại vênh lên ngó thương không nổi...

Trầm ngồi loay hoay vẽ mãi mới xong cái hình. Bây giờ mới thực là... nan giải. Khó quá làm sao đây!... Mười lăm, hai mươi phút... rồi nửa giờ. Chết rồi! Gần hết giờ rồi. Hai cây kim đồng hồ bây giờ lại xê dịch nhanh kinh khủng. Con Vân, con Thanh ngồi cắn bút. Minh Thu lại nhăn nhó:

- Khó quá! Mi làm được chi không Trầm?

Dãy bàn bên kia Kim Chi, Ngọc, Nga đổi giấy hỏi nhau ầm cả lên... Chỉ còn năm phút nữa thôi. Nhìn tờ giấy còn trắng của mình, Trầm lo lắng hết sức... chịu zéro vậy chứ làm sao bây giờ!

Trầm run run đưa bài nộp. Thầy giáo nhìn Trầm nghiêm nghị:

- Trầm hư lắm! Bài toán có gì khó đâu mà không làm được. Lúc nãy ngồi làm gì?

Hình như có cái gì nghèn nghẹn nơi cổ. Trầm lặng im cúi mặt nghe cay cay ở mắt. Bài toán không có gì khó sao Trầm không làm được. Hai giờ học qua rồi sao Trầm không ghi nhận thêm được điều chi cả. Chỉ có tờ giấy làm bài để trắng. Nhớ đến khoảng giấy còn trống trơn ấy lòng Trầm nao nao tủi hổ. Chắc là thầy giáo giận Trầm ghê lắm. Nếu mà biết chuyện, chắc là ba mẹ cũng sẽ buồn nhiều. Trầm không ngoan nữa rồi. "Trầm hư lắm!..." Đôi mắt Trầm mờ dần. Giòng nước mắt nóng bỏng lăn dài trên má Trầm.


Thái thị Thục Trầm     

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 103, ra ngày 1-4-1969)


Thứ Tư, 22 tháng 5, 2019

Những Ngày Cuối Năm


Hương đứng nhìn những vũng nước loang lổ ở khắp sân trường lòng chợt buồn man mác. Từng chùm phượng đỏ ối đong đưa theo gió chiều như gợi trong Hương hình ảnh chia ly của ba tháng hè sắp đến. Xa lớp học, xa những khuôn mặt thân ái của bạn bè, những ngày cuối năm đối với Hương bây giờ là khoảng thời gian kéo dài sự luyến tiếc và bao nhiêu kỷ niệm trong tâm hồn. Một bàn tay đập nhẹ lên vai khiến Hương giật mình quay lại:

- Mơ mộng gì đó, ngồi xuống đây chơi với Linh.

Tiếng trong trẻo của cô bạn gái xinh xinh với mái tóc Nhật bản khiến Hương chợt thấy vui lạ lùng. Ngồi xuống cạnh hắn Hương vui vẻ:

- Mấy hôm nay bồ có thư của chị ấy không?

Hắn mỉm cười bí mật đưa tay vuốt mái tóc làm duyên, lảng sang chuyện khác:

- Linh định lập nhóm viết báo đó mà không biết lấy biệt hiệu gì bây giờ.

Một ý nghĩ thoáng qua trí Hương khiến Hương chợt nhớ đến cô quốc văn: hay là mình họp các bạn làm báo để tặng cô vậy, chỉ có thế mà mình chả nghĩ ra. Hương đập tay vào vai Linh khiến hắn giật mình:

- Gì vậy?

- Hương chợt nghĩ đến cái này hay lắm.

Đoạn Hương trầm giọng nói nhỏ chỉ đủ cho hắn nghe:

- Cuối năm rồi đó, mình nên làm một tập san để tặng cô Phương đi, coi như món quà lưu niệm vậy mà, bồ chịu không. Hương sẽ mời nhóm bồ cộng tác.

Linh gật đầu cười má lúm đồng tiền trông xinh tệ.

- Ừ, ý kiến hay, có điều còn hai tuần nữa nghỉ học rồi sợ không kịp.

Hương nhăn mặt:

- Gì mà không kịp, miễn mình có thiện chí cố gắng là được, mình chép tay chứ bộ quay Ronéo sao mà sợ lâu, mình làm một quyển để tặng cô thôi nếu không kịp thì hè đến nhà cô chứ đừng trao tại lớp. Bây giờ bồ với Hương lo thuyết phục các bạn gởi bài rồi mình sẽ nhờ Phi chọn bài giùm, bồ đồng ý không?

Nhỏ Linh có biệt hiệu là Linh "nheo" gật đầu hăng hái làm Hương thấy tin tưởng ghê nơi.

Những ngày sau cả bọn bận rộn với công việc làm báo nên chả còn thì giờ dzung dzăng dzung dzẻ như trước. Cứ ăn cơm trưa xong là Hương lo dzọt đến trường sớm chứ không thong thả như mọi khi, thì giờ đối với Hương mấy lúc rày còn quí hơn vàng nữa. Mấy nhỏ em Hương thấy thế thì ngạc nhiên lắm lắm mà chúng có rủ đi chơi cũng chả thèm đi để ngồi mà nghĩ văn chứ. Chọn bài xong thì đến việc đặt bút hiệu cho mỗi đứa và cho tờ báo nữa. Thật là khổ, cứ đứa này bàn ra, đứa kia tán vào chả đứa nào chịu để tên thật của mình cả. Hằng Nga thì cứ luôn miệng hỏi Hương:

- Chọn bút hiệu gì giờ, bồ chọn giùm ta đi.

Hương đáp đại:

- Lấy bút hiệu Ngọc Thố đi, chả ai biết bồ đâu.

Thế mà con nhỏ chịu ghê còn cười toe toét nữa đấy. Chọn cho các bạn cả rồi Hương mới chợt nhớ đến mình. Chết thật, chả nghĩ ra bút hiệu gì nữa cả. Thùy Nhung đề nghị:

- Bồ lấy bút hiệu Hydro đi, tên bồ có hai chữ H, H 2 chính là ký hiệu của chất đó rồi còn gì nữa.

Hương gật đầu:

- Ừ, nghe nó là lạ.

Như vậy là xong một việc, còn tên tờ báo cả bọn bàn luận một hồi và đồng ý chọn "Hoa học trò" làm tên tờ báo. Thế là chỉ còn việc trình bày và bài vở. Hương mua giấy vẽ bìa rồi nhờ Ngọc Nhạn trình bày ở trong. Chưa gì mà cả bọn đã trầm trồ: xinh ghê nơi, dễ thương ghê nơi... thật rối rít cả lên. Tụi Hương nhờ Phi viết bài giùm và cứ dặn lui dặn tới:

- Viết thật đẹp, thật cẩn thận đấy nhé, phải rõ ràng, không được viết sai đấy... v.v... và v.v... Ôi thôi  đủ thứ khiến hắn phát cáu lên, tụi Hương phải nhờ đến hàng đậu đỏ bánh lọt mới dịu được cơn giận của hắn ta.

Mấy ngày sau, Hương luôn đến nhà Phi để thăm chừng tờ báo không quên đốc thúc hắn luôn miệng:

- Này, bồ viết lẹ lên chỉ còn bốn ngày nữa nghỉ hè rồi.

- Trời ơi, mấy bồ không biết đấy chứ, ngồi viết cái này khổ lắm. Sợ viết sai mấy bồ cằn nhằn nên phải dò thật kỹ, phải nắn nót cho vừa lòng mấy bồ, viết nhanh thì sợ xấu đi, phải luôn súc viết, chọn mực đúng màu biết bao nhiêu thứ còn phải nghĩ kiểu chữ để viết cho đẹp nữa chứ.

Nghe hắn tả oán mà Hương thấy tội nghiệp nên an ủi:

- Tụi này biết bồ đầy thiện chí mà, nên chả dám nhờ ai hết phải nhờ đến bồ mới được, thì gắng gắng đấy nhé.

- Đừng có lo, thiện chí có thừa.

Cả hai đứa nhìn nhau cười vui vẻ...

*

Chiều hôm sau đi học đến giờ ra chơi Phi vội kéo Hương xuống bàn hắn rồi với gương mặt thảm não hắn lôi từ trong cặp tờ báo thân yêu đã bị lem luốc cả một khoảng bìa. Hương sững sờ muốn khóc, nhẹ lật từng trang lòng thấy đau như cắt. Hương hỏi hắn qua dáng giận dỗi:

- Sao vậy?

- Tối hôm qua Phi ngồi viết nốt mấy trang còn lại vừa xong thì thấy buồn ngủ quá nên để giữa bàn chứ không cất vào tủ. Không ngờ nửa đêm trời đổ mưa tạt vào ướt lem hồi nào sáng ra mình mới biết.

Phi chợt nghẹn giọng. Hương nhìn hắn an ủi:

- Thôi kệ, mình lại làm bìa khác. Cứ để như vậy chỉ tháo tấm bìa ngoài ra rồi dán bìa mới vào. Bồ viết xong rồi hở?

Phi khẽ gật đầu. Hương cất tờ báo vào cặp thì có tiếng chuông reng vào lớp. Suốt buổi chiều Hương chả nghe được một lời giảng nào cả vì tâm trí cứ nghĩ đến tờ báo thân yêu mà thấy buồn.

*

Bãi học về đến nhà, Hương chợt thấy dáng anh Trường ngồi ở Sa lông.

Nỗi buồn trong Hương như vơi đi. Hương ôm cặp chào anh và luôn miệng hỏi thăm tíu tít. Chả anh Trường đi lính lâu ngày nay mới về phép thăm nhà. Trông anh đen và gầy quá cỡ. Sau buổi ăn tối Hương vội dùng ba tấc lưỡi để thuyết phục anh vẽ bìa cho báo. Lâu lâu mới nhờ anh một chút chớ lỵ, lúc đầu anh nhăn mặt không chịu:

- Eo ui thấy khiếp, vẽ cái này Hương phải biết ít nhất cũng ba ngày.

- Anh vẽ đơn sơ được rồi đâu cần phải rườm rà.

- Thôi vẽ cho mấy cô đã tốn công rồi lại sợ chê lên chê xuống nữa.

- Không có đâu.

Tối hôm ấy Hương theo năn nỉ anh muốn gãy lưỡi, sau cùng anh đành nhượng bộ cái tài "nói dai như cóc cắn" của đứa em gái và xuống giọng:

- Thôi, lấy ra đây vẽ cho rồi. Cứ đi theo năn nỉ hoài như người ta thiếu nợ cô không bằng.

Hương chỉ chờ có thế vội lôi từ hộc tủ giấy, cọ, màu nước tất cả đều mới và nguyên vẹn:

- Anh vẽ đẹp đẹp nhé.

- Không biết, còn phải tùy hứng nữa. Thôi đi chỗ khác cho người ta làm việc.

Chả dám cãi lời sợ anh đổi ý thì nguy nên Hương vội rút lên lầu và vì cơn buồn ngủ đang hoành hành nên Hương lên giường đánh giấc chứ không chờ xem tác phẩm của ông anh yêu quí.

*

Ngày hoàn tất tờ tập san là ngày cuối cùng của niên học, Hương giở nhẹ từng trang giấy nâng niu chẳng khác gì em bé mới được búp bê. Cả bọn xúm nhau lại trầm trồ:

- Trời ơi, Hydro vẽ chì ác, bìa "tuyệt" ghê đi.

Ngọc Linh liến thoắng.

- Nhất rồi đó nghe bồ.

Hương mỉm cười sung sướng nhưng không muốn lạm dụng tài năng của kẻ khác nên lên tiếng phân minh cùng cả bọn:

- Anh Hương vẽ đó, chứ có phải Hương đâu.

- Vậy là nhóm mình hên ghê đó Hương nhỉ.

- Ừ, hên thật, các bồ phải nhớ công lao thuyết phục của tớ đó.

- Được rồi, tụi này sẽ đãi bồ kem Dzũng mấy bồ chịu không?

Cả bọn tán thưởng cái ý kiến có vẻ hợp tình hợp lý của Linh "nheo".

Hương nhìn tờ báo:

- Bây giờ định ngày nào đến nhà cô Phương đây? 

Ngọc Anh lên tiếng:

- Ngày mai nhé, mai rảnh chứ mốt ta mắc đi hướng đạo rồi.

Thùy Nhung phản đối:

- Không được, mai nhà ta có giỗ. 

- Ham ăn quá trời.

- Đâu có, phải ở nhà phụ việc chứ.

Hương quay sang hỏi Ngọc Anh:

- Bồ đi hướng đạo buổi sáng hay buổi chiều?

- Buổi sáng.

- Vậy chiều mốt tụi mình đi, mấy bồ đồng ý không?

Cả bọn gật đầu cười, mặt đứa nào cũng hí hửng. Tưởng tượng đến lúc bước chân vào nhà cô, Hương nghe một niềm vui len nhẹ vào hồn lẫn cái cảm giác nao nao lo sợ. Hương nhìn tụi nó, mặt đứa nào cũng dễ yêu quá trời, tự nhiên Hương buột miệng:

- Vui quá chúng mày nhỉ?

Quỳnh Dung lên tiếng:

- Đi đến viếng kem Dzũng chứ, ta sốt ruột lắm rồi.

- Ừ, thì đi.

Cả bọn kéo nhau chạy xuống nhà để xe, những tà áo trắng phất phới trong  gió chiều trông tựa những cánh bướm của mùa hè.


HYDRO    

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 177, ra ngày 15-5-1972)
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>