Thứ Tư, 22 tháng 5, 2019

Những Ngày Cuối Năm


Hương đứng nhìn những vũng nước loang lổ ở khắp sân trường lòng chợt buồn man mác. Từng chùm phượng đỏ ối đong đưa theo gió chiều như gợi trong Hương hình ảnh chia ly của ba tháng hè sắp đến. Xa lớp học, xa những khuôn mặt thân ái của bạn bè, những ngày cuối năm đối với Hương bây giờ là khoảng thời gian kéo dài sự luyến tiếc và bao nhiêu kỷ niệm trong tâm hồn. Một bàn tay đập nhẹ lên vai khiến Hương giật mình quay lại:

- Mơ mộng gì đó, ngồi xuống đây chơi với Linh.

Tiếng trong trẻo của cô bạn gái xinh xinh với mái tóc Nhật bản khiến Hương chợt thấy vui lạ lùng. Ngồi xuống cạnh hắn Hương vui vẻ:

- Mấy hôm nay bồ có thư của chị ấy không?

Hắn mỉm cười bí mật đưa tay vuốt mái tóc làm duyên, lảng sang chuyện khác:

- Linh định lập nhóm viết báo đó mà không biết lấy biệt hiệu gì bây giờ.

Một ý nghĩ thoáng qua trí Hương khiến Hương chợt nhớ đến cô quốc văn: hay là mình họp các bạn làm báo để tặng cô vậy, chỉ có thế mà mình chả nghĩ ra. Hương đập tay vào vai Linh khiến hắn giật mình:

- Gì vậy?

- Hương chợt nghĩ đến cái này hay lắm.

Đoạn Hương trầm giọng nói nhỏ chỉ đủ cho hắn nghe:

- Cuối năm rồi đó, mình nên làm một tập san để tặng cô Phương đi, coi như món quà lưu niệm vậy mà, bồ chịu không. Hương sẽ mời nhóm bồ cộng tác.

Linh gật đầu cười má lúm đồng tiền trông xinh tệ.

- Ừ, ý kiến hay, có điều còn hai tuần nữa nghỉ học rồi sợ không kịp.

Hương nhăn mặt:

- Gì mà không kịp, miễn mình có thiện chí cố gắng là được, mình chép tay chứ bộ quay Ronéo sao mà sợ lâu, mình làm một quyển để tặng cô thôi nếu không kịp thì hè đến nhà cô chứ đừng trao tại lớp. Bây giờ bồ với Hương lo thuyết phục các bạn gởi bài rồi mình sẽ nhờ Phi chọn bài giùm, bồ đồng ý không?

Nhỏ Linh có biệt hiệu là Linh "nheo" gật đầu hăng hái làm Hương thấy tin tưởng ghê nơi.

Những ngày sau cả bọn bận rộn với công việc làm báo nên chả còn thì giờ dzung dzăng dzung dzẻ như trước. Cứ ăn cơm trưa xong là Hương lo dzọt đến trường sớm chứ không thong thả như mọi khi, thì giờ đối với Hương mấy lúc rày còn quí hơn vàng nữa. Mấy nhỏ em Hương thấy thế thì ngạc nhiên lắm lắm mà chúng có rủ đi chơi cũng chả thèm đi để ngồi mà nghĩ văn chứ. Chọn bài xong thì đến việc đặt bút hiệu cho mỗi đứa và cho tờ báo nữa. Thật là khổ, cứ đứa này bàn ra, đứa kia tán vào chả đứa nào chịu để tên thật của mình cả. Hằng Nga thì cứ luôn miệng hỏi Hương:

- Chọn bút hiệu gì giờ, bồ chọn giùm ta đi.

Hương đáp đại:

- Lấy bút hiệu Ngọc Thố đi, chả ai biết bồ đâu.

Thế mà con nhỏ chịu ghê còn cười toe toét nữa đấy. Chọn cho các bạn cả rồi Hương mới chợt nhớ đến mình. Chết thật, chả nghĩ ra bút hiệu gì nữa cả. Thùy Nhung đề nghị:

- Bồ lấy bút hiệu Hydro đi, tên bồ có hai chữ H, H 2 chính là ký hiệu của chất đó rồi còn gì nữa.

Hương gật đầu:

- Ừ, nghe nó là lạ.

Như vậy là xong một việc, còn tên tờ báo cả bọn bàn luận một hồi và đồng ý chọn "Hoa học trò" làm tên tờ báo. Thế là chỉ còn việc trình bày và bài vở. Hương mua giấy vẽ bìa rồi nhờ Ngọc Nhạn trình bày ở trong. Chưa gì mà cả bọn đã trầm trồ: xinh ghê nơi, dễ thương ghê nơi... thật rối rít cả lên. Tụi Hương nhờ Phi viết bài giùm và cứ dặn lui dặn tới:

- Viết thật đẹp, thật cẩn thận đấy nhé, phải rõ ràng, không được viết sai đấy... v.v... và v.v... Ôi thôi  đủ thứ khiến hắn phát cáu lên, tụi Hương phải nhờ đến hàng đậu đỏ bánh lọt mới dịu được cơn giận của hắn ta.

Mấy ngày sau, Hương luôn đến nhà Phi để thăm chừng tờ báo không quên đốc thúc hắn luôn miệng:

- Này, bồ viết lẹ lên chỉ còn bốn ngày nữa nghỉ hè rồi.

- Trời ơi, mấy bồ không biết đấy chứ, ngồi viết cái này khổ lắm. Sợ viết sai mấy bồ cằn nhằn nên phải dò thật kỹ, phải nắn nót cho vừa lòng mấy bồ, viết nhanh thì sợ xấu đi, phải luôn súc viết, chọn mực đúng màu biết bao nhiêu thứ còn phải nghĩ kiểu chữ để viết cho đẹp nữa chứ.

Nghe hắn tả oán mà Hương thấy tội nghiệp nên an ủi:

- Tụi này biết bồ đầy thiện chí mà, nên chả dám nhờ ai hết phải nhờ đến bồ mới được, thì gắng gắng đấy nhé.

- Đừng có lo, thiện chí có thừa.

Cả hai đứa nhìn nhau cười vui vẻ...

*

Chiều hôm sau đi học đến giờ ra chơi Phi vội kéo Hương xuống bàn hắn rồi với gương mặt thảm não hắn lôi từ trong cặp tờ báo thân yêu đã bị lem luốc cả một khoảng bìa. Hương sững sờ muốn khóc, nhẹ lật từng trang lòng thấy đau như cắt. Hương hỏi hắn qua dáng giận dỗi:

- Sao vậy?

- Tối hôm qua Phi ngồi viết nốt mấy trang còn lại vừa xong thì thấy buồn ngủ quá nên để giữa bàn chứ không cất vào tủ. Không ngờ nửa đêm trời đổ mưa tạt vào ướt lem hồi nào sáng ra mình mới biết.

Phi chợt nghẹn giọng. Hương nhìn hắn an ủi:

- Thôi kệ, mình lại làm bìa khác. Cứ để như vậy chỉ tháo tấm bìa ngoài ra rồi dán bìa mới vào. Bồ viết xong rồi hở?

Phi khẽ gật đầu. Hương cất tờ báo vào cặp thì có tiếng chuông reng vào lớp. Suốt buổi chiều Hương chả nghe được một lời giảng nào cả vì tâm trí cứ nghĩ đến tờ báo thân yêu mà thấy buồn.

*

Bãi học về đến nhà, Hương chợt thấy dáng anh Trường ngồi ở Sa lông.

Nỗi buồn trong Hương như vơi đi. Hương ôm cặp chào anh và luôn miệng hỏi thăm tíu tít. Chả anh Trường đi lính lâu ngày nay mới về phép thăm nhà. Trông anh đen và gầy quá cỡ. Sau buổi ăn tối Hương vội dùng ba tấc lưỡi để thuyết phục anh vẽ bìa cho báo. Lâu lâu mới nhờ anh một chút chớ lỵ, lúc đầu anh nhăn mặt không chịu:

- Eo ui thấy khiếp, vẽ cái này Hương phải biết ít nhất cũng ba ngày.

- Anh vẽ đơn sơ được rồi đâu cần phải rườm rà.

- Thôi vẽ cho mấy cô đã tốn công rồi lại sợ chê lên chê xuống nữa.

- Không có đâu.

Tối hôm ấy Hương theo năn nỉ anh muốn gãy lưỡi, sau cùng anh đành nhượng bộ cái tài "nói dai như cóc cắn" của đứa em gái và xuống giọng:

- Thôi, lấy ra đây vẽ cho rồi. Cứ đi theo năn nỉ hoài như người ta thiếu nợ cô không bằng.

Hương chỉ chờ có thế vội lôi từ hộc tủ giấy, cọ, màu nước tất cả đều mới và nguyên vẹn:

- Anh vẽ đẹp đẹp nhé.

- Không biết, còn phải tùy hứng nữa. Thôi đi chỗ khác cho người ta làm việc.

Chả dám cãi lời sợ anh đổi ý thì nguy nên Hương vội rút lên lầu và vì cơn buồn ngủ đang hoành hành nên Hương lên giường đánh giấc chứ không chờ xem tác phẩm của ông anh yêu quí.

*

Ngày hoàn tất tờ tập san là ngày cuối cùng của niên học, Hương giở nhẹ từng trang giấy nâng niu chẳng khác gì em bé mới được búp bê. Cả bọn xúm nhau lại trầm trồ:

- Trời ơi, Hydro vẽ chì ác, bìa "tuyệt" ghê đi.

Ngọc Linh liến thoắng.

- Nhất rồi đó nghe bồ.

Hương mỉm cười sung sướng nhưng không muốn lạm dụng tài năng của kẻ khác nên lên tiếng phân minh cùng cả bọn:

- Anh Hương vẽ đó, chứ có phải Hương đâu.

- Vậy là nhóm mình hên ghê đó Hương nhỉ.

- Ừ, hên thật, các bồ phải nhớ công lao thuyết phục của tớ đó.

- Được rồi, tụi này sẽ đãi bồ kem Dzũng mấy bồ chịu không?

Cả bọn tán thưởng cái ý kiến có vẻ hợp tình hợp lý của Linh "nheo".

Hương nhìn tờ báo:

- Bây giờ định ngày nào đến nhà cô Phương đây? 

Ngọc Anh lên tiếng:

- Ngày mai nhé, mai rảnh chứ mốt ta mắc đi hướng đạo rồi.

Thùy Nhung phản đối:

- Không được, mai nhà ta có giỗ. 

- Ham ăn quá trời.

- Đâu có, phải ở nhà phụ việc chứ.

Hương quay sang hỏi Ngọc Anh:

- Bồ đi hướng đạo buổi sáng hay buổi chiều?

- Buổi sáng.

- Vậy chiều mốt tụi mình đi, mấy bồ đồng ý không?

Cả bọn gật đầu cười, mặt đứa nào cũng hí hửng. Tưởng tượng đến lúc bước chân vào nhà cô, Hương nghe một niềm vui len nhẹ vào hồn lẫn cái cảm giác nao nao lo sợ. Hương nhìn tụi nó, mặt đứa nào cũng dễ yêu quá trời, tự nhiên Hương buột miệng:

- Vui quá chúng mày nhỉ?

Quỳnh Dung lên tiếng:

- Đi đến viếng kem Dzũng chứ, ta sốt ruột lắm rồi.

- Ừ, thì đi.

Cả bọn kéo nhau chạy xuống nhà để xe, những tà áo trắng phất phới trong  gió chiều trông tựa những cánh bướm của mùa hè.


HYDRO    

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 177, ra ngày 15-5-1972)
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>