Năm tôi 8 tuổi học lớp tư, tôi là một đứa trẻ tinh nghịch và mưu láo nhất nhà. Trong nhà tôi, vật mà ba tôi quí mến nhất đó là chiếc lọ sứ cũ mà cậu tôi đi Hồng-Kông về mua cho. Hơn nữa, ba tôi là một người rất thích sưu tầm đồ cổ. Thời ấy, tôi xem chiếc lọ ấy rất đáng ghét vì nó rất xấu xí, nước men màu xanh, vẽ các cành cây nhưng nó đã sứt mẻ vì lâu đời. Tôi coi nó như là một kẻ thù, vì nó mà tôi đã từng bị ba tôi "tát tai" mấy lần. Vì tính ba tôi cẩn thận, nên ông đã cho chiếc bình này để trên một tủ nước để góc nhà. Chúng tôi chưa bao giờ dám bén mảng đến gần vì ba tôi đã dặn đi dặn lại nhiều lần. Một hôm, chú tôi ở dưới tỉnh lên có đem theo một đàn con gồm 3 đứa. Nhân lúc chú cùng ba má tôi đi vắng, chúng tôi ở nhà như được "phóng sanh" liền tổ chức cuộc chơi trốn bắt ầm ĩ cả nhà. Vì tuổi nhỏ thơ dại, tôi bất chấp lời dặn ba tôi nên bất kể nơi nào kín đáo mà có thể trốn được là tôi vào. Trong lúc tôi đang núp sau cái tủ nước, trên có để chiếc lọ sứ, bất ngờ người em họ đến vồ tôi. Trong lúc hoảng hồn, tôi vung vai lên, tức thì chiếc lọ sứ của ba tôi rớt xuống đất bể tan nát. Tất cả anh em chúng tôi mặt tái nhợt, đứng trân trối nhìn nhau. Nhưng một "mưu thần" lại hiện ra trong óc thơ dại của tôi. Chúng tôi bèn để nguyên những mảnh vỡ ở dưới đất rồi chúng tôi lại kéo nhau sang nhà bác tôi để tránh những lời tố cáo của chị sen nếu chị ta lên bắt gặp. Chúng tôi vui mừng không kể và tự cho mình là mưu cao ; "Mưu Khổng Minh".
Lúc chúng tôi trở về nhà thì thấy chị sen đang đứng tựa cửa "thút thít". Chúng tôi ra vẻ như không biết gì cả, liền hỏi nguyên do. Chị cho biết.
"Chiếc lọ sứ để trên... bàn... nước, mèo... nhảy bể hay ai làm bể... không biết. Ông bà về đổ cho tôi làm bể. Ông... bà đánh tôi còn đòi cuối tháng... trừ tiền lương..."
Chúng tôi ai ai cũng làm bộ mặt thông cảm với chị, nhưng thật ra thì trong bụng ai cũng vui mừng, sung sướng vì đã "thoát nạn". Chúng tôi liền kéo nhau ra ngoài đường, ai có tiền liền dốc ra để cùng mua kẹo đãi nhau để ăn mừng sự thành công đã thoát qua "đại nạn".
Nhưng không ngờ, đến tối hôm đó, cả nhà đang quây quần chung quanh bộ bàn ghế salon để đọc báo. Ba tôi bỗng thấy một mảnh vụn của chiếc lọ sứ, liền tỏ ý tiếc nhớ. Bé Ái, em tôi, một đứa trẻ sáu tuổi nhanh nhẩu nhứt nhà liền nói: "Chiếc bình này con trông xấu quá ba à! Anh Sơn làm bể là phải lắm". Chúng tôi mặt ai cũng tái nhợt, trong lúc đó ba tôi quắc mắt lên tỏ ý tức tối lắm.
Thế rồi, chúng tôi mỗi người bị "đét" hai chục roi vào người vì dám phỉnh phờ mẹ cha. Chúng tôi bị đau thật, nhưng thật ra ai ai cũng đã cười thầm trong bụng vì đã ăn mừng hụt. Rốt cuộc ai cũng phì cười vì "giấu đầu lòi đuôi" vậy.
NGUYỄN THÚC SƠN
(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 42, ra ngày 1-4-1966)
Không có nhận xét nào:
Không cho phép có nhận xét mới.