Thứ Hai, 31 tháng 10, 2016

Thu Trầm Mơ


ngàn điệu thu ca thơm hương mùa
cho tim chiu chắt ý vu vơ
lối chiêm bao trong đêm bỏ ngỏ
chân mây rất nhẹ tuổi xa mờ

mắt ngây đoanh tròn giọt mộng hiền
thoáng nghe giấc ngủ đến bình yên
tơ xưa thêu thùa lên thơ ấu
em thêm lần nuối tiếc thân quen

sỏi đá im lìm buổi mười lăm
hồn nhiên qua bước thật âm thầm
buồn len theo nắng vào lớp học
ươm tóc em dài sợi bâng khuâng

phấn thông rơi nhiều những mến thương
ngây ngô rộn cánh bướm sân trường
dấu tích ơi ngậm ngùi thu cũ
tiếng hát quyện mềm hương khói sương

rồi cánh vành khuyên ru xôn xao
thần tiên vương đỉnh núi ngọt ngào
em dỗ êm đềm vào giấc ngủ
tiễn đưa lần vuốt mắt gửi trao

ngày đã mơ hồ bóng ngóng trông
chờ mong gợi ý tưởng ngại ngùng
em gọi tên buổi chiều tàn tạ
nụ cười buồn môi thoáng nhớ nhung

hồn nhiên vừa luyến chút bâng khuâng
lớp học ngoan hiền như tháng năm
em viết lời buồn vào trong vở
với nỗi mơ thầm như dấu chân

triền nắng thu trầm sao ngác ngơ
thiên hương nhè nhẹ thoảng xa xưa
đơn sơ màu tuổi hồng một thuở
còn lại muộn phiền này đong đưa

vườn ngọc xanh ngát phiến lá cây
hoa mộng hiền mơ nở đầy tay
niềm vui còn long lanh trên mắt
hay đã điệp trùng theo dáng mây?

cỏ non thanh thản ngọt ước mơ
em như gặp gỡ với tình cờ
nỗi buồn nào hong khô xác lá
cho thu luyến áo lụa vàng mơ. 

                          PHẠM THỊ DIỄM PHÚC
                            (Bút nhóm Hoa Nắng)

 
(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 163, ra ngày 15-10-1971)

Bìa của Vi Vi : Mài kiếm Lê Lợi

Chủ Nhật, 30 tháng 10, 2016

Cặp Kính Cận

       
Chúng tôi đã ngồi vào bàn ăn. Chao ôi! Thật là nhiều món, xanh đỏ lập lòe trước mắt tôi. Quái! Hôm nay chị Năm để mâm sao lại tuốt về bàn bên kia làm tôi chẳng nhìn được món gì. Các màu xanh đỏ thi nhau nhẩy loạn xạ trước mắt làm tôi bối rối. Nhưng không sao, tôi đã có cách. Tôi bèn hỏi ướm chị Năm:

- Chị Năm, chị Năm, món gì mà xanh lè vậy hả?

Chị Năm vui vẻ:

- Đậu xào thịt đó, món cô Yến thích nhất đấy!

- Thế còn cái gì đo đỏ vậy?

- À, cà chua nhồi thịt ấy mà!

- Thế còn, thế còn… món…

Tôi chưa kịp nói dứt lời thì Oanh, em kế tôi, cái con nhỏ thật lắm chuyện nhất nhà và cũng ranh mãnh số một, phá lên cười nghiêng ngả:

- Ha! Chị Yến khôn há. Cận thị mà… đâu có thấy gì…

Rồi con nhỏ hoa tay múa chân, quay cuồng như đèn cù trước mặt tôi:

- Chị Năm đừng có chỉ cho “chỉ”, để cho chị ấy bốc nhằm đĩa màu vàng này nè, ngon lắm hà… hà…

Tôi trừng mắt nhìn nó, nghi ngờ:

- Nè nè, nói trước nói sau đàng hoàng, rành mạch nghe. Nhà này hai ba người cận thị chứ không phải một mình tao nghen nhóc. Mày nói ai cận thì chớ. Đừng có dọa. Đĩa màu vàng này là thịt gà xé chứ gì, bộ tao không biết sao?

Tôi vừa nói, vừa nhiu nhíu mắt lại để nhận diện rõ ràng xem trong đĩa đựng gì trong khi lỏi Oanh tiếp tục khiêu khích tôi:

- Mốc xì. Giỏi thì chị ăn đi… Ngon lắm!

Con nhỏ này áp dụng chiến thuật lừa cũng khá hay. Tôi nghĩ thầm. Tôi nguýt nó một cái dài lê thê hằng mấy chục cây số, đoạn thản nhiên lấy thìa xúc thịt đặt vào bát mình và lấy và để. Bỗng tôi hét lên:

- Í, trời ơi! Chết tôi rồi!!

Tôi đưa tay chận lấy ngực, cố gắng nuốt vội miếng cơm vào bụng. Bạn có biết gì không? Cái món vàng vàng mà tôi tưởng là thịt đó, không phải đâu mà là con nhộng vàng ươm, mềm mềm, trơn trơn nằm lê la trong bát cơm trắng của tôi. Tôi nhìn những con nhộng trơ trẽn, nằm tênh hênh trước mặt rồi nhìn chị Bằng, chị Hà, lỏi Oanh đang ôm bụng cười ngặt nghẽo… Nhất là tiếng cười lanh lảnh của chị Hà làm tôi tức quá, tôi vùng vằng:

- Gì mà cười, bộ chị không cận hả? 5, 6 độ ,mà còn làm bộ!!

Chị Bằng – hiền nhất nhà – thế mà chị ấy cũng không tha tôi. Chị ỉ vào đôi mắt sáng như đèn pha của chị mà chế tôi không ngớt. Chị tủm tỉm cười vừa xúc một thìa nhộng to tổ bố đút lọt vào mồm:

- Thôi! Lên nhà lấy kính đeo đi, không thôi tụi nó ăn hết thức ăn à cô nương!

Tôi nhìn chị nhai nhộng mà nuốt bọt đánh “ực” một cái. Kinh khủng quá. Vậy mà chị vẫn hể hả giục:

- Lên lấy kính nhanh lên, hết đồ ăn bi giờ…

Nói xong, chị hối hả thúc mấy chị em tôi ăn ráo riết làm cho tôi sốt cả ruột. Đã bực mình lại càng bực mình thêm. Chẳng nói chẳng rằng, chẳng thèm khách sáo và cũng chẳng cần tự ái, tôi phóng lên nhà vác đôi kính cận 4 độ xuống tỉnh bơ ăn uống ngon lành. Tuy nhiên, thỉnh thoảng tôi mới liếc nhìn một cái, rùng mình thật mạnh khi thấy đĩa nhộng vàng lườm dần dần vơi. Tôi nhăn mặt, bảo chị Năm:

- Chị cất cái đĩa này đi chỗ khác đi…

Tức thời, lỏi Oanh – lại cũng nó, chúa phá đám mà – phản đối ngay:

- Làm gì mà đem đi, để em ăn nữa chứ… Cận thị… Cận thị mà… còn… sợ… nhộng!!

Đấy! Các bạn xem nó có hỗn không. Bộ cận thị… Ừ! Trên thế gian này ai cận thị cũng phải thích, phải thèm ăn cái con nhộng khủng khiếp đó sao phải không các bạn. Vô lý quá nhỉ. Tôi nhất định không chịu cái lối đó. Tôi quay sang chị Hà, liếc dài:

- Kìa! Em gái quí của chị bảo chị cận thị phải ăn nhộng, sao từ nãy giờ chả thấy chị đụng đũa gì cả vậy hỉ?!?!...

Chị Hà – khôn lắm nhá, chị ấy theo phái Trung Dung mà, chị giảng hòa một cách khôn ngoan:

- Thôi mà Yến, hôm nay chị ho, với lại nhộng hôm nay không ngon… chị không ăn đó chứ…

Bạn có thấy không, chị ấy khôn chưa. Luật sư tương lai đấy nhá! Thôi! Chả thèm cãi nhau với mấy “bà cô” ấy nữa, vừa tốn calo, mất thì giờ lại vừa mất những món ăn béo bổ. Thế là tôi cắm đầu ăn vì để lâu kẻo nguội và không ăn thì đi học có nhiều triển vọng “kiến bò bụng” lắm lắm đó bạn ạ. Bây giờ thì tôi xin kể hầu bạn câu chuyện của tôi nhá:

Bạn có bị cận thị không nhỉ? Ồ! Nếu có thì tôi và bạn ngoéo tay chúng mình kết nghĩa Vườn Đào nhé! Tuy chúng ta không yến tiệc, không rượu nồng, đào thơm như cái ngày kết nghĩa xa xưa của ba anh em Lưu Bị, Quan Vân Trường và Trương Phi, nhưng tôi tin rằng tình của mình sẽ thắm thiết rất nhiều dưới sự chứng kiến của đôi kính cận bốn độ này.

Ai có cận thị mới biết nỗi khổ vì bị cận thị. Thật là thiệt thòi quá phải không bạn. Nè nhé, muốn nhìn một cô gái đẹp cũng khó khăn, muốn mua vải may áo cũng không phải dễ dàng nếu không có đôi kính hộ tống bên người, đề bảo vệ đôi mắt ngàn vàng của mình. Chẳng biết các bạn có thích đeo kính chăng? Riêng tôi, tôi chúa ghét nó mặc dù tình trạng sức khỏe của đôi mắt tôi, đáng lý ra nó phải hiện diện bên tôi suốt ngày. Thế mà (các bạn để cho tôi thở một hơi nhé) bất đắc dĩ lắm, tôi mới cho phép nó ngự trên mặt mình. Các bạn thử tưởng tượng một con bé học đệ Nhị niên khóa 69-70 này với mái tóc lơ thơ đếm đủ 3 sợi thế mà còn bày đặt tết ngôi soan, ngôi siếc, với chiếc áo dài rộng thùng thình không eo, nhét bẩy người vào cũng lọt và với đôi kính cận dầy cộm, chao ôi! Coi không chịu được. Vì thế cho nên, tôi quyết ly khai nó, ngay từ khi biết mình cận 4 độ ngọc ngà. Bạn có thấy nỗi khổ của tôi chưa, nó bao la là dường ấy. Thế mà… thế mà động một chút là má tôi la tôi, mỗi khi má nhờ tôi treo cho bà chiếc màn vải ngoài cửa để tránh nắng xiên vào nhà. Tôi nào có thấy những cái đinh đâu mà treo. Tôi liền trả lời:

- Con đâu có thấy đường, má!

Tức thời má tôi liền mắng ngay:

- Con gái gì mà có mắt như mù, cái đinh to bằng cái mả thằng ăn mày thế mà không thấy. Rõ khổ, cái đồ cận thị…

Đó thấy chưa, bạn có thấy tôi khổ không. Tôi chẳng biết đổ thừa lỗi này cho ai cả. Ba à! Ba có làm gì đâu. Đổ cho má à! Má cũng chẳng làm gì tôi cả. Thế là tôi tức tốc đi hỏi ba, ngay lúc ba má tôi vừa ăn cơm ở nhà trên đi xuống. Tôi hỏi liền:

- Ba, ba có cận không ba?

Ba tôi thoáng ngạc nhiên, nhưng ông cũng trả lời:

- Không.

- Bà nội có cận không ba?

- Không.

- Ông cố, bà cố có…

- Chẳng có ai cận thị cả.

Ba đã không giải được thắc mắc của tôi rồi. Tôi không nản liền quay sang má. Lần này thì tôi hỏi liền tù tì từ đầu đến cuối.

- Má mà, ông ngoại, bà ngoại, ông cố, bà cố, có cận thị không má?

Má tôi ngạc nhiên, bà phì cười đáp gọn:

- Không!

- Thế sao tụi con một lũ bị cận thị vậy má. Này nhá : chị Phương (chị cả đã lập gia đình) cận sáu độ nè, rồi đến chị Hà cận bốn độ 75 tăng thêm một độ loạn thị nè, rồi tới con, sơ sơ mới bốn độ và hy vọng rất nhiều bé Mai út ít trong nhà cận mười độ lắm à má!!

Má tôi càng ngơ ngác hơn, bà ngắt lời tôi:

- Mày nói lắm thế, để tao hỏi ba chúng mày xem!

Bà quay sang ba tôi:

- Ông này, hay là tổ tôn mình bị cận hả ông?

Bỗng nhiên, chúng tôi lăn ra cười, đứa nào đứa nấy mặt đỏ như gấc. Cười không ngừng, cười sặc sụa khiến ba tôi nhăn mặt, ông mắng chhúng tôi:

- Ơ hay, chúng bây hỗn thế. Mẹ mày nói gì mà chúng bây ôm bụng cười vậy hở?

Tức thời, chúng tôi nín bặt, mặc dù đứa nào cũng cố mím môi mím lợi để khỏi còn bật tiếng cười vô lễ trước mặt ba má tôi… Một lúc sau, lỏi Oanh – cũng nó – nhe răng cười lên tiếng trước:

- Tụi con nghe má nói “Tổ tôn”. Vậy tổ tôn là gì hở ba?

Lần này thì ba tôi cười thật làm tôi cũng cười theo trong khi má tôi giải thích:

- Tổ tôn là Tổ tiên đó nghe chưa, sao tụi bây ngu quá vậy. Sở dĩ tao phải gọi như vậy là vì ông Thần Hoàng trong làng tên Tiên…

Ba tôi giơ hai tay lên trời tiếp má:

- Bà sao cổ hủ quá hà. Bộ có một mình cái ông Thần Hoàng làng tên Tiên ở trên đời này không bằng!

Oanh nói luôn, nó vẫn không chừa cái tật bàn góp ý kiến của mình với người lớn:

- Mấy chị yên chí đi, mai mốt chị Phương sanh, em cho chị đặt tên con chị ấy là Oanh đó! Đó là một sự hân hạnh cho mình phải không ba?...

Chúng tôi ào ào đồng ý kiến của nó và vỗ tay ủng hộ ba tôi. Má tôi chịu lép vế rồi. Bà đưa mắt nhìn lũ con – tìm đồng minh – Thế là chị Hà về phe má liền:

- Con không chịu – Phong tục nước mình phải giữ. Thần Hoàng là vị được người dân trong làng trọng vọng, kính sợ vì thế phải kiêng tên của ngài ra chứ… phải không má!

Má tôi gật đầu hài lòng, và nhoẻn miệng cười:

- Ừ! Có thế chứ. Cho mày học Luật sư được. Mai chủ nhật, cho mày đi xi nê!

Tụi tôi, một lũ còn lại, tiếc ngẩn tiếc ngơ. Biết vậy, hồi nãy về phe má cho rồi… Chúng tôi đang ngơ ngẩn vì bỏ lỡ dịp may hiếm có thì ba tôi đã hỏi má, phá tan sự mơ mộng của tụi tôi:

- Ừ! Quên, hồi nãy bà hỏi tôi cái gì? Hả?

Má tôi trả lời, dè dặt từng chữ:

- Tôi hỏi, hay là tổ… tiên của mình bị cận.

- Ờ hờ, có thể, có thể… lắm chứ…

Rốt cuộc, cả ba, cả má chẳng có ai giải thích ổn thỏa cho tôi biết tại sao mình lại bị cận mặc dù chúng tôi chẳng thức khuya, dậy sớm để học gì cả. Ba cấm mà lỵ! Chết cha! Từ nãy đến giờ mải kể chuyện cho các bạn nghe! Trễ giờ rồi. Thôi tạm biệt! Tôi sửa soạn đi học đây!

*

Miệng tôi méo đi, nước mắt sắp sửa xuống đường. Tụi bạn thật ác. Tụi nó giấu cái kính của tôi đâu mất rồi. Tới giờ làm bài kiểm mà tụi bạn làm điệu nầy chắc tôi nộp giấy trắng quá. Tôi tức tủi, tiếng khóc bị nghẹn lại nơi cổ họng làm cô tôi ngạc nhiên:

- Ủa! Sao khóc vậy Yến?

Tôi đứng dậy nhìn quanh:

- Thưa cô mấy chị giấu mất kính của em rồi!

Cả lớp cười ầm lên làm tôi đỏ mặt, tôi lúng túng kéo vạt áo vân vê. Cô quay xuống hỏi cả lớp, giọng cô thật nghiêm nghị:

- Em nào giấu kính của Yến thì trả em ấy đi!

Cả lớp im lặng. Tụi bạn tôi hèn ghê! Làm mà chẳng bao giờ nhận cả. Cô ra lệnh ngưng làm bài, hỏi một lần nữa. Thế mà có ai chịu nhận đâu. Cô lắc đầu lẩm bẩm:

- Các em chơi cái trò gì lạ vậy? Thật là quá quắt lắm!

Tụi bạn khúc khích cười. Còn tôi, tôi nghi cho con nhỏ Kim Mỹ này quá. Nó ngồi cạnh tôi và cùng nổi tiếng nghịch ngầm nhất lớp. Đã bao lần nó giấu kính của tôi mà mặt vẫn tỉnh bơ. Hôm nay, mặt nó cứ ngơ ngơ ra, thế mà chốc nữa tan trường, thế nào nó cũng cười hì hì giơ cặp kính của tôi và tuyên bố cho cả lớp nghe:

- Ơ! Đôi kính cận này của ai hỉ? Mà để vào tay Mỹ đây!

Càng nghĩ tôi càng giận. Tôi vừa làm bài vừa ấm ức. Tức chết đi mất. Tôi đưa chân ngoéo vào chân Mỹ:

- Chốc nữa về mày biết nghen Mỹ!

Con nhỏ ngồi im. Đúng nó rồi chứ ai vào đây nữa. Mi đem cặp kính của ta về kho tiêu đi nghen nhỏ. Tôi liền ngoéo chân nó một cái nữa, tức thời, nó véo tôi một cái thật đau và la lên:

- Làm gì mà cứ đụng người ta hoài vậy?

Ha, con nhỏ coi vậy mà đóng kịch tài ghê! Diễn viên xuất sắc hạng nhất đó. Tôi bắt đầu giận nó rồi. Tôi thầm nghĩ chơi kiều này thì tôi bị lỗ nhiều quá… Tôi nộp bài vừa đúng lúc hết giờ… Chuông tan học đã vang, tôi mong nó trả lại cặp kính để ra về, thế mà nó vẫn tỉnh khô. Mỹ nhìn tôi hầm hầm, nó nhiếc:

- Mai đừng nói chuyện với tao nghe Yến, ngồi trong lớp mà day qua day lại như khiêu vũ vậy…

Và nó hất mặt bỏ đi. Tôi ngạc nhiên:

- Giỡn hoài, trả kính tao chứ Mỹ.

Nó quay lại, tròn xoe mắt:

- Kính gì?

- Kính cận của tao!

- Xí, lãng xẹt, ai thèm lấy của mày!

Thế là nó quay đi và lần này nó đi thật, không thèm ngó lại nữa mặc cho tôi réo gọi. Chẳng biết hôm nay ngày gì mà xui quá. Tôi lẩm bẩm và hấp tấp lấy xe ra về. Bây giờ thì tôi cảm thấy lo lo. Cặp kính của tôi đâu mất rồi. Nếu có bề gì chắc tôi chết quá. Tôi thầm mong vở kịch chóng kết thúc và con Mỹ sẽ đem trả cặp kính thân yêu của tôi. Nhưng qua nét mặt của nó, có lẽ nó không lấy kính của tôi thật. Tuy thế, tôi vẫn hy vọng, bám víu vào tài đóng kịch của nó để tin tưởng nó giữ kính của tôi. Tôi cho xe thẳng đường về nhà. Gió thật mát khiến lòng tôi dịu lại. Mải suy nghĩ vẩn vơ, tôi cho xe tông vào sau một xe Honda xanh. Cô gái ngồi trên xe quay lại:

- Ơ! Đi gì mà đụng cô vậy Yến?!

Tôi giật thót mình, ai như cô Việt văn. Mồ hôi tôi toát ra. Tôi cúi mặt lí nhí xin lỗi cô đoạn phóng xe đi thẳng. Lần này thì tôi bực mình thật rồi. Buồn, tức, lo, giận lẫn lộn làm tôi muốn điên lên. Tôi cho xe đi ra giữa đường vì ở hai bên vệ đường, nước ngấp nghé làm bắn tung những vấy bùn bẩn thỉu mỗi khi có xe vụt qua. Gió mát làm tung mái tóc mỏng của tôi. Tôi thấy nhồn nhột ở gáy như những lần Oanh lấy bông ve ve bên tai, những khi tôi ngủ quên dưới đất. Xe chạy chầm chậm, bây giờ tôi thấy bớt giận rồi… Bỗng có tiếng còi ô tô sau lưng. Tiếng còi xe inh ỏi:

- Tin… tin… tin…

Cha, ỷ có xe hơi làm le, bóp còi toe toe làm le hàng phố đây. Đã vậy cho hết làm tàng luôn. Thế là tôi cho xe nghinh nghinh chạy ra giữa đường. Tiếng còi xe càng giục càng thúc, tôi càng thản nhiên cho xe chạy từ từ trước mặt. Tôi quay lại, nheo mũi một cái, tủm tỉm cười thầm nghĩ: “Cho đáng đời, hết le lói nghen chú”.

Con đường Trần Quang Khải hôm nay dài chi lạ. Chiếc xe hơi vẫn lẽo đẽo sau lưng không tài nào vượt qua mặt tôi được. Kể ra thì tôi cũng “ác” thật. Dân cận thị mà dám phóng xe giữa đường thì quả là gan to bằng cái bánh đa nướng hả bạn! Đã đến đầu đường, tôi cho xe từ từ tốp để đổ xăng. Bỏ mặc cho chiếc xe hơi tức tối vút qua trước mặt. Tôi nhìn theo lẩm bẩm:

- May cho chú nghe, lần sau chừa cái lối làm phách đó đi!

Bỗng nhiên, tôi mỉm cười bâng quơ và tưởng tượng (mất kính nên không thấy…) khuôn mặt của chú lái xe. Chao ôi! Chắc là tức cười lắm há. Tôi về đến nhà hồi nào cũng chẳng hay. Vừa vào đến thềm, chị Năm đã lấm lét nhìn tôi:

- Ông cho gọi cô Yến lên lầu!

Tôi ngạc nhiên:

- Có chuyện gì vậy chị Năm?

- Tôi cũng không biết nữa.

Tôi chẳng thèm hỏi nữa. Cái chị thật ấm ớ, ở nhà mà chẳng biết chuyện gì xảy ra thì thật là vô tích sự. Tôi quăng cặp trên bàn, hấp tấp chạy lên lầu. Tiếng guốc gõ lốc cốc trên nền thang. Tôi vừa chạy vừa lên tiếng:

- Dạ! Ba gọi con hở ba?

Cửa mở và tiếng ba tôi quát lên:

- Yến! Lên đây tao bảo. Quá lắm! Quá lắm!

Tôi càng ngạc nhiên, có chuyện gì vậy cà. Tuy thế, tôi vẫn lễ phép hỏi ba tôi, lúc đó đang cầm phất trần trông rất dữ:

- Dạ! Có chuyện gì hả ba?

- Có chuyện gì hả? Hừm! Con nhà mất dạy. Lớn rồi mà như con nít. Bộ mày bé lắm hả? Ghê thật, chúng mày bây giờ xem cha mẹ chẳng ra cái thớ gì cả. Con gái mà đi đường thì nghinh nghinh lên, vác cái mặt lên trời. Để rồi mẹ mày dạy, xem chúng mày có nên người không?

Ba tôi nói một hơi dài. Tôi cúi mặt và thoáng hiểu. Thiên địa ơi! Tôi than thầm không ngớt. Tôi đưa mắt nhìn quanh phòng: Má, chị Bằng, chị Hà và cả lỏi Oanh cũng im lặng, khuất phục dưới sự giận dữ của ba. Ba đập chổi phất trần lên bàn. Tay tôi run lên, nước mắt đoanh tròng, long lanh trong mắt. Ba tôi quát lên:

- Mày còn cho là oan hả Yến? Lại đây tao bảo!

Mặt tôi tái xanh và lệ rơi lã chã xuống má:

- … Dạ!...

- Tại sao lúc đi học về, mày cứ cho xe lượn trước mặt tao hả???...

- Tại… tại…

- Tại sao??

Tôi đáp thật nhanh:

- Con nhỏ bạn nó giấu mất cái kính của con chứ bộ! Hu… hu…

Có lẽ ba tôi tức cười lắm. Tôi nghe loáng thoáng tiếng nhỏ Oanh nói với má và tiếng khúc khích cười của hai chị:

- Chỉ cận thị 4 độ mà má!

Rồi ba tôi quát lên át cả tiếng nó:

- Không xuống lau mặt ăn cơm còn đứng đó hả? Tao đập chết bây giờ…

Tôi nuốt vội nước mắt. Tôi len lén nhìn ba, khuôn mặt ba lờ mờ. Tôi thấy thương ba ghê. Tôi đã vô tình làm ba giận. Con xin lỗi ba nha! Tôi bước xuống bếp, lại lavabo rửa mặt. Bỗng tôi đứng sựng lại, há hốc mồm: Cặp kính cận nằm chễm chệ bên cạnh hộp xà bông…


YẾN NGUYỄN     


(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số116, ra ngày 15-10-1969)


oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>