Chủ Nhật, 30 tháng 4, 2023

Một Ngày Hơn Mọi Ngày

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 Tặng các bạn trong gia đình TỰ-LẬP

Đường (Trần) Hưng Đạo vẫn hàng xanh lá
Xe rộn ràng từ hai nẻo tới lui
Trời trong veo hương nắng đã thơm mùi
Thành phố lớn bỗng nhiều chim xuống đậu
 
Như cổ tích của một thời thơ ấu
Ngày hôm nay cũng có một loài chim
Chẳng phô trương làm dáng chỉ im lìm
Bạn đã đến bằng những bàn tay trẻ.
 
Áo trắng quần xanh tay cầm chổi bé
Những bàn tay phơ phất trải trên đường
Chổi dịu hiền tay quét cũng nghe thương
Trang điểm phố để đón chào nắng mới
 
Đại lộ đó đã một lần bạn tới
Vỉa hè ngoan còn ghi dấu tay ngoan
Vì ích chung, ơn nghĩa có, không màng
Tim tuổi trẻ chỉ chứa đầy nhiệt huyết
 
Phố bỗng đẹp hơn những ngày hôm trước
Xe trên đường cũng lộ vẻ vui tươi
Khách dừng chân trông thấy nhoẻn môi cười
Khen: "lũ trẻ bụi đời đi quét rác."
 
Tay bạn bẩn nhưng tâm hồn thơm ngát
Giúp cho đời đâu chỉ chuyện cao xa
Hình ảnh này, mãi mãi khó phôi pha
Phố sẽ nhớ và đường ngoan sẽ nhớ
 
Tuổi các bạn như bông hồng mới nở
Hãy giữ hồn trong sáng giống hôm may
Để ngày mai bạn sẽ góp bàn tay
Cùng dân Việt GIỮ THƠM hoài QUÊ MẸ.
 
                                                     THẬP CẨM
                                    (Ghi nhớ ngày làm đẹp thành phố
                                     của gia đình Tự Lập 13-10-1973)

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 124, ra ngày 1-5-1974)

Thứ Bảy, 29 tháng 4, 2023

Gia Tài Của Mẹ

 

 "Một ngàn năm nô lệ giặc Tàu
 Một trăm năm đô hộ giặc Tây
Hai mươi năm nội chiến từng ngày
Gia tài của mẹ để lại cho con...
là nước Việt buồn"

Những lời hát não nùng của Trịnh Công Sơn đã làm tôi đau xót khi nghĩ tới thân phận quê hương, thân phận của tôi, của những thanh niên cùng tuổi tôi, thân phận của các em trai đang ngây thơ yêu đời vừa qua khỏi tuổi đôi tám trăng tròn mộng mơ, thân phận của những người sinh ra trong chiến tranh, trưởng thành trong máu, nước mắt và xương khô.

Tôi đã khóc - dù không muốn khó mà nước mắt vẫn trào ra - khi nghe "gia tài của mẹ một rừng xương khô... một núi đầy mồ". Đừng tưởng lầm tôi đứng trên cao làm kẻ nhìn xuống thương hại quê hương mà tội nghiệp cho tôi. Tôi đâu dám như vậy! Tôi chỉ xin làm một người Việt Nam tầm thường trong ba chục triệu người Việt Nam sống trên giải đất bé nhỏ xinh xinh hình cong như chữ S này, thao thức trong niềm thao thức chung của chúng ta, của dân tộc mà thôi!

Tôi biết và thích nhạc Trịnh Công Sơn vào một đêm nhạt nhẽo như mọi đêm khác ở đô thị cách đây bốn, năm tháng gì đó ; lúc ấy khoảng mười một giờ, sắp sửa sang một ngày mới, tôi vặn radio, một giọng hát cao vút nổi lên với những lời hát thắm thiết đưa người vào cõi mộng đã chinh phục tôi làm tôi phải nghe đến phút cuối cùng buổi trình bày nhạc chủ đề Trịnh Công Sơn đó với giọng ca đặc biệt của nữ ca sĩ Lệ Thu. Sau đêm ấy, tôi bắt đầu mê nhạc Trịnh Công Sơn nhưng chưa bao giờ nhạc Trịnh Công Sơn làm tôi xúc động bằng bài hát "Gia tài của mẹ" và do sự xúc động đó, tôi cảm thấy cái gì đi với dân tộc, của dân tộc là còn tồn tại, cái gì xa rời dân tộc, phản lại dân tộc nhất định sẽ bị tiêu tan như những cặn bã của loài người.

Vừa nghe một anh bạn hát:

 "Một ngàn năm nô lệ giặc Tàu
 Một trăm năm đô hộ giặc Tây
Hai mươi năm nội chiến từng ngày
Gia tài của mẹ để lại cho con...
là nước Việt buồn"
 
Cảm thấy như có một cái gì chích vào tim, đau nhói, ray rứt, tôi hỏi ngay:
 
- Anh hát bài gì đó? Nghe buồn và hay quá!
 
- Bài "Gia tài của mẹ" của Trịnh Công Sơn. Tôi thường hát bài này để ru con tôi ngủ, để dạy con tôi biết quê hương của nó, của ông cha nó buồn như thế đó, để lớn lên nó không làm gì phản bội quê hương của nó.
 
Đó! Nguyên do tôi biết bài hát "Gia tài của mẹ" của Trịnh Công Sơn và cũng là động cơ thúc đẩy tôi viết bài này.
 
"Gia tài của mẹ" nghèo nàn và đau thương như thế sao? "một nước Việt buồn, một rừng xương khô, một núi đầy mồ". Không! Mẹ nào muốn thế! Gia tài của mẹ là một giải non sông gấm vóc xinh đẹp như một nơi lý tưởng nhất của loài người. "Gia tài của mẹ" là một quá trình lịch sử oai hùng bất khuất làm những đứa con mẹ hãnh diện và tự hào khi ngước mặt nhìn lên năm châu bốn bể. "Gia tài của mẹ" là những đồi núi trùng trùng điệp điệp chứ đầy hầm mỏ, chứa đầy tài nguyên dồi dào đến nỗi có khả năng đưa nước mẹ lên hàng cường quốc kỷ nghệ. "Gia tài của mẹ" là những giải đất phù sa mầu mỡ ngọt ngào bồi bổ nguồn sinh lực của dân tộc. "Gia tài của mẹ" là sông Hồng hùng dũng, sông Hương trinh trắng, sông Cửu hiền hòa thắm thiết tình ruột thịt Bắc Trung Nam.

"Gia tài của mẹ" là một nền văn hóa tổng hợp Đông Tây nhưng không mất gốc ở vòm trời Đông Nam Á, là truyện Kiều độc nhất vô nhị của thiên tài dân tộc Nguyễn Du, là ca dao thấm vào mạch sống của dân tộc như hơi thở hằng ngày.

"Gia tài của mẹ" đẹp như vậy đó! Sở dĩ ngày hôm nay gia tài của mẹ đau thương như lời hát Trịnh Công Sơn là vì chiến tranh tàn khốc dài dằng dặc này... Gia tài tinh thần và vật chất của mẹ đã bị phá sản tận gốc rễ vì chiến tranh, vì hận thù... "Vì chiến tranh, vì hận thù có nhiều người con yêu của mẹ đã nỡ lìa mẹ để mẹ nhớ mẹ thương. Chúng con tin rằng rồi đây có ngày những người con này sẽ trở về cội, nguồn, trở về với mẹ và mẹ con chúng mình sẽ đoàn tụ như xưa không thiếu người nào."

Đừng nhìn "Gia tài của mẹ" qua Sàigòn xa hoa bề ngoài. Đó chỉ là những cái người ta cố trét lên mặt mẹ mà thôi, chúng sẽ tan nát như cám dưới bước tiến lịch sử nặng ngàn cân của cả một dân tộc bất khuất oai hùng.

"Gia tài của mẹ" chưa hiện rõ đâu! "Gia tài của mẹ" hiện diện âm thầm khắp nơi, hiện diện trong mỗi giòng máu Việt Nam, hiện diện trong từng hạt cát, từng phân tử không khí quê hương. "Gia tài của mẹ" hiện diện trong từng hơi thở của mỗi người Việt Nam, của những người Việt Nam biết mình là người Việt Nam... "Gia tài của mẹ" hiện diện trong nụ cười của các em gái Việt Nam trong chiếc áo dài dân tộc. "Gia tài của mẹ" hiện diện trong bộ quần áo lam lũ của các bác nông dân nghèo nàn. "Gia tài của mẹ" hiện diện trong đôi tay phấn của các người thầy có lương tâm Việt Nam..."

Trước cảnh đổ vỡ tan nát của quê hương, mẹ chỉ mong:

"Dạy cho con tiếng nói thật thà
... chớ quên màu da
... con mau bước về nhà
... lũ con cùng cha quên hận thù"

Mẹ chỉ mong, chỉ dám mong có thê! Tội nghiệp cho mẹ!

Bổn phận chúng con phải hơn thế nữa chứ! Ngoài việc nghe lời dạy dỗ của mẹ, chúng con có bổn phận phải làm một cái gì dù bé nhứt cho quê hương yêu dấu trong phạm vi khả năng hiện có của chúng con. Mỗi chúng con sẽ góp cho mẹ một hạt cát xây dựng quê hương, hằng triệu chúng con sẽ có hằng triệu hạt cát làm mẹ bớt đau thương, bớt tủi hổ vì những đứa con bất hiếu của mẹ.

Chúng con sẽ cố gắng chăm chỉ học hành, học với tinh thần mới không nô lệ văn bằng mà chỉ nô lệ "Kiến thức", học với mục đích tạo cho bản thân một sức mạnh tinh thần để dấn thân xây dựng quê hương, để mẹ vui lòng hả dạ tự hào với năm châu bốn bể...

Chúng con nhất định không để "Gia tài trầm lặng" của mẹ cho người ta lấy mất đâu. Dù người ta có tàn phá mẹ, làm mẹ xấu xí như thế nào đi nữa, chúng con vẫn là con của mẹ, những đứa con yêu của mẹ, mẹ ơi!

Không có sức mạnh nào - dù mạnh như bom khinh khí đi nữa - tiêu diệt nổi ý chí bất khuất của dân tộc mình, mẹ ơi!

Mẹ già như chuối ba hương
Như xôi nếp một, như đường mía lau.

Mẹ đẹp đẽ, ngọt ngào như thế, chúng con bỏ mẹ sao được, mẹ ơi!


Hoàng-Đăng-Cấp      

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 81, ra ngày 15-11-1967)


Thứ Năm, 27 tháng 4, 2023

Giấc Mơ Thanh Bình

 

  
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
  
Riêng tặng anh Hoàng Đăng Cấp

Đêm nay anh mơ thấy hoa thanh bình
Nở trên môi hồng và ánh mắt xanh
Đàn chim bồ câu muôn phương về đậu
Những cành đầy hoa sương trắng long lanh

Đêm nay anh mơ thấy trăng thanh bình
Trăng đang mỉm cười với dòng sông xanh
Trăng gieo ánh sáng vườn cây sai quả
Em ơi, trăng vàng xóa hết điêu linh.

Đêm nay anh mơ thấy đêm thật hiền
Đêm im tiếng súng không còn giới nghiêm
Từng đàn trẻ thơ reo mừng ca hát
Bên đám lửa hồng có bước chân em.

Đêm nay anh mơ thấy đêm huy hoàng
Những người con trai con gái da vàng
Siết chặt tay nhau từ Nam ra Bắc
Một lòng chung xây ngôi nhà Việt Nam.

Đêm nay anh mơ thấy một con tàu
Chạy từ Nam Quan vào đến Cà Mau
Chở những con người cùng chung dòng máu
Dòng máu hồng tươi vun xới hoa màu.

Đêm nay anh mơ thấy muôn mồ hoang
Cỏ mọc xanh um trên đống xương tàn
Bây giờ cỏ xanh không còn mọc nữa
Muôn hoa khoe màu kết chữ VIỆT NAM.

Đêm nay anh mơ thấy đêm thanh bình
Bao nhiêu hoa mầu chết bom khai quang
Bỗng nhiên nẩy mầm đâm chồi trở lại
Muôn vạn cánh đồng vừa mới hồi sinh.

Đêm nay anh mơ thấy đêm thanh bình
Quê hương chúng ta không còn building
Ba mươi triệu dân trở thành bình đẳng
Họ sống yên lành trong túp lều tranh.

Đêm nay anh mơ thấy đêm nhân từ
Trên khắp quê hương vắng bóng nhà tù
Chính những nơi này trở thành trường học
Anh nghe vang trời tiếng trẻ u ư.

Đêm nay anh mơ thấy đêm thần tiên
Đêm vui đêm xanh đêm thật dịu hiền
Tuổi thơ bây giờ không còn sợ sệt
Đóa môi em hồng nở nụ hồn nhiên.

                                               Trinh Chí

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 107, ra ngày 1-6-1969) 


Thứ Tư, 26 tháng 4, 2023

Tìm Về Kỷ Niệm

 
 

 
 Lời mở đầu

Chiến tranh vẫn tiếp diễn ròng rã trên 20 năm trời. Bom lửa, hận thù cày nát quê hương mẹ Việt nam dấu yêu. Tiếng nổ của cơ khí văn minh khiến mớ kỷ niệm từ lâu phủ kín rong rêu trong đáy cùng tư tưởng chợt nổ tung. Bàng hoàng khi cảm thấy mình quá lạc lõng ; chơi vơi trong biển súng đạn, trong không khí sôi bỏng căm thù chúng ta đành bám víu vào mảnh phao kỷ niệm. Ôi kỷ niệm một thời hằn vết trong tháng năm, từ lâu đóng khung vất bỏ nay được rũ sạch bụi thời gian, trìu mến nâng niu để chúng ta lần về bên ngày tháng dấu yêu thoắt đã xa vời hiện tại.


Kỷ niệm cho bè bạn

Bữa tiệc liên hoan chấm dứt. Tao gục đầu trong vòng tay, men bia không làm tao lu mờ lý trí, chỉ đủ để nhạt nhòa những khuôn mặt quen thuộc chung quanh. Âm ba cuồng loạn, tiếng nhạc vút cao réo rắt gọi hồn. Ngác ngơ tao nhìn chúng mày, Minh, Tâm, Anh, Tuấn... ơi, còn gì cho nhau ngày cuối cùng này : những giọt nước mắt, những lời chia tay... thôi, hết rồi. Mai tao ra đi, bỏ lại sau lưng tất cả - chúng mày, ngôi trường xưa, phố thị... và kỷ niệm - để lao mình vào hố thẳm hận thù. Từ nay sẽ không còn một lần được cùng chúng mày chơi đá cầu bằng mấy sợi lông gà xanh, đỏ để được chạy đi nhặt cầu vì bị phạt. Vội vàng những lúc cùng nhau hái trộm ổi, để có lần thằng Hùng bị té phải băng bột một chân mà chúng mình gọi đùa "người hùng nay đã cụt chân". Đáng nhớ biết bao những lần giành nhau đem bài lên cho thầy Thanh để được 20 vì là đứa đầu tiên. Một lần có đứa nhân sai bị thầy phê: "Chưa thuộc cửu chương, cho xuống lớp năm học lại". Đứa nào thế nhỉ? Phải mày không hở Bình ơi? Vang cười dậy lớp mỗi lần thầy Mẫn kể chuyện khôi hài. Thơ ngây làm sao khi đặt biệt danh cho những thầy, cô khả kính : Nào thầy "Quyên cận", thầy Mẫn giám thị", thầy Bùi đốc Long" mà tụi mình đọc trại thành... thành gì nhỉ? Chúng mày còn nhớ không? Đầu năm đệ nhị, lên Sàigòn vào học Hưng  Đạo gặp thầy Thái văn Khôi vui tính thường tự đọc lái tên mình thành Thối văn Khai...

Còn gì nữa không? Những buồn nhớ mỗi độ biệt ly khi nắm tay nhau hát bản "Hè về". Những băn khoăn hối hận lần cả lũ rủ nhau "cúp cua" đi xem phim Độc thủ đại hiệp ở Rex bị thầy dọa gửi thư về cho ba má, nước mắt viền mi, miệng tía lia năn nỉ: "chúng con lỡ dại thầy ơi". Những ngọt ngào yêu thương khi chuyền tay nhau một gói me chua trong lớp học, lòng không ngớt run sợ nguyện cầu: "thầy ơi đừng quay lại". Những hồi hộp đợi chờ sự linh nghiệm của cuộc chơi bói tên: tao với mày thương nhau nhất sao lại mang số 4: một thương, hai giận, ba lãnh đam, bốn hận thù mày ơi!

Những run sợ không dám vào lớp khi chẳng may tới trường trễ giờ vào học. Những rụt rè của buổi học đầu tiên, không dám vào lớp phải nhờ má dìu dắt. Những nức nở vụt bật khỏi đôi môi hồng khi thầy nhẹ nhàng han hỏi: "sao em không thuộc bài". Những hốt hoảng khi không làm bài bị thầy gọi tên Nguyễn Vũ Thy Anh.

Thôi hết rồi, còn gì đâu? Những sóng mắt, những môi cười, những rộn ràng tiếng vỡ pha lê, những gương mặt mấy thằng bạn thân xa xưa lùi dần vào xó kẹt ký ức. Hết, hết rồi. Đó đây tiếng ve sầu nức nở khóc thương cho lứa tuổi 19 ngây ngô. Những đóa phượng vĩ ươm máu nằm chết trong những trang giấy học trò cũng chỉ để trang điểm thêm cho khúc nhạc chia ly đượm màu buồn thảm.

Thôi, giã từ phố thị, giã từ chúng mày. Những đứa bạn một thời dấu yêu tay đan tay tung tăng cắp sách đến trường, giã từ những phương trình, những hàm số, những công thức, những định lý để trong đời chẳng còn một lần cắn nát mười đầu móng tay không tìm ra đáp số cho một bài lượng giác, giã từ tất cả.


Kỷ niệm cho má và em gái

Một lần đóng quân đồi 43 giá lạnh, vội vàng anh tìm mảnh giấy để viết mấy giòng cho mẹ và em được yên lòng nhưng cuối cùng đành xé tấm bìa, viết vào mặt trong của mấy quyển tiểu thuyết em cho anh với lời dặn dò: "nghiền ngẫm trong những ngày tháng dài, đong đầy thương nhớ nghe anh". Biết viết gì cho em. Em ơi! Làm sao anh quên được những rạng rỡ môi cười, những mừng vui rơi nước mắt của má, của em đón anh trong 24 giờ phép ngắn ngủi. Cả những nét âu lo, nụ hôn từ biệt, tiếng thở dài quay đầu, vội kéo tay áo lau đôi giòng nước mắt nóng hổi, khi anh xỏ chân vào đôi giày "bốt", mặc chiếc treillis, khoác lên vai chiếc ba lô nặng trĩu, nhìn má, nhìn em: "Má ở lại con đi, anh đi nha em gái của anh". Làm sao anh quên được tia mắt trầm buồn của má lúc đó (đành dùng chữ trầm buồn vì ngôn từ trở nên bất lực khi diễn đạt nội tâm). Em ơi! Còn đâu những lần thơ ấu rủ nhau nghịch ngợm những đồ chơi xinh xinh nhỏ bé bên gốc ổi, gốc bàng để rồi nửa chừng bị má gọi về đánh tội để tay dơ, ôm mười đầu ngón tay than đau ơi là đau mà nước mắt lặng lẽ viền mi.

Những bồi hồi e ấp khi lần đầu tiên gặp cô bạn láng giềng có cặp mắt nai đẹp ơi là đẹp, muốn làm quen nhưng chẳng dám, đành nhờ em trao vội mấy lời viết trên trang giấy học trò chứa đầy mơ mộng, ngát đầy hương trinh. Còn đâu những lần xúng xính trong bộ quần áo mới và tiền ba má lì xì mỗi độ xuân về. Những lần yên ngủ trong vòng tay cằn cỗi nhưng đầy âu yếm của mẹ già để nghe tiếng võng đưa kẽo kẹt và lời ru "ạ ời con ngủ cho ngoan".

Thơ ngây những lần hai đứa giành nhau gói kẹo má mới mua để rồi từng giọt nước mắt dỗi hờn lả tả tuôn rơi. với câu nói lẫy trong tiếng nấc "nghỉ chơi anh ra cho mà coi". Những tươi đôi má khi được thưởng 5 đồng vì "kỳ này con đứng nhất má ơi". Dễ thương những lúc "chó con" say ngủ trong gầm bàn với tiếng nấc thỉnh thoảng kéo dài vì vừa bị đòn bởi để vở loang mực tím trên chiếc áo má mới may cho. Êm đềm những lúc hai anh em chơi trò bán buôn chờ đợi má đi chợ về, nghe cồn cào trong bụng, rủ nhau vào bếp lục chảo cơm rang, có lần sơ ý đánh vỡ lọ mỡ, ôm nhau thút thít khóc sợ má đánh đòn. Những buổi sang Đông, nằm nán trên giường nghe cảm giác lành lạnh len vào cơ thể.

Rồi khi khôn lớn không còn được má ba âu yếm dẫn đến trường - ngôi trường làng Trần Hưng Đạo rêu phong phủ kín mang vẻ điêu tàn thê lương nhưng chứa chất những quả tim non nóng hổi đầy nhiệt huyết. - Hai anh em dắt nhau đi bộ mỗi sáng 4, 5 cây số ra trường tỉnh ; xứ Banmê giá rét khiến hai hàm răng đánh lốp cốp và hơi lạnh bốc ra miệng làm hai anh em nhớ đến đoạn film được coi một thuở xa xưa rồi tự ví mình là người phù thủy đó (mỗi lần há miệng phun khói là hiện ra một dinh thự đền đài). Những âu lo tức tưởi kéo dài theo bước chân về nhà lần bị bọn anh em thằng Thùy bắt nạt.

Những cái vẫy tay lưu luyến, những tia mắt nghẹn ngào mờ lệ trao nhau tại phi trường Banmê. Thôi rồi, từ nay ta xa rời xứ Banmê buồn muôn thuở mãi mãi. Xứ Banmê kia ơi! Mi đã đến với ta, chứa chất vào tim ta biết bao kỷ niệm dấu yêu. Giã từ mi, giã từ má và giã từ người em gái nhỏ bé thân yêu nhé! Thơ ngây của khung trời thần tiên tuổi nhỏ xin nhờ mi gìn giữ để sau này có một ngày nào trở về nhận diện dấu xưa: nơi đây hai anh em ta chơi nhảy lò cò một thủa, có lần gót chân rướm máu hồng vì đạp phải mảnh thủy tinh đau ơi là đau mà cố gắng tươi vui khi đi ngang mặt má ; bụi cỏ này tuy có cao hơn xưa nhưng vẫn còn bóng dáng một lần lẩn trốn lúc chơi "năm mười". Kìa ngôi nhà xưa! Má ơi! Con xin quỳ dưới chân má với lời xin sám hối đầu môi, với những ăn năn một lần ra đi là mất mát tất cả của đáy lòng. Em gái của anh! Hãy tìm lại cho anh tất cả những thần tiên của một thời bướm hoa dĩ vãng.

Với đôi tay chắp lên ngực, với lời gào thét: "Thượng đế! Hãy trả lại tôi những gì tôi đã mất. Khung trời bừng sáng của thời thần tiên giờ đã rời xa vĩnh viễn, với bầu không khí ảm đạm thê lương của súng đạn, hận thù hiện tại.
 

Kỷ niệm cho ba

Buổi tối má chợt thức giấc gọi "Anh ơi" tiếng kêu tắt nghẹn trong cổ họng, má vội vàng chạy lại không kịp xỏ chân vào đôi dép cũ kỹ thế mà chì còn nhìn ba nức nở: "Mình ơi". Ba ơi! Cái chết của ba thật nhẹ nhàng như một giấc ngủ của nàng công chúa lạ trong rừng thuở nào ba kể cho con. Dáng ba nằm thật thoải mái với hai cánh tay buông thõng, với đôi môi tái nhợt. Ba ơi! Cơn lốc cuộc đời kéo ba vút bay lên cả hư vô và xoay vần những kẻ ở lại vào nỗi muộn phiền giá buốt, cùng những tiếc nhớ hằn vết trũng buồn lên đôi mắt của má.

Không gian dừng lại mặc niệm quan tài ba đi lần ra nghĩa địa với tám ngọn nến lập lòe soi rõ tia mắt long lanh ngập buồn của má và ửng hồng đôi má bụ sữa thơ ngây của con.

Bị má la sao không một tiếng khóc tiễn đưa ba đi vào miên viễn, con bấu mạnh vào đùi... nhưng chỉ cảm thấy xuýt xoa than đau ơi là đau. Khi cầm cây gậy tang trong tay lại vung lên: "Đấu kiếm không Phượng?" (Phượng là tên đứa em gái).

Cho đến bây giờ khi hiểu ra thì ba ơi! Sao ba vội vã rời xa chúng con tìm về miên viễn không cho con một lần chạy đi mua rượu cho ba. Còn đâu nữa những lần được ba bồng bế trên tay, lang bang trên bờ ruộng đón những làn gió bồng tung mớ tóc rối tơ. Còn đâu nữa những vết hằn trên da thịt khi lỡ lầm phạm tội. Những đau thương đi vào cơn mê ngủ tạo ra những tiếng nấc tức tưởi trong vòng tay của ba...

Ba ơi! Ba còn gì cho con nữa. Ba ra đi sớm quá. Tiềm thức của con chưa nhận được một kỷ niệm nào khác.

Thôi, kỷ niệm cho ba xin đành để trống trải cô đơn trong tháng năm dài quằn quại.

 
Kỷ niệm cho người tình

Ngày mai Thy Anh ra đi. Những dấu yêu trìu mến của Mai cho Thy Anh bấy lâu xin đành để vào khung trời kỷ niệm ngọc ngà.

Ngày mai ấy, từ ngày mai ấy sẽ chẳng còn một lần nhìn thấy Mai trong chiếc áo dài trắng thơ ngây hương học trò, tung tăng cắp sách đến trường nên nhờ Phượng trao lại cho Mai quyển nhật ký của Thy Anh (quyển nhật ký bắt đầu viết vào lứa tuổi 16 tròn mơ mộng)

Mai biết rằng Thy Anh nghĩ về Mai thế nào không? Anh nghĩ rằng hàng đêm với quyển sách nhật ký nhỏ bé gối đầu giường, Mai hãy tưởng tượng đến Thy Anh, một cánh chim non run rẩy ra đi mang theo vô vàn thương nhớ. Nếu chẳng được vậy, Thy Anh cũng mong Mai nên im lặng cho Thy Anh ảo tưởng rằng Mai vẫn đang nghĩ về Thy Anh. Đừng làm tan vỡ bọt ảo ảnh ấy. Mai ơi! Mùa thu nào không có lá rụng, chuyện tình nào không chứa đầy nước mắt và thương nhớ hở Mai?

Ngày mai Anh đi, mang theo một ít thương nhớ trên bờ môi, còn gì nữa không? Có chăng ngoài những dòng lệ lăn dài trên gò má.

Ngày... tháng... năm... (12 giờ khuya).

Buồn quá! Tại sao Mai không chịu y hẹn. Không ngờ lòng người giả dối như vậy. Có ai biết bên ngoài là gương mặt đẹp đẽ thế kia mà trong bụng đầy nguy hiểm. Đâu những lần long lanh đôi mắt nói tiếng yêu thương. Đâu những lần cặp môi kia dịu dàng gọi "người ta" tiếng "Anh thương", "Anh mến".

Hồi chiều, nhờ Phượng hẹn Mai lại nhà mình để mình rủ Mai đi coi ciné "khao" mình mới thi đậu tú kép, nhưng chờ đợi mãi chả thấy Mai đâu. Thế thì còn gì là:

"Yêu nhau năm, sau núi cũng trèo
Thất, bát sông cũng lội, cửu thập đèo em cũng qua"

Ghi vào tất cả những bức thư của Mai đã gởi cho mình, gọi là để một lần giã biệt. Nhất quyết từ nay không thèm nhìn mặt con người kia nữa.

(1) "Gia định, 24-6

Anh thân,

Vừa được anh cho biết là sắp xa nơi này, tôi rất buồn là không được nói chuyên vui buồn với người tôi mến. Tôi rất lo không biết anh ở đâu và sẽ ra sao? Đi thì anh nhớ biên thư gởi về nhé. Tối quá xin tha lỗi"
 
(2) "Gia định, 28-6
 
Anh mến,
 
Mai cám ơn anh lắm nhé. Mai trả lại anh cuốn sách toán Đại Số đó. Mai không lấy luôn đâu vì còn em của anh nữa chi. Một lần nữa cám ơn anh.
 
Bữa trước gặp anh đi vô trường đó, hỏi, bảo là đi kiếm cô Mai vậy là Ngọc Mai, Phương Mai, hay là Tuyết Mai, để tôi chỉ cho, mà kiếm cô Mai học cùng lớp hả?"
 
(3) "Gia định, 4-8.
 
Anh mến,

Hôm nay có thì giờ và có dịp để viết thư cho anh, trong kỳ thi vừa rồi anh có đậu không? Chắc là Anh sẽ đậu cao nữa chứ, nếu đậu anh có ý định đi chơi đâu không? Vài dòng gởi đến anh xin đừng phiền Mai nhé".

Hừm! Tức quá! Không thèm sao ra đây nữa. Anh, em, thân, mến... viết hay lắm. Sao người ta hẹn không chịu lại? Không viết gì hết nữa, ngủ cho khỏe.

Ngày... tháng... năm... (9 giờ)

Đang nằm học bài trên gác chợt nghe tiếng ai quen quen: "Có anh Anh ở nhà không?" Thì ra là Mai.

Con người phụ bạc đó còn đến đây làm gì? Nhất định không thèm tiếp chuyện với cô ta nữa. Đồ... sở khanh chưa kịp đóng cửa phòng lại thì con bé Phượng đã dẫn người ta lên tới nơi. Mình ngồi yên lặng không thèm chào nhưng cơn giận của mình đã xuống. Mình chỉ muốn quay lại xin lỗi nhưng cảm thấy kỳ quá... lỡ đóng mặt giận rồi. Không nhìn nhưng mình biết Mai đã đến sát sau lưng và đặt bàn tay lên vai mình ; một mã lực nào thúc đẩy mình lắc mạnh đôi vai khiến tay cô ta tụt khỏi.

Thốt nhiên Mai òa khóc, mình hốt hoảng quay lại xin lỗi "Tại bữa trước chờ Mai không thấy nên Anh mới như vậy chứ". Trong tiếng nấc Mai đáp: "Muốn sang Anh lắm nhưng bận quá làm sao đi được. "Thế là "huề" Mai ơi thôi rồi còn đâu những e ấp tình yêu, những dỗi hờn, những xao xuyến. Ôi! Kỷ niệm dấu yêu!!

 
Để thay đoạn kết

Cho đến một ngày nào ta đi vào giấc ngủ nghìn thu, mớ kỷ niệm kia sẽ lại lần vào quên lãng để nhạt nhòa trong chiếc quan tài đánh verni đỏ sẫm. Nên ta muốn một lần được với tất cả những kỷ niệm đó, dù vui hay buồn, dù ngọt ngào hay cay đắng, dù hững hờ hay tha thiết. Ta đã sống trong tình thương của ba má, tình của Đỗ thị Bạch Mai, tình yêu thân của bè bạn với tất cả dịu dàng, trìu mến của em gái - Nguyễn Vũ Linh Phượng. Đôi cánh tay ta dù bé nhỏ nhưng đủ sức để ôm thật nhiều mộng đẹp. Ta muốn kỷ niệm hãy nở ngát hương hoa vào những chiều vàng hanh nắng, có những làn gió bồng bềnh mớ tóc rối, có những tia nắng mong manh như sợi lụa óng mềm để ta tìm lại những gì đã mất: những nuông chìu của mẹ, những đòn vọt của cha, những dỗi hờn của Nguyễn Vũ Linh Phượng, những tha thiết của Đỗ thị Bạch Mai và những thân mật của bè bạn.


NGUYỄN VŨ THY ANH       

(Trích từ bán nguyệt san Ngàn Thông số 29, ra ngày 8-7-1972)


Thứ Bảy, 22 tháng 4, 2023

Một Chuyến Trở Về


 
 Viết cho ĐTV

Tôi bước xuống đò với một niềm vui rộn ràng, đò chòng chành mặt nước xao động, khuôn mặt tôi tan vỡ theo những vòng tròn của nước. Tôi ngồi xuống thanh tre bắc ngang qua lòng đò dựa sát vào mạn ghe khoan khoái nhìn chung quanh, một vài người đàn bà vịn thanh tre cắm sào, bàn chân như bấu chặt thành ván bước xuống. Ông lái đò nhìn lên bờ rồi nhổ sào. Ông chống thanh sào dưới cát bồi lần từng bước cho đò ra giữa dòng. Gió mát thật dễ chịu từ miền sông dứa thổi xuống, đã lâu lắm tôi mới trở về đây. Mấy năm miệt mài ở tỉnh vẫn không làm cho tôi quên cái quê hương nghèo nàn thương yêu. Cuộc ấu thơ của tuổi dại vẫn hoài hoài trong tim, ươm hồng những hơi thơm của lúa chín. Tuổi thơ ấu của tôi được nuôi dưỡng bằng những ngày thật bình dị, mộc mạc chất phác của người dân ở đây.

Tâm hồn tôi thật xôn xao vì những niềm vui xa xưa. Chiếc cầu xe lửa thời còn Pháp vẫn còn nhưng bây giờ đã gẫy ngang. Rêu đóng đầy chân cầu và những đám cỏ mọc um tùm bên bờ đất mọc lan xuống sông gần như che lấp chân cầu. Hồi đó tôi vẫn thường theo lũ bạn nhỏ rủ nhau ra sông tắm. Mỗi lần có tiếng xe lửa hú từ đàng xa, chúng tôi không đợi gọi nhau mà đến gần chân cầu để xem những người tỉnh cho thật thỏa thích. Tiếng xe lửa xình xịch, xe đen ngòm với những chiếc đầu "Thật tỉnh thành" ló ra. Chúng tôi nhìn họ với cặp mắt hiếu kỳ và vẫn thường mơ ước được ra tỉnh một lần thôi để về khoe với chúng bạn những gì mình đã nghe và đã thấy. Nhưng những ý nghĩ đó chỉ thoáng qua thôi, cuộc đời của chúng tôi vẫn êm ả không xáo động nếu... không có chiến tranh xảy ra. Từ những vùng lân cận rồi đến làng tôi không mấy chốc. Thoạt đầu tôi vẫn không để ý, lúc đó tôi đã học được lớp ba trường làng, vẫn hằng ngày rủ nhau đi tắm, làm diều bay bay trong những chiều nắng hạ. Ngoại tôi cho tôi theo cậu và mẹ lên tỉnh khi cậu về quê và cho biết tình hình an ninh. Ngoại tôi và dì Hai ở lại theo hồi xưa "lo mồ mả tổ tiên". Tôi theo cậu lên tỉnh với niềm náo nức, những ham muốn ngày xưa lại trở về dẫy đầy. Sáng mai lên tỉnh mà tôi còn ngồi với lũ bạn nhỏ chia nhau những quả táo tàu mà cậu tôi đem từ tỉnh về. Táo tàu ngon thật, nhưng tôi cảm thấy buồn buồn vì sẽ xa quê tôi. Được sinh ra và nuôi sống bằng những mộc mạc của quê hương, tôi vẫn còn mang nặng tính chất miền trung nghèo khổ, lũ bạn tôi vẫn nhắc:

- Lên trển mầy nhớ gởi cái này về ăn nghe mậy.

Những náo nức lên tỉnh của tôi tan biến sau một tuần ở tỉnh. Tôi nhớ quê tôi quay quắt và vẫn thường nói với mẹ tôi đưa về. Năm năm sống trong thương nhớ quê vẫn ăm ắp trong lòng. Cứ mỗi độ ve reo là tôi lại buồn, tôi thường ngồi bên cửa sổ thầm nhớ quê hương và lũ bạn nghèo trong nước mắt. Tôi vẫn không thường khóc vì thuở nhỏ tôi đã khóc nhiều đâu? Ngoại và mẹ thương tôi vô vàn. Thế mà tôi đã khóc những chiều, những tối mùa hạ chói chang...

Đò đã cặp bến, tôi xách "sắc" và mấy gói táo tàu, như ngày xưa đã hứa, bước lên miếng gỗ ẩm nước. Men theo mấy bụi tre tôi bỏ đường cái để rẽ vào một con đường nhỏ. Con đường này đi một khoảng là dẫn đến đầu làng tôi, ngọn cỏ xanh mơn man vào chân làm tôi vẫn nhớ những ngày xưa đi chân không trên bùn và cỏ ướt. Cỏ khứa không làm tôi khó chịu trái lại mang cho tôi một kỷ niệm dễ yêu trong khoảng nhớ. Bụi tre sừng sững ở đầu làng vẫn cao vời vợi. Ngọn lá phướn mỗi độ Tết đến trên ngọn tre hấp dẫn bọn tôi không ít, nhất là tin dựng nêu bắn ra. Bọn tôi hay đang ăn cơm hay đang cắt môn bạc hà, đang xới củ mì đều bỏ hết mà chạy thật nhanh đến đầu làng để nhìn ngọn phướn đó phất phới trong cơn mưa lất phất. Miền Trung tôi vào dịp tết đến vẫn lạnh và mưa nhiều. Nhưng là mưa xuân cơ, những nhung nhớ của tôi càng chất đầy thì cảm xúc lại làm cho tôi rưng rưng không ít. Như một kẻ thiếu vắng bóng mát ngàn cây lâu ngày, tôi uống thật vội vã, thật đầy những hiện hữu vào tim. Cảm xúc làm cho tôi nghẹn ngào, thật còn những mật ngọt nào cho tôi không nữa?

Ngôi đình ở đầu làng bị sụp một bên mái, trên cột trụ nổi vẫn còn vết lủng của đạn, rêu phong đầy vẫn ấp yêu mái ngói, con đường mòn gập ghềnh nghe chai cứng. Chân hơi đau tôi cảm thấy khó chịu, một thoáng ý nghĩ qua tôi cởi giày đi chân không. Đâu đấy thật im lặng. Cái nắng của miền quê trải dài trên lúa úa, trên tàn cây rộng mát với nghìn lời ca yêu thương. Mùi thơm thoang thoảng của bần vàng đâu đây, một mình tôi đi trên yêu thương nghe chừng như sữa ngọt. Vết chân đi trên cỏ xanh thật êm ái. Bóng người bù nhìn phất phới giữa đám lúa héo tàn, đất đã khô cằn vì ánh nắng gắt gay hay vì bom đạn (?) Một loáng nước thật đục bên gò mả thấp, hình ảnh này thật quen thuộc khi mỗi độ nắng cháy trở về. Tôi ngậm ngùi, miền Trung tôi vẫn suốt đời khổ sở. Mùa mưa thì nước thật nhiều, dâng ngập cả ruộng lúa, mùa hạ lại nắng cháy nứt đất, thiêu lúa. Những hoang tàn xung quanh làm tôi chợt thấy tủi cho thân phận quê tôi thật hiu hắt. Quê nghèo không an ninh vẫn cằn cỗi, khó sống, ruộng lúa miền Trung không cò bay thẳng cánh như miền Nam, không cây ăn trái màu mỡ, không lụa màu như lụa Hà Đông. Quê tôi không có gì ngoài mảnh đất khô dăm ba gốc lúa, vài đám khoai mì, sắn. Toàn những thứ trừ cơm qua ngày tháng. Rồi những ngày chiến tranh tới quê hương mến yêu mất tất cả không còn gì ngoài tâm hồn nấn níu quê hương còn vấn vít...

Tôi bước vào thềm gạch đỏ của ngoại, mấy hàng cau trắng phơi trước sân và một đám củ mì vừa mới đào còn dính đất. Thấp thoáng trong sân vài chú gà đang mổ lúa, yêu thương vô vàn dâng đầy mắt, có cảnh nào xúc động hơn khi trở về quê hương không hở?

Tôi đứng một lát cho xúc động vơi bớt, ngoại tôi còm cõi bên đám rau khoai, bằng một giọng thật khẽ tôi mím môi rồi bật ra:

- Ngoại!

Ngoại tôi quay lại, bà nhận ra tôi, thằng cháu bé bỏng của bà ngày xưa mà bà từng ẵm bế:

- Mi đó phải không Lâm? Mạ mi không về à?

Tôi buông sắc và mấy gói táo tàu chạy lại bên bà nũng nịu như ngày xưa còn bé:

- Không ngoại à ; ngoại có gì cho con ăn với, ngoại còn làm kẹo mè không hở?

Ngoại tôi bật cười:

- Mi giống như hồi nớ nghen Lâm. Háu ăn kẹo mè không khác gì mạ mi khi trước.

Tôi mỉm cười bẽn lẽn và tung tăng chạy vào trong, mùi rơm khô sau hè hơi âm ẩm. Có lẽ mưa hôm qua, hôm kia còn trữ nước. Tôi ngồi trên phản gỗ, lâu ngày đã lên nước bóng loáng. Dì Hai ở ngoài vườn nghe tôi về chạy lên tíu tít:

- Mi về đó hả Lâm? Dữ không, bây chừ trông lớn tệ, hôm mô cho tôi "ăn hậu" đây cậu?

Tôi khúc khích:

- "Ăn hậu" hay "ăn cỗ" hả dì?

Dì tôi âu yếm mắng:

- Mồ tổ mi, nói bậy không (?)

Giọng Huế trọ trẹ khó nghe nhưng tôi nghe như một dòng sữa chảy vào tim thật mát dịu, tôi muốn lịm chết trong dòng sữa ấy quá!

Tôi đứng dậy đi ra sau bếp: vẫn như xưa, chuồng bò ở cạnh bếp, đám môn bạc hà xanh ngắt trong hàng rào mồng tơi những quả tím ngắt như nhắc nhở lọ mực tím ngày xưa. Hồn tôi reo vui, trầm vang những bao la rộng lớn trong lồng ngực nhỏ bé. Không gian im ngắt ngoài tiếng động sột soạt của mấy chú gà phá phách. Đâu đây có tiếng máy bay xa xa...

Tôi soạn đồ đạc lấy mấy xấp vải cho ngoại và dì, những quả cam vàng để cúng ông ngoại, tôi chợt nhớ ra, khẽ gọi:

- Ngoại ơi, tụi con Xí, thằng Chiếu, Minh với con bác Ba còn ở đây không? Cả anh Nghĩ hay làm diều cho con nữa?

Ngoại tôi lấy khăn lau mặt như che giấu giọt nước mắt, tôi biết chuyện  không lành nên trố mắt nhìn ngoại.

- Hôm máy bay rớt ở gò Ôn Đổng, thằng Tèo, con Xí tới chộ không ngờ máy bay nổ, tội nghiệp, mồ tụi hắn chưa xanh cỏ...

Tôi mở lớn mắt nhìn trừng trừng vào khoảng không, hình ảnh hai đứa bạn nhỏ thơ ngây của tôi xa xưa. Ôi những đứa bạn tuổi thơ đã lịm chết trong tiếng nổ quái ác. Nước mắt đã tràn đầy má, rơi trên tay, ngoại tôi vẫn buồn buồn:

- Còn thằng Minh con bác Bảy đầu xóm đi chăn trâu với thằng Nghĩ, không dè trâu đạp nhằm lựu đạn, hai đứa nó cùng ngồi một con trâu để làm diều, làm tụi nó chết cả hai...

Tôi gục đầu trên tay, nhớ lại khuôn mặt bướng bỉnh của thằng Minh, thằng bạn thân nhất trong cuộc đời thơ ấu. Và anh Nghĩ với những mùa hè tuyệt diệu bên cạnh những con diều trắng bay trong không gian nắng đỏ hôm nào. Chiếc sáo tre mà anh Nghĩ đã bẻ ở tre xú để làm sáo cho tôi, cho Minh.

Tháng năm nào đã ra đi, tôi cũng đã ra đi nhưng khi trở về để tiễn chân mấy thằng bạn nhỏ về lòng đất. Trái tim nào rướm máu, lòng người nào không buồn với những cảnh xót tan? Nhưng hợp tan như bây giờ có chua xót không hở? Những quả táo tàu còn đây nhưng tụi mày ở đâu? Tao có mua thêm mấy cuộn chỉ màu ở tỉnh về cho tụi mày làm diều đây. Mùa này diều lên cao lắm, tao chờ đợi những giây phút này để trở về cuộc sống xa xưa nhưng bây giờ và cho đến ngàn sau khi tao nhắm mắt cũng không còn nữa. Tôi không hiểu có cuộc chiến nào có can đảm kéo dài nữa không? Những lời cậu tôi dặn dò trước khi tôi về quê vẫn còn văng vẳng:

- Con về dưới có yên thì ở chơi lâu lâu cũng được, nhưng nếu không yên thì nên về sớm mà nói ngoại cùng đi lên trên này luôn. Chỉ sợ con về không được lâu vì bây giờ người ta đánh dữ lắm, ở dưới chết cũng đã nhiều...

Tưởng ngày trở về sẽ được hòa khúc yên vui với mùa hè dễ mến, nhưng nào ngờ... Tôi thở dài đứng dậy, bóng thằng Chiếu quen thuộc hiện ra ở cửa ngõ, thằng Chiếu đen nhiều và lớn hơn, trong lòng tôi còn sót lại một niềm an ủi. Tôi và thằng Chiếu cầm tay nhau không nói, tôi nghẹn ngào nhìn nó:

- Con Xí em mày chết bao lâu rồi?

Thằng Chiếu quăng cục đá ra xa, mắt nhìn về cuối chân trời.

- Gần hai tháng nay rồi.

Tôi im lặng, một vài con chim lẻ bầy bay trên nền trời xanh, chiếc trực thăng lù lù hiện ra, Chiếu đưa mắt nhìn và chỉ:

- Đó chiếc máy bay giống đó đó, rớt xuống...

Cục nghẹn ngào chận ngay cổ thằng Chiếu nghe thật xót xa.

Im lặng thật lâu, tôi chợt nhớ ra:

- Mày ngồi đây nghe, tao vào lấy cái này một tí đã.

Tôi trở ra với cuộn chỉ màu và bao táo tàu đưa cho thằng Chiếu:

- Cái này tao cho mày làm diều đó, còn táo tàu thì... hồi trước tao hứa với tụi mày khi nào về quê đem cho tụi mày, nhưng bây giờ thì chỉ còn mày...

Thằng Chiếu mân mê cuộn chỉ màu, khe khẽ:

- Từ hôm anh Nghĩ chết đi tụi tao không còn làm diều nữa, tụi tao đâu có biết làm. Làng mình bây giờ không còn diều để thả và chiều chiều nghe tiếng sáo của anh Nghĩ nữa. Bần mùa này cũng chín nhiều lắm nhưng tụi tao đâu dám chèo đò đi hái bần đâu...

Nghỉ một lát, thằng Chiếu nói tiếp:

- Chỗ cành bần de ra sông bây giờ sâu lắm, Ma Da cũng nhiều nữa!

Tôi thẫn thờ nhìn cánh diều của làng bên phất phới trong màu nắng óng ánh:

- Tao biết làm diều, hôm nào tao bày cho tụi mày... còn sáo thì tao chịu, không biết thổi cũng không biết làm.

Nắng chiều thật vàng từ bên kia núi dọi xuống thế gian. Màu nắng ngập đầy trong ánh mắt, tàn lá thầu đâu thật mát với tiếng rả rích của ve sầu. Tôi nhắm mắt thả hồn chìm trong quá khứ, quá khứ bao giờ cũng đẹp, cũng dễ yêu. Ngày trở về tôi tưởng được trở lại vùng êm ấm ngày xưa, được gặp lại mấy đứa bạn quê vui tính nhưng giờ chỉ còn là nuối tiếc. Quê hương nghèo khổ của tôi trồng dẫy đầy củ mì để thay cơm. Củ mì ngọt bùi đượm mùi thơm tho. Những tưởng cái gì ở quê tôi đều khổ cực, cũng thiếu thốn, luống cày ngày xưa được cày bằng trâu, bò nhưng chừ khỏi cần vì đã có đại bác xới thay. Năm ba mẫu đất của ngoại tôi không còn dùng được nữa. Phương tiện dẫn nước vào ruộng thật thô sơ khi xưa bị bom dội hư nát. Người ta đã không giúp đỡ những phương tiện mới cho quê tôi còn nhẫn tâm phá hủy.

Quê hương của tôi ơi, tôi còn gì cho quê hương đây? Được may mắn trở về để nhìn cảnh này hay sao? Biết than thở gì? Thôi đành nhỏ một giọt lệ khiết tinh xuống vùng đất khô cằn, để nẩy mầm ước mong được nhìn quê hương lại như ngày xưa. Ngày xưa thân ái thật nghèo nàn nhưng có nghìn trùng hạnh phúc đong đầy tình quê hương.


VƯƠNG PHI       
 
 (Trích từ bán nguyệt san Ngàn Thông số 6, ra ngày 20-7-1971)
 
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>