Thứ Bảy, 15 tháng 4, 2023

Làm Việc Xã Hội

 

Thư của em NTBH Saigon:

"... Mặc dầu bận học, nhưng ngày nghỉ em rất thích đi cô nhi viện giúp các em bé, hoặc làm những công ích gì khác...

Thứ bảy trước ghé thăm bạn, em thấy chị ấy đi phát thuốc cho đồng bào nghèo, em xin đi theo.

Em lại còn về nhà xin chị em thuốc nữa cơ. Thế nhưng em mới đi được có một buổi, thì bạn em ngỏ ý biểu em đừng đi! Em sững người! Em có vụng về gì không? Nhưng mới có một buổi, em còn xa lạ thành ra ít nói lắm. Thôi em chả đi nữa để bạn em khỏi bị phiền. Tại sao họ không muốn cho em đi hả chị? Họ có muốn độc quyền làm việc thiện không chị?

... Có lẽ vì nhiều trở ngại mà nhiều người không giúp ích gì nhau được phải không? Nhiều khi rảnh rang, ngủ cả chiều thứ bảy, chủ nhật, em chán nản, uể oải lắm chị ạ. Càng lớn em càng thấy mọi người không chịu hiểu nhau, thích làm khổ nhau. Còn chi tiết nữa là ở nhà em nhàn lắm. Em ngại giao thiệp. Má em thương tụi em lắm..."

TRẢ LỜI:

Đọc thư em, chị hoàn toàn thông cảm. Đó cũng là tâm trạng chung của một số em nhiệt thành, nhiều thiện chí, muốn giúp ích, nhưng rồi gặp vài lần như em, dần thành thui chột đi, như là gặp một khối băng, và ngọn lửa của tuổi trẻ tàn lụi dần.

Dân mình hiện nay mắc một cái bệnh thật đáng tiếc, đó là bệnh nghi kỵ. Thành ra mọi người trở thành bi quan, ít ai tin rằng lại có người tốt, chịu làm một việc hoàn toàn vô vị lợi. Mà nhiều khi sự nghi kỵ lại đúng. Có em viết thư cho chị, nói rằng em muốn vào một cô nhi viện kia thăm các em bé nhưng không được phép, sau nhân có người giúp việc, trước có làm trong viện, kể lại mới biết rằng bà giám đốc không thích ai thăm ngày thường, vì các em bị cư xử tệ quá, quần áo dơ dáy, bú cả ngày đêm có 3 cữ, đói quá gặm tay phát lở ra luôn. Duy những ngày nào có quan khách báo trước, bà mới cho ăn diện đàng hoàng thành ra rất được khen ngợi. Nếu sự thực mà xẩy ra như vậy, thì chị em mình chỉ còn biết cầu thượng đế, Ngài giúp cho các em bé đáng thương, cho lương tâm những người lợi dụng các em sớm thức tỉnh, chứ không còn cách gì khi mà người ta đã đem chính các em ra để làm bình phong.

Nhưng chị tin tưởng rằng những trường hợp đó ít thôi. Mình không thể vin vào một thiểu số mà mất tin tất cả. Chị đã thấy trong những vụ nhà cháy, các em H.Đ.S lăn vào lửa để giúp đỡ, các thanh niên thiện chí lặn lội khơi cống hốt rác, các phụ nữ hàng tuần vào bệnh viện để săn sóc cho số bệnh nhân khổng lồ, mỗi ngày mỗi gia tăng khủng khiếp, từ các miền hỏa tuyến ùn ùn được chuyển về.

Số người có thiện chí âm thầm làm việc rất nhiều. Mà có lẽ cũng chính vì còn có nhiều tâm hồn như vậy, nên dù đã gần ba chục năm nước ta chìm trong khói lửa, mà tinh thần dân ta còn được như ngày nay. Chứ cứ xem chỉ mới có 6 năm chiến tranh mà một giống dân kiêu hùng như dân Đức, tinh thần cũng đã suy sụp hơn mình rồi.

Trường hợp em, chị nghĩ rằng có lẽ bữa em đi phát thuốc đó vì mới đi lần đầu, em e ngại nên không vui, vì thế các bạn của bạn em thấy khớp. Bởi vì đi cho, đi giúp, mình cần có bộ mặt vui vẻ, người cho khỏi lầm là mình khinh họ, mà tủi thân. Hoặc giả phát thuốc cần một yếu tố là biết qua về thuốc v.v... Dẫu sao, em không đi nữa là phải. Nhưng đừng vì vậy mà vội nghĩ rằng họ muốn độc quyền. Em nên ráng cởi mở hơn trong tư tưởng, thì cuộc đời sẽ tươi đẹp hơn. Muốn giúp ích, lúc nào và ở bất cứ đâu em đều có thể làm. Không phải cứ tới cô nhi viện mới là giúp. Giúp mà ở nhà, giúp các em, giúp dạy dỗ dùm trẻ con lối xóm. Giúp nhà bà con nào có người đau yếu. Các em nhỏ nào mặc áo rách, đứt nút em khâu dùm. Đi chợ, mua dùm đồ cho bà con. Em ơi! Đầy dẫy những việc tốt đẹp cần tới bàn ta của người thiện chí.

Ngay lúc nầy, em đem quần áo của nhà ra khâu vá rồi tới của trẻ lối xóm. Thứ bảy này em tựu các em nhỏ trong xóm lại, dẫn đến một công viên nào đó, dạy một bài hát, cắt hết các móng tay dài. Chủ nhật em giúp mẹ một ngày nội trợ. Em sẽ không có thì giờ mà ngủ. Việc đó rất thích hợp với tính thích ở trong gia đình của em. Thí nghiệm đi, với nụ cười, đời sẽ tươi đẹp bên em.


Chị Đ. P. K.      

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 34, ra ngày 16-4-1972)
 

Không có nhận xét nào:

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>