Thứ Bảy, 29 tháng 4, 2023

Gia Tài Của Mẹ

 

 "Một ngàn năm nô lệ giặc Tàu
 Một trăm năm đô hộ giặc Tây
Hai mươi năm nội chiến từng ngày
Gia tài của mẹ để lại cho con...
là nước Việt buồn"

Những lời hát não nùng của Trịnh Công Sơn đã làm tôi đau xót khi nghĩ tới thân phận quê hương, thân phận của tôi, của những thanh niên cùng tuổi tôi, thân phận của các em trai đang ngây thơ yêu đời vừa qua khỏi tuổi đôi tám trăng tròn mộng mơ, thân phận của những người sinh ra trong chiến tranh, trưởng thành trong máu, nước mắt và xương khô.

Tôi đã khóc - dù không muốn khó mà nước mắt vẫn trào ra - khi nghe "gia tài của mẹ một rừng xương khô... một núi đầy mồ". Đừng tưởng lầm tôi đứng trên cao làm kẻ nhìn xuống thương hại quê hương mà tội nghiệp cho tôi. Tôi đâu dám như vậy! Tôi chỉ xin làm một người Việt Nam tầm thường trong ba chục triệu người Việt Nam sống trên giải đất bé nhỏ xinh xinh hình cong như chữ S này, thao thức trong niềm thao thức chung của chúng ta, của dân tộc mà thôi!

Tôi biết và thích nhạc Trịnh Công Sơn vào một đêm nhạt nhẽo như mọi đêm khác ở đô thị cách đây bốn, năm tháng gì đó ; lúc ấy khoảng mười một giờ, sắp sửa sang một ngày mới, tôi vặn radio, một giọng hát cao vút nổi lên với những lời hát thắm thiết đưa người vào cõi mộng đã chinh phục tôi làm tôi phải nghe đến phút cuối cùng buổi trình bày nhạc chủ đề Trịnh Công Sơn đó với giọng ca đặc biệt của nữ ca sĩ Lệ Thu. Sau đêm ấy, tôi bắt đầu mê nhạc Trịnh Công Sơn nhưng chưa bao giờ nhạc Trịnh Công Sơn làm tôi xúc động bằng bài hát "Gia tài của mẹ" và do sự xúc động đó, tôi cảm thấy cái gì đi với dân tộc, của dân tộc là còn tồn tại, cái gì xa rời dân tộc, phản lại dân tộc nhất định sẽ bị tiêu tan như những cặn bã của loài người.

Vừa nghe một anh bạn hát:

 "Một ngàn năm nô lệ giặc Tàu
 Một trăm năm đô hộ giặc Tây
Hai mươi năm nội chiến từng ngày
Gia tài của mẹ để lại cho con...
là nước Việt buồn"
 
Cảm thấy như có một cái gì chích vào tim, đau nhói, ray rứt, tôi hỏi ngay:
 
- Anh hát bài gì đó? Nghe buồn và hay quá!
 
- Bài "Gia tài của mẹ" của Trịnh Công Sơn. Tôi thường hát bài này để ru con tôi ngủ, để dạy con tôi biết quê hương của nó, của ông cha nó buồn như thế đó, để lớn lên nó không làm gì phản bội quê hương của nó.
 
Đó! Nguyên do tôi biết bài hát "Gia tài của mẹ" của Trịnh Công Sơn và cũng là động cơ thúc đẩy tôi viết bài này.
 
"Gia tài của mẹ" nghèo nàn và đau thương như thế sao? "một nước Việt buồn, một rừng xương khô, một núi đầy mồ". Không! Mẹ nào muốn thế! Gia tài của mẹ là một giải non sông gấm vóc xinh đẹp như một nơi lý tưởng nhất của loài người. "Gia tài của mẹ" là một quá trình lịch sử oai hùng bất khuất làm những đứa con mẹ hãnh diện và tự hào khi ngước mặt nhìn lên năm châu bốn bể. "Gia tài của mẹ" là những đồi núi trùng trùng điệp điệp chứ đầy hầm mỏ, chứa đầy tài nguyên dồi dào đến nỗi có khả năng đưa nước mẹ lên hàng cường quốc kỷ nghệ. "Gia tài của mẹ" là những giải đất phù sa mầu mỡ ngọt ngào bồi bổ nguồn sinh lực của dân tộc. "Gia tài của mẹ" là sông Hồng hùng dũng, sông Hương trinh trắng, sông Cửu hiền hòa thắm thiết tình ruột thịt Bắc Trung Nam.

"Gia tài của mẹ" là một nền văn hóa tổng hợp Đông Tây nhưng không mất gốc ở vòm trời Đông Nam Á, là truyện Kiều độc nhất vô nhị của thiên tài dân tộc Nguyễn Du, là ca dao thấm vào mạch sống của dân tộc như hơi thở hằng ngày.

"Gia tài của mẹ" đẹp như vậy đó! Sở dĩ ngày hôm nay gia tài của mẹ đau thương như lời hát Trịnh Công Sơn là vì chiến tranh tàn khốc dài dằng dặc này... Gia tài tinh thần và vật chất của mẹ đã bị phá sản tận gốc rễ vì chiến tranh, vì hận thù... "Vì chiến tranh, vì hận thù có nhiều người con yêu của mẹ đã nỡ lìa mẹ để mẹ nhớ mẹ thương. Chúng con tin rằng rồi đây có ngày những người con này sẽ trở về cội, nguồn, trở về với mẹ và mẹ con chúng mình sẽ đoàn tụ như xưa không thiếu người nào."

Đừng nhìn "Gia tài của mẹ" qua Sàigòn xa hoa bề ngoài. Đó chỉ là những cái người ta cố trét lên mặt mẹ mà thôi, chúng sẽ tan nát như cám dưới bước tiến lịch sử nặng ngàn cân của cả một dân tộc bất khuất oai hùng.

"Gia tài của mẹ" chưa hiện rõ đâu! "Gia tài của mẹ" hiện diện âm thầm khắp nơi, hiện diện trong mỗi giòng máu Việt Nam, hiện diện trong từng hạt cát, từng phân tử không khí quê hương. "Gia tài của mẹ" hiện diện trong từng hơi thở của mỗi người Việt Nam, của những người Việt Nam biết mình là người Việt Nam... "Gia tài của mẹ" hiện diện trong nụ cười của các em gái Việt Nam trong chiếc áo dài dân tộc. "Gia tài của mẹ" hiện diện trong bộ quần áo lam lũ của các bác nông dân nghèo nàn. "Gia tài của mẹ" hiện diện trong đôi tay phấn của các người thầy có lương tâm Việt Nam..."

Trước cảnh đổ vỡ tan nát của quê hương, mẹ chỉ mong:

"Dạy cho con tiếng nói thật thà
... chớ quên màu da
... con mau bước về nhà
... lũ con cùng cha quên hận thù"

Mẹ chỉ mong, chỉ dám mong có thê! Tội nghiệp cho mẹ!

Bổn phận chúng con phải hơn thế nữa chứ! Ngoài việc nghe lời dạy dỗ của mẹ, chúng con có bổn phận phải làm một cái gì dù bé nhứt cho quê hương yêu dấu trong phạm vi khả năng hiện có của chúng con. Mỗi chúng con sẽ góp cho mẹ một hạt cát xây dựng quê hương, hằng triệu chúng con sẽ có hằng triệu hạt cát làm mẹ bớt đau thương, bớt tủi hổ vì những đứa con bất hiếu của mẹ.

Chúng con sẽ cố gắng chăm chỉ học hành, học với tinh thần mới không nô lệ văn bằng mà chỉ nô lệ "Kiến thức", học với mục đích tạo cho bản thân một sức mạnh tinh thần để dấn thân xây dựng quê hương, để mẹ vui lòng hả dạ tự hào với năm châu bốn bể...

Chúng con nhất định không để "Gia tài trầm lặng" của mẹ cho người ta lấy mất đâu. Dù người ta có tàn phá mẹ, làm mẹ xấu xí như thế nào đi nữa, chúng con vẫn là con của mẹ, những đứa con yêu của mẹ, mẹ ơi!

Không có sức mạnh nào - dù mạnh như bom khinh khí đi nữa - tiêu diệt nổi ý chí bất khuất của dân tộc mình, mẹ ơi!

Mẹ già như chuối ba hương
Như xôi nếp một, như đường mía lau.

Mẹ đẹp đẽ, ngọt ngào như thế, chúng con bỏ mẹ sao được, mẹ ơi!


Hoàng-Đăng-Cấp      

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 81, ra ngày 15-11-1967)


Không có nhận xét nào:

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>