Viết cho ĐTV
Tôi bước xuống đò với một niềm vui rộn ràng, đò chòng chành mặt nước xao động, khuôn mặt tôi tan vỡ theo những vòng tròn của nước. Tôi ngồi xuống thanh tre bắc ngang qua lòng đò dựa sát vào mạn ghe khoan khoái nhìn chung quanh, một vài người đàn bà vịn thanh tre cắm sào, bàn chân như bấu chặt thành ván bước xuống. Ông lái đò nhìn lên bờ rồi nhổ sào. Ông chống thanh sào dưới cát bồi lần từng bước cho đò ra giữa dòng. Gió mát thật dễ chịu từ miền sông dứa thổi xuống, đã lâu lắm tôi mới trở về đây. Mấy năm miệt mài ở tỉnh vẫn không làm cho tôi quên cái quê hương nghèo nàn thương yêu. Cuộc ấu thơ của tuổi dại vẫn hoài hoài trong tim, ươm hồng những hơi thơm của lúa chín. Tuổi thơ ấu của tôi được nuôi dưỡng bằng những ngày thật bình dị, mộc mạc chất phác của người dân ở đây.
Tâm hồn tôi thật xôn xao vì những niềm vui xa xưa. Chiếc cầu xe lửa thời còn Pháp vẫn còn nhưng bây giờ đã gẫy ngang. Rêu đóng đầy chân cầu và những đám cỏ mọc um tùm bên bờ đất mọc lan xuống sông gần như che lấp chân cầu. Hồi đó tôi vẫn thường theo lũ bạn nhỏ rủ nhau ra sông tắm. Mỗi lần có tiếng xe lửa hú từ đàng xa, chúng tôi không đợi gọi nhau mà đến gần chân cầu để xem những người tỉnh cho thật thỏa thích. Tiếng xe lửa xình xịch, xe đen ngòm với những chiếc đầu "Thật tỉnh thành" ló ra. Chúng tôi nhìn họ với cặp mắt hiếu kỳ và vẫn thường mơ ước được ra tỉnh một lần thôi để về khoe với chúng bạn những gì mình đã nghe và đã thấy. Nhưng những ý nghĩ đó chỉ thoáng qua thôi, cuộc đời của chúng tôi vẫn êm ả không xáo động nếu... không có chiến tranh xảy ra. Từ những vùng lân cận rồi đến làng tôi không mấy chốc. Thoạt đầu tôi vẫn không để ý, lúc đó tôi đã học được lớp ba trường làng, vẫn hằng ngày rủ nhau đi tắm, làm diều bay bay trong những chiều nắng hạ. Ngoại tôi cho tôi theo cậu và mẹ lên tỉnh khi cậu về quê và cho biết tình hình an ninh. Ngoại tôi và dì Hai ở lại theo hồi xưa "lo mồ mả tổ tiên". Tôi theo cậu lên tỉnh với niềm náo nức, những ham muốn ngày xưa lại trở về dẫy đầy. Sáng mai lên tỉnh mà tôi còn ngồi với lũ bạn nhỏ chia nhau những quả táo tàu mà cậu tôi đem từ tỉnh về. Táo tàu ngon thật, nhưng tôi cảm thấy buồn buồn vì sẽ xa quê tôi. Được sinh ra và nuôi sống bằng những mộc mạc của quê hương, tôi vẫn còn mang nặng tính chất miền trung nghèo khổ, lũ bạn tôi vẫn nhắc:
- Lên trển mầy nhớ gởi cái này về ăn nghe mậy.
Những náo nức lên tỉnh của tôi tan biến sau một tuần ở tỉnh. Tôi nhớ quê tôi quay quắt và vẫn thường nói với mẹ tôi đưa về. Năm năm sống trong thương nhớ quê vẫn ăm ắp trong lòng. Cứ mỗi độ ve reo là tôi lại buồn, tôi thường ngồi bên cửa sổ thầm nhớ quê hương và lũ bạn nghèo trong nước mắt. Tôi vẫn không thường khóc vì thuở nhỏ tôi đã khóc nhiều đâu? Ngoại và mẹ thương tôi vô vàn. Thế mà tôi đã khóc những chiều, những tối mùa hạ chói chang...
Đò đã cặp bến, tôi xách "sắc" và mấy gói táo tàu, như ngày xưa đã hứa, bước lên miếng gỗ ẩm nước. Men theo mấy bụi tre tôi bỏ đường cái để rẽ vào một con đường nhỏ. Con đường này đi một khoảng là dẫn đến đầu làng tôi, ngọn cỏ xanh mơn man vào chân làm tôi vẫn nhớ những ngày xưa đi chân không trên bùn và cỏ ướt. Cỏ khứa không làm tôi khó chịu trái lại mang cho tôi một kỷ niệm dễ yêu trong khoảng nhớ. Bụi tre sừng sững ở đầu làng vẫn cao vời vợi. Ngọn lá phướn mỗi độ Tết đến trên ngọn tre hấp dẫn bọn tôi không ít, nhất là tin dựng nêu bắn ra. Bọn tôi hay đang ăn cơm hay đang cắt môn bạc hà, đang xới củ mì đều bỏ hết mà chạy thật nhanh đến đầu làng để nhìn ngọn phướn đó phất phới trong cơn mưa lất phất. Miền Trung tôi vào dịp tết đến vẫn lạnh và mưa nhiều. Nhưng là mưa xuân cơ, những nhung nhớ của tôi càng chất đầy thì cảm xúc lại làm cho tôi rưng rưng không ít. Như một kẻ thiếu vắng bóng mát ngàn cây lâu ngày, tôi uống thật vội vã, thật đầy những hiện hữu vào tim. Cảm xúc làm cho tôi nghẹn ngào, thật còn những mật ngọt nào cho tôi không nữa?
Ngôi đình ở đầu làng bị sụp một bên mái, trên cột trụ nổi vẫn còn vết lủng của đạn, rêu phong đầy vẫn ấp yêu mái ngói, con đường mòn gập ghềnh nghe chai cứng. Chân hơi đau tôi cảm thấy khó chịu, một thoáng ý nghĩ qua tôi cởi giày đi chân không. Đâu đấy thật im lặng. Cái nắng của miền quê trải dài trên lúa úa, trên tàn cây rộng mát với nghìn lời ca yêu thương. Mùi thơm thoang thoảng của bần vàng đâu đây, một mình tôi đi trên yêu thương nghe chừng như sữa ngọt. Vết chân đi trên cỏ xanh thật êm ái. Bóng người bù nhìn phất phới giữa đám lúa héo tàn, đất đã khô cằn vì ánh nắng gắt gay hay vì bom đạn (?) Một loáng nước thật đục bên gò mả thấp, hình ảnh này thật quen thuộc khi mỗi độ nắng cháy trở về. Tôi ngậm ngùi, miền Trung tôi vẫn suốt đời khổ sở. Mùa mưa thì nước thật nhiều, dâng ngập cả ruộng lúa, mùa hạ lại nắng cháy nứt đất, thiêu lúa. Những hoang tàn xung quanh làm tôi chợt thấy tủi cho thân phận quê tôi thật hiu hắt. Quê nghèo không an ninh vẫn cằn cỗi, khó sống, ruộng lúa miền Trung không cò bay thẳng cánh như miền Nam, không cây ăn trái màu mỡ, không lụa màu như lụa Hà Đông. Quê tôi không có gì ngoài mảnh đất khô dăm ba gốc lúa, vài đám khoai mì, sắn. Toàn những thứ trừ cơm qua ngày tháng. Rồi những ngày chiến tranh tới quê hương mến yêu mất tất cả không còn gì ngoài tâm hồn nấn níu quê hương còn vấn vít...
Tôi bước vào thềm gạch đỏ của ngoại, mấy hàng cau trắng phơi trước sân và một đám củ mì vừa mới đào còn dính đất. Thấp thoáng trong sân vài chú gà đang mổ lúa, yêu thương vô vàn dâng đầy mắt, có cảnh nào xúc động hơn khi trở về quê hương không hở?
Tôi đứng một lát cho xúc động vơi bớt, ngoại tôi còm cõi bên đám rau khoai, bằng một giọng thật khẽ tôi mím môi rồi bật ra:
- Ngoại!
Ngoại tôi quay lại, bà nhận ra tôi, thằng cháu bé bỏng của bà ngày xưa mà bà từng ẵm bế:
- Mi đó phải không Lâm? Mạ mi không về à?
Tôi buông sắc và mấy gói táo tàu chạy lại bên bà nũng nịu như ngày xưa còn bé:
- Không ngoại à ; ngoại có gì cho con ăn với, ngoại còn làm kẹo mè không hở?
Ngoại tôi bật cười:
- Mi giống như hồi nớ nghen Lâm. Háu ăn kẹo mè không khác gì mạ mi khi trước.
Tôi mỉm cười bẽn lẽn và tung tăng chạy vào trong, mùi rơm khô sau hè hơi âm ẩm. Có lẽ mưa hôm qua, hôm kia còn trữ nước. Tôi ngồi trên phản gỗ, lâu ngày đã lên nước bóng loáng. Dì Hai ở ngoài vườn nghe tôi về chạy lên tíu tít:
- Mi về đó hả Lâm? Dữ không, bây chừ trông lớn tệ, hôm mô cho tôi "ăn hậu" đây cậu?
Tôi khúc khích:
- "Ăn hậu" hay "ăn cỗ" hả dì?
Dì tôi âu yếm mắng:
- Mồ tổ mi, nói bậy không (?)
Giọng Huế trọ trẹ khó nghe nhưng tôi nghe như một dòng sữa chảy vào tim thật mát dịu, tôi muốn lịm chết trong dòng sữa ấy quá!
Tôi đứng dậy đi ra sau bếp: vẫn như xưa, chuồng bò ở cạnh bếp, đám môn bạc hà xanh ngắt trong hàng rào mồng tơi những quả tím ngắt như nhắc nhở lọ mực tím ngày xưa. Hồn tôi reo vui, trầm vang những bao la rộng lớn trong lồng ngực nhỏ bé. Không gian im ngắt ngoài tiếng động sột soạt của mấy chú gà phá phách. Đâu đây có tiếng máy bay xa xa...
Tôi soạn đồ đạc lấy mấy xấp vải cho ngoại và dì, những quả cam vàng để cúng ông ngoại, tôi chợt nhớ ra, khẽ gọi:
- Ngoại ơi, tụi con Xí, thằng Chiếu, Minh với con bác Ba còn ở đây không? Cả anh Nghĩ hay làm diều cho con nữa?
Ngoại tôi lấy khăn lau mặt như che giấu giọt nước mắt, tôi biết chuyện không lành nên trố mắt nhìn ngoại.
- Hôm máy bay rớt ở gò Ôn Đổng, thằng Tèo, con Xí tới chộ không ngờ máy bay nổ, tội nghiệp, mồ tụi hắn chưa xanh cỏ...
Tôi mở lớn mắt nhìn trừng trừng vào khoảng không, hình ảnh hai đứa bạn nhỏ thơ ngây của tôi xa xưa. Ôi những đứa bạn tuổi thơ đã lịm chết trong tiếng nổ quái ác. Nước mắt đã tràn đầy má, rơi trên tay, ngoại tôi vẫn buồn buồn:
- Còn thằng Minh con bác Bảy đầu xóm đi chăn trâu với thằng Nghĩ, không dè trâu đạp nhằm lựu đạn, hai đứa nó cùng ngồi một con trâu để làm diều, làm tụi nó chết cả hai...
Tôi gục đầu trên tay, nhớ lại khuôn mặt bướng bỉnh của thằng Minh, thằng bạn thân nhất trong cuộc đời thơ ấu. Và anh Nghĩ với những mùa hè tuyệt diệu bên cạnh những con diều trắng bay trong không gian nắng đỏ hôm nào. Chiếc sáo tre mà anh Nghĩ đã bẻ ở tre xú để làm sáo cho tôi, cho Minh.
Tháng năm nào đã ra đi, tôi cũng đã ra đi nhưng khi trở về để tiễn chân mấy thằng bạn nhỏ về lòng đất. Trái tim nào rướm máu, lòng người nào không buồn với những cảnh xót tan? Nhưng hợp tan như bây giờ có chua xót không hở? Những quả táo tàu còn đây nhưng tụi mày ở đâu? Tao có mua thêm mấy cuộn chỉ màu ở tỉnh về cho tụi mày làm diều đây. Mùa này diều lên cao lắm, tao chờ đợi những giây phút này để trở về cuộc sống xa xưa nhưng bây giờ và cho đến ngàn sau khi tao nhắm mắt cũng không còn nữa. Tôi không hiểu có cuộc chiến nào có can đảm kéo dài nữa không? Những lời cậu tôi dặn dò trước khi tôi về quê vẫn còn văng vẳng:
- Con về dưới có yên thì ở chơi lâu lâu cũng được, nhưng nếu không yên thì nên về sớm mà nói ngoại cùng đi lên trên này luôn. Chỉ sợ con về không được lâu vì bây giờ người ta đánh dữ lắm, ở dưới chết cũng đã nhiều...
Tưởng ngày trở về sẽ được hòa khúc yên vui với mùa hè dễ mến, nhưng nào ngờ... Tôi thở dài đứng dậy, bóng thằng Chiếu quen thuộc hiện ra ở cửa ngõ, thằng Chiếu đen nhiều và lớn hơn, trong lòng tôi còn sót lại một niềm an ủi. Tôi và thằng Chiếu cầm tay nhau không nói, tôi nghẹn ngào nhìn nó:
- Con Xí em mày chết bao lâu rồi?
Thằng Chiếu quăng cục đá ra xa, mắt nhìn về cuối chân trời.
- Gần hai tháng nay rồi.
Tôi im lặng, một vài con chim lẻ bầy bay trên nền trời xanh, chiếc trực thăng lù lù hiện ra, Chiếu đưa mắt nhìn và chỉ:
- Đó chiếc máy bay giống đó đó, rớt xuống...
Cục nghẹn ngào chận ngay cổ thằng Chiếu nghe thật xót xa.
Im lặng thật lâu, tôi chợt nhớ ra:
- Mày ngồi đây nghe, tao vào lấy cái này một tí đã.
Tôi trở ra với cuộn chỉ màu và bao táo tàu đưa cho thằng Chiếu:
- Cái này tao cho mày làm diều đó, còn táo tàu thì... hồi trước tao hứa với tụi mày khi nào về quê đem cho tụi mày, nhưng bây giờ thì chỉ còn mày...
Thằng Chiếu mân mê cuộn chỉ màu, khe khẽ:
- Từ hôm anh Nghĩ chết đi tụi tao không còn làm diều nữa, tụi tao đâu có biết làm. Làng mình bây giờ không còn diều để thả và chiều chiều nghe tiếng sáo của anh Nghĩ nữa. Bần mùa này cũng chín nhiều lắm nhưng tụi tao đâu dám chèo đò đi hái bần đâu...
Nghỉ một lát, thằng Chiếu nói tiếp:
- Chỗ cành bần de ra sông bây giờ sâu lắm, Ma Da cũng nhiều nữa!
Tôi thẫn thờ nhìn cánh diều của làng bên phất phới trong màu nắng óng ánh:
- Tao biết làm diều, hôm nào tao bày cho tụi mày... còn sáo thì tao chịu, không biết thổi cũng không biết làm.
Nắng chiều thật vàng từ bên kia núi dọi xuống thế gian. Màu nắng ngập đầy trong ánh mắt, tàn lá thầu đâu thật mát với tiếng rả rích của ve sầu. Tôi nhắm mắt thả hồn chìm trong quá khứ, quá khứ bao giờ cũng đẹp, cũng dễ yêu. Ngày trở về tôi tưởng được trở lại vùng êm ấm ngày xưa, được gặp lại mấy đứa bạn quê vui tính nhưng giờ chỉ còn là nuối tiếc. Quê hương nghèo khổ của tôi trồng dẫy đầy củ mì để thay cơm. Củ mì ngọt bùi đượm mùi thơm tho. Những tưởng cái gì ở quê tôi đều khổ cực, cũng thiếu thốn, luống cày ngày xưa được cày bằng trâu, bò nhưng chừ khỏi cần vì đã có đại bác xới thay. Năm ba mẫu đất của ngoại tôi không còn dùng được nữa. Phương tiện dẫn nước vào ruộng thật thô sơ khi xưa bị bom dội hư nát. Người ta đã không giúp đỡ những phương tiện mới cho quê tôi còn nhẫn tâm phá hủy.
Quê hương của tôi ơi, tôi còn gì cho quê hương đây? Được may mắn trở về để nhìn cảnh này hay sao? Biết than thở gì? Thôi đành nhỏ một giọt lệ khiết tinh xuống vùng đất khô cằn, để nẩy mầm ước mong được nhìn quê hương lại như ngày xưa. Ngày xưa thân ái thật nghèo nàn nhưng có nghìn trùng hạnh phúc đong đầy tình quê hương.
VƯƠNG PHI
(Trích từ bán nguyệt san Ngàn Thông số 6, ra ngày 20-7-1971)
Không có nhận xét nào:
Không cho phép có nhận xét mới.