Thư của em N N Y
Hỏi: ... Đầu năm học, mẹ em cho em vải để may 2 cái áo dài. Em đem đến nhà mẹ một người bạn em để may, tưởng là bạn thân thì khi tính tiền chắc sẽ được trừ phân nửa hoặc một phần. Dè đâu mẹ bạn em tính như tính với người ngoài. Chị nghĩ coi có tức không? Em thấy như vậy là gia đình nó xử với em như người ngoài, nên sang năm học mới em không ngồi cùng bàn với nó nữa. Không phải em tiếc số tiền, nhưng thấy cách cư xử đó, sao em ghét quá...
Trả lời:
Chị mong khi em đọc thư này, em chưa chọn chỗ ngồi cách xa người bạn của em. Nếu đã xẩy ra thì đó là một trong những hành động nông nổi mà em nên tiếc, trong cuộc đời.
Chị nhớ dạo bé, mỗi khi đi chợ mẹ chị lại dẫn chị đi theo, và gởi chị ở nhà một bà bạn bán hàng bánh mứt. Lần nào chị đến bà bạn của mẹ chị củng đều cho chị ăn bánh kẹo, ô mai lu bù. Có hôm bà đi vắng, con gái bà không cho chị ăn như mẹ của cô ta, chị giận lắm, thấy cô ta sao xấu tính ghê, có cả một nhà kẹo bánh mà lại kẹo với mình không mời mình ăn. Và chị nổi giận ghê lắm. May thay dạo đó, chị mới 7 tuổi. Vậy mà bây giờ nghĩ lại còn thấy mắc cỡ. Chị ước mong gia đình họ nghĩ rằng chị là đứa trẻ con, và đừng phán xét cả gia đình chị qua sự ăn lu bù một cách bất lịch sự như thế. Vì làm nghề hàng bánh, bà bạn mẹ chị phải bỏ vốn ra mua hàng, chịu biết bao phí tổn sở hụi, nếu bán được một phần lớn mới là kéo về được vốn, số lời chỉ là phần nhỏ, thì bà còn phải làm kế sinh nhai cho gia đình, hoặc dùng cho những việc ích lợi khác. Nay nếu các con của các bạn đều giống chị, kéo nhau đến ăn lu bù, ăn "chùa" như vậy thì không được mấy ngày cửa tiệm phải đóng vì hết hàng, và bà phải phá sản. Mà nhà buôn thì thường nhiều bạn bè quen biết, ai cũng tưởng chỉ có mình là thân nhất, và tự cho có quyền ưu tiên, chủ nhà sẽ chỉ phải đãi ngộ có mỗi mình thôi. Thực ra, những người biết điều bao giờ cũng trọng lẽ công bằng, không đòi ưu tiên. Đọc thư em, chị bỗng nhớ lại y hệt cái cảm giác ngày đó, khi thấy cô chủ tiệm đối xử với chị như vậy chị cũng định tuyệt giao luôn, không tới nhà cô ta nữa. Thế thì có tội nghiệp cho người ta không hở em. Bạn em còn đáng tội nghiệp hơn nữa em ạ. Khi không, em đến may đồ, nếu em không may thì người khác may, gia đình bạn em cũng thu về được số tiền đó. May áo cho em, bạn em không được gì hơn lại bị ghét bỏ. Bây giờ em nghĩ lại đi, nếu tất cả các bạn bè liên hệ đến gia đình đó đều đến may với mục đích bớt tiền công thì gia đình họ làm sao đủ sống. Họ cũng phải bỏ vốn ra mua cửa tiệm, mua đồ, mượn nhân công, rồi đóng thuế má, may xong cái áo, lấy được tiền nếu trừ hết các phí tổn thì cũng chỉ còn một phần nhỏ là tiền lời.
Nếu mình đòi bớt thì họ không còn đủ tiền trả các thứ phí tổn, và nếu nhiều người đòi hỏi như em thì họ sẽ bị lỗ lã mà đóng cửa tiệm mất em ạ. Bây giờ chị lại hỏi em nhé, em trách gia đình bạn, vậy có bao giờ em tự hỏi: "Mình đã làm được gì cho bạn chưa". Chị thấy cái khổ của mọi người là luôn oán hận rằng người khác không làm cho mình cái này, không giúp mình cái kia. Nhưng có bao giờ chịu hỏi xem là: "Mình đã giúp gì cho người ta?" Nếu luôn tìm xem mình đã làm được gì mà đòi được đãi ngộ, thì em sẽ công bằng hơn. Vậy tóm lại, chị mong em nghĩ thế này: Khi em đem đồ đến nhà bạn, là em muốn thay vì đem đến tiệm lạ, em đem công việc đến cho gia đình bạn, để giúp bạn đông khách hàng thế thôi. Không lợi dụng gì bạn cả. Còn gia đình bạn, họ sẽ tỏ tình thân bằng cách làm việc kỹ càng mau chóng và chiều ý em. Điều này thì người thợ có lương tâm nào cũng phải chu đáo. Chị nhớ xưa có đọc câu này: "Làm sao để sự hiện diện của mình là điều may cho người khác". Em ơi! Phải công bằng. "Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân" điều gì mình không muốn, đừng làm cho người khác. Nghĩ kỹ đi, đặt em vào địa vị bạn, em sẽ thấy bạn đáng thương xiết bao.
Chị ĐỖ PHƯƠNG KHANH
(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 46, ra ngày 9-7-1972)
Không có nhận xét nào:
Không cho phép có nhận xét mới.