Chủ Nhật, 19 tháng 5, 2019

Nhà Sư Nhập Thế


Từ xa, khói lửa bốc ngùn ngụt. Gió gặp lửa càng thêm mạnh. Lửa gặp gió càng thêm oai. Tiếng kêu khóc của trẻ con, của những cụ già vì gươm giáo giết chóc vang dậy cả một vùng trời. 

Sư Tuệ Không cùng tên đạo đồng vội vã ra khỏi chùa, quay nhìn về làng cũ đương đẫm mình trong khói lửa. Nhà sư nức nở:

- Trời ơi! Giặc Minh lại đốt phá thêm một quê hương yêu dấu của ta. Còn mẹ ta...

Sư bỗng cau mày, mím chặt môi, đoạn đâm sầm chạy. Tên đạo đồng thất sắc vội chạy theo, nắm tay thầy lại:

- Bạch sư phụ!  Sư phụ nên quay về chùa. Giặc dữ tợn, đốt hết cả làng. Sư phụ về đấy chỉ làm mồi cho chúng!

Nhà sư gạt ngang:

- Không. Không. Còn mẹ ta! Mẹ già ta cần nhờ ta bảo vệ...

Tên đạo đồng vẫn không rời bỏ tay thầy:

- Bạch sư phụ! Một mình sư phụ làm sao bảo vệ nổi bà? Sư phụ chỉ chết theo bà mà thôi!

- À, ta sẽ chết theo bà! Ta rất hài lòng...

Tên đạo đồng nước mắt chứa chan, nhưng không chán nản, vẫn nằn nì:

- Sư phụ chết uổng! Ai tụng kinh siêu độ vong hồn bà?

Sư Tuệ Không dừng lại, tay vỗ trán, thở dài:

- À, con nói cũng phải...

Rồi nhà sư lẩm bẩm một giọng run run:

- Già rồi. Chạy sao kịp. Chắc khó thoát khỏi. Nam mô A Di Đà Phật!

Nhà sư bỗng nấc lên mấy tiếng nghẹn ngào. Nước mắt đổ dầm xuống má. Tên đạo đồng thẫn thờ, đưa cánh tay áo nâu lau qua đôi mắt mờ vì đọng lệ.

Đàng xa, tiếng hò hét của lũ giặc Minh, tiếng kêu khóc thê thảm của dân chúng con vang lên như xé nát cõi lòng ai!

*

Đêm nay, bên cạnh một con đồi, Hưng Long Tự đang chìm mình trong sương lạnh.

Trong chùa, dưới ánh đèn lưu ly bên cạnh một đỉnh trầm con, khói lên nghi ngút, sư Tuệ Không ngồi đọc kinh trước Phật đài. Cũng quyển kinh mà nhà sư hằng đêm ngày say sưa tụng niệm ; và cũng quyển kinh ấy, nhà sư tìm thấy trong đó chất chứa biết bao ý tưởng  cao siêu, mầu diệu... nhưng hôm nay nhà sư lại cảm thấy vô vị lạ thường!

Nhà sư nghẹn ngào, để mấy giọt nước mắt rơi xuống làm nhòe mấy chữ son trong quyển kinh.

Cái ý nghĩa đọc kinh cứu khổ chúng sanh không đè nén được nỗi băn khoăn, lo nghĩ, nhớ thương của một tín đồ sùng đạo đối với tình mẫu tử. Rồi nhà sư bắt đầu thấy lòng mình như muốn trở lại cõi trần!

Vì...

Chiều rồi, sau cuộc khói lửa tên bay, nhà sư lần mò về quê hương thăm mẹ thì than ôi, cả gần một thôn đều làm mồi cho ngọn lửa, một số người đã bị giặc giết chết. Mẹ nhà sư vì già yếu, chạy không kịp nên bị giặc bắt chặt cổ, bỏ thây xuống dòng sông...

Tưởng rằng lìa cõi trần tục, vào chốn thiền môn, đọc kinh cầu xin siêu thoát, nhưng hôm nay bóng của người mẹ già bị chết một cách thê thảm ; và cảnh điêu linh, tang tóc của đồng bào chán chường quá làm nhà sư muốn quay lại với cõi trần, để làm một việc gì cho tròn hiếu đạo!

Nước mất nhà tan, sinh linh thống khổ, không được giải thoát ở hiện tại thì sao lại đọc kinh cầu xin giải thoát ở kiếp sau?

Nhưng trở lại với cõi trần hủy bo bao nhiêu năm công phu tu niệm, sư Tuệ Không cảm thấy như có một vật gì đè nặng ở tâm tư.

Cảm động, nhà sư gục đầu xuống bệ.

Nhưng rồi nhà sư lại ngẩng mặt lên nhìn Phật. Trên Phật đài, Phật vẫn chắp tay tĩnh tọa trên tòa sen, im lìm như bình thản trước cảnh tang thương thăng trầm của thế sự!

.......

- Bạch thầy! Từ rày bà không còn lên đây để viếng chùa lạy Phật, thăm chúng ta nữa. Mà chùa ta cũng vắng khách thập phương. Con buồn nhớ, đau khổ quá!

Nhìn tên đạo đồng trân trối, sư Tuệ Không nghẹn ngào, im lặng. Hai giọt nước mắt bỗng lăn tròn trên đôi má võ gầy.

Tỏ vẻ hối hận, tên đạo đồng chắp tay trước ngực, cúi đầu xuống:

- Bạch thầy! Con xin tạ lỗi, vì khêu động lòng sầu của thầy!

- Không. Con đâu có lỗi chi.

Rồi sư Tuệ Không lại gục mặt xuống, lẩm bẩm:

- Ta lỗi! Ta lỗi!

- Bạch thầy...

Ngẩng mặt lên, sư Tuệ Không ngắt lời, nói qua đôi dòng nước mắt:

- Phải. Ta lỗi! Vì ta không ở bên cạnh mẹ già để che chở phần nào cho người trong tuổi bóng xế chiều nghiêng... trong lúc mà cuộc sống của người cũng như của cả đồng bào luôn luôn bị đe dọa vì bọn xâm lược khát máu.

Tên đạo đồng buồn bã, tỏ vẻ lo lắng:

- Chắc nay mai giặc sẽ đến đây. Chùa ta ắt bị đốt. Tính mạng của thầy trò ta cũng khó an toàn. Nam mô cứu khổ cứu nạn Quan Thế Âm Bồ Tát!

- Phải. Con nói đúng. Có hẻm hóc nào mà giặc không đổ đến. Có ai mà không bị chúng giết chóc, mặc dầu là thầy tu. Họa chăng chỉ có bọn gian bán nước cầu vinh, làm tẩu cẩu trung thành cho chúng... Nhưng chúng ta là người, chúng ta đâu thể úy tử tham sanh mà đành phản bội Tổ quốc, giống nòi hay cam mình chịu trói. Chúng ta phải cùng đồng bào ra sức chận đứng chúng lại, đuổi chúng đi.

Nhìn vẻ mặt ngạc nhiên của tên đạo đồng, sư Tuệ Không nói tiếp với giọng cương quyết:

- Phật đã chiến thắng bọn Ma vương vì Phật là chánh, Ma vương là tà. Ta sẽ thắng giặc, vì giặc là tà, con ạ!

Ngồi trước hàng ba chùa, thầy trò im lặng, đăm đăm mắt nhìn từ xa dưới làng mạc còn vài cuộn khói đen ngùn ngụt, như đeo đuổi những ý nghĩ xa xôi.

Cảnh chùa hiu quạnh.

Bóng chiều đã ngả, ánh nắng vàng lợt lạt, thoi thóp trên hàng liễu rủ bên mái hiên chùa.

*

Khuya lắm rồi, dưới ánh đèn lưu ly bên cạnh một đỉnh trầm đã tắt, sư Tuệ Không ngồi trầm ngâm như pho tượng trước quyển kinh mới đọc nửa chừng. Hình bóng oan khổ của người mẹ già cứ ám ảnh mãi trước mắt. Tình cảm trần thế lại đè nặng tâm tư. Nhà sư gục đầu xuống bệ, thổn thức, khẩn khoản:

- Bạch đức Thế tôn! Cõi trần đầy hệ lụy. Đệ tử công tu siển bạc, đâu dám có lòng quyến luyến, vọng tưởng đến trần thế. Nhưng...

Sư Tuệ Không ngẩng mặt lên, nhìn Phật.

Phật vẫn im lìm.

Nhưng, đôi mắt hiền từ của vị Giáo chủ từ bi độ thế, nhìn chúng sinh một cách vô tư, sư cảm thấy có một sự hỉ xả vô biên. Phải rồi, Phật đã từng dạy: "Chừng nào chúng sinh thành Phật, ta mới thành Phật", "nước mắt chúng sinh trên ba ngàn thế giới còn hơn nước của bốn đại dương". Vì thế, Phật đã từng chịu khổ hạnh gian nan để tìm con đường giải thoát cho chúng sinh, bởi thông cảm sâu xa cái khổ của loài người đương quằn quại trong biển trầm luân, đắm chìm trong hệ lụy.

Cái cử chỉ im lìm, dường bất động của đức Phật, biết đâu nó đã che giấu thầm kín mối đau khổ vĩ đại vì cái đau khổ của loài người!

Hiểu rõ tinh thần nhập thế sâu xa của đạo, sư Tuệ Không thấy mình đâu còn yên lòng nghĩ đến cảnh cực lạc, thiên đường cho cá nhân khi nhắm mắt, hay hạnh phúc cho riêng mình trong kiếp sinh hóa mà phải năm tháng đợi chờ... bằng sớm kệ chiều kinh.

Cảnh cực lạc cho cá nhân hay hạnh phúc riêng mình làm sao được trước gót giày của bọn xâm lăng khát máu như bọn quỷ sứ, Ma vương giày xéo quê hương đất nước, tàn sát đồng bào? Phải chăng làm tròn bổn phận với Đời tức làm tròn bổn phận với Đạo...

Thác nước bên đồi vẫn đổ dội triền miên trong đêm vắng. Gió thổi rì rào tạt vào khe cửa làm ngọn đèn lưu ly trên bàn Phận bơ phờ muốn tắt. Gục đầu bên bệ kinh trước Phật đài, lòng sư Tuệ Không tê tái.

Một vài con cú ăn đêm bay ngang buông thõng một giọng não nùng.

......

Rồi một sáng bình minh, cảnh vật còn mờ trong sương sớm, sư Tuệ Không cùng tên đạo đồng quảy gói, từ giã mái chùa thân yêu, hăng hái ra đi. Nhà sư bắt đầu nhập thế, xếp cà sa mặc chiến bào.

Tuy đi đã xa, nhưng thỉnh thoảng thầy trò còn quay nhìn lại cảnh chùa xưa, buông khẽ tiếng thở dài não nuột như còn luyến tiếc mùi thiền.


NGUYỄN TỬ QUANG    

 (Trích tuần báo Thiếu Nhi số 16, ra ngày 28-11-1971)

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>