Thứ Năm, 3 tháng 7, 2025

Cắm Trại


Cắm trại, hay sống ngoài trời, xưa như lịch sử loài người. Những người tiền sử đã sống, đã ăn và đã ngủ dưới bầu trời rộng mở hay trong nơi trú ẩn sơ sài. Nhưng, văn minh tiến bộ đã lôi cuốn con người rời bỏ đời sống hoang dã để chen chúc nhau trong những căn nhà chật hẹp, khuôn mẫu và vuông vức, trong những đô thị dầy đặc những khói và ồn ào. Con người càng ngày càng ẻo lả, thụ động và sợ sệt. Thiên nhiên hiện ra dưới mắt con người như một thế giới xa lạ, chất chứa nhiều nguy hiểm. Cho tới một ngày mà người da trắng đặt chân lên thế giới thiên nhiên của người da đỏ, con người văn minh lúc ấy nhớ lại rằng thiên nhiên là bạn chớ không thù! Thiên nhiên cung cấp cho họ thức ăn, y phục và nơi trú ẩn an toàn. Thiên nhiên huấn luyện cho họ chí bất khuất, lòng can đảm, tính bình tĩnh, óc hợp đoàn, sự nhanh nhẹn... Thiên nhiên đem lại những thân hình vạm vỡ với những kỹ xảo tuyệt vời. Thiên nhiên là bạn của những người gần gũi nó, là thù của những người chạy trốn nó. Thế nên, con người đổ xô về với thiên nhiên cũng như có lúc đổ xô xa lánh. Trong những hình thức về với thiên nhiên, cắm trại được ưa chuộng nhất.
 
Cắm trại! Cắm trại vui thú biết bao! có lẽ đó là lý do tại sao hàng triệu người già trẻ bé lớn mong mỏi một kỳ trại phiêu lưu và mạo hiểm. Biết bao cảnh đẹp chỉ in dấu chân người đi trại: nào hồ thơ mộng, nào suối nên thơ, nào non hùng vĩ, nào rừng cây xanh lá... Trại sinh là người vui đời đơn giản, là bạn của ánh lửa bập bùng. Họ biết bài ca của muông chim khi nắng hồng rạng rỡ, biết điệu sầu của loài cú khi ánh lửa tàn đêm. Người trại sinh học cách sinh tồn trong rừng già, trên triền núi hay giữa dòng sông rộng. Trại sinh luôn sẵn sàng, hăng hái và giúp đỡ người khác. Dù sự hoang dã luôn thử thách, người trại sinh phải luôn luôn làm cho đời sống trại dễ chịu và thoải mái.
 
 
CHỌN ĐẤT TRẠI
 
Yếu tố đầu tiên và thật quan trọng là chọn đất trại. Trại sinh phải lựa chọn cẩn thận. Càng cắm trại lâu bao nhiêu, càng lựa chọn cẩn thận bấy nhiêu. Đất trại phải cách xa những nơi nguy hiểm như bờ đá dựng, hào sâu, chỗ cây chết, cành chết có thể đổ, rơi bất ngờ, những vùng đất lầy lội, những vùng đất có cây trường xuân và cây sồi với các loại thực vật độc hại như trường xuân, sồi, độc cần... Bụi rậm và bờ đất thấp gần sông, hồ, suối thông thường dung túng những muỗi mòng và các loại côn trùng khó thương khác. Tránh những núp đá là nhà ở của loài rắn độc. Đất trại tốt nhất phải cao ráo, thoáng khí với vài cây cho bóng mát. Nước uống và củi dùng nấu nướng phải gần đó để tránh hỏa hoạn cũng như sự thiêu đốt của mặt trời. Đừng ở nơi lộng gió, nhiều cây to để tránh hỏa hoạn. Đất phải xốp để nước rút khô mau lẹ sau cơn mưa, cũng như tạo dễ dàng cho việc dựng lều, làm nơi trú ngụ. Những hiện trạng thiên nhiên bao quanh như cây cối, đá lớn sẽ che chở cho đất trại khi có gió lớn.
 
 
XIN PHÉP
 
Sau khi chọn xong đất trại, trại sinh phải xin phép chủ đất và nhà cầm quyền địa phương, liên lạc với giới chức liên hệ cũng như các hội đoàn để được giúp đỡ và chỉ dẫn rõ ràng hơn. Nếu trại được tổ chức ở xa cần phải kêu gọi sự tham dự của người đi trại giàu kinh nghiệm. Sự hoạch định và sửa soạn cẩn thận rất cần thiết.
 
 
VẬT DỤNG :
 
Trước hết, quần áo đem theo phải đầy đủ và chắc. Quần áo bảo vệ trại sinh khỏi nắng, mưa, côn trùng, bụi rậm v.v... nghĩa là phải gồm có nón, áo mưa hay poncho, áo ấm cho những đêm gió lạnh, quần soọc, quần dài, áo lót, vớ dày, khăn tay và đồ ngủ (bi-ja-ma). Giày nhẹ, chắc và vớ len rất thích hợp. Nếu giày hơi rộng, tốt hơn nên mang hai đôi vớ: vớ vải nhẹ ở trong và vớ len dày ở ngoài. Nếu giày mới mua chưa đi lần nào, trại sinh phải đi trước ở nhà qua lại cho quen chân. Nếu kỳ trại kéo dài cần phải đem theo nhiều quần áo để thay đổi và thêm đôi dép.
 
Ngoài ra, trại sinh còn phải đem theo vật dụng cá nhân (kem, bót đánh răng...), bi-đông, đèn bấm, đèn cầy, diêm, địa bàn, còi, lều, mền, nệm hơi (phao, nếu có), bản đồ, dao bỏ túi, lưỡi câu, dây, băng cứu thương, dầu và các vật dụng cho cả trại mà ban quản trại giao phó như cuốc, xẻng, dụng cụ dựng lều, vật dụng nấu nướng, xách, túi đựng nước, máy chụp hình v.v... Chỉ đem theo những gì cần thiết cho cuộc cắm trại, đừng đem dư thừa. Cần chú ý đến thời gian, địa điểm của trại để đem đúng vật dụng. Trại sinh phải lập một danh sách tất cả những vật dụng cần đem theo và kiểm soát lại khi xếp vào xách hay ba-lô.
 
Công việc xếp vào xách thật dễ dàng và đơn giản. Một cái xách hay ba-lô là một túi chứa đầy các túi nhỏ. Xếp quần áo phụ như áo lót, vớ... vào một hay nhiều túi nhỏ - túi plastic là tốt hơn cả - Sau đó ép mạnh cho không khí bên trong ra hết và niêm túi lại bằng một sợi thun, miếng băng keo hay nắp cao su chúng ta thường thấy. Các vật dụng vệ sinh cá nhân như xà bông, khăn tắm, khăn lau, bót và kem đánh răng phải cho vào một túi khác. Thực phẩm phải được xếp vào những túi plastic hay hộp. Xách hay ba-lô với đầy đủ vật dụng không được nặng quá (1/4) trọng lượng toàn thân. Trại sinh phải xếp những vật dụng mềm, phẳng đối diện với lưng để được dễ chịu khi đi đường. Những vật dụng xài sau cùng cần để ở dưới cùng. Các đồ nặng xếp lên trên gần mặt xách. Một cây đèn bấm và hợp cứu thương nên xếp trong một cái túi may dính  bên ngoài xách. Áo đi mưa hay poncho xếp vào sau cùng.
 
Dây đeo phải khá lớn để khỏi cứa vào vai. Các miếng đệm lót dưới dây đeo làm trại sinh cảm thấy thoải mái hơn khi đeo. Đừng để vật dụng vương vãi, bề bộn bên ngoài xách. Nếu xách không đủ chỗ thì mền, chăn có thể cuộn tròn, cột lại và buộc lên phía trên xách. Điều cần nhớ là xách hay ba-lô phải được may bằng vải không thấm  nước. Thường cuộc cắm trại dành cho nhiều người nên thực phẩm và các vật dụng chung cần phải phân chia cho tất cả mọi người và phải theo qui luật người mạnh, khỏe mang nặng hơn người nhỏ, yếu.
 
 
DỰNG LỀU.
 
Có nhiều loại lều thích hợp cho thời gian và hoàn cảnh của trại.
 
Nhưng thường trại sinh nên dùng lều hình chữ A vì nhẹ, dễ căng và có thể tự làm dễ dàng. Khi căng lều phải nhớ rằng không chừa khoảng trống giữa đất và mép lều. Phương pháp ngăn ngừa tốt nhất là kết dính với mép lều một tấm vải không thấm nước làm nền cho lều. Những phía để trống của lều không được quay thẳng về hướng gió. Phải tránh những cây to trơ trọi vì sét thường đánh những cây này. Trước khi dựng lều phải kiểm soát lại đất đai xung quanh. Mặt đất phải khá bằng phẳng, khô ráo. Đá, gạch và khúc cây phải được dọn sạch khỏi chỗ dựng lều. Đừng bao giờ quét hay thu dọn lá cây trên đất trại ngoại trừ những chỗ dùng làm bếp lửa. Lớp lá phủ trên mặt đất làm đất trại không bị lầy nhưng quan trọng hơn là cỏ, lá cây và nhánh cây nhỏ trên mặt đất giữ cho đất không trôi đi khi trời mưa.
 

Biết cách cắm cọc, trại sinh sẽ giữ lều được đứng thẳng. Những vùng đất mềm, rời cần cọc dài hơn. Cọc được cắm theo hướng nghiêng ra phía ngoài lều. Ở những vùng có đất trôi tụ lại hay lùm cỏ, cọc được cắm thẳng xuống hay chênh chếch về phía lều.
 
Trong kỳ trại giả sử có một trận mưa rất lớn, nước chảy tràn vào lều. Việc này thường xảy ra khi lều được dựng trên mặt đất dốc thoai thoải. Gặp trường hợp này, trại sinh phải ngăn dòng nước không cho chảy vào lều bằng cách xẻ một cái mương nhỏ ở bờ cao của lều dẫn nước đi xung quanh lều chảy xuống bờ thấp. Nhớ rằng đừng bao giờ đào mương và rãnh nếu không cần thiết ; nếu phải đào, trại sinh phải lấp và dậm cho chắc lại khi không cần nữa hay trước khi rời đất trại.
 
Có nhiều trường hợp nguy hiểm khi trại sinh đi săn, đặt bẫy hay đi câu, trại sinh cần tìm một chỗ trú cấp thời. Mép đá nhô ra hay một cây đổ to lớn rất tốt để trú. Phía đối nghịch với hướng gió (không đưa ra hướng gió) của tảng đá lớn, bờ đá hay cây to che chở cho chúng ta rất nhiều.
 
Khi đi cắm trại đông người, các lều phải được dựng xung quanh lều chánh của Ban Quản Trại và không nên cách xa nhau quá, thông thường cách xa nhau từ 50 đến 100 thước. Khi dựng lều cũng như trong thời gian ở trại, trại sinh không được chặt phá cây cối, làm xáo trộn hoàn cảnh thiên nhiên nhiều quá mà chỉ nên tận dụng hoàn cảnh sẵn có đem lại tiện nghi cho trại.
 
 
"GIƯỜNG" NGỦ Ở TRẠI :
 
Đi trại không phải là nhịn ăn, nhịn ngủ, trái lại là khác. Trại sinh phải ứng biến làm sao cho ăn no, ngủ kỹ... Ngủ ở trại rất thú vị nếu đủ ấm và thoải mái. Nếu có chăn, mền thì rất tốt. Trại sinh gấp đôi chăn hay mền lại và ghim các mép lại với nhau thành một cái túi. "Giường" ngủ đã xong, trại sinh chui vào giữa túi và ung dung đánh một giấc. Nếu không có chăn mền trại sinh có thể dùng nệm hơi (phao) thổi phồng lên, những nhánh cây thông nhỏ hay những cành có lá được dồn góp lại thành một tấm nệm rất thoải mái. Trại sinh cần phủ lên trên giường ngủ một lớp vải không thấm nước, áo đi mưa hay poncho, và tém gọn các mép xuống dưới giường.
 
Dầu ở thời tiết nào - nóng, ấm, mát, lạnh - trại sinh cũng mặc đầy đủ quần áo che kín người khi ngủ để tránh sương, tránh côn trùng cắn, chích hay bụi gai cào sướt. Nếu gặp thời tiết lạnh phải mặc cho đủ ấm, bằng cách mặc nhiều lớp quần áo, không nên mặc một lớp thật dày (khi cảm thấy nóng có thể cởi bỏ một, hai lớp dễ dàng, mau chóng).
 
 
CỦI VÀ LỬA : 
 
Dao, búa, diêm và những phương tiện cho lửa khác rất cần thiết cho một trại sinh từ khi lên đường cho tới lúc trở về. Trại sinh thường dùng loại dao bỏ túi và dao luôn luôn ở trong túi hay trong bao đeo cẩn thận bên hông để tránh rơi rớt dọc đường khi đi hay chạy. Búa phải có tay cầm thật chắc chắn và an toàn, có bao và lưỡi búa luôn ở trong bao khi đi đường, khi không dùng. Không bao giờ ném dao hay phóng búa, rất nguy hiểm! Cũng không nên khắc tên vào cây cối. Khi sử dụng phải nhìn quanh để tạo sự an toàn cho người khác. Trại sinh phải tự kiếm củi đốt ở đất trại nên phải biết loại nào đốt được, loại nào khó đốt để không phí tài nguyên thiên nhiên. Cây chết đốt tốt nhất. Các cành thấp của những cây đang đứng vững thường là cành chết. Nếu cành nào gẫy kêu răng rắc trại sinh có thể bảo đàm cành đó sẽ cháy dễ dàng. Trại sinh chỉ nên kiếm đủ số lượng cần dùng mà thôi.
 
Phần quan trọng nhất ở các trại là lửa, từ lửa để nấu nướng sưởi ấm cho tới những lửa trại to lớn để sinh hoạt. Trước hết, đất xung quanh chỗ đốt lửa phải trống trải, không có cành cây, bụi rậm và cỏ. Nên đốt gần lều để dễ trông chừng (đừng gần quá) và lửa phải được kiểm soát thật nhỏ, nhỏ đủ dùng theo nhu cầu thôi. Có nhiều loại bếp của người đi săn tạo thành hai khúc gỗ lớn đặt song song, đầu rộng hướng về luồng gió. Xếp những tảng đá thành hình chữ U, đầu hở hướng về luồng gió, cũng tạo nên một bếp tốt. Loại bếp này tỏa ra rất nhiều nhiệt và giữ thiệt lâu rất tốt để nấu nướng. Nếu cần nấu nướng nhiều thứ một lúc, trại sinh đào một rãnh dài, xếp đá chung quanh tạo nên một rãnh lửa. Củi khô dễ bắt lửa được dựng đứng sắp hình cái lều của người da đỏ hay được sắp vòng tròn rất được ưa chuộng trong những đêm sinh hoạt lửa trại. Vào những ngày gió lớn, trại sinh phải nhóm lửa trong những lỗ được bao bọc bởi đá, gạch hay gỗ to.
 
Trước khi nhóm lửa, trại sinh phải sửa soạn thật đầy đủ. Mỗi lần nhóm lửa, trại sinh thường cần:
 
- 2 hay 3 nắm tay cành cây nhỏ dài khoảng 2 tấc.
 
- 1 nắm nhỏ các khúc gỗ lớn bằng ngón tay cái dài hơn 2 tấc.
 
- 1 khúc gỗ lớn bằng cổ tay và dài hơn 2 tấc, chẻ đôi khúc gỗ này.
 
Trong khi mót gỗ, trại sinh hãy để mắt tìm kiếm vật liệu dùng làm mồi bắt lửa chẳng hạn cỏ khô, vỏ cây khô của cây bách hương (giống như cây thông) hay những nhánh thông khô. Vỏ của cây phong chết (phong trắng, xám hay vàng đều được) làm mồi bắt lửa rất tốt. Đừng bao giờ tách vỏ này ở cây đang sống. Những que gỗ chẻ mỏng có thể thay thế cành nhỏ và mồi bắt lửa.
 
Người trại sinh giàu kinh nghiệm thường dùng những thứ nến lửa như một mẩu đèn cầy vụn, báo được cuộn chặt, cột bằng dây cắt từng khoanh dài chừng 5 phân và được nhúng vào parafin cháy lỏng (sáp đèn cầy cháy lỏng) là những nến lửa rất tốt. 5, 6 diêm quẹt bó lại và tẩm parafin cũng rất tốt và loại nến lửa bằng diêm quẹt tẩm parafin vẫn cháy dù tiết trời ẩm ướt. Nến lửa dùng giữ lửa được lâu.
 
Với đầy đủ vật liệu cần thiết, trại sinh có thể nhóm lửa một cách thành công. Hãy nhớ dọn dẹp xung quanh chỗ nhóm lửa thật trống. Khi bếp đã sẵn sàng, trại sinh để một khúc gỗ lớn bằng ngón cái ngang vài hòn đá nhỏ, xếp vài mồi bắt lửa dưới khúc gỗ này và rải một nắm cành nhỏ lên khúc gỗ, thêm vài cành lớn  hơn và đốt mồi bắt lửa. Gỗ sẽ bắt cháy nhanh chóng và trại sinh thêm vài khúc gỗ lớn khi lửa cháy sáng.
 
Lửa cao ngọn, sáng dùng để nấu nước, nấu cơm, canh hay luộc rau cải, trứng, sau đó có thể nấu nướng các món khác. Khi lửa thấp ngọn, một lớp than nóng đã thành sẵn cho trại sinh nấu nướng thịt, cá. Khi bếp hoạt động phải luôn luôn có một xách nước đầy gần đó để đề phòng ngọn lửa phừng cao vì gió lớn. 
 
Khi không dùng bếp hay khi rời đất trại phải dập tắt lửa hoàn toàn và san bằng lại như cũ. Dập tắt lửa bằng nước, như sau: khều các khúc gỗ đang cháy rải rộng ra ; tưới nước lên các khúc gỗ và lớp tro than còn nóng ; lật các khúc gỗ qua lại cũng như xới lớp tro than lên và tưới nước cho tới khi nào không tỏa nhiệt mới thôi. Tro ướt và lạnh nên tung rải rác ra khi trại chấm dứt. Sau đó phủ lên mặt đất trống xung quanh chỗ nhóm lửa một lớp lá và đất, phân lá cây như lúc chưa nhóm lửa.
 
Một đầu bếp ở trại giỏi dắn cần nhớ các chỉ dẫn sau đây:
 
- Luôn luôn mang theo diêm (nếu có diêm không thấm nước càng tốt) trong túi.
 
- Đem theo nhiều nến lửa, nhất là trong thời tiết ẩm ướt.
 
- Một vài vỏ cây phong trong xách rất hữu ích.
 
- Nhớ rằng ngay cả trong mùa mưa, phần gỗ bên trong các khúc cây thường khô ráo và có thể chẻ mỏng làm mồi bắt lửa dễ dàng.
 
Trại sinh nhiều kinh nghiệm luôn luôn chuẩn bị đủ số lượng củi đốt cho mỗi bữa ăn. Một mảnh vải không thấm nước (áo mưa hay poncho) phủ lên đống củi giữ cho củi khô ráo khi trời mưa. Thật là lịch sự biết bao nếu trại sinh để lại một bó củi gọn gàng cho những trại sinh đến sau!
 
 
BỮA ĂN Ở TRẠI
 
Vật dụng cần thiết để nấu nướng ở trại là xoong, chảo, ấm, muỗng, nĩa, đũa... Một miếng nhôm cuốn tròn rất đa dụng, có thể thay thế cho xoong để nấu nướng nhiều món ăn rất ngon miệng. Một hộp thiếc đựng bánh bích-qui có thể dùng nấu nướng rất hữu dụng. Trại sinh đào một lỗ trên một bờ đất và treo hộp không trong lỗ ; đào một ống dẫn khói từ thành của lỗ lên mặt đất để khói thoát ra cũng như tạo ra một luồng gió thổi vào. Sau đó, trại sinh nhóm lửa dưới hộp. Trại sinh có thể nấu nướng thức ăn trong loại lò này rất thành công. Nếu có đủ vật liệu cần thiết, trại sinh có thể dùng loại lò này nướng bánh (bánh bông lan chẳng hạn).
 
Phải nhóm lửa trước khi nấu nướng chừng 15, 20 phút. Thường trại sinh nên nấu nước dùng trước. Trại sinh nhớ phải dự bị sẵn hai miếng vải dày, có thể dùng bao tay bằng da, để nhắc nồi xuống.
 
Một bánh xà bông cỡ nắm tay sẽ tiết kiệm cho trại sinh rất nhiều thời giờ và công việc. Hãy ngâm cho mềm một mẩu xà bông trong nước (ít nước thôi). Trước khi đặt nồi lên bếp, hãy thoa một lớp xà bông ngâm nước ở trên lên mặt ngoài của nồi. Công việc rửa sạch nồi niêu xoong chảo sẽ dễ dàng gấp bội nhờ lớp xà bông này. Người đầu bếp phải có một mảnh plastic hay vải để trải lên đất dùng bày biện khi nấu nướng.
 

Vấn đề món ăn ở trại tùy theo tài chính và sự nấu nướng của đầu bếp. Nếu đầu bếp không vụng quá, bữa ăn ở trại rất ngon và thú vị. Nếu tài chính cho phép, bữa điểm tâm dùng trứng, thịt mỡ với bánh mì. Bánh mì đem theo dễ dàng nhưng khi dùng cần nướng khô lại. Trứng rất dễ nấu nướng và bổ ích. Bữa trưa và bữa chiều dùng cơm với thịt nấu canh kho hay chiên... tùy tài nấu nướng và sáng kiến của từng người. Trước khi ngủ có thể dùng bữa nhẹ lót bụng nhưng đừng nấu chè (nhất là chè đậu xanh), ăn vào dễ bị đau bụng.
 
Thực phẩm đem theo có thể bao gồm: bánh mì, gạo, thịt ướp lạnh, trứng (cẩn thận khi đi đường), các loại thức ăn nguội hay đồ hộp. Thực phẩm cần phải xếp vào bao không thấm nước treo lên cành cây gần lều hay đặt lên giá do trại sinh đóng. Các loại thực phẩm cần giữ cho tươi như trứng, rau cải, bơ, sữa... nên cho vào những "tủ lạnh" thiên nhiên. Trứng, bơ, rau cải... được xếp vào một thùng thiếc và trại sinh đem đặt dưới dòng suối hay rạch nước. Nhớ đặt chỗ nông và để lên trên hộp một hòn đá khá nặng để hộp không bị trôi đi. Nếu không được như trên, tất cả cũng được xếp vào một hộp thiếc, đặt chìm sâu trong đất.
 
 
VỆ SINH SỨC KHỎE AN TOÀN
 
Nếu không có gì trở ngại, trại sinh nên thường rửa ráy, vào buổi chiều tối, nhưng ít nhất trại sinh phải lưu ý đến bàn chân của mình hàng ngày. Phải rửa chân bằng nước ấm, lau khô cẩn thận, thoa một lớp phấn hoạt thạch (phấn thoa cho trẻ em) để không bị đau hay bỏng chân. Trên đất trại, trại sinh đừng mang bít-tất cũng như vớ. Nhưng khi đi dạo, ngoạn cảnh... trại sinh phải mang vớ sạch sẽ và thoáng khí. Trại sinh cũng nên thoa bóp bàn chân với dầu và giữ cho móng chân ngắn.
 
Ở những nơi có khí hậu nóng, nhiều bụi, trại sinh phải lưu ý đến đôi mắt của mình. Hãy săn sóc mắt bằng cách rửa mắt trong nước muối ấm, đeo kính mát nếu cần. Mũ và khăn quàng giúp cho trại sinh không bị say nắng và nhức đầu. Hãy đội nón và kéo khăn quàng che kín gáy sau ót. 
 
Trại sinh phải giữ cho đất trại luôn sạch sẽ. Những giấy thừa, rác rến nên đốt đi, đốt từ chút một, đừng dồn thành đống thật lớn rồi đốt một lần dễ gây hỏa hoạn. Hoặc đào một lỗ làm nơi đổ rác cho trại. Trước khi rời đi, trại sinh phải lấp lỗ lại và dậm thật mạnh. Những lon đồ hộp đã dùng hết, trại sinh phải đập cho bẹp đi và chôn. Thức ăn dư thừa nên sấy khô và đốt cháy trong đống lửa. Nếu nơi cắm trại có sẵn thùng đựng rác rến, thức ăn thừa, hãy đổ đồ dư nhà bếp vào đó. Không bao giờ chôn thức ăn dư thừa hay những món khác ở nhà bếp vì thú vật sẽ đào bới lên.
 
Trại sinh cũng phải dự bị sẵn chỗ để tống cặn bã trong người ra.
 
Trại sinh phải đào một cầu tiêu cho trại. Cầu tiêu sâu chừng 7, 8 tấc và đường kính khoảng 3 tấc, ở xa nơi dựng lều và nơi cung cấp nước dùng cho trại.
 
Nước uống phải hợp vệ sinh. Tốt nhất, trại sinh nên dùng nước đun sôi. Trước khi dùng, hãy đổ nước qua lại để không khí luồn vào nước làm cho nước có mùi vị dễ chịu và uống dễ tiêu. Có thể dùng thuốc tím hay thuốc viên làm sạch nước. Đừng bao giờ uống nước sông, nước suối trừ phi đã được đun sôi hay khử trùng.
 
Trong bất kỳ loại trại nào, trại sinh phải đem theo một hộp cứu thương. Ngay cả trường hợp chỉ có một, hai người đi cắm trại trong một hai ngày cũng phải có hộp cứu thương. Hộp cứu thương phải luôn luôn ở trong tình trạng sẵn sàng sử cụng, đừng bao giờ đóng khóa cũng như mở toang ; hãy gài lại sao cho không đổ khi đi hay chạy và mở ra dễ dàng. Một hộp cứu thương gồm có : Vài mảnh vải, bông gòn sát trùng, từ 5 đến 10 băng dính có thuốc sẵn, một chai thuốc sát trùng, một hộp pô-mát chữa bỏng và các vết thương do côn trùng gây ra, một cuộn vải the sát trùng, băng keo, một cây kim và những loại thuốc trị nhức đầu, đau bụng, cảm, trầy trụa. Mỗi trại sinh phải luôn có trong túi một hay hai băng dính có thuốc sẵn. Trên hộp cứu thương phải có danh sách bác sĩ, y tá và điện thoại cảnh sát gần đó với đầy đủ địa chỉ và số điện thoại nếu có. Danh sách này phải được cập nhật hóa lại cho đúng trước khi bắt đầu dự trại.
 
Đi trại rất thích thú nhưng cũng nhiều nguy hiểm. Trại sinh có thể gặp thú dữ, các loại bò sát và côn trùng nhưng thường trại sinh sẽ thấy những con thú bè bạn như nai, hươu, thỏ... Một nguy hiểm thường xảy ra do chính trại sinh gây nên : đi lạc. Vì tò mò, vì tìm hiểu trại sinh đi xa khu đất trại và lạc. Khi bị lạc, rất nhiều nguy hiểm đối diện với trại sinh và trại sinh cần bình tĩnh ứng phó với tình thế. Người ta thường bảo "phòng hỏa hơn cứu hỏa", nên trại sinh cố tránh bị lạc thì tốt hơn. Trước hết, trại sinh phải tìm hiểu rõ đất trại nhờ bản đồ phân định rõ ràng đất trại, nhờ cảnh vật thiên nhiên như dòng suối, con sông, đường sá, những cao điểm hay những dấu hiệu đặc biệt khác. Mỗi trại sinh nên có một bản đồ khu đất trại và vùng lân cận trong túi. Trại sinh đừng đi xa một mình. Tốt hơn là tối thiểu phải đi từng nhóm 3 người. Nếu một người bỗng ngã bệnh hay bị thương không đi được, một người sẽ ở lại săn sóc tạm thời và một người chạy về báo tin cầu cứu. Mỗi trại sinh cần mang sẵn những vật dụng đề phòng khi bị lạc như : địa bàn, dao bỏ túi, đèn bấm, một cái còi nhỏ, vài sợi dây nhẹ, chắc, vài lưỡi câu đựng trong hộp, một nến lửa và túi vệ sinh cá nhân.
 

Trong trường hợp bị lạc, trại sinh phải bình tĩnh, ngồi xuống nghỉ mệt và cố nhớ lại sự việc xảy ra. Sau đó lấy bản đồ ra, xác định lại các dấu hiệu của thiên nhiên, nhờ địa bàn tìm ra phương hướng để đi tới một đường rầy hay đường xe chạy gần nhất. Lúc ấy coi như là thoát. Không việc gì phải sợ sệt. Nếu không chắc chắn tìm ra lối đi, hãy ở lại chỗ đang ngồi và dựng một  chỗ trú tạm thời. Nhóm lửa sưởi ấm và bắt đầu làm dấu hiệu bằng khói từng chập một (bằng dấu hiệu Morse). Thổi còi và chờ đoàn tìm kiếm sắp đến và nhớ : bình tĩnh.
 
Ở khu đất trại có chỗ bơi lội cho trại sinh rất tốt. Nhưng không để trại sinh bơi một mình. Đừng lặn chỗ nước lạ. Đừng bơi sau bữa ăn. Nếu trại sinh học chèo thuyền thì hãy nhớ nếu thuyền lật, đừng bỏ thuyền để bơi vào bờ, tốt hơn nên bám vào thuyền chờ người ra cứu.
 
Trại sinh luôn luôn cẩn thận và tuân theo kỷ luật trại để đem an toàn cho bản thân.
 
 
SINH HOẠT TRẠI :
 
Đi dự trại không phải chỉ nhằm ăn, ngủ mà nhằm phát triển tài năng, tài ứng biến, tìm hiểu thiên nhiên và sống cộng đồng. Sinh hoạt trại rất quan trọng và tùy thuộc mục đích của trại : trại của người đi du khảo, trại của người leo núi, trại của gia đình hay trại của đoàn thể thanh thiếu niên, của học đường. Nhưng, một cách tổng quát trại được tổ chức để trại sinh học hỏi và trắc nghiệm những hiểu biết đã thu thập được ở học đường hay đoàn thể. Để thích hợp, giả sử sinh hoạt nói ở đây là sinh hoạt của một đoàn thể thanh thiếu niên. GĐTN chẳng hạn. Người thiết lập chương trình phải chú ý đến yếu tố nói trên là giờ sinh hoạt chỉ nhằm ôn lại và khảo sát sự thu thập của trại sinh những kiến thức được trình bày ở những buổi sinh hoạt trước. Đừng bao giờ dạy bài ca mới, trò chơi mới, bài học tập mới ở các kỳ trại. Trại sinh sẽ hấp thụ thêm lối sống giữa thiên nhiên ở những kỳ trại mà thôi. Những điều mới lạ trong lối sống mới làm trại sinh bối rối rất nhiều, đừng bắt họ đa mang thêm nhiều rắc rối khác.
 
Chương trình sinh hoạt phải có đủ loại từ trò chơi cần cố gắng của trại sinh cho tới sinh hoạt yên lặng, nhẹ nhàng. Những môn thể thao, giải trí lành mạnh cũng nên sắp vào chương trình. Ngoài ra cũng nên tổ chức những giờ đi dạo, ngoạn cảnh, tìm hiểu đời sống thiên nhiên. Khi di chuyển phải đi theo hàng một và cẩn thận. Thường trong mỗi kỳ trại, một trò chơi lớn được mọi trại sinh chú ý. Trò chơi lớn đòi hỏi tinh thần tháo vát, mọi khả năng của mọi trại sinh. Trong trò chơi lớn, trại sinh phải hiểu biết về mật mã, dấu đường, dấu vết để lại... phải tỏ ra nhanh nhẹn tháo vát. Tóm lại, trước khi tham dự trại, trại sinh phải thu thập một cách khá đầy đủ những kiến thức được trình bày từ trước.
 
Một yếu tố đóng góp vào sự thành công của trại là tinh thần cộng tác và sự hiểu biết giữa ban quản trại và các trại sinh. Ban quản trại phải hoạch định thật rõ ràng chương trình của trại từ giờ lên đường cho tới lúc trở về. Không thể bảo rằng ban quản trại sẽ tùy cơ ứng biến để tạo bất ngờ cho trại! Chính trại sẽ gây ra rất nhiều bất ngờ mà ban quản trại phải ứng phó rất chật vật, đôi khi đem tới sự đổ vỡ cuộc cắm trại. Đừng tự mình gây thêm sự thất bại cho mình. Hơn nữa, nếu không hoạch định sẵn một chương trình minh bạch được sự đồng ý của toàn thể ban quản trại, các nhân viên trong ban quản trại sẽ vô tình chống đối nhau, không có sự thống nhất cần thiết. Ông nói gà, bà nói vịt. Trại sinh không biết nghe ai đây và sẽ không thèm nghe lời ai cả!
 
Ban quản trại cần trình bày rõ đất đai, lộ trình, mục đích trại, tài chánh, chương trình sinh hoạt... Ban quản trại phải thiết lập danh sách vật dụng cần thiết và phân chia cho mỗi đội, mỗi trại sinh thi hành một cách công bằng. Ban quản trại phải trình bày rõ ràng kỷ luật trại và thi hành thật chu đáo. Đừng để cho trại sinh có những hành động như ngắt hoa, bẻ trái, đi la cà các hàng quán ăn uống bừa bãi, tự ý xông vào những chỗ có bảng cấm hoặc chỗ nguy hiểm, rời đất trại một mình không thông báo... Ban quản trại phải trừng phạt và khen thưởng ngay lúc xảy ra nhưng nhớ đừng chạm vào tự ái của các trại sinh, nghĩa là khi trừng phạt nên nói chuyện ôn hòa cho trại sinh biết lỗi lầm của mình và khuyên bảo hãy ý thức về hành vi của mình (nếu cần đừng trừng phạt trước mặt đám đông). Con người ai cũng có tự ái, chỉ có thú vật, thần thánh mới không có hay dẹp bỏ được lòng tự ái mà con người không là thú vật cũng chẳng phải là thần thánh, con người là con người. Ban quản trại đừng bao giờ áp dụng kỷ luật khắt khe quá, hãy chú trọng đến kỷ luật tự giác. Một khi trại sinh ý thức được hành vi của mình ảnh hưởng đến an ninh chung và sự thành công của trại thì trại sinh sẽ tự khép mình vào kỷ luật. Nhiệm vụ của ban quản trại là ăn nói làm sao, hành động làm sao cho trại sinh ý thức chớ đừng bó buộc.
 
Đối với trại sinh cũng vậy. Trại sinh có bổn phận hiểu biết tường tận về đất trại, lộ trình... nếu có thắc mắc hay ý kiến cần trình bày thẳng thắn cho ban quản trại. Hãy luôn luôn nhớ rằng không có chương trình nào, ý kiến nào hoàn toàn cả. Dù đó là ý kiến của người giỏi hơn mình. Trại sinh phải tuân theo kỷ luật trại, đừng tự do hành động quá trớn. Trại sinh phải biết sử dụng quyền tự do của mình đúng lúc, đúng chỗ.
 
Một khi đã bằng lòng tham dự trại thì trại sinh phải thi hành kỷ luật trại. Đừng lấy tự do hành động chống đối tự do lựa chọn. Trại sinh phải nhớ rằng kỷ luật trại đặt ra nhằm giữ an ninh chung của trại, trong đó có trại sinh, và đem đến sự thành công của trại. Trại sinh phải luôn luôn ý thức về hành vi của mình trong đoàn thể.
 
Cắm trại là một sinh hoạt rất thích hợp cho thanh thiếu niên. Đó là một vinh dự của những người thích đời sống tập thể, mến cảnh vật thiên nhiên. Thiên nhiên dành cho mọi người. Trại sinh phải bảo vệ và giữ gìn thiên nhiên luôn được sạch sẽ và tươi tốt. Hãy cẩn thận với lửa. Hãy dọn dẹp sạch sẽ đất trại trước khi rời đi. Hãy chắc chắn mọi lỗ hang đều được san phẳng. Đừng lưu lại một dấu vết gì, một vật gì. Trại sinh chỉ gửi lại lời cám ơn chủ đất và sự cảm mến trong lòng mọi người. Một ngày nào đó trại sinh sẽ tham dự được một cuộc cắm trại khác lớn hơn, thích thú hơn và càng ngày càng vui thích đời sống ở trại.
 
 
PHAN BÁ       
 
(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 99, ra ngày 22-7-1973)
 

Không có nhận xét nào:

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>