1
Giặt xong đống quần áo, đôi tay như muốn rã rời, Châu vươn vai đứng dậy, đi vào nhà bếp. Mới đó mà gần 11 giờ rồi. Mau quá! Phải làm cơm trưa cho kịp. Cậu gần về rồi. Thằng Tẻo cũng sắp đi học về. Thế là toi 1 buổi sáng!
Mặt trời nhảy múa. Những tia nắng chói chang chiếu xuống mặt đất thật khó chịu. Nóng quá! Trời nóng như vậy mà ổng mưa xuống thì cũng như đang khát nước được 1 ly nước đá chanh vậy. Biết không ông trời! Nhưng khó quá ông nhỉ? Bây giờ đang tháng nắng thì ông tha hồ mà "giận dữ". Tiếng xe cộ ồn ào ngoài phố nghe nhức óc, và khói xe hơi, xe gắn máy bay đến làm Châu muốn... xỉu luôn! Những lúc này Châu mới thấy cảnh đồng quê mấy ông văn sĩ tả trong sách thật là thấm thía: nào là thôn quê thoáng mát, nào là yên tĩnh, dễ chịu lắm... Châu thích ghê! Cậu định tháng tới khi thằng Tẻo nghỉ hè, cậu sẽ cho hai chị em về quê luôn ba tháng hè. Ý nghĩ "rời xa thành phố" làm Châu thích thú. Thành phố chật chội quá, nhà ở mà còn thiếu trước hụt sau vì thiếu đất nữa là... Về nhà ngoại thì phải biết, có vườn rộng thênh thang, ao thả cá, và tha hồ ăn trái cây. Nghe cậu tả mà bắt mê luôn.
Vừa rửa rau muống, Châu vừa sờ tay vào túi, làm một động tác rất quen thuộc... Ơ! Châu ngừng tay cứ ngỡ là lầm. Sao túi áo trống trơn vậy nè? Quái lạ! Mới đây mà, để coi. Chiếc đồng hồ ngân nga... 11 giờ rưỡi, chết thật! Trưa quá rồi. Đặt vội nồi rau lên bếp, Châu sờ túi trên, túi dưới, nhìn đằng trước, đằng sau, vẫn không thấy. Bực mình ghê lắm đấy! Trời lại nóng quá cỡ. Mồ hôi nhỏ từng giọt trên vầng trán đỏ ối. Trút tất cả bực tức vào chậu nước, Châu vùng vằng muốn khóc.
- Chị!!!
Có tiếng con bé hàng xóm kêu sau cổng, hẳn nó rủ Châu chơi ô cò với nó như hôm qua chứ gì? Đến lúc này thật không đúng lúc. Đang bực tức Châu nổi cáu:
- Về đi, Hương... mắc việc!
- Ơ! Sao chị... giận em đó à?
Thấy mình bực tức vô lý quá, Châu cố dịu giọng, cười gượng:
- Chị mắc bận quá! Để khi khác sang chơi Hương!
Rồi vội vã - rất vội vã - Châu phóng lên nhà:
- Mợ ơi, mợ thấy đồng bạc mười của con đâu không mợ?
Mợ vẫn mải miết may, không nhìn lên, tủm tỉm cười như không biết Châu đang nóng lòng đến 100 độ.
- Ai biết đâu, từ sáng đến giờ tao mắc trên này mà!
Ừ nhỉ. Rõ ngớ ngẩn thật. Giá như khi khác thì Châu đã vui vẻ: "Ơ! Con quên". Nhưng bây giờ... sao khó chịu ghê. Lại một phen lục lạo khắp nơi nữa. Xui quá. Nhìn cái gì Châu cũng mường tượng đến một đồng bạc cắc tròn, xanh xanh. Chắc chưa mất đâu. Thế nào mình cũng tìm được, Châu nhủ thầm.
- Cái gì sôi trong bếp đó Châu? Mở nắp ra!
Tiếng mợ oang oang trên nhà. Châu lại phải vào bếp. Đầu óc vẫn nghĩ đến đồng bạc mười. Này, trước khi giặt mình đã để trong túi mà. Châu nhớ rõ mà. Rồi khi giặt, Châu có đi chỗ nào đâu. Chắc mới mất đây thôi. Đột nhiên Châu khám phá ra cái túi áo bị rách, hèn chi. Vậy là,,, có hy vọng tìm lại được. Với tay lấy chiếc nón trên nóc tủ, Châu phóng ra ngoài với một hy vọng... nóng bỏng.
Một hồi, một hồi vẫn không thấy. Trưa lắm rồi chứ phải chơi à! Qua khung cửa kính, thấy cô con gái quý đứng mãi ở chỗ giặt quần áo, cúi khum lưng như tìm kiếm gì đó, thỉnh thoảng mợ lại nhắc: – Châu! Về coi nồi rau đi. Coi chừng hỏng hết đó.
Tìm hoài mà vẫn không thấy! Châu cũng không biết đứng đó bao lâu nữa. Mãi đến khi giật mình quay lại thì thấy mợ vào bếp sửa củi, gạt than. Những lần như vậy là mợ gián tiếp trách Châu không làm xong phận sự đó "Con gái gì mà ham chơi thôi". Mợ gay gắt:
- Tìm cái chi đó?
Châu run run trả lời:
- Đồng bạc mười mợ ơi! Cái đồng bạc cắc đó.
- Ôi thôi! Vậy mà cũng tiếc. Để tao cho 10đ khác.
- Thôi mợ à, con...
Mợ tiếp tục trở lên may đồ. Châu ngồi bên bờ giếng mà buồn ghê gớm. Đồng bạc mười của Châu mất rồi!!! Châu không tiếc 10đ (10đ mà ăn thua gì) nhưng tiếc những kỷ niệm về nó. Châu còn nhớ rõ. Năm ngoái khi quen anh Thanh, quen một cách rất tình cờ, đi chợ ngang qua dãy phố cư xá kiến thiết, Châu bị một con chó hung tợn rượt chạy có cờ. Vì đi guốc cao, Châu bị té và rớt cả giỏ thức ăn trong tay. Vạt áo dài trắng bị dính đầy đất. May có anh Thanh đi ngang, cứu Châu và đưa vào nhà băng bó. Vì con chó của anh mà Châu bị té. Hú hồn! Anh Thanh xin lỗi mãi. Rồi anh dìu Châu ra xe Lam, xuất tiền xe cho Châu về nhà. Châu không bằng lòng nhưng anh Thanh cứ đưa mãi, Châu phải nhận. Rồi Châu quen anh luôn.
Vô tình Châu giữ mãi đồng bạc mười của anh Thanh vì để quên trong xó tủ. Dần dần nó trở thành quen thuộc trong túi Châu. Những lần để nó lẫn lộn trong đám bạc cắc, Châu vỗ túi áo nghe âm thanh của đồng bạc chạm vào nhau "lóc cóc" thật vui tai. Rồi một hôm Châu đem sơn trên nó một làn sơn xanh cho khỏi lẫn lộn với những cái khác – Châu không hiểu tại sao nữa – Bây giờ đồng bạc sơn xanh thì thâm niên nhất trong túi áo Châu.
Mãi về sau Châu mới biết rằng anh Thanh là bạn học của anh An, anh của Châu. Nhớ lại hôm nào anh An dẫn anh Thanh đến nhà chơi, rồi kêu Châu ra giới thiệu. Mấy anh em cười "thân mật" quá.
Bây giờ anh An, anh Thanh đã đi học rồi. Châu muốn giữ 10đ để làm kỷ niệm cho vui. Thế mà mất rồi...
- Làm ăn như vậy hả Châu? Vào đây mà coi...
Mợ xuống bếp lần thứ hai và mợ mở nồi rau ra thì... Chao ội! Nó cạn hết nước rồi. Mợ gắt (lại gắt! Mợ hay thế đó!):
- Con gái như vậy đó! Để tao về nói với cậu mày...
Châu cúi đầu, một giọt nước mắt lăn trên má. Con gái mau khóc ghê! Rõ là Châu bị mắng... oan vì cứ nghĩ ngợi "xa xôi" mãi.
2
Là một khối bạc, em cũng như các bạn của em được nung nấu lên đến một nhiệt độ cao lắm. Rồi lại được đưa vào khuôn để đúc thành những đồng bạc, – hình như người ta còn gọi là tiền nữa thì phải – vật hữu dụng có thể đổi lấy đồ vật tương đương, như bánh kẹo hay một cuộn chỉ chẳng hạn. Em biết giá trị của em tương đối là nhỏ lắm, chỉ lớn hơn đồng một, đồng năm thường thấy mà thôi! Còn những đồng bạc giấy mới thật lợi hai, vì ích lợi lắm cơ. Nào là đồng 20, 50 cho đến đồng 100, 200 hoặc 500 v.v... Những "tấm" đó, cũng làm bằng chất giấy như đống giấy lộn vậy thôi. Thế mà có giá trị ghê lắm!!! Em nghĩ thế vì một lần em thấy ông người ta đổi tiền lẻ, một tấm hai trăm thôi mà lấy được một khối bạc như em, gói nặng thực là nặng ; vả, nếu không giá trị thì sao người ta có thể đánh đổi những "tấm" đó với đồ vật to lớn, quí giá?
Cuộc đời của đồng bạc như em đây thì xuôi ngược lắm! Thay chỗ ở luôn luôn vậy đó. Bây giờ ông này làm chủ, nhưng ngày mai, ngày mốt hoặc ngay bây giờ em có thể vào tay người khác liền. Như em đây, mới ra khỏi lò đúc chưa được một năm mà không biết đã qua tay bao nhiêu người rồi! Kể ra cũng thích vì "đi một quãng đường, học một tràng khôn", em được biết bao nhiêu là điều hay, mới lạ. Nhưng em không hiểu tại sao người ta thương chúng em đến thế? Chúng em đây nói chung là cả bằng bạc và bằng giấy đó. Nói đến tiếng "chúng em", em thấy ngượng quá và mấy chị bằng giấy hẳn không bằng lòng. Nguyên thế này: mấy chị bằng giấy giá trị hơn những em bằng bạc như em đây, và dĩ nhiên to quyền hơn!!! Mấy chị đó chia rẽ lắm, không bao giờ cho em nhập bọn cả. Em buồn lắm nhưng không sao lay chuyển lòng họ được.
À! Em đang nói không hiểu tại sao loài người thương chúng em vì chúng em có công nghiệp chi đâu? Em còn nghe người ta nói: vàng bạc, kim cương, ngọc gì đó nữa. Mà người ta thù nhau, có khi giết nhau cũng vì vàng bạc, kim cương... Nghĩ cũng kỳ. Giá em là Thượng đế, em sẽ làm cho tất cả mọi vật đều ra vàng bạc, kim cương, ngọc gì đó, mọi người sẽ sung sướng hết nhỉ!? Một hôm em vô tình chợt hiểu tại sao người ta quý em, vì em có thể đổi được những thứ hữu dụng. Và hôm đó em tỏ vẻ rất là kiêu căng. Nhưng em ít giá trị lắm. Em đã nói từ trước cơ mà! Thế mà, lạ thay, ít giá trị lại sường, vì được thảnh thơi đôi chút. Còn mấy chị bằng giấy đó, "họ" cất kỹ lắm! Em chả bao giờ bị người ta rình rập để lấy trộm cả. Riêng em, em chưa – và chắc cũng không bao giờ – có ai làm bạn, vì cuộc đời như em thì lưu lạc mãi, mà có ai "đồng hành" với mình lâu đâu! Sống gần nhau vài lần là nhiều lắm.
Em cứ nghĩ rằng em sẽ thay đổi chỗ ở hoài. Nhưng thực không ngờ giờ đây – em lại được nằm một chỗ – Em cũng không nhớ ban đầu ra sao nữa? Em chỉ nhớ rằng em được vào tay cô chủ em, em nghĩ vài hôm em được sang tay người khác. Mãi đến nay đã 7 tháng – hơn nửa năm rồi còn gì? – Ban đầu em hơi khó chịu vì bị tù túng, nhưng thời gian làm em quen đi – Cái gì cũng vậy, một thời gian là quen hết.
Chúng em, những đồng bạc cắc đều giống nhau vì đúc cùng một khuôn – Người ta thường nói giống nhau như khuôn đúc mà lại – Nếu có khác là khác nhau về bề ngoài, như đen hơn, bẩn hơn hoặc sạch hơn, xê xích chút đỉnh vậy thôi. Có lẽ vì thế mà cô chủ em một hôm đem sơn một làn xanh ở chính giữa bụng em. Chao ôi! Em thẹn lắm vì có vẻ khác lạ với các bạn em hay sao ấy. "Quê quá"! Em phải nhận lãnh tiếng quê của các bạn có nhã ý tặng em từ ngày đổi mới đó! Em sung sướng với ý nghĩ từ nay được yên thân, khỏi phải đi đâu nữa, mà trước kia em lại khó chịu khi phải ở một chỗ. Mâu thuẫn thật! Nhưng...
Sáng nay khi cô chủ phơi quần áo, vì túi áo bị rách nên em rơi lăn lóc trên nền đất. Cô chủ em nào có hay và vô tình đá văng em xuống gốc mận nữa. Chắc là em xa cô vĩnh viễn rồi, và để sống lại cuộc đời xuôi ngược được chuyền từ tay người này sang người khác. Em cũng thích như thế lắm, nhưng phải xa chỗ sống quen hơi bấy lâu nay, em cũng tiếc lắm...
Em nằm phơi nắng đã lâu, chả ai biết em ở dưới gốc mận cả. Đến xế chiều, em được một bàn tay nâng lên, "à" một tiếng sung sướng. Rồi em được vào tay người khác sau đó một lúc. Em đoán đâu có sai. Vậy là em đã đi vào cuộc sống xuôi ngược trở lại rồi. Em cười một mình...
3
A! Đã lâu mình không ăn đồ ngọt, tính vào xin tiền chị Châu để mua kẹo, bỗng dưng lại được 10đ. Sướng quá! Ủa? Sao lại có lằn sơn xanh? Thằng Tẻo cầm lên nhìn kỹ. Không biết họ có "ăn" đồng bạc này nữa không? Ồ! Ăn nhằm gì. Xanh có chút xíu thôi. Tẻo mân mê đồng bạc tròn trong tay, sung sướng nghĩ đến mấy cái kẹo, gói lạc rang mà lát đây nó sẽ được hưởng. Rõ là trời thương cho mình. Mợ đã từng bảo rằng siêng năng đi con, rồi sẽ sướng! Và đúng bon như vậy. Buổi chiều thấy chị bận việc trong nhà, Tẻo cầm chổi quét vườn giúp chị và được 10đ dưới gốc mận. Sao mà thích thế? Lần sau mình sẽ siêng hơn nữa, ngày nào cũng quét vườn 2, 3 lần. Thiệt thòi gì đâu?
Một lát sau Tẻo tung tăng trên con đường nhựa. Gió buổi chiều mát lạnh mơn man thổi, xua đuổi cơn nóng bức ban trưa. Bóng nó đổ dài theo cây cối bên đường. Kìa, nhà cô Năm ngọt bán hàng đó. Trước mặt nó, một con bé gầy còm, ghẻ lở, rách rưới đang chìa tay, van xin với những câu tha thiết của người ăn xin: "Xin cô cậu thương giúp... qua ngày". Quần áo con bé có vẻ... sạch quá. Trên đầu nó chít một cái khăn tang, cái khăn được bao phủ một lớp đất vàng đến nỗi không ra màu gì nữa cả. Trông thật thảm hại. Vài con muỗi bay vo ve trên đầu con bé. Tẻo không muốn nhìn tiếp, nó hỏi nhỏ:
- Nhà em đâu, sao mà...
- Nhà em ở đằng kia... – con bé chỉ vào một đống tro tàn – Bị cháy hết. Cả nhà chỉ có em thoát ra ngoài được nhưng bị phỏng khá nặng... Bây giờ mới ra khỏi nhà thương làm phúc...
Con bé nấc lên. Nước mắt rơi trên chiếc áo dính đầy đất cát. Lòng Tẻo nghẹn lại. Quê hương xấu số quá. Hết thủy rồi đến hỏa hoạn, rồi chiến tranh kéo đằng đẵng mãi... Tẻo muốn đưa cho con bé 10đ nhưng rất nhanh, cái ngon ngọt làm "trái táo" trong cổ nó lên xuống hoài. Tẻo nói nhanh:
- Em có 2đ không? Thối lại rồi em... ơ tôi đưa 10đ.
Con bé mở cái bị tiền nhỏ xíu. Tẻo chỉ lấy 1đ. Vì nó thấy thương con bé quá mà không lấy thì tiếc. Tẻo định chạy về nhà cô Năm ngọt mua đồng kẹo nhưng chân nó ngượng ngập quá! Tẻo đi vội về nhà. Nó chỉ kịp nghe ba tiếng "cám ơn anh". Tẻo thấy trong lòng vui sướng vô hạn.
4
- Chị ơi, em kể cho chị nghe câu chuyện này này!
Châu ngạc nhiên:
- Em đi đâu về đó? Chị tìm ông mãnh từ nãy đến giờ.
- Em được 10đ dưới gốc mận, rồi em...
- 10đ nào, chết rồi, có sơn xanh phải không?
- Dạ!
Tẻo ngạc nhiên thấy chị cứ lẩm bẩm "chết rồi" trong miệng hoài. Nó nói nhanh:
- Em định mua kẹo với lạc rang nhưng gặp một con bé, tội nghiệp quá chị ạ. Đầu tóc nó rối xù, dơ bẩn. Nó khổ quá. Nó nói nhà nó bị cháy, chỉ có mình nó sống sót thôi...
Hình như Châu đã quên cái gì bứt rứt trong đầu rồi, vì Châu thôi nói "chết rồi, chết rồi" luôn miệng như hồi nãy. Cô tò mò hỏi em:
- Rồi sao? Em có cho con bé đó tiền không?
- Có! Em tính cho hết luôn mười đồng, nhưng tiếc quá, bắt nó thối lại 1đ để hôm nào mua kẹo ăn chứ.
Châu kêu lên:
- Em lấy lại 1đ làm gì? Sao không cho luôn 10đ? 10đ đó của chị làm rớt đó. Tội nghiệp con nhỏ ghê chưa!
(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 118, ra ngày 15-11-1969)
- Về đi, Hương... mắc việc!
- Ơ! Sao chị... giận em đó à?
Thấy mình bực tức vô lý quá, Châu cố dịu giọng, cười gượng:
- Chị mắc bận quá! Để khi khác sang chơi Hương!
Rồi vội vã - rất vội vã - Châu phóng lên nhà:
- Mợ ơi, mợ thấy đồng bạc mười của con đâu không mợ?
Mợ vẫn mải miết may, không nhìn lên, tủm tỉm cười như không biết Châu đang nóng lòng đến 100 độ.
- Ai biết đâu, từ sáng đến giờ tao mắc trên này mà!
Ừ nhỉ. Rõ ngớ ngẩn thật. Giá như khi khác thì Châu đã vui vẻ: "Ơ! Con quên". Nhưng bây giờ... sao khó chịu ghê. Lại một phen lục lạo khắp nơi nữa. Xui quá. Nhìn cái gì Châu cũng mường tượng đến một đồng bạc cắc tròn, xanh xanh. Chắc chưa mất đâu. Thế nào mình cũng tìm được, Châu nhủ thầm.
- Cái gì sôi trong bếp đó Châu? Mở nắp ra!
Tiếng mợ oang oang trên nhà. Châu lại phải vào bếp. Đầu óc vẫn nghĩ đến đồng bạc mười. Này, trước khi giặt mình đã để trong túi mà. Châu nhớ rõ mà. Rồi khi giặt, Châu có đi chỗ nào đâu. Chắc mới mất đây thôi. Đột nhiên Châu khám phá ra cái túi áo bị rách, hèn chi. Vậy là,,, có hy vọng tìm lại được. Với tay lấy chiếc nón trên nóc tủ, Châu phóng ra ngoài với một hy vọng... nóng bỏng.
Một hồi, một hồi vẫn không thấy. Trưa lắm rồi chứ phải chơi à! Qua khung cửa kính, thấy cô con gái quý đứng mãi ở chỗ giặt quần áo, cúi khum lưng như tìm kiếm gì đó, thỉnh thoảng mợ lại nhắc: – Châu! Về coi nồi rau đi. Coi chừng hỏng hết đó.
Tìm hoài mà vẫn không thấy! Châu cũng không biết đứng đó bao lâu nữa. Mãi đến khi giật mình quay lại thì thấy mợ vào bếp sửa củi, gạt than. Những lần như vậy là mợ gián tiếp trách Châu không làm xong phận sự đó "Con gái gì mà ham chơi thôi". Mợ gay gắt:
- Tìm cái chi đó?
Châu run run trả lời:
- Đồng bạc mười mợ ơi! Cái đồng bạc cắc đó.
- Ôi thôi! Vậy mà cũng tiếc. Để tao cho 10đ khác.
- Thôi mợ à, con...
Mợ tiếp tục trở lên may đồ. Châu ngồi bên bờ giếng mà buồn ghê gớm. Đồng bạc mười của Châu mất rồi!!! Châu không tiếc 10đ (10đ mà ăn thua gì) nhưng tiếc những kỷ niệm về nó. Châu còn nhớ rõ. Năm ngoái khi quen anh Thanh, quen một cách rất tình cờ, đi chợ ngang qua dãy phố cư xá kiến thiết, Châu bị một con chó hung tợn rượt chạy có cờ. Vì đi guốc cao, Châu bị té và rớt cả giỏ thức ăn trong tay. Vạt áo dài trắng bị dính đầy đất. May có anh Thanh đi ngang, cứu Châu và đưa vào nhà băng bó. Vì con chó của anh mà Châu bị té. Hú hồn! Anh Thanh xin lỗi mãi. Rồi anh dìu Châu ra xe Lam, xuất tiền xe cho Châu về nhà. Châu không bằng lòng nhưng anh Thanh cứ đưa mãi, Châu phải nhận. Rồi Châu quen anh luôn.
Vô tình Châu giữ mãi đồng bạc mười của anh Thanh vì để quên trong xó tủ. Dần dần nó trở thành quen thuộc trong túi Châu. Những lần để nó lẫn lộn trong đám bạc cắc, Châu vỗ túi áo nghe âm thanh của đồng bạc chạm vào nhau "lóc cóc" thật vui tai. Rồi một hôm Châu đem sơn trên nó một làn sơn xanh cho khỏi lẫn lộn với những cái khác – Châu không hiểu tại sao nữa – Bây giờ đồng bạc sơn xanh thì thâm niên nhất trong túi áo Châu.
Mãi về sau Châu mới biết rằng anh Thanh là bạn học của anh An, anh của Châu. Nhớ lại hôm nào anh An dẫn anh Thanh đến nhà chơi, rồi kêu Châu ra giới thiệu. Mấy anh em cười "thân mật" quá.
Bây giờ anh An, anh Thanh đã đi học rồi. Châu muốn giữ 10đ để làm kỷ niệm cho vui. Thế mà mất rồi...
- Làm ăn như vậy hả Châu? Vào đây mà coi...
Mợ xuống bếp lần thứ hai và mợ mở nồi rau ra thì... Chao ội! Nó cạn hết nước rồi. Mợ gắt (lại gắt! Mợ hay thế đó!):
- Con gái như vậy đó! Để tao về nói với cậu mày...
Châu cúi đầu, một giọt nước mắt lăn trên má. Con gái mau khóc ghê! Rõ là Châu bị mắng... oan vì cứ nghĩ ngợi "xa xôi" mãi.
2
Là một khối bạc, em cũng như các bạn của em được nung nấu lên đến một nhiệt độ cao lắm. Rồi lại được đưa vào khuôn để đúc thành những đồng bạc, – hình như người ta còn gọi là tiền nữa thì phải – vật hữu dụng có thể đổi lấy đồ vật tương đương, như bánh kẹo hay một cuộn chỉ chẳng hạn. Em biết giá trị của em tương đối là nhỏ lắm, chỉ lớn hơn đồng một, đồng năm thường thấy mà thôi! Còn những đồng bạc giấy mới thật lợi hai, vì ích lợi lắm cơ. Nào là đồng 20, 50 cho đến đồng 100, 200 hoặc 500 v.v... Những "tấm" đó, cũng làm bằng chất giấy như đống giấy lộn vậy thôi. Thế mà có giá trị ghê lắm!!! Em nghĩ thế vì một lần em thấy ông người ta đổi tiền lẻ, một tấm hai trăm thôi mà lấy được một khối bạc như em, gói nặng thực là nặng ; vả, nếu không giá trị thì sao người ta có thể đánh đổi những "tấm" đó với đồ vật to lớn, quí giá?
Cuộc đời của đồng bạc như em đây thì xuôi ngược lắm! Thay chỗ ở luôn luôn vậy đó. Bây giờ ông này làm chủ, nhưng ngày mai, ngày mốt hoặc ngay bây giờ em có thể vào tay người khác liền. Như em đây, mới ra khỏi lò đúc chưa được một năm mà không biết đã qua tay bao nhiêu người rồi! Kể ra cũng thích vì "đi một quãng đường, học một tràng khôn", em được biết bao nhiêu là điều hay, mới lạ. Nhưng em không hiểu tại sao người ta thương chúng em đến thế? Chúng em đây nói chung là cả bằng bạc và bằng giấy đó. Nói đến tiếng "chúng em", em thấy ngượng quá và mấy chị bằng giấy hẳn không bằng lòng. Nguyên thế này: mấy chị bằng giấy giá trị hơn những em bằng bạc như em đây, và dĩ nhiên to quyền hơn!!! Mấy chị đó chia rẽ lắm, không bao giờ cho em nhập bọn cả. Em buồn lắm nhưng không sao lay chuyển lòng họ được.
À! Em đang nói không hiểu tại sao loài người thương chúng em vì chúng em có công nghiệp chi đâu? Em còn nghe người ta nói: vàng bạc, kim cương, ngọc gì đó nữa. Mà người ta thù nhau, có khi giết nhau cũng vì vàng bạc, kim cương... Nghĩ cũng kỳ. Giá em là Thượng đế, em sẽ làm cho tất cả mọi vật đều ra vàng bạc, kim cương, ngọc gì đó, mọi người sẽ sung sướng hết nhỉ!? Một hôm em vô tình chợt hiểu tại sao người ta quý em, vì em có thể đổi được những thứ hữu dụng. Và hôm đó em tỏ vẻ rất là kiêu căng. Nhưng em ít giá trị lắm. Em đã nói từ trước cơ mà! Thế mà, lạ thay, ít giá trị lại sường, vì được thảnh thơi đôi chút. Còn mấy chị bằng giấy đó, "họ" cất kỹ lắm! Em chả bao giờ bị người ta rình rập để lấy trộm cả. Riêng em, em chưa – và chắc cũng không bao giờ – có ai làm bạn, vì cuộc đời như em thì lưu lạc mãi, mà có ai "đồng hành" với mình lâu đâu! Sống gần nhau vài lần là nhiều lắm.
Em cứ nghĩ rằng em sẽ thay đổi chỗ ở hoài. Nhưng thực không ngờ giờ đây – em lại được nằm một chỗ – Em cũng không nhớ ban đầu ra sao nữa? Em chỉ nhớ rằng em được vào tay cô chủ em, em nghĩ vài hôm em được sang tay người khác. Mãi đến nay đã 7 tháng – hơn nửa năm rồi còn gì? – Ban đầu em hơi khó chịu vì bị tù túng, nhưng thời gian làm em quen đi – Cái gì cũng vậy, một thời gian là quen hết.
Chúng em, những đồng bạc cắc đều giống nhau vì đúc cùng một khuôn – Người ta thường nói giống nhau như khuôn đúc mà lại – Nếu có khác là khác nhau về bề ngoài, như đen hơn, bẩn hơn hoặc sạch hơn, xê xích chút đỉnh vậy thôi. Có lẽ vì thế mà cô chủ em một hôm đem sơn một làn xanh ở chính giữa bụng em. Chao ôi! Em thẹn lắm vì có vẻ khác lạ với các bạn em hay sao ấy. "Quê quá"! Em phải nhận lãnh tiếng quê của các bạn có nhã ý tặng em từ ngày đổi mới đó! Em sung sướng với ý nghĩ từ nay được yên thân, khỏi phải đi đâu nữa, mà trước kia em lại khó chịu khi phải ở một chỗ. Mâu thuẫn thật! Nhưng...
Sáng nay khi cô chủ phơi quần áo, vì túi áo bị rách nên em rơi lăn lóc trên nền đất. Cô chủ em nào có hay và vô tình đá văng em xuống gốc mận nữa. Chắc là em xa cô vĩnh viễn rồi, và để sống lại cuộc đời xuôi ngược được chuyền từ tay người này sang người khác. Em cũng thích như thế lắm, nhưng phải xa chỗ sống quen hơi bấy lâu nay, em cũng tiếc lắm...
Em nằm phơi nắng đã lâu, chả ai biết em ở dưới gốc mận cả. Đến xế chiều, em được một bàn tay nâng lên, "à" một tiếng sung sướng. Rồi em được vào tay người khác sau đó một lúc. Em đoán đâu có sai. Vậy là em đã đi vào cuộc sống xuôi ngược trở lại rồi. Em cười một mình...
3
A! Đã lâu mình không ăn đồ ngọt, tính vào xin tiền chị Châu để mua kẹo, bỗng dưng lại được 10đ. Sướng quá! Ủa? Sao lại có lằn sơn xanh? Thằng Tẻo cầm lên nhìn kỹ. Không biết họ có "ăn" đồng bạc này nữa không? Ồ! Ăn nhằm gì. Xanh có chút xíu thôi. Tẻo mân mê đồng bạc tròn trong tay, sung sướng nghĩ đến mấy cái kẹo, gói lạc rang mà lát đây nó sẽ được hưởng. Rõ là trời thương cho mình. Mợ đã từng bảo rằng siêng năng đi con, rồi sẽ sướng! Và đúng bon như vậy. Buổi chiều thấy chị bận việc trong nhà, Tẻo cầm chổi quét vườn giúp chị và được 10đ dưới gốc mận. Sao mà thích thế? Lần sau mình sẽ siêng hơn nữa, ngày nào cũng quét vườn 2, 3 lần. Thiệt thòi gì đâu?
Một lát sau Tẻo tung tăng trên con đường nhựa. Gió buổi chiều mát lạnh mơn man thổi, xua đuổi cơn nóng bức ban trưa. Bóng nó đổ dài theo cây cối bên đường. Kìa, nhà cô Năm ngọt bán hàng đó. Trước mặt nó, một con bé gầy còm, ghẻ lở, rách rưới đang chìa tay, van xin với những câu tha thiết của người ăn xin: "Xin cô cậu thương giúp... qua ngày". Quần áo con bé có vẻ... sạch quá. Trên đầu nó chít một cái khăn tang, cái khăn được bao phủ một lớp đất vàng đến nỗi không ra màu gì nữa cả. Trông thật thảm hại. Vài con muỗi bay vo ve trên đầu con bé. Tẻo không muốn nhìn tiếp, nó hỏi nhỏ:
- Nhà em đâu, sao mà...
- Nhà em ở đằng kia... – con bé chỉ vào một đống tro tàn – Bị cháy hết. Cả nhà chỉ có em thoát ra ngoài được nhưng bị phỏng khá nặng... Bây giờ mới ra khỏi nhà thương làm phúc...
Con bé nấc lên. Nước mắt rơi trên chiếc áo dính đầy đất cát. Lòng Tẻo nghẹn lại. Quê hương xấu số quá. Hết thủy rồi đến hỏa hoạn, rồi chiến tranh kéo đằng đẵng mãi... Tẻo muốn đưa cho con bé 10đ nhưng rất nhanh, cái ngon ngọt làm "trái táo" trong cổ nó lên xuống hoài. Tẻo nói nhanh:
- Em có 2đ không? Thối lại rồi em... ơ tôi đưa 10đ.
Con bé mở cái bị tiền nhỏ xíu. Tẻo chỉ lấy 1đ. Vì nó thấy thương con bé quá mà không lấy thì tiếc. Tẻo định chạy về nhà cô Năm ngọt mua đồng kẹo nhưng chân nó ngượng ngập quá! Tẻo đi vội về nhà. Nó chỉ kịp nghe ba tiếng "cám ơn anh". Tẻo thấy trong lòng vui sướng vô hạn.
4
- Chị ơi, em kể cho chị nghe câu chuyện này này!
Châu ngạc nhiên:
- Em đi đâu về đó? Chị tìm ông mãnh từ nãy đến giờ.
- Em được 10đ dưới gốc mận, rồi em...
- 10đ nào, chết rồi, có sơn xanh phải không?
- Dạ!
Tẻo ngạc nhiên thấy chị cứ lẩm bẩm "chết rồi" trong miệng hoài. Nó nói nhanh:
- Em định mua kẹo với lạc rang nhưng gặp một con bé, tội nghiệp quá chị ạ. Đầu tóc nó rối xù, dơ bẩn. Nó khổ quá. Nó nói nhà nó bị cháy, chỉ có mình nó sống sót thôi...
Hình như Châu đã quên cái gì bứt rứt trong đầu rồi, vì Châu thôi nói "chết rồi, chết rồi" luôn miệng như hồi nãy. Cô tò mò hỏi em:
- Rồi sao? Em có cho con bé đó tiền không?
- Có! Em tính cho hết luôn mười đồng, nhưng tiếc quá, bắt nó thối lại 1đ để hôm nào mua kẹo ăn chứ.
Châu kêu lên:
- Em lấy lại 1đ làm gì? Sao không cho luôn 10đ? 10đ đó của chị làm rớt đó. Tội nghiệp con nhỏ ghê chưa!
ĐỖ NGỌC BÍCH
(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 118, ra ngày 15-11-1969)