Thứ Ba, 7 tháng 5, 2024

Tình Bạn

 

 Thư của em X. Gia Định:

... Em với Y là bạn thân, gần đây em được bầu làm trưởng lớp. Từ đó, Y ít nói chuyện với em vì mặc cảm thua kém. Sau đó, em có chuyện xích mích nhỏ với Y. Y có vẻ giận, nhưng vẫn nói chuyện vui vẻ.

Giờ ra chơi hôm thứ ba vừa qua, em và Y giỡn với nhau. Y lấy giẻ lau bảng in vào mặt em. Em nổi giận tát lại. Y nhìn em nói:

- Tao giỡn một chút mà mày làm vậy đó hả.

Em sừng sộ:

- Mày giỡn! Giỡn kiểu gì kỳ cục vậy?

Y bỏ đi và viết thư cho em rằng yêu cầu em từ nay gặp mặt đừng cười đừng hỏi. Nếu 1 trong 2 đứa sai lời sẽ chết vì bom đạn. Cuối thư Y buông gọn: cám ơn mày trước.

Chị ơi! Em biết làm sao để hàn gắn lại tình bạn giữa em và Y bây giờ. Em rất thông cảm và thương Y...

Trả lời:

Thư em khiến chị thật cảm động. Vào thời buổi này, cái tình bạn trong sáng của em thật đáng làm gương cho biết bao người. Tình bạn luôn luôn cao quí. Bạn cũ như rượu lâu năm, người xưa đã nói thế, vì bạn càng chơi với nhau lâu càng hiểu nhau và cảm thông nhau. Trong truyện cổ nước ta, đã có biết bao gương  về tình bạn mà chị chắc em đã đọc.

Chị biết em rất thương Y, đang đang rất bối  rối thấy tình bạn sứt mẻ cho nên chị phải trả lời gấp để an ủi em phần nào.

Trước hết, chị thấy em có 1 phần lỗi. Hai em đã thương nhau như vậy tất nhiên là bạn rất thân rồi. Vậy sao từ khi được bầu làm trưởng lớp thì bạn bắt đầu xa cách vì mặc cảm. Chơi thân với bạn mà còn để bạn bị mặc cảm là ta vụng xử rồi đó em. Đáng lẽ sự em làm trưởng lớp mà vui thì bạn em cũng phải cùng chung niềm vui đó cơ chứ. Chị e rằng em có 1 vài hành động vô tình nhưng bạn suy diễn thêm ra rồi thành mặc cảm chăng. Em cũng nên thông cảm vì luôn luôn người ở vị trí kém cũng dễ tủi thân, nếu không có một tâm hồn thật khoáng đạt.

Y giỡn em như vậy có lẽ cũng hơi quá, nhưng em trả đũa thì nặng em ạ. Em tội nghiệp Y là phải lắm, Vào hoàn cảnh ấy, Y đã rất đau lòng mà viết lá thư đó, em à. Đấy cũng là một phản ứng tiêu cực mà thôi. Bây giờ chị đề nghị thế này. Nếu em vì thương Y mà buồn khổ như vậy thì chắc Y cũng đang buồn khổ không kém em đâu. Em viết mấy chữ xin lỗi Y đi (có nhiều khi mình phải, mà vị tình vẫn cứ nên xin lỗi). Chị tin rằng Y sẽ ôm lấy em mà khóc, và 2 em sẽ hết giận nhau. Còn về vụ thề thốt thì em đừng lo. Thuở nay mỗi ngày có vài trăm ngàn người thề khắp nơi mà chẳng ai làm sao đâu. Nếu tin rằng có thần thánh để bắt những người thề phải lãnh hậu quả thì cũng phải tin số mạng, nếu số chưa chết mà chỉ vì giận nhau thề bậy mà chết được thì có khác gì người đời xử tử một người chỉ mắc có cái tội chạy xe sai luật đi đường hay sao. Vả lại, "tâm động quỉ thần tri" lòng em yêu thương bạn như thế thì quỉ thần cũng phải ủng hộ, sao lại phạt các em được.

Chị ước mong hai em đã hết giận nhau rồi. Còn nếu chư hết giận thì chị thiết tha mong Y đọc bài này, nghĩ tới tình bạn và nỗi buồn của X mà hết giận X, và hai em lại thân nhau như xưa, hơn xưa.

Cuối cùng, chị xin lỗi đã đổi cả tên hai em vì chị sợ rủi chị vụng về lại làm Y giận X thêm thì chị sẽ ân hận xiết bao.


Chị ĐỖ PHƯƠNG KHANH    

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 37, ra ngày 7-5-1972)
 

Chủ Nhật, 5 tháng 5, 2024

Vì Sao Xưa

 

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Thuở nhỏ con ngồi bên cạnh mẹ
Những tối nhìn sao bám đầy trời
Con nắm tay mẹ tìm hơi ấm
Nghe lạnh bàn tay, chắc sương rơi!

Mẹ trỏ biển trời khẽ bảo con:
- Một vì sao đó, một linh hồn
Mẹ ngôi sao lớn, con ngôi nhỏ
Nằm cạnh bên nhau trọn cuộc đời

Thấy mảnh sao to chừng sắp tắt
Mẹ buồn: - mẹ sợ phận đời me
Một ngày nào đó băng đi mất
Bỏ ngôi sao nhỏ ai chở che? -

Con nào có hiểu lời mẹ nói
Nên cười lỏn lẻn bảo cùng me:
- Mai sau nếu đúng như lời mẹ
Thì ngôi sao nhỏ có trời che.

Mười mấy năm qua giờ con lớn
Ngước mắt mong tìm ngôi sao xưa
Sao còn nhưng sáng mong manh quá
Sắp lịm trong bầu trời chuyển mưa...

                                            HOA CỎ MAY
                                           (V.N. Hoa Thế kỷ)
 
 (Trích từ tạp chí Tuổi Hoa Xuân Kỷ Dậu, 1969)
 

Thứ Bảy, 4 tháng 5, 2024

Con Chim Chết

Bé thương con chim chết trong lồng. Nó nằm bất động, một chân giơ lên trời, một chân co quắp. Bé khẽ nâng chiếc cửa lồng, nâng xác con chim để trong lòng tay. Chim chết thật rồi. Người nó cứng đơ và giá lạnh, bộ lông vàng óng mượt của nó xù lên, cặp mắt tròn bé tí đen long lanh hôm nào đã nhắm lại vĩnh viễn rồi. Bé nhìn quả chuối chim mới ăn hết non nửa, cốc gạo còn đầy, hũ nước trong vắt mà rưng rưng... Bé khóc!...

Con chim nầy là con chim của anh Hoài Thu tặng bé. Anh Thu đi đâu rồi, Bé có biết đâu! Anh đi rồi, anh không về với Bé nửa. Bé nhớ anh, nhớ mợ. Mợ hay cho hai anh em ăn bánh, có lần mợ pha cả cà phê cho hai anh em uống nữa.

Mợ hay để ý săn sóc đến Bé luôn. Bé cảm động lắm. Có lần mợ hỏi bé:

- Hôm qua, Vân thức khuya phải không? Sao bé Vân không ngủ sớm, thứ làm gì cho mệt thế hở con?

Bé phục mợ quá:

Mợ tài ghê, sao mợ biết con thức khuya?

Mợ cười xoa đầu Bé:

- Bí mật mà, thế mới tài chứ!

Hôm mợ dọn đi, cả nhà cùng khóc. Mợ bế Bé trong lòng, Bé gục đầu vào vai mợ khóc ròng... Anh Thu đứng im lìm nhìn ra cửa sổ mờ mờ mưa bụi... Mắt anh cũng đỏ hoe... Mợ bế Bé mà nước mắt chảy ròng ròng. Thế là... Bé cùng anh Thu cũng khóc theo...

Chưa lúc nào Bé thấy thương mợ, thương anh Thu bằng lúc ấy. Bé chỉ muốn được mợ, được anh Thu ôm vào lòng, hôn lên đôi má hồng hào của Bé rồi cho Bé ăn bánh, ăn kẹo... Nhất là anh Thu, Bé vẫn thích cái giọng ngâm thơ trầm ấm của anh... Bé hình dung... nàng Thơ của anh đẹp... đẹp lắm theo lời anh tả. Bé nhớ, những khi Bé hờn giận, phụng phịu muốn khóc, anh Thu thường đem tập thơ anh làm ra ngâm nga cho Bé nghe... Anh lại còn cho Bé cả một tập thơ dày kết bằng giấy "bơ-luya" hồng, xanh, vàng, trắng tuyệt đẹp... Bé nghe như giọng ngâm trầm ấm của anh Thu còn vẳng đâu đây với bài "HOA KỶ NIỆM"...

Tôi có những mùa hoa xưa cũ
Trong đáy lòng ươm nở ý xanh xanh
Trước mắt tôi hoa lá trải thơm lành
Ôi kỷ niệm... bao niềm vui đẹp đẽ...
.    .    .    .    .    .    .    .    .    .    .    .

Nhưng... đã hết rồi còn đâu... và hiện tại là phút giây xa cách... Trời mưa, mưa nhẹ hột như lệ Bé rơi rơi. Bé không muốn lìa mợ. Bé càng khóc to khi mợ bảo chẳng có gì cho Bé làm "kỷ niệm"... Ngẫm nghĩ một lúc, mợ cởi chiếc lắc vàng có chạm tên mợ ra đeo vào cổ tay cho Bé... Tay Bé nhỏ xíu, Bé phải kéo chiếc lắc lên tận phía trong cánh tay. Anh Thu rưng rưng nước mắt trao Bé chiếc lồng nan nhỏ có con Hoàng Yến vàng xinh xắn... Nhận tặng vật của mợ, của anh Thu, Bé nghẹn ngào chẳng biết lấy chi đáp lại. Sau cùng, Bé gỡ cặp bướm trên tóc cho mợ và gỡ cái hoa nhận hột chiếu lấp lánh gài trên áo đưa cho anh Thu. Mợ và anh Thu hôn bé lần chót rồi ra đi... Bé nép vào khe cửa lặng nhìn theo mợ với anh Thu tay xách va-li đi xa dần... Chốc chốc, anh Thu lại ngoảnh lại nhìn Bé... Hai cái bóng thân yêu cứ nhòa dần, Bé nhắm nghiền mắt lại và lúc mở ra thì không còn thấy bóng mợ và anh Thu đâu nữa... Bé sà vào lòng mẹ khóc ngất...

- Mợ với anh Thu đi rồi mẹ ơi...

Bé đoán mợ đi xa lắm vì trước hôm ra đi mợ đã bảo:

- Chắc còn lâu anh em mới gặp nhau.

Và mợ vuốt tóc Bé hỏi:

- Vân, năm nay con lên mấy?

- Con loen6 tám.

- Con kém anh Thu những mười tuổi... năm nay anh Thu mười tám rồi.

Mợ nói thế và mắt mợ nhìn ra xa. Bé nhìn vào tận mắt mợ, Bé thấy bóng tối tràn đầy.

Có lần Bé hỏi anh Thu:

- Anh Thu ơi, thế cậu của em đâu?

La7ú lắm, Bé mới nghe anh trả lời:

- Cậu đi xa lắm chưa về, anh chỉ biết có mợ thôi. Vân ngoan đừng hỏi nữa nghe không.

Bé thấy mắt anh ươn ướt. Bé toan khoe Bé có Ba, Mẹ, Bé được Ba Mẹ cưng nhất nhà nhưng thấy anh buồn Bé lại thôi. Nói chuyện đến đấy thì mợ ra ôm lấy Bé. Mợ hôn Bé và bảo không được nói chuyện ấy nữa.

- Nói chuyện khác vui hơn, các co...

Lắm lúc mợ nhìn hai anh em trìu mến:

- Sao hai anh em không cãi nhau đi?

Những lần như vậy Bé chỉ rúc vào nách mợ cười rúc rích. Anh Thu cười, mợ cũng cười theo.

Ở nhà Mẹ chiều Bé, Ba chiều Bé. Ai cũng chiều Bé, lại nhiều đồ chơi nhưng Bé không chơi cứ thích sang nhà anh Thu. Hai anh em xem đi xem lại đến cả thuộc lòng mấy tập thơ bằng giấy mỏng của anh Thu mà Bé vẫn thích xem lại vì anh Thu chẳng có đồ chơi như Bé. Anh nói anh lớn rồi, không cần đồ chơi nữa...

Thấy hai anh em thân nhau, mẹ bảo Bé:

- Con rủ anh Thu sang đây chơi chứ đừng qua bên đó nhiều.

Bé bảo anh Thu, anh định đi nhưng mợ đã giữ lại:

- Thu ở đây với mợ... Các con ở đây chơi cũng được.

Lúc ấy Bé ghét mợ. Nhưng chỉ một tí thôi. Vì mợ biết, mợ gọi Bé lại, cho hai anh em một hộp bánh quy, thế là hết ngay. Những lần như vậy anh Thu thường nhịn phần, cho Bé cả hộp bánh nguyên. Nhưng Bé không ăn một mình đâu. Bé cẩn thận mở nắp hộp lôi ra từng chiếc cho mợ, cho anh Thu. Mợ không ăn, anh Thu cũng nhường cho Bé. Bé lại phụng phịu nước mắt chảy vòng quanh, Bé lắc đầu hờn dỗi:

- Không, con không ăn một mình đâu... Ăn thế chả ngon tí nào. Chịu thôi! Mợ ăn với con, anh Thu ăn với em cơ...

Mợ cười, anh Thu cười, tất cả đều ăn bánh...

Hôm nay, con chim chết rồi. Thế là kỷ niệm của anh Thu tặng Bé không còn nữa. Bé cúi xuống giấu đôi giòng nước mắt. Bé vuốt những chiếc lông vàng óng, mượt như tơ của nó. Bé ủ nó trong lòng bàn tay xinh xinh. Bé nghĩ đến những đám táng có nhiều người đưa tiễn than khóc và chợt nẩy ra ý định chôn nó.

Thế là, Bé vào nhà mang ra một cái hộp bé con con, Bé bỏ chim vào đấy mang ra vườn.

Sợ có con gì bới mất "kỷ niệm" của anh Thu, bé đào một cái lỗ con dưới cây hoa hồng nhiều gai. Đặt cái hộp xuống, Bé lấy tay vun từng nắm đất vùi lấp thân chim...

Một cái gai mắc vào tay Bé chảy máu. Bé nhìn thấy giọt máu rớt xuống đất, thấm vào mộ chim, loang trên ngón tay đầy đất... Bé không khóc nữa...

Buổi chiều nhiều gió, hơi lạnh...

Bé rửa tay, vào nhà leo lên chỗ cửa sổ nhìn ra cây hồng. Bầu trời xám ngắt... mưa lác đác rơi... phơi phới như bụi. Bé nhớ hai cái lưng, một cao gầy của anh Thu, một ốm yếu nhỏ nhắn của mợ... Màu áo trắng của anh Thu, tà áo đen của mợ bay lất phất lẫn vào mưa.

Có tiếng mẹ gọi bé vào ăn cơm. Bé dạ khẽ rồi tụt xuống đi vào phòng ăn... Ánh sáng ngọn đèn tràn đầy căn phòng, ùa vào mắt Bé, loang loáng ướt.

Mẹ hỏi:

- Sao con khóc, Vân?

- Không!

Bé không trả lời được... Bé nhìn ra khung cửa, chỗ treo chiếc lồng chim. Gió đu đưa mấy chiếc nan gầy nhỏ xíu.

Bé thấy nhớ hơn bao giờ giọng trầm ấm của anh Thu:

Ngày xưa ấy! Ôi những ngày vô tận
Khi thơ ngây và tình mẹ yêu thương
Khi thảnh thơi trong ngõ vắng đồi nương
Đời mộc mạc trong tình yêu thắm thiết...

Và giọng ngọt ngào, êm ả của mợ:

- Sao con không ngủ sớm...

Tự nhiên, mắt Bé cay cay... Bé bắt đầu biết buồn!...


HOÀI THU VÂN      

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 28, ra ngày 25-5-1965)

Thứ Năm, 2 tháng 5, 2024

Tình Bạn Giữa Nguyễn Khuyến và Dương Khuê

  

Các em thân mến, 
 
Trên những số báo vừa qua, chúng tôi có nói đến bạn tri âm, bạn tri kỷ, nhắc đến truyện tích Trung Hoa.

Trong văn học Việt Nam, cũng có một mối tình bạn rất thấm thía và đậm đà, đấy là tình bạn giữa Nguyễn Khuyến và Dương Khuê.

Nguyễn Khuyến, người làng Yên Đổ tỉnh Hà Nam, Bắc Việt, sinh năm 1835 và mất năm 1909. Ông thi đỗ giải nguyên năm 1864 đời vua Tự Đức. Bảy năm sau, ông đỗ đầu khi thi Hội và thi Đình. Ông thi đỗ đầu cả ba kỳ, nên người đương thời thường hay gọi ông là Tam Nguyên Yên Đổ.

Ông làm quan đến chức Tổng đốc và thi văn ông rất phong phú.

Ông có người bạn thân là ông Dương Khuê người làng Vân Đình, tỉnh Hà Đông, sinh năm 1839 và mất năm 1898 thọ được 59 tuổi.

Dương Khuê nổi tiếng thông minh, văn hay. Đi thi, khoa đầu đỗ ngay Cử Nhân, khoa sau đỗ ngay Tiến Sĩ. Dương Khuê được vua Tự Đức bổ nhậm làm Tổng Đốc, Tham Tá Kinh lược và Binh bộ thượng thư.

Nguyễn Khuyến và Dương Khuê là đôi bạn gần như đồng tuổi, cùng thi đỗ một khoa, văn chương cùng nổi tiếng và cùng làm quan một thời mà nước nhà trải qua nhiều tai biến.

Nguyễn Khuyến đã yêu bạn rất tha thiết. Khi được biết Dương Khuê mất, ông có làm một bài thơ rất cảm động, để khóc bạn:

Bác Dương thôi đã thôi rồi,
Nước mây man mác, ngậm ngùi lòng ta!
Nhớ từ thuở đăng khoa (1) ngày trước, 
Lúc sớm khuya tôi bác cùng nhau,
Kính yêu từ trước đến sau.
Trong cơn gặp gỡ biết đâu duyên trời,
Cũng có lúc chơi nơi dặm khách,
Tiếng suối nghe róc rách lưng đèo
Có khi từng gác cheo leo,
Thú vui con hát lựa chiều cầm xoan (2);
Cũng có lúc rượu ngon cùng nhắp,
Chén quỳnh tương (3) ôm ấp bầu xuân;
Có khi bàn soạn câu văn,
Biết bao đông bích (4) điển phần (5) trước sau.
Buổi ly loạn cùng nhau cơ số;
Phận đẩu thăng(6) đâu có tham trời...
Tôi già bác cũng già rồi,
Biết thôi, thôi thế thì thôi mới là!
Lãng đi lại tuổi già thêm nhác,
Gặp nhau ba năm trước một lần,
Cầm tay hỏi hết xa gần,
Mừng rằng bác vẫn tinh thần chưa can.
Kể tuổi tôi còn hơn tuổi bác,
Tôi lại đau trước bác mấy ngày.
Làm sao bác vội về ngay,
Chợt nghe tôi những chân tay rụng rời
Ai chả biết chán đời là phải,
Vội vàng chi đã mải lên tiên?
Rượu ngon không có bạn hiền
Không mua không phải không tiền không mua!
Thơ muốn viết, đắn đo không viết,
Viết đưa ai, ai biết mà đưa.
Giường kia treo đó hững hờ
Đàn kia gảy cũng ngẩn ngơ tiếng đàn,
Bác chẳng ở dẫu van chẳng ở, 
Tôi tuy thương lấy nhớ làm thương,
Tuổi già giọt lệ như sương,
Hơi đâu ép lấy hai hàng chứa chan!

Đọc hai câu đầu chúng ta thấy tất cả sự bàng hoàng của tác giả khi hay tin bạn mất. Ông đã hoàn toàn thất vọng, trông trời đất như rộng thêm ra, vắng vẻ đi, lòng ông đầy ngậm ngùi, cảm thương.
 
Bốn câu thơ kế gợi lại buổi gặp gỡ đầu tiên giữa hai người, rồi tình bạn nẩy ra từ sự kính mến lẫn nhau về tài đức.
 
Họ kính trọng nhau, yêu nhau và gần gũi bên nhau.
 
Họ rất sung sướng với mối tình bạn đẹp đẽ và cho rằng biết đâu đấy là do duyên trời đưa đến.
 
Rồi hai người có lúc cùng nhau dạo chơi nơi núi rừng, đèo suối xa xôi, cùng nhau vui thú trong tiếng hát của ca nhi.
 
Rồi cũng có lúc hai người cùng ngồi bên nhau uống rượu, chuyện trò, xướng họa thơ văn.
 
Hai người đã cùng sống trong thời loạn lạc, cùng gặp hoạn nạn như nhau, cùng có một chí hướng không ham danh lợi.
 
Thời gian trôi qua, tuổi càng lớn, sức người càng yếu, đi lại càng khó khăn, họ gặp nhau ít đi, còn có gì buồn hơn. Lần gặp nhau cuối cùng cách đấy ba năm, họ cầm lấy tay nhau hỏi thăm mọi chuyện. Tác giả đã rụng rời khi hay tin bạn mất, vì lần trước thấy bạn vẫn khỏe mạnh, vả lại bạn cũng nhỏ tuổi hơn mình mà mình đã đau trước bạn.
 
Nguyễn Khuyến cho rằng bạn đã chán đời và trách bạn không chờ mình.
 
Đọc bốn câu thơ:
 
Rượu ngon không có bạn hiền
Không mua không phải không tiền không mua!
Thơ muốn viết, đắn đo không viết,
Viết đưa ai, ai biết mà đưa.
 
Chúng ta thấy sự đau thương vô hạn của tác giả sau khi bạn mất, ông không còn uống rượu, làm thơ nữa vì đâu còn bạn hữu để cùng uống với mình, đọc và hiểu thơ của mình, hiểu được tâm sự mình, khác chi Bá Nha đập đàn khi Chung Tử Kỳ đã mất, vì sau đó còn ai nghe hiểu được tiếng đàn của mình, hiểu được lòng mình. Dương Khuê, người bạn thân đã mất, bây giờ Nguyễn Khuyến không còn ai tri kỷ nữa.

Các em thân mến,

Ông Cicéron có nói: Nếu rút tình bằng hữu khỏi đời sống, khác nào lấy mất mặt trời của trái đất, vì chúng ta không nhận được điều nào tốt hơn, hoan lạc hơn điều ấy.

Tình bạn thật đáng quí, phải không các em.


Thân mến                    
NGUYỄN HÙNG TRƯƠNG     

________________
(1) thi đậu (2) đàn hát (3) chén rượu ngon (4) thi cử, văn chương (5) chỗ đất cao trên mộ (6) ý nói làm quan bổng lộc ít ỏi.

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 72, ra ngày 7-1-1973)

Thứ Tư, 1 tháng 5, 2024

Một Trường Hợp Giáo Dục Phi Giáo Dục

 

Thư của một nhóm học sinh một trường ở Saigon.

Kính thưa chị
 
Chúng em một số học sinh các lớp 7 và 8 của trường... hôm nay chúng em viết thư này để kính trình chị một việc rất quan trọng đối với các học sinh chúng em.

... Khu chúng em được giữ kỷ luật bởi thầy giám thị... (chúng em không biết họ) từ tháng 9 năm 70 đến nay. Sau 2 năm chịu sự kiểm soát của thầy... chúng em nhận thấy nơi thầy có những điểm như sau:

Thầy... rất tàn ác với học sinh. Thầy rất bất lịch sự (chúng em không thể hiểu tại sao vị Hiệu trưởng lại dùng thầy). Em xin thí dụ: học sinh nào mang bánh kẹo lên lầu trong giờ chơi, nếu thầy bắt gặp, thầy sẽ tịch thu và mở ra ăn trước mặt tất cả các học sinh (thầy vừa ăn vừa cười rất khả ố). Đã thế lại thù vặt, thí dụ: nếu học sinh nào thấy chướng mắt trước hành động ấy, nếu xì xào với bạn, rủi thầy nghe thấy thì sau đó sẽ bị đòn bằng những tội hoàn toàn vô lý khác vào bất cứ lúc nào. Còn rất nhiều chuyện nhưng chúng em sẽ xin kể vào dịp hè, khi mà chúng em biết rằng sẽ hết bị trả thù vì chúng em đã đi trường khác.

Kính thưa chị, chúng em nghĩ rằng chị sẽ không tin, nhưng chúng em xin lấy danh dự và tư cách của một số học sinh mà nói rằng những điều trên đã xẩy ra thực. Chị có thể trắc nghiệm bằng cách đăng lên báo... và các học sinh khác sẽ trả lời chị.

... Chúng em kính xin chị nghĩ cách nào cho Thầy... biết mà thay đổi tính nết chứ chúng em sợ bị trả thù lắm...

Trả lời:

Các em ơi, đọc kỹ thư các em chị buồn quá. Chị đã đọc lại mấy lần, và phân tách kỹ lưỡng, thấy giọng văn lễ phép của các em, chị nghĩ rằng các em đã nói thật. Chị rất tiếc rằng đang lúc tuổi các em còn quá non nớt mà các em đã phải nhìn thấy khía cạnh xấu xa của cuộc đời, để cho tâm hồn bị thui chột đi, thật là đáng buồn.

Sự việc xẩy ra, các em cũng có một phần lỗi. Các em đi học không nên ăn quà vặt rồi có thể xả rác bừa bãi dơ dáy nhà trường. Nhất là vấn đề ăn uống nên cẩn thận, bệnh thường do sự ăn uống bậy bạ mà sinh ra. Cho nên, nếu thầy giám thị cấm các em ăn uống bậy bạ, chị hoàn toàn hoan nghênh.

Nhưng ở đây, nếu các em nói thật, trong khi thầy cấm các em, thầy lại ăn nhồm nhoàm ngay trước mặt, thật chị không tưởng tượng nổi. "Giáo dục là nêu gương" chị thấy câu đó rất có lý. Sở dĩ ngày xưa các cụ kính trọng thầy đến trên cả cha mẹ, chính là nhờ nơi bậc thầy xưa có đời sống gương mẫu vô cùng.

Nghĩ đến đây, chị rất đau lòng nhớ tới mấy hàng chữ các em thiết tha dặn dò chị giấu tên, để thầy khỏi biết mà trả thù các em. Không, các em, chị giấu tên thầy và các em chính là vì không muốn thầy trò sứt mẻ thêm chứ nếu nghĩ tới thầy có thể trả thù thì đau lòng vô cùng. Tội nghiệp các em bé bỏng, các em đã không được đứng dưới bóng mát của bậc thầy gương mẫu, để phải nghĩ cách đối phó như vậy thật đáng thương biết mấy.

Đến đây, chị xin thay các em của chị mà nói với thầy... mấy lời.

Kính thưa ông...

Tôi chỉ xin đại diện mấy em nhỏ mà thưa với ông mấy điều. Xin ông hãy vì lương tâm của một người đứng trong hàng ngũ giáo dục, và để xứng đáng với sự tin cậy của phụ huynh các em, mà dành cho chúng tôi một vài phút suy nghĩ.

Chắc đọc qua mấy hàng trên, ông cũng đã có một ý niệm nào đó, nếu ông khách quan nhận định. Tôi chỉ thiết tha xin ông hãy thận trọng và dùng đến tình người hơn trong nhiệm vụ giáo dục. Nếu làm nghề khác, mà tư cách ta kém thì chỉ có ta thiệt thòi, vì sẽ bị cô lập, không ai giao thiệp với, và ta sẽ thất bại trong cô đơn. Còn làm nhà giáo dục, nếu tư cách ta không xứng đáng, ta đã phụ lòng tin của cha mẹ các em, làm thui chột các mầm non và làm hại cho quốc gia sau này. Muốn các em nên người, trước nhất người hướng dẫn các em phải là NGƯỜI. Xin ông nghĩ tới tương lai tổ quốc mà thay đổi cách xử sự.

Đến đây, chúng tôi cũng kính gửi tới vị hiệu trưởng trường nói trên.

Kính thưa ngài,

Nếu chuyện này mà tới được tai ngài, tôi tin rằng ngài cũng đau lòng. Vì khi dự định thực hiện một cơ sở giáo dục, ngài đã ấp ủ nguyện vọng dẫn dắt các thiếu niên trở thành người có giáo dục, hữu ích cho quốc gia sau này. Cho nên chúng tôi chỉ còn thiết tha cầu xin Thượng đế ban cho ngài có thì giờ hơn để có thể thấy được phần nào sự kiện xẩy ra ngay trong tầm tay của ngài. Xin ngài hiểu cho rằng các em có thể đi trường khác khi hết niên khóa, điều đó không thiệt hại cho ngài gì cả vì với nạn trường thiếu hiện nay, học sinh sẽ ào ạt xin thế chỗ. Nhưng sự tai hại đã xẩy ra cho các em nhỏ đáng thương kia, đã in vào tâm hồn non nớt của chúng sự bất kính đối với người lớn, với bậc thầy không xứng đáng, và do đó, sự giáo dục sẽ không mang lại kết quả mà mọi người mong đợi. Xin ngài nghĩ tới sứ mạng thiêng liêng mà lưu ý cho.

Các em thương mến,

Chị ước ao sẽ nhận được những dòng chữ đầy tươi mát trong thư tới của các em. Và chị cũng xin các em đừng quá bi quan. Chị đã được biết rất nhiều bậc thầy đáng kính mặc dầu trong hoàn cảnh khó khăn chung cho đất nước hiện nay, vẫn nhiệt thành, bằng đủ mọi cách, tìm đủ mọi phương tiện để giáo dục các em và nhìn lại dĩ vãng, từng năm từng năm học, trong đời học sinh của chị, trên bục gỗ, có biết bao nhiêu bậc thầy mà tên xứng đáng ghi vào bảng vàng.


Chị Đ.P.K.      

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 36, ra ngày 30-4-1972)

Thứ Hai, 29 tháng 4, 2024

Bông Hoa Dại Tháng Tư

 

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Tháng tư lim xẹt nở
Vàng rực khắp đường làng
Áng mây trắng lang thang
Hồn quê xao xuyến thế

Hoa tím cành cây khế
Màu nắng chói đồng xa
Lũ bươm bướm la đà
Bầy trâu lội bì bõm

Tháng tư chờ mưa xuống
Mục đồng hát nghêu ngao
Bên hàng giậu thưa rào
Râm bụt tươi roi rói

Lả lướt diều phất phới
Cho lòng ai bâng khuâng
Bông sứ trắng lâng lâng
Đùa bên ngoài ô cửa 

Dừng tay khung tranh nhỏ
Họa sĩ mắt xa xôi
Vẽ thêm cả khoảng trời
Hoa phượng rơi đỏ thắm

Dĩ vãng giờ xa lắm
Về cùng cánh hoa xưa
Bao kỷ niệm ngày thơ
Sẽ chẳng hề quên lãng

                                Thơ Thơ 
                     (Bút nhóm Hoa Nắng)
 

Chủ Nhật, 28 tháng 4, 2024

Thư Cho Con Yêu Dấu



(Mến tặng: Hồ văn Hảo, Cao Đình Phần
Ngô Vĩnh Chương và Trần Hữu Tuấn)
 
Buổi chiều xuống thật êm đềm. Những vệt nắng vàng mong manh chiếu xuống ngọn keo xa trước nhà lấp lánh. Chú bé ngồi trên chiếc ghế buổi chiều ồn ào nhộn nhịp. Con đường đủ các thứ âm thanh góp lại. Tiếng chuông xe xích lô, xe đạp và tiếng cười của bọn trẻ vang trong gió. Bọn trẻ đang chơi trò năm mười. Bọn trẻ đã rủ chú cùng chơi nhưng chú từ chối, viện cớ rằng trông nhà cho mẹ làm cơm. Trong nhà có tiếng giấy bị xé sột soạt. Cậu bé em chú đang xé vở cũ để gấp những chiếc máy bay giấy. Có mùi chiên xào phía sau bay lên thơm phưng phức.

Chỉ còn một tuần nữa thì nghỉ hè rồi. Năm nay chú bé học bết quá. Cuối năm có lẽ cậu xếp hạng ba mươi trở lên là ít. Thế nào bố về bố cũng phạt và không cho quà nữa chứ! Bố đi hành quân lâu quá rồi, bố bảo tháng này bố sẽ về. Nhưng chưa có tin tức gì cả. Chả biết bây giờ bố ra sao nhỉ?

Chú bé nghĩ miên man. Có tiếng gọi dưới bếp vọng lên cắt ý nghĩ của cậu bé.

- Vũ ơi, dọn cơm ăn con!

Cậu bé dạ vang và nhảy nhanh xuống ghế bố. Vào nhà chú bé bảo em nhặt vội giấy để dọn cơm. Bữa cơm được dọn ra trên bàn. Những hạt cơm trắng vun đầy chén nghi ngút khói và hơi từ các đĩa xào bay lên. Chú bé chun mũi hít lia lịa và nhìn những làn khói tan trong gió. Em chú bé ôm chiếc thau đỏ từ dưới chạy lên nói như hét:

- Đi mua đá!

Thằng bé vừa ra khỏi nhà bỗng hét lên sung sướng:

- A bố về!

Nghe tiếng hét chú giật mình, bỏ vội mâm cơm bốc khói chạy ra ngoài:

- Bố về, bố về mẹ ơi!

Bố chú trở về như một vị thiên thần. Chiếc mũ bê rê trên đầu. Gương mặt bố cháy nắng. Bố chú cười. Bộ áo quần sũng ướt toát ra mùi ngai ngái. Trên vai bố là vòng hoa trắng. Sau lưng là ba lô và có cả súng nữa chứ. Thế nào em chú cũng bảo bố bắn cho bọn trẻ phục bố chú chơi, nhưng chú không thích trò chơi đó, lỡ... Bố đang cười với mẹ. Chú rờ khẩu súng và không nghĩ tiếp nữa. Khẩu súng bằng nhựa đen nằng nặng. Bố chú đặt vội ba lô lên bàn cơm. Bố quay lại nhìn chú cười toe. Chú cười theo. Bố chú hỏi:

- Bắn súng không?

Chú cười. Em chú cũng vừa mua đá về tới. Thằng bé hấp tấp bỏ vội thau đá lên sàn nhà rồi vòi vĩnh:

- Bố bắn thử đi bố!

Bố chú trả lời:

- Để tí nữa đã!

*

Hai anh em chú bé hỏi bố đủ thứ chuyện, bố trả lời không ngớt. Bố cười. Cuối cùng thằng bé đòi quà. Bố bảo, bố không mua kịp, vì máy bay về gấp nên bố không định trước và quên rồi. Thằng bé ấm ức. Thằng bé đòi bố bế. Có tiếng mẹ hét, để bố thay quần áo đã chứ! Áo quần vậy mà đòi ẵm. Ê lớn rồi! Mắc cỡ chưa!

Thằng bé đỏ mặt cười toe và hét toáng lên. Chú bé cảm thấy hạnh phúc tuyệt vời như những ánh nắng nhảy múa tưng bừng trong buổi mai. Ngoài đường bọn trẻ vẫn còn chơi năm mười và tiếng bọn trẻ la vang.

Buổi tối, mọi nhà đã lên đèn. Mẹ chú bé đang rửa bát phía sau. Ba bố con chú bé ngồi trên phản. Chú bé ngồi nhìn ra bầu trời đêm. Bầu trời xanh thẫm lấp lánh các vì sao. Bố đang đùa với em chú. Thằng bé chỉ lên tay áo trận bố hỏi:

- Cái gì đây bố?

- Cánh gà.

- Cánh gà là gì hở bố?

- Là thượng sĩ.

Thằng bé la:

- A bố được lên thượng sĩ hở?

- Ừ.

Chú bé chê:

- Bố yếu xìu hà! Đi lính mấy chục năm mà có thượng sĩ.

Bố chú bé cười. Chú hỏi:

- Bây giờ, bố bắn súng không bố?

- Để mai đã!

Thằng bé:

- Bố xạo, bố bảo tối bắn bây giờ lại không bắn.

Bố chú bé:

- Bắn súng, cảnh sát bắt bố, bố sẽ chết!

Thằng bé nhìn bi61 ái ngại. Rồi thằng bé em chú hỏi lại:

- Ngày mai bắn hở bố?

- Ừ!

Thằng bé hỏi tiếp:

- Thế bây giờ làm gì bố?

- Đi phố!

- Rồi làm gì nữa?

- Xi nê và ăn kem. Chịu không?

Hai anh em chú nhảy cỡn lên, quên cả việc đang ở trên phản:

- A nhất quá rồi!

Bố đi hành quân lâu nay anh em chú ít được đi bát phố. Thỉnh thoảng hai anh em chú đòi mẹ dẫn đi, nhưng mẹ bảo không có bố buồn lắm. Vì thế anh em chú quên việc bát phố đã hai tháng rồi.

Bố chú bé nói như hét:

- Coi chừng gãy phản đó nghe!

Thằng em chú la:

- Sức mấy bố!

Bố cười rồi bước vào trong. Hai anh em chú nhảy xuống theo sau như hai chiến sĩ đang vào nơi tử địa.

Bố chú nói:

- Đi thay đồ đi chứ!

Em chú trả lời:

- Con mặc đồ này được rồi!

- Con cũng vậy, ban đêm ai nhìn đâu bố!

Bố chú cười trừ, rồi bế xốc em chú lên hôn lấy hôn để. Thằng bé nhột quá cười sặc sụa, đòi xuống. Bố chú đặt em chú xuống, bố nói với mẹ lúc ấy từ dưới đi lên. Chú bé nhìn mẹ và bố, tưởng tượng ra cuốn phim chiến tranh sắp xem. Chú nhìn ra con đường. Con đường dưới ánh đèn vàng nhạt, chú thấy từng khoảng tối đen và vàng lẫn lộn. Con đường lưa thưa vài người qua lại. Chú tự hỏi: "Sao con đường ban đêm vắng hơn ban ngày nhỉ?" Chú không bao giờ trả lời được cả, cũng như câu hỏi mỗi khi có người hỏi về bố: "Chừng nào bố cháu về?" Chú bé nghĩ vu vơ. Có tiếng khóa cửa và tiếng mẹ bảo đi. Chú bé choàng tỉnh. Trên con đường em của chú đang được bố dắt đi dưới ánh đèn vàng. Chú chạy vội đi. Bóng chú ngã dài.

*

Bố về được hai ngày, hai ngày ấy bố đem lại niềm vui cho gia đình chú. Tất cả như được bừng sống dậy sau giấc ngủ dài bây giờ nhận được ánh nắng. Mẹ vui và cười nói luôn miệng. Bố có lần giỡn đã bảo, mẹ làm nũng với bố, mẹ nguýt bố và đấm lưng bố thùm thụp. Trong lúc đó, thằng em chú thương bố mua cho bố chè để bố ăn cho bổ. Chú bé bất giác nghĩ tới cảnh ấy chú bé chỉ mỉm cười.

Thế rồi, bố chú nghỉ phép trọn vẹn được hai ngày rồi bố chú lại ra đi. Vẫn chiếc ba lô cũ kỹ, vẫn đôi giày, cái mũ, cây súng trên vai. Bố chú đi vào buổi sáng. Hôm đi bố chú đã hôn chú và em chú. Bố bảo, ráng học nghe con, sẽ có quà cho con và nhớ viết thư luôn cho bố nhé! Chú buồn bã ậm ừ. Ngày bố đi, mẹ chú nhìn theo bố, hình như mắt mẹ ngấn lệ. Mẹ chú chỉ nói với bố vài tiếng rời rạc đứt quãng. Anh đi bình an! Bố thì cười. Bố lúc nào cũng cười. Có lẽ cười là thiên phú của bố.

Ngày đi, bố chú đi lầm lũi, đôi vai bố chú trũng xuống. Đầu tóc bố đã điểm màu bạc. Hôm đó chú nhìn theo bố cho đến khuất bóng bố bên góc đường.

Một tháng sau, chú bé viết thư cho bố.

Nha Trang, ngày... tháng... năm 1972

Bố kính mến!

Bố, lâu quá rồi con không viết thư cho bố. Hôm nay con mới viết cho bố ít dòng như lời bố dặn khi đi: "nhớ viết thư cho bố luôn con nhé!" Vâng, hôm nay con viết thư cho bố đây! Bố bây giờ vẫn khỏe chứ bố? Me vẫn thường bố ạ. Hồi sáng Liêm - tên em chú - không đi học được. Me bảo Liêm đau bụng lãi vì ăn nhiều cà rem. Mỗi ngày Liêm ăn cỡ mười cây đó bố. Con vẫn thường, trường con đã nghỉ hè rồi bố. Nhưng hằng ngày con vẫn cắp sách đến trường bố ạ. Me cho con học tư trường thầy Dự. Thầy Dự hiền lắm cơ! Thầy con có râu lún phún dưới cằm và có râu quặp trên mép trông ngộ lắm bố ạ. Liêm học trường ông Cụ. Ông Cụ già bắt quỳ sơ mít đó bố. Ghê lắm bố ơi! Bố, bây giờ ở trên đó mưa nhiều không bố? Chắc trời lạnh lắm bố nhỉ? Ở đây vẫn thường bố ạ! Thị trấn miền biển nắng cháy với từng cơn gió xôn xao. Buổi tối trời hơi nóng đó bố.

Bố ơi! Chiều chiều me thường khóc lắm bố ạ! Me bảo me nhớ bố. Bố! Cuối năm con xếp hạng 32. Me không khen con. Liêm xếp hạng 4. Liêm ỷ học giỏi về nhà nhõng nhẽo với me hoài bố ơi! Me chiều Liêm. Ghét ghê bố ơi! Me chẳng thương con bố ơi! Nhưng mặc, con chả cần phải không bố. Bố còn nhớ lời bố dặn con không? "Người con trai phải làm việc phi thường, phải lập kỳ công. Nhưng không cần nghe lời khen hay chê thiên hạ". Phải thế không bố? Con sẽ làm việc phi thường cho mẹ xem phải không bố nhỉ?

Bố, ngày xưa lúc đi bố hứa sẽ mua quà cho con bố nhớ mua và gửi về cho con bố nhá! À bố! Me mới mua một con chó bẹc-giê đẹp lắm. Con đặt tên nó là Bi-nô nghe bố.

Bố ơi! Bố cho con ngừng bút nghe bố. Con xin hẹn thư sau.

Cuối thư con kính chúc bố vui khỏe và gặp nhiều may mắn.

Con của bố.
Vũ (chữ ký của chú bé ngoằn ngoèo trên trang giấy trắng)

*

Nửa tháng sau. Một buổi tối. Dưới ánh đèn. Chú bé mở từng trang giấy xanh mực đen lấm tấm bụi. Bức thư của bố chú bé viết về cho chú bé.

Tây Nguyên, ngày... tháng... năm 1972

Vũ con!

Bố đã đọc hết thư con và bố buồn cười ghê con ạ! Con lớn rồi, tám tuổi rồi, tám năm dài trôi qua rồi đó con. Ngày xưa, bố lên tám tuổi của bố, bố còn ở trần đi chơi rong và đi chăn bò, chứ bố có được đến trường học như con bây giờ đâu con. Tuổi thơ của bố chứa đựng cả khung trời quê hương đồng nội. Bây giờ nói đến, bố nhớ tới xóm nghèo của bố, quê hương bố. Quê hương của bố gay gắt dưới cơn nắng hè và lạnh lẽo u buồn dưới bầu trời đông con ạ! Bố làm sao quên được quê hương bố con nhỉ? Bố sinh ra, bố lớn, bố trưởng thành nơi đó. Quê hương bố nghèo, bố phải đi chăn bò để đổi lấy miếng ăn, chứ đâu có thời giờ để học. Con bây giờ được sống trìu mến trong vòng tay mẹ và lòng thương yêu của bố bên cạnh em con. Có bao giờ mẹ lại không thương yêu con đâu con? Tình mẫu tử bao giờ cũng bất diệt đó con ạ! Nếu một ngày nào đó, con sẽ nhận thức được thì từ đó con sẽ thấy tội lỗi của con đối với mẹ con. Nhớ nghe con nhé! Lúc nào mẹ cũng yêu con. Chẳng phải mẹ ghét bỏ con đâu Vũ ạ! Hãy vâng lời mẹ và thương yêu Liêm. Liêm nhỏ hơn con, con phải nhường nhịn em con, bênh vực em con, con nhé! Ngày xưa bố có nhiều anh em lắm con ạ! Chú bác và bố luôn luôn nhường nhịn lẫn nhau, bênh vực nhau thế nào cho ông bà nội con vui, chú bác và bố mới yên lòng. Bây giờ con được sống trong tuổi thơ ngọt ngào sữa mẹ, tuổi thơ của con có thiên đường, có bà tiên nhân ái. Tuổi thơ của con như hương mật ngọt, như tiếng sáo diều đêm hạ. Còn tuổi thơ của bố buồn bã lắm con ạ, buồn bã như mưa đông rả rích. (Chả phải bố dùng sáo ngữ với con đâu). Tuổi thơ của bố không có dòng suối ngọt, không có cỏ xanh mượt như nhung. Tuổi thơ của bố âm thầm theo dấu chân của bác nông phu, của con bò vàng theo dấu cày sâu cuốc bẫm, theo mùa ngai ngái của đất ủ, bố chả biết chữ u, ư, hay i, t là gì cả con ạ! Tuổi thơ của bố xấu số! Bố lúc ấy như một người mù dù mắt bố trông rõ và sáng lắm. Tuổi thơ của bố không được may mắn, bố chỉ biết thụ hưởng tuổi thơ của bố thôi con ạ! Vũ ơi! Con hãy hưởng trọn tuổi thơ của con, con nhé! Hãy hưởng cho hết niềm vui bất tận đó. Hãy ráng học nghe con. Con hãy noi gương em con Vũ nhé! Sự học không phải là một canh bạc chỉ mong vào đỏ đen và may rủi. Không phải thế đâu con! Con đã hiểu chứ. Sự học không có tính nút như bài cào ba lá. Con đã thua Liêm rồi đó con. Con có biết: "Học thức là cái chìa khóa để mở được mọi cửa." Cố lên con.

"Cố lên, tên lính nhỏ trong đoàn quân lớn lao kia! Cố lên con ơi! Lấy sách vở làm khí giới, lấy lớp học làm quân đội, lấy thế giới làm bãi chiến trường, coi sự ngu dốt là cừu địch và lấy sự văn minh của nhân loại làm cuộc khải hoàn, con phải phấn đấu luôn luôn và chớ hề là tên lính hèn nhát." (1)

Vũ ơi! Học vấn con cao, lớn lên có thể con là vị tổng thống nhân từ, sáng suốt, thương yêu quốc dân, hay một vị thủ tướng khả ái hiền hậu. Bằng ngược lại con sẽ nhận lấy hậu quả, con sẽ làm một tên lính tầm thường như bố: "Trong thời chiến một tên lính chỉ là con số không vô tận con ạ. Hay khác nữa con sẽ làm một người thợ tầm thường, một bác làm công cho chủ. Vinh hay nhục hở con?

Việc phi thường của con đâu hở Vũ? Kỳ công của con đâu hay chỉ là một con số không nằm trong óc con, trong vở con, hở con?

Cố lên nghe con, thất bại là mẹ thành công đấy con ạ! Thua keo này con sẽ bày keo khác. Nghị lực của con có thừa. Đường đời của con còn dài. Nhớ nghe con, hãy làm một vị tướng anh hùng chứ đừng làm tên lính hèn nhát. Đừng buồn con nhé!

Vinh hay nhục: hai con đường, con hãy chọn lấy.

Thư bố dài, bố ngừng bút nơi đây con nhé! Hẹn con thư sau. Bố đã mua quà cho con rồi, sẽ có. Cho bố gởi lời khen Liêm con nhé.

Cuối thư bố chúc con khỏe vui và học giỏi.

Hôn con ngàn lần.

Bố yêu quí của con.
Thượng sĩ: Ngô Đại Danh

*

Chú bé xếp bức thư của bố rồi ngẩng lên nhìn bức ảnh bán thân của bố treo trên tường. Bên ngoài bầu trời xanh thăm thẳm. Sông ngân hà lấp lánh. Gió vi vu thổi. Từng giọt nước mắt lăn dài trên đôi má hồng của chú long lanh.
 
 
NGÔ NGỌC BÍCH      
 
(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 67, ra ngày 3-12-1972)

_______________ 
(1) Trích "Tâm hồn cao thượng"
Hà Mai Anh dịch.

Thứ Bảy, 27 tháng 4, 2024

Lời Tạ Lỗi Với Em Thơ

 

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Đã hứa một mai anh sẽ về
Thăm quê nghèo từ thuở chia xa
Mấy mùa rồi cây rừng thay lá
Nắng mưa anh vẫn dạt quan hà.
 
Đã hứa một mai anh sẽ về
Xuôi con nắng hạ ấm tình quê
Nghe lòng rộn rã niềm vui mới
Trinh trắng như còn tuổi ấu thơ.
 
Đã hứa một mai anh sẽ về
Rũ sương trên tóc ướt mẹ già
Mỗi sớm chiều âm thầm tựa cửa
Mà bóng chim chừng vẫn mịt mờ.
 
Anh muốn vân vê vạt áo nâu
Dãi nắng dầm mưa áo bạc màu
Đông nào mẹ chằm thêm manh vá
Anh nghẹn ngào lòng đã quặn đau.
 
Đã hứa một mai anh sẽ về
Nghe em ngọng nghịu chữ i tờ
Nhịp guốc dòn tan trong nắng sớm
Nghèo hèn nên mơ ước đơn sơ.
 
Anh giờ sóng nước một loài rong
Nhớ ngày tuổi dại vẫn thầm mong
Hồn anh lại trắng như trang giấy
Gối sách nằm mơ chuyện viển vông.
 
Đã hứa một mai anh sẽ về
Nhìn khói lên ôm ấp cau xanh
Quê Mẹ ta vẫn nghèo em nhỉ
Nhưng ấm tình người trong mái tranh.
 
Đã hứa một mai anh sẽ về
Tắm nước sông, ngồi gốc đa xưa
Giúp em làm con diều thật đep
Đợi gió chiều lên ở bãi sau.
 
Đã hứa một mai anh sẽ về
Lau bụi mờ trên khung ảnh cha
Mây chợt bay một chiều nức nở
Bóng mát đời anh cũng trôi xa.
 
Hứa nhiều nhưng anh vẫn chưa về
Tạ lỗi em thơ mỏi mắt chờ
Đất nước chưa nguôi cơn binh lửa
Anh ruổi dong biết đến bao giờ?
 
                                  BAN BỘI BỔNG
 
(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 141, ra ngày 15-11-1970)
 

Thứ Sáu, 26 tháng 4, 2024

Trên Quê Hương Ta Yêu Dấu

 

1
 
Tôi từ bỏ ruộng đồng đi lên mạn đê cao, đưa mắt nhìn sang bên kia sông. Nước thủy triều đang dâng lên theo con trăng mười bốn. Một vài chiếc thuyền tấp vào bờ. Bãi cói lấm láp bùn, đâm tua tủa lên không. Sóng gió dồn dập vỗ vào bậc đá bắc ra lòng sông. Tôi lang thang tìm vào một mái nhà cỏ làm quán nước ở bến đò. Mùi cám rang vàng ngậy và mùi lá gói bánh còn vương lại đâu đây. Con đường nhỏ về làng thưa thớt một vài người đi soi ếch nhái, ngâm lờ ban đêm. Cảm giác bâng khuâng và bình dị của người dân quê trong lũy tre xanh. Quê hương tổ quốc thân yêu nhất của tôi lúc này là đây. Suốt đời thơ ấu, tôi chưa bao giờ phải nghe tiếng súng. Tôi nhìn thấy cuộc đời thơ ngây và tuổi trẻ của đàn em lối xóm. Mẹ tôi may những chiếc áo chúc-bâu nhuộm nghệ vàng khè làm phần thưởng cho đứa con xưng tội lần đầu. Sân nhà tôi đêm trăng mười sáu có lũ con trai bẻ cành dâu chơi trò tìm dấu. Tôi chạy và ngã sưng môi, máu chảy loang ra vạt áo mới may. Và khuya lắm tôi mới dám  đi ngủ. Mẹ tôi soi đèn bắt muỗi cho tôi và tôi trộm nhìn thấy người nhíu mắt có vẻ không vui. Ai lớn lên cũng thấy đời mình có nhiều thay đổi mới. Tôi không mặc áo màu vàng nghệ nữa và trên đầu tôi không có hai trái đào lơ thơ nữa. Tôi nhìn thấy lũ con trai của bác Dương, người lính theo Tây từ Hải Phòng về. Chúng nó văn minh từ cái đầu, đôi dép cao su và bộ quần áo màu nhà binh. Tôi tự thấy mình không đáng đi chơi với chúng nó. Rồi khi dân vùng lân cận lánh nạn ở nhà tôi, tôi bắt đầu thấy cuộc đời mình nhuốm một chút không vui. Đêm tối, lũ trẻ hàng xóm đi ngủ sớm. Tôi men ra mấy đống rơm ở trước nhà ngồi hóng gió và nhìn đạn lửa bay xẹt trên trời cao. Tôi lo sợ cho anh Hưng phải đi vác súng đạn cho bọn lính Tây từ dưới bến đò lên đồn Kha Lý. Con chó mực sủa một hồi dài rồi trở vào thềm cao đi ngủ. Căn nhà năm gian im lìm tĩnh mịch. Mẹ tôi sửa soạn bữa cám heo sau hết. Tôi lại ngửi thấy mùi cám cháy, khê thơm phức pha lẫn với mùi lá bèo và những rêu rong chín ngút. Khi ấy thầy tôi từ xóm Đông về nhà. Cánh cổng bằng tre khép lại. Không khí ấm cúng ở bên trong. Chiếc đĩa dầu lạc đã cạn và ngọn lửa tàn dần. Chỉ còn một ngọn đèn chầu leo lét trên bàn thờ. Tôi ôm lấy hai ống chân thầy tôi để đánh đu và người bế tôi trên tay như đứa trẻ còn nhỏ lắm. Và ngay đêm ấy, không biết tôi có ngủ được hay không. Giấc mơ kinh hãi làm tôi bỏ nhà đi sang bên kia sông. Nơi đây là một đồng cỏ bao la bát ngát chạy dài tới chân trời xa tít. Đi hết cánh đồng lúa thơm hương là làng Cổ Am có nhiều nhà ngói cây mít. Những con đường cát mịn bò ngang dọc như một thành phố nhỏ. Mẹ và chị tôi thường đi đò sang cất hàng xén ở đây. Tôi biết những người dân Cổ Am phong lưu lắm. Họ ăn chơi như bậc vua quan vương giả. Về sau khi máy bay oanh tạc quê hương ấy, tôi mới biết nơi đây là lò lửa cách mạng. Cả làng ra tro và người ta đổ xô sang làng tôi. Ngày đêm  lửa đạn ngút trời. Người ta bồng bế nhau đi tìm nơi tạm trú. Bác Văn có người con gái tên là Nụ bị chết đuối trong khi chạy giặc. Sang đến nhà tôi, bác còn kêu gào như mụ điên. Bác chửi lũ Tây thực dân cướp con gái bác. Chồng bác mỗi khi được về thường đem theo hộp thịt bò và mấy ổ bánh mì. Bác mong chóng bình an, lũ Tây đi nơi khác để dân làng trở về lập nghiệp, khói lửa không còn nghi ngút nữa và ruộng cầy bắt đầu xanh um. Lũ trẻ con được ra đường hóng mát.

Từ khi bờ sông bên kia trở lại nếp sống bình thường tấp nập, nhà tôi vắng vẻ hơn. Bác Văn thuê đò trở về làng. Năm sau chiến tranh tràn tới bên này sông, những vườn cây trơ trụi. Những con đường vỡ toang nứt rạn. Tôi cảm thấy quê hương tôi bắt đầu đau xót. Lúa thôi lên đòng đòng. Bầy trâu ngơ ngác bên bờ nước ao tù. Nắng gay gắt hơn. Hàng quán trên đê vắng người. Chỉ có những người mũi lõ, tóc quăn nói chuyện bô bô, cười giỡn trong đó. Chị tôi về nhà không dám bán hàng nữa. Đêm tối mới thực là buồn tẻ. Tiếng giầy xăng-đá nện cồm cộp trên đường. Chó thi nhau đổ xô ra sủa. Mùi rượu nồng nặc bay theo gió vào trong xóm. Tôi thường nằm trong xó nhà, trùm chăn lên tận mắt để khỏi nhìn thấy những lỗ thủng trên mái nhà. Có đêm nào đó, tiếng súng nổ ở xóm Đông và ngày mai người ta thấy đám ma anh Tạo. Anh sợ Tây quá nên nấp vào chuồng trâu và bị bắn vỡ sọ. Vợ anh không dám khóc thành tiếng. Chúng tôi cầm cờ tang cho anh và khi hạ huyệt tôi thấy chị Tạo ngất đi.


2

Tôi ước ao một đêm nào không xa lắm, được làm con đường làng cát mịn. Không có một tiếng giầy đinh vang rền. Không có lũ tù nhân oan uổng bị người ta bắt đi, bắn thả trôi sông. Nhưng là một con đường bé nhỏ, bình yên có nhiều bóng cây mát dịu chẳng hạn cũng như một vài cụm dứa dại, một hai cây soan hoa tím hay hai bên trồng nhãn lồng rất ngọt. Mùa thu vàng chín, có những con chim đến tìm ăn và làm tổ. Đứng trước sự bất lực của mình, tôi cảm thấy mình càng nhỏ bé vô tận. Làm sao được vùng lên một chút như con sông kia cau mặt hờn giận. Làm sao được như hàng cây thiếu nước mà chết rũ, cũng là thái độ hờn căm. Ít ra được như loài chim xứ lạnh bay đi tìm đất sống. Nhưng không may tôi vẫn chỉ là con đường, một con đường phải thấy, phải nhìn, phải cam chịu định mệnh đau thương. Tổ tiên tôi, dòng tộc tôi, quê hương, dân tộc da vàng Việt Nam của tôi bị thiệt thòi nhiều quá. Cho đến hôm nay, tôi vẫn làm thân phận một con đường, vô tri vô giác của sỏi đá. Tôi điếc và đui mù què quặt, không còn hơi thở, cảm thông và hành động để phản ứng nữa.

Buổi chiều trăng đã lên rồi. Tôi ra bến sông nhìn về bên kia có đồng cỏ xanh tươi. Lũ mục đồng thưa thớt về thôn. Gió chiều từ mặt sông đưa lên mát quá, tôi nghe tiếng rì rào ở bên tai và ngửi thấy mùi bùn đất phù sa nồng nặc. Rặng lúa nằm rạp như tín đồ sám hối trong gian nhà thờ ở quê tôi. Từ xa lắm có tiếng chuông đồng trầm trầm cung kính. Lời kinh vực sâu xót xa cho người ra đi yên nghỉ đời đời. Tôi nghĩ đến anh Tạo, cô Nụ và biết bao anh em đồng bào tôi nằm xuống. Lòng đất này còn chuyển động và mùa thu ngọn cờ mình nhuốm máu. Ngày đó cây sậy bên sông cũng âu sầu đau khổ và tổ tiên còn hiện về như bóng ma. Con đường này không có vết chân người đi và tất cả là rừng hoang rậm rạp. Tôi bỗng vùng chạy về nhà. Gió bay. Tóc bay. Lá bay đầy đường. Cánh cổng tre khép lại. Thầy mẹ tôi quây quần bên bếp lửa. Nồi cơm nếp vừa sôi. Tôi chờ trăng lên cao để ngủ qua đêm và ước ao không mơ thấy con đường mấp mô vết đạn.


THỤY ANH             
(Trích tuyển tập truyện ngắn 
 "Bè Lau Qua Sông", sắp xuất bản)

(Trích từ bán nguyệt san Ngàn Thông số 2, ra ngày 20-5-1971)

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>