Thứ Tư, 16 tháng 7, 2025

Cá Mặt Trăng


Cá mặt nguyệt còn gọi là cá mặt trăng, người Pháp gọi là Poisson Lune, người Anh và Mỹ lại gọi là Sun Fish (cá mặt trời) và các nhà khoa học trên thế giới đã khai sinh cho nó cái tên MOLA - MOLA hoặc ORT HAGORISCUSMOLA.
 
Ta có thể nói rằng chưa có một loại cá nào có hình dáng đặc biệt như vậy : bề ngang tròn như quả ballon và bề dọc thì dẹp. Mới trông người ta chỉ thấy chiếc kỳ trên lưng dựng đứng và chiếc vi hậu chĩa xuống, ai cũng nói là cá mặt trăng không có đuôi.
 
Sự thật thì đuôi cá Mặt trăng đã làm thành một đường viền tuyệt xảo, bao quanh cả thân mình cụt lủn gần ngay khúc đầu "vĩ đại".
 
Cá mặt trăng không có vi bụng, chiếc vi bụng xòe ra như nan quạt bên cạnh những bộ phận phát sinh ra ánh sáng.
 
Những đêm tối, chỉ có ánh sao lấp lánh trên vòm trời, các ngư phủ ra khơi thường được trông thấy một hiện tượng lạ lùng : Cả một khoảng rộng nơi trùng dương, mặt nước lấp lánh ánh sáng như có một ánh đèn soi từ dưới lên.
 
Khi họ tới gần, nhìn trời nhìn nước chỉ thấy một vùng ánh sáng đang di chuyển một cách nặng nề.
 
Họ thả lưới và bắt được dễ dàng vì nó bơi thật chậm chạp. Nó cũng không kháng cự để cho các ngư phủ bắt.
 
Đám ngư phủ hò nhau kéo lên thuyền, ánh sáng trên mặt nước cũng vụt biến mất. Họ cùng nhau ngắm xem con cá lạ. Hình nó giống mặt trăng và đầu nó tỏa ra ánh sáng huyền ảo trên mặt nước nên họ đặt cho nó cái tên thông thường là  : cá Mặt trăng.
 
Cá Mặt trăng, thật là nôm na dễ hiểu, nhưng người ta lại muốn "thi vị hóa" cho nó cái tên là cá Hằng Nga.
 
Loại cá này đặc biệt là đầu nó cân nặng cả hàng trăm ký mà bộ óc chỉ cân được không quá 4 lạng.
 
Người ta chưa thể nào giải thích được tại sao một loài cá bơi thật chậm chạp, nặng nề mà lại không có một thứ "vũ khí" nào để tự vệ, lại sống ở vùng biển khơi, chỉ thích hợp với loại cá xá, cá mập hay loại cá viễn du.
 
Nó thích sống đơn độc một mình, ít khi người ta gặp một cặp cá MẶT TRĂNG.
 
Họa hoằn lắm cá mới lân la vào gần bờ. Lần đầu tiên, vào mùa thu năm 1885 Hoàng thân Monaco Albert I bắt được mấy con ở vịnh Gasconge. Tới mùa thu 1912 các ngư phủ Pháp bắt được 1 con ở gần bờ biển Manche và năm 1921, người ta cũng gặp nó xuất hiện ở gần bờ biển Thái Bình Dương.
 
Một nhà bác học Anh đã nhận xét cá Mặt trăng ở miền nhiệt đới lại có màu sắc tuyệt đẹp. Nhìn những màu sắc lộng lẫy của con Lamprisluna, người Pháp thường gọi là "Opah" nhà bác học đó đã nói rằng: "Cá khoác lên mình bộ lễ phục sặc sỡ của bầy tiên múa khúc nghê thường trên Cung Quảng".
 
 
HẢI LY      
 
(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 46, ra ngày 9-7-1972)
 

Không có nhận xét nào:

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>