Thứ Tư, 1 tháng 5, 2019

Tấm Thảm Cứu Mạng


Thời xưa, một hôm vua thành Constantinople (1) (Công-tăng-ti-nốp) đi thăm dân miền Kurdes, cùng với một đoàn tùy tùng đông đảo. Tuy đường xa cách trở, nhưng hoàng tử cũng xin đi theo cha. Qua nhiều ngày xuyên rừng, leo núi thật là vất vả, một sáng đẹp trời nọ, đoàn người đã tiến gần chỗ đông dân cư. Nhà vua ra lệnh cho bọn lính hầu tìm nơi thuận tiện hạ trại để nghỉ ngơi vài ngày, trước khi tới Kurdes.

Gần đó có một làng đang lúc mở phiên chợ. Người ta đem bán đủ mọi thứ hàng và ngựa, món hàng đặc biệt do dân làng sản xuất là thảm dệt. Đoàn tùy tùng và hoàng tử đi xem cảnh chợ, chợt có một thiếu nữ xuất hiện khiến hoàng tử phải chú ý. Chàng tìm cách làm quen với cô gái quê hiền dịu kia. Đôi bên nói chuyện ra chiều hợp ý nhau lắm. Lúc trở về dinh trại, hoàng tử thú thật với vua cha nỗi lòng thầm kín, và xin ngài cho cưới người con gái làm vợ.

Nhà vua thấy con trai mình tỏ ý muốn gá nghĩa với con nhà bình dân thì ngài không bằng lòng, nên gạt đi:

- "Con ơi! Cha đã dạm hỏi con gái một nhà quyền quí ở kinh thành cho con rồi. Sao con muốn lấy một đứa nhà quê nghèo dốt như vậy?"

Nhưng hoàng tử vẫn một mực giữ ý mình, không chịu nghe lời vua cha. Chàng quyết ở lại với người con gái quê mùa kia trọn đời, ngay tại nơi chôn nhau cắt rốn của nàng.

Vua cha thấy vậy cũng chìu theo ý con, tuy bụng ngài rất buồn rầu. Ngài cho lính đi tìm thiếu nữ nọ.

Khi bọn lính dẫn nàng tới gặp mặt vua, ngài hỏi:

- "Ta muốn dạm hỏi nhà ngươi cho con trai yêu của ta, vậy thì ngươi có ưng chịu làm vợ nó chăng?"

Thiếu nữ điềm nhiên hỏi lại nhà vua:

- "Tâu đức vua, con trai của ngài có học làm nghề gì hay chưa?"

Vua nghe câu hỏi lạ tai như vậy rất ngạc nhiên, và hỏi lại cô gái:

- "Này con, sao mà con hỏi ngớ ngẩn quá vậy, nó là con vua thì cần chi còn phải học nghề?"

Cô nàng không chịu thua, vẫn giữ vững ý định riêng mình. Nàng nói tiếp:

- "Tâu đức vua, con không cần biết chàng là hoàng tử hay một gã thường dân. Con chỉ ưng làm vợ một người trai có nghề, nếu không con chẳng chịu lấy chàng đâu."

Mặc cho nhà vua cạn lời khuyên giải, cô gái quê vẫn chẳng hề thay đổi ý kiến.

*

Khi đức vua đã rời nơi nghỉ tạm ra đi, thì hoàng tử vẫn ở lại đó, và xin học nghề dệt thảm.

Chàng vốn thông minh lại khéo tay lắm, nên mới học được một năm mà những tấm thảm do chính tay chàng dệt đã công phu, tỉ mỉ lắm.

Bấy giờ hoàng tử gặp lại cô gái để xin hỏi nàng làm vợ, thiếu nữ liền ưng thuận ngay. Vài ngày sau, hai người sửa soạn lên đường về kinh ra mắt đức vua để xin làm đám cưới. Ngài rất vui mừng, mở tiệc đãi quần thần và tất cả dân chúng trong thành suốt 7 ngày liên tiếp.

*

Ít lâu sau, hoàng tử nghe đồn có một quán ăn ngon nhất vùng, chàng muốn tìm đến tận nơi xem sao. Hoàng tử cải trang giả dạng người đi bán thảm dệt, tìm đến quán ăn, tính làm một bữa no nê thỏa thích. Chàng đi tới một vùng hẻo lánh xa kinh đô, nơi có một cây cầu xây từ lâu đã đổ nát thì tìm được quán cơm đó. Chàng có ngờ đâu, quán ăn ấy là sào huyệt của một bọn cướp chuyên vơ vét tiền của và giết người bỏ ngoài rừng.

Hoàng tử bước vào kêu món ăn, được chúng đưa vào một phòng nhỏ dành cho khách sang giàu. Nhưng đó là một nhà giam. Sau khi bọn cướp dọn một bữa ăn thật ngon, thì có bốn năm tên cầm dao xông vào bàn, tính giết hoàng tử để đoạt đồ hàng và tiền bạc.. Hoàng tử thấy vậy vẫn bình tĩnh nói với chúng:

- "Này anh em, hãy nghe tôi nói đã, nếu tôi chết thì có lợi ích gì cho các bạn? Chi bằng mỗi người hãy lấy chút tiền vàng này xài đỡ. Hãy để tôi sống ngay trong ngục tối này, tôi sẽ làm cho các anh em giàu lớn mãi. Tôi có nghề dệt thảm, hãy đem lại đây đủ đồ nghề, tôi sẽ dệt nhiều tấm thảm đẹp, bán được nhiều tiền lắm."

Bọn cướp nghe hiểu, không giết chàng, nhưng chúng vẫn nhốt trong ngục và bắt chàng dệt từ sáng tới khuya chẳng được nghỉ ngơi.

Tại kinh thành, vua và cả quần thần đều lo buồn, nhất là vợ mới cưới của hoàng tử thì buồn rầu khóc than đêm ngày. Tìm đâu cũng không ra hoàng tử.

Bọn cướp cũng nghe tin có vị hoàng tử mất tích, nhưng chúng không hề nghĩ rằng người thợ dệt kia chính là con trai của nhà vua.

Trong mấy tháng ròng, hoàng tử vừa phải làm việc mệt nhọc, mà lòng nhớ cha, thương vợ vẫn là mối lo phiền rất nặng nề, khiến chàng ốm yếu xanh xao. Bỗng ngày nọ, chàng chợt nảy ra ý định muốn loan tin về nhà, bằng cách thêu chữ lẫn vào một tấm thảm lớn và đẹp, ghi rõ nơi chàng đang bị giam và tên rõ rệt. Tấm thảm bán giá rất cao, để cho thường dân không đủ tiền mua, buộc bọn cướp phải mang vào triều đình bán cho nhà vua.

Quả thực không ai mua nổi tấm thảm quí giá đó, và bọn cướp bán được cho nhà vua, đúng giá đã định là một trăm đồng tiền vàng.

Vua cũng mừng vì mua được thảm quí, vội đem trải ra cho mọi người cùng thấy rõ. Vợ hoàng tử nhận ra kiểu dệt tinh vi ấy chính là lối dệt của chồng mình. Nàng thấy cả hàng chữ ghi tên quán ăn. Thế là vua sai lính đi lùng kiếm hoàng tử, bắt bọn cướp mang về trị tội.

Sau bọn lính kiếm được quán ăn, giải thoát cho hoàng tử, họ vội vã chạy về kinh phi báo. Nhà vua, vợ hoàng tử cùng đi đón. Cha con gặp gỡ thật cảm động, vợ chồng thấy mặt nhau mừng chảy nước mắt không nói nên lời.

Hoàng tử ngập ngừng bảo vợ:

- "Em à! Chính em cứu mạng anh đó, vì em đã khuyên anh học nghề. Hồi chúng mình chưa lấy nhau, anh học nghề dệt thảm chỉ vì quá yêu em, mong học cho rồi để em chịu chung sống với anh. Giờ đây, anh mới hiểu rõ lợi ích của nghề nghiệp, anh đã hiểu sức mạnh của việc làm. Anh không bị bọn cướp giết chết, công ơn đó đều nhờ nơi lòng chân thành yêu thương của em."

Thế mới hay tước quyền là hư ảo, tình yêu là sức mạnh có thể chuyển hóa cả cuộc sống.

Nhân dịp hoàng tử thoát nạn trở về đoàn tụ với gia đình, đức vua cho mở hội mừng bảy ngày liên tiếp, để quần thần và dân chúng đều được nghỉ ngơi trong những ngày vui mừng của hoàng gia.


Như Mỹ Diệu Liên kể 

----------------- 
(1) Tên mới bây giờ của thành phố Thổ-nhĩ-kỳ này là  Istanbul (hay Stamboul)


(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 40, ra ngày 1-3-1966)

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>