Lời mở đầu
Chiến
tranh vẫn tiếp diễn ròng rã trên 20 năm trời. Bom lửa, hận thù cày nát
quê hương mẹ Việt nam dấu yêu. Tiếng nổ của cơ khí văn minh khiến mớ kỷ
niệm từ lâu phủ kín rong rêu trong đáy cùng tư tưởng chợt nổ tung. Bàng
hoàng khi cảm thấy mình quá lạc lõng ; chơi vơi trong biển súng đạn,
trong không khí sôi bỏng căm thù chúng ta đành bám víu vào mảnh phao kỷ
niệm. Ôi kỷ niệm một thời hằn vết trong tháng năm, từ lâu đóng khung vất
bỏ nay được rũ sạch bụi thời gian, trìu mến nâng niu để chúng ta lần về
bên ngày tháng dấu yêu thoắt đã xa vời hiện tại.
Kỷ niệm cho bè bạn
Bữa
tiệc liên hoan chấm dứt. Tao gục đầu trong vòng tay, men bia không làm
tao lu mờ lý trí, chỉ đủ để nhạt nhòa những khuôn mặt quen thuộc chung
quanh. Âm ba cuồng loạn, tiếng nhạc vút cao réo rắt gọi hồn. Ngác ngơ
tao nhìn chúng mày, Minh, Tâm, Anh, Tuấn... ơi, còn gì cho nhau ngày
cuối cùng này : những giọt nước mắt, những lời chia tay... thôi, hết
rồi. Mai tao ra đi, bỏ lại sau lưng tất cả - chúng mày, ngôi trường xưa,
phố thị... và kỷ niệm - để lao mình vào hố thẳm hận thù. Từ nay sẽ
không còn một lần được cùng chúng mày chơi đá cầu bằng mấy sợi lông gà
xanh, đỏ để được chạy đi nhặt cầu vì bị phạt. Vội vàng những lúc cùng
nhau hái trộm ổi, để có lần thằng Hùng bị té phải băng bột một chân mà
chúng mình gọi đùa "người hùng nay đã cụt chân". Đáng nhớ biết bao những
lần giành nhau đem bài lên cho thầy Thanh để được 20 vì là đứa đầu
tiên. Một lần có đứa nhân sai bị thầy phê: "Chưa thuộc cửu chương, cho
xuống lớp năm học lại". Đứa nào thế nhỉ? Phải mày không hở Bình ơi? Vang
cười dậy lớp mỗi lần thầy Mẫn kể chuyện khôi hài. Thơ ngây làm sao khi
đặt biệt danh cho những thầy, cô khả kính : Nào thầy "Quyên cận", thầy
Mẫn giám thị", thầy Bùi đốc Long" mà tụi mình đọc trại thành... thành gì
nhỉ? Chúng mày còn nhớ không? Đầu năm đệ nhị, lên Sàigòn vào học Hưng
Đạo gặp thầy Thái văn Khôi vui tính thường tự đọc lái tên mình thành
Thối văn Khai...
Còn
gì nữa không? Những buồn nhớ mỗi độ biệt ly khi nắm tay nhau hát bản
"Hè về". Những băn khoăn hối hận lần cả lũ rủ nhau "cúp cua" đi xem phim
Độc thủ đại hiệp ở Rex bị thầy dọa gửi thư về cho ba má, nước mắt viền
mi, miệng tía lia năn nỉ: "chúng con lỡ dại thầy ơi". Những ngọt ngào
yêu thương khi chuyền tay nhau một gói me chua trong lớp học, lòng không
ngớt run sợ nguyện cầu: "thầy ơi đừng quay lại". Những hồi hộp đợi chờ
sự linh nghiệm của cuộc chơi bói tên: tao với mày thương nhau nhất sao
lại mang số 4: một thương, hai giận, ba lãnh đam, bốn hận thù mày ơi!
Những
run sợ không dám vào lớp khi chẳng may tới trường trễ giờ vào học.
Những rụt rè của buổi học đầu tiên, không dám vào lớp phải nhờ má dìu
dắt. Những nức nở vụt bật khỏi đôi môi hồng khi thầy nhẹ nhàng han hỏi:
"sao em không thuộc bài". Những hốt hoảng khi không làm bài bị thầy gọi
tên Nguyễn Vũ Thy Anh.
Thôi
hết rồi, còn gì đâu? Những sóng mắt, những môi cười, những rộn ràng
tiếng vỡ pha lê, những gương mặt mấy thằng bạn thân xa xưa lùi dần vào
xó kẹt ký ức. Hết, hết rồi. Đó đây tiếng ve sầu nức nở khóc thương cho
lứa tuổi 19 ngây ngô. Những đóa phượng vĩ ươm máu nằm chết trong những
trang giấy học trò cũng chỉ để trang điểm thêm cho khúc nhạc chia ly
đượm màu buồn thảm.
Thôi,
giã từ phố thị, giã từ chúng mày. Những đứa bạn một thời dấu yêu tay
đan tay tung tăng cắp sách đến trường, giã từ những phương trình, những
hàm số, những công thức, những định lý để trong đời chẳng còn một lần
cắn nát mười đầu móng tay không tìm ra đáp số cho một bài lượng giác,
giã từ tất cả.
Kỷ niệm cho má và em gái
Một
lần đóng quân đồi 43 giá lạnh, vội vàng anh tìm mảnh giấy để viết mấy
giòng cho mẹ và em được yên lòng nhưng cuối cùng đành xé tấm bìa, viết
vào mặt trong của mấy quyển tiểu thuyết em cho anh với lời dặn dò:
"nghiền ngẫm trong những ngày tháng dài, đong đầy thương nhớ nghe anh".
Biết viết gì cho em. Em ơi! Làm sao anh quên được những rạng rỡ môi
cười, những mừng vui rơi nước mắt của má, của em đón anh trong 24 giờ
phép ngắn ngủi. Cả những nét âu lo, nụ hôn từ biệt, tiếng thở dài quay
đầu, vội kéo tay áo lau đôi giòng nước mắt nóng hổi, khi anh xỏ chân vào
đôi giày "bốt", mặc chiếc treillis, khoác lên vai chiếc ba lô nặng
trĩu, nhìn má, nhìn em: "Má ở lại con đi, anh đi nha em gái của anh".
Làm sao anh quên được tia mắt trầm buồn của má lúc đó (đành dùng chữ
trầm buồn vì ngôn từ trở nên bất lực khi diễn đạt nội tâm). Em ơi! Còn
đâu những lần thơ ấu rủ nhau nghịch ngợm những đồ chơi xinh xinh nhỏ bé
bên gốc ổi, gốc bàng để rồi nửa chừng bị má gọi về đánh tội để tay dơ,
ôm mười đầu ngón tay than đau ơi là đau mà nước mắt lặng lẽ viền mi.
Những
bồi hồi e ấp khi lần đầu tiên gặp cô bạn láng giềng có cặp mắt nai đẹp
ơi là đẹp, muốn làm quen nhưng chẳng dám, đành nhờ em trao vội mấy lời
viết trên trang giấy học trò chứa đầy mơ mộng, ngát đầy hương trinh. Còn
đâu những lần xúng xính trong bộ quần áo mới và tiền ba má lì xì mỗi độ
xuân về. Những lần yên ngủ trong vòng tay cằn cỗi nhưng đầy âu yếm của
mẹ già để nghe tiếng võng đưa kẽo kẹt và lời ru "ạ ời con ngủ cho
ngoan".
Thơ
ngây những lần hai đứa giành nhau gói kẹo má mới mua để rồi từng giọt
nước mắt dỗi hờn lả tả tuôn rơi. với câu nói lẫy trong tiếng nấc "nghỉ
chơi anh ra cho mà coi". Những tươi đôi má khi được thưởng 5 đồng vì "kỳ
này con đứng nhất má ơi". Dễ thương những lúc "chó con" say ngủ trong
gầm bàn với tiếng nấc thỉnh thoảng kéo dài vì vừa bị đòn bởi để vở loang
mực tím trên chiếc áo má mới may cho. Êm đềm những lúc hai anh em chơi
trò bán buôn chờ đợi má đi chợ về, nghe cồn cào trong bụng, rủ nhau vào
bếp lục chảo cơm rang, có lần sơ ý đánh vỡ lọ mỡ, ôm nhau thút thít khóc
sợ má đánh đòn. Những buổi sang Đông, nằm nán trên giường nghe cảm giác
lành lạnh len vào cơ thể.
Rồi
khi khôn lớn không còn được má ba âu yếm dẫn đến trường - ngôi trường
làng Trần Hưng Đạo rêu phong phủ kín mang vẻ điêu tàn thê lương nhưng
chứa chất những quả tim non nóng hổi đầy nhiệt huyết. - Hai anh em dắt
nhau đi bộ mỗi sáng 4, 5 cây số ra trường tỉnh ; xứ Banmê giá rét khiến
hai hàm răng đánh lốp cốp và hơi lạnh bốc ra miệng làm hai anh em nhớ
đến đoạn film được coi một thuở xa xưa rồi tự ví mình là người phù thủy
đó (mỗi lần há miệng phun khói là hiện ra một dinh thự đền đài). Những
âu lo tức tưởi kéo dài theo bước chân về nhà lần bị bọn anh em thằng
Thùy bắt nạt.
Những
cái vẫy tay lưu luyến, những tia mắt nghẹn ngào mờ lệ trao nhau tại phi
trường Banmê. Thôi rồi, từ nay ta xa rời xứ Banmê buồn muôn thuở mãi
mãi. Xứ Banmê kia ơi! Mi đã đến với ta, chứa chất vào tim ta biết bao kỷ
niệm dấu yêu. Giã từ mi, giã từ má và giã từ người em gái nhỏ bé thân
yêu nhé! Thơ ngây của khung trời thần tiên tuổi nhỏ xin nhờ mi gìn giữ
để sau này có một ngày nào trở về nhận diện dấu xưa: nơi đây hai anh em
ta chơi nhảy lò cò một thủa, có lần gót chân rướm máu hồng vì đạp phải
mảnh thủy tinh đau ơi là đau mà cố gắng tươi vui khi đi ngang mặt má ;
bụi cỏ này tuy có cao hơn xưa nhưng vẫn còn bóng dáng một lần lẩn trốn
lúc chơi "năm mười". Kìa ngôi nhà xưa! Má ơi! Con xin quỳ dưới chân má
với lời xin sám hối đầu môi, với những ăn năn một lần ra đi là mất mát
tất cả của đáy lòng. Em gái của anh! Hãy tìm lại cho anh tất cả những
thần tiên của một thời bướm hoa dĩ vãng.
Với
đôi tay chắp lên ngực, với lời gào thét: "Thượng đế! Hãy trả lại tôi
những gì tôi đã mất. Khung trời bừng sáng của thời thần tiên giờ đã rời
xa vĩnh viễn, với bầu không khí ảm đạm thê lương của súng đạn, hận thù
hiện tại.
Kỷ niệm cho ba
Buổi
tối má chợt thức giấc gọi "Anh ơi" tiếng kêu tắt nghẹn trong cổ họng,
má vội vàng chạy lại không kịp xỏ chân vào đôi dép cũ kỹ thế mà chì còn
nhìn ba nức nở: "Mình ơi". Ba ơi! Cái chết của ba thật nhẹ nhàng như một
giấc ngủ của nàng công chúa lạ trong rừng thuở nào ba kể cho con. Dáng
ba nằm thật thoải mái với hai cánh tay buông thõng, với đôi môi tái
nhợt. Ba ơi! Cơn lốc cuộc đời kéo ba vút bay lên cả hư vô và xoay vần
những kẻ ở lại vào nỗi muộn phiền giá buốt, cùng những tiếc nhớ hằn vết
trũng buồn lên đôi mắt của má.
Không
gian dừng lại mặc niệm quan tài ba đi lần ra nghĩa địa với tám ngọn nến
lập lòe soi rõ tia mắt long lanh ngập buồn của má và ửng hồng đôi má bụ
sữa thơ ngây của con.
Bị
má la sao không một tiếng khóc tiễn đưa ba đi vào miên viễn, con bấu
mạnh vào đùi... nhưng chỉ cảm thấy xuýt xoa than đau ơi là đau. Khi cầm
cây gậy tang trong tay lại vung lên: "Đấu kiếm không Phượng?" (Phượng là
tên đứa em gái).
Cho
đến bây giờ khi hiểu ra thì ba ơi! Sao ba vội vã rời xa chúng con tìm
về miên viễn không cho con một lần chạy đi mua rượu cho ba. Còn đâu nữa
những lần được ba bồng bế trên tay, lang bang trên bờ ruộng đón những
làn gió bồng tung mớ tóc rối tơ. Còn đâu nữa những vết hằn trên da thịt
khi lỡ lầm phạm tội. Những đau thương đi vào cơn mê ngủ tạo ra những
tiếng nấc tức tưởi trong vòng tay của ba...
Ba ơi! Ba còn gì cho con nữa. Ba ra đi sớm quá. Tiềm thức của con chưa nhận được một kỷ niệm nào khác.
Thôi, kỷ niệm cho ba xin đành để trống trải cô đơn trong tháng năm dài quằn quại.
Kỷ niệm cho người tình
Ngày mai Thy Anh ra đi. Những dấu yêu trìu mến của Mai cho Thy Anh bấy lâu xin đành để vào khung trời kỷ niệm ngọc ngà.
Ngày
mai ấy, từ ngày mai ấy sẽ chẳng còn một lần nhìn thấy Mai trong chiếc
áo dài trắng thơ ngây hương học trò, tung tăng cắp sách đến trường nên
nhờ Phượng trao lại cho Mai quyển nhật ký của Thy Anh (quyển nhật ký bắt
đầu viết vào lứa tuổi 16 tròn mơ mộng)
Mai
biết rằng Thy Anh nghĩ về Mai thế nào không? Anh nghĩ rằng hàng đêm với
quyển sách nhật ký nhỏ bé gối đầu giường, Mai hãy tưởng tượng đến Thy
Anh, một cánh chim non run rẩy ra đi mang theo vô vàn thương nhớ. Nếu
chẳng được vậy, Thy Anh cũng mong Mai nên im lặng cho Thy Anh ảo tưởng
rằng Mai vẫn đang nghĩ về Thy Anh. Đừng làm tan vỡ bọt ảo ảnh ấy. Mai
ơi! Mùa thu nào không có lá rụng, chuyện tình nào không chứa đầy nước
mắt và thương nhớ hở Mai?
Ngày mai Anh đi, mang theo một ít thương nhớ trên bờ môi, còn gì nữa không? Có chăng ngoài những dòng lệ lăn dài trên gò má.
Ngày... tháng... năm... (12 giờ khuya).
Buồn
quá! Tại sao Mai không chịu y hẹn. Không ngờ lòng người giả dối như
vậy. Có ai biết bên ngoài là gương mặt đẹp đẽ thế kia mà trong bụng đầy
nguy hiểm. Đâu những lần long lanh đôi mắt nói tiếng yêu thương. Đâu
những lần cặp môi kia dịu dàng gọi "người ta" tiếng "Anh thương", "Anh
mến".
Hồi
chiều, nhờ Phượng hẹn Mai lại nhà mình để mình rủ Mai đi coi ciné
"khao" mình mới thi đậu tú kép, nhưng chờ đợi mãi chả thấy Mai đâu. Thế
thì còn gì là:
"Yêu nhau năm, sau núi cũng trèo
Thất, bát sông cũng lội, cửu thập đèo em cũng qua"
Ghi
vào tất cả những bức thư của Mai đã gởi cho mình, gọi là để một lần giã
biệt. Nhất quyết từ nay không thèm nhìn mặt con người kia nữa.
(1) "Gia định, 24-6
Anh thân,
Vừa
được anh cho biết là sắp xa nơi này, tôi rất buồn là không được nói
chuyên vui buồn với người tôi mến. Tôi rất lo không biết anh ở đâu và sẽ
ra sao? Đi thì anh nhớ biên thư gởi về nhé. Tối quá xin tha lỗi"
(2) "Gia định, 28-6
Anh mến,
Mai
cám ơn anh lắm nhé. Mai trả lại anh cuốn sách toán Đại Số đó. Mai không
lấy luôn đâu vì còn em của anh nữa chi. Một lần nữa cám ơn anh.
Bữa
trước gặp anh đi vô trường đó, hỏi, bảo là đi kiếm cô Mai vậy là Ngọc
Mai, Phương Mai, hay là Tuyết Mai, để tôi chỉ cho, mà kiếm cô Mai học
cùng lớp hả?"
(3) "Gia định, 4-8.
Anh mến,
Hôm
nay có thì giờ và có dịp để viết thư cho anh, trong kỳ thi vừa rồi anh
có đậu không? Chắc là Anh sẽ đậu cao nữa chứ, nếu đậu anh có ý định đi
chơi đâu không? Vài dòng gởi đến anh xin đừng phiền Mai nhé".
Hừm!
Tức quá! Không thèm sao ra đây nữa. Anh, em, thân, mến... viết hay lắm.
Sao người ta hẹn không chịu lại? Không viết gì hết nữa, ngủ cho khỏe.
Ngày... tháng... năm... (9 giờ)
Đang nằm học bài trên gác chợt nghe tiếng ai quen quen: "Có anh Anh ở nhà không?" Thì ra là Mai.
Con
người phụ bạc đó còn đến đây làm gì? Nhất định không thèm tiếp chuyện
với cô ta nữa. Đồ... sở khanh chưa kịp đóng cửa phòng lại thì con bé
Phượng đã dẫn người ta lên tới nơi. Mình ngồi yên lặng không thèm chào
nhưng cơn giận của mình đã xuống. Mình chỉ muốn quay lại xin lỗi nhưng
cảm thấy kỳ quá... lỡ đóng mặt giận rồi. Không nhìn nhưng mình biết Mai
đã đến sát sau lưng và đặt bàn tay lên vai mình ; một mã lực nào thúc
đẩy mình lắc mạnh đôi vai khiến tay cô ta tụt khỏi.
Thốt
nhiên Mai òa khóc, mình hốt hoảng quay lại xin lỗi "Tại bữa trước chờ
Mai không thấy nên Anh mới như vậy chứ". Trong tiếng nấc Mai đáp: "Muốn
sang Anh lắm nhưng bận quá làm sao đi được. "Thế là "huề" Mai ơi thôi
rồi còn đâu những e ấp tình yêu, những dỗi hờn, những xao xuyến. Ôi! Kỷ
niệm dấu yêu!!
Để thay đoạn kết
Cho
đến một ngày nào ta đi vào giấc ngủ nghìn thu, mớ kỷ niệm kia sẽ lại
lần vào quên lãng để nhạt nhòa trong chiếc quan tài đánh verni đỏ sẫm.
Nên ta muốn một lần được với tất cả những kỷ niệm đó, dù vui hay buồn,
dù ngọt ngào hay cay đắng, dù hững hờ hay tha thiết. Ta đã sống trong
tình thương của ba má, tình của Đỗ thị Bạch Mai, tình yêu thân của bè
bạn với tất cả dịu dàng, trìu mến của em gái - Nguyễn Vũ Linh Phượng.
Đôi cánh tay ta dù bé nhỏ nhưng đủ sức để ôm thật nhiều mộng đẹp. Ta
muốn kỷ niệm hãy nở ngát hương hoa vào những chiều vàng hanh nắng, có
những làn gió bồng bềnh mớ tóc rối, có những tia nắng mong manh như sợi
lụa óng mềm để ta tìm lại những gì đã mất: những nuông chìu của mẹ,
những đòn vọt của cha, những dỗi hờn của Nguyễn Vũ Linh Phượng, những
tha thiết của Đỗ thị Bạch Mai và những thân mật của bè bạn.
NGUYỄN VŨ THY ANH
(Trích từ bán nguyệt san Ngàn Thông số 29, ra ngày 8-7-1972)
Không có nhận xét nào:
Không cho phép có nhận xét mới.